Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 44 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

441 - Bà Bốn Thời
NỖI ĐAU “CON TỰ TÚC”
Nông dân sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2010).
Thời chống Mỹ là thành viên Thanh niên xung phong trong “Tiểu đoàn bà Thao” ở địa phương nổi tiếng đánh Mỹ. Từng làm đám cưới với đồng đội ở chiến khu nhưng sau đó chồng đã sớm hy sinh.
Sau 75 trở về đời sống thường dân dù không con vẫn ở vậy thờ chồng cho trọn nghĩa phu thê. Đến lúc cảm thấy cần có con để tìm niềm vui cuộc đời thì đã quá lứa, hơn nữa sống trong cảnh nghèo nơi vùng sâu vùng xa miền núi – xã Tiện Hà, huyện Tiên Phước – đàn ông trai tráng bỏ làng đi kiếm sống nơi khác nên khó kiếm được chồng.
Đành chấp nhận “xin” một nguời đàn ông đã có vợ “truyền” cho một mụn con để trong nhà sớm tối có tiếng nói, tiếng cười người khác. Hiện tượng “xin” con như vậy khá phổ biến ở vùng này đối với nhiều chị cựu TNXP cựu chiến sĩ đồng cảnh ngộ, tất cả được gọi nôm na – một cách “chính đáng” công khai – là “con tự túc”!
Đứa con kể trên là bé giá được đặt tên đẹp là Tuyết nuôi dạy khôn lớn cho ăn học đàng hoàng. Nhưng đến năm em 14 tuổi một buổi chiều đi học về gặp trời giông bão đã bị… nước lũ cuốn trôi mất!

442 - Lê Thành Ứng
LỘT VỎ DỪA BẰNG… 1 NGÓN TAY!
Nông dân sinh 1942 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2010).
Tham gia kháng chiến chống Mỹ tại quê hương Đồng khởi. Năm 1966 trong một trận chống càn bị thương nặng cụt cánh tay trái (tới khuỷu) và bàn tay phải chỉ còn duy nhất ngón tay út.
Sau 75 là thương binh 1/4 về sống nhờ vào mảnh vườn trồng dừa 3.000m2 cha mẹ để lại. Lấy vợ sinh được 6 con nên dù có lương thương binh cả gia đình vẫn sống chui rúc trong căn nhà lá nền đất nứt nẻ rách nát, con lớn lên đi làm thuê khắp nơi kiếm sống qua ngày.
Năm 1993 vợ mắc bệnh ung thư vay mượn tiền đưa lên Sài Gòn vào bệnh viện thì đã muộn.
Vợ mất, phải nai lưng trả nợ nhưng cả nhà (còn vợ chồng đứa con trai thứ năm cùng con trai út sống chung) không biết đào đâu ra tiền để trả, bản thân mình thì tàn tật có làm gì được đâu. Bí quá mới bắt chước ngươì khác ở vùng quê xứ dừa làm nghề “dễ nhất” là lột vỏ dừa cho chủ hàng dù chỉ còn… 1 ngón tay! Bằng cách đặt trái dừa lên con dao chuyên dùng vào việc này rồi dùng cùì tay trái đè xuống cho ngón tay út bàn tay phải ra sức nhấn vào vỏ để tách từng miếng ra. Phải kỳ công tập luyện đến độ cùi tay, ngón tay toé máu (có khi bị lưỡi dao lẹm vào) mới lột vỏ rành nghề, nhanh như người còn hai bàn tay bình thường.
Mỗi ngày có thể hoàn thành 500 trái với giá công lột vỏ 120 trái được… 9.000 đồng! Gom tiền để trả nợ như thế cũng chỉ như muối bỏ biển. May là chủ nợ tới nhà đòi nợ thấy cảnh nhà qua tang thương cũng chẳng còn lòng dạ nào để réo nợ nữa!
Nhưng còn nỗi đau thầm lặng hơn tất cả là đứa con út đang mạnh khoẻ bỗng dưng đổ bệnh tim bỏ học nằm nhà mỗi tháng tốn tiền thuốc hơn 1 triệu đồng không ăn thua gì, muốn mổ phải 100 triệu đồng chịu thua thôi. Nên con đã 27 tuổi vẫn nằm một chỗ ốm o gầy mòn mặt mày tái nhợt xanh xao.
Vậy mà đây là đứa con từ nhỏ đã được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp cả nhà thoát nghèo nên mới được cha mẹ đặt tên là… Lê Phú Hộ!

443 - Nguyễn Xuân Liên
TÁI HIỆN KHÔNG GIAN CHIẾN TRANH CŨ
Doanh nhân sinh khoảng 1943 tại Hà Nội. Sống ở Quảng Bình (2009).
Dân Hà Nội nhưng từng trải qua 10 năm làm y tá lăn lộn trên tuyến lửa Quảng Bình nên sau chiến tranh vẫn không quên bao kỷ niệm thời gian khổ máu lửa nơi vùng đất này.
Vì thế năm 2003 khi về hưu một mình muốn quay về sống ở Quảng Bình tìm lại kỷ niệm một thời trai trẻ chiến đấu hào hùng trên quê hương Quảng Bình. Vợ không chịu thế là chấp nhận ly hôn chia tài sản để quyết theo đuổi giấc mơ Hậu chiến của riêng mình.
Bèn bán nhà ở Hà Nội rồi trở lại vùng chiến đấu Vực Quành xưa kia ở Quảng Bình (cách TP Đồng Hới 15km) âm thầm mua đất xây dựng lại những di tích chiến tranh xưa như hệ thống đường hầm, giao thông hào, hầm tránh bom, hố bom, cầu làm bằng thùng phuy, bệnh viện, trạm xá, lớp học, kho bãi, vỏ đạn… Kèm theo những vật dụng sinh hoạt của người dân Quảng Bình thời đó như chõng tre, cuốc xẻng, cối giã gạo, mũ rơm, nôi đưa con…
Ngoài ra còn cả một khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Quảng Bình với cuốn sổ ghi chép thông tin tên tuổi và mộ chí nằm ở đâu. Nhưng riêng mộ chí của người em trai của mình đã hy sinh thì vẫn còn… để trống.
Tất cả chỉ để cho mọi người đến tham quan miễn phí từ giữa năm 2003 như một bài học lịch sử trực thị trực quan tại chỗ. Một việc làm quá khác người khiến bị gọi là “Ông Liên khùng”! Nhưng người đến thăm, xem ngày một nhiều từ du khách đến các trường cho học sinh đi tham quan như một tiết học “lịch sử thực nghiệm”.
Mọi sự đang diễn ra êm đẹp như vậy thì thình lình giữa năm 2009 cả khu lưu niệm chiến tranh “tư nhân” này bị một cuộc hỏa hoạn – có lẽ từ số đạn, thùng đạn cũ được sưu tầm làm kỷ vật chiến tranh ở đây – làm… cháy tiêu gần hết!
Nhưng tin rằng rồi tất cả sẽ được tái dựng lại một lần nữa với con người ý chí son sắt này: “Tôi không hiểu vì sao kỷ niệm về những ngày chiến tranh ác liệt đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Hình như thời gian không thể làm hao mòn ký ức đó của tôi… Mãi mãi về sau này tôi vẫn không thể nào quên được nghĩa tình người dân nơi đây. Đó là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…”

444 - Nguyễn Xuân Luỹ
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 19
Thương binh sinh khoảng 1944 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2000).
Vào bộ đội năm 1962 chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị, vợ cũng đi thanh niên xung phong ở mặt trận khác, xa nhau từ năm 1964.
Đến năm 1967 tại Quảng Trị cả đơn vị bị pháo địch dập chôn vùi tất cả tưởng ai cũng hy sinh hết rồi. Bản thân cùng đồng đội được khâm liệm đưa về Vĩnh Linh ở bờ bắc Quảng Trị làm lễ truy điệu. Toàn thân bất động máu me tùm lum đã được bọc bao ni lông lại chuẩn bị chôn cất thì lại bị máy bay Mỹ thả bom phá tan tành trạm xá. Nhưng nhờ vậy mà bọc ni lông bọc xác mình bị bung ra để lòi ra… người còn thoi thóp thở!
Người dân vội vàng đưa vào bệnh viện cứu sống rồi được chuyển ra Nghệ An an dưỡng. Nhưng khi đó đơn vị đã báo tin tử trận lên cấp trên nên mẹ già ở quê đã nhận được… giấy báo tử! Địa phương cũng đã công nhận vinh danh liệt sĩ.
Tất cả đều không ngờ năm 1970 thì “liệt sĩ” xách ba lô ra quân về nhà với hạng thương binh 2/4!
Năm 1972 vợ cũng bị thương được xuất ngũ về quê làm ruộng nuôi con. Nhưng chồng không thể giúp gì được do bị quá nhiều thương tích trên cơ thể, năm 1995 được bác sĩ giám định toàn thân còn bị dính .... 707 mảnh đạn pháo còn sót lại trong người (riêng 2 bắp chân đã đếm được gần 100 mảnh qua chụp phim) – một kỷ lục chiến tranh! Trầm trọng nhất là những vết thương trong sọ não thường xuyên làm nhức đầu khiến nhiều lúc như mắc bệnh tâm thần, hay bị động kinh, choáng, ngất xỉu, đi đâu cũng phải nhờ người đỡ đi.
Gia cảnh lại quá nghèo phải nuôi 6 con (một đã bệnh mất sớm) học chưa được bao nhiêu thì phải nghỉ ở nhà làm lụng giúp mẹ. Cả nhà được liệt vào danh sách hộ thiếu đói trong xã, thậm chí còn được miễn cả tiền đóng… đảng phí!
Đáng chú ý từ đó đến nay danh nghĩa “liệt sĩ” vẫn chưa chính thức bị xoá do thủ tục rắc rối từ địa phương lên tới Bộ Qiuốc phòng. Bởi vậy có nguyện vọng được xác minh cho tăng hạng thương binh từ 2/4 (trước kia chưa đủ phương tiện khám kỹ như sau này) lên 1/4 nặng nhất – hoàn toàn hợp lý - để được nhận mức hỗ trợ hàng tháng nhiều hơn giúp đỡ đần thêm chút ít cho gia đình đến lúc đó vẫn chưa thực hiện được.

445 - Nguyễn Xuân Năng
QUÁI KIỆT BÓNG BÀN
Thương binh sinh 1952 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2007).
Năm 1972 vào bộ đội ở Thanh Hóa trong khi luyện tập thì gặp tai nạn gặp đạn B 40 phát nổ làm bị thương cụt cả 2 tay phải (từ cùi chỏ) nằm điều trị mất 2 năm trời. Sau đó đành xuất ngũ sớm.
Năm 1977 về quê lấy vợ rồi dựng quán ven đuờng cho vợ bán nước chè, còn minh cụt 2 tay vẫn ráng đạp xe đi mua hoa quả các vùng quê về chợ bán lại lấy tiền nuôi con ăn học (1 trai 3 gái). Bằng 2 tay cụt – và cả chân nữa - đã tập làm đủ mọi việc để đỡ đần việc nhà gúp vợ từ giặt áo quần, quét nhà đến công việc đồng áng trồng lúa, mò cua bắt ốc…
Để một người tàn tật như mình có đủ sức làm việc đã tìm đến với thể thao như một phương pháp tập luyện bồi dưỡng sức khoẻ trong đó chọn môn bóng bàn mê nhất. Năm 1995 bắt đầu tập đánh bóng bàn bằng cách buộc luôn cây vợt vào 2 cùi tay cụt cùng nắm lại để đánh, sau chỉ cần cột vợt vào một mỏm tay thôi. Cứ như thế tập ròng rã hơn 2 năm, mỗi ngày từ sáng đến 10 giờ tối. Cùi tay và mỏm tay cột vợt vào bầm tím rồi lở loét hết vẫn tiếp tục đánh, cuối cùng chỗ bầm tím cũng chịu thua… thành sẹo luôn!
Kết quả từ năm 1997 liên tục giành nhiều thành tích cao trong các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế, đoạt hàng chục huy chương Paragames VN, Đông Nam Á lẫn Châu Á – Thái Bình Dương. Ba lần Vô địch quốc gia người khuyết tật, Á quân Đông Nam Á, thắng cả người khuyết tật còn đủ 2 cánh tay!

446 - Nguyễn Xuân Nguyên
ĐƯỢC SINH RA LẦN NỮA
Thương binh sinh tại Nghệ An. Sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu (2010).
Lấy vợ được một tháng thì đã lên đường vào chiến trường miền Nam. Tại mặt trận Quảng Trị bị thương ở đầu suýt mất mạng.
Sau 75 được về phép thăm vợ rồi lại tiếp tục được điều vào chiến trường biên giới Tây Nam, vợ vẫn ở lại Nghệ An chăm sóc cha mẹ chồng. Rồi vợ sinh con gái đầu lòng ngày đêm trông ngóng chồng trở về thăm con. Nào ngờ một ngày kia được tin chồng đã mất tích sau một trận đánh dữ dội song vợ vẫn không tin anh đã chết mà vẫn bôn ba khắp nơi nghe ngóng tin tức chồng.
Thực sự thì chồng chỉ bị thương chưa chết. Nhưng bị thương rất nặng, đôi chân bị giập nát đến quá đầu gối phải nằm liệt một chỗ trong trại thương binh Long Hải ở Bà Rịa. Nằm lâu bất động nên vết thương lở loét, hai chân teo lại cộng thêm vết thương cũ trên đầu tái phát biến mình thành như một thân xác “bầy nhầy” héo tàn.
Trong tình cảnh tang thương như vậy, khi biết tin vợ đã sinh con càng nặng thêm mặc cảm không dám gặp vợ con nên dặn không cho ai báo tin mình còn sống. Xem như ở trong trại thương binh trốn vợ con luôn suốt hơn 10 năm trời!
Mãi đến năm 1989 có một đồng đội thấy tội nghiệp vợ bạn chạy đôn đáo khắp nơi dò hỏi tin chồng khiến không đành lòng giấu sự thật nữa mà nói cho vợ bạn biết bạn mình vẫn còn sống. Thế là hai mẹ con tức tốc vào Nam, đến trại thương binh tìm chồng và cha.
Tuy nhiên lần đầu khi vừa nhìn thấy chồng và cha trong bộ dạng “trông không còn hình người nữa”, cả 2 mẹ con phải… hét lên hoảng hốt như gặp ma, con ôm mặt bỏ chạy còn mẹ… xỉu ngay tại chỗ! Người chồng người cha bị đặt vào tình cảnh “oan gia” trớ trêu chỉ còn biết lớn tiếng xua đuổi 2 mẹ con về quê làm lại cuộc đời đi vì phận mình vậy là đã hết rồi.
Dù vậy, cả 2 mẹ con vẫn kiên quyết không về mà ở lại luôn để chăm sóc anh. Rồi dần dần thời gian trôi qua cùng với tình thương của vợ và con gái, tâm hồn người thương binh nặng trở lại bình tĩnh nguôi ngoai, chấp nhận sự tái hòa nhập với cuộc đời. Và điều thần kỳ là vết đau cơ thể có lẽ nhờ vậy cũng giảm bớt.
Khi tình hình sức khỏe hồi phục khá hơn đã được trại thương binh cấp đất cho làm nhà ở riêng gần đó, vợ kiếm thêm việc làm phụ nuôi con khôn lớn trưởng thành làm chuyên viên máy tính. Bây giờ thì nụ cười đã trở lại với người tưởng như từng chết đi sống lại: “Chính mẹ con cô ấy đã sinh ra tôi một lần nữa.”

447 - Nguyễn Xuân Oánh
TÁC GIẢ TỪ “ĐỔI MỚI”
Nhà kinh tế sinh 1931 tại Bắc Giang – Mất 2003 ở TPHCM (82 tuổi).
Di cư vào Nam, qua Mỹ học tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ĐH Harvard Mỹ danh giá. Trở về miền Nam cộng với mối quan hệ với Mỹ nên được chế độ Ngô Đình Diệm trọng dụng trong lĩnh vực tổ chức, điều hành nền kinh tế. Từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng quốc gia và 2 lần làm thủ tuớng ngắn ngủi năm 1964, 65.
Đến chế độ Thiệu – Kỳ chuyển qua làm doanh nhân song vẫn giữ vai trò cố vấn kinh tế cho chính quyền.
Sau 1975 vẫn ở lại chứ không di tản ra nước ngoài và vẫn được chính quyền mới cộng sản tham vấn (không bị đi cải tạo) như một cố vấn lĩnh vực kinh tế. Một phần vì sự nghiệp hoạt động của ông chủ yếu chỉ trong lĩnh vực chuyên môn kinh tế hơn là chính trị, hơn nữa vốn thuộc một gia đình có truyền thống yêu nước chống Pháp.
Từ đó đã góp phần chuẩn bị, thiết kế giúp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất, thực hiện chính sách Đổi mới đất nước – tập trung về kinh tế – từ năm 1986. Từ “”Đổi mới” chính do ông nêu lên trong một cuốn sách in ở Sài Gòn vào thời điểm trước Đổi mới, theo đó đổi mới nhắm tới thực thi một nền kinh tế thực dụng mở hướng cho tư nhân tham gia, chấp nhận giá trị thị trường hơn là tập trung bao cấp kiểu cũ bảo thủ đồng thời mở rộng quan hệ với các nước có nền kinh tế tư bản khác mình.
Tuy hợp tác với chính quyền cộng sản – kể cả Quốc hội, Mặt trậnTổ quốc, báo chí - nhưng luôn cố giữ một vị trí độc lập của người trí thức đứng đắn đầy trách nhiệm, tư cách thẳng thắn. Từ năm 1999 đã đặt vấn đề Đảng Cộng sản cần thay đổi giao quyền nhiều hơn cho những người ngoài đảng.
Cuối đời theo ảnh hưởng của bà vợ nguyên nữ diễn viên tài danh Thẩm Thúy Hằng “Người đẹp Bình Dương” đã tìm về với triết lý đạo Phật hướng tới sự an bình tâm linh đạt trạng thái “Không thứ gì của quá khứ ràng buộc tôi nữa, lòng tôi vô cùng thanh thản.”

448 - Nguyễn Xuân Thuận
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 20
Nông dân sinh 1956 tại Nghệ An. Sống ở Kiên Giang (2010).
Năm 1974 lên đường vào Nam chiến đấu, tham dự trận đánh Xuân Lộc tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau đó được điều qua chiến trường biên giới Tây Nam.
Thế rồi trong một trận đánh chống quân Pol Pot ở Hà Tiên đã bị trúng đạn vào đầu và được người dân trong vùng cứu sống song từ đó mất trí nhớ luôn. Đựơc một bà mẹ ở Kiên Giang nhận làm con nuôi rồi cưới vợ cho.
Trong lúc đó ở quê nhà bị xem là mất tích nên cũng không có giấy báo tử chính thức. Bố mẹ đành lập bàn thờ vọng hương khói cho con.
Về phần “liệt sĩ” thì vẫn an phận ở mảnh đất cuối vùng đất Nam bộ mang bệnh “quên hết” cùng vợ cày cuốc làm nông sinh được 4 con xem như thành dân Nam bộ luôn mà không còn nhớ gì về quê hương gốc gác xưa kia của mình. Cho đến một ngày nhân xem tivi nghe câu hò xứ Nghệ mà vốn truớc kia mình hát rất giỏi mới bắt đầu nhớ lại quê Nghệ An nhưng vẫn quên hết tên bố mẹ, nhà cửa ở đâu.
Đên đây thì con cái đã lớn, trở thành sinh viên có học nên biết cách giúp truy tìm tông tích bố. Kết quả là cuối cùng con trai đã tìm được dòng dõi quê nội ở Nghệ An nên năm 2008 đưa bố về lại quê hương sau 34 năm lưu lạc tưởng đã chết rồi.
Vậy nhưng chuyến hành trình tái ngộ đoàn viên này suýt chút nữa cũng không thành khi xe đò chở cha con chạy đến Thừa Thiên – Huế thì bị… đâm xuống hố làm 7 người chết! May mà 2 cha con sống sót – riêng “liệt sĩ” thêm một lần nữa bị bầm dập cả người - để cuối cùng cũng “về nhà” được gặp lại bố mẹ đã hơn 80 tuổi.

449 - Nhất Hạnh
“THUYỀN NHÂN”
Thiền sư Phật giáo pháp danh Thích Nhất Hạnh, nhà văn tên thật Nguyễn Xuân Bảo sinh 1926 tại Huế. Sống ở Pháp (2010).
Đây là người đã sáng tạo ra từ “thuyền nhân” (boatman, thật ra bắt nguồn từ dịch giai thoại PG trước đó)) khi ông khởi xướng và tham gia chiến dịch đưa tàu qua Hong Kong thực hiện việc cứu vớt những nguời vượt biên từ VN năm 1976-77.
Cuộc đời ông là cả một thiên truyện dài độc đáo hiếm có về một tu sĩ Phật giáo dấn thân vào đời vì mục đích phụng sự con người và nền hòa bình nhân loại, từ một tu sĩ thiên tả chống chiến tranh, chống chế độ cũ phải đi lưu vong ở Mỹ trước 75 (đi học đại học rồi bị cấm về nước). Sau 75 lại rơi vào cảnh đều không được 2 phía chấp nhận: Không thể về nước do có lập trường quan điểm nhân đạo chủ nghĩa – đứng về phía người vượt biên - khác hẳn chế độ cộng sản thời sau 75 trong khi vẫn bị phe chống Cộng ở hải ngọai tẩy chay vì tư tưởng phản chiến thiên tả trước đây.
Nhưng cùng nhờ định mệnh an bài như vậy mà đưa đến một bước ngoặt trong sự nghiệp hành đạo khi quay qua sáng lập, xây dựng nên một chi phái Phật giáo khác ở hải ngoại tập trung ở Pháp và Mỹ mệnh danh là “Đạo ông Bụt”, “đạo tràng Làng Mai” thắm đẫm tính triết lý và nhân văn sâu sắc kết hợp giữa đạo Phật, thiền học và chủ nghĩa nhân bản hiện đại. Một kiểu “PG nhập thế” phục vụ xã hội và con người như từng làm ở miền Nam trước 75 (lập trường thanh niên Phật tử phụng sự xã hội…).
Nếu còn ở trong nước, việc đó khó thành. Điển hình là năm 2009 đã xảy ra mâu thuẫn chung quanh vụ tranh chấp tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng giữa các đệ tử ở trong nước với Giáo hội PGVN.
Ngoài ra còn sáng tác, viết sách truyền bá tư tưởng, lý thuyết “đạo Phật mới”, “đạo Phật hiện đại hóa” của mình với hơn 100 tác phẩm thơ văn đủ thể loại – truyện, tạp bút, nghiên cứu, dịch thuật… -- được dịch ra nhiều thứ tiếng. Vơi vốn kiến thức uyên bác, chan hòa triết lý cuộc sống thực tiễn, tư tưởng sâu sắc mà phóng khoáng cùng tầm hoạt động rộng mở cả trên bình diện quốc tế đã tạo được cho mình một nội lực văn hóa mạnh mẽ, phong phú nên hầu như có thể dễ dàng viết bất cứ thể loại nào – dễ đọc - cũng đều đạt chất lượng cao đầy tính thuyết phục. Tất cả đều quy về soi rọi, làm sáng tỏ triết lý thiền và chủ nghĩa nhân đạo cao cả hoà nhập vào cuộc sống cụ thể sinh động của mỗi người – dễ làm theo - từ khía cạnh tu thân dưỡng tính cá nhân đến hoạt động hướng về cộng đồng:
“Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
…………………………
Dù con người
Giẫm lên mạng sống em
Như giẫm lên giun dế
Dù con người móc mật moi gan em
Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục
Em vẫn nhớ lời tôi căn dặn
Kẻ thù chúng ta không phải con người
Xứng đáng chỉ có tình xót thương…”
(Dặn dò)
Từng được cố mục sư Mỹ Martin Luther King đề cử giải Nobel Hoà bình năm 1967 cũng từ quan điểm tư tưởng và hành động như thế.
Đã thể hiện niềm đạo đức vị tha, bao dung đó bằng việc trở về quê hương ba lần năm 2005 – 2008 tổ chức đại lễ cầu siêu ở 3 miền cho tất cả nạn nhân chiến tranh toàn quốc không phân biệt phe phái Năm – Bắc nhằm gây dựng sự hoà giải thực sự cho đất nước và dân tộc tiến tới sự “thống nhất lòng người”. Bất chấp những ý kiến bất đồng đứng trên lập trường chính trị không tán thành quan điểm này, gán cho tội “theo Cộng sản”!

450 - Nhật Tiến
NGƯỜI TỐ CÁO HẢI TẶC
Nhà văn tên thật Bùi Nhật Tiến sinh 1936 tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2010).
Năm 1954 di cư vào miền Nam, trở thành phát hiện giá trị nhất của cố văn hào Nhất Linh nhóm Tự lực Văn đoàn cũ trong thời kỳ sau 1954 vào miền Nam (lập nhóm mới Văn hóa Ngày nay).
Từ đó đã hình thành một sự nghiệp văn chương vững vàng, uy tín ở miền Nam với nhiều tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn thấm đẫm tình cảm nhân ái sâu sắc đối với tầng lớp người nghèo khổ, neo đơn, trẻ mồ côi kêu gọi tình thương cho những người có số phận bất hạnh. Sau đó còn quan tâm đến nền văn hóa, văn học cho thiếu nhi.
Một nhà văn nghiêm túc, một con người đạo đức thế mà trong cuộc vượt biên năm 1979, ông cùng gia đình trong số 81 nguời đi cùng chuyến đã bị hải tặc Thái Lan cướp thuyền bỏ rơi trên hoang đảo rồi tiếp tục bị chúng cướp bóc, hãm hiếp dã man ròng rã trong 21 ngày trời mới được cứu thoát.
Từ đó ngay trên đất Thái trở thành người đầu tiên viết cáo trạng tố cáo tội ác của bọn cướp biển Thái Lan lên cơ quan HCR của Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Bảo vệ nhân quyền quốc tế. Đông thời qua đó cảnh báo với đồng bào trong nước nếu vượt biên thì “nên tìm con đường khác và trong trường hợp không thể đừng thì không bao giờ nên mang theo phụ nữ” để “cái giá nếu họ có phải trả cũng sẽ không phải là cái giá quá đắt.”
Đó là cái giá mà ông đã phải trả có thể cũng là một bước ngoặt thảm khốc trong cuộc đời chiêm nghiệm lại nên như bao người đồng cảnh ngộ khác dù đã 2 lần trốn chạy khỏi quê hương song mình lại là một trong số những người vượt biên đầu tiên sớm quay lại thăm quê hương năm 1992.
Về trong lặng lẽ (từ chối gặp báo chí), gặp lại người em từ miền Bắc cũng là một nhà văn khá nổi tiếng đúng như điều mình từng tâm sự: “Khi bỏ nước ra đi, tôi không nói là tôi sẽ không trở về”.
Sự nghiệp sáng tác hải ngoại sau đó cũng thế, lặng lẽ hầu như không có gì đáng kể nữa, chỉ có chuyển qua nghiên cứu văn học.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét