Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

VUA GIA LONG Ở THĂNG LONG - CHOI BYUNG WOOK

Điện Kính Thiên cuối thế kỷ XIX - Ảnh: Dr Hocquard

Cùng với thời gian, vai trò của nhà Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam cũng ngày càng được làm rõ dưới ánh sáng của một tư duy nghiên cứu khoa học khách quan, không thiên kiến, đặc biệt là những đánh giá về người sáng lập vương triều này.
Tham dự hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, PGS-TS Choi Byung Wook (Đại học Inha, Hàn Quốc) đã thực hiện một khảo cứu về cuộc công du đầu tiên của vua Gia Long tới thành Thăng Long, ngay sau khi ông giành được quyền lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ nhà Tây Sơn. Báo Thanh Niên xin giới thiệu cùng bạn đọc lược trích bản tham luận rất đáng chú ý này như một nỗ lực tìm hiểu lịch sử Việt Nam của một học giả nước ngoài với nhãn quan độc lập.

Trong lịch sử Việt Nam, sự thống nhất Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau được tiến hành trong 2 lần. Lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ XIX dưới thời vua Gia Long - người là hiện thân sự thống nhất miền Nam (Gia Định) và miền Bắc (Thăng Long). Gia Long đã từng hiện diện ở 3 trung tâm chính trị là Sài Gòn, Huế và Thăng Long để cai trị đất nước. Ông ở Sài Gòn năm 1788 để chuẩn bị lên ngôi hoàng đế vào năm sau đó, đến Huế vào tháng 5 năm 1801 và tiếp tục về Thăng Long trước khi ông chọn Huế là nơi trị vì lâu dài.
Gia Long vào thành Thăng Long vào ngày 21 tháng 6 năm 1802 (âm lịch) và ông rời Thăng Long vào ngày 27 tháng 9 năm đó. Trong suốt 3 tháng giam mình trong điện Kính Thiên, Gia Long ban hành một loạt chính sách mới.
Sự hiện diện của Gia Long ở Thăng Long có ý nghĩa đáng kể mặc dù thời gian chỉ là 3 tháng. Trong suốt thời gian ông ở đây, ông đã minh chứng cho các luật quan trọng như việc cải tổ bộ máy hành chính nhà nước, thiết lập mối quan hệ ngoại giao, hệ thống thuế, quản lý giáo dục, cách thức đương đầu với quân thù… Với thời gian 3 tháng Gia Long ở Thăng Long, thành phố này trở thành thành phố lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là trung tâm tập trung quyền lực của toàn bộ quốc gia bao gồm các khu vực quanh sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Trong số những chính sách mới được ban hành trong 3 tháng đó, tôi muốn tập trung nói về 2 vấn đề. Một là chính sách hòa giải đối với những quan lại thời Trịnh và Lê. Hai là việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao với ngoại quốc.
Tại sao và như thế nào mà hai chính sách này liên kết với nhau để ta có thể hiểu thêm về Thăng Long vào đầu thế kỷ XIX? Theo quan điểm của tôi, hai chính sách này là hai điểm chính mà Gia Long xét đến để bảo vệ dân tộc mình khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ cả bên trong và bên ngoài. Bằng việc xem xét 2 chính sách này, chúng ta sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của sự hiện diện của Gia Long đối với việc thống nhất dân tộc vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Hòa giải
Như đã biết, Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820, sau này hiệu Gia Long) là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm (một xạ thủ cừ khôi) người đã lăn lộn trên rất nhiều chiến trường từ thuở thiếu thời. Khi quân đội của mình tiến ra phía bắc để giành lại thành Thăng Long từ tay quân Tây Sơn, ông đã ngay lập tức theo sau đoàn bộ binh lãnh đạo bởi Tả tướng quân Lê Văn Duyệt, cùng lúc đó là lực lượng hải quân do tướng Nguyễn Văn Trương chỉ huy. Theo Đại Nam thực lục (ĐNTL), Lê Văn Duyệt chiếm được thành Thăng Long vào ngày 17 tháng 6 năm 1802. Chỉ 4 ngày sau đó, Nguyễn Phúc Ánh đã làm chủ điện Kính Thiên, nơi ở của các hoàng đế triều Lê.
Chính sách hòa giải của ông tập trung vào những thành viên trong bộ máy chính quyền cai trị trước đây dưới thời Lê/Trịnh, và vào người nhà Tây Sơn. Các quan lại dưới triều Lê trước đây có thể được tha nếu họ không nhận lời mời làm quan của quân Tây Sơn mặc dù trong thực tế những người này chính là người của nhà Trịnh, những kẻ đã tranh chấp với nhà Nguyễn và đã đưa quân vào chiếm kinh đô của nhà Nguyễn (1775). Ông ta không có đủ lòng thương để tha cho những tướng lĩnh hàng đầu trong bộ máy chính quyền Tây Sơn bởi đây là những người luôn muốn tiêu diệt cả gia đình ông cho đến người cuối cùng. Tuy nhiên, đối với những binh lính còn lại, ông muốn đưa họ gia nhập đội quân của mình: “Còn người nào bị ép phải theo thì đều tha, nên cứ ở yên như cũ. Những kẻ có nhận quan chức của giặc ra thú thì được miễn tội, gần thì hạn 3 ngày, xa thì hạn 5 ngày.” (ĐNTL). Trước sắc lệnh này, nhiều tướng sĩ của triều Lê/Trịnh trước đây và Tây Sơn đã quyết định phụng sự vương triều mới.
Những nhà trí thức nho giáo, những người được cho là trung quân, nhưng lại góp sức cho quân Tây Sơn cũng không tránh khỏi sự trừng phạt, mặc dù một vài người có chức quan thuộc hàng cao nhất trong triều Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Nguyễn Gia Phan (1749-1829), và Phan Huy Ích (1750-1822) đã được miễn tội chết để có thể phụng sự vương triều mới trong công tác ngoại giao với Trung Quốc bởi họ là những người có đầy đủ kinh nghiệm trong vấn đề này. Mặc dù đây chỉ là tạm thời và sau này họ vẫn phải chịu hình phạt, nhưng những chứng cứ đã cho chúng ta thấy rằng Gia Long đã tìm cách duy trì chính sách hòa giải của mình càng lâu càng tốt.
Gia Long đã tổ chức một buổi nghi lễ cho người dân và dành cho các vị thần có liên quan tới Thăng Long. Trong sách ĐNTL, Gia Long đã ra ngoài điện Kính Thiên lần đầu tiên để tới thăm lăng Lê Thái Tổ (tháng 7) và một tháng sau đó, ông chịu trách nhiệm tổ chức thu lễ ở Văn Miếu được xây dựng vào triều Lý và được duy trì suốt thời Lê.
Nhằm kết nối người dân ngoài bắc, Gia Long tìm đến hậu duệ của họ Lê là Lê Duy Hoán và phong là Diên Tự công, ban cho 1.016 người hầu cận và 10.000 mẫu đất. Chính sách nổi trội hơn nữa của Gia Long là trong việc nhẹ nhàng đối với họ Trịnh. Theo nguyên tắc đối xử nồng hậu, Gia Long nhấn mạnh với người truyền ngôn của nhà Trịnh: “Tiên đế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử...” (ĐNTL). Gia Long đã cung cấp cho Trịnh Tư, người có trách nhiệm với việc cúng tế tổ tiên nhà Trịnh 500 mẫu ruộng để ông ta tiếp tục nhiệm vụ đang đảm nhiệm. Cùng thời điểm đó, 247 thành viên họ Trịnh được miễn thuế binh dịch và thuế thân.
Việc hòa giải dàn xếp của vua Gia Long dành cho cả hậu duệ của những người có công được coi là khai quốc công thần và trung hưng công thần của triều Lê. 33 khai quốc công thần và 15 trung hưng công thần được đặt tên khiến cho con cháu họ được tôn vinh bởi những tước hiệu khác nhau. Đối với những người ở phía bắc không theo nhà Tây Sơn, hoặc là chiến đấu chống lại hoặc là bất hợp tác, thì đều được liệt vào danh sách những người trung quân...
Một điều nữa cần chú ý là chính sách hòa giải của Gia Long đối với các dân tộc thiểu số. Gia Long là hiện thân của một xã hội đa dân tộc, vì thế sức mạnh của ông dựa vào sự đoàn kết đa tộc người. Vào thời điểm đó, các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên có rất nhiều tộc người cư trú. Để liên kết sức mạnh của tất cả các tộc người này thành một quốc gia hùng mạnh mới, Gia Long mời họ về Thăng Long. Thực hiện lời hứa, triều đình đã ban quan chức cho họ.

Bang giao với Đông Nam Á và Trung Quốc
Từ khi Gia Long vào ở điện Kính Thiên thuộc thành Thăng Long, nhiều sứ giả nước ngoài đã lần lượt đến tiếp kiến ông.
Đầu tiên là vua Luang Prabang. Vị vua Lào này không phải là vua chính danh mà đang lưu vong ở tỉnh Hưng Hóa. Tuy nhiên, sự hiện diện của vua ngoại quốc ở điện Kính Thiên đã góp phần nâng cao uy tín của Gia Long. Tiếp theo, các nước Cao Miên, Lào và Xiêm cũng gửi các sứ giả đến để trình quốc thư chúc mừng.
Theo tôi được biết thì đây là lần đầu tiên các sứ giả ngoại giao từ các vùng Vạn Tượng, Cao Miên và Xiêm đến thành Thăng Long gần như cùng một lúc. Đó chính là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ được mở rộng hơn về hướng Đông Nam Á. Trong suốt những thập kỷ tiếp theo, mối quan hệ này tiếp tục được mở rộng với Miến Điện và các quốc gia đảo vùng Đông Nam Á.
Đặc biệt sự xuất hiện của sứ giả Xiêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ khi Nguyễn Phúc Ánh tị nạn tại Bangkok năm 1785, mối quan hệ giữa Nguyễn Phúc Ánh và Bangkok nhanh chóng trở nên bền chặt. Cho tới cuối thời Gia Long, việc mô tả mối quan hệ này với sứ giả ngoại giao có liên quan tới Xiêm xuất hiện trong cuốn Đại Nam thực lục với số lượng đáng ngạc nhiên là 60, trong khi con số giữa Việt Nam với Trung Quốc chỉ là 6. Nếu chúng ra còn nhớ các quốc gia hùng mạnh ở lục địa Đông Nam Á được lần lượt hình thành trong suốt nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX (như triều đại Konbaung ở Miến Điện, triều đại Chakri ở Xiêm, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn) thì mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam có xu hướng trở nên gần gũi hơn với các cường quốc ở Đông Nam Á. Bước chuyển quan trọng này bắt đầu ở Thăng Long.
Từ đầu thế kỷ XIX, sự quan tâm của Việt Nam đối với Trung Quốc giảm mạnh. Lý do một phần là vì sự thống nhất dân tộc giành được là do sáng kiến của người Việt ở phương Nam - những người là một bộ phận của nhà Nguyễn ở Đàng Trong ít có quan hệ với Trung Quốc. Đối với nhà Nguyễn, mối quan hệ với các nước Đông Nam Á thân thuộc hơn.
Ở Thăng Long, Gia Long gửi Lại bộ thiêm sự Lê Chính Lộ và Binh bộ thiêm sự Trần Minh Nghĩa lá thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) để đề nghị bắt đầu quá trình "bang giao", và cho phép họ vào Nam Quan ở khu vực biên giới Lạng Sơn và đợi câu trả lời từ phía Trung Quốc.
Vào thời điểm này, Gia Long đưa ra một đề nghị khá thú vị rằng ông nên đến Nam Quan để dự buổi gặp mặt ở đỉnh Nam Quan: "[...] Nước nhà mới dựng, muốn tiếp sứ nhà Thanh ở cửa ải [từ Hán Việt là quan thượng] để làm lễ tuyên phong cho đỡ phiền phí [...]”. (Đại Nam thực lục)
Có phải vì lý do là để giảm những phiền phí? Điều đó có thể đúng theo một mức độ nào đó, nhưng đó có thể không phải là lý do chính. Lý do đằng sau gợi ý này của vua Gia Long là gì và ý tưởng gì nằm phía sau lời đề nghị đó?
Đầu tiên là sự thờ ơ của Gia Long. Như đã đề cập ở trên, nhà vua các thành viên hoàng tộc đều chưa từng có kinh nghiệm trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong Đại Nam thực lục tiền biên, lịch sử 250 năm của nhà Nguyễn, thật khó để tìm ra chứng cớ triều đình nhà Nguyễn cử các sứ giả tới Trung Quốc, trong khi triều Nguyễn lại duy trì mối quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và các cảng biển Đông Nam Á của các cường quốc châu Âu.
Lý do thứ hai cần được đề cập ở đây là sự tìm tòi của Gia Long. Nhà vua đến Thăng Long không chỉ bằng đường bộ mà cả bằng đường biển. Nhà vua còn chưa biết đến chặng đường từ Thăng Long đến Lạng Sơn. Hẳn là nhà vua cũng muốn thăm vùng biên giới. Là một người trải nghiệm qua những chuyến đi biển dữ dội qua vịnh Xiêm, chuyến đi dễ dàng tới Lạng Sơn hẳn phải là một chuyến du ngoạn đầy thích thú để chiêm ngưỡng vùng biên cương.
Thứ ba, vai trò như là một người trị vì trong vùng cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Chuyến đi của vua được đồng hành bởi một loạt các hoạt động hảo tâm, nhân đạo để an ủi người dân.
Lý do thứ tư có thể được tìm thấy từ dự định của nhà vua trong việc biểu dương sức mạnh của ngài không chỉ đối với những người dân trên đường tới Lạng Sơn mà còn đối với những người Trung Quốc vùng biên giới.
Kế hoạch của Gia Long tới Nam Quan bị ngăn cản khi Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích khuyên rằng điều như thế chưa từng xảy ra trước đây. Tất nhiên nhà vua biết, nhưng nhà vua thích làm một điều mới mẻ.
Hơn thế nữa, Gia Long biết lịch sử Việt Nam rất kỹ bao gồm thời kỳ còn là Nam Việt. Gia Long gợi nhớ từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) tới các hoàng đế thời Lý, Trần, Lê, ngụ ý rằng ngài không có lý do gì để tránh tước hiệu hoàng đế. Mọi người đều biết việc nhà vua khăng khăng lấy quốc hiệu Nam Việt. Tuy nhiên, như đã được hoàng đế Trung Hoa chỉ ra, quốc hiệu này dễ dàng nhắc họ nhớ tới nước Nam Việt thời Triệu Đà mà biên giới của nó bao trùm cả Việt Nam, Quảng Tây và Quảng Đông. Đối với Gia Long, vùng đất Nam Việt của Triệu Đà vẫn là điều gây sự hiếu kỳ. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, những quan lại nhà Nguyễn thường được phái đi Quảng Châu. Đối với những người này, lăng của Triệu Đà là nơi quan trọng phải chú ý.

Ý nghĩa cuộc Bắc du của vua Gia Long
Tôi đã thảo luận hai vấn đề được vua Gia Long chứng minh khi ông ở Thăng Long. Đầu tiên là chính sách hòa hoãn nhằm vào những trí thức miền Bắc và các dân tộc khác. Thứ hai là xây dựng một trật tự thế giới mới của Việt Nam. Nhiều chính sách ban hành tại Thăng Long đã trở thành mô hình cho các chính sách cơ bản của triều Nguyễn.
Chính sách hòa hoãn còn tồn tại trong các vương triều kế tiếp. Dưới các triều Minh Mạng (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), chính sách hòa hoãn nhằm vào những trí thức miền Bắc đã phát huy hiệu quả rất tích cực.
Trên phương diện bang giao, quan hệ gần gũi với các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục được các vương triều sau này duy trì. Trong nửa đầu của thế kỷ XIX, trật tự thế giới được thừa nhận ở Việt Nam mang tính đa trung tâm chứ không phải lấy Trung Hoa là trung tâm hay trật tự kiểu con rồng nhỏ.
Thành Thăng Long đã được gần 800 năm tuổi tính đến năm 1802 khi Gia Long vào thành và ở lại đó. Tòa thành - với bề dày truyền thống, trí tuệ, kinh nghiệm và thậm chí cả linh hồn của tổ tiên trong suốt 800 năm - là nơi Gia Long từng quyết định cách thức quản lý mới ở Việt Nam. Quyết định Thăng Long - chính sách hòa hoãn và trật tự thế giới mới - có thể coi là nguồn cảm hứng quan trọng nhất của Thăng Long không chỉ đối với Gia Long mà còn đối với các nhà lãnh đạo quốc gia, những người đã nghiêm túc quan tâm đến sự thịnh vượng của nước Việt Nam thống nhất.

Người dịch: ThS Phạm Quốc Thành,
trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia HN
PGS-TS Choi Byung Wook (Đại học Inha, Hàn Quốc)
(THANH NIEN ONLINE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét