NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
411 - Lê Hùng Dũng
THẦY THUỐC “CHA NUÔI”
Lương y sinh tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2010).
Xuất thân từ gia đình 4 đời làm nghề thầy thuốc Đông y, từ nhỏ đã được cha truyền nghề và đi bộ theo cha vào tận những bản làng vùng cao hẻo lánh chữa bệnh cho đồng bào dân tộc.
Lớn lên gia nhập bộ đội vào chiến trường miền Nam dùng nghề thuốc tham gia ngành quân y chữa trị cho bộ đội.
Sau 75 đang còn ở miền Nam thì nhận được tin cha qua đời vội về quê thọ tang, lúc đó mới nhận được thư cha để lại lời dặn “Khói lửa chiến trường đã tắt, con hãy về khám và chữa bệnh giúp những người dân nghèo quê mình…” Liền xin ra quân trở lại quê nhà tiếp tục nghề truyền thống gia tộc.
Từ đó miệt mài chữa bệnh cho mọi người đủ các thứ bệnh gan, thận, dạ dày, đại tràng, vú, viêm xoang, bị rắn cắn, chó dại cắn… Đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân đồng bào dân tộc vốn ít hiểu biết và thiếu thốn điều kiện chăm sóc y tế. Còn nghiên cứu chế tác hàng trăm loại thuốc dùng dược liệu dân tộc.
Làm nghề hoàn toàn miễn phí kể cả cấp thuốc Nam cho bệnh nhân mang về vì thiên chức nghề nghiệp cha đã dạy dỗ: “Tiền bạc bao nhiêu rồi cũng hết, hãy để niềm vui của người thầy thuốc là mỗi lúc mở mắt thấy mình đã cứu được một người chứ đừng mong phú quý… Làm thầy thuốc trước tiên là phải có cái tâm, đối xử với bệnh nhân như con cái mình vậy…”
Vì cứu người mà không nhận đền ơn như vậy nên nhiều bệnh nhân sau khi được chữa khỏi đã xin được nhận ông làm cha nuôi suốt đời.
412 - Nguyễn Thế Vinh
“ĐỘC THỦ QUÁI KIỆT” GUITAR – HARMONICA
Giáo viên khuyết tật sinh 1970 tại Bình Thuận. Sống ở Bình Dương (2010).
Năm 1974 lúc mới lên bốn đã mồ côi cha mất trong chiến tranh, còn lại một mình mẹ nuôi 4 con thơ dại.
Qua năm 1977 đến lượt mẹ qua đời phần vì buồn phiền phần kiệt sức lao lực nuôi con nhỏ. Chưa hết, tiếp đó người anh trai cũng bệnh mất sớm khiến ba anh em (còn một chị một em trai) phải nương tựa vào nhà ông ngoại nông dân tay lấm chân bùn.
Năm tên 8 tuổi đi chăn bò phụ giúp ông ngoại thì bị ngã gãy tay, vết thương không nặng song do ở nhà quê không tiền bạc không phương tiện đi bệnh viện mà nhờ lang băm chữa thuốc Nam bậy bạ nên rốt cuộc tay bị nhiễm trùng gây hoại tử. Đến khi đưa vào nhà thương thì chỉ còn cách phải cưa cụt cánh tay phải!
Từ đó phải cắn răng kiên trì phấn đấu với một cánh tay còn lại làm đủ mọi việc từ đỡ đần công việc cho nhà ông ngoại vừa theo học trường làng vẫn tốt nghiệp cấp 3 như học sinh bình thường.
Nhận bằng tốt nghiệp trung học xong liền khăn gói vào TPHCM tìm đường sống, đầu tiên học nghề vẽ quảng cáo. Nhưng rồi được bạn bè khuyến khích đã đánh liều thi đại học không ngờ đậu thật vào ĐH Kinh tế TP. Thế là vừa học vừa làm thêm nghề dạy kèm để có tiền trang trải việc học đồng thời tự nuôi sống mình lẫn đứa em trai đã đưa vào sống cùng mình.
Năm 1994 tốt nghiệp đại học song do bị khuyết tật nên kiếm việc làm khó khăn đành làm đỡ nghề sửa ĐTDĐ một thời gian. Sau đó mới được Bình Dương nhận về làm giáo viên.
Trong suốt thời gian trên, con người một tay này còn chứng tỏ rất đa năng nhiều tài hoa vì ngoài đủ thứ nghề lăn lộn trường đời kể trên còn niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, bất chấp một tay vẫn đàn guitar (dùng một ngón gảy đàn và 4 ngón còn lại bấm phím) và thổi harmonica cực kỳ sành điệu. Không chỉ thế tự mình còn nghĩ ra một phong cách biểu diễn độc đáo có một không hai là cùng lúc vừa một tay đàn vừa ghé miệng thổi harmonica (được một cái giá đỡ gắn chặt vào thùng đàn) hoà tấu thật ăn ý. Phải mất 3 năm trời ròng rã mới luyện được chiêu văn nghệ lạ lùng này.
Đặc biệt chuyên “trị” nhạc Trịnh “Ca khúc da vàng” gần gũi với tâm sự một cuộc đời bị xô đẩy vùi dập trong chiến tranh suýt nữa thì tàn lụi.
Ngón nghề biểu diễn trên bắt đầu được công chúng biết đến và khen ngợi từ năm 2004 qua những buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện. Từ đó càng phát triển thành một nhóm nghệ sĩ khuyết tật (thêm một nhạc sĩ khiếm thị, một nữ ca sĩ nghiệp dư khuyết tật…) chuyên đi lưu diễn hướng về giới khán giả khuyết tật.
Không dừng ở đó, còn có tâm nguyện thành lập một trung tâm chăm lo cho trẻ mồ côi và khuyết tật đồng cảnh ngộ như mình ngày xưa. Và vào giữa năm 2010 được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, ước nguyện đã thành sự thật với sự ra đời của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương tại Bình Dương.
413 - Nguyễn Thị Nhất
43 NĂM MỚI NHẬN XÁC CON
Nông dân sinh 1919 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).
Chồng kháng chiến chống Mỹ hy sinh năm 41 tuổi, còn lại một mình nuôi cả bầy con.
Lớn lên các con trai tiếp tục truyền thống gia đình vào du kích và bộ đội đánh Mỹ. Ba người tử trận thành liệt sĩ trong đó có hai người chết chỉ cách nhau 2 ngày năm 1968 mà một người mất xác trong đồn địch.
Trước đó vào năm 1964 thì 2 con gái 1 con trai khác đã bị pháo địch giập xuống tan xác ngay trên miệng hầm tránh bom. Bởi làng quê nơi đây – xã Nghĩa Lâm huyện Tư Nghĩa – là điểm “tập kết Cộng sản” xem như vùng oanh kích tự do khiến sau chiến tranh trở thành “Làng dioxin” của Quảng Ngãi với hơn 400 nạn nhân CĐDC nhiều nhất tỉnh.
Với đến 7 đứa con chết trong chiến tranh làm đám giỗ liên tục quá nhiều làm không nổi nên mẹ làm chung lễ kỵ một ngày trong năm. Nhưng bản thân “đêm nào má cũng mơ thấy các con”, luôn tưởng tượng rằng từng đứa con đó nếu còn sống thì bây giờ đã “cho mẹ có cháu bồng rồi”!
Đến tháng 9.2010 trong một đợt khai quật ở Quảng Ngãi tìm được 93 hài cốt liệt sĩ mới phát hiện thấy xác còn lại của đứa con bỏ mình mất tích trong chiến cuộc năm Mậu Thân 68 lúc mới 18 tuổi để đem về cho mẹ. Niềm an ủi cuối cùng cho bà mẹ già đã 91 tuổi.
414 - Nguyễn Thị Oanh
NHÀ TIÊN PHONG CÔNG TÁC XÃ HỘI
Nhà hoạt động xã hội sinh 1931 tại Gò Công – Mất 2009 (79 tuổi).
Là con áp út trong gia đình Công giáo có đến 15 anh chị em, lớn lên đi du học Mỹ lấy bằng cử nhân xã hội học năm 1955, sau đó học tiếp ngành phát triển cộng đồng ở Philippines.
Trở về Sài Gòn tham gia hoạt động trong các phong trào xã hội của giới Công giáo tiến bộ.
Sau 75 trong khi cả 14 anh chị em đều lần luợt ra nước ngoài thì một mình vẫn ở lại sống đời độc thân tiếp tục đeo đuổi lý tưởng phát triển ngành xã hội học và công tác xã hội còn ít được biết tới dưới chế độ mới cộng sản: “Gần cả cuộc đời chọn mục đích sống vì cộng đồng, phần thưởng với tôi là hạnh phúc từ niềm vui của người được mình giúp đỡ…”
Vừa nghiên cứu lý thuyết vừa tích cực vận động học viên đi vào thực tiễn hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng, đặc biệt hướng đến những đối tượng bị thiệt thòi như người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân ma túy, HIV… Còn quan tâm đến cả nhiều vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức học đường vốn đang xuống cấp “có hệ thống” đáng báo động .
Từ đó năm 1989 tham gia thành lập các nhóm công tác xã hội, Hội Xã hội học, lập hội quán sinh hoạt chuyên môn, viết sách, viết báo… Bộ môn xã hội học dần dà cũng đã được hình thành ở cấp đại học.
Tâm nguyện trước khi mất muốn lập quỹ học bổng cho trọn vẹn một cuộc đời cống hiến: “Đời tôi sống cũng vui mà chết cũng vui.”
Sau khi mất, tâm nguyện đó đã được học trò thực hiện từ năm 2010 với học bổng cấp hàng năm cho giới sinh viên ngành công tác xã hội.
415 - Nguyễn Văn Thái
NGƯỜI MOHICAN CUỐI CÙNG
Việt kiều sinh 1948 tại VN. Sống ở Canada (2008).
Là dân Công giáo đạo gốc nên sau 1975 đi vượt biên 2 lần bị bắt, đến lần thứ ba mới toại nguyện đến Philippines năm 1990. Và ở lại trại tị nạn này ròng rã suốt… 18 năm trời trong cảnh cô đơn không vợ con, người thân hay bạn bè!
Lần lượt nhiều người được bảo lãnh qua Mỹ hoặc Châu Au, chỉ có mình - và một số ít người đồng cảnh ngộ - không được cứu xét cho qua định cư các nước Châu Au vì chẳng có thân nhân nào ở đó bảo lãnh.
Mãi đến năm 2008 nhờ các cuộc vận động của những tổ chức người VN hải ngoại (tập trung ở Mỹ) mới trở thành một trong những người cuối cùng rời trại Philippines (chuẩn bị đóng cửa luôn) được Canada xem xét chấp nhận khi mình ngót nghét đã 60 tuổi rồi!
416 - Nguyễn Văn Thành
LIỆT CỘT SỐNG VẪN CÓ CON
Thương binh sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Bộ đội chiến đấu ở Quảng Trị, năm 1973 bị trúng đạn cối trọng thương với 7 mảnh đạn ghim vào người trong đó nặng nhất là một mảnh đâm vào cột sống làm liệt nửa ngươì và cả tứ chi, mức độ thương tật tới 93%.
Sau 2 năm điều trị nằm liệt một chỗ thấy khó có thể qua khỏi mới xin về quê để ở gần gia đình… chờ chết!
Trong thời gian nằm “chờ chết” như thế ở quê không ngờ gặp một cô gái tự nhiên sinh lòng thương cảm tình nguyện đến nhà chăm sóc tận tình mọi chuyện từ thay đổi tư thế nằm cho anh (không tự mình làm được), bón cơm bón cháo cho ăn đến thay đồ, giặt giũ áo quần… Tình yêu từ đó nhen nhúm giữa đôi bên.
Tuy nhiên mặc cảm mình bệnh tật quá nặng quá “ác” với chấn thương cột sống khó thể làm nhiệm vụ của người chồng nên có lần đã “trốn” đi đến một trại thương binh không cho ai biết với mục đích “để cho cô ấy đi lấy chồng, không thể trả ơn được thì chết sẽ phù họ cho em”. Nhưng cô gái mất anh tuyệt vọng ngã bệnh khiến người thương binh cuối cùng không cầm lòng nổi phải quay về.
Từ đó vì mối tình kỳ diệu không cản ngăn nổi đã bước vào cuộc chiến đấu với bản thân cố gắng vươn lên vượt qua bệnh tật: Cắn răng nhịn đau tự tập luyện xoay trở tư thế nằm trên giường, tự xoa bóp vận động tay và chân dần cử động được, rồi nhờ cô đỡ ngồi dậy sau đó tự ngồi lên được để dìu ngồi vào xe lăn, tiếp đó tự lê người ngồi vào xe lăn ban đầu được cô đẩy đi rồi dần dà tự lái đi được…
Không chết mà sống lại được rồi, năm 1977 đám cưới được tổ chức trước sự ngạc nhiên của bao nhiêu ngườì. Càng ngạc nhiên hơn khi sau đó hai vợ chồng sinh được 3 con 2 trai 1 gái! Và người chồng người cha bây giờ đã chống nạng đi lại được ra nghề sửa đồng hồ.
417 - Nguyễn Văn Thạnh
CÁN BỘ CHỐNG TIÊU CỰC… QUÁ SỚM!
Cán bộ về hưu sinh 1930 tại Hậu Giang. Sống ở Cần Thơ (2010).
Thuộc gia đình cách mạng lâu năm có một Bà mẹ VN Anh hùng, gia đình có 11 liệt sĩ 5 thương binh nên tham gia hoạt động rất sớm từ thời chống Pháp đến thời chống Mỹ.
Sau 75 là Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Kiên Giang kiêm Chủ nhiệm báo Kiên Giang.
Nhưng do bản tính cương trực thẳng thắn đã sớm tỏ thái độ bất bình tố cáo một số lãnh đạo tỉnh hồi đó có biểu hiện tiêu cực tiếp tay bọn buôn lậu đường biển trong đó nổi cộm vụ án “Bỉnh Họt” năm 1981 khiến Trung ương phải cử đoàn về điều tra. Kết quả lãnh đạo tỉnh vẫn bình chân như vại còn mình lại… bị cách chức Trưởng ban Tuyên huấn điều qua làm Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Tuy nhiên trên cương vị mới, năm 1988 vẫn tiếp tục công khai chỉ đích danh 14 vụ tiêu cực được lãnh đạo tỉnh bao che tiêu cực. Thế là lãnh quyết định… về hưu non! Cuối cùng phải cầu cứu cố Thủ tưóng Võ Văn Kiệt bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “bảo lãnh” rút về làm bộ phận nghiên cứu thuế nông nghiệp miền Nam đặt tại Cần Thơ cho đến ngày về hưu.
Nhưng chưa hết tai qua nạn khỏi, vẫn bị truy đuổi “trả thù” đến năm 1993 với quyết định từ Kiên Giang… khai trừ Đảng (lúc đó đã 45 tuổi đảng) với lý do “qua mặt” tỉnh không chấp hành quy?t định nghỉ hưu và còn tiếp tay với báo chí chống Tỉnh uỷ phá Đảng!
Vì truyền thống gia đình cách mạng, không thể chấp nhận quyết định vô lý đó – “một chấm đen trong cuộc đời tôi” - nên bắt đầu cuộc hành trình 17 năm đòi khôi phục đảng tịch. Đã viết 140 lá thư trần tình nỗi oan khuất gửi Trung ương.
Mãi đến đầu năm 2010 mới được Trung ương khôi phục đảng tịch lúc đã 80 tuổi.
418 - Nguyễn Văn Thiệu
CUỐI ĐỜI, CHỐNG MỸ!
Nguyên Tổng thống VNCH sinh 1923 tại Phan Rang – Mất 2001 (78 tuổi).
Sau khi từ chức ngày 21.4.1975 và tuyên bố “đặt mình dưới sự sử dụng của Tổ quốc” đến ngày 25.4 đang đêm đã âm thầm lên máy bay qua Đài Loan song không được đón nhận phải đến Anh ngụ cư nơi có ngươì con trai du học. Đến 1983 chuyển qua sống ở Mỹ.
Trong những năm dài lưu vong,hoàn toàn sống thầm lặng ít khi ra mặt công khai, không viết sách hay hồi ký gì để lại, cũng rất ít khi chịu trả lời phỏng vấn như thể muốn ôm tất cả tâm sự “bí mật quốc gia” cùng theo mình xuống đáy mồ.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn riêng tư không chính thức dành cho người quen, có giải thích sở dĩ từ chức vì không tin “cụ Hương” (Phó TT Trần Văn Hương) giao chính quyền cho Cộng sản và tiếc Quân đoàn 4 VNCH không tiếp tục chiến đấu đừng nghe theo lệnh buông vũ khí của TT Dương Văn Minh. Còn về tình hình hiện nay ở hải ngoại thì tiếc là không còn những vị tướng tài giỏi đáng khâm phục như 5 tướng đã tuẫn tiết (Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ) để có thể cầm đầu cuộc “phục quốc”…
Riêng đối với người Mỹ thì rõ ràng mối ác cảm ngày càng nặng nề hơn cả khi từ chức từng lên truyền hình chửi Mỹ thậm tệ rằng “làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ rất khó”. Người thân kể lại đích thân mình đã dặn đứa con út sinh ra trên đất Anh rằng: “Một trong 2 kẻ thù của con (kẻ thù kia đương nhiên Cộng sản) là… Mỹ”!
Trong một dịp xuất hiện hiếm hoi trước công chúng năm 1990 đã bị nhiều Việt kiều chất vấn gay gắt về trách nhiệm làm sụp đổ chế độ VNCH, không thể có lời giải đáp thỏa đáng mà chỉ bày tỏ sự “thông cảm nỗi căm phẫn” của người đặt câu hỏi!
Năm 1992 khi bắt đầu có dấu hiệu tái lập quan hệ Mỹ – VN đã lên tiếng phản đối nhưng một năm sau lại có vẻ thay đổi lập trường, cho biết sẵn sàng tham gia đàm phán “hòa giải” với chính quyền CSVN với mục đích đấu tranh cho quyền lợi của Việt kiều về nước. Thậm chí còn tính chuyện xa hơn: “Về vấn đề tự do dân chủ cho đất nước, tôi tin rằng không sớm thì muộn Cộng sản bắt buộc phải chấp thuận bầu cử. Có thể mình sẽ không thắng các cuộc bầu cử đầu tiên nhưng mình phải tiếp tục cố gắng…”
Nhưng sau đó không thấy ai nhắc gì tới mình cả nên im lặng luôn, một con bài trong cuộc cờ đã quá tàn rồi. Rồi bệnh già phải đi cấp cứu, hồi phục đưa về nhà thì vừa mở cửa xe bước xuống bị đột quỵ ngay tại chỗ không tỉnh dậy nữa.
419 - Nguyễn Văn Thống
6 CON ĐỀU NHIỄM CHẤT ĐỘC DA CAM
Nông dân sinh 1955 tại Hà Nam. Sống ở Hà Nam (2006).
Bộ đội từng chiến đấu ở Quảng Trị, Khe Sanh, đường 9 Nam Lào nên bị nhiễm CĐDC lúc nào không hay.
Sau 75 ra quân về quê làm ruộng, lập gia đình sinh được 6 con đều chịu hậu quả của CĐDC: Con trai đầu dị dạng đầu to như quả bưởi bỏ nhà đi mất tich luôn; con gái thứ hai tương đối bị bệnh nhẹ nhưng lấy chồng sinh con bị bại não; con gái thứ ba bị u não di căn; con gái thứ tư lấy chồng sinh con cũng bị bệnh thần kinh bẩm sinh; con trai út bị bướu não phải mổ…
Có lúc tất cả các con đều phát bệnh cùng lúc chỉ còn biết… cầu Trời khấn Phật!
420 - Nguyễn Văn Thuận
13 NĂM TÙ TẤN PHONG HỒNG Y
Tu sĩ Thiên Chúa giáo sinh 1928 tại Huế – Mất 2002 tại Vatican (75 tuổi).
Trước 75 là Tổng Giám mục Nha Trang, là cháu cố Tổng thống Ngô Đình Diệm (mẹ là em ruột) nên trước ngày 30.4.1975 được Vatican đột ngột điều về làm Phó TGM địa phần Sài Gòn với chức danh “kế vị” có lẽ do Vatican cho rằng TGM Nguyễn Văn Bình đương nhiệm “thân Cộng”.
Nhưng chính động tác đó đã gây nghi kỵ đối với chính quyền cộng sản mới thành lập ở miền Nam. Vì vậy chính quyền bác bỏ quyết định của Vatican, buộc TGM Thuận quay lại Nha Trang rồi đến giữa tháng 8 năm này bắt giam luôn 13 năm không có án (trong đó đến 9 năm biệt giam ở miền Bắc).
Mãi đến cuối năm 1988 khi VN bắt đầu bước vào thời kỳ Đổi mới dưới thời cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh vốn không có thành kiến với đạo Công giáo mới đuợc trả tự do. Năm 1989 được cho phép qua Uc thăm mẹ già rồi qua Vatican yết kiến Đức Giáo hoàng Jean-Paul II. Trở về nước thì mắc bệnh lại được cho qua Vatican chữa bệnh nhưng lành bệnh thì… không được phép trở về nước nữa!
Từ đó ở lại làm việc trong Toà thánh, được cử giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch một uỷ ban của Vatican, trở thành giám mục VN giữ nhiệm vụ cao cấp nhất tại Vatican.
Năm 2001 được Giáo hoàng Jean-Paul II tấn phong Hồng y – vị Hồng y VN thứ tư đến lúc này (3 vị trước là Trịnh Như Khuê 1976, Trịnh Văn Căn 1979, Phạm Đình Tụng 1994 và sau này thêm vị Hồng y thứ năm Phạm Minh Mẫn 2003) – vì “cuộc đời anh hùng”, vì tấm gương “can đảm, chịu đựng và tha thứ, hòa giải”.
Tấm gương như thế đã từng thể hiện qua nhiều trang viết của ông trong cuốn “Con đường hy vọng” (The Road of Hope) kể về những suy nghĩ trong tù của mình: “Cho dù các anh có giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi nguời, cả kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là tín đồ Thiên Chúa…”
Trong những phút cuối cùng khi lâm chung dù bị bệnh ung thư hành hạ thể xác vẫn yêu cầu không chích thuốc giảm đau để “thông phần” với cái chết của Chúa trên giá thập tự, nguyện cầu “Xin cho ý con nên giống với ý Cha.”
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét