Trang Văn Ngày Cũ kỳ này xin giới thiệu cuộc trò chuyện thú vị của hai nhà thơ Cao Thoại Châu và Viêm Tịnh
TÁC GIẢ VÀ BẠN ĐỌC : NHÀ THƠ VIÊM TỊNH
Nhà thơ Viêm Tịnh một thời làm thơ và có một số truyện ngắn đăng trước 1975, có tên trong ban biên tập tờ Văn Học, thơ đăng trên các tạp chí Trình Bày, Văn Học, Khởi Hành vào giữa thập niên 1960 tại Sài Gòn. Một số thơ của VT có xu hướng tân hình thức, số khác trữ tình có một chút siêu thực và muốn làm mới. Giới văn nghệ Huế kháo nhau rằng Viêm Tịnh là… giai cấp hoàng gia (già mà hoang) có lẽ vì nhà thơ 64 tuổi vẫn chạy đua với thời gian để ... yêu và chạy xe máy ào ào không thua mấy cậu thanh niên, có khi cùng họ… đua xe máy không chừng! Anh còn đang làm gì nữa?
* CTC: Sinh năm 1945, vậy ra anh còn lâu mới tới ngưỡng chuẩn bị để chuẩn bị sống những năm đầu của tuổi chớm già. Nói thế là vì tôi vốn không thích “trẻ ranh” cũng như những “ông già” trong văn nghệ. Năm 45 ra đời, vậy năm nào thì ra đời thơ Viêm Tịnh, anh còn nhớ chút gì về bài đó, ấy là tôi tò mò muốn biết “hoàn cảnh sáng tác” của bài thơ đấy. Với tôi, bài thơ đầu thường định hình một phong cách thơ của một tác giả nào đó.
* VT: Nói lướt qua năm 1945, thì dấu ấn của một giai đoạn lịch sử mà một con người được sinh ra và sống được trong thời điểm đó cũng là một kỳ tích, vì theo như gia đình nói lại, tôi là một thành viên hơi được quan tâm hơn, vì hoàn cảnh chung của lịch sử, lúc đó cả nước thiếu cái ăn, nạn đói Ất Dậu, tất nhiên gia đình tôi cũng rơi vào vũng xoáy đó. Cuộc sống của tôi có được là một nỗ lực của gia đình. Có lẽ vì vậy tôi không phải chuẩn bị tích luỹ để đi vào tuổi chớm già. Cám ơn anh CTC quan tâm. Tôi nhớ, những năm đầu thập niên 1960, tôi sống ở làng Vĩ Dạ, quen với anh Trần Dzạ Lữ, anh là một người mê làm thơ, nhà tôi có một quán bán sách của cụ Bửu Kế thuê nhà của gia đình tôi để dọn hàng, anh TDLữ thường ghé để đọc sách “cọp” nên quen nhau. Rồi anh rủ tôi viết cho vui. Hồi đó chỉ làm báo văn nghệ viết tay, tên tờ báo là Mây Ngàn do anh TDLữ bao sân từ A tới Z, chúng tôi chỉ đưa bài, còn cho “đi” hay không là quyền của ông chủ bút Lữ. Tuy vậy tờ báo viết tay cũng quy tụ nhiều anh em mà về sau đầu quân vào Sài Gòn làm văn nghệ cũng được các tạp chí như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Vấn Đề, Đất Nước, Trình Bày… thu nạp. Bài thơ được đăng trên tạp chí Văn Học đầu tiên của tôi trong năm 1965 đó đã khởi đầu cái sự văn chương vượt ra khỏi lũy tre làng của tôi. Mà “hoàn cảnh sáng tác” cũng hơi đặc biệt vì năm đó tôi đi “bụi” tận Pleiku, tạm trú với ông anh ở nhà thuê. Đêm đầu tiên lạ nhà không ngủ được, vì cái lạnh cao nguyên, nhà có cái máy quay đĩa 45 vòng, quấn chăn nghe nhạc cổ điển tự nhiên xúc động quá, tôi vơ tờ giấy và viết luôn bài thơ không âm luật. Mấy ngày sau quen phố núi, đi chơi, chép lại bài thơ và gửi cho báo Văn Học của Phan Kim Thịnh, tháng sau thấy báo đăng bài của mình, thế là cứ vậy mà “phát huy”.
* CTC: Anh vẫn chưa trả lời: bài thơ đầu có định hình một phong cách thơ cho anh hay không. Tạm gác chuyện đó, được biết anh đi du lịch nhiều nơi, với anh thì có phải “chỗ quê hương đẹp hơn cả”? Tôi cũng yêu quê nhà và tôi có 50% là Huế. Tất cả - quê người, quê nhà - đều đẹp nhưng tôi không “cuồng sát” ý nghĩ về cái đẹp của những nơi không phải quê hương mình. Còn anh, sự thật là như thế nào?
*VT : Có lẽ tôi đi hơi nhiều nên khái niệm về cái đẹp riêng “quê người”, “quê nhà” không tách bạch. Tôi thấy nơi nào trên hành tinh này cũng đều đẹp cả, đẹp tuyệt vời. Tuy vậy, hôm nay tôi đã, đang ở Huế thì cũng là một sự chọn lựa không nhìn lại. Không một chút áy náy trong lòng. Tôi yêu Huế, chỉ có thế thôi.
* CTC: Thú thật, nghe nhiều người Huế day dứt về cái đẹp Huế nhưng tôi không “lây” được nó. Thế còn “Viêm Tịnh”, xin lỗi, nghe có ấn tượng “Khổ Độc thiền sư” quá. Vậy “thiền sư” có hụp lặn trong tình trường và kết cục nên nghĩ thế nào về tình yêu ngoài tí thương tí nhớ tí tình dục ra? Có cái này, tôi tò mò là khi phải kết thúc một cuộc tình, anh xoay xở thế nào? Nó có khó hơn “xây dựng cơ bản” một cuộc tình?
* VT: Tôi nghe ra rằng anh cũng là một tay “giác đấu” trong tình trường, hèn chi có câu hỏi này. Tôi có cái tên viết này cũng từ Trần Dzạ Lữ, ông ấy rủ rê tôi viết cho ông, rồi ông ấy gợi ý nên lấy bút danh cho… khó ưa một chút, chắc cũng tại cái mặt tôi hơi khắc khổ một tý, giống mấy ông sư già, chết tên là cái chắc. Không vào cửa tình làm sao sống sót tận bây giờ. Mà tình là gì? (chữ của Đại sư phụ Kim Dung đó nghe), yêu tất nhiên phải từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, rồi đọng lại trong trái tim nghiệt ngã này, và đắc đạo liền (ý riêng của tôi). Long đong trong cõi yêu nên tôi theo yêu pháp “để người phụ ta” cho nó… chính nghĩa, còn ta chui đầu vào tủ lạnh cho hạ hoả, và đóng dấu thánh khuôn mặt người tình vào trái tim xém bị nghẽn động mạch vành. Tôi ngại giống như ông Nguyễn Miên Thảo vào bệnh viện năm vừa rồi lắm. Kết thúc một cuộc tình đương nhiên là khó. Ông CTC này lạ thật, ông thấy dễ lắm à?!
* CTC: "Giác đấu", không dám đâu! Mà nghe nói sau ngày hoà bình, “Khổ Độc thiền sư” khoanh tròn mình lại, bế môn không tiếp xúc với ai trong mấy chục năm. Cơ duyên nào như thế và như thế mà anh sống được sao? Ít ra cũng không quên sông Hương núi Ngự và con gái Huế những thứ ấy chịu để cho anh yên chứ?
* VT: Quan niệm sống của tôi rất đơn giản, sau những năm tháng điêu linh mà mình trực tiếp tham gia, được người ta xé áo quan giùm, thì mình bước xuống sân khấu, nhường lại ánh đèn cho lớp diễn viên mới đóng vai. Đôi khi làm khán giả mà thấy vui. Mấy chục năm đó ẩn thế vì một vài “manh tâm” với cuộc mưu sinh, một vài “manh tâm” với những vọng tưởng (chưa có vi tính mà cũng sống ảo đời). Tất nhiên cũng có những tuyệt vọng tưởng như không chịu đựng được, nhưng nhờ có ông trời phù hộ, cấp bù lỗ cho một bà vợ biết yêu chồng con, thế là thời gian đâu có nghĩa gì. Lúc ấy bạn bè cũ thì đang lao xao chuyện hôm qua chuyện hôm nay, rối tung rối mù, mình xen vào có hợp thời trang không? Như trên đã nói, tôi yêu Huế (trong Huế biết bao điều tuyệt vời, kể một chuyện để anh thấy Huế, mà có dư không hè, vì anh cũng có 50% Huế.) Năm 1977, sau khi đi học cải tạo về, tôi được bạn bè kiếm cho một chân lao động phổ thông tại một công trường xây dựng cầu An Lỗ làm những việc bưng bê mang vác là xong. Một buổi sáng tháng 11, trời mưa lâm thâm, chúng tôi đang ở trên chiếc phà ghép bằng thùng phuy xăng cũ để rửa sạn cho thợ nề đổ chân cầu. Trong đám phụ nề có nhiều cô gái dễ thương (tôi thấy rứa mà chắc mấy ông bạn đồng nghiệp cũng thấy rứa), nhưng tôi vẫn chỉ thấy một cô luôn tay xới sạn mà thỉnh thoảng vẫn nhìn qua vành nón lá với đôi mắt đằm thắm và gặp tầm mắt tôi, nhờ vậy tôi lao động mà ít thấy mệt. Khi sắp hết giờ làm việc, cô gái tự nhiên đưa nắm tay qua tôi, anh biết gì không, một nắm tay đồng tiền cổ, cô ấy đã vừa làm vừa nhặt những trự tiền chìm dưới lòng sông, lẫn trong sạn, cất cho tôi. Bỗng nhiều tiếng la hét từ những chiếc phà đang neo phía trên phà của chúng tôi, một luồng nước sông ào ạt lũ về, hai chiếc phà bị chao lật úp, chiếc phà có tôi và cô gái mới quen chưa biết tên. Sau cuộc cứu hộ, kiểm lại công nhân thì thiếu cô gái mà tôi chưa biết tên. Ngày đó tôi ở lại cùng nhóm tìm kiếm suốt đêm, trưa hôm sau xác cô ấy tấp bên bờ tre cuối làng. Tôi bỏ việc.
* CTC: Nếu là tôi, thì tôi đã thắp một ngọn nến và tuyệt đối không để nó tắt. Bây giờ nói chuyện thơ . Thơ anh - những bài anh gửi cho tôi - đọc khá nhọc nhằn dù tôi làm nghề đọc thơ chuyên nghiệp. Nó trữ tình, lại nói theo bây giờ, là “tân hình thức” và theo tôi, thơ anh còn là “siêu thực” kiểu “Khổ Độc thiền sư” nữa. Nói vậy biết có đúng chăng? Anh có thuộc nhiều thơ Ngô Kha? Có nhiều bài “thơ tán gái” không?
* VT: Tôi có biết và có đọc thơ Ngô Kha, thời viết trên báo Trình Bầy. Tôi theo hệ Dân Tộc sau khi rời báo Văn Học.Tôi làm thơ theo cảm xúc của tâm hồn và cảm nhận cuộc sống theo cách nhìn hơi bảo thủ. Nếu anh thấy có mùi sư sãi chắc là do hồi nhỏ tôi học vỡ lòng ở ngôi trường làng cạnh một ngôi chùa nhỏ. Chùa hiện nay vẫn còn, nhưng trường thì không chút dấu tích. Chùa tên là Phước Huệ. Ở làng Vỹ Dạ.Tôi thích tán gái theo kiểu… rỉ tai, vừa được nhìn đôi má hồng vừa thơm thoảng hương tóc con gái, như vậy hiện thực và nhanh hơn là làm thơ.
* CTC: Chủ biên Tuyển tập thơ Huế với cả ngàn tác giả, anh thấy cái hay của thơ Tố Hữu là như thế nào và bây giờ anh có đoán được những người làm “thơ trẻ” cảm thơ người Huế này ra sao? Một tò mò nhỏ, làm tuyển tập này anh tìm tài liệu cách nào?
* VT: Tại Huế hiện nay có bút nhóm Sao Khuê, do nhà thơ Võ Quê và Nhà VH Thiếu Nhi Huế phụ trách, các em đang ở độ tuổi cấp 2, đó là lớp tuổi rất trẻ làm thơ và viết văn của tương lai. Còn có CLB Văn Thơ Trẻ của sinh viên, học sinh cấp 3 và những người viết trẻ riêng lẻ… Những sáng tác của các em không mang tính phong trào, tôi nghĩ thế hệ sinh ra trong những thập niên 80, 90 đang sống và học tập ở Huế có cách nhìn nhận thơ của thế hệ trước họ với đôi mắt rất độ lượng, và thông cảm. Không ngoại trừ thơ Tố Hữu. Mỗi thế hệ có một hoàn cảnh, có một cách nhập thế rất riêng. Tôi thấy họ hoà nhập với thiên nhiên của Huế rất dễ dàng, không mặc cảm. Họ đang sống và làm việc trong môi trường sống tương đối, và họ đang cảm thụ quá khứ và đang chuyển động cho ngày mai. Anh tò mò thì tôi phải giãi bày, người Huế nói riêng, dân tộc mình nói chung, vốn… mắn đẻ, cho nên dân số Việt Nam phát triển theo “cấp số nhân”, người Huế e rằng sinh đẻ nhiều hơn, chắc vì do dòng sông Hương trữ tình quá chăng. Dựa vào yếu tố đó, nên khi anh Cao Huy Khanh nói ra ý tưởng góp chung những người làm thơ để xem họ sống từ Huế và họ có làm thơ đến con số ngàn không... Thế là bắt tay làm, từ những người quen biết, từ những tư liệu sách đã phát hành, từ nguồn Internet… thôi thì đụng vô mô cũng gặp đồng hương cả, vậy là phát triển qua 2 cuốn, và đang làm tiếp cuốn 3 để có 1.000 Nhà Thơ Huế Đương Thời toàn tập. Qua cuộc nói chuyện này, nếu anh CTC có lên blog cho tôi gửi một lời cám ơn đến những tác giả có thơ trong tuyển tâp 1.000 Nhà Thơ Huế Đương Thời đã phát hành và sẽ xuất bản trong một ngày gần đây.
* CTC: Sao anh lại nhờ tôi cám ơn các tác giả ấy, lẽ ra các anh phải cám ơn họ từ trước khi in mới đúng chứ? Bắt giò tí vậy thôi, tôi sẽ làm như anh nhờ. Thế thì ở quê ngoại các con tôi, cứ ra đường là gặp nhà thơ? Hãy cho tôi bài nào của anh mà tác giả thương nó nhất. Và quan trọng là lời giải mã của anh. Câu chót : đàn bà làm khổ chúng ta… cho đến chết, cực thân ta quá nhỉ!
* VT: Không có đàn bà ta còn khổ thân hơn thế nữa. Tôi chỉ mong nhận vế trên của anh. Mà như là anh vẫn đang yêu một cách tích cực thì phải, những câu hỏi anh đặt ra đều liên quan đến chữ yêu. Tôi rất muốn luôn được sống trong trường tình, lãnh vực nầy không thể tách ra khỏi đời sống được. Bài thơ gửi dưới đây cũng nằm trong phạm trù yêu mà thôi. Mà thử tìm trong những ông làm thơ có ông nào tách mình ra khỏi đàn bà đâu. Nghiệt ngã là yêu mà vẫn cô đơn, tôi mãi chìm ngập trong nỗi niềm đó.
SÂN SI ĐỜI
1/Ngôi nhà ta sống như mộ địa Nhện giăng sợi ngắn quấn sợi dài
Có em bên đời như không có
Mùa xuân về sao nắng hắt hiu
2/Ta sống với mưa như tình nhân
Âu yếm cùng nhau giọt lệ thầm
Nhịp tim đìu hiu lời yêu dấu
Tan giữa hư không một nụ cười
3/Ta đã già, Em vẫn thanh xuân
Trái mù u của tuổi tươi hồng
Rụng vài trái chín, xanh mầm mới
Ai rót vào ai khúc ngậm ngùi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét