Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 42 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

421- Má Mười
NUÔI 125 TRẺ MỒ CÔI, KHUYẾT TẬT
Cán bộ về hưu tên thật Trần Thị Cẩm Giang sinh 1938 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Sinh ra trên quê hương đất thép Củ Chi nên từ năm 14 tuổi đã vào mật khu làm giao liên cộng sản. Lấy chồng cũng du kích sinh con dưới địa đạo.
Năm 1973 bị địch bắt, giam cầm qua nhiều nhà tù ở Sài Gòn, đến ngày giải phóng mới được giải thoát.
Sau 75 mới bắt đầu học chữ để làm cán bộ.
Về hưu quay về quê Củ Chi sống trong căn nhà dòng tộc để lại từ đời xưa. Đáng lẽ nghỉ ngơi tuổi già nhưng nhìn ra chung quanh chạnh lòng thấy có quá nhiều trường hợp trẻ em mồ côi, khuyết tật hậu quả chiến tranh bị nhẫn tâm bỏ rơi nên mới nhận nuôi vài trẻ em nghèo trong xóm. Rồi thêm vài đứa nữa gom nhặt bên đường.
Không ngờ tiếng lành đồn xa “Má Mười” nuôi trẻ bất hạnh vô gia cư nên dần dà có nhiều người, nhiều nơi đem trẻ mồ côi, khuyết tật tìm được đây đó đem đến không thể không nhận. Thậm chí có bà mẹ sinh xong không nuôi nổi đã lén đem đặt con… trước cửa nhà nhờ nuôi giùm!
Từ đó năm 2002 mở rộng căn nhà ở quê của mình thành một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi đặt tên là “Mái ấm Thiện Duyên”. Tính đến nay tổng cộng có đến 125 em như vậy cùng sống chung dưới một mái nhà làng. Trong số này có 73 em bị bại não nằm một chỗ, khoảng hơn 30 em bị khuyết tật nhẹ được cho đi học đàng hoàng.
Để gồng gánh cả đàn con nuôi như thế, bản thân dù già cả rồi vẫn làm việc tối ngày kiếm tiền lo cho các con, làm đủ thứ nghề từ làm tương chao, muối tiêu đến nuôi heo, nuôi dế, trồng nấm… Cũng may đuợc nhiều đoàn từ thiện tìm đến thăm viếng, giúp đỡ. Cả hàng xóm láng giềng cũng xúm vô phụ má một tay. Phần má chỉ cầu mong “Trời thương cho má ít bệnh tật để má làm lụng…”

422 - Ngô Quang Kiệt
TỔNG GIÁM MỤC CHỐNG TIÊU CỰC
Tu sĩ Thiên Chúa giáo sinh 1952 tại Lạng Sơn. Sống ở Hà Nội (2010).
Năm 1954 theo làn sóng di cư vào Nam, tu học tại Long Xuyên và phục vụ ở nhà thờ chánh tòa Long Xuyên.
Sau 1975 tiếp tục làm công việc mục vụ cũ, đến 1991 được thụ phong linh mục cũng tại Long Xuyên. Năm 1993 được đưa đi đào tạo tại Học viện Công giáo ở Paris - Pháp tốt nghiệp tiến sĩ triết học và thần học. Trở về nước, năm 1999 được đề bạt về làm giám mục ở quê hương cũ Lạng Sơn và Cao Bằng.
Thuộc thế hệ trẻ được đặt nhiều kỳ vọng nên năm 2003 được giao kiêm luôn giám quản địa phận Hà Nội để đến năm 2005 chính thức được Vatican bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Hà Nội kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục VN.
Trở thành nhân vật cao cấp thứ tư trong hàng giáo phẩm Công giáo VN lại tương đối trẻ nên hoạt động rất nhiệt tình, năng động, thực tế luôn cố gắng sâu sát gần gũi với đời sống, tâm tư nguyện vọng giáo dân. Hết lòng đấu tranh vì quyền lợi giáo dân, giáo hội dù có khi phải đối đầu với chính quyền: “Tự do tôn giáo là quyền, không phải là cái ân huệ xin-cho”.
Từ đó từ cuối năm 2007 đã tham gia đấu tranh – dưới nhiều hình thức – chống các tệ nạn tiêu cực của cán bộ quan chức có dấu hiệu tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai đang là “cơn sốt” thời này. Trong đó nổi cộm có việc đòi lại một số cơ sở, đất đai trước kia thuộc quyền sở hữu của giáo phận Hà Nội sau này bị Nhà nước trưng dụng nhưng nay có nguy cơ bị biến thành tài sản tư nhân hoặc sử dụng sai mục đích thay vì phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
Cuộc đấu tranh lên đến cao điểm vào năm 2009 gây thành một phong trào chống đối nguy hiểm kéo theo giáo dân nhiều tỉnh khác đẩy mâu thuẫn với chính quyền Hà Nội thành nặng nề. Từ đó nhân một lời phát biểu thiếu cẩn trọng đã bị phía “đối tác” cố tình xuyên tạc gây phản ứng của dư luận làm mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước bị đe dọa căng thẳng mất đoàn kết.
Ngoài ra hẳn là cũng vì thế mà dù giữ cương vị ứng cử viên (TGM Hà Nội giáo phận lớn nhất miền Bắc) vẫn không được Vatican tấn phong hồng y (phải có sự đồng ý của Nhà nước VN) thay Hồng y Phạm Đình Tụng của miền Bắc vừa qua đời theo đúng tiêu chuẩn mỗi miền một hồng y
Từ đó tháng 5.2010 đành gửi đơn từ chức lên Vatican với lý do sức khoẻ và được chấp nhận cho qua Roma chữa bệnh. Lặng lẽ ra đi với lời xin lỗi gửi lại giáo dân yêu quý mình: “Tôi đã làm tất cả vì lợi ích của Giáo hội… Tôi không bị áp lực gì, chỉ bị áp lực của lương tâm, trách nhiệm.”
Đây được xem là kết quả cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Nước và Giáo hoàng Jean-Paul II vào cuối năm 2009! Cũng có thể từ đó tân TGM Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN Nguyễn Văn Nhơn lên thay dù đã 72 tuổi so với người tiền nhiệm chỉ mới 58 tuổi - sẽ được tấn phong hồng y bảo đảm đúng tiêu chuẩn VN có 2 hồng y.
Dù sao cũng may mắn là nguyên TGM “đòi đất” này không giống trường hợp TGM Nguyễn Văn Thuận trước đây đi Roma chữa bệnh rồi bị… cấm trở về nước. Bản thân ông đã quay lại Hà Nội tháng 8.2010 để sống đời… hưu trí!

423 - Nguyễn Văn Thuấn
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 17
Nông dân sinh 1957 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2006).
Bộ đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, sau đó còn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận Campuchia.
Năm 1977 trong một trận đánh bị trúng đạn vào gáy bất tỉnh trong khi đồng đội chưa kịp biết thì được một người dân Campuchia nhân hậu cứu đem về nhà săn sóc, chữa trị rồi nhận làm con nuôi.
Từ đó trở thành giống như người Campuchia luôn từ cách ăn mặc đến nói năng, hàng ngày đi rừng kiếm củi, giăng câu kéo lưới phụ giúp bố nuôi ở vùng Biển Hồ.
Nhưng vết thương quá nặng gây nên mất trí nhớ. Còn ở quê nhà đến năm 1992 mới có giấy báo tử liệt sĩ.
Đến năm 1995 với mảnh đạn vẫn còn ghim trong đầu mới bắt đầu hồi phục trí nhớ chút đỉnh. Muốn tìm về lại VN nhưng không có tiền.
Mãi đến năm 2000 mới gom đủ tiền được cha nuôi đưa ra tận bến xe về TPHCM rồi ngược đường ra Bắc. Một mình lặn lội tìm về tận làng xưa, ban đầu không ai nhận ra kể cả người em ruột do đã 26 năm xa cách (nay chỉ còn cân nặng 39kg), hơn nữa tưởng đã hy sinh rồi.
Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, hàng xóm, bạn bè lấy được vợ là cô giáo sinh được một con trai dù khi làm đám cưới không làm được giấy đăng ký kết hôn do… không còn giấy tờ tùy thân nào cả! Ngay giấy CMND cũng phải 2 năm sau mới làm được. Riêng chế dộ thương binh thì thủ tục quá nhiêu khê gian nan nên đành… chịu!

424 - Nguyễn Văn Trung
TAN VỠ ẢO TƯỞNG “TRÍ THỨC DẤN THÂN”
Giáo sư đại học, nhà nghiên cứu văn hóa đa năng sinh 1930 tại Hà Nam. Sống ở Canada (2010).
Là người Công giáo di cư vào Nam 1954 nên sau đó được đi du học ở ĐH Công giáo Bỉ, Pháp lấy bằng triết học rồi về nước dạy đại học ở Huế và Sài Gòn (từng làm khoa trưởng Văn khoa Sài Gòn).
Vừa dạy học vừa viết báo khởi đầu từ tạp chí Đại học của ĐH Huế rồi khi chuyển vào Sài Gòn ra sách và tham gia thành lập một số tạp chí theo khuynh hướng tiến bộ như Đất Nước, Hành Trình…
Là một chuyên gia về nhà văn và nhà tư tưởng hiện sinh lớn Jean-Paul Sartre của Pháp, đã góp phần truyền bá tác phẩm cũng như triết lý của bậc thầy này qua nhiều cuốn sách “chuyển ngữ” khôn khéo, dễ đọc các tác phẩm của Sartre. Từ việc phổ biến Sartre đến gần như “nhập tâm” làm luôn theo Satre trong quá trình 2 giai đoạn đời người sống và viết - từ giai đoạn đầu hiện sinh bi quan về thân phận con người đến giai đoạn sau chuyển biến qua cấp tiến thiên tả kêu gọi đấu tranh giải phóng con người khỏi áp bức xã hội.
Bản thân đã trải qua những chuyển biến tương tự như bậc thầy của mình, nhất là trong giai đoạn sau ở Sài Gòn cổ vũ cho triết lý “trí thức dấn thân” cụ thể hóa trong xã hội miền Nam từ cuối những năm 1960 là chống chế độ Thiệu – Kỳ theo Mỹ, phê phán Công giáo vọng ngoại theo Pháp, có cảm tình với Mặt trận Giải phóng miền Nam nói riêng, cộng sản nói chung. Trở thành một đại diện trí thức lớn ở miền Nam có lập trường “phản kháng” – cũng là một cụm từ của Sartre! – trong nhóm trí thức Công giáo tiến bộ của Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan… Từ đó tạo một ảnh hưởng tinh thần, học thuật cho giới trí thức trẻ, sinh viên miền Nam thờì này, mở đường cho một số đi theo con đường cách mạng chống Mỹ.
Sau 75 ở lại, ban đầu từng bị nghi kỵ bắt giam sau nhờ giới trí thức Pháp can thiệp mới được thả ra. Tuy không được cho dạy đại học nữa nhưng vẫn được chế độ mới sử dụng như một chuyên gia “nhân sĩ” và trong vai trò đó đã cố gắng có đóng góp như bao người trí thức khác vốn nuôi hy vọng được góp phần xây dựng lại quê hương đổ nát, dân tộc chia rẽ sau chiến tranh: “Sau 75 tôi không còn lên tiếng công khai, thẳng thắn chân thành theo xác tín của tôi và những hiểu biết của tôi thời đó về những vấn đề thời cuộc. Nhưng không phải im lặng hoàn toàn, chỉ không công khai mà trong nội bộ, thường do yêu cầu nói theo quan điểm của mình, vì thế các phát biểu vẫn thẳng thắn và chân tình.”
Trong thời gian này vẫn viết “để đó” về nhiều đề tài nghiên cứu văn hoá, văn học dân tộc, văn hóa dân gian, ngôn ngữ, tôn giáo VN đặt trong sự quy chiếu với thế giới… Trong đó có 2 tập hồi ký về 2 thời kỳ 1955-1975 và 1975-1995.
Đến thời Đổi mới rất ủng hộ, từng được cho phép đi Mỹ rồi vẫn trở về.
Nhưng qua thời gian dần tự nhận thấy rằng trong cơ chế quan liêu bảo thủ quá chặt chẽ của chế độ cộng sản lúc đó mình cũng chẳng làm được gì, chẳng đóng góp được gì, vẫn chỉ đóng vai trò “góp ý” nhưng chưa chắc được nghe theo! Từ đó bấy giờ mới có kinh nghiệm thực tiễn đối chiếu với lý thuyết “trí thức dấn thân” của cái gọi là “tân Marxism” do Sartre cổ súy thì đôi bên cách biệt nhau một trời một vực: “Thực tế đất nước hiện nay (năm 1988) đã quá rõ để cho tôi và mọi người VN quay nhìn lại quá khứ gần đây, thấy được những ảo tưởng, sai lầm của mình bất cứ ở xu hướng nào hay từ sự lựa chọn nào.”
Tự “kiểm điểm” đã nhận “trách nhiệm tinh thần” trước đây từng khơi gợi, cổ súy cho một thành phần giới trí thức trẻ thành thị đi theo cách mạng và cả sau Giải phóng chấp nhận ở lại như mình để rồi rốt cuộc đối diện với thực tế chế độ cách mạng “dzậy mà không phải dzậy”phải rước lấy bao thất vọng ê chề!
Cuối cùng đành chấp nhận ra đi… muộn theo diện bảo lãnh (có con vượt biên!) qua Canada năm 1994 với lời thanh minh chỉ “đi tạm thời”! Đi nhằm có thêm kinh nghiệm nước ngoài để “dấn thân cụ thể vào những hoạt động tranh đấu xã hội thật cần thiết, ích lợi cho VN trong tình cảnh gọi là toàn cầu hóa hiện nay.”
Ở nước ngoài lại tiếp tục viết, tiếp tục dòng suy nghĩ, nghiên cứu từ trước – viết và dịch rất nhiều chủ yếu phổ biến trên mạng – về đủ lãnh vực, đề tài từ chuyện thời cuộc chính trị đã qua – bài “Tưởng niệm VNCH” – đến các vấn đề văn hóa, văn học dân tộc, đạo Công giáo và đạo Phật trong mối quan hệ dân tộc, cả vấn đề lý luận văn học lẫn dich thuật… Thậm chí còn sẵn sàng “bút chiến” với những tác giả hải ngoại phản bác quan điểm của mình, điều cho thấy có lẽ do bản tính hay nói thẳng viết thẳng không nương nhẹ ai nên bản thân thường có nhiều “kẻ thù” kể cả trong giới Phật giáo lẫn giới Công giáo của mình. Đã bị phe cực đoan ở nước ngoài liệt vào hàng “Việt gian Cộng sản”!
Một trường hợp oái oăm của không ít người bị rơi vào bởi “không ở phe nào”. Vì muốn cố gắng giữ vị trí nhà trí thức độc lập giữa các phe phái chính trị, có phê phán chế độ cộng sản nhưng không chống đối quá khích kiểu “chống Cộng” hải ngoại mà chỉ nhắm nêu cao chủ nghĩa dân tộc chung nhất – trên mọi lãnh vực - mà người yêu nước thực thụ nào cũng hướng về.

425 - Nguyễn Hùng Trương
“ÔNG KHAI TRÍ”
Chủ nhà sách sinh 1926 tại Sài Gòn – Mất 2005 ở TPHCM (80 tuổi).
Ông chủ nhà sách lớn nhất miền Nam trước 1975 – Nhà sách Khai Trí lập năm 1952 nằm ngay trung tâm Sài Gòn gần chợ Bến Thành có trong kho đến 5 triệu cuốn sách do ông chọn lựa đa số đều có giá trị - đến 1975 bị Nhà nước tịch thu quản lý dù có nguồn tin cho ông là người “thân Cộng” từng làm kinh tài cho Cách mạng!
Bù lại Nhà nước cấp cho ông một căn nhà nhỏ sống tạm qua ngày. Tuy vậy vẫn vui vẻ chấp nhận sống bình thản, thậm chí còn hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa của chế độ mới như giao lưu, giới thiệu sách, triển lãm…
Tuy nhiên con cái đã vượt biên từ trước ở nước ngoài không muốn để ông ở lại một mình vò võ tuổi già sức yếu trong căn nhà vắng vẻ nên tìm hết cách bảo lãnh ông qua. Và cuối cùng thì ông cũng phải ra đi qua Mỹ năm 1991.
Nhưng thật bất ngờ chỉ một thời gian ngắn người quen biết cũ lại gặp ông ở… Sài Gòn, không phải về chơi dăm bữa nửa tháng mà là định… ở luôn! Tức là “tái định cư” cho Việt kiều đã một lần ra đi (chứ không phải kiểu “tái định cư” cho bà con bị giải tỏa mặt bằng cứ kiện lui kiện tới hoài).
Nhưng thời đó khoảng trước năm 2000, ông không được giải quyết liền được mà theo đúng thủ tục quy định phải chờ “xuất ngoại vĩnh viễn “ được 5 năm đã mới xem xét cho giải quyết quy hồi cố quận. Bởi thế cứ ở 6 tháng hết hạn visa là lại mất công bay về Mỹ cỡ một tuần đủ để xin giấy tờ đi “du lịch” lại về VN (bây giờ chuyện này đỡ rồi chỉ cần qua Thái Lan là được đóng dấu gia hạn nhanh chóng).
Ấy thế mà ông già vẫn chịu khó đi đi về về hoài – có năm ở lại đến 11 tháng - cho đến ngày được phép “ở luôn”: “Đi đâu cũng không bằng nhà mình. Ơ đây tôi muốn đến chơi nhà ai tôi cứ đến không cần báo trước, không gặp thì tôi qua nhà khác chơi… Xứ mình sống tình cảm lắm…”. Có lẽ ông là một trong những người tiên phong trong trào lưu “tái định cư” từ nước ngoài bắt đầu thế kỷ 21.
Không dám nói làm vậy là “yêu nước” mà thực chất là do ông quá yêu sách Việt, báo Việt. Vì tình yêu đó mới làm nên thương hiệu “Nhà sách Khai Trí” tồn tại hơn 20 năm ở Sài Gòn. Vì tình yêu đó mà trước 75 đã trở thành nhà mạnh thường quân hào sảng phóng tay bảo trợ cho ra đời một số báo chí có giá trị như tập san Văn Sử Địa, tuần báo Thiếu Nhi cũng như in “chùa” cho biết bao nhà văn nhà thơ nghèo khác. Có thể xem “Ông Khai Trí” là “ông tổ” của phong trào các nhà tài trợ văn hóa hiện nay.
Rồi cũng vì tình yêu đó mà sau này khi đã mất nhà sách – công cụ hoạt động lớn nhất của mình – mới chuyên tâm quay qua làm nghề tay trái là soạn sách loại sưu tầm cóp nhặt những mẩu chuyện hay đẹp của con người, cuộc đời làm bài học giáo huấn thế hệ trẻ như cụ Nguyễn Hiến Lê từng làm trước đây (loại sách dịch). Đáng chú ý trong sự nghiệp sưu tầm của mình vẫn ưu tiên dành cho những nhân vật VN kể cả những “gương doanh nhân” hải ngoại lẫn trong nước sau 1975.
Trong 10 năm từ 1993 đến 2003 tận dụng thời gian cuối đời còn lại được trở về sống lại trên quê hương đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách với bút danh mới Nguyễn Hùng Trương gồm “Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc”, “Quê em mến yêu”, “Làm con nên nhớ”, “Chánh tả cho người miền Nam”, “Huế mến yêu”, “Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam”...
Nói như Phạm Quỳnh “Tiếng Việt còn, dân ta còn” thì yêu sách Việt, báo Việt như thế còn quá cả yêu nước!
Thật dễ thương mà cũng đáng thương hình ảnh ông già gần 80 tuổi ngẩng đầu lên chỉ căn nhà nhỏ một lầu của mình nằm ngay ngả tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai ở TPHCM mà ao ước rằng “có thể làm lại Nhà sách Khai Trí” ở đây cũng được, “một nhà sách VN tối tân để có thể hãnh diện với thế giới.” Làm không phải chỉ vì lợi nhuận thuần túy mà vì “Một nhà sách tốt là nơi bày hàng giới thiệu văn hóa nước mình… Cái quan trọng là dân trí. Dân trí có được mở mang thì mình làm ăn với nước ngoài mới không thua thiệt.”
Than ôi không còn kịp nữa rồi như ông từng cau mày tiếc rẻ “20 năm qua nếu được tiếp tục làm về văn hóa tôi sẽ làm được nhiều việc cho quê hương xứ sở.”
Nhưng cũng không cần thiết nữa bởi trước sau gì thì Nhà sách Khai Trí cũng sẽ có chỗ đứng trong lịch sử thôi như những “Thư xã”, Tủ sách Hàn Thuyên, Nhà sách Sông Hương trước đây…

426 - Nguyễn Văn Tuấn
TAI ƯƠNG DỒN DẬP TAI ƯƠNG
Thường dân sinh 1958 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).
Nguyên là bộ đội lái xe trên chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Sau 75 ra quân đi làm công nhân đến năm 1989 thì bị tinh giản biên chế xoay qua làm đủ nghề kiếm sống từ phụ xe đến… trông trẻ. Sinh được 2 con thì vợ mắc bệnh tim mất sớm.
Nợ nần tứ phía chưa trả nổi thì đến năm 2003 bị trượt chân cầu thang vỡ xương chậu liệt chân hết đi làm luôn! Nhà ngoài 2 con thơ còn một bà mẹ già 84 tuổi nữa lấy gì để sống qua ngày đây hỡi trời?

427 - Nguyễn Văn Tuyên
HỌA SĨ VẠN ĐÒ SÔNG HƯƠNG
Họa sĩ sinh 1947 tại Huế. Sống ở Huế (2010).
Sinh ra từ một gia đình làm nghề chài lưới sống trên đò sông Hương khu vực làng thượng nguồn vạn đò Thọ Khương (phía trên chùa Thiên Mụ). Được cha mẹ cho lên bờ ăn học, năm 1968 tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thụât Huế. Từng đoạt giải triển lãm Huế 1969, có triển lãm đầu tiên năm 1970 cũng ở Huế.
Nhưng sự nghiệp hội họa bị đứt đoạn vì thời cuộc bắt đầu từ cuối những năm 60 khi tham gia vào các hoạt động biểu tình, xuống đường chống chiến tranh đòi hòa bình của lực lượng tiến bộ ở Huế khiến bị cảnh sát rượt đuổi truy bắt. Thêm tội trốn lính nên phải bỏ trốn xuống… vạn đò nơi đã sinh ra mình.
Nhưng cuối cùng vẫn bị bắt đi tù Côn Đảo vì tội đăng tranh phản chiến trên báo Cách mạng bí mật. Đến 1974 mới được thả ra về lại vạn đò cũ song vẫn chưa yên lại bị… bắt lính chế độ cũ.
Giải phóng rồi thành ra thành phần “nửa nạc nửa mỡ”, hoạ sĩ tiến bộ nhưng lại đeo lon… binh nhì lính Cộng hòa thôi đành về làm dân quèn sống bám vào “vạn đò quê tôi”. Phải xoay xở làm thêm đủ thứ nghề linh tinh để kiếm sống qua ngày nuôi vợ con như bán xăng, bán phân, làm công nhân cây xanh trong đó có nghề tương đối “thuận tay” nhớ nghề cũ nhất là… sơn xe đạp!
Mãi đến năm 1996 một chuyên gia mỹ thuật chỗ quen biết cũ từ Hong Kong tìm tới gợi ý đặt mua tranh, từ đó mới vẽ trở lại.
Vẽ say đắm phóng bút như sự giải phóng bao nhiêu cảm hứng khát vọng bị trầm tích lâu nay với toàn đề tài về sông Hương và vạn đò (nên không có nhan đề cho từng bức) nơi nuôi nấng và cứu vớt đời mình. Bằng một phong cách độc đáo vẽ sơn dầu theo kiểu tranh lụa mơ màng, huyền hoặc, lãng đãng khói sương, có khi bằng ngón tay nhúng màu thay cho cọ vẽ. Từ đó đã tham gia triển lãm chung ở Mỹ năm 1996, 1997, trưng bày tranh ở Huế, Đà Nẵng…
Nguồn sáng tạo như đã trở lại dù có muộn màng, mỗi ngày đam mê vẽ từ 5 giờ sáng đến tối vẫn từ ven bờ thượng nguồn sông Hương phóng mắt nhìn ra vạn đò. Mãi mãi trung thành với vạn đò sông Hương: “Hễ cầm cọ lên là hiện ra con đò. Vẽ chi cũng ra đò.”
Bởi vạn đò sông Hương không chỉ là đề tài, ám ảnh mà còn là ơn cứu rỗi nữa: “Mờ sáng trên sông nghe tiếng chuông chùa hay lắm... Nhờ rứa mà tui vẫn giữ được lòng dạ nhẹ nhàng…”

428 - Nguyễn Văn Tư
“TRỜI KHÔNG LẤY ĐI TẤT CẢ”
Nông dân sinh tại Nam Định. Sống ở Nam Định (2009).
Bộ đội đánh Mỹ trên chiến trường miền Nam, sau đó qua mặt trận Campuchia.
Xuất ngũ về quê làm nghề đi biển, lấy vợ sinh được 4 con. Cả 4 con – 3 trai 1 gái - khi mới sinh ra không vấn đề gì song sau đó lớn lên đều mắc bệnh trí óc chậm phát triển, trở nên ngây ngây ngô ngô, chân tay co quắp nằm một chỗ có lẽ do hậu quả CĐDC từ ông bố thời chiến tranh. Riêng đứa con gái năm lên 7 tuổi bị động kinh rớt xuống ao chết đuối không ai hay. May là đứa con trai đầu tương đối bị nhẹ nhất, chỉ thỉnh thoảng mới lên cơn co giật.
Lo chạy chữa bệnh cho con không kết quả, đã vậy nghề đi biển ngày càng vất vả khó kiếm sống càng đẩy cuộc sống gia đình vào chỗ cùng quẫn. Năm 1993 thấy phong trào nuôi trồng thủy sản mới bắt đầu bèn làm đơn xin được cải tạo một bãi sình lầy bỏ hoang ngoài cửa sông Sò để nuôi tôm cá. Được phép rồi,ø bắt tay vào công đoạn đầu tiên là phải đắp đập ngăn nước mặn quanh bãi lầy rộng 3 hecta tính ra dài đến 700m.
Tất cả vào thời đó đều làm bằng tay móc bùn lên vác đắp vào đập, có khi vừa đắp được một đoạn thì nổi sóng lớn tràn vào cuốn phăng hết! Lại móc, vác làm lại từ đầu. Cả 2 vợ chồng cùng làm với đứa con đầu lớn lên đã gầøn hết bệnh trở nên bình thường rồi. Cứ thế kéo dài 3 năm trời mới xong, sau đó vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi thủy sản.
Vất vả mấy năm rút kinh nghiệm, đến năm 1996 mới bắt đầu khấm khá trở thành trang trại đàng hoàng, lập thêm cơ sở sơ chế hải sản ngay tại chỗ, mua cả xe tải chở hàng.
Nhưng mừng nhất là đứa con trai đầu duy nhất hết bệnh nay 30 tuổi đã có vợ sinh con lành mạnh như mọi đứa trẻ khác: “Cám ơn trời, đúng là ông trời không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả.”

429 - Nguyễn Văn Út
TRÚNG SỐ MỸ 101 TRIỆU USD
Việt kiều sống ở Mỹ (2004).
Sống ở TP Carrolton ở bang Texas cùng gia đình vợ và một con gái.
Năm 2004 mua 5 vé số giải Mega Millions (giải “Tiền triệu” do nhiều bang cùng hợp tác tổ chức, mỗi vé thường từ 5-6 USD), đến sáng hôm sau ngày xổ chưa dò mà để quên trên bàn bỏ đi ra siêu thị mua đồ. Đến siêu thị mới nghe người ta kháo nhau rằng trong thành phố mới có dân trúng số lớn 101 triệu USD (ở Mỹ nơi bán vé được trang bị hệ thống theo dõi bán vé cho ai, nếu có ngườì trúng còn được thưởng khá nữa), bèn nhìn lướt qua dãy số trúng thì nhớ là vé mình có… trùng 2 con số liền vội vã chạy bay về nhà bốc vé lên xem thấy quả là… trúng thật! Đứng tại chỗ kêu vợ ra ôm khóc mùi mẫn!
Chấp nhận chỉ lãnh trọn gói một lần nên còn được 62,060.880 triệu USD (ở Mỹ quy định trúng từ 5.000 USD phải đóng thuế từ 25% trở lên) thay vì nếu muốn ôm đủ số tiền phải lãnh từng đợt mỗi năm trải qua từ 25-30 năm. Cũng là người dân đầu tiên trong bang Texas trúng lớn giải này. Nên nhớ xác suất trúng ở trên là 1/135.145.920!
Trả lời phỏng vấn báo chí cho biết sẽ trích tiền xây một ngôi chùa trong vùng, rồi cùng vợ con về VN giúp đỡ người thân và trẻ mồ côi đồng thời xây một trường học ở làng quê vì lần về trươc thấy trườøng học ở xa quá khiến trẻ em nghèo không đến trường được.
Đây không phải là trường hợp trúng số Mỹ lớn nhất mà đúng hơn là lãnh tiền trúng số lớn nhất thôi bởi người đạt kỷ lục trúng số Mỹ lớn nhất là Lan Bill Nguyễn 37 tuổi ở bang Nam Dakota năm 2006 trúng số đến 116,8 triệu USD giải Powerball lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên lãnh một lần được 51,584.566 USD thua Mr Uùt nêu trên có lẽ do quy định mỗi giải khác nhau về chuyện thời hạn lãnh đủ tiền trong bao nhiêu năm, về mức thuế phải đóng…
Mr Nguyễn này và vợ 30 tuổi (có con trai 6 tuổi) trước đó mở tiệm làm móng tay sống chung với mẹ, sau đó lập tức bán lại tiệm này cho nhân viên cũng người Việt mới qua rồi cả nhà… biến mất (sợ bị “lộ mặt” trên báo đài)! Nhưng cô nhân viên người Việt bảo đảm “Dứt khoát họ sẽ về VN để giúp đỡ người thân, bạn bè…”
Xếp hạng kế tiếp là Nguyễn Văn Hiếu ở bang Louisiana vào tháng 8.2010 trúng vé số cũng giải Powerball 85,7 triệu USD lãnh một lần 45,77 triệu USD. Ông đang sống cùng gia đình tổng cộng 10 người đến Mỹ đã hơn 20 năm.
Trúng số lãnh ít nhất có Đoàn Văn Quang và Trần Dũng ở bang Nebraska năm 2006 cùng góp tiền mua chung vé số với 6 đồng nghiệp Mỹ đều là công nhân nhà máy chế biến thịt, trúng giải Powerball kể trên 365 triệu USD. Tất cả đồng ý lãnh một lần chia ra mỗi người được khoảng 15,5 triệu USD. Đào Văn Quang sinh năm 1950, Trần Dũng trẻ hơn sinh 1972, cả hai đều đến Mỹ năm 1988.
Người duy nhất trúng số Mỹ chấp nhận lãnh rải đều ra trong nhiều năm là Trần Hiếu (sinh 1970) đến Mỹ năm 1987, ở New York trúng 1 triệu USD năm 2008 chịu chia ra mỗi năm chỉ nhận 50.000 USD (thực lãnh sau khi trừ thuế còn 34.000 USD) trong 20 năm. Theo anh chừng đó cũng đủ cho anh về quê hương thăm mẹ già 64 tuổi. Đã có 2 con, là chuyên viên ngành cơ khí, lúc đó làm quản đốc phân xưởng một nhà máy cán thép.
Có truờng hợp độc đáo là 2 vợ chồng Việt kiều ở bang Oregon vào tháng 9.2010 trúng số giải Quick Pick Megabucks 15,4 triệu USD đồng ý “cưa đôi” tiền nhưng mỗi người chọn một cách lãnh: Một người lãnh một lần được 2,58 triệu USD, người kia theo phương án lãnh chia đều trong 25 năm sẽ gom tổng cộng khoảng 7 triệu USD nhiều hơn song trước mắt mỗi năm chỉ nhận được 206.360 USD.

430 - Nguyễn Văn Vượng
NGƯỜI CHỐNG THAM NHŨNG LỚN TUỔI NHẤT
Cựu chiến binh sinh 1929 tại miền Bắc. Sống ở Hà Nội (2009).

Đại tá về hưu từng là chiến sĩ quyết tử bảo vệ Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó kéo dài đời binh nghiệp đến tận Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Đến khi về hưu ở tuổi “cổ lai hy” mắt đã lòa với một mảnh đạn còn nằm trong lồng ngực vẫn chưa yên lại phải đi tiên phong chống tham nhũng ở một làng ven Hồ Tây đối đầu với thế lực những quan chức đương quyền địa phương.
Ròng rã bảy năm trời từ năm 2001 đến 2007 vượt qua bao rào cản, đe doạ vẫn không sờn lòng trong cảnh “Bao nhiêu năm dài đơn độc, không có ai đứng cạnh tôi, không ai động viên tôi” ngoài bà vợ cũng gần 80 nguyên nữ dân công Điện Biên Phủ. Vẫn kiên quyết kiện tới cùng lên tới cấp Bí thư Thành ủy Hà Nội cuối cùng mới thành công.
Qua 5 vụ tố cáo tham nhũng đất đai đã giúp đem trả lại quyền sở hữu cho cộng đồng với lời tâm sự: “Nhiều người hỏi tôi đã 80 tuổi rồi, cái tuổi gần đất xa trời mà sao còn chống tham nhũng hăng say đến vậy. Tôi trả lời tôi là bộ đội Cụ Hồ giặc ngoại xâm tôi còn đánh được huống chi lũ giặc tham nhũng ngại gì mà không đánh?”.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét