Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

HUẾ : XÚC PHẠM NƠI TÔN NGHIÊM ,MỘT VIỆC LÀM VÔ VĂN HÓA

BIẾN NƠI THỜ VUA NHÀ NGUYỄN THÀNH PHIM TRƯỜNG TRẦN THỦ ĐỘ

Toàn bộ Long vị, bàn thờ của vua Minh Mạng, Hoàng hậu cùng dòng tộc tại chánh điện lăng Minh Mạng bị di dời xếp vào góc tường để làm trường quay phim Thái sư Trần Thủ Độ. Gần 250 con cháu hậu duệ vua Minh Mạng và các vua nhà Nguyễn về dâng hương bỗng tá hỏa khi không thấy nơi thờ tổ tiên của mình, Long vị của vua ở đâu.

Phim thể hiện bối cảnh lịch sử đời Lý nhưng thực hiện tại lăng vua nhà Nguyễn.

Lời "kêu cứu" từ hậu duệ của vua Minh Mạng

Lăng Minh Mạng (còn gọi là Hiếu Lăng) rộng 18ha do vua Thiệu Trị - con trưởng vua Minh Mạng xây dựng từ năm 1840 đến 1843 và tu bổ năm 2000 bằng kinh phí nhà nước, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993.
Chiều 12/4, ông Tôn Thất Viễn Bào (72 tuổi), hậu duệ thứ 4 của vua Minh Mạng, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế bức xúc kể: “Sáng 11/4, gần 250 con cháu hậu duệ vua nhà Nguyễn từ khắp trong và ngoài nước về lăng Minh Mạng dâng hương nhân dịp tiết thanh minh hàng năm. Khi đoàn đến chánh điện thờ vua, hoàng hậu và dòng tộc thì chẳng thấy Long vị, bàn thờ, sập thờ… ở đâu. Một đoàn làm phim đang biến nơi đây thành trường quay rất lộn xộn”.
Chiều 12/4, chúng tôi cùng một số hậu duệ đời thứ 4, 5, 6… của vua Minh Mạng đến tham quan lăng thì cảnh tượng đúng như lời kêu cứu của Hội đồng Nguyễn Phước tộc tại Huế.

Sùng Ân Điện (nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu) thành trường quay phim.

Sùng Ân Điện (nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa) mặc dù là nơi cấm quay phim, chụp hình nhưng đoàn làm phim với hơn chục máy quay, máy ảnh hoạt động hết công suất. Giờ nghỉ giải lao, diễn viên đoàn làm phim thì tha hồ chụp ảnh ngay chính điện thờ vua. Trong khi du khách đã bỏ một khoản tiền ra mua vé vào tham quan đưa máy ảnh ra chụp thì những người của đoàn làm phim nhắc nhở, không cho chụp.
Khoảng thời gian thực hiện một số cảnh quay tại lăng từ cuối tháng 3 đến nay, toàn bộ chánh điện thờ vua và hoàng tộc trở thành đại công trường để quay phim với ngổn ngang dây điện, cột đèn, bàn ghế, áo quần, tư trang… của đoàn làm phim. Hai bộ sập thờ được khênh đi chỗ khác để dựng lên một phòng ngủ của vua và hoàng hậu trong một cảnh phim.

Long vị vua, án thờ, sập thờ… bị dời đến một góc tường, nhưng không thấy Long vị vua Minh Mạng ở đây.

Du khách trong và ngoài nước bỏ tiền ra để thưởng ngoạn di tích, chiêm ngưỡng vị vua cùng dòng tộc chứ không phải xem phim trường ngay trên điện thờ vua linh thiêng này. Trên khuôn mặt nhiều du khách nước ngoài tỏ ra tức giận rồi bỏ đi vì không được thấy di tích của vua và không được chụp ảnh.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Tùng (75 tuổi, hậu duệ đời thứ 5 vua Minh Mạng) tâm sự: “Từ năm 1950 đến nay, năm nào tui cũng từ TP.HCM về Huế, dâng hương tổ tiên ở đây nhưng chưa lần nào thấy bị xúc phạm nghiêm trọng như vậy. Toàn bộ án thờ của vua và dòng tộc bị dồn vào một góc tường của chánh điện nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Long vị vua ở đâu, nếu bị thất lạc hay hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm?”.
Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc là con cháu, hậu duệ của các vua triều Nguyễn, có nhiệm vụ thờ cúng vua cùng dòng tộc, tổ chức lễ kỵ, góp phần trùng tu, bảo vệ các lăng tẩm vua Nguyễn. Hàng năm cứ vào tiết thanh minh, Hội đồng phải xin phép Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đến dâng hương tại lăng. Khi đoàn làm phim tiến hành quay tại lăng Minh Mạng, đã không có ai bàn bạc, hỏi ý kiến của hội đồng này.

Đoàn làm phim chỉ biết được việc của mình?

Phòng ngủ dành cho vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu trong phim được dựng lên nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị HoaBộ phim truyền hình 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ (tên cũ là Trần Thủ Độ và người tình) - Hãng phim truyện I được nhà nước đặt hàng với kinh phí 53 tỷ đồng, đạo diễn Đào Duy Phúc, khi thực hiện một số cảnh quay ở Huế đã dùng các di tích, lăng tẩm triều Nguyễn làm bối cảnh cho phim.
Nửa tháng nay, toàn bộ Long vị vua, bàn thờ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, cùng con, cháu vua đã bị dẹp bỏ khỏi điện thờ chính để làm bối cảnh của trường quay. Hỏi nhiều người trong đoàn làm phim là có di dời án thờ, sắp xếp lại chánh điện hay không thì ai cũng trả lời là có. Nhưng khi hỏi đạo diễn Đào Duy Phúc về việc làm như vậy đúng không thì được trả lời: “Tôi đang bận quay phim, xin các anh đợi”.
Cảnh quay trong phim Trần Thủ Độ thực hiện tại lăng Minh Mạng tái hiện lịch sử năm 1210 khi Trần Thủ Độ phò Thái tử Sảm lên ngôi vua (tức là Lý Huệ Tông). Cảnh này thuộc về đời Lý nhưng lại thực hiện trong di tích, lăng tẩm của một ông vua nhà Nguyễn thì không hợp lý xét về góc độ lịch sử (cách nhau gần 600 năm) cũng như kiến trúc của 2 triều đại hoàn toàn khác nhau.
Xét về mặt con người, Minh Mạng là một ông vua quyết đoán, năng động, có nhiều công lao trong cải cách nội trị đến ngoại giao, lập ra Nội các và Viện cơ mật ở Kinh thành Huế, bỏ việc lập các dinh để lập tỉnh (cả nước có 31 tỉnh).


Các “cung nữ” thả sức chụp ảnh trong giờ giải lao ngay chỗ thờ vua Minh Mạng.
Quân đội dưới triều vua này rất hùng mạnh, được tổ chức chuyên nghiệp, dẹp trừ nhiều cuộc nội loạn. Vua tinh thông Nho học, sùng đạo Khổng Tử; quan tâm đến việc học, thi cử khi mở Quốc Tử Giám. Về đối ngoại, chủ trương mở rộng bờ cõi khi đặt tên nước là Đại Nam vào năm 1838. Trần Thủ Độ mặc dù có công phò vua Lý Huệ Tông nhưng sau đó phế truất vua này, dàn xếp chính trị đưa Trần Cảnh lên làm vua, lập ra nhà Trần.
Nếu như tất cả các đoàn làm phim lịch sử về Huế đóng phim mà dùng các lăng tẩm, di tích làm cảnh quay thì sự tôn nghiêm, linh thiêng còn ở chỗ nào nữa? Những ông vua, chúa hay các bậc tiền nhân và những người đang sống hôm nay có lẽ không muốn bị đối xử như vậy.

Cơ quan chức năng: Phim đã được Bộ duyệt quay rồi

Phim thể hiện bối cảnh lịch sử đời Lý nhưng thực hiện tại lăng vua nhà Nguyễn.Nhiều du khách phàn nàn về cách xử sự của đoàn làm phim cũng như cơ quan chức năng đã cấp giấy phép để đoàn thực hiện cảnh quay tại lăng Minh Mạng. Ông Nguyễn Phước Bảo Hùng (51 tuổi, ở TP.Huế) bức xúc: “Huế là đất thần kinh – đất vua, có truyền thống văn hóa, coi trọng tâm linh nhưng lại xảy ra sự việc như vậy đúng là động trời”…
Khi chúng tôi hỏi vấn đề toàn bộ Long vị, án thờ tại lăng Minh Mạng bị đoàn phim di dời để làm trường quay thì các cơ quan chức năng vẫn cho rằng đó là phim của Nhà nước đặt hàng, được cấp phép.
Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô cho biết: “Phim này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt thực hiện cảnh quay. Việc đoàn làm phim thực hiện tại lăng Minh Mạng và có di dời hiện vật như vậy nhưng họ sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu. Nếu quay ở lăng khác cũng làm như vậy thôi. Không lẽ cấm không cho họ làm?”. Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng trả lời là đoàn phim sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu (?)
Nửa tháng hoạt động của đoàn làm phim có lẽ đã để lại rất nhiều bất bình, phản cảm trong con mắt nhiều du khách trước một di tích nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và thu hút khách du lịch đứng thứ 2 sau lăng Tự Đức!


XÚC PHẠM NƠI TÔN NGHIÊM,MỘT VIỆC LÀM VÔ VĂN HÓA CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM QUẢN LÝ VĂN HOÁ (*)

Ý kiến nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân bức xúc: “Đây là một hoạt động văn hóa nhưng cách làm của đoàn làm phim liệu đã có văn hóa chưa khi ngang nhiên xúc phạm di tích, lăng tẩm như vậy. Cho dù có được cấp giấy phép đi nữa thì ai dám dịch chuyển nơi thờ tự của một ông vua? Ai cấp giấy phép cho đoàn làm phim này thì phải chịu trách nhiệm.
Chúng tôi sẵn sàng đối chất, tranh luận đến cùng cho dù là cấp, cơ quan nào đã cấp giấy phép mà không hiểu rõ văn hóa, tâm linh ở Huế. Thiệt thòi thì người dân và chính quyền Thừa Thiên - Huế phải gánh chịu rất nặng. Còn người ngoại quốc sẽ thấy một kiểu làm phim rất ẩu của chúng ta. Nếu cứ làm phim như vậy sẽ mở ra tiền lệ cho mai sau là các đoàn làm phim khi đến Huế quay cũng đều làm xáo trộn lăng tẩm, di tích. Sự tôn kính, linh thiêng, đối với vua chúa, bậc tiền nhân… liệu có còn nữa không?”.
Từ cuối tháng Ba đến nay, đoàn làm phim quay tại lăng Minh Mạng nhưng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô vẫn bán vé cho du khách vào tham quan. Trung tâm này lại chính là cơ quan có chức năng bảo vệ, trùng tu di tích, lăng tẩm, đền đài… đã được UNESCO và nhà nước công nhận. Nhiều du khách trong và ngoài nước cảm thấy bất bình vì bị cấm chụp ảnh khi vào xem di tích. Họ bỏ tiền ra mua vé để xem di tích chứ không phải xem phim trường.
Nơi thờ vua Nguyễn bị biến thành phòng ngủ của vua Lý như thế này ư?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết thêm: “Đúng là một sự xúc phạm lên lăng tẩm, di tích cũng như văn hóa, hơn nữa đây là nơi thờ vua, rất tôn nghiêm. Đóng phim cho dù thực hiện mục đích nào cũng không được xúc phạm lên văn hóa thiêng liêng ở đất vua – đất thần kinh xứ Huế như vậy được. Phim lịch sử dù được nhà nước đặt hàng cũng cần thực hiện cảnh quay đúng chỗ, đúng lúc và phù hợp với văn hóa.
Sự việc này đã đẩy chính quyền địa phương và Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô vào khó khăn. Hiện tại, mọi trả lời của chính quyền địa phương chỉ là để đối phó với một tai nạn do cố ý đã xảy ra. Những người làm phim không chỉ tuân theo Pháp luật mà phải cần biết “Tòa án lương tâm”, sự hiểu biết văn hóa đất nước nói chung và của mỗi địa phương nói riêng”.

Nhà văn Bửu Ý :Không thể tin được
Nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý không thể tin được điều mình đã đọc trên báo. Ông cho biết: “Ở Huế, có rất nhiều nơi có thể làm trường quay phim đúng với tinh thần của phim lịch sử chứ không phải đến chỗ thờ tự của vua rồi làm mất đi sự linh thiêng, tôn nghiêm như vậy. Nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt bộ phim này rồi thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần góp ý khi thấy sự việc gây nguy hại đến văn hóa ở địa phương.
Nếu đoàn làm phim đã được cấp phép thực hiện cảnh quay tại lăng thì cũng phải liên hệ với Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc – là dòng dõi, hậu duệ nhà Nguyễn (đằng này, “Đoàn làm phim đã không liên hệ với chúng tôi”– ông Tôn Thất Vĩnh Bào, 72 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế cho biết”.
Thầy Vĩnh Quả, giáo viên trường THPT Phan Đăng Lưu (Huế) cho biết: “Những người làm phim nên lắng nghe dư luận, đừng để đến khi làm rồi gây bất bình, xôn xao trong quần chúng. Làm phim kiểu như vậy thực sự gây bức xúc đối với nhiều người dân và du khách”.
Dư luận đang rất cần lời giải thích của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Sự việc “động trời” như vậy nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế lại chưa biết. Khi chúng tôi liên hệ thì giám đốc Sở bận đi họp, ủy quyền cho Phó giám đốc Nguyễn Quốc Thành trả lời: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin về việc đoàn làm phim về Trần Thủ Độ dọn dẹp nơi thờ tự vua Minh Mạng để làm trường quay” (?)
Theo Nguyên Bình(VietNamNet)
(*) Đầu đề do HTTV đặt

LỜI BÀN CỦA HỢP TUYỂN THƠ VĂN:


Huế hết người hay sao mà xài những tên vô văn hoá làm công việc quản lý văn hoá ?
Đuổi cổ chúng về nhà vì chúng đâu có liêm sĩ để từ chức!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét