Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 18)

VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Tám

181 - Bà Trần Giòn
VỤ THẢM SÁT BỊ QUÊN LÃNG
Nông dân sinh khoảng 1943 tại Quảng Ngãi. Sống ở Bình Thuận (2010).
Đây là vụ máy bay chế độ cũ bỏ bom vào khu dân cư ngày 20.4.75 làm thiệt mạng 19 nông dân ở xã Ba Tuy, tỉnh Bình Tuy cũ (nay là khu phố Lập Hòa thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Vụ thảm sát chỉ được nhắc nhớ lại gần đây trên báo chí.
Vụ này xảy ra vào buổi trưa khi cả gia đình vợ chồng và 5 con đang ăn cơm trưa, nửa chừng thì bữa cơm hết mắm nên bà vợ vội bỏ đi ra ngoài mua thêm mắm. Ai ngờ khi quay lại thì căn nhà đã cháy tiêu tan hoang chôn vùi chồng con trong đó đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi!
Cả xóm chỉ có 3 người sống sót. Những người chết đa số không toàn thây nhưng gia sản bị thiêu cháy hết mà mọi người đều quá nghèo nên đành quấn chiếu chôn xác người thân.
Riêng ngườì phụ nữ tội nghiệp này từ đó đến nay suốt 35 năm đã trở thành điên dại kéo lê cuộc sống trầm uất trong cảnh nửa tỉnh nửa mê. Chẳng ai quan tâm đền bù cho nỗi bất hạnh tận cùng phải gánh chịu một cách oan khuất.
Một “tổn thất ngoài dự kiến” theo một thuật ngữ của các bộ luật. Bởi cho đến nay chưa hề có giải thích nào – và quy trách nhiệm - cho sự cố trên bởi trong bối cảnh những ngày khói lửa chiến dịch giải phóng Miền Nam đang vào đỉnh điểm thì vụ thảm sát này gần chỉ là một biến cố “nhỏ” dễ dàng bị trôi qua trong quên lãng. Trong vùng này lúc đó hầu như rơi vào cảnh hỗn loạn vô chính phủ vì trước đó một ngày Phan Thiết phía dưới đã bị chiếm. Số người sống sót ít ỏi chẳng biết cầu cứu ai, sau đó sợ quá cũng bỏ xứ ra đi luôn. Mãi đến năm 2010 một vài người mới trở về lo việc hốt cốt và di dời mộ người thân bỏ mình trong trận không kích trên.
Chỉ có một giải thích đây là một phi vụ của không lực chế độ cũ nhằm phá hủy thiết bị máy móc để lại khi chuẩn bị tiếp tục rút chạy khỏi Bình Tuy nhắm hướng về Đồng Nai và Sài Gòn. Nhưng lại bỏ bom nhầm địa điểm do quá gấp gáp trong tình thế tâm lý phi công – và cả người ra lệnh từ sân bay Biên Hòa - hoảng loạn sợ bị bắn hạ nên làm lấy lệ cho xong?

182 - Đoàn Thị Luân
TỪ NHÀ TÙ CÔN ĐẢO ĐẾN… TRUNG TÂM DƯỠNG LÃO
Cán bộ về hưu sinh 1932 tại Sài Gòn. Sống ở TP.HCM (2008).
Cả tuổi trẻ thời xuân sắc dành cống hiến cho cách mạng, ở tù 12 năm trong đó để lại ấn tượng kỷ niệm sâu sắc nhất là nhà tù Côn Đảo: “Ở tù Côn Đảo sướng như tiên/ Đánh đập triền miên như đấm bóp/ Nhịn đói triền miên như Phật thiền…”!
Nhờ tinh thần lạc quan như bài thơ bạn tù đó mà sống sót sau ngày giải phóng. Lại tiếp tục lao vào công việc hội phụ nữ, đến lúc về hưu năm 2000 mới sực tỉnh thấy mình không chồng con, không cả một mái nhà cùng gia đình dung thân tuổi già. Đành chấp nhận vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè ở TPHCM để nương tựa những ngày cuối đời.
Bài thơ Côn Đảo bấy giờ thỉnh thoảng ngâm nga lại cũng như gượng cười thôi chứ không làm vơi đi nỗi buồn cô đơn, thèm biết bao những tình cảm dẫu của người xa lạ có ai đến thăm mình cũng cố níu kéo ở lại “thêm chút nữa đi con”. Chỉ an ủi rằng “Giờ không nghe tiếng súng tiếng bom là hạnh phúc rồi.”

183 - Huỳnh Văn Thủy
ROBINSON TỰ NGUYỆN
Bộ đội về hưu sinh tại miền Nam. Sống ở TP.HCM (2009).
Nguyên là bộ đội đặc công thủy chiến đấu ở Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM), khi về hưu sống cùng gia đình ở Quận 7.
Nhưng được một thời gian thấy không thoải mái, cuồng chân bèn cùng đồng đội cũ Phạm Văn Trung – cũng có nhà riêng ở Cần Giờ – bỏ nhà làm một chuyến phiêu lưu ra sống đời hoang dã trên một hòn đảo nhỏ hoang vu biệt lập trên sông Rạch Đĩa thuộc huyện Nhà Bè ngay sát nách khu đô thị Phú Mỹ Hưng cực kỳ tân thời tráng lệ.
Hòn đảo có chủ ở trong đất liền bỏ hoang từ lâu nên sẵn lòng bán lại cho một miếng đất nhỏ để cất chòi lá dừa nước tạm bợ qua ngày. Cứ thế 2 người bạn già đêm ngày cùng nhau sống đời “Robinson trên hoang đảo” thoải mái tránh xa ánh đèn đô thị, làm lụng sinh hoạt bình thường theo cách sống dân dã không điện nước, máy móc, chợ búa, không cần bất cứ một thứ tiện nghi nào của xã hội văn minh hiện đại. Hứng nước mưa để uống, đêm chỉ cần ngọn đèn dầu nhỏ, trông trời hoặc nghe gà gáy bên sông để đoán giờ giấc. Sáng thức dậy sớm uống trà ngắm cảnh trời sông mây nước rồi đi câu, đi ghe giăng lưới bắt tôm cá, nuôi cá, bẫy chim, trồng rau, tắm sông. Tối về nuớng cá lai rai là thấy sướng cuộc đời quá rồi.
Vài tuần mới về đất liền thăm gia đình một buổi rồi lại quay lại bến cũ tiếp tục đời “ở ẩn”: “Cuộc sống bên kia thành phố ồn ào nhiều va chạm quá nên sang đây sống cách biệt, rời xa đựơc những hỉ nộ ái ố đó. Chỉ có mình với mình, muốn làm gì thì làm…”
Nhưng bên cạnh đó còn một lý do sâu xa: “Chắc do ngày xưa làm đặc công nước suốt ngày ngụp lặn quen mất rồi nên giờ lên bờ là nhớ sông nước. Mỗi lúc bơi trên sông có nhiều cảm xúc lắm, nhớ những ký ức ngày xưa lặn sông đánh giặc…”
Thỉnh thoảng tình cờ gặp lại những đồng đội ngày xưa nay cũng đi ghe bắt cá bắt cua nuôi vợ con trên sông này, thế là tổ chức “hội ngộ cựu chiến binh” trên đảo Robinson “made in VN”.

184 - Kevin
CÁI BỚT TRONG LÒNG BÀN TAY
Việt kiều Mỹ sinh tại An Giang trước 1975. Sống ở Mỹ (2009).
Mẹ vốn là người giúp việc cho một gia đình giàu có bị ông chủ lạm dụng mang thai khi mới 18 tuổi nên khi con mới sinh ra đã bị bà chủ nhà bắt đem đi cho trại mồ côi. Mẹ chỉ kịp nhìn thấy trong lòng bàn tay phải của con trai có một cái bớt màu đen. Sau đó mẹ đã bị mất con mà còn bị đuổi khỏi nhà.
Một năm sau đứa con được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi đưa về Mỹ, đặt tên Kevin.
Lớn lên nhờ cha mẹ nuôi kể lại đầu đuôi, người con tìm cách liên lạc về nước nhờ chuyên gia Lê Cao Tâm ở TP.HCM chuyên tìm kiếm thân nhân thất lạc trong chiến tranh kết hợp với Hội Chữ thập Đỏ nhờ giúp đỡ.
Kết quả năm 2007 đã tìm thấy tông tích người mẹ nay vẫn còn sống ở An Giang - với chồng và hai con - giúp 2 mẹ con đoàn tụ. Nhờ dấu hiệu nhận nhau chính là cái bớt đen trong lòng bàn tay phải của con nhớ suốt đời.

185 - Mai Giảng Vũ
NGƯỜI RẢI CHẤT ĐỘC DA CAM
Thường dân sinh 1937. Sống ở TP.HCM (2010).
Bị bắt lính chế độ cũ năm 1968 phải lo lót mới được cho vào ngành không quân ở sân bay Biên Hòa đỡ phải cầm súng đi đánh trận dễ chết. Nhưng không ngờ lại bị chuyển qua làm nhân viên không lực đi theo các chuyến bay rải CĐDC của Mỹ mà bản thân mình không hề biết gì.
Đã làm nhiệm vụ đó ít nhất 4 chuyến bay rải chất độc khai quang xuống Long An, Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong khoảng thời gian 1970 – 1972. Đến năm 1973 bị trúng đạn làm hỏng một mắt phải nằm viện một năm rồi được giải ngũ.
Đã lấy vợ sinh được 3 con trai trước 75. Cả 3 con lúc sinh ra đều khoẻ mạnh bình thường nhưng học lên lớp 3 bắt đầu có dấu hiệu bệnh bất thường khó hiểu là bị teo cơ đi đứng không vững, sau đó ngồi cũng không được, đến 15 tuổi là nằm liệt một chỗ.
Một mình ở nhà chăm nom các con suốt 18 năm trời để vợ lo chạy chợ buôn bán kiếm tiền qua ngày nuôi sống cả nhà (lương hưu quân nhân chế độ cũ tất nhiên… hết rồi!). Nhưng mọi nỗ lực cứu chữa 3 con đều vô ích, đến năm 23-24 tuổi các con lần lượt qua đời.
Bấy giờ mới biết được tất cả là do di chứng của CĐDC mà ngay bản thân mình nay cũng đang hứng chịu với đủ loại bệnh viêm da, mũi, họng, bướu tiền liệt tuyến, người chỉ còn cân nặng 40kg: “Tôi đã phải trả giá… Nhiều lần tôi muốn tự tử chết đi cho xong…”
Năm 2009 đã có mặt trong Đoàn VN đến Pháp dự Phiên toàn Công luận quốc tế ủng hộ nạn nhân CĐDC VN tổ chức tại Paris: “Tôi mong linh hồn những nạn nhân đã mất vì CĐDC trong đó có linh hồn các con tôi ủng hộ chúng tôi…”

186 - Mai Thanh Hùng
ĐỘI ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ “TƯ NHÂN”
Bộ đội xuất ngũ sinh 1943 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Là cựu chiến binh chiến trường Khe Sanh, dù xuất ngũ rồi nhưng năm 1989 đã tự phát vận động 11 cựu chiến binh khác trong vùng tổ chức thành một đội đi truy tìm hài cốt đồng đội trong vùng địa đầu giới tuyến một thời nổi tiếng máu lửa khốc liệt nhất này.
Đội gồm 12 cựu chiến binh trong đó 4 người là thương bệnh binh, 11 người đã trên 60 tuổi. Tự bỏ tiền lương hưu ra mua lương thực mắm muối, chiếu màn, vật dụng cuốc xẻng mang theo. Mỗi chuyến đi được trang bị và lên đường với tinh thần đi đến cùng như một cuộc hành quân ngày xưa. Có thể xem đây là một tập thể tư nhân đầu tiên tự tổ chức làm công việc nhân đạo đầy nghĩa tình này.
Ban đầu chỉ đi về trong ngày, mỗi chuyến thu được từ 3 – 10 bộ hài cốt, về sau càng phải đi xa hơn vào vùng rừng núi sâu thẳm. Có khi đến tận biên giới Lào kéo dài đến cả tháng trời, có khi còn gặp cả hổ may mà thoát chết “có lẽ nhờ anh linh phù hộ”.
Sau hơn 20 năm hành trình tự nguyện hết sức vất vả gian khổ như thế đã phát hiện khai quật được khoảng 2.000 bộ hài cốt liệt sĩ đem về quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị – tỉnh thành có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất nước: 72 NTLS từ cấp toàn quốc đến tận cấp thôn – hoặc báo tin để gia dình đến nhận trong đó 50% xác định được nhân thân, quê quán, đơn vị của người đã khuất.
Cứ thế xa nhà đi biền biệt hàng tháng trời từ năm này qua năm khác, giao chuyện nhà cho người vợ đảm nuôi đến 7 đứa con. Vậy mà vẫn chưa yên lòng, hàng đêm thỉnh thoảng nằm mơ thấy đồng đội cũ hiện về báo mộng chỉ nơi tìm kiếm di hài họ: “Không biết chuyện đó linh thiêng thế nào chứ cứ mỗi lẫn nằm mơ là tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu đi tìm các anh đưa về cho gần nhà gần cửa… Nhưng tôi nay đã 65 tuổi rồi sợ không kịp để đưa hết các anh trở về…”

187 - Mai Văn Du
ĐỜI RÁC LẠI HOÀN ĐỜI RÁC
Lao động nghèo sinh tại TP.HCM. Sống ở TP.HCM (2008).
Cha mẹ làm nghề lượm rác ở bãi rác Đông Thạnh thuộc địa bàn Hóc Môn nên sinh ra ngay tại bãi rác này. Cuối đời sau bao quảng đời bôn ba lận đận lại quay về kiếm sống nơi bãi rác đó.
Nhưng lớn lên từ năm 16 tuổi đã sớm đi theo tiếng gọi cách mạng rồi không may bị chỉ điểm bị bắt trải qua nhiều nhà tù Chí Hòa, Biên Hòa, Bình Dương. Đến 30.4 mới giải thoát trở về bộ đội và lập gia đình.
Đến 1984 mẹ đau nặng nên xin xuất ngũ về chăm sóc mẹ. Mẹ mất gặp thời buổi kinh tế khó khăn nên gia đình sinh ra lục đục, bí quá đành chia tay sau khi giao hết tài sản chút gì còn lại cho vợ con. Trở lại cảnh không nghề nghiệp chẳng biết làm gì mưu sinh đành quay lại nghề cũ “gia truyền” nhặt rác ở bãi rác Đông Thạnh ngày xưa.
Tại đây số phận đưa đẩy gặp một cô gái “đồng nghiệp” dân Nam bộ cảm thông gá nghĩa vợ chồng cùng nhau dựng nên một căn chòi rách nát gần bãi rác tạm bợ sống qua ngày. Một căn nhà “độc đáo” làm toàn bằng… rác phế phẩm từ tường vách ván cũ, mái tôn lợp tranh phế phẩm đến vật dụng trong nhà là “đồ người ta vứt đi nhưng với mình quá quý”! Vậy nhưng vẫn sống đầm ấm tối lửa tắt đèn có nhau nâng đỡ, sinh được một con trai.
Tuy nhiên không bao lâu bãi rác này bị giải tỏa không còn “mối” lớn nữa, chỉ còn ít chỗ chứa rác “ngoài quy hoạch” song vẫn cố gắng “moi” rác lẻ bán sắt vụn cầm cự sống qua ngày để nuôi con ăn học. Nhất quyết không để cho con “đi cắt cỏ cho bò hay đi bới rác theo cha mẹ xót ruột lắm, thà mình nhịn đói còn hơn.”
May mắn đến năm 2008 được một tổ chức từ thiện giúp đỡ cho sửa lại căn chòi thành nhà ở tử tế hơn, cho đứa con chiếc xe đạp cũ đi học. Tất cả niềm hy vọng đặt vào đứa con 4 năm là học sinh giỏi nuôi giấc mơ “Sau này con sẽ làm kỹ sư xây dựng, con sẽ xây nhà to đẹp cho cha mẹ. Con đã thề như vậy ngoài miếu kia rồi…”

188 - Mai Văn Hạnh
ĐÁM TANG KHÔNG HƯƠNG KHÓI
Cựu sĩ quan không quân Pháp sinh khoảng 1936 tại Hà Nội - Mất 2006 ở Mỹ (71 tuổi).
Được quân đội Pháp đào tạo vào quốc tịch Pháp, trước 75 gia nhập quân đội chế độ cũ một thời gian rồi bỏ qua Pháp làm phi công cho hàng không Maroc.
Sau 75 quyết định từ bỏ kiếp giang hồ để nổi máu anh hùng về lại VN âm mưu “phục quốc” chống chính quyền mới. Nhưng chưa làm được gì thì bị bắt năm 1976 ra tòa kết án tử hình. Sau đó được Pháp bảo lãnh cho ra tù sớm năm 1985 đưa về Pháp.
Tất cả hoạt động trên vợ con đều không hay biết gì nên khi về lại Pháp thì vợ chia tay, 2 con gái ở xa cũng mất liên lạc. Còn lại một mình buồn đời nên năm 2006 bỏ qua Mỹ sống nốt quảng đời còn lại trong cô đơn trống vắng với bao nỗi niềm cay đắng tới mức khi chết đã để lại di nguyện “Xin đừng ai hỏi vợ con thân quyến, đừng cho bạn bè biết, được hỏa thiêu trong quan tài bìa cứng đặt trên xe đẩy, không thắp hương đèn…”
Đám tang diễn ra theo ý nguyện đó, lặng lẽ không có người thân đưa tiễn, không thắp hương đèn, nằm trong quan tài bằng bìa cứng đem đi hỏa thiêu trên một chiếc xe đẩy đơn sơ ở xứ người quạnh vắng heo hút.

189 - Mai Xuân Lụa
LỜI THỀ TÌM MỘ
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TT – Huế (2008).
Hơn 20 năm lăn lộn trên chiến trường Trường Sơn, sau khi về hưu vẫn không yên lòng sống đời thanh bình mà luôn thương nhớ đồng đội bỏ mình đâu đó chưa tìm ra thi hài. Có khi nửa đêm đang ngủ bỗng giật mình ngồi dậy la hoảng như gặp ma “Có ai đó gọi tôi!”
Bởi vậy năm 1983 một mình lên đường tìm mộ liệt sĩ trong vùng đất Hương Chữ, Hương Trà mình quen thuộc, có thể là một trong những người đầu tiên tự nguyện làm công việc đền ơn đáp nghĩa này. Để lại việc nhà cho người vợ làm ruộng nuôi ba con trong đó cô con gái đầu èo uột do bị nhiễm CĐDC.
Nhưng vào đầu những năm 80 công việc trên còn tương đối mới mẻ nên muốn làm phải xin phép chính quyền nhiều khi vướng thủ tục khá nhiêu khê phức tạp do người đi tìm mộ phải luồn lách sâu vào các vùng rừng núi trong thời buổi chính quyền còn lo ngại vấn đề an ninh. Vì vậy có lúc ông phải viết bản cam quyết với chính quyền rằng nếu không tìm được mộ thì mình chấp nhận… đi tù!
Trước mỗi chuyến đi đều đến thắp nhang ở nghĩa trang liệt sĩ cầu xin đưa đường chỉ lối song suốt. Sau khi tìm được đem về nhà lại ngày đêm trông ngóng thân nhân sau khi được báo tin đến nhận. Tính đến năm 2008 đã tìm được gần 100 bộ hài cốt liệt sĩ.

190 - Mary Mustard Reed
“HÀNH TRÌNH CON NUÔI QUỐC TẾ”
Việt kiều Mỹ tên cũ Hiền sinh 1957 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2008).
Năm 1964 mới 7 tuổi do mẹ nghèo không nuôi nổi nên đã bị mẹ đem cho một người Mỹ làm con nuôi đem về Mỹ với kỷ vật duy nhất là chiếc dây chuyền mẹ đeo vào cổ lúc chia tay.
Từ đó sống trong hoàn cảnh gần như bị cắt đứt với mối dây liên hệ ruột thịt với quê hương cũ: “Tôi cảm thấy như gốc gác mình đã bị tẩy sạch. Không nhớ món ăn Việt có mùi vị thế nào, quên hết tiếng Việt…” Đêm nào cô bé cũng nằm khóc thút thít cho đến khi mệt lã người thiếp đi. Trong thâm sâu từ từ hình thành một vết thương lòng biến thành mặc cảm cho cô bé suốt đời vì sự tổn thương tình cảm, mất mát tình mẫu tử không gì bù đắp được.
Đến khi ra đời làm việc trong ngành dược, ngẫu nhiên định mệnh đưa đẩy công việc đến khu Little Saigon ở California tập trung cư dân VN nên dần dà tìm lại được mối dây liên hệ với nguồn cội quê xưa. Một bác sĩ người Việt đã khuyên muốn chữa trị căn bệnh “lạc mất quê hương” thì hãy đi tìm mẹ. Vì thế năm 1990 mới quyết định nhờ Hội Chữ thập Đỏ giúp tìm lại mẹ mình tuy gia đình cha nuôi cho rằng bà đã chết trong chiến tranh.
Qua năm 1993 nhận được thông tin bà mẹ sau đó đã vượt biên qua Pháp rồi lấy chồng khác có thêm con, cả gia đình hiện sống ở Paris. Nhân một chuyến về thăm lại căn nhà cũ ở Sài Gòn, bà nhìn thấy được thông báo của Hội Chữ thập Đỏ tìm bà dán gần đó nên mới biết mà trả lời với hội. Thế là bà mẹ lập tức bay qua Mỹ gặp lại “bé Hiền” ngày nào sau 29 năm bỏ con, đứa con bé bỏng mà từ ngày ấy tấm ảnh của nó luôn được bà treo ở đầu giường ngủ.
Mẹ con đoàn tụ – cùng 3 cháu ngoại - nhưng nỗi đau tuổi thơ vẫn chưa nguôi, nhất là khi bây giờ giữa đôi bên đã có một hố sâu ngăn cách vì sự khác biệt văn hóa, lối sống, ngôn ngữ. Thậm chí gặp mẹ còn phải thuê cả một người thông dịch tiếng Việt đi kèm!
Vết thương lòng cay đắng thời thơ ấu kia chỉ được hóa giải cuối năm 2006 khi cả 2 mẹ con quyết định quay về quê hương tìm lại căn nhà cũ gợi nhớ bao kỷ niệm đẹp ngày xưa. Tại đó mới tìm lại được sự bình an cho tâm hồn: “Tôi đã học được cách chấp nhận thực tế mà không còn phải trách móc ai…”
Và còn một liệu pháp khác giúp chữa trị căn bệnh tâm hồn: Tham gia một tổ chức từ thiện Mỹ giúp đỡ y tế cho vùng nông thôn VN từ năm 2007 đồng thời hoàn thành cuốn sách tự thuật đời mình xuất bản năm 2008 mang tựa đề “Chia cách đại dương: Hành trình con nuôi quốc tế” (Oceans Apart: A Voyage of International Adoption).

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Mời bạn vào Blog : http://www.gdsdgnb2.blogspot.com/

    Trả lờiXóa