Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

TRỊNH CÔNG SƠN,TÌNH YÊU ĐẦU TIÊN-CA KHÚC ĐẦU TIÊN


TÌNH YÊU ĐẦU TIÊN

Gọi Tên Bốn Mùa, Nhìn Những Mùa Thu Đi
Từ mối quan hệ với Hà Thanh, một ca sĩ của đài Phát Thanh Huế từ 1957, và là ca sĩ đã hát những bản nhạc đầu tiên của Sơn vào thời kỳ đó. Sơn quen và yêu Ph.Th., em gái của Hà Thanh. Nhà Ph Th ở trên đường Huyền Trân Công Chúa, gần Ga xe lửa Huế, nhìn ra một nhánh nhỏ của sông Hương chảy qua Bến Ngự, Phủ Cam, về An Cựu, bên kia sông là trường Pellerin.Lúc quen với Sơn, Phương Thảo mới học đệ tam ( lớp 10) trường Đồng Khánh, 16 tuổi và Sơn chỉ mới 18 tuổi chứ không phải tuổi 15 như Sơn viết trong Nhật ký tuổi 30 ( 2)
Em đứng lên mùa thu tàn tạ,
hàng cây khô cành lá bơ vơ,
hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô.
Em đứng lên mùa xuân vừa mở
Nụ xuân xanh cành thênh thang
Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
Gọi tên bốn mùa (3)
Sau khi đậu tú tài bán phần Phương Thảo chuyển qua học lớp đệ nhất trường Quốc học niên khóa 1961-1962, học chung lớp với nhà thơ Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Trần Anh Tuấn và Châu Văn Thuận . Vì trước niên khóa 1963-1964 ở Huế chỉ có trường Quốc Học mới có lớp đệ nhất ( lớp 12 ) nên tất cả các nam nữ học sinh đậu tú tài bán phần ở Huế , bao gồm cả Quảng Trị, Đà Nẳng đều được nhận vào đệ nhất ở Quốc Học. Kể từ niên khóa 1963-1964 không còn có tình trạng nam nữ học chung, trường Đồng Khánh cũng đã bắt đầu có các lớp đệ nhất.Niên khóa 1960-1961, Ph Th học đệ nhất C2 thì tôi mới học đệ tam B9. Tôi học sau Ph Th. một năm. Nhưng hình ảnh cô với mái tóc thề buông xõa xuống bờ vai, trong chiếc áo dài lụa trắng, với dáng đi tha thướt, quý phái giữa đám đông, mỗi sáng mỗi chiều trước giờ học từ cổng trường ( chỉ dành cho giáo sư và nữ sinh ) đi vào vị trí xếp hàng chào cờ của lớp mình. Bước chân cô đi thật nhẹ, tà áo bay bay đã làm xao động biết bao tâm hồn nhạy cảm của đám bạn bè cùng trang lứa với tôi thuở ấy.
Trong nắng vàng chiều nay
anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đã mấy lần thu sang
công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai(…)
Nhìn những mùa thu đi (4)
Mối tình giữa Sơn và Ph Th thật trong sáng và thật lãng mạn . Đó là mối tình của hai đứa trẻ thời cắp sách đến trường, còn biết bao nhiêu e ấp vụng dại, chưa định hình , cũng như bao mối tình thuở học trò thời đó. Dù lúc đó, tên tuổi Sơn đã được nhiều người biết đến, nhất là với một thành phố nhỏ như Huế, Sơn vẫn như bao chàng trai xứ Huế khác vào tuổi đó , chưa có kinh nghiệm đời, và Sơn cũng chưa bao giờ dùng kinh nghiệm đời của anh trong tình yêu. Anh chỉ biết yêu và hiến dâng, chưa bao giờ toan tính. Để đến khi Ph Th. đi lấy chồng, Sơn mới giật mình, chợt hiểu ra mình đã mất đi tình yêu, nó đã để lại những dư vị đáng cay đối với Sơn.” Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi , là một thất vọng không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhau nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm ( tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi ) đối với thành phố này …” ( 5 )
Ph. Th. hiện sinh sống ở Mỹ, sau khi chồng mất vẫn ở vậy nuôi con ăn học . Năm 2000 Ph Th. có trở về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa Ph Th và Sơn lần nầy, chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, không hẹn trước sau mấy chục năm, tôi có mặt trong buổi cơm thân mật hôm đó. Nhìn gương mặt Ph Th tôi đã cố nhớ lại dáng vẻ của cô trong tà áo lụa trắng, với chiếc cặp ôm trước ngực trên sân trường Quốc học năm nào. Thời gian có phần nào làm Ph Th. thay đổi, nhưng ở cô vẫn giữ dáng vẻ dịu dàng, đoan hạnh và vẫn chất giọng Huế quen thuộc./.

(1) Trước 1975, cấp hai gồm đệ tam, đệ nhị, đệ nhất , có 4 ban. Ban A là Vạn vật, ban B là Toán, ban C là văn chương, ban D là Hán văn hoặc Latin. Mỗi ban chọn Anh văn hoặc Pháp văn làm sinh ngữ chính hoặc sinh ngữ phụ
(2 ) Trịnh Công Sơn, Nhật ký tuổi 30, Tuổi Trẻ Chủ Nhật,ngày 8.4.2001
(3) Trịnh Công Sơn, Những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Am nhạc, 2000
(4) Trịnh Công Sơn, Những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Am nhạc, 2000
( 5 ) Trịnh Công Sơn, Nhật ký tuổi 30, Tuổi Trẻ Chủ Nhật,ngày 8.4.2001

CA KHÙC ĐẦU TIÊN

Năm 1958, Sơn sáng tác ca khúc Ứớt Mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sàigòn năm 1959.. Thật ra, theo như lời Sơn kể lại thì trước đó Sơn cũng đã sáng tác một số bài như Sương Đêm, Chơi Vơi… “Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài” Ướt Mi” nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi”( 1 ), do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.Trong một tối, Trịnh Công Sơn đã cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một phòng trà nổi tiếng của Sàigòn thời ấy để uống rượu và nghe nhạc. Khi nghe Thanh Thúy, một ca sĩ mới 15 tuổi hát. Người mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dành một chương trong trong tác phẩm Nhận Định IV mang tên Ảo Ảnh Thanh Thúy để viết về cô:
“ (…) Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họmà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình.Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả , không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười , cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…Thái độ của Thanh Thúy là đi tới người khác không phải bằng cách cởi mở, đón tiếp, mời gọi với những cái nhìn, nụ cười cử chỉ mà bằng cách khép mình lại, thu mình vào bên trong, không xét đến người khác đang nhìn mình. Thỉnh thoảng cô mỉm cười khi lời ý buồn cười, nhưng cũng như cười với mình thôi.Do đó, ra trình diễn, mà lại như không muốn cho người xem thấy mình vì Thanh thúy che dấu mặt đến quá nửa bằng mái tóc bỏ xõa… Hát xong một khúc,đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy, bên dàn nhạc để hát tiếp khúc sau.(…)
Đứng trướcThanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê , đồng ruộng , với sông Hương , núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó. Cho nên khi hát , hình như Thanh Thúy không chú ý phát âm rõ, và người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu được lời ca vì cái cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và thông cảm được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt. Có lẽ những khán giả thích Thanh Thúy là thích vì vậy, không phải giải thích như một thân xác, nhưng như một người đàn bà , một thiếu nữ Việt, một cô gái Huế qua những cái rất” đàn bà”,”rất Việt Nam”và rất “Huế”của Thanh Thúy (2)
Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Sơn một ấn tượng đặc biệt. Ngay trong đêm nhạc đó, Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Thanh Thúy nhỏ nhẹ cám ơn, rồi cất tiếng hát. Khi hát do có tâm sự riêng, nghe đâu cha cô vừa mất đâu trước đó vài tháng và mẹ cô bị lao phổi đang trong trong tình trạng trầm trọng. Cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.Sau khi quay về Huế, có lẽ vào một đêm mưa, cơn mưa của Huế , Sơn đã nhớ lại những giòng nước mắt lăn dài trên má của cô ca sĩ trẻ với số phận bất hạnh, “ những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ.Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia (3) .
Những giọt nước mắt đó đã trờ thành một ám ảnh, một thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ĩ cháy trong Sơn. Và, Sơn đã viết ra như không kiềm giữ được:
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
từng cơn mưa em chưa (…)
Ướt Mi (4)
Bài hát Ướt Mi ra đời trong một hoàn cảnh như thế, và nó đã được đón nhận nồng nhiệt của giới trẻ miền Nam vào những năm 1959-1960, đặc biệt khán giả Nhật Bản cũng rất thích bản nhạc nầy, một phần do dàn nhạc giao hưởng của Nhật đã thu và trình diễn bài nhạc này. Với âm điệu đó, ngôn từ đó hình như anh đã nói thay họ những gì trong cái góc riêng tư , sâu kín nhất nhưng lại như có vẻ giản dị, dễ cảm thông mà họ không thể nói được.Tiền bản quyền của ca khúc Ướt Mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho Sơn là 5.000 đồng (5) , một số tiền quá lớn. Chính đã bất ngờ với số tiền mà mình nhận được. “ Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. Ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm sáu trăm đồng.Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn về phía những tình cảm phức tạp của con người.Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẳn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.” (6)
Một năm sau, năm 1959 , một lần nữa, Sơn viết một bài khác , cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương Một Người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.
Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
lạnh lùng ánh sao rơi
.(..)
Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
người lạnh lắm hay không.
Thương một người ( 7)
Với Thanh Thúy, tình cảm mà Trịnh Công Sơn đã dành cho cô là tình yêu hay nỗi niềm cảm thông trước số phận nghiệt ngã của người đồng điệu? Hình như chính Sơn cũng không phân định được./.
SÂM THƯƠNG
-------------
( 1 ) Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ ,2003 ,tr.16
( 2) Nguyễn Văn Trung------Nhận Định IV , Nam Sơn xuất bản, 1966, tr. 148-150
( 3 ) Trịnh Công Sơn, Ướt Mi, Nhà Xuất bản An Phú ,1959
( 4 ) Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ ,2003 ,tr16
( 5 ) Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng khoảng hơn 1.000 đồng .
( 6) Trịnh Công Sơn, Trái Đầu mùa, Bản thảo viết
(7) Trịnh Công Sơn, Thương một người, Nhà xuất bản An Phú, 1960Sâm Thương
vanchuongviet.org - blog tuhoaitan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét