Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 20

nhà thơ
Đynh Trầm Ca
Kẻ du mục
trên quê hương mình

Mặc dù hoạt động chính trong lĩnh vực âm nhạc nhưng trong giới văn nghệ vẫn quen nhìn anh là nhà một nhà thơ hơn là nhạc sĩ.Nhà thơ,nhạc sĩ Đynh Trầm Ca tên thật Mạc Phụ,quê quán Vĩnh Điện,Quảng Nam.Ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ thập niên 1960 thế kỷ trước.Ngoài sáng tác thơ,ông còn là người viết nhiều ca khúc nổi tiếng.Những ca khúc của Đynh Trầm Ca sâu lắng,trữ tình,từng làm rung động trái tim của nhiều thế hệ như : Ru con ngày cũ,Sông quê,Thương mãi một dòng sông,Ru tương lai buồn,Nước mắt mẹ hiền,Cuộc chờ vô vọng,Bay đi những cơn mưa phùn v..v..

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
(Ru con Tình cũ)

Rồi mai mình vẫn cô đơn
Nằm nghe lời gió chiêu hồn
Nhớ về nghìn đêm lang thang
Nghe hồn vọng quá mênh mang
(Ru tương lai buồn)

Những ca từ đầy chất lãng mạn vẫn còn lắng đọng trong hồn của nhiều người đồng thời với ông.
Đynh Trầm Ca đi và sống ở nhiều nơi :

Đứng bên cầu ngắm lục bình trôi.
Mà chạnh thương những đời xa xứ
Thương con sông đã bỏ ngọn nguồn
(Thương mãi một dòng sông)

Một tài hoa sinh bất phùng thời,cuộc sống của ông sau năm 1975 gặp nhiều khó khăn,cuối thập niên 1990 ông phải đưa gia đình về lại quê ,mở quán cà phê ở Vĩnh Điện và quán cà phê của ông trở thành tụ điểm sinh hoạt văn nghệ của anh em văn nghệ sĩ đất Quảng.

thơ
đynh trầm ca

CHÂN DUNG TÔI

những đêm còn lqị một mình
trong căn phòng nhỏ tôi rình rập tôi
nhe răng tôi đánh liều cười:
âm thanh ma quỹ vừa rời mộ lên
chênh vênh bóng lạ chênh vênh
chơ vơ mắt tối,lênh đênh tóc rừng
sầu đeo lủng lẳng trên lưng
ôi con thú lạ xưa từng là tôi
1968(Mắt đêm)

PHỐ ĐÔNG

đưa em về giữa phố vui
nhà cao đường rộng sáng ngời ngựa xe
đưa em dạo suốt vĩa hè
ngắm nhìn thiên hạ đời che lụa hồng
mai về đứng giữa phố đông
bên ta-thú- lạ,em buồn lắm không?
1969

MƯA ĐÊM TỈNH LẺ

bay bay,bay bay,bay bay
mưa giăng nóc phố,lạnh vây đỉnh hồn
đêm ngoài tĩnh lẻ cô đơn
ngàn con xa xót chảy dồn về tim
gió cây trút gió trăm miền
bay bay - mùa lệ triền miên xuống đời
nằm nghe máu chảy luân hồi
cát vàng chẻ huyệt cuối trời nào xa
chết đâu rồi những ngọc ngà?
đêm nay tỉnh lẻ bóng ma tôi về...
1967

NHỮNG TRẬN CHẾT

hôm qua ta bỗng chết hai lần
té ngửa trên bờ dĩ vãng xanh
hôm nay bỗng chết thêm lần nữa
té sấp trên đường tương lai đen
1967

BÃO RỚT

khi thức dậy bão thưa thớt ngoài trời
đêm dã man ngàn tiếng rú trong tôi
đêm la thét ngã hồn chim giãy giụa
đêm hãi hùng đêm bủa lưới không thôi

khi thức dậy mưa bắt đầu rớt ngoài thềm
mưa vội vàng mưa châm thủng hồn đêm
mưa cuốn trút lá đời tôi vàng úa
tôi ngồi lên nhìn vùng tương lai đen

khi thức dậy điêu tàn đã dựng tự chỗ nằm
nghe gối chăn đã lạnh huyệt trăm năm
đem vỗ cánh và cơn bão dứt
còn lại chỗ tôi nghìn vết lệ ăn năn...
1964

RỒI THÔI

nửa đời,tim máu héo hon
trở về xin mẹ cho con quan tài
xin đời nấm đất vàng khô
xin em giọt nước mắt vờ yêu thương...
rồi thôi tôi sẽ yên nằm
nghìn sau cỏ lá âm thầm nhớ tên...

1964

LỜI NGẬM NGÙI MÙA THU

biết ai còn gọi tên mình
lời chim bữa trước trên cành đã bay

biết ai còn gọi mình đây
lời thu đã chết trong cây cỏ buồn
ai đâu mà giận mà hờn
bây giờ mình với cô đơn:bạn bè!
mùa thu lá úa vỗ về
ngủ ngoan đừng dậy nữa nghe,đau sầu!
chẳng ai còn gọi mình đâu
tiếng reo nước chảy qua cầu đó thôi...

1964

THƠ TA

giọt trinh rớt tự hồn trời
tinh anh bật nở thành lời thơ ta
mấy mùa đày đọa đơm hoa
lung linh máu lệ ngâm nga đoạn trường
1967

KHÔNG ĐÊM NÀO BUỒN BẰNG

không đêm nào buồn bằng đêm nay
mưa ướt hiên ngoài,lệ ướt tay
Thu ơi,em chết phương nào đó
sao mộ ai xanh giữa lòng này
1967

CÂY ĐÀN THƯƠNG NHỚ

buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ
ai như em đứng ngó cuối hành lang
ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp
có lẽ nào mình còn đó sao, Th...?
buổi ta vác cây đàn xa trường cũ
em vẫn còn chạy nhảy dưới hàng soan
nên ta đi mà hồn thì quay lại
níu vai cầu hát gửi khúc chia tan
buổi ta vác cây đàn vào gió cát
hồn không theo nên thân xác liêu xiêu
ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt
nghe quê người mưa rớt hột cô liêu

ta gục xuống những đường gai đá nhọn
máu từ tim ứa nở cánh phượng đầu
ta muốn hái tặng em ngày tháng cũ
chợt ngậm ngùi: ngày vui đã qua mau!
ngày vui đã phai trên màu tóc cỏ
cỏ còn xanh - đời xanh chẳng quay về
chỉ câu hát giữ em hoài bé nhỏ
nên ta thề: xin làm một kiếp ve!
để hát mãi về em thời đi học
cho trăm năm em vẫn nữ sinh hoài
(nhỡ có tiếc cũng xin em đừng khóc
đời không vui cho ta nhận riêng ai)
buổi ta vác cây đàn về quê cũ
qua dốc cầu gặp hồn nhỏ chơ vơ
hồn đứng với ba mươi năm hoài niệm
bên trường xưa (em có gặp bao giờ?)
ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng
hồn theo ta qua những chốn mịt mùng
mây viễn phố bao chiều thay áo nõn
ta nâng đàn thương nhớ phá lên cung

PHƯƠNG NAM KHÚC CA PHIÊU DẠT
CỦA KHÓM LỤC BÌNH

Đi
như là trôi
ta lần về phương nam
phía bầy én giang hồ gọi xuân về rối rít
phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết
ta gặp thêm những cụm lục bình
trôi

Trôi
trôi
và trôi...
ta dần xa bến cũ
mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời
vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui
dù ta chỉ nở đượchoa tím nhạt

Đi
như là trôi
tựa đóa mây nở trên trời luân lạc
có mong gì người ngắm phút giây
trong lang thang mây cứ nở đời mây
rồi tan loãng giữa vô cùng
bát ngát

Trôi trôi trôi...
bềnh bồng theo tiếng hát
khúc tráng ca cuồn cuộn chín sông rồng
ta, lục bình vừa trôi vừa trổ bông
cỡi đầu sóng chở mùa xuân phiêu dạt

Phương nam phương nam
trôi đó đây
rải rác
những mảnh đời ngơ ngác tha hương
hẹn cùng nhau
trôi nhé
mà trổ bông
dẫu sóng bủa đầu vàm
sóng xô cuối rạch

Phương nam phương nam
xin cám ơn những dòng-sông-không-bao-giờ-ngăn-cách
những Lục Vân Tiên trong khí phách con người
xin cám ơn câu vọng cổ rất mùi
thấm trong hạt phù sa
đượm những tấm-lòng-cây-trái
gió chướng
mùa lên
ta còn trôi mãi
buổi qua đây
hoa nở
tặng đất này!

Cố hương cố hương
hun hút mây bay
đôi mắt mỏi ngóng mù sông bến đợi
đỉnh núi nhớ nghiêng mòn phương gió nổi
biển mẹ ơi
sao chưa gọi con về?

ừ,thì thôi
ta sẽ cứ trôi
hỡi những khóm lục bình nở hoa tím nhạt
hoa nở tím trên đường trôi dạt
tỏa chút hương ngan ngát gửi quê nhà

Là nỗi buồn cất được tiếng ca.
Cần Thơ- Long Xuyên
2. 1989

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét