Chim chết hàng loạt sau khi phóng sanh
Các ngày lễ lớn của nhà Phật,lễ hội trong ba ngày Tết cổ truyền,lễ hội mùa xuân nhiều nơi có tập tục tổ chức phóng sanh để cầu phước .Một số người lợi dụng tập tục tốt đẹp này buôn bán chim ,cá để trục lợi.Nhà báo Đặng Ngọc Khoa đã phản ánh về tệ nạn này tại Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng vừa qua.
Sinh diệt là lẽ bình thường, nhưng cái chết của cả ngàn con chim trong lễ hội buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng vừa diễn ra rất thành công. Con số khoảng 100.000 lượt người trẩy hội an toàn nói lên điều ấy. Bế mạc lễ hội, ông Ian Green, Giám đốc dự án công trình Phật Ngọc - được mệnh danh kỳ quan thế giới mới - đã nói với PV Thanh Niên: "Người dân Việt Nam rất mộ đạo. Chúng tôi chưa từng biết một lễ hội Phật giáo nào lớn và trang nghiêm như thế". Thế nhưng, ngoài lời khen ngợi đó, nhiều người còn chứng kiến những chuyện hết sức đáng buồn.
Tại lễ hội, xuất hiện khá nhiều người bán chim và cá phục vụ cho nhu cầu phóng sanh. Những con vật bình thường bỗng trở nên đắt đỏ khi có nhiều người tranh mua, nhất là các bậc phụ huynh muốn qua đó hướng con cái mình đến việc thiện. Mang chim lên tầng cao, họ mở lồng và thả. Mang cá ra bờ sông, họ trút xuống nước. Rồi họ chắp tay cầu nguyện, xem ra có vẻ thanh thản vì đã làm điều tốt xuất phát từ lòng thành.
...nhưng chúng đã chết sau khi được phóng sanh
Thế nhưng họ đã nhầm. Hầu hết chim khi đem bán đã bị cắt cụt cánh và đuôi, không thể bay xa. Còn cá vừa thả xuống sông cũng nhanh chóng bị lọt vào vợt và lưới lồng. Những kẻ lợi dụng niềm tin và lòng vị tha của khách hành hương lại tiếp tục đưa chim, cá ấy vào lồng, chậu, rồi bán quay vòng.
Khi được yêu cầu, anh Hoàng Quang Hải, Giám đốc Công ty Bảo An (Bao An Security), trả lời: "Bảo An và các cơ quan liên ngành đã bảo vệ thành công lễ hội. Nạn giật dọc, hàng rong được hạn chế đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, do năm nay có nhiều khách hành hương tranh nhau mua chim, cá đã tạo nên một số hình ảnh không đẹp. Người bán đã đẩy giá chim, cá lên trên mức bình thường.
Một cặp se sẻ 10.000đ, rồi 20.000đ, thậm chí 50.000đ. Một rổ cá lóc, cá trê... từ 100.000đ đến 150.000đ, khách cũng mua. Họ không biết rằng mua như vậy là tạo điều kiện, thậm chí thúc đẩy những kẻ hám lợi làm điều ác. Có người mua tất có người bán, tất có người săn bắt. Chim đang tự do bị nhốt vào lồng. Cá đang tự do bị nhét vào chậu. Cá lên cạn, đuối sức, có thả về sông cũng không bơi xa nổi, bị vợt lên.
Bị cắt cánh, cắt đuôi, chim bay loạn xạ, sà xuống đất bị khách hành hương dẫm đạp hoặc bị người bán chim bắt lại. Mấy hôm nay anh em thu gom và mang đi chôn, ước lượng cả ngàn con. Thật là bức xúc!". Anh Hải đưa ra thông điệp: "Nếu có từ tâm, mong mọi người đừng "làm phước" theo hướng ấy nữa. Cách phóng sanh tốt nhất là không tiếp tay người bán cá, chim trong lễ hội. Làm như vậy không phải phóng sanh mà là... sát sanh".
Sắp tới đây, vẫn còn nhiều lễ hội tín ngưỡng, trong đó có hành trình chiêm bái Phật Ngọc tại một số tỉnh thành phía Nam. Hy vọng hiện tượng “phóng sanh” như đã kể trên sẽ không tái diễn.
Đặng Ngọc Khoa
Nguồn: Thanh Niên Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét