Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU



 Hai nhà thơ Võ Chân Cữu và Nguyễn Lương Vỵ ở Mỹ                                                   

 Kỳ VII:

                               Mạch Ngầm, Nước Chảy Mây trôi…
Nếu đời người được ví như một dòng sông thì nghệ thuật chính là những nguồn mạch nước. Một lần nữa tôi nghiệm ra điều này khi lên các đầu nguồn thủy điện song Đồng Nai.
Hồi 2005 tôi vui sướng khi được cho quá giang từ Quảng Đức (Đak Nông) về Di Linh theo ngõ quốc lộ 28 để về Đà Lạt. Đường mới được tu sửa nhưng rất vắng xe đi. Những khúc ngoặc xuyên rừng chạy ven vách đá; lá quyện màn sương. Sông Đồng Nai khúc thượng nguồn kêu là dòng Đa Dâng (hay Đa Đờn) như một giải lụa mỏ. Một cây cầu bằng bê tông khá dài mới làm đã nối liền địa giới 2 vùng cao nguyên. Nhưng chỉ không lâu sau, đến năm 2009 sông đã bị chặn dòng cho mấy công trình thủy điện lớn. Hồ tích nước chính ở khá xa nhưng nước đầu nguồn đã tràn lên, nhấn chìm hoàn toàn cây cầu ấy. Mé bờ đã tự kéo ra hơn năm, sáu ki-lô-mét…
“Ở đâu” ?
Nước là vật thể không thích bị tù hãm. Cây cối thủy sinh ven những bờ mới; nguồn mạch từ lòng đất tiếp tục dâng trào thành những eo vịnh, con suối mới ngâm hòn đá tảng. Thiên nhiên và con người thật là kỳ diệu, giữa tháng 3 rồi, tôi từ Di Linh theo quốc lộ 28 hơn 30 cây số lên đến cuối xã Đinh Trang Hòa là dừng trước bờ. Con đò máy nho nhỏ nghe tiếng gọi sẽ cập bờ đưa người qua bên kia vùng nước ngập nối con đường cũ, khỏi phải đi vòng hàng mấy chục cây số theo con đường bộ mới mở nữa…
Người làm thơ hay cả một thời kỳ thơ ca nói chung, do số mệnh của lịch sử, không thể tránh khỏi tình trạng bị vây hãm. Sau bài “cánh chuồn chuồn” được tải lên tuần qua, có người trách tôi sao không lý giải rõ vì sao sau ’75 dòng thơ lục bát trong nước như lại ngừng trôi. Đọc các báo trong nước, kể cá những người từng làm thơ trước đó ở Sài Gòn, ngôn ngữ và nhịp điệu lại giống nhau đến thế. Là luyến la luyến lá những mạo từ, liên từ theo âm điệu ca dao phương Bắc. Hay để chứng tỏ “tinh thần dân tộc” và giai cấp “lao động”. Nhiều địa phương đều có thi đàn và các câu lạc bộ thơ lục bát. Nhưng hết thảy đều làm thơ giống nhau,  kể cả việc nhại theo trường thơ Bút Tre. Những nhà thơ lục bát “hàng đầu”, đôi khi bợ nguyên 2 câu ca dao ai cũng thuộc vào bài thơ của mình, nhưng không hều đánh dấu chú thích hoặc in nghiêng, để trong ngoặc kép (ví dụ “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”) lại vẫn được các nhà phê bình xưng tụng hoặc ngợi ca. Vì sao vậy ?
Tôi không thể, đúng ra là những năm tháng dài đã “không dám” trả lời câu hỏi này. Bạn tôi, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn là người mang tiếng lập dị. Vô quán mà không có bạn thân, anh chỉ ngồi một mình. Nếu ai đó chào, hỏi thăm: “Ông bây giờ ở đâu”, anh sẽ trả lời cụt ngủn :”Việt Nam”, hoặc “Sài Gòn”. Người nghe chán, sẽ tự động rút lui !
Hai chữ “ở đâu ?” trong thời điểm đó và ngay đến tận bây giờ thực ra mang nghĩa là “ở cơ quan nào” ? Thời buổi bấy giờ kiếm việc làm đã khó, được vào làm việc tại một cơ quan Nhà nước lại càng khó hơn !. Trong tinh thần “làm chủ tập thể”, với các văn nghệ sĩ, thì “cái tôi” là thứ cần phải dẹp bỏ trước tiên. Làm việc ở một cơ quan tiếng tăm, nhiều quyền lực thì vinh dự và tài năng càng cao, nên người đời thường lấy tiếng cơ quan giới thiệu thay cho “cái tôi” của mình. Như vậy thì làm sao có được thơ hay, nhất là với thơ lục bát, là thể thơ mà ai làm cũng được ! Ở hải ngoại thì các nhà thơ “đương đại” hết cổ súy cho thể loại cách tân, tân hình thức, lại tham gia vào “trường phái hậu hiện đại”. Các nhà thơ “mới” này sẵn sang “khinh miệt” thể thơ lục bát và những người làm thơ lục bát ! Tôi đã đọc được nhiều “tuyên ngôn” theo xu hướng này.
Cõi “Huyền Âm”
Giữa tháng 3-2013 này tôi vừa nhận được tập thơ “Tám Câu Lục Huyền Âm” của Nguyễn Lương Vỵ từ Mỹ gửi về tặng. Trong lá thư riêng gửi qua Mail, Nguyễn Lương Vỵ cho biết tập thơ thứ 7 này xem như chấm dứt những âm hưởng mà từ “âm” đã đeo đuổi ông kể từ tập thơ đầu tay: “Âm Vang Và Sắc Màu” in ở Sài Gòn, mang nhãn “Nhà xuất bản Trẻ” 1991. Như tên gọi, phần chính của tập thơ mới này 108 bài thơ 6 chữ tám câu mà ông mới làm trong mấy năm gần đây. Trước đó, từ 2010 trong tập thơ Tinh Âm, Nguyễn Lương Vỵ có 3 bài dùng thể thơ 6 chữ khá dài là “Lục Huyền Âm: Vọng Quốc Âm”, “Lục Ngôn: Mỹ Từ Pháp”, và“Lục Ngôn: Ngấm Âm Bùa Hương”. Nhưng ở “Tám Câu Lục Huyền Âm”, như tên gọi, mỗi bài thơ chỉ gói gọn trong 8 câu. Nếu như ở Tinh Âm, các bài thơ  6 chữ theo lối cổ phong dùng từ rất giản dị, gieo vần thoải mái, thì trong “Tám Câu Lục Huyền Âm”, ngay từ bài thơ thay lời tựa, Nguyễn Lương Vỵ đã tự tuân thủ khá nghiêm ngặt về cách gieo vần của các bài thơ cổ xưa:
       Dốc Trăng Cố Xứ
                            (Thay lời tựa)
    Nhớ quá dốc trăng cố xứ
    Hít một hơi ứ thiên cao
    Ruột gan tim phổi ngất ngứ
    Hồn phách trí não phập phào
    Đất trào huyết hoa bức tử
    Gió vút máu đá vụt trào
    Nếp trán vết hằn tâm sự
    Dốc trăng huyết đĩa dầu hao…
      Tinh âm của tập thơ này được tác giả dành để “Tri ân tiền bối Nguyễn Trãi”. Chính Nguyễn Trãi (1380-1442) là người đầu tiên đã xem chữ Nôm là quốc âm, và đem vào thơ để nhắc nhở, cưỡng lại sự quá lệ thuộc vào Hán học và thơ Đường.
·        Nguyễn Trãi
Thủ Vĩ Ngâm (Bài 1)
    Góc thành Nam lều một gian
    No nước uống thiếu cơm ăn
    Con đòi trốn dường ai quyến
    Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn
Riều quan chẳng phải ẩn chẳng phải
    Góc thành Nam lều một gian
                               (Quốc Âm Thi Tập)

    Nguyễn Lương Vỵ dành khá nhiều cảm xúc về bi kịch trong cuộc đời Nguyễn Trãi:
·        Gửi Quốc Âm
VI

     Khóc ai nào biết khóc ai
     Lệ Chi Viên oán ngút dài
     Rưng rức ngần sương cay mắt
     Sững sờ trận gió ù tai
     Sử lịch chìm sâu ngất ngất
     Thời gian trôi giạt phai phai
     Ém trong ngực một tiếng thét
     Khóc ai nào biết khóc ai?!…
Khi đã thấm nỗi đau từ sứ mệnh Nguyễn Trãi, tác giả Tám Câu Lục Huyền Âm hôm nay hình như đã nhận ra sự “trêu ngươi” của lịch sử, đành khuây khỏa trong những điều “vu vơ” như gió thổi, mây trôi giữa đất trời. Nhờ vậy mà tập Lục Ngôn này có những bài khá hay. Như:
   Gửi Bóng hình
   1/
   Mần thơ trao gửi bóng hình
   Chữ hồn nhiên khóc lung linh
   Bóng ơi sao mà cũ rích
   Hình ơi sao mà mới tinh
   Nụ tầm xuân trời chuyển dạ
   Giọt đàn thu đất trở mình
   Tìm nhau đỏ con mắt đá
   Âm khuya gót máu lặng thinh…
Con số 6 gần như không không mang nét linh thiêng như con các số khác (như 1, 3, 7, 9) nhưng khi trở thành một thể thơ “lục ngôn” thuần Việt, nó cho phép các câu thơ biến hình một cách linh động. Như Nguyễn rãi, trong các bài thơ lục ngôn, trừ câu mở đầu chỉ 6 chữ, các câu sau có hể biến hóa rất linh động, có 7,8 chữ. Một số nhà thơ hiện đại, như Thanh Tâm Tuyền trong các bài thơ làm theo thể cổ phong, cũng mở đầu với một câu 6 chữ. Như trong bài “Ngã Trên Núi Việt Hồng Ở Yên Bái Khi Đi Vác Nứa”:
   Tuột té nhào trên hẻm núi
   chết điếng toàn thân trong giây lâu
   mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
   ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu…
Vi diệu mạch ngầm
Trên một trang mạng gần đây, có người tự hào đã tiên phong kết hợp hài hòa những khắt khe của niêm luật từ thể “thất ngôn bát cú” trong thơ Đường và cách gieo vần theo yêu vận, “lối biền ngẫu” trong nhịp lục bát vào thể thơ 6 chữ ! Trong thực tế phong thái ấy đã được nhiều người vận dụng, kể cả tôi, khi bị kềm hãm, bế tắc vì vấn nạn đi tìm cái mới cho thơ ca. Còn Nguyễn Lương Vỵ giờ đây, khi tự trói mình trong niêm luật của “Tám Câu Lục Huyền Âm”, lại nhận ra sự vi diệu của những ngôn từ giản đơn:
     Gửi Một Người-Thơ
     IV
     Ngoài kia mùa đi mấy thuở
    Tang thương núi nhớ mây ngàn
    Chép bài thơ trong trí nhớ
    Gửi niềm đau theo trăng tan
     Một nét lung mềm tím phố
     Một trời nhạc lắng xanh đàn
     Hình như còn neo bóng nhỏ
    Còn đây hương gió ngọc lan…
Dòng nước sau những năm tháng bị vây bủa sẽ tự nó chuyển mình, phải không ?
                                                                                               (Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét