Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

CÁI ĐUÔI - CAO THOẠI CHÂU

Hồi còn đi dạy học tất nhiên tôi phải dạy theo sách giáo khoa vì đó là pháp lệnh, điều này không thắc mắc gì bởi có câu “ăn cơm chúa múa tối ngày”, lẽ thường ở đâu cũng vậy thôi. Nhưng dạy môn lịch sử nên tôi không khỏi thắc mắc về “Nó” mỗi khi truyền lại cho học sinh lớp 10 về nguồn gốc con người và các thời kỳ phát triển của xã hội loài người từ khởi thủy đến thời kỳ cuối hết của loài người còn đang nằm ở tương lai. Cũng theo đó, loài người do một nhóm vượn thông minh tiến hóa mà thành.

     Chả là như thế này, vào một lúc nào đó cách nay hàng triệu triệu năm có một cuộc biến đổi khí hậu trên trái đất, loài vượn thông minh vốn sống bầy đàn trên ngọn cây, thức ăn khó kiếm dần mà các cố tổ của tôi cũng đa tình đáo để nên ngày càng đông bèn phải xuống đất sinh sống. Khi hạ thổ, có ngay sự phân công của cơ thể, thân đứng thẳng lên, hai chi trước chuyển công năng từ di chuyển đu đưa sang cầm nắm tức là tay bây giờ.

     Cái làm tôi thắc mắc là vì sao “nó” lại biến mất, đó là cái đuôi của vượn. Suy nghĩ thấy không lý giải được sự biến đi của “nó”, vì giả sử con người ngày nay mà còn cái đuôi thì cũng chẳng dị hợm hay vướng víu chi, ít ra “nó” cũng có thể làm hai việc. Một là đuổi ruồi muỗi, hai là vẫy vẫy khi vui mừng như gặp người quyền thế hoặc gặp người tình để thay cho “những lời muốn nói” mà có khi bị gọi là nịnh nọt chi đó. Người Mãn Châu khi vào chiếm Trung Hoa lập ra triều Mãn Thanh đã đem vào một kiểu tóc cho đàn ông. Gọt nửa đầu phía trước, tóc còn lại vuốt và bện thành cái đuôi sam lủng lẳng sau lưng, nhìn miết thấy cũng hay hay, có sao đâu với cái đuôi này!

     Bây giờ đã là thời hiện đại và nghe báo động sẽ có thể có một biến đổi khí hậu của trái đất, tôi cứ sờ sợ có một quy trình ngược và con người bỗng mọc đuôi trở lại. Nhưng lo là lo vậy thôi, đang có đuôi thì đuôi rụng hay đang không có đuôi mà mọc đuôi thì chắc cũng chỉ bâng khuâng một thời rời lại cũng quen đi khi bài học cách trí chỉnh sửa một tí rằng thân thể người ta có 4 phần : đầu, mình, chân tay và đuôi! Trong trường hợp ấy sẽ lại có cô gái làm thơ "Em là gái trời bắt...có đuôi" nghe cũng êm tai!

     Nói vậy thôi chứ bao nhiêu triệu năm nay con người chẳng vẫn từng mơ mình có một cái đuôi vừa để “thay lời muốn nói” vừa làm đồ trang sức cho một thời trang tiên tiến đó sao? Là những cô gái, những thiếu phụ, đang khi không bỗng nghe có cái gì lạ sau lưng, nhìn lại thấy có những cái đuôi và chọn lấy một cái cho riêng mình- cái đuôi không gắn vào đít người nữa mà gắn vào cuộc đời người ấy với những công dụng cực kỳ thân thiết! Là đàn ông nên tôi không hiểu được nếu sau lưng không có một cái đuôi nào thì người nữ sẽ cô đơn ra sao. Tôi chỉ biết, với tư cách đàn ông, hậu duệ đực của các cụ vượn cố tổ, tôi cũng là một cái đuôi của hậu duệ cái của các cụ cố. Thích thú, hạnh phúc nhưng không phải không có sự khổ xảy ra cho con người khi nó là cái đuôi của người khác và một cái đuôi khác tháp vào đời mình.

      Mái tóc đen mượt vừa đẹp vừa là truyền thống sinh học tổ tiên truyền lại bỗng nó thành tóc đầu đinh vàng hoe trông cái mặt ngố ngốc vô cùng. Nhưng đó là…cái tân kỳ, thời trang tiên tiến và thế là tự nguyện làm cái đuôi cho sự dị hợm đó! Quần áo đề che thân sao cho vừa gợi mỹ cảm vừa khoe được những đường cong, khoe được sự nở nang xuân sắc, một lời Hello của tình yêu. Nhưng bỗng đâu vải vóc co cụm lại để “tháo chạy tán loạn” như cảnh tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn cuối tháng 4-1975 để trơ ra những “khối vật chất” cũng chỉ là…gạch ngói, bê tông đã mất linh hồn! Queue de cheval của các cô gái thuở nào đẹp đến hút hồn

      Tôi nghĩ đến một nhà thơ khả kính là Tản Đà. Vào buổi giao thời văn chương cũ mới những thập kỷ đầu thế kỷ 20, nhà thơ khả kính khả ái cũng bộc lộ sự cố gắng và tài năng mà tôi rất phục. Một mặt Tản Đà dịch thơ Đường ra lục bát trác tuyệt không có ai bằng kể cho đến nay. “Các trung đế tử kim hà tại/ Hạm ngoại trường giang không tự lưu” thành Đế vương giờ ở nơi đâu/ Ngoài hiên sông lớn vẫn sầu lặng trôi”, nhà thơ đã làm tôi chết lặng người khi đọc nó. Mặt khác, Tản Đà ra vỉa hè cho chữ thư pháp, coi bói toán mưu sinh. Cụ đã không cần đến “Nó”, không làm cái đuôi của trào lưu văn chương mới thuở đó.

      Bây giờ, nhiều những trào lưu mới đang tái lập một tình cảnh như thời Tản Đà. Tản Đà không chết về thi ca nhưng nay có những “Tản Đà” hình như có thể sắp chết khi làm cái đuôi và cố chạy theo gắn vào cái mới đến. Tôi phỏng đoán thế, và hy vọng là mình chỉ đoán mò thôi. Là tôi nghĩ, cái đuôi nào cũng gắn vào đít, khác với cái đuôi sam trên đầu vua quan sĩ thứ nhà Thanh bên Trung Hoa ngày trước. Bùi Giáng viết “Hươu con từ đó lại bên người/ Kể lể lông vàng rụng hết đuôi/ Bốn cẳng từ nay xin bó lại/ Quỳ chân trên gối khóc không lời”. Về mặt nhân sinh, được là cái đuôi của chính mình có lẽ là tránh khỏi sự vong thân, tha hóa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét