Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

MẶT TIẾN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


Nhà thơ Võ Chân Cữu, Du Tử Lê, Đặng Phú Phong, Nguyễn Lương Vỵ ở Mỹ                                                    
 Kỳ VIII

                                                   Suối Thác Chơi Vơi
Mưa về, khuất trên  những núi đồi chơi vơi sẽ hiện ra những nguồn thác nhỏ. Nơi ầm ì xối xả, chỗ róc rách, thầm thì.
Bạn tôi ví nó như một bài thơ ngắn. - Hay quá đi chứ !
Nhưng chữ “ngắn” có khi lại gây ra thắc mắc. “Văn hay chẳng nệ ngắn dài…”. Người hay dùng lối ẩn dụ cách nay chưa lâu vẫn thường kết thúc thư viết bằng câu “giấy ngắn, tình dài”. Tận thời Đường ở Trung Quốc, Giả Đảo từng tự bạch bằng hai câu thơ ngũ ngôn, về sau rất nổi tiếng :
                            “Nhị cú tam niên đắc
                              Nhất ngâm song lệ ưu”
Người đi trước đã dịch, theo thể lục bát :
                              Hai câu làm mất ba năm
                        Một ngâm lả chả đôi dòng lệ rơi
Nếu xem đó là một bài thơ ngắn, thì rõ ràng hình thức này đã có từ ngàn xưa. Kể cả “tiền thân” của thơ là những lời ca dao, thì thơ ngắn không phải là cái gì mới. Nhưng nhiều người hôm nay lại huênh hoang múa bút, làm như đó là một mốt thời thượng.
Hình thức và thời gian
Đã là nghệ thuật thì ngoài phạm trù chung, loại hình nào cũng đều có “quy luật” riêng của nó. Gọi là một bài thơ, thì ít nhất phải có từ 2 câu trở lên. Nếu chỉ một câu, thì nhất định chưa phải là “bài”, mà chỉ câu, hay một tứ thơ hay, được trích ra từ đâu đó. Vậy, “Ngắn” là bao nhiêu câu ? “Dài” : đến chừng nào ? Dài đến trường thiên, trường ca, hay câu chuyện kể bằng thơ ? Có lẽ nên để từng người cảm nhận, không cần phải tốn công phân định rạch ròi.
Thi sĩ Nguyên Sa là ông hoàng thơ tình ở Miền Nam trước ’75. Với nhiều người, bài thơ ngắn nhất theo thể lục bát của ông là :
Vết sâu
Khi em mở cửa bước vào
Hồng non trên má hồng đào trên môi
Những ngày âu yếm đã phai
Sao mang trả lại một thời oan khiên
Mang anh trả lại ưu phiền
Chỗ răng hạnh phúc vẫn còn vết sâu…
Ở thể tự do, là bài :
Năm ngón tay
Năm ngón tay
Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo  nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo

Em còn ngón tay nào ?
Để giữ lấy tay anh ?
Nhưng cũng trong những năm ’60, Nguyên Sa lại cho một bài thơ có nhiều khổ (dưới đây) là “ngắn :
Bài Thơ Ngắn

Anh làm một bài thơ ngắn
Riêng cho em
Để xóa một câu chuyện tầm thường:
Những đời người đã cũ!

Vì tất cả những gì nguyên lành
Đều xây trên một chút gì đổ vỡ

Nên anh chỉ bảo em
Những câu hỏi
Tất cả tại sao
Vẫn có một vì sao lòng mình không đến được

Và những câu hỏi
Tất cả tại ai
Vẫn chỉ có nghĩa là tan vỡ!...

Nên anh chỉ làm bài thơ rất ngắn
Bài thơ rất nhỏ
Của đôi mắt khẩn cầu:
Em đừng rút bàn tay em
Ra khỏi bàn tay anh
Như người ta rót hết nước chè
Để lại chiếc ấm không trong một lần ấm rỏ!

Dù quanh chúng mình chỉ là những hàng rào đố kỵ
Giữa một đêm không trăng
Giữa một lòng chiều không đáy
Em đừng khóc làm gì
Cho nước mắt vu vơ
Dù đôi tay buông xuống
Chúng mình vẫn tin tưởng
Chúng mình vẫn say sưa
Chúng mình vẫn nhìn vào mắt nhau
Để mở một chân trời rất rộng...

Rõ ràng “ngắn”, hay “dài” cũng bởi vì “ý tại ngôn ngoại”.
Nếu trở lại với quy định về số lượng câu, thì từ giữa thập niên ’50, Quách Thoại (mất tháng 11-1957) đã làm một bài thơ ngắn rất nổi tiếng:
 Thược dược
Đứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm màu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lay cúi đầu.

Nhiều người nói rằng không gian và thời gian mà Quách Thoại, Nguyên Sa đã sống và viết, thế giới vẫn còn ngăn cách. Dần dà, người ta cảm thấy hình như các tinh cầu quay nhanh hơn. Cõi riêng tư của mỗi con người có được là ít lắm. Thơ tứ tuyệt hiển nhiên là ngắn. Nhưng với nhà thơ, thì giây phút  “nhập thần” còn ngắn ngủi hơn. Như Nguyễn Đức Sơn ( Sao Trên Rừng) vào cuối thập niên ’60 đã làm một bài 3 câu :
   Sáng mênh mông
   Thơ thẩn trong vườn hồng
   Ồ bông, ồ mộng, ồ không
                         
Còn tôi, vào đầu thập niên ’70 :
Dấu Sương Cao Nguyên
Trăng xanh quá độ trăng tàn
Sáng chơi sương trắng trên ngàn
Lối về đất rộng mang mang.
                      (Võ Chân Cửu, thi tập Tinh Sương, 1972)
Câu thơ Linh hồn ?
Xin để ý câu kết những bài thơ ngắn của các nhà thơ trước ’75. Câu thơ như thốt lên một điều mới vụt hiện, “chỉ một sát na mà nhìn ra ba ngàn cõi”. Nhiều người nói đó là do ảnh hưởng từ triết học Thiền tông. Nhưng chịu Âm hưởng của Thiền tông nhất, phải nói đến thể thơ Hai Ku của Nhật Bản. Nhưng ngay cả Basho, một trong những thiền sư thi sĩ đầu tiên định hình cho thể thơ này hồi thế kỷ 17, câu kết của bài thơ lại không có sự lắng đọng của nội tâm, mà hài hòa, chia sẻ ra với muôn cảnh vật. Các bài Hai ku rất nổi tiếng của Basho :
Tịch liêu
Xuyên vào đá
Tiếng ve kêu.
Hoặc là
Trên cành khô
Quạ kêu
Chiều thu
Tiếng Nhật là một ngôn ngữ đa âm. Một bài thơ Hai Ku chỉ trong vòng 17 âm tiết, nên các nhà thơ kiệm lời ? Tại Việt Nam, năm 2007 Lãnh sự quán Nhật bản phối hợp với Báo Tuổi Trẻ có phát động một cuộc thi sáng tác thơ Hai Ku bằng ngôn ngữ Việt hoặc Nhật. Cuộc chơi hào hứng, nhưng một số bài thơ đoạt giải lại ít được người yêu thơ xem chưa hẳn là tuyệt tác. Đáng ghi nhận là câu kết, hình như theo cách của người Nhật. Như bài đoạt giải nhất :
                         Đứa Trẻ
Xó chợ
Chiếc lon trắng
Hạnh của mồ côi
                  (Của Nguyễn Thánh Ngã ở Lâm Đồng)
Bài đoạt giải  nhì:
 Trăng khuyết treo trời đêm
Sợi mây trắng choàng qua đỉnh núi
Dòng sữa chảy êm đềm
                             (Của Trần Xuân Thái ở Đắc Lắc)
“Trích ghi” như bước thành thơ ?
Trong tóhế giới phẳng hôm  nay, “thơ ngắn” ra sao ? Đây đó trên các trang mạng, người ta vẫn truyền naynhau những bài thơ ngắn. một vị trí đáng lưu ý trong “chiếu” này, phải nhắc đến nhà thơ Dương Tường ở Hà Nội. Ông sinh năm 1932, là dịch giả của hơn 50 đầu sách đã xuất bản trước 2005. Thơ ông, những bài “ngắn” rất kén người đọc, vì từ ngôn ngữ đến tiết điệu trong câu đều được hình thành theo phong cách mới. Như bài :
Chợt thu 1
Một thoáng gợn tên là heo may
Một hương cây tên là kỷ niệm
Một góc phố tên là hò hẹn
Một nỗi nhớ tên là không tên

Lần về Quảng Ngãi mới đây, nhân bàn chuyện “thơ ngắn”, tôi gặp được những điều thú vị. Tác giả Nguyễn Trung Hiếu, một hội viên Hội Nhà văn VN trong năm 2012 xuất bản tập “Trước tháng tư bảy lăm” mang nhãn Nhà xuất bản Văn Học, ghi thể loại là “Trích Ghi”, vì dưới mỗi bài đều ghi ngày tháng làm. Đo thực chất là những bài thơ ngắn. Như bài:
 Không ca mổ nào được thiếu bí thư chi bộ
Tuy ông Trần Bình học lực lớp năm
Phải có mặt và ký vào biên bản
Đúng thủ tục rồi, các bác sĩ mới yên tâm
                                         (Ngày 20-7-1968)
Tác giả Đinh Tấn Phước vốn ở thị thành miền Trung, làm thơ từ 1965. Sau tập thơ Gió Mùa, rồi Chạm Bóng, nay ông xuất bản tập “N” Bài Thơ Ngắn, cũng mang nhãn NXB Văn Học gồm 101 bài thơ ba câu. “Nội dung có thể nằm hoặc không ở những câu chữ”.Thơ ông mang âm hưởng Haiku. Riêng câu kết lại kết hợp sự lóe sáng của “lóe sáng” trong cõi tâm linh và sự “sẻ chia” của kiếp người nặng nợ:
                Bài 27
tôi cánh chim
bay
không để lại vết gì

               Bài 19

mang câu thơ
đi qua một câu thơ
chiều sa mạc
Có thể chưa thành “bài”, nhưng thơ “ngắn” vẫn phải có hơi hướm của thơ. Trên các triền cao, rừng vắng, những dòng nước vẫn tìm đường ra dòng sông thơ, về nơi biển cả-nghệ thuật.
                                                                                        (Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét