Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


Kỳ IX :
                                                                 CÁNH ĐỒNG BỎ HÓA

Làng Tân Thanh quê tôi tựa vào vách núi trông ra biển. Ngày nhỏ tôi vẫn theo các cậu lên lưng núi dọn rẫy, được ăn tại chỗ những củ khoai lùi thơm lừng. Cứ sau vài ba năm, rẫy trồng lại được bỏ hóa để cây rừng, cỏ dại lên ngút ngàn, đàn trâu thả đi lung…Mấy năm sau độ màu mỡ của đất tự nhiên được phục hồi.
Lối canh tác cổ truyền ấy về sau bị cho là lạc hậu. Người sinh ngày một đông nhưng đất không nở thêm được. Trên thế giới, hàng loạt thứ phân bón hóa học, thuốc kích thích được phát minh; các cuộc “cách mạng xanh” lan truyền, đưa năng suất cây trồng tăng vọt, đối phó với nạn thiếu đói. Nhưng đến một ngày kia, như trên vùng cao nguyên bazan màu mỡ mà tôi đang sống, cây trái bỗng nhiễm bệnh, biến hình. Cây cải bắp thảo bỗng mọc rễ lên đầu; Chuỗi cà phê nẩy quả to đùng nhưng xát ra, hạt nhân lại rất nhỏ…
                   Võ Chân Cửu
                   Nhớ núi Tượng
          `        Thuở nhỏ thèm trèo lên tới ngọn
                   Bắt bóng trăng xanh ngủ trốn ngày
                   Bây giờ đủ sức thì thôi đã
                   Bên trời xa cách mấy vùng mây.
                                                                                   (Thi tập Đại Mộng 1973)
Tứ thơ qua cách diễn tả rất thật thà, bình dị tôi làm cách 40 năm xa, hôm nay chẳng hiểu vì sao lại được một số tuyển tập và các trang mạng chọn đăng lại. Chợt nghĩ ra là hồn thơ trang viết của mỗi người có khi cũng cần được bỏ hóa. Trở về theo cung cách của thiên nhiên phải chăng là xu thế của con người khi trải qua nhiều đỉnh văn minh. Trong dòng chảy cuộc sống, cánh đồng thơ của mỗi người có khi được (hoặc “bị”) bỏ hóa theo nhiều kiểu.
‘Nhát búa cuộc đời…
Lần nào về miền Tây, tôi cũng kiếm cách về Cao Lãnh để thăm và ở lại chơi với Hạc Thành Hoa, bạn thơ vong niên ở thành phố Cao Lãnh. Anh sinh năm 1938, trước sau vẫn sống cuộc đời bình dị với nghề dạy học. Ngày xưa ở thị xã Sa Đéc, sau ’75 về tỉnh lỵ mới Cao Lãnh, anh vẫn chưa biết đi xe gắn máy. Tập thơ “Trong Nỗi Buồn Vàng” do Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng in năm 1971, tiếp đến là “Một Mình Như Cánh Lá” được Nhà xuất bản Giao Điểm in năm 1973 đều cho thấy tác giả có một nội lực thơ thâm hậu.
·        Hạc Thành Hoa
Trong nỗi buồn vàng:
Mây về sau  những cơn mưa
Nắng soi đỉnh ngọn cây thưa gần tàn
Nghe trời nhớ gió mênh mang
Buồn ôm kín  cả không gian vào lòng
Nay còn ntrên nẻo đường không
Gót nai rụng tiếng nchiều trong sương mù

Mai về từ bãi dâu vàng
Dấu chân biển động mưa tràn bến sông
Gió tha hương cánh phiêu bồng
Bóng trăng suông lại theo dòng nước xuôi
Đành như sương khói bên người
Nắng vàng hoa cúc một thời yêu em.
                                                                 (1964)
Như nhiều cây bút khác ở miền Nam, sau ’75 anh đã tự “bỏ hóa” tâm hồn thơ mình. Từng đào tạo nhiều lứa học sinh thành tài, về mặt xã hội, thầy giáo Nguyễn Đường Thai trở thành “Nhà giáo ưu tú”, nhưng về đường văn chương thì “nhà thơ” Hạc Thành Hoa thì gần như bị cố tình quên. Gần 10 năm sau ngày “mở cửa”, vào 1995, Hạc Thành Hoa cho in tập thơ thứ 3: Phía Sau Một Vầng Trăng. Đa phần trong tập là những bài thơ làm trước 1975 như một “hoài niệm”. Đôi bài ghi thời gian mới, thì Hạc Thành Hoa như gửi nỗi ngậm ngùi:
                   Chiếc thuyền
                   Có chiếc thuyền nằm im trong tủ kiếng
                   Buồm giương cao chờ đợi buổi ra khơi
                   Giấc mơ đó xa vời như cổ tích
                   Nửa đêm ngày thương nhớ biển không nguôi
                                                                                 (1993)
Tập thơ in ra, gần như chỉ để chuyền tay gửi tặng người thân và bằng hữu. Không một tạp chí văn chương chính thức nào nhắc đến. Hình như đó là số phận dành cho những cây bút sang tác trước 1975 còn ở lại trong nước. Hôm nay, Hạc Thành Hoa tiếp tục trải long mình. Ngôn ngữ anh vẫn hiền lành nhưng tâm hồn đầy ngịch cảnh:
Giấc Mơ Của Đá
Không còn tảng đá nào được yên thân
Bởi tiếng búa và tiếng đục vang lên vang lên
Ngay dưới chân nàng
Đang nuôi một giấc mơ
Đến thành đá
Từ khi có đá
Dù trơ trọi một mình
Vẫn đứng cho bầu trời bớt trống
Nàng tối sầm những khi trời chuyển mưa
Lại xanh ngay khi trời vừa tạnh
Nếu một ngày nàng âm thầm bước xuống
Thì cả bầu trời trống trải vô cùng
Giấc mơ cũng không còn nữa
Nàng đã thật sự chết ngay khi vừa sống…
Khi tôi rời thị xã ra đi
Thì nàng đã hóa đá
Hôm nay
Dưới mầu trời xanh ngày đó
Không biết nàng có còn là đá
Những nhát búa cuộc đời và chiếc đục thời gian
Có để cho nàng được yên
Với giấc mơ của đá.

...Chiếc đục thời gian”
Phải chăng thơ ca bị phủ nhận bằng nhiều cách. Phổ biến nhất với các nhà nắm giữ phương tiện truyền thông là không đả động đến nó nữa. Hay là bởi ngôn ngữ, nhịp điệu thơ bất lực trong thể hiện nhịp điệu cuộc sinh tồn ? Người ta mong đợi những luồng khí mới. Những âm thanh náo loạn đã cất lên để tạo sự chú ý. Tiêu biểu cho xu hướng này, các nhà thơ từng chủ trương “tân hình thức” ở nước ngoài đã giới thiệu tập của “Các Nhà Thơ Đương Đại”. Còn ở trong nước, tiêu biểu nhất là Tuyển tập “Bông & Giấy” của “30 tác giả hôm nay” xuất bản giữa năm 2010. Các nhà thơ mới cố tình khẳng định cái tôi “đương đại” hoặc “hôm nay” như một nổ lực phủ nhận giá trị các dòng thơ cũ và những người đi trước. Nhưng điều đáng lưu tâm là trong số những tác giả, tác phẩm được công kênh là “hôm nay” lại có khá nhiều những nhà thơ và các bài thơ của trước 1975, như Lê Văn Ngăn, Từ Hoài Tấn,Nguyễn Đạt..; đáng tiếc là những người làm sách đã không ghi năm tháng sang tác dưới những bài thơ cũ in lại. Cũ và mới, hóa ra chỉ là một cách nói khi xưng tụng. Vẻ đẹp của nghệ thuật thường không có biên giới, vậy sao lại tự hạn hẹp nó, hỡi các nhà thơ ?

Nên để cho cánh đồng thơ tự bỏ hóa !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét