Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM

TÍNH HIỆN THỰC VÀ TÍNH NHÂN ĐẠO
TRONG THƠ TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM
QUA “THƯƠNG SƠN THI TẬP”

NGUYỄN PHƯỚC BẢO QUYẾN

Trong vườn hoa đầy sắc hương của văn học Việt Nam thế kỷ XIX, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng, là một cây bút tài hoa, một nhà thơ nổi tiếng. Tùng Thiện vương đã để lại cho đời một khối lượng trước tác khá lớn, văn cũng như thơ. Về thơ, chỉ riêng Thương Sơn thi tập cũng đã gồm đến chín tập(1 ) (khi khắc in bằng bản gỗ năm 1872 được gộp lại còn tám tập và chia thành 54 quyển với trên dưới 2500 bài thơ). Đây là tập thơ làm nên danh vị “thất Thịnh Đường”( 2) của Vương. Thương Sơn thi tập là tâm huyết của cả cuộc đời Ông Hoàng Mười; là thao thức, dằn vặt trong sâu thẳm của tâm hồn một con người luôn luôn suy nghĩ về bản thân cũng như thế giới xung quanh mình: nhân dân, đất nước. Một cách khái quát, có thể nói Thương Sơn thi tập là tập thơ chữ Hán có qui mô vào loại lớn nhất trong thế kỷ XIX. Qua hệ thống cấu trúc nội dung cũng như qua hệ thống đề tài, chủ đề, hình tượng và thể thơ, tập thơ đã kế thừa và phát huy được những giá trị nội dung cùng nghệ thuật truyền thống của văn học trung đại. Trong một số mặt, Thương Sơn thi tập có thể đối diện với thơ Đường, khẳng định khả năng sử dụng chữ Hán trong nghệ thuật văn chương của người Việt không thua kém gì người Trung Quốc.Và xét trong chiều sâu của nội dung phản ánh; của tư tưởng, tình cảm sáng tác, Thương Sơn thi tập là tiếng nói thiết tha của Tùng Thiện Vương trước những vấn đề lớn của quê hương, đất nước và của bản thân nhà thơ. Bên cạnh mảng thơ bộc lộ xu hướng muốn sống cuộc sống ẩn sĩ, nhàn tản, tiêu sái, xa lánh lợi danh là mảng thơ thể hiện lòng ưu thời mẫn thế, lo lắng cho tiền đồ của đất nước, dân tộc. Bên cạnh mảng thơ thể hiện ý thức bảo vệ trật tự phong kiến, ý thức tôn quân, trung quân là mảng thơ phản ánh hiện thực đen tối của thời đại, đất nước trước và sau khi bị thực dân Pháp xâm lượctrong đó nổi bật mảng thơ phản ánh cuộc sống cùng khổ bi đát bởi tai trời, ách nước; bởi chế độ quân chủ phong kiến; bởi bọn cường hào, ác bá và bọn tham quan ô lại với nỗi bất bình, phẫn nộ mạnh mẽ, với tấm lòng thương xót, thông cảm sâu sắc...
Mặc dù xuất thân là một vị hoàng tử sống trong quyến quí cao sang nhưng Tùng Thiện vương lại chọn cho mình một cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên và quần chúng lao động. Thấm nhuần ba nguồn tư tưởng Nho, Lão, Phật, mến mộ cách sống của các bậc hiền nhân cao sĩ trong rừng nho bể thánh, Vương thích cuộc sống vui thú với ruộng vườn; làm bạn với núi đồi khe suối, với sông dài trời rộng, với mây nước gió trăng để thưởng thức thú yên hà phong nguyệt. Do vậy Vương thường đi đây đi đó và càng đi Vương càng thấy nhiều sự việc mà một ông hoàng như Vương nếu không đi thì không thể nào hiểu biết và tưởng tượng ra được như ông từng tâm sự :
Sinh trưởng chốn quí sang
Đói cơm chưa từng biết
Mắt thấy thêm thê thiết …(*)
(Đêm lên đường ở Quảng Lộc)
Sinh trưởng phú quí trung,
Vị tằng giai cơ khách
Xúc mục bội thê thiết …
(Quảng Lộc dạ phát)
Mang tâm hồn Đỗ Phủ đời Đường, Tùng Thiện Vương đã phản ánh những điều “mắt thấy thêm thê thiết” ấy vào trong thơ mình và qua đó bày tỏ lòng xót thương vô hạn đối với nỗi khổ mà người dân phải chịu đựng.
Với tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương đối với người dân nghèo, một lần, trong dịp thanh minh, đi tảo mộ, chứng kiến cảnh một người dân lặng lẽ ngồi khóc bên ngôi mộ mọc đầy cỏ dại nơi cồn hoang trong khe núi lúc màn đêm dần buông xuống, không ngăn được niềm xúc động, Vương đã ghi lại cảnh tảo mộ rất tội nghiệp của người dân ấy qua bài Tảo mộ hành (Bài hành tảo mộ) :
Cồn vắng chim bay, xuân, cỏ lục,
Mưa phùn rây, đêm tối người khóc
Một chén cơm tẻ, một bát canh …
… Giấy tiền lách tách, mây đen vần,
Nước mắt hòa vào khe nước gần.
Dòng khe lặng chảy trôi màu huyết,
Ngủ mãi trong mồ hồn chẳng biết.
Cạy rêu, nhổ cỏ, một mình về,
Ngoái đầu núi đêm lửa ma biếc. (*)
(Hoang khư điểu sí xuân thảo lục
Vi vũ như yên nhân dạ khốc
Nhất vu mạch phạn bán bôi canh …
… Chỉ tiền sách sách âm vân đê
Lệ lưu thiêm thủy chú tiền khê
Khê thủy vô thanh huyết lưu xích
Trủng trung trường miên bất tằng thức
Bát đài tiễn thảo hoàn độc qui
Hồi thủ sơn sơn dạ lân bích.)
Bài thơ tả rõ từng chi tiết mắt thấy tai nghe. Giữa cảnh mưa phùn, trong bóng hoàng hôn, một người ngồi khóc lặng lẽ bên một ngôi mộ nơi cồn hoang vắng vẻ với đồ cúng hầu như chẳng có gì : nửa bát canh, một chén cơm, một xếp giấy tiền ... Trước tình cảnh đó, nhà thơ tự hỏi không biết người chết ngủ trong mồ có buồn không. Cảnh cũng như người, thật buồn thảm, tội nghiệp! Và người chứng kiến cũng buồn không kém. Giọng điệu thơ, hình ảnh thơ gợi lên biết bao thương xót trong lòng người đọc thời ấy cũng như bây giờ.
Nhân dân lao động mặc dù đã phải làm lụng vất vả suốt ngày, suốt tháng, suốt năm nhưng cơm vẫn không đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc. Hình ảnh người phu đẩy xe chở đất, đem bát mồ hôi đổi lấy bát cơm cũng đã được Vương ghi lại sinh động qua nét bút đầy trắc ẩn, xót thương trong bài Thổ xa dao (Bài ca xe đất) như sau :
Lạch cạch! Lạch cạch!
Đường đầy, xe chật.
Ngày hết, đêm tàn,
Tiếng xe không dứt ...
... Xe phóng nhanh, mồ hôi đẫm ướt,
Đêm mát còn hơn ngày nóng bức.
Ngẩng mặt nhìn trời xanh,
Máu đọng trong tròng mắt (*).
Cách kiệt ! Cách kiệt !
Mãn nhai xa triệt.
Nhật một, nguyệt một,
Xa thanh bất tuyệt…
… Xa như phong, hãn như tuyết,
Dạ lương do thắng trú chi nhiệt.
Ngưỡng nhất tác thương thiên,
Cao cao nhãn lưu huyết.
Và còn biết bao nhiêu người khác cũng khổ như thế từ người dân phu kéo gỗ trên rừng về xây lầu đài, cung điện phải chịu cảnh “Đá cào gai chích thân rách bươm,/ … Khí lạnh, hổ gầm, nước khe độc/ Ai chẳng có nhà, nhà thiếu ăn/ Khi đi tóc ngắn, về gầy rộc/ Năm ngoái hát hò, nay chỉ khóc – Hò dô ta” (Thạch tuần đãng thích sang mãn thân/ … Lam hàn hổ cao tuyền thủy độc/ Nhân thùy vô gia, gia bất túc/ Hành thời đoản phát, qui vô nhục/ Khứ niên thượng ca, kim thả khốc – Hô ta hồ) cho đến kẻ mò đãi vàng đầu sông ngọn suối “mình trần ngâm dưới nước/ rét cóng gần chết queo (Xích thân một tằng ba/ Đống tử cửu nại tô) để “chỉ mong đủ nộp thuế/ đâu dám mong phần dư” (Đản nguyện túc thường phú/ Yên cảm vọng kỳ dư – Kim hộ thán) nhưng “khốn khổ thay thuế thường khó chạy đủ, đành phải chịu huỷ tàn tấm thân hèn này; bẻ gãy cánh tay há không đau/ May ra được giảm nửa thuế – Lời than của gia đình mò đãi vàng” (Thường phú khổ nan túc/ Toại nhẫn tàn vi khu/ Ảo tý khởi phi thống/ Hạnh đắc giảm bán thu – Kim hộ thán) ... Tất cả những kiếp người ấy đều lâm vào cảnh “trống ruột, rau thay cơm/ cóng xương lửa thế áo – Nhà nghèo”(Hạo tràng sơ thế phạn/ Đống cốt hỏa vi y” – Bần gia). Tình cảnh đáng thương ấy đã đươc Tùng Thiện vương Miên Thẩm ghi lại rất chân thật và đầy xúc động trong thơ mình!
Bên cạnh nỗi khổ cực hàng ngày, nhân dân lao động, nhất là nông dân, còn phải thường xuyên lo lắng tai trời, ách nước. Hạn hán khiến người nông dân vất vả, khổ sở, lo đạp nước mong tưới cánh đồng cháy khô :
Rồng trốn năm nay mưa chẳng có
Nông dân đầm núi đều kêu khổ
Nước mắt dầm, thân đẫm mồ hôi
Tưới đất khô nguyện theo nước đổ … (*)
( Bài hành xe đạp nước)
(Kim niên quai long bất hành vũ
Sơn nông trạch nông các ngôn khổ
Lệ tuyền bị diện hãn mạn phu
Nguyện trục tào lưu chú tiêu thổ … )
(Thủy xa hành).
Đã thế mà lại còn bị cảnh“mới sáng sớm đã có thư lại đến thúc tô đòi tiền” (Tảo hữu thôi tô lại sách tiền – Thủy xa hành). Nhưng vẫn chưa hết khổ! Người nông dân còn phải khổ vì nạn sâu bọ phá hại mùa màng gây nên cảnh mất mùa, đói khổ. Bài “Miêu thương hành” (Bài hành lúa chết non) sau đây đã chỉ ra cảnh khổ của nông dân bị mất mùa vì thiên tai cùng niềm thương cảm của Vương đối với họ :
Ruộng cao hạn hán lúa khô quắt,
Ruộng thấp nước sâu không thấy đất ...
... Ruộng thấp hóa đầm sâu, vạn mẫu
Mạ xanh thước năm cấy không thấu
Ruộng cao đất nẻ hình mai rùa,
Suốt ngày trời thổi miết gió mùa.
Xoay trời chuyển đất ai làm được,
Ruộng thấp xin cho ruộng cao nước?(*)
(Cao điền miêu khô khổ vô vũ
Đê điền thủy thâm bất kiến thổ…
… Đê điền vạn mẫu vi trạch quốc
Xích ngũ thanh ương trừu bất đắc
Cao điền qui triệu tích công cung
Tận nhật xuy sát đông nam phong
Hồi thiên chuyển địa thục năng nhĩ
Đê điền khất dữ cao điền thủy.)
Éo le thay cho người nông dân! Làm ruộng cao thì khô hạn, làm ruộng thấp thì ngập úng. Sức người không điều chỉnh, chuyển hóa được sức trời vì phương tiện canh tác còn quá nghèo nàn lạc hậu đành phải đứng nhìn cây lúa chịu cảnh chết non để rồi phải chịu cảnh mất mùa, đói khổ. Đau xót biết bao!
Năm Tự Đức thứ 18 (1865 – năm Ất Sửu) do hậu quả thiên tai dẫn đến mất mùa suốt bốn tỉnh miền Trung từ Quảng Trị, Thừa Thiên đến Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dân tình rất khốn khổ . Trước tình cảnh bi đát ấy, đa số người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi phải vượt đèo Hải Vân, dắt díu nhau ra Kinh đô kiếm sống. Nhìn thấy cảnh những người dân xứ Quảng tha phương cầu thực, lang thang đầu cầu cuối chợ, rách rưới, khốn cùng, Vương xúc động viết bài Lưu dân thán (Lời than của dân lưu lạc) :
Thân một người nửa sinh nửa tử,
Đi chẳng được mà dừng cũng khổ ...
... Quê cũ vừa qua lụt, hạn nghiệt,
Khắp nơi lúa xanh thành lúa lép.
Kho lương chẳng đủ cho quân dùng,
Phát chẩn nhiều nhưng bụng vẫn xép.
Vượt ải lên kinh đã hai tuần,
Gầy đét thân, rách bươm áo quần.
Kẻ chết bỏ xác vùi bụi gần,
Người sống rên bò muốn liệt thân.
Thương thay dân bốn huyện Quảng Nam!...(*)
Đọc bài thơ ta thấy thương cảm đến nghẹn ngào trước tình cảnh đói khổ của đồng bào ta trong thiên tai và ta càng cảm động biết bao trước tấm lòng thương xót đầy nhân hậu của nhà thơ. Những lời than thở trong bài thơ không phải chỉ vì mối động tâm bất chợt mà xuất phát từ một cõi lòng chan chứa yêu thương, một tâm hồn giàu lòng nhân ái, giàu thiện cảm với người dân nghèo, cảm thông sâu sắc nỗi khổ của họ.
Nhưng nào đã hết! Hết khổ vì hạn hán nhân dân còn phải khổ vì lũ lụt :
Tháng chín chưa rơi sương,
Lũ nguồn mồng bảy trương.
Mây mờ che nắng sớm,
Nước lớn ngập đồng nương … (*)
(Nước lụt)
(Cửu thu sương vị lạc,
Thất nhật thuỷ sơ qui.
Cự tẩm liên bình dã,
Trùng vân cốt thự huy …)
(Thuỷ)
Thế rồi có biết bao người chết trôi theo dòng nước lũ, biết bao kẻ thiếu đói kêu van! Chứng kiến cảnh ấy lòng Vương không dằn được nỗi xót xa, ái ngại :
Trôi chết, thấy, sầu muộn,
Đói kêu, nghe, xót thương.
Sao đành no ấm hưởng,
Ái ngại lệ buồn vương. (*)
(Nước lụt)
(Kiến sầu vô chửng nịch,
Thân thính hữu đề ky.
Hà ý cam ôn bão,
Hàm tình song lệ huy.)
(Thuỷ)
Hà ý cam ôn bão/ Hàm tình song lệ huy (Sao đành no ấm hưởng/ Ái ngại lệ buồn vương). Biết bao thương xót trong hai dòng thơ ấy !
Bên cạnh lũ lụt, hạn hán lại còn thêm dịch bệnh, lính thú ! Chính những tai ách này đã đẩy người dân trong xã hội thời ấy lâm vào cảnh “hết chốn nương thân” :
… Nông ngư hết sống, khổ cùng cực.
Ruộng mùa lúa chín thu vào kho,
Nước cóng, khó ngâm mình bãi trúc,
Năm canh còi rúc canh phòng hổ,
Đuổi cá tinh sương chống vịt mổ,
Chai cứng chân tay mong đủ no,
Như nhau, đói, rét đều chết bỏ.
Năm nay ma dịch hành ba lần,
Tối còn, sớm chết, tội nông dân.
Trẻ lớn, trẻ bé sung tự vệ,
Chài vợ, chài chồng cùng xuống mộ …
… Sớm muộn sẽ thành lính thú hết,
Chài con về gói xương chài chết. (*)
(Hết chốn nương thân)
(… Vi nông vi ngư khốn sinh lý,
Đạo điền cốc thục tận thâu thương.
Trúc chữ ba hàn nan nhập thủy,
Truyền canh cảnh hổ xuy ngưu giác,
Xung hiểu khu ngư xanh áp chủy,
Thủ túc biền chi vị phục mưu,
Khổ cơ, khổ hàn đẳng chi tử.
Kim niên dịch quỷ tam dộ hành,
Dạ thoại triêu lai nông bất sinh.
Đại nhi tiểu nhi lệ hương dõng,
Ngư phụ ngư phu dữ xuyên trũng.
Tảo vãn tiễn cánh cùng nhung tốt,
Ngư nhi qui lai lõa ngư cốt.)
(Cùng cư)
Vì sao lại phải có cảnh «chài con về gói xương chài chết »? Lý do là :
Năm kia rợ Tây đánh Quảng Nam
Quan quân thua trận máu thành đầm …
… Năm nay dụng binh khắp nam bắc,
Vạn đội quân chia đi đánh giặc …(*)
(Bán áo giấy)
(Nẵng tuế tây di phạm Quảng Nam,
Quan quân chiến bại huyết thành đàm.
… Kim niên dụng binh biến nam bắc,
Cấm quân vạn đội phân bình tặc …)
(Mại chỉ y)
Lính thú chết có người tìm được xác nhưng đa số không tìm được. Sau tin báo của quan quân về cung vua, họ phải tìm mua áo giấy để cúng cầu hồn cho người thân của mình nhưng nào mua được vì ai cũng cần áo giấy :
Đêm qua hịch báo về cung vua,
Già nửa chết tìm không thấy xác.
Xóm đông nhà tây lệ thảm tuôn,
Nhiều năm khởi binh càng đáng buồn
Cơm tẻ canh cá cũng khó gặp,
Xứ nào ham tiền bán áo luôn ?…(*)
(Bán áo giấy)
(Tạc tiêu vũ hịch báo Cam Tuyền,
Cường bán tử vong thi bất đắc.
Đông lân tây xá khốc thanh hy,
Tần tuế quân hưng ích khả bi
Mạch phạn ngư canh diệc nan ngộ,
Hà xứ cầu tiền mại chỉ y ?…)
(Mại chỉ y)
Và đây là hình ảnh người thiếu phụ làm nghề vàng mã không chịu bán áo giấy vì đang cần áo để cúng cầu hồn người thân chết mất xác :
Một gian nhà nát người trú thân,
Quần áo rách bươm, đầu bù rối,
Mặt đầy bụi bẩn buồn thanh xuân.
Giấy mỏng tầng tầng trắng toát đất,
Cắt thành áo phơi trưa nắng gắt
Nghề này hỏi chị lãi bao nhiêu
Nói chẳng ra lời, tuôn nước mắt …
… Người thân tôi có trong số ấy,
Không bán, áo này cần dùng tới,
Cầu trời tạnh ráo áo mau khô,
Kịp đến tối chuyển về âm giới.(*)
(Bán áo giấy)
(Nhất gian phá ốc trung hữu nhân,
Tệ bố già hình loạn bồng thủ,
Châu nhan trần cấu sầu thanh xuân.
Bạc chỉ tằng tằng loát bạch thổ,
Tiễn tác minh y bộc đình ngọ
Vấn cừ nghiệp thử lợi kỷ hà,
Khẩu bất năng ngôn lệ như vũ …
… Thiếp gia thân đảng tại kỳ nội,
Sự vật sở tu bất kỳ mại.
Nguyện thiên tình tể y tảo can,
Cập đáo hoàng hôn tống minh giới.)
(Mại chỉ y)
Tình cảnh của người dân sao mà tội nghiệp! Phải có một tấm lòng đồng cảm sâu sắc với tình cảnh của nhân dân; phải có một tình cảm gắn bó, yêu thương da diết với đồng bào mình mới có được những dòng thơ đầy xúc động như thế!
Rồi Tùng Thiện Vương đã không ngần ngại chỉ thẳng vào nguyên nhân gây nên tình cảnh nghèo đói, cùng khổ của người dân đen trong xã hội đương thời. Đó là nạn hà hiếp, đục khoét của bọn cường hào, quan lại. Xuất phát từ tư tưởng ái dân, Vương càng lên án, kết tội những kẻ hại dân hại nước ấy. Mượn chuyện đôi chim gõ kiến ăn sâu mọt trên cây đại thụ, Vương gay gắt lên án những kẻ sâu dân, mọt nước trong xã hội đương thời qua bài Trác mộc điểu (Chim gõ kiến):
... Bay vào cây đại thụ,
Chim trống chọn được cành,
Biết bao nhiêu sâu bọ.
Miệng thèm mặc sức ăn,
Ngàn vạn, ăn vô số.
Ăn no liền bay đi,
Chim mái tiếp vào đó.
Sâu bọ biết đâu nhờ,
Một đời hết cứu độ.
Mọt cây tội đã đành,
Đâu bằng mọt nước nọ. (*)
(Hùng lai chi thượng nhiễu
Thê đắc hảo thụ chi
Trùng đố bất vi thiểu.
Sàm khẩu tứ sở dục
Bách vạn cung nhất bão
Bão lai khước dương khứ
Thư lai phục như cố.
Xi xi diệc hà liêu
Nhất sinh bất năng độ
Đố mộc tín hữu tội
Hà như bỉ bang đố.)
Càng nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống, Vương càng xót xa trước nỗi khổ của dân lành trong xã hội mình đang sống. Người dân không chỉ phải chịu sưu cao thuế nặng mà còn bị nhiều khoản đóng khác nữa chẳng hạn như lệ phải nộp “tiền trầu cau” mỗi khi “có việc” đến cửa quan. Đến cửa quan là phải nộp tiền hối lộ mà để hối lộ, người dân phải cầm cố cả nhà, bán cả vợ. Tình cảnh bi thương đó đã khiến Vương chua xót, bất bình. Qua bài “Phù lưu tiền hành” (Bài hành tiền trầu) Vương cho ta thấy nỗi khổ của người dân lành trước sự nhũng nhiễu của bọn quan lại:
Sáng đã dâng tiền trầu
Tối lại dâng tiền trầu
Quan lớn có xơi trầu
Dân mới khỏi oan sâu.
Quan lớn trong nhà tiền mục bở,
Dân đen bán nhà, bán cả vợ.
Thân này tuy còn, nhà đã tan,
May thoát gông nghĩa vợ chồng tàn.
Vợ bồng con nhìn chồng từ biệt,
Bên lộ nhai trầu nước mắt chan. (*)
(Triêu tiến phù lưu tiền
Mộ tiến phù lưu tiền
Đại nhân khiết phù lưu
Nãi tuyết tiểu nhân oan
Đại nhân đường trung tiền sách hủ(3)
Tiểu nhân mại gia hoàn mại phụ …
Thử nhân tuy tồn gia dĩ hưu
Gia tỏa hạnh thoát phụ nan lưu
Bảo nhi tạm lai dữ phu biệt
Lộ bàng đối khấp xan phù lưu.)
Người dân lành nghèo khổ đến hạng cùng đinh như người vác tre bán nuôi thân mỗi ngày cũng không khỏi bị hà hiếp, chèn ép, chiếm đoạt của cải … Xót xa trước cảnh ấy, Vương thác lời người bán tre nói lên nỗi oán hận của họ và rất đồng cảm với sự phản kháng trong nỗi đau bất lực của họ :
Ngày vác hai cây bán,
Tiền đủ nuôi bụng chán.
Trong cửa núi tre cao,
Ngoài cửa tiền chẳng trao.
Không nói xiết bao khổ,
Nói ra roi quất người lảnh đủ.
Ôi, than ôi!
Quay về chừ nước mắt chứa chan,
Từ rày về sau tre chẳng đẵn,
Đói nằm trong tre chết cũng đáng. (*)
(Bài hát bán tre)
(Nhật phụ lưỡng can trúc
Mại chi dĩ sung phúc
Môn nội trúc như sơn
Môn ngoại tiền bất hoàn
Bất ngôn nhất hà khổ
Ngôn chi trường tiên, thả tiên nhữ
Y, ta ta!
Qui khứ lai hề, lệ bàng đà
Tòng kim nhi hậu vật phạt trúc
Cơ ngọa trúc gian tử diệc túc.)
(Mại trúc dao)
Có thể nói, với những dòng thơ “tố cáo quan lại và cường hào đanh thép nhất trong thơ ông và có lẽ cả trong thơ ca thế kỷ XIX, Tùng Thiện vương quả là một nhà thơ hoàng tộc tiến bộ giữa thế kỷ XIX” (Lương An – Miên Thẩm, một nhà thơ hoàng tộc tiến bộ giữa thế kỷ XIX – Tạp chí văn học số 3 - 1981)
Chẳng những thương xót cho những cảnh đời khốn khổ của những người dân nghèo hèn, thấp cổ bé miệng trước nạn tham ô nhũng nhiễu của bọn quan lại, cường hào, Vương còn ngậm ngùi cho những cảnh đời phụ nữ bất hạnh trong xã hội thời ấy. Số phận đầu tiên mà Vương bày tỏ niềm xót thương đó là số phận của những người vợ có chồng phải đi chinh chiến nơi xa. Thông cảm sâu sắc nỗi buồn thương, mong nhớ của người cô phụ, Vương đã nhập thân thay lời người chinh phụ viết lên những dòng sầu thảm :
Từ lúc chàng đi khỏi,
Ngày đêm dáng tổn hao.
Nhớ chàng như lưới nhện,
Động đến ruột liền đau. (*)
(Từ lúc chàng ra đi)
(Tự quân chi xuất hỹ
Nhật dạ tổn dung quang
Tư quân nhược thù võng
Xúc xứ tiện hồi trường
(Tự quân chi xuất hỹ)
Bằng những lời thơ súc tích, Vương đã nói lên được nỗi niềm thương nhớ cũng như dung nhan hao gầy, tiều tụy của người cô phụ. Trong bài thơ có những từ được tác giả sử dụng rất gợi tả và cũng rất biểu cảm. Từ “tổn” ở câu hai càng làm tăng vẻ tiều tụy của dung nhan người vợ; từ “thù võng” ở câu ba – tơ nhện giăng màn – một hình ảnh ẩn dụ cho tơ lòng của người cô phụ, gợi người đọc liên tưởng đến nỗi nhớ thương vương vấn không nguôi của người chinh phụ một mình một bóng chốn khuê phòng.
Cùng dòng cảm xúc trước nỗi buồn khổ của người cô phụ Vương còn có thêm bài Kim tỉnh oán (Nỗi oán nơi giếng vàng) :
Mỹ nhân soi bóng giếng vàng,
Thấy nơi đáy nước dung nhan phai tàn.
Phòng không chẳng dám về nằm,
Bóng ngô trăng chuyển sầu càng khó vơi. (*)
(Mỹ nhân chiếu kim tỉnh
Tỉnh để hoa nhan lãnh
Không phòng dạ bất qui
Nguyệt chuyển ngô đồng ảnh.)
Với những hình ảnh thơ giàu chất ước lệ của thơ Đường, bài thơ lột tả được nỗi buồn xót của người thiếu phụ phòng không gối chiếc khi mùa thu về, trăng thu lạnh, lá ngô đồng lung lay cùng bóng nguyệt, rụng dần theo gió heo may hiu hắt làm giá buốt trái tim cô đơn mòn mỏi đợi chờ ... Người đẹp soi mình trong bóng nước để rồi nhìn thấy nhan sắc của mình “càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha” (Tản Đà – Thề non nước) bởi vì chồng còn đang phải chinh chiến ở nơi xa ... Bài thơ gợi nhớ đến tâm trạng người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch tương truyền của Đoàn Thị Điểm :
Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt,
Trống tiều khua như rứt buồng gan.
Võ vàng đổi khác dung nhan,
Khuê ly mới biết tân toan dường này.
Ý tứ thơ, hình ảnh thơ, giọng điệu thơ của Đặng Trần Côn cũng như của Tùng Thiện vương, tất cả đầu toát lên niềm thương cảm sâu xa trước nỗi cô đơn, buồn nhớ của người cô phụ.
Bên cạnh niềm thương xót cho số phận những chinh phụ là nỗi xót thương cho kiếp đời của những cung phi trong chốn thâm cung. Có thể kể ra đây bài cung từ viết về nỗi sầu chiếc bóng của các cung phi ở chốn cung Tần:
Chọn múa mời ca những cửa ai,
Cuốn rèm Tương ngóng đợi xe ngài.
Sâu sâu thượng uyển trưa rồi tối,
Ba sáu xuân xanh hết một đời. (*)
(Bài cung từ nhà Tần)
(Trưng ca tuyển vũ á thùy gia,
Độc quyển Tương liêm vọng đế xa
Thượng uyển thâm thâm triêu phục vãn
Xuân phong tam thập lục niên hoa.)
(Tần cung từ)
Bằng nét bút gợi cảm, trữ tình đầy phong vị Đường thi của thể “cung từ”(1), bài thơ là niềm thương cảm đối với người cung nữ sống trong cung A Phòng trên đất Hàm Dương của vua Tần ngày trước, khắc khoải đợi chờ cho đến khi tuổi xuân đã tàn. Ba mươi sáu mùa xuân qua đi, nàng kiên nhẫn đợi chờ. Biết bao lần cuốn rèm ngóng đợi xe vua tới ban cho ân sủng nhưng hết “trưa rồi tối”, hy vọng đã trở thành tuyệt vọng vì xe của nhà vua vẫn mãi mãi không đoái hoài. Biết bao người đẹp chôn vùi nhan sắc trong chốn tiêu phòng, tắt lửa lòng giữa nửa chừng xuân. Bài thơ nghe như một tiếng thở dài sầu muộn khắc khoải không nguôi.
Thương cho số phận của những cung phi sống héo hắt trong cung cấm từ thời Tần xa xưa phải chăng Vương muốn mượn chuyện cũ để nói lên lòng thương xót của mình đối với các cung phi, mỹ nữ trong cung cấm triều đại đương thời?
Nhìn chung lại, qua thơ “ông hoàng Mười” ta thấy hiện lên một xã hội trong đó người dân phải chịu nhiều khổ đau không chỉ bởi tai trời ách nước; bởi bọn cường hào, ác bá; bởi bọn tham quan, ô lại mà còn bởi nạn tuyển mỹ nữ làm cung phi của chế độ xã hội phong kiến đương thời … Tất cả những sự việc, những tình cảnh, những nỗi niềm ấy đã được nhà thơ hoàng tộc ghi nhận và diễn tả với tất cả lòng ưu ái, cảm thông cùng với nỗi chua xót, bất bình của mình. Từ đó có thể nói Tùng Thiện vương đã thể hiện qua thơ mình khuynh hướng hiện thực rõ nét và chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Xét trong hoàn cảnh xã hội quân chủ chuyên chế thời bấy giờ, cá nhân xuất thân là một hoàng tử rồi là một hoàng đệ, một hoàng thân mà đã dành một mảng không nhỏ trong tác phẩm của mình cho những vần thơ giàu tính hiện thực và tính nhân đạo như thế, quả thơ Tùng Thiện vương là một hiện tượng hiếm có trong văn học thời phong kiến rất đáng để cho chúng ta trân trọng và yêu mến.

NPBQ
--------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích
(1 ) Đó là : Nhĩ hinh, Bắc hành, Ngộ ngôn, Hà thượng, Mô Trường, Bạch Bí, Minh Mạng cung từ, Bạch Bí tục, Mãi điền. Khi khắc in Minh Mạng cung từ được gộp chung vào Bạch Bí nên còn tám tập.
(2 ) Trích từ hai vế đối mà người đời đã vinh danh bốn nhân vật nổi tiếng về văn thơ thời ấy : “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”. (Siêu, Quát = Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát nổi tiếng về văn; Tùng, Tuy = Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương nổi tiếng về thơ thời ấy).
(3) Mượn ý từ câu thơ trong bài Thương trạch (Ngôi nhà đáng buồn) của Bạch Cư Dị ở đọan : Chủ nhân thử trung tọa / Thập tải vi đại quan / Trú hữu xú bại nhục / Khố hữu quán hủ tiền (Nhà chủ ngồi trong đó / Mười năm làm đại quan / Thịt thừa trong bếp thối / Tiền chứa ở kho tan).
(*) Bản dịch thơ của tác giả từ nguyên văn chữ Hán của thơ Tùng Thiện Vương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét