Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GS.TS PHẠM ĐỨC DƯƠNG : ĐỪNG LÀM " Ô NHIỄM " TIẾNG MẸ ĐẺ

Ngôn ngữ “tuổi teen” đang phần nào khiến cho tiếng Việt biến dạng, méo mó, mất đi sự trong sáng, đẹp đẽ vốn có. Việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn ngày càng lây lan mạnh trong giới trẻ, khiến không chỉ các bậc phụ huynh, nhà giáo dục mà cả các nhà ngôn ngữ học phải “đau đầu”.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Đức Dương – Nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á – Việt Nam.

PV: Thưa giáo sư, là một người nghiên cứu về ngôn ngữ, ông đánh giá như thế nào khi hiện nay giới trẻ đang làm biến dạng tiếng Việt?

GS.TS Phạm Đức Dương: Là người nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa, tôi rất lo lắng cho ngôn ngữ của dân tộc. Nói không ngoa, tiếng Việt của chúng ta đang bị vẩn đục. Tôi thấy hiện nay thanh niên nói bậy, chửi tục rất nhiều. Việc chửi tục, nói bậy không chỉ khiến cho tiếng Việt bị vẩn đục mà đáng báo động nữa là tình trạng giới trẻ sử dụng “ký hiệu teen” đang trở nên phổ biến. Việc các em dùng ký hiệu tràn lan, “Tây, ta” lẫn lộn khiến cho cả các nhà ngôn ngữ học cũng phải “bó tay”. Trong thời đại thông tin hiện nay, việc các em sử dụng các ký hiệu đơn giản là không sai. Nhưng điều đáng nói là các em đã lầm lẫn khi biến nó thành ký hiệu chung để nói hoặc viết ở mọi nơi, mọi lúc.

Đây là điều khó tránh khỏi khi xã hội phát triển khiến cho mọi người phải chạy theo để bắt nhịp. Hiện nay, lớp trẻ của chúng ta học rất nhiều nhưng dường như một bộ phận không giữ được văn hóa đọc. Thời gian của các em bị chi phối quá nhiều vào học thêm, vào đi chơi với bạn bè, vào Internet, chat… Và cũng vì ngày nay có quá nhiều sách báo được xuất bản khiến các em không biết chọn lọc sẽ dẫn đến tình trạng đi sai đường trong nhận thức, trong cách chọn lựa văn học để tiếp thu kiến thức.

PV: Trước đây, khi đi học và giảng dạy tại các nước phương Tây ông có thấy ngôn ngữ của các nước bị lai tạp như tiếng Việt hiện nay?

GS.TS Phạm Đức Dương: Thời Pháp thuộc, tiếng Pháp được dạy từ lớp Đồng ấu trở lên. Đến lớp nhì thì các bài học (trừ giờ Việt văn) còn toàn bằng tiếng Pháp nên giới học sinh, sinh viên, công chức sử dụng tiếng Pháp là chuyện thường tình. Thế nhưng sách, báo tiếng Việt thời đó vẫn không lai căng tiếng Pháp một cách hổ lốn. Từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày thống nhất đất nước, Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến các nhà lãnh đạo giáo dục, văn hóa, văn nghệ, báo chí… đều rất quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Và vì thế, tiếng Việt được coi trọng, không pha tạp, ngay các giáo trình chuyên khoa ở các trường đại học cũng chỉ sử dụng tiếng Việt. Hiện nay, các em học sinh được học rất nhiều kiến thức, nhưng văn hóa thì lại ít.

Người ta vẫn nói có học mà thiếu văn hóa là vì thế. Hiện nay ở trong nhà trường, học để chú tâm đến kiến thức, đến điểm số chứ để một đứa trẻ có lễ độ thì không thể như trước kia. Ngày trước, chúng tôi được học làm người, học lễ độ sau đó mới được các thầy dạy cho kiến thức. Ngày nay, chúng ta đang giảng dạy theo phương pháp hiện đại nhưng dường như các em không hiểu hết được nghĩa. Ở những nước mà tôi đã từng được đến, từng được tham gia học tập và giảng dạy thì ngôn ngữ của họ cũng có bị lai tạp, nhưng họâ dùng toàn bộ như mình, mà họ lại biến đổi cho phù hợp với cấu trúc, phù hợp với tiếng nói của họ, làm cho từ được vay mượn phải chịu sự chi phối của ngôn ngữ người ta dùng. Cho nên tình trạng lai tạp là không có. Ngày xưa cha ông chúng ta cũng có sử dụng những từ ngữ nước ngoài nhưng không phải như bây giờ. Giới trẻ mượn từ mà khiến người khác khó có thể hiểu được ý mà chúng nói.

PV: Theo ông, vì sao lại có hiện tượng “rối loạn”, “ô nhiễm” trong ngôn ngữ hiện đại?

GS.TS Phạm Đức Dương: Theo tôi đó là sự giảm sút tình yêu tiếng Việt, ý thức, trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của một bộ phận nhân dân. Đó là sự thiếu hụt tri thức cơ bản về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Đời sống hiện đại khiến cho những người không biết nghĩa của các từ tố Hán – Việt ngày càng nhiều, dẫn đến việc dùng sai tiếng Việt. Ví dụ: từ “cứu cánh” nghĩa là mục đích (hay mục đích cuối cùng), song hiện nay rất nhiều người hiểu là “cứu giúp” hay “giải thoát”, “giải pháp”. Sự “rối loạn”, “ô nhiễm” trong đời sống ngôn ngữ hiện đại là có thật và gây ra nhiều hậu quả, thể hiện sự thiếu tôn trọng, yêu quý tiếng mẹ đẻ và tiềm ẩn nguy cơ mai một những giá trị đạo lý truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Bởi vì ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, phương tiện của tư duy mà còn là sự kết tinh những giá trị bản sắc, tinh hoa của một dân tộc trong lịch sử phát triển lâu dài. Vấn đề văn phạm và chính tả trong việc viết tiếng Việt cũng có quá nhiều sai phạm. Trên sách báo, nhiều phóng viên, biên tập viên hầu như không chú ý đến văn phạm, chính tả nên có nhiều sai sót gây phản cảm cho người đọc. Trường hợp những người dẫn chương trình truyền hình trong các buổi truyền hình trực tiếp bóng đá, văn nghệ… nói theo kiểu “văn Tây” thì còn có thể chấp nhận được, nhưng in trên sách báo thì không thể tùy tiện. Như tôi nghĩ, ảnh hưởng lớn nhất trong cách sử dụng ngôn từ của chúng chính là Internet, chat và thích “thể hiện cá tính, đẳng cấp” của một số người, đặc biệt là giới trẻ. Một số doanh nghiệp nắm bắt tâm lý sính ngoại của người dân nên triệt để khai thác: tên thương hiệu, vỏ bao bì, cách quảng cáo…

Một số người thường thể hiện sự “uyên bác” bằng cách diễn đạt pha trộn nhiều tiếng nước ngoài, hay diễn đạt khó hiểu, dùng các từ nước ngoài một cách không cần thiết… Những mặt tích cực thì không thể phủ nhận nhưng nó mang theo hiện tượng mà chúng ta vẫn dùng đó là từ “sính ngoại”, tức là quá tôn sùng và ưa dùng ngôn ngữ nước ngoài. Nguyên nhân nữa khiến cho cho ngôn ngữ của giới trẻ lệch chuẩn là: Trong gia đình, cách nói năng giao tiếp giữa mọi người cũng không chuẩn mực; trong giờ học, học sinh không nói bậy nhưng giờ ra chơi các em vẫn chửi bậy; còn ở ngoài xã hội, việc nói tục, chửi bậy khá phổ biến nhưng rất ít người lên án.

PV: Vậy chúng ta nên làm thế nào để tiếng Việt trở về với sự trong sáng vốn có của nó, thưa giáo sư?

GS.TS Phạm Đức Dương: Bản thân gia đình cũng phải có ý thức rèn con cái từ lời nói đến hành vi. Bố mẹ phải nêu gương cho con cái. Bên cạnh đó, nhà trường phải chú ý rèn học sinh về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng chuẩn tiếng Việt, trong đó có viết đúng chính tả. “Trước tiên, chúng ta phải giáo dục để các em hiểu rõ đâu là chuẩn mực ngôn ngữ, chứ không nên lầm lẫn khi biến phương tiện làm việc thành phương tiện giao tiếp. Lời nói lệch chuẩn có thể dẫn đến tư duy, hành vi lệch lạc. Vì thế, việc làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt cần phải được lên án”. Cần xây dựng phong trào giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt để học sinh hiểu và thực hiện theo. Việc giáo dục cần được bắt nguồn từ thực tế, những câu chuyện, tình huống thật xảy ra trong cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!

Diệu Thuần (thực hiện)
(PetroTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét