Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 111 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.111 - Thái Thủy
HẾT CẢI TẠO VẪN CHƯA HẾT TAI ƯƠNG
Nhà thơ tên thật Phạm Thái Thủy sinh 1937 tại Hà Nam. Sống ở Mỹ (2012).

Di cư vào Nam 1954, gia nhập nhóm Hiện Đại (tên tạp chí xã hội - văn nghệ do nhà thơ Nguyên Sa chủ trương) quy tụ văn nghệ sĩ miền Bắc di cư.

Trong thời gian này làm bài thơ “Lá thư gửi mẹ” được Nguyễn Hiền phổ nhạc năm 1955 nhiều người biết tiếng, bài thơ mô tả tâm tình của lớp người di cư vẫn hoài vọng một ngày về quê cũ miền Bắc:

“Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương.
……………………
Con về tằm đẹp lứa
Mẹ cười vun khóm dâu

Mái tranh nghèo vươn khói
Vườn thơm ngát hương cau…”

Nhưng làm thơ, làm báo không nhiều mà chủ yếu làm quan chức lớn trong ngành phát thanh trong đó có tham gia xây dựng chương trình tiếng thơ Tao Đàn hàng tuần trên Đài Phát thanh Sài Gòn.
Vì thế sau Giải phóng phải đi cải tạo 10 năm.
Năm 1986 được thả về. Đến lúc về nhà ở TPHCM mới ngã ngửa biết rằng trong thời gian qua vợ đã… bỏ đi lấy người khác! Dù vậy vẫn đành cắn răng chịu cảnh ở chung nhà cùng vợ và chồng mới (do còn trong thời gian quản chế phải cư ngụ đúng địa chỉ đã đăng ký từ trong trại cải tạo). Ngày ngày đi dạy kèm kiếm sống.

Năm 1990 mới tách ra ở riêng lấy vợ mới thì một tháng sau… bị bắt lại do có dính líu đến hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ của bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Đến năm 1995 được các tổ chức nhân quyền quốc tế vận động trả tự do.

Qua năm 1998 cùng vợ sau đi Mỹ định cư, để lại mẹ già còn ở Hà Nội và 4 con ở TPHCM.

Nhưng vừa qua không bao lâu cả 2 vợ chồng gặp tai nạn giao thông, bản thân bị thương nặng (lòi ruột) may mà được cứu sống kịp thời.

Ra viện làm thủ tục bảo lãnh cho 2 con gái qua (2 con trai đã lập gia đình không đi) được một thời gian thì một con gái xin quay về lại TPHCM sinh sống.

Ngoài bài thơ “Lá thư gửi mẹ” còn làm một số bài thơ khác song rất ít phổ biến. Trước kia ở Sài Gòn chưa hề in tác phẩm mà qua Mỹ được Nguyên Sa đề nghị in cũng từ chối tuy còn lưu giữ khoảng 100 bài.

Phải chăng với hơn nửa đời người cuối đời gặp quá nhiều cảnh ngộ truân chuyên vừa bất lực vừa cay đắng cùng cực như thế từ thời cuộc đến đời riêng, bây giờ thấy thơ – nhất là thơ của phần đời trước như kiểu “Lá thư gửi mẹ” – chẳng còn ý nghĩa gì nữa?

1.112 - Thái Tú Hạp
CÓ DUYÊN VỚI ĐẠO PHẬT VÀ… HOA KIỀU
Nhà thơ Việt kiều Mỹ sinh 1940 tại Hội An. Sống ở Mỹ (2012).

Thời trẻ làm thơ và hoạt động thanh niên Phật giáo, là một huynh trưởng Phật tử.

Bị gọi nhập ngũ, nhờ là nhà thơ nên ra trường sĩ quan Thủ Đức được chuyển qua ngành tâm lý chiến phục vụ Quân đoàn 1 tại Đà Nẵng.
Vì thế sau 30.4.75 mang lon đại úy đi cải tạo.
Nhưng nhờ có vợ là Hoa kiều nên năm 1978 xảy ra chiến tranh biên giới Việt – Trung, bản thân bị liệt vào gia đình “nạn kiều” người Hoa nên được vợ nộp đơn xin bảo lãnh cho về sớm để chuẩn bị cùng vợ bị trục xuất qua Trung Quốc.

Tuy nhiên do thủ tục rắc rối chưa đi liền được, quá sốt ruột nên năm 1980 cả 2 vợ chồng “đi trước một bước”… vượt biên qua Mỹ.
Trên xứ sở mới tận dụng mối quan hệ với Phật giáo và Hoa kiều, chồng làm dịch vụ du lịch Hong Kong, Đài Loan; vợ làm hiệu trưởng trường tiểu học cho con em Hoa kiều đặt trong một ngôi chùa Phật giáo. Ngoài ra, cả 2 vợ chồng cùng chung sức dịch thơ Đường, tiểu thuyết Quỳnh Dao qua tiếng Việt.
Riêng mình vẫn tiếp tục làm thơ hoài niệm quê hương và quá khứ, in 2 tập “Chim quyên lạc ngàn” 1982 và “Miền yêu dấu phương Đông” 1995.
Đặc biệt hàng năm đều đứng ra tổ chức in đặc san Quảng – Đà văn thơ hải ngoại nhớ về cố huơng.

1.113 - Thanh Hải Vô Thượng Sư
“PHÁP MÔN QUÁN ÂM”
Giáo chủ đạo mới Việt kiều Pháp tên thật Trịnh Đăng Huệ (hay Đặng Thị Trinh) sinh 1950 tại Quảng Ngãi. Mang quốc tịch Pháp, sống ở Mỹ (2012).

Năm 1969 đi du học Anh tốt nghiệp cử nhân văn chương.
Năm 1972 qua Pháp học triết học.
Năm 1974 qua Đức làm thông dịch viên, lấy chồng bác sĩ Đức. Bắt đầu quan tâm nghiên cứu, chuyên tu đạo Phật.
Năm 1980 ly dị chồng qua Ấn Độ xuất gia theo hệ phái Phật giáo - Lạt ma Tây Tạng.

Năm 1983 qua Đài Loan tiếp tục tu học Phật giáo theo một vị sư VN, bắt đầu lấy pháp danh Thanh Hải. Đến năm 1989 tại đây chính thức lập đạo mang tên là “Quán âm pháp môn” còn gọi nôm na “Đạo bà Thanh Hải”. Tự phong mình là giáo chủ “Minh sư”, là “Phật hiện tiền” giáng thế đi rao giảng hành đạo khắp thế gian.
Được một thời gian thì Đài Loan cấm truyền đạo nên chuyển qua hoạt động ở Mỹ.

“Đạo bà Thanh Hải” có nội dung vay mượn từ đạo Phật (chủ yếu là từ đạo Thiền – Yoga An Độ) qua đó biến chế theo hướng dẫn dụ quần chúng bình dân. Gồm các điều luật tôn trọng ngũ giới, yêu cầu đệ tử phải ăn chay trường và ngồi thiền ít nhất hai giờ rưỡi mỗi ngày, áp dụng “phương pháp tâm ấn” để ngộ đạo… Luật lệ đạo khá thoáng, nhận cả nam đệ tử.

Có tính thực dụng cao kết hợp truyền đạo với tiếp thị, kinh doanh (trang phục đạo giáo màu mè bắt mắt như… diễn viên cải lương, bản thân có nhan sắc từng xuất hiện cả trên sàn diễn… thời trang!). Trong đó có cả quan điểm chống Cộng, tự nhận là “chiến sĩ chống Cộng hòa thuận, an toàn; đánh Cộng sản nhưng không giết người mà chỉ hoán cải họ”!
Cả Phật giáo hải ngoại lẫn Phật giáo VN đều bài bác cho là “ngoại đạo”, “tà đạo” muợn màu Phật pháp để mê hoặc tầng lớp dân mê tín nhằm trục lợi.

Tại VN đã có lệnh cấm truyền bá đạo này, một số tín đồ theo đạo bị bắt giữ ở Đà Lạt năm 2010.

1.114 - Thanh Lan
HAI GIAI ĐOẠN, HAI BỜ ĐỐI NGHỊCH
Ca sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Phạm Thái Thanh Lan sinh 1948 tại Vinh – Nghệ An. Sống ở Mỹ (2012).

Một nghệ sĩ đa tài cả ca hát lẫn đóng kịch, đóng phim nổi tiếng ở miền Nam trước 1975. Nghệ sĩ có trình độ hiếm có (học trường Pháp, tốt nghiệp ĐH Văn khoa) nên hát được ca khúc ngoại tiếng Pháp – Anh, còn tự tay viết nhạc, soạn kịch bản kịch nói, phim, làm thơ…

Trước 75 bắt đầu nổi lên từ phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, đóng kịch và phim nhiều (phim “Tiếng hát học trò”, “Lệ đá”, “Trường tôi”…). Từng qua biểu diễn thành công ở Nhật Bản.

Sau 1975 ở lại vẫn tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật đều đặn, cả trình diễn sân khấu, thu đĩa lẫn đóng phim (phim “Ván bài lật ngửa”, “Vụ án hồ Con Rùa”, “Đằng sau một số phận”…).

Cuối năm 1993 được đi Mỹ dự buổi ra mắt phim của một Việt kiều đồng nghiệp cũ thì nhân đó bất ngờ xin “tị nạn” ở lại Mỹ luôn! Để lại con gái trong nước (còn chồng đã ly dị).

Nhưng qua Mỹ nhiều năm đầu gặp khó khăn trong hoạt động văn nghệ do bị các nhóm chống Cộng cực đoan hô hào tẩy chay, bị bêu rếu, bôi nhọ về đời tư vì tội từng tham gia cộng tác khá tích cực với Cộng sản ở VN.
Mãi đến 6 năm sau dần dần mới hòa nhập được với cộng đồng nghệ thuật hải ngoại để tiếp tục trình diễn, đóng kịch, phim và bây giờ còn tự tay viết kịch bản phim, dịch ca khúc Pháp ra tiếng Việt… Nhiều lần đi hát ở Châu Âu, Canada, Úc…

Năm 2002 in tuyển tập thơ của mình, cả thơ tiếng Việt và thơ tiếng Pháp – Anh.

Năm 2006 ra mắt hồi ký tiếng Anh. Qua đó tự chia đời hoạt động văn nghệ của mình ra 3 giai đoạn trước - sau 1975 và ở Mỹ, trong đó tâm sự hài lòng nhất là giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp mình, một sự nghiệp bao gồm hơn 500 bài hát ghi đĩa cả nhạc Việt lẫn nhạc Pháp, Anh, Ý, Nhật.

1.115 - Thanh Tuệ
40 NĂM NHÀ XUẤT BẢN AN TIÊM
Nhà xuất bản sách Việt kiều Pháp tên thật Trương Phúc sinh 1936 tại Quảng Nam – Mất 2004 ở Mỹ (68 tuổi).

Đại đức tu sĩ Phật giáo vào Sài Gòn thành lập Nxb An Tiêm trực thuộc Giáo hội Phật giáo VN năm 1965 với ý hướng in sách văn hóa, văn học nghệ thuật (cả sách dịch) của giới Phật tử (khác với Nxb Lá Bối cũng thuộc Giáo hội song chỉ chuyên in kinh kệ và sách nghiên cứu Phật học).

Sách An Tiêm dần được đánh giá cao vì nội dung sách đạt chất lượng cao, nghiêm túc từ những tác giả có trình độ, uy tín như đại thi sĩ Bùi Giáng, đại đức Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, chị em Phùng Khánh – Phùng Thăng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), dịch giả Bửu Ý, nhạc Trịnh Công Sơn…

Có công phát hiện, giới thiệu in tác phẩm đầu tay của Phạm Công Thiện, Sao Trên Rừng… Sách trình bày, in ấn đẹp.
Đến 30.4.75 An Tiêm đương nhiên tự động đóng cửa còn bản thân bị kẹt lại ở Sài Gòn.

Một thời gian sau vượt biên qua định cư ở Pháp, cởi áo tu sĩ hoàn tục và tiếp tục gầy dựng lại hoạt động của nhà xuất bản tại Pháp. Tuy gặp nhiều khó khăn, trở ngại song tương đối vẫn duy trì được truyền thống một thời của nhà xuất bản, in sách của các tác giả phổ biến ở nước ngoài như Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Bùi Giáng, Quách Tấn, Nguyễn Đăng Thục, Võ Phiến, ni sư Trí Hải…

Trong một dịp quay về lại quê hương, có dặn các tác giả thân hữu nếu có viết gì chưa in được thì cứ để dành đó một ngày không xa mình sẽ in cho.

Nhưng lời hứa chưa kịp thực hiện thì năm 2004 qua Mỹ liên hệ đặt cơ sở xuất bản ở đây nhằm chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ra đời An Tiêm 1965 – 2005 không may bất ngờ mắc bệnh nặng qua đời trên đất khách quê người.

1.116 - Thanh Thương Hoàng
“VIẾT BẰNG MÁU VÀ NƯỚC MẮT”
Nhà báo Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Thanh Chiêu sinh 1930 tại Nghệ An. Sống ở Mỹ (2012).

Di cư vào Nam 1954 ban đầu viết truyện ngắn và phóng sự chịu ảnh hưởng khuynh hướng tả thực xã hội của Vũ Trọng Phụng.
Sau dần chuyển qua làm chủ báo rồi thành quan chức ngành báo chí, từng làm Chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả VN có công thành lập Làng Báo chí tại Thủ Đức (Sài Gòn).
Bởi vậy sau Giải phóng phải đi cải tạo 10 năm.

Trở về Sài Gòn đến năm 1999 nhờ giới báo chí quốc tế vận động mới được cho xuất cảnh qua Mỹ.

Trên đất Mỹ, quay lại nghề báo (ra tạp chí Đời năm 2003) với ý hướng đấu tranh chống Cộng. Hô hào nhà báo hải ngoại lưu vong: “Người viết văn viết báo thời đại này phải đau nỗi đau của dân tộc, phải đau nỗi đau của đất nước. Phải dùng máu và nước mắt của mình để viết về những nỗi đau đời đó. Nếu không thì nên làm nghề khác kiếm ăn!”

Bản thân mình thực hiện đúng như vậy, quay lại viết truyện ngắn như thời mới vào nghề nhưng bây giờ mang đậm dấu ấn thời cuộc “mất nước” qua nhiều tập truyện được xuất bản như “Khoảnh khắc và thiên thu” năm 1994, “Những nỗi đau đời” năm 2001, “Ông tướng tỵ nạn” năm 2005…
Nhưng không gây được tiếng vang đáng kể một phần có lẽ do không còn phù hợp với yêu cầu mới của thời đại, cả nội dung lẫn văn phong.

1.117 - Thích Chân Hỷ
TỰ THIÊU Ở MỸ
Tu sĩ Phật giáo Việt kiều Mỹ tên thật Lê Văn Vệ sinh 1929 tại Thừa Thiên Huế -- Mất 2003 ở Mỹ (75 tuổi).

Nguyên sĩ quan chế độ cũ sau 75 phải đi học tập.
Ra trại đi H.O qua Mỹ năm 1991 với vợ và 9 người con.
Bất ngờ chỉ một năm sau xin thí phát quy y với Đại lão hòa thượng Thích Tâm Châu trước 75 là Viện trưởng Viện Hóa đạo Phật giáo VN thống nhất ở Sài Gòn. Được ban cho pháp danh Thích Chân Hỷ với ý nghĩa niềm tin tôn giáo đem lại niềm vui thực sự (chân hỷ).
Phục vụ đạo pháp tại chùa Liên Hoa ở bang Bắc Carolina.

Nhưng sau 11 năm sống dưới cửa Phật lại đưa đến kết quả tự nguyện tự thiêu tại chùa vào rạng sáng ngày 24.12.2003 – đúng dịp lễ Giáng sinh của giáo dân đạo Thiên Chúa! - để lại di nguyện đây là hành động đấu tranh “đòi tự do tôn giáo” cho người dân VN ở trong nước.

1.118 - Thuận Thị Trúc
NỮ FULRO 2
Giáo viên sinh khoảng 1951 tại Ninh Thuận. Sống ở Ninh Thuận(1982).

Người dân tộc Chăm trước 75 là văn công tham gia dạy văn nghệ tại Trung tâm Văn hóa Chàm ở Phan Rang do Pháp thành lập lấy danh nghĩa viện trợ văn hóa cho chế độ VNCH.

Lấy chồng là một nhân vật uy tín trong cộng đồng Chăm nên được Pháp đưa cả 2 vợ chồng qua Campuchia rồi qua Pháp dự định sử dụng trong mưu đồ chính trị lập “Vương quốc Chàm” riêng ở cả VN lẫn Campuchia.
Nhưng thời cuộc ở miền Nam xoay chuyển ngoài ý muốn khi Mỹ nhảy vào thay chân Pháp nên người chồng sống đời lưu vong kéo dài vô vọng trên đất Pháp thất vọng sinh bệnh qua đời.

Chồng chết còn lại một mình bơ vơ nuôi 2 con nên năm 1973 được Pháp đưa về nước trở lại làm việc cho Trung tâm Văn hóa Chàm ở Phan Rang.
Sau 30.4.1975 một lần nữa được Pháp móc nối định đưa qua Pháp chuẩn bị cho một mưu đồ chính trị khác áp đặt vào VN, tuy nhiên từ chối thẳng vì đã có kinh nghiệm làm kiểu “chốt thí chính trị” rồi. Thay vào đó chấp nhận xin chuyển ra làm giáo viên: “Nếu có ai bảo tôi đem một ngày yên tĩnh hiện nay đổi lấy cả một cuộc đời danh vọng giàu sang từng nếm trải rồi tôi cũng xin từ khước thôi…”

1.119 - Tiêu Văn Tấn
ĐẠP XE ĐI TÌM MỘ LIỆT SĨ NHIỀU NHẤT
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2011).

Năm 1964 nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị.

Năm 1972 bị trọng thương được đưa về hậu phương miền Bắc điều trị. Ra viện chuyển về làm ở Tổng cục Hậu cần đến 1992 về hưu.

Bắt đầu từ năm 1996 một mình lên yên xe đạp đạp vào Quảng Bình tìm mộ đồng đội liệt sĩ một thời đánh Mỹ. Hành lý mang theo giống y như một bộ đội thời chiến chỉ khác là bây giờ thêm nhiều loại thuốc cảm cúm, đau bụng đau mắt… phòng ngừa bệnh già.

Tìm được mộ nào – hay thông tin về mộ - thì báo tin về quê cho gia đình liệt sĩ biết.

Cứ thế đều đặn mỗi năm đạp xe tiếp tục cuộc hành trình dài đăng đẳng đó ít nhất 2 tháng vì sức khỏe tuổi già không cho phép song nghỉ ngơi ở nhà vẫn cặm cụi tìm kiếm thêm thông tin, nghiên cứu hành trình sắp tới. Mỗi chuyến đi chọn một tỉnh thành từ miền Trung lên Tây Nguyên đến miền Nam, qua cả Campuchia và Lào.
Kết quả trong hơn 15 năm qua tổng cộng đã tìm thông tin giúp quy tập được 1.677 mộ liệt sĩ đa số quê miền Bắc trong đó có 250 mộ ở Lào và 160 mộ ở Campuchia.

Có lần đang trên đường giong ruỗi xe đạp thì bị tai biến phải vào nằm viện 2 tháng. Nhưng khỏe rồi lại cột ba lô sau xe lên đường: “Khi nào chân không còn tha được thân mới thôi đi”!

1.120 - Tiffany Nguyệt
LẶN LỘI TÌM CHA TRÊN ĐẤT MỸ
Việt kiều Mỹ. Sống ở Mỹ (2012).

Bị cha Mỹ bỏ rơi về Mỹ trước 1975, ở lại cùng mẹ, lớn lên lấy chồng có con.
Năm 1990 cùng mẹ và chồng con được đi định cư Mỹ theo diện con lai.
Trên quê cha nhờ nhiều tổ chức, bạn bè tìm kiếm tông tích cha ruột bằng mọi cách.

Năm 2011 tìm được một cựu binh Mỹ cũng đang nóng lòng đi tìm tin tức một đứa con còn trong bụng mẹ mà ông để lại VN năm 1970, cả hai ngờ ngợ nghĩ rằng có lẽ là cha con thật nên quyết định đi thử AND để xác minh (lúc này mẹ đã mất nên mất “nhân chứng” quan trọng nhất). Nhưng thật thất vọng kết quả không phải!

Dù vậy mình vẫn xin nhận ông là cha nuôi vì “”Cháu khát khao có một người cha hơn bao giờ hết”.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét