Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( kỳ 14) -VÕ CHÂN CỬU

Vói Tay…
Tảng đá quăng xuống dòng suối tạo nên tiếng thác. Tôi đã nghe tiếng chảy ấy bao ngày, nhưng chẳng thể 2 lần vọng lại một thanh âm…

Ý trên của một triết gia thời cổ đại, ai cũng được nghe khi học năm Đệ nhất (lớp 12). Câu văn triết học có thể gợi nên nhiều tứ thơ. Nhưng khi câu không bắt nguồn từ cảm xúc thì bài thơ có khi thành xơ cứng, chơi chữ.
Cảm xúc, hoặc cảm hứng bắt nguồn từ đâu ? Có người giải thích nó là sự mặc khải hay đốn ngộ (như nguồn gốc tôn giáo). Nhà phê bình dung dị hơn gọi đó là độ “chín”. Mà để…chín, mọi sự đều phải qua… nấu; với cây trái là thời gian. Nhiều bạn thơ cho rằng như vậy không nhất thiết chờ ý tưởng triết học mới. Cuộc sống gần gũi biết bao điều. Cái đẹp vốn có sẵn. Tự bản năng là tình mẹ, lòng yêu quê hương, là khát khao tình yêu nam nữ.

Đẹp ngoài ẩn ngữ ?
Tập thơ Ngã Tư & Vầng Trăng của tôi in năm 1990 có nhiều bài trước 1975. Trước tiên, nhiều người nói thích nhất là bài lục bát 6 câu “Cảm Ơn” :

Anh làm thơ cảm ơn em
Cảm ơn cái dáng dịu hiền em đi
Cảm ơn đôi mắt thầm thì
Cảm ơn mái tóc đôi mi biết buồn

Cảm ơn đôi vú em tròn
Để đêm trái đỏ chin vườn chiêm bao


Dễ thuộc nhất là 2 câu cuối. Tôi nghe kể là trong một đêm thơ bất ngờ (không có mặt tác giả) ở Quy Nhơn , cô diễn ngâm và các bạn nữ nghe xong hai câu này đều…che miệng cười. Có phải vì “đôi vú” đã trở thành một từ cấm kỵ ? Hay vì câu thơ chưa hay, từ ngữ không diễn tả được cái đẹp mà bao nhiêu người đi trước đã phải dùng ẩn ngữ ? Miền cao nguyên tôi đang sống, những đàn ông dân tộc Mạ vẫn vang lên câu “nói thơ” mà nhiều nhà nghiên cứu nhất định nó gốc gác của thể thơ lục bát :

Chuốt mũi tên nhắm bắn trái cam
Anh thấy cái vú em tròn, anh muốn ôm hun !

(Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, nguồn cội thơ lục bát không nhất thiết phải là 2 câu sáu/tám chữ. Từng câu có thể “biến thể” so với quy định, nhưng khi gieo thì thì âm chữ cuối của câu 6 phải vần với chữ thứ 6 (đôi khi có thể linh động với chữ thứ 4) của câu 8. Khi “nói thơ” người đâu tiên đưa ra (hoặc chỉnh sửa từ một câu nói ) một tứ thơ, có vang âm từ ngữ hợp nhịp điệu, thì nói là thơ. Kẻ bắt chước, không có ý tứ hay từ ngữ nào gợi xúc cảm mới, thì nó chỉ là…vè).
Ra tới đảo Cù lao Ré (đảo Lý Sơn), tôi cũng đã từng nghe các bà vợ dân chài kể chuyện ngày xưa từng “hát thơ”, như hai câu:
…(Chớ) Chiều chiều con chong chóng nó quẫy cái đuôi
Anh nói thường em (thì) anh sít lại, (chớ) sao lại ngồi ngó lơ…
(con chong chóng tức con sao biển). Lối gieo vần và cách dùng hình tượng ấy khiến nhiều người làm thơ tự hào là “có học” hôm nay cũng đành phải thua. Sự so bì xin nhường lại cho những nhà thơ “cách tân”.

Tiếng chưa từng nói
VHMN giai đoạn trước 1975 có ai kế thừa những tinh hoa dân gian ấy hay không ? Có “nhà” nổi tiếng làm những bài mang âm điệu ca dao nhưng thật ra chỉ là một loại vè. Trên căn gác nhỏ ở đường Trương Minh Giảng, một bữa buồn tình, Vũ Hữu Định muốn chọc mọi người khi anh “khoe” đã làm được mấy câu thơ lục bát rất mới, rất”hiện thực”:
Vợ tôi mặc áo ca rô
Có hàm răng trắng điểm tô răng vàng !
Anh hài hước nói rằng làm như vậy đâu thua gì cách Nguyễn Bính đã diễn tả: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn…
Tất cả đều bật cười khoái trá. Tôi liền “họa” thêm mấy câu cho thành bài, cho trọn nghĩa:
Vợ tôi ăn nói dịu dàng
Quanh năm chỉ biết làm tàng với tôi.
-Thôi đừng nói nữa em ơi
Nồi cơm đã chín, ta ngồi vô. Ăn !
Nguyễn Bính dùng chữ và miêu tả nôm na mà thành thơ vì ông đã “chín” trong cái hồn quê ?

Nhà thơ Trúc Thông ở Hà Nội là tác giả tập sách “Văn Chương Ngẫu Luận” xuất bản năm 2002. Ông cho rằng: “Đều đều, lẻ tẻ hay vồng lên, cương lên, người đọc thơ đều chán như nhau. Thi ca “ăn” ở những phát giác độc đáo, chớp lên từ những cao trào chân thực cảm xúc”. Sách dành nguyên bài “Một Cách Nở Hoa” để tán thán bài thơ “Lót Dạ” chỉ có 2 câu của anh Khổng Vĩnh Nguyên, một nhà thơ “nông dân thứ thiệt” đang ở Bình Định:

Nắng nung rẫy cát khoai sùng
Con ăn lót dạ một vùng quê hương.

Người làm thơ này đã cho in tập thơ đầu tay “Thắp Lại Niềm Tin” từ năm 1973 ở Quy Nhơn. Tôi biết rõ anh và miền quê ấy. Sinh năm 1956, năm đó anh chưa hề đi lính, nhưng đã mượn vần lục bát để diễn tả nỗi lòng của một ai đó:

Mai Anh Giải Ngũ
Mai anh giải ngũ về rừng
Dựng nhà đốt rẫy, lưng chừng nỗi vui
Đưa em từ dưới miền xuôi
Lên đây thôi hết sụt sùi nhớ thương
Ở đây không có con đường,
Xuống trần gian chỉ một vườn trái xanh
Nghe oanh giục giã trên cành
Nắng hồng lớp lớp bên mành em giăng
.

Lời thơ chất phác, hiền hậu quá. Làm ra được câu thơ, phải từ cảm xúc trước cảnh ngộ, tình đời, chứ không nhất thiết bản thân mình đã trải qua. Cảnh thực mà người thơ đã trải qua, khi được diễn tả bằng ngôn ngữ thực lại có sức lay động, trong một bài thơ khác:

Em bỏ ta
Em bỏ ta lại một mình
Nắng khô gốc rạ chút tình bay xa
Ta ngồi nghe bóng chiều tà
Bỏ quên cơm nguội mẹ già rưng rưng
Mẹ già nhìn cơn gió rừng
Gió lang thang đắng, gió lừng khừng bay
Em xa ta xa đời này
Một mình ta dựa hàng cây ven đường !

Nhiều người cho rằng “Gió lang thang đắng, gió lừng khừng bay” mang hình tượng lạ quá, hay quá. Nhưng nếu nhà thơ chỉ hoàn toàn quẩn quanh trong “lũy tre làng”, trong những đường cày, nước lũ xưa cũ thì liệu hồn thơ có còn phát tiết tinh anh ?

Nhà thơ Đặng Tấn Tới trước đó đã trả lời câu hỏi này để rời cõi tình yêu thơ mộng để đi vào cái đẹp cao xa của cõi “Tâm Thu Kinh”:

Những Câu Thơ
Những câu thơ dội vài ba câu hỏi
Trời thơ kia sao vời vợi như không
Mây nước nọ có vì đâu bước mỏi
Qua lại hoài đầu núi, cuối nguồn sông

Những câu thơ căng xuống mộng tơ lòng
Tay phù phép em chạm vào giây phút
Ta vẫn hiểu sầu vui còn cao vút
Một khuya nào ai giải nghĩa trăng trong

Mười lăm hay mười sáu em đong
Tròn và sáng rằm chưa nguôi ước vọng
Ánh mắt làn môi đủ vang dội sóng
Giọt trùng dương chan chứa biết bao dòng
…..
Thơ là tiếng kêu, bàn tay vẫy gọi
Khi gió mây bay, nước chảy quên bờ
Chẳng là gì cũng rất đỗi nên thơ
Chim hót tự nhiên tiếng chưa từng nói…

( Thi tập Trúc Biếc)

Mắt Xanh
Câu thơ hay thường đến rất ngẫu nhiên, nhưng là “tình” đã chín. Có lẽ nhờ vậy mà có người suốt đời chỉ làm dăm ba bài, nhiều lắm là vài mươi bài, nhưng lại “để đời” !
Có thể xem đó là “của trời cho”. Anh Nguyễn Dương Quang ở tác giả bài thơ “Đêm Cuối Năm Viết Cho Má” công nhận điều đó. Anh làm thơ rất ít, không dám nhận mình là thi sĩ, chỉ làm thơ chép tăng bạn bè chơi. Vậy mà bài thơ trên lại khá nổi tiếng, được nhà phê bình Đặng Tiến trích khi viết bài tựa cho Tuyển tập “Thơ Miền Nam Thời Chiến” do Thư Quán xuất bản ở Hoa Kỳ :

“Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng xót xa không

Nguyễn Dương Quang vừa leo xe từ Đà Lạt xuống thăm “Sơn Núi” rồi vô thăm tôi. Anh kể: khoảng năm 1969 anh đóng quân ở quê nhà Phan Rí. Chàng sĩ quan trẻ hay mơ mộng này lại…mê một cô nữ sinh mới 15 tuổi ở một nhà hàng xóm. Anh làm quen và nắm được bàn tay cô gái. Để cách ly, cha mẹ cô nữ sinh tức tốc gửi con lên một nhà bà con ở cao nguyên Đức Trọng đi học . Nguyễn Dương Quang buồn quá, bèn làm hai câu thơ:

Vói tay cao hết sức mình
Níu cao nguyên xuống để nhìn thấy em !

Anh đem đến cho nhà thơ Phạm Cao Hoàng đang dạy học gần nơi anh ở để khoe. Phạm Cao Hoàng xem qua, hết lời khen và xúi: Ông làm thơ được quá ! Làm tiếp nữa đi ! Cuối cùng, sau nhiều năm, Nguyễn Dương Quang cũng cưới được người đẹp ấy.

Hai câu thơ trên cũng trùng “ý” với câu thơ mà Khổng Vĩnh Nguyên làm sau này:

Thương em nhón gót nhìn qua núi
Em đến em đi rất một mình


Những lời thơ chân thật như vậy không nhiều. Và để nó lọt và “mắt xanh” của người biết nhìn ra cái hay thì phải nhờ vào “duyên”. Đây cũng là cõi tình chân mà tôi xin nhắn gửi.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét