Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

TIẾNG VIỆT ĐANG MÉO MÓ : THAY ĐỔI THÓI QUEN XẤU

Những thói quen và quan niệm sai lệch trong việc tiếp nhận ngôn ngữ của giới trẻ khiến các chuyên gia đề nghị cần phải ban hành luật ngôn ngữ.

Sách dành cho thiếu nhi cần tránh những sai sót cơ bản để trẻ em tiếp nhận tiếng Việt chuẩn xác - Ảnh: Lê Thanh

Bê con và cún con

Những sai sót về chính tả, cách dùng từ... không hiếm trong nhiều cuốn sách, thậm chí của những nhà xuất bản lớn.
Trong bộ sách Cùng học điều hay của Nhà xuất bản Mỹ Thuật và Đông A năm 2010, tập truyện Gà con thích ăn sỏi có nhân vật tên là “Cún con”. Từ điển tiếng Việt trước đến nay luôn định nghĩa: “Cún: chó con” nên nếu viết “cún con” là sai. Tương tự, trong bộ sách Bé tô màu vào tranh, tập truyện Cái áo của thỏ con của Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2010 có nhân vật “Bê con”.

Trong khi đó, nghĩa của “bê” chính là “bò con”. Trong tập sách Cẩm nang học đường dành cho bé từ 3 tuổi trở lên do Công ty Thiên Long thực hiện, phát cho trẻ ở các trường mẫu giáo, có từ “chuột nhắc” (thay vì “chuột nhắt”)... Trẻ con mới tiếp xúc với ngôn ngữ cần phải được học một cách chuẩn xác, thế nhưng những cuốn sách dành cho thiếu nhi lại có những sai sót hết sức căn bản.

Đáng buồn hơn, những sai sót kiểu này trở nên phổ biến đến mức nhiều người không nghĩ đó là sai. Những cách nói như “ngày sinh nhật”, “đêm dạ hội”, “người giáo viên”, “thuốc tân dược”... xuất hiện khá nhiều trên các văn bản.

Du nhập nhưng phải chọn lọc

Một ngôn ngữ muốn tồn tại thì phải luôn vận động, phát triển. Muốn thế, ngôn ngữ đó không thể đóng kín mà phải tiếp xúc, giao thoa; quá trình này hẳn phải dẫn đến việc vay mượn. Không ai dám bảo đảm có ngôn ngữ nào trên thế giới tuyệt đối “thuần khiết”.

Tiếng Việt của chúng ta cũng trải qua những giai đoạn tiếp xúc với các ngôn ngữ khác như tiếng Hán, tiếng Pháp...; vay mượn, bổ sung để làm phong phú và giàu đẹp thêm ngôn ngữ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy đây là một quá trình tiếp thu có chọn lọc và Việt hóa đến mức có thể.

Tiếng Việt lúc bấy giờ du nhập những từ ngữ chưa có trong vốn từ của mình. Chẳng hạn tiếng Việt hiện nay có hàng loạt từ nguồn gốc từ tiếng Pháp như: A xít (acide), bia (bière), ca cao (cacao), cà phê (café), kem (crème), cà rốt (carotte), sơ mi (chemise), bê tông (béton), lô cốt (blockhaus), tôn (tôle)...

Ngày nay, trong quá trình tiếp xúc với những ngôn ngữ đang là thế mạnh, chẳng hạn như tiếng Anh, chắc chắn tiếng Việt cũng cần phải bổ sung những từ ngữ mới, đặc biệt các thuật ngữ khoa học.

Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sử dụng vô tội vạ các từ nước ngoài mà tiếng Việt đã có sẵn những từ ngữ rất hay. Chẳng hạn, tại sao không dùng “tuổi hoa niên”, “tuổi hoa”, “tuổi ngọc”, “tuổi ô mai”... mà lại dùng “tuổi teen”? Tại sao phải dùng “passport” thay cho hộ chiếu hay “visa” cho thị thực?...

Một chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ đã từng đau đáu thốt lên rằng ngày nay nói sai tiếng nước ngoài còn có chút lo lắng chứ nói sai tiếng mẹ đẻ thì chẳng ai quan tâm. Học giả Phạm Quỳnh trong thời kỳ Pháp thuộc có một câu nói đầy ý nghĩa: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nhiệm vụ của mỗi người Việt là yêu, giữ gìn, phát triển tiếng Việt nhưng đừng làm tiếng mẹ đẻ trở thành dị dạng.

Tây hóa là do chưa tôn trọng tiếng Việt - Trần Văn Khê

Vào năm 1957, khi tôi sang Anh, gặp một học trò cũ, cậu này sang học Anh ngữ tại London, ngỏ ý muốn ghi âm những bài dân ca do tôi biểu diễn. Cậu đề nghị với tôi như sau (nguyên văn): "Thưa thầy, em xin phép được record thầy hát những bài folksong. Nhưng em không có tape mới. Thầy chịu khó chờ đợi em wipe lại tape cũ rồi em sẽ record thầy". Tôi nói ngay với cậu rằng: "Con mới sang London học tiếng Anh chưa đầy 3 năm mà không nói được một câu tiếng Việt suôn sẻ. Tại sao con không nói “Em xin phép thầy ghi âm những bài dân ca do thầy biểu diễn. Nhưng em không có băng từ mới, thầy chịu khó chờ đợi em xóa băng cũ rồi em sẽ ghi âm thầy”. Tôi thấy việc Tây hóa ngôn ngữ Việt Nam là do giới trẻ hiện nay chưa biết cách tôn trọng tiếng Việt như là một nét văn hóa. Tôi đã sống gần 50 năm ở nước ngoài, dạy học 30 năm tại các trường ĐH ở Paris, trong hội đồng quốc tế âm nhạc, tôi chỉ giao tiếp bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Nhưng khi tôi nói tiếng Việt thì không hề bị tiếng ngoại quốc lấn át tiếng mẹ đẻ.

Lẽ tất nhiên trong môi trường mới, nhất là giữa giới trẻ có chen vào một vài tiếng cũng chẳng sao. Riêng đối với tôi, tôi vẫn thấy chướng mắt và chướng tai khi đọc hoặc nghe những tin nhắn của học trò: "Con xin chúc thầy of con (thầy của con) được sức khỏe ok"... Tôi thiết nghĩ khi chơi với nhau thì khác. Nhưng khi nói chuyện với người thân của mình hay viết ra thành văn bản thì nên tránh những lỗi lầm nho nhỏ đó để giữ cho câu nói còn được thuần tiếng Việt.

Theo tôi, muốn giữ cho tiếng Việt được thuần chất, thì thứ nhất, mỗi người Việt cần phải thương yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Thứ nhì, những người có trách nhiệm trong giới truyền thông đại chúng, các bạn dẫn chương trình những buổi truyền thanh hay truyền hình, những người viết báo, viết sách nên cẩn thận vì thính giả và độc giả dễ bị ảnh hưởng, nếu các bạn pha trộn tiếng nước ngoài khi giới thiệu một chương trình hay một đề tài liên quan đến văn hóa Việt. Gia đình và nhà trường có bổn phận phải giúp cho các em sử dụng tiếng Việt một cách đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc.



(TNO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét