Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2012 (KỲ 107)




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ





1071 - Bùi Đình Thi
“TÙ GIAN”
Công nhân Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại VN – Mất 2011 ở đảo Marshall (69 tuổi).

Nguyên đại úy VNCH theo đạo Công giáo.

Sau 1975 đi cải tạo ở miền Bắc. Đến 1982 được trả tự do.

Năm 1994 cùng vợ và 5 con qua Mỹ theo diện H.O, để lại 2 con gái có chồng sinh sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Làm công nhân sống qua ngày, đã 2 lần trở về VN thăm con năm 1998, 2002.

Bất ngờ năm 1997 có mục linh mục Công giáo cùng ở chung trại cải tạo Thanh Cẩm trên miền Bắc với đương sự in sách tố cáo nhân vật này trong thời gian ở tù trên đã ngầm làm “nội gián” cho trại giam (trong trại thường gọi là “ăng ten”) báo cáo về sinh hoạt, hoạt động của tù nhân với cán bộ quản giáo trong khoảng thời gian 1978-1981. Thậm chí năm 1979 còn tham gia tra tấn, giết chết bạn tù cải tạo!

Từ đó nổi lên làn sóng dân Việt tị nạn Mỹ đòi xử tội đương sự bị gọi là “tù gian” tức đội lốt tù cải tạo để phản bội đồng đội. Kết quả Mỹ phải đưa đương sự ra tòa năm 2004.

Kết quả trong phiên tòa kéo dài 9 tiếng đồng hồ, tòa ra phán quyết bị cáo vi phạm Luật Di trú Mỹ vì không khai báo thành thật toàn bộ lý lịch quá khứ của mình khi làm đơn xin định cư Mỹ. Do đó ra lệnh trục xuất về lại VN.

Nhưng phía VN… không tiếp nhận đơn giản vì thời đó 2 nước chưa ký kết hiệp định về trường hợp “di lý hải ngoại” như vậy nên cuối cùng chính quyền Mỹ đành chọn biện pháp… trục xuất tạm bị cáo ra khỏi lãnh thổ Mỹ đến đảo Marshall một quần đảo nằm phía Tây Thái Bình Dương nhưng thuộc quyền bảo hộ của Mỹ!

Tuy đương sự không được đem theo vợ con ra đảo song trên đảo không bị giam giữ mà vẫn được cho đi làm việc và thỉnh thoảng được về Mỹ thăm gia đình.

Đến năm 2011 thì qua đời trong lặng lẽ.

1072 - Lê Xuân Khoa
VIẾT LỊCH SỬ VN HIỆN ĐẠI
Giáo sư đại học Việt kiều Mỹ sinh tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2012).

Di cư vào Nam đi học Pháp tốt nghiệp tiến sĩ rồi qua học tiếp An Độ. Về miền Nam dạy đại học về triết học An Độ, làm Phó Viện trưởng Viện ĐH Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Giáo dục.

Sau 1975 qua Mỹ làm Giám đốc Trung tâm Cứu trợ người vượt biên Đông Nam Á, làm công tác hỗ trợ giúp người tỵ nạn Đông Dương định cư ở Mỹ trong 17 năm.

Năm 1997 về hưu được mời giảng dạy ĐH John Hopkins danh tiếng. Cùng thời gian này tham gia vào việc hình thành chương trình H.O của Mỹ tiếp nhận quan chức và sĩ quan VNCH đi cải tạo về qua Mỹ đồng thời giúp họ hòa nhập với cuộc sống mới ở Mỹ.

Ngoài ra còn bỏ công biên soạn công trình lịch sử VN hiện đại từ 1945-1995 đề cập đến những bài học lịch sử, những vấn đề thời sự gần đây như 4 cuộc chiến tranh đã qua trong 50 năm kể cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, phong trào tị nạn chính trị đưa đến thành lập cộng đồng VN hải ngoại rộng lớn… Tập 1 ra mắt năm 2004.

Tuy vậy vẫn bị giới Việt kiều cực đoan bài bác do có quan điểm cổ vũ hòa giải dân tộc cũng như nhiều lần về VN làm việc…

1073 - Nguyễn Văn Trấn
ĐỔI MỚI CUỐI ĐỜI
Cán bộ về hưu sinh 1914 tại Long An –Mất 1998 ở TPHCM (85 tuổi).

Là cán bộ Tiền - Khởi nghĩa (bí danh Bảy Trấn) từ thời chống Pháp ở quê nhà Chợ Đệm. Được xem là người khai sinh ra đơn vị An ninh T4 tức tiền thân của Công an Nam bộ sau này.

Năm 1954 tập kết ra Bắc viết báo, dạy Trường Đảng Nguyễn Ai Quốc rồi làm Phó ban Tuyên huấn T.Ư, đại biểu Quốc hội 1964.

Sau 1975 về hưu vào ở TPHCM, bắt đầu viết sách nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, về sự nghiệp làm báo… Đồng thời viết báo, khai sinh ra bút danh Hai Cù Nèo trên báo Tuổi Trẻ Cười chuyên viết chuyện biếm đả kích thói hư tật xấu người đời (sau khi mất, bút danh vẫn được duy trì trở thành như một bút danh chung cho một số cấy bút châm biếm trên báo này).

Đến thời bắt đầu manh nha Đổi mới cuối thập niên 1980, đã có bước ngoặt chuyển biến tư tưởng đấu tranh đổi mới quyết liệt khi tham gia CLB Những người kháng chiến cũ ở TPHCM cổ vũ quan điểm đòi quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do bầu cử thoát ly chủ trương của Đảng CSVN.

Sau khi CLB trên bị chính quyền giải tán, năm 1995 tự in và phát hành cuốn “Viết cho Mẹ và Quốc hội” nêu rõ những đòi hỏi đó. Lập tức bị chính quyền thu hồi cấm lưu hành!

Năm 1997 một năm trước khi mất cuốn này được in lại ở Mỹ. Từ đó được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế tặng giải Hallman/Hammett dành cho các chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền.

1074 - Phạm Quốc Trai
“TRAI GÀN”
Nông dân sinh 1955 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2008).

Tham gia hoạt động chống Mỹ nên sau 1975 được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện.

Năm 1986 bỗng nhiên xin nghỉ việc đem vợ con ra ngoài một đảo hoang khai khẩn lập nghiệp! Vì thế mới có biệt danh là “Trai gàn”.

Đó là bán đảo Mũi Né nằm giữa đầm Cầu Hai trong vùng phá Tam Giang, vùng đất chịu nhiều đạn bom trong chiến tranh lẫn chất độc khai quang nên đất đai nơi đây khô cằn toàn sỏi đá. Thế nên 2 vợ chồng bắt đầu cuộc chiến chống sỏi đá kéo dài cả 10 năm, dọn sạch sỏi đá lấy đất trồng trọt canh tác được 7 hécta đất rừng thành đất màu mỡ.

Ban đầu trồng khoa sắn bán lấy tiền nuôi sống cả nhà, từ đó bỏ thêm 10 năm nữa để làm đất, bón phân xây dựng cơ đồ làm kinh tế bằng cách trồng hơn 10.000 cây dó trầm từ đầu năm 2000.

Lợi nhuận thu được đổ vào công trình xây dựng một vườn cây cảnh rộng hơn 2 hécta, có lẽ là vườn cây cảnh tư nhân lớn nhất tỉnh mới lập sau chiến tranh. Với toàn cây cảnh quý chịu khó đi sưu tầm khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam từ cây lộc vừng, mai, sung, trúc đến các loài hoa và lan rừng muôn hồng nghìn tía

Có người trả giá vườn cây cảnh 5 tỉ đồng không bán vì có tham vọng biến nó trở thành một khu “vườn cây cảnh 3 miền” kèm theo một “vườn cổ tích” dành cho thiếu nhi, tất cả nằm trong khu du lịch sinh thái tương lai.

1075 - Phạm Sự Thật
NGƯỜI CANH GÁC TAI NẠN GIAO THÔNG
Bộ đội về hưu sinh 1950 tại Hải Phòng. Sống ở Đà Nẵng (2007).

Năm 1968 đi bộ đội vào chiến trường Đà Nẵng, Quảng Nam. Có mặt trong chiến dịch giải phóng miền Nam, tham gia trận đánh khốc liệt cuối cùng của cuộc chiến ở Xuân Lộc. Năm 1980 tiếp tục hành quân lên Tây Nguyên truy kích tàn quân Fulro.

Năm 1981 gặp một cô gái Thanh Hóa lên làm việc ở Buôn Ma Thuột lấy làm vợ.

Sau đó ra quân đưa vợ về Đà Nẵng chiến trường xưa nhận làm quê hương thứ hai, chọn mảnh đất nhỏ dưới chân đèo Hải Vân làm nơi sinh sống.

Do sống ngay dưới chân đèo trên Quốc lộ 1A nên hàng ngày thường xuyên nhìn thấy nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Nhiệt huyết người lính ngày xưa nổi dậy khiến phải suy nghĩ tìm phương cách nào giúp hạn chế tai nạn giao thông cứu sống bao sinh mạng.

Thế là từ năm 1998 vận động đồng đội cựu chiến binh lập Tổ Giám sát an toàn giao thông khu vực này thay phiên nhau ra đứng đường cầm gậy tham gia cảnh báo tai nạn cho xe khách qua đường. Khi xảy ra tai nạn thì tham gia cứu giúp người bị nạn, thậm chí có khi còn tự tay tẩm liệm nạn nhân: “Tôi không muốn thấy lập lại cảnh làm mình đau buồn nhất trong chiến tranh là chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống…”

1076 - Phạm Thị Dùi
MỘ CHỒNG NƠI ĐÂU XIN NHẬN NƠI ĐÓ LÀM QUÊ HƯƠNG THỨ HAI
Nông dân sinh tại Hưng Yên. Sống ở TPHCM (2008).

Lấy chồng sinh 3 con thì chồng đi bộ đội vào chiến trường miền Nam rồi bặt tin luôn.

Năm 1975 kết thúc chiến tranh mới nhận được tin chồng đã hy sinh từ năm 1968 nhưng không biết mộ phần, hài cốt nơi đâu. Vì thế lòng vẫn không tin là sự thật mới một mình ôm 3 con vào miền Nam quyết tâm đi tìm chồng phải “sống thấy người, chết thấy mộ” mới được.

Nhưng bơ vơ nơi vùng đất xa lạ làm sao tìm được song vẫn không về mà tìm việc làm bươn chải sống qua ngày để tiếp tục tìm kiếm, dò la tin tức mà phải lo nuôi con nữa với lời thề nếu quả thật chồng đã nằm xuống trên mảnh đất này thì mình tự nguyện ở lại để được gần chồng.

Mãi đến năm 2008 nhờ một đồng đội cũn giúp đỡ mới tìm được mộ chồng được cải táng về nghĩa trang An Nhơn Tây thuộc quận Gò Vấp – TPHCM. Từ đó xin nhận nơi đây đúng là quê hương thứ hai của mình.

1077 - Phạm Thị Hai
TÌM LẠI MẸ SAU 34 NĂM
Thường dân tên thật Võ Thị Gái sinh 1968 tại miền Trung. Sống ở Phú Yên (2009).

Mới lên 7 tuổi đã thất lạc cha mẹ trong cuộc chạy loạn “di tản chiến thuật” của chế độ cũ tháng 3.75 ở Quảng Nam trên tỉnh lộ 7 nối Phú Bổn – Tuy Hòa.

Rồi được một gia đình nhận làm con nuôi đổi tên họ sinh sống ở Phú Yên.

Mãi đến 34 năm sau, năm 2009 khi đã quá tứ tuần mới đoàn tụ với gia đình nhờ chương trình tìm người thân thất lạc của Đài VTV3. Bà mẹ già gặp lại con vừa khóc vừa mừng: “Tôi chỉ chờ được một lần gặp lại con thì chết mới yên lòng”.

1078 - Phạm Thi Lạc
NGƯỜI PHỤ NỮ “TIÊN PHONG”
Lao động nghèo sinh 1945 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).

Năm 1968 lấy chồng được 3 ngày thì chồng người cùng quê là bộ đội pháo cao xạ từ giã lên đường vào chiến trường miền Nam, từ đó bặt tin.

Chỉ thời gian ngắn sau ngày giải phóng miền Nam 1975 đang làm nhân viên Ty Nông nghiệp Thái Bình mới nhận được tin… báo tử chồng đã hy sinh.

Năm 1977 nhân cùng cơ quan đi thăm trại thương binh tỉnh mới gặp một thương binh nặng mù cả 2 mắt và cụt một chân. Có lẽ do ấn tượng liên hệ cảm thông người thương binh cùng quê cùng hoàn cảnh với chồng quá cố nên sinh lòng yêu thương.

Cuộc tình không đơn giản vì thành kiến cổ hủ thời này với những lời ra tiếng vào gièm pha nào là bà góa lớn tuổi (mình lớn hơn 6 tuổi) lại lấy thương binh nặng rước khổ vào thân v.v… Nhưng đôi lứa vẫn giữ vững lòng tin vào nhau để đám cưới được tổ chức đàng hoàng, cảm động.

Từ đó noi theo gương chị, trong trại thương binh mới có thêm nhiều mối tình thương binh tương tư nẩy nở, xóa tan bao mặc cảm từ cả 2 phía để đi đến hôn nhân trọn vẹn.

Về phần gia đình người phụ nữ đi bước đầu này dù rất vất vả gánh vác phần lớn trách nhiệm trong gia đình, phải xin nghỉ làm công chức để đi bán xôi song vẫn xây dựng được hạnh phúc đầm ấm. Sinh cho chồng 4 con “nếp tẻ đủ cả” và còn kiếm việc cho chồng tránh để ngồi không nghĩ quẫn bằng cách mở điểm rửa xe cho chồng trông coi.

Đây là dịch vụ lâu nay chưa ai làm nên nhanh chóng thu hút khách hàng . Từ đó cùng chồng mở rộng cơ sở tạo thêm công ăn việc làm cho đồng đội thương binh, bộ đội phục viên cùng quê.

1079 - Phạm Thị Lan
LẤY CHỒNG “TRỜI ĐÀY”
Lao động nghèo sinh 1957 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2012).

Hòa bình trở lại, ngồi bán hàng nươc trước cổng doanh trại một đơn vị pháo binh mới gặp một thương binh ở đây mắc bệnh tâm thần di chứng chiến tranh để lại. Vậy mà không hiểu sao lại đem lòng yêu thương anh lính pháo binh “Hải khùng” này!

Yêu và quyết định lấy làm chồng bất chấp gia đình, người thân can ngăn. Tới mức khoảng năm 1982 trốn cha mẹ tự mình dẫn người thương binh về quê anh ở Hà Nam. Xin được cưới anh, làm lễ cưới đàng hoàng với chỉ có nhà trai vì nhà gái bị mình giấu biệt tin tức không cho biết gì hết sợ sẽ tìm cách ngăn cản!

Cả 2 sống một thời gian khá yên ổn với người chồng thương binh tâm thần chỉ nghe lời vợ bớt phá phách la hét. Có lúc bệnh thuyên giảm có thể cùng vợ đi làm ruộng với mọi người.

Sinh được 2 con nhưng đến đứa thứ ba thì gặp một sự cố gì đó bỗng nhiên chồng tái phát bệnh điên cũ với mức độ nặng hơn trước nữa. Có lần nổi khùng đánh vợ đến gãy chân. Năm 1989 còn ra tay… đốt cháy cả căn nhà ọp ẹp mà gia đình nheo nhóc nương náu!

Năm 1989 mẹ ruột bấy giờ liên lạc được mới ra tận Hà Nam xin đưa 2 vợ chồng và 3 cháu vào quê Quảng Nam để tiện việc giúp đỡ đồng thời hy vọng trong Nam thời tiết ấm áp hơn cho con rể đỡ bệnh.

Tuy nhiên bệnh của chồng vẫn không thuyên giảm được bao nhiêu, mấy lần phải nhờ người trói lại để đưa vào bệnh viện Đà Nẵng chữa trị.

Vậy nhưng vẫn sinh thêm 2 con nữa, con út còn nhỏ phải cõng trên lưng theo mẹ đi hái chè đem bán kiếm miếng cơm cho cả nhà. Có khi kiệt sức xỉu giữa đường, con khóc ré lên mới làm mình tỉnh dậy tự dặn mình “vì năm con và một chồng, không được phép gục ngã”!


1080 - Phạm Thị Lời
MUÔN DẶM TÌM EM
Công nhân sinh 1967 tại Long An. Sống ở Đắc Nông (2008).

Cha đi kháng chiến chống Mỹ, mẹ ở nhà nuôi mình và em gái.

Hòa bình lập lại cha trở về nhưng lại đem theo… 3 người con riêng nữa (có thêm trong chiến khu) khiến mẹ ghen tương sinh chuyện nhà lục đục cơm không lành canh không ngọt. Đỉnh điểm xung đột vào năm 1978 mẹ tức giận dắt 2 con gái ruột bỏ nhà lên Tây Ninh sống cùng bà con.

Đến cuối năm do sinh bệnh nên mẹ mới dẫn 2 con định trở về quê, không ngờ trên đường đi bệnh (lao) phát nặng phải vào Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) cứu chữa. Nhưng không qua khỏi, qua đời vào ngày Tết năm 1979 để lại 2 con nhỏ dại khờ khạo ngơ ngác trên đường đời.

Hai chị em còn quá nhỏ không nhớ được quê nhà, cha mình ở đâu nên người ta phải đưa cả 2 vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Thủ Đức. Tại đây 2 chị em bị cách ly ít có dịp gặp nhau, từ đó mới đưa đến sự cố năm 1981 em gái mình được đem cho một bà mẹ người dân tộc K’ Ho đưa lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) nuôi mà mình không hay biết!

Thế là từ đó đau đáu trong lòng nỗi thương nhớ em khôn nguôi, bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu cũng tìm cách dò hỏi, truy tìm tông tích em nhưng đều vô vọng.

Năm 1984 rời khỏi trung tâm tình nguyện đi thanh niên xung phong lên Đắc Nông khai hoang làm kinh tế. Rồi ở lại đây lập nghiệp.

Mãi đến năm 2006 qua chương trình tìm người thân của Đài Truyền hình VTV may mắn được em gái mình (đã đổi tên thành người dân tộc, lấy chồng người dân tộc làm nông) xem mới nhận ra chị em.

Cũng nhờ chương trình này mới tìm được địa chỉ nhà cũ, quê cũ Long An để tìm về thăm cha. Nhưng muộn rồi, ông đã mất hơn một năm cũng trong nỗi đau lạc mất 2 đứa con thân yêu!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét