Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI (KỲ 11) - VÕ CHÂN CỬU




Tiếng chim tu hú


Vườn nhà tôi ngập tràn tiếng chim tu hú gọi hè. Các nhà sư Phật giáo vẫn kể rằng : có một người tu mãi không thành chánh quả, cuối cùng hóa thành loài…tu hú !
Chim kêu là…nghiệp của chim. Nhưng tiếng của loài tu hú lại sinh ra khá nhiều chuyện ? Đâu phải vì nó có tên trong sách đỏ (nguy cấp sắp tuyệt chủng), mà bời vì không ít người chỉ mới biết nó qua sách vở. Thật là tai hại bởi một dòng văn chương !
Khi chim tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chin, trái cây ngọt dần…
Hai câu mở đầu bài “Khi con tu hú” từ lâu đã khá quen thuộc ở cả 2 miền. Nhưng tại phía Bắc, bởi vì tác giả Tố Hữu là… lãnh đạo ,nên câu thơ trên đã được bình tán, ca ngợi theo kiểu cổ vũ lòng yêu nước để ra chiến trường.
Anh Phan Lạc Dân, một người làm thơ từ trường Sư phạm Quy Nhơn lên dạy học ở Lâm Đồng và ở suốt từ đó đến nay quả quyết không phải con tu hú gọi bầy. Bởi nó chỉ đi… một cặp, không bao giờ them tụ thành bầy. Vì chim mái theo chế độ…“đa phu”, nên đó chỉ là tiếng của hai…bạn tình. Người suy diễn từ đặc điểm sinh học lại gán cho tu hú là loài chim ranh ma, độc ác. Vì nó chỉ chuyên đẻ gửi, thường đẻ vào ổ các loài chim có than hình bé hơn. Và trước khi đẻ, nó thường gắp một quả trứng có sẵn để xơi. Trứng ấp nở ra, tu hú con thường to hơn chim con ruột nhưng nó biết giả bộ cho giống để được mẹ nuôi mớm nhiều thức ăn, mau lớn rồi bay đi, kêu…tu hú.
Trong một xã hội loạn lạc, để những đứa con của mình được in ra, nhà thơ có khi cũng phải chịu cảnh…đẻ gửi. Nhưng cuối cùng, đâu lại vào đấy. Từ loài chim tu hú, đặc điểm sinh học lại gợi mở ra chuyện văn chương ?

Nghịch cảnh
Những năm 1969-1970, làng văn Miền Nam bỗng bùng lên hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn (NBS). Thơ NBS vừa trữ tình, phản chiến, lại rất mới khi miêu tả hiện thực cuộc chiến tranh dưới mắt người thi sĩ. NBS sinh năm 1944, quê ở Bình Thuận. Từ nhỏ anh đã mê làm thơ nhưng tới tuổi phải vô trường sĩ quan. Ra trường không lâu, NBS đã đào ngũ nên bị bắt lính trở lại, được đưa đi làm…binh nhì địa phương quân. Nhờ giỏi tiếng Anh, nên NBS được trở thành thông dịch viên. Anh được đi theo các Ban chỉ huy quân đội Đồng Minh ở một số cuộc hành quân. Có lẽ nhờ vậy nên NBS…đã không bị phục kích, chết đường.
Ngay từ bài thơ đăng đầu tiên, NBS đã nói rõ:
Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi lính
Bắt lê la mang chiếc mai rùa
Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy
Như con nước buồn sau mỗi cơn mưa
(Chân dung tự họa- Chiến tranh Việt Nam và Tôi)
NBS là công lao phát hiện của tuần báo Khởi Hành (bộ mới từ 1969) mà thi sĩ Viên Linh là thư ký tòa soạn. Thơ NBS từ khi mới đăng báo đã làm giới làm thơ và các cây bút lão làng ở Miền Nam bất ngờ, choáng váng. Nhiều người viết bài ca ngợi hết mực. Năm 1972, tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” được ấn hành. Có thể nói thể thơ, ngôn ngữ NBS dùng không có gì mới lạ. Nhưng nó lại lay đọng lòng người bởi lời thư như “từ trong ruột nói ra”. Kể cả khi ông dùng những từ ngữ rất hạ cấp của cuộc đời, ý thơ vẫn không thô tục mà lại làm cho tâm hốn bay lên !
…Ta ghét đàn bà như ghét cứt
Nhưng vì sao ta cứ phải yêu em
Ôi ! mắt em nhìn như bẫy chuột
Sập chết đời ta biết mấy lần…
( Trên đường tới nhà Xuân Hồng - cô gái đã cho anh cưới về, để chịu kiếp “làm vợ thi sĩ” cho đến giờ).
Tính chất đặc biệt của người thi sĩ cũng đã được anh giải thích thêm, như ở đoạn đầu bài “Chân dung tự họa”:
Trên trái đất có rừng già, núi non, cùng biển, sông
Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi thành du đảng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa…
Và trong một bài thơ tứ tuyệt:
Ta đọc ba ngàn quyển sách
Sao mà chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si !
(Giai nhân và sách vở”)
Như nhiều gia đình Việt Nam, cuộc đời NBS phải chịu một nghịch cảnh lớn. Cha NBS là một cán bộ ra Bắc tập kết. Khi vào chiến trường quê nhà, ông giữ chức Phó Chính ủy Khu VI (bao gồm cả tỉnh Bình Thuận bấy giờ). Sau năm 1975, cha con đoàn tụ nhưng không nói chuyện với nhau. 5 năm sau ngày cha mất, người con là Nguyễn Văn Hải tức NBS đã giải bày nguyên do chuyện… “éo le” cuộc đời đã tạo ra.
… Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng.


Ông làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu.

Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy…
(Chuyện hai bố con tôi)
NBS vẫn giữ nguyên “khẩu khí” ngày nào.

Giải thoát
Năm 2005, trùng với dịp 30 năm kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, NXB Thư Ấn quán đã cho tái bản lại tập Chiến tranh Việt Nam và Tôi. Bài phê bình thơ Nguyễn Bắc Sơn do Đặng Tiến mới viết liền được những người chủ trương “Thơ Tân hình thức” trịnh trọng đưa lên Website của nhóm. Điều này một lần nữa cho thấy trong thơ, hình thức thể hiện không là quyết định. Kiểu thơ khẩu khí như NBS từ lâu đã có nhiều nhà thơ nổi tiếng sử dụng, từ Trần Tế Xương đến Thâm Tâm, Quang Dũng…Nhưng quan trọng nhất ở NBS là hướng về sự giải thoát cho tâm hồn người nghệ sĩ. Điều này quả là thật khó cho một người lỡ mang tính cách “Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo…”Những năm sau này, bất cứ lúc nào gặp bạn bè văn nghệ, NBS cũng bày tỏ ước nguyện: lên tu trên núi Tà Cú nổi tiếng linh thiêng gần Phan Thiết. Ở đây có tượng Phật nằm lớn nhất nước. Khoảng năm 2000, tình cờ gặp nhau ở Sài Gòn, sau một trận lúy túy, NBS nhất định đòi về nhà tôi ngủ để sáng hôm sau tôi đưa ra bến xe đi Đà Lạt chơi với Nguyễn Dương Quang. Trước khi từ biệt, anh rút trong túi xách cuốn Kinh Hoa Nghiêm và ký tặng trở lại. Từ đó, NBS tiếp tục mất biệt cho đến nay. Nhà của anh ở đường Chu Văn An gần chợ đã bán để về đầu phía Nam Phan Thiết. Nghe nói NBS còn xây được một “tịnh cốc” trên núi cao Tà Cú. Cuối 2011, tôi và Nguyễn Sa Mạc từ Bảo Lộc cỡi xe xuống, nhờ bạn dẫn đến nhà mới thăm NBS.
Người nhà NBS lúc này thật tình cũng không rõ bây giờ anh đang ở trên núi hay về thăm Sài Gòn. Chợt nhớ mấy đoạn trong bài thơ mà anh đã làm tặng Vũ Trọng Quang, khi bạn đến thăm anh trên núi Tà Cú:
…Quân tử thất thời nằm gãi háng,
Thuyền quyên lỡ hội bỏ đi tu
Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ
Mà sao lạnh điếng cõi sương mù

Sương mù, sương mù, ừ sương mù
Khuya về trăng mọc ngọn mù u
Cầm ống sáo đồng gõ vào vách núi
Tráng sĩ hề, lạnh thấu thiên thu
….
Ta lạnh, còn em đâu có ấm
Tiếng tụng kinh là tiếng chim rơi
Để ta tụng bài thơ thiên cổ
Thơ là Kinh Phật đó mình ơi !!!

Em ni cô, ta là thi sĩ
Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ
Cầm kinh địa tạng ở trong tay
Mà uống rượu sầu say bí tỉ
…..
Nửa đêm tụng chú và rơi lệ
Nơi thanh lương địa mà sao lòng mình chưa thanh lương…
( Tháng Chạp sầu đời trên núi cao )

Tu như kiểu các thi sĩ thì làm sao mà đắc đạo được. Người ơi, tiếng chim tu hú bên trời lại kêu.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét