Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 108 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.081 - Phạm Thị Ngọc
TÌM MỘ BỐ RUỘT RA MỘ BỐ CHỒNG
Thường dân sinh 1965 tại Thái Bình. Sống ở Bình Phước (2011).

Năm lên 8 tuổi thì bố chia tay 2 mẹ con lên đường vào Nam chiến đấu. Từ đó bặt tin luôn kể cả sau ngày hòa bình vẫn không thấy về.

Đến cuối năm 1977 mới nhận được thông báo vắn tắt bố đã hy sinh năm 1967 không biết mộ chí hay hài cốt nơi đâu nhưng bận gánh gia đình không vào Nam tìm mộ bố được.

Năm 1997 khi con cái đã trưởng thành ra đời rồi mới một mình lên đường vào TPHCM đi tìm mộ bố. Tuy nhiên ròng rã 4 năm vẫn không kết quả dù đã nhờ đến nhà ngoại cảm tìm giúp.

Vài năm sau mới gặp được đồng đội cũ của bố, từ đó có thông tin tìm đường qua Campuchia nơi đơn vị bố từng đóng quân. Bấy giờ mới biết hài cốt bố đã được quy tập về nước, chôn trong nghĩa trang Tân Biện tỉnh Tây Ninh.

Thế là lặn lội lên Tân Biên mới hay mộ bố đề tên vô danh. Không nản lòng, tìm cách xin ADN từ ngôi mộ vô danh đem đi xét nghiệm xác định đúng là của bố ruột mình. Từ đó ở lại Bình Phước sinh sống để có dịp gần gũi thăm viếng, chăm sóc phần mộ.

May mắn nhờ quá trình đi tìm mộ bố mà ngẫu nhiên xui khiến sao lại truy tìm ra dấu vết mộ bố chồng lâu nay cũng không tin tức thì ra đã được quy tập về nghĩa trang tỉnh Sơn La. Ay là nhờ lý lịch bố chồng có hai điểm trùng hợpp với bố ruột là cũng quê Thái Bình và cũng tử trận đúng năm 1967 nên có bản phân loại nằm chung danh sách liệt sĩ.

1.082 - Phạm Thị Nhẫn
TỰ TAY XÂY NHÀ NUÔI CHỒNG THƯƠNG BINH NẶNG
Lao động nghèo sinh 1956 tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).

Là cô giáo trường mầm non trong làng, năm 1980 gặp một thương binh nặng trở về từ chiến trường miền Nam cụt cả 2 chân ở trại thương binh tự nhiên sinh lòng thương cảm khi nhớ đến cha mình cũng từng là bộ đội hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Từ đó quyết định lấy anh làm chồng bất chấp gia đình, bà con phản đối.

Ngay cả mẹ ruột cũng dọa từ con, chỉ với lý do: “Con đến với anh ấy là cái duyên cái số, sau này sướng khổ con không ân hận điều gì.”

Hai vợ chồng nghèo, chồng lại tàn tật nên một mình mình phải cáng đáng lo hết mọi việc. Trước hết đưa chồng ra trại thương binh rồi xin xã miếng đất nhỏ dựng đỡ căn lều sống tạm cho ra một gia đình.

Một năm sau sinh con trai đầu lòng do thiếu ăn bị suy dinh dưỡng nổi mụt lở loét cả người phải xin nghỉ dạy để ở nhà có thì giờ trông con vừa nuôi gà nuôi lợn làm kế sinh nhai.

Năm 1987 được xã cấp cho mảnh đất nhỏ ngoài chợ (chiếu cố chồng thương binh nghèo) song đâu có tiền để mướn thợ xây nhà. Thế là tự tay mình làm luôn thay thợ, tự đào đất đóng gạch, đắp nền, lợp mái xây nhà tất tần tật mọi việc làm hết như là thợ xây chuyên nghiệp vậy. Mà chỉ có thể tranh thủ làm ban đêm vì ban ngày còn phải chạy chợ buôn bán kiếm sống, chồng chỉ biết phụ giúp giữ con bằng cách… buộc con vào bụng lết qua lết lại dỗ dành con khóc!

Rồi thì căn nhà “tự lực” ấy cũng hoàn thành làm quán nước nhỏ cho chồng ngồi ôm con trông coi cũng kiếm được đô vô đồng ra. Còn minh đạp xe đi xa mua hàng về bán, mỗi tuần đi đi về về đôi lần.

Cuộc sống bấy giờ mới ổn định khá hơn. Sinh thêm được 2 con, nuôi ăn học đều đã trưởng thành ra đời đàng hoàng.

1.083 - Phạm Văn Chiến
BỆNH “QUASIMODO”
Người khuyết tật sinh khoảng 1980 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2011).

Cha là bộ đội năm 1968 chiến đấu ở Quảng Trị rồi tiếp tục hành quân qua Lào.

Sau 1975 giải ngũ về quê lấy vợ mà không biết mình đã bị nhiễm CĐDC. Vì vậy sinh 8 con thì hết 7 đã mắc di chứng chất độc nguy hại này trong đó 3 con trai vừa ra đời đã không sống nổi, những đứa còn lại ít nhiều đều không bệnh này thì bệnh khác.

Riêng bản thân mình con út một mắt bị mù, con mắt còn lại thì bị một cái bướu mọc bên cạnh che khuất tầm nhìn.

Khi lớn lên thì cha mất sớm, chỉ còn lại mẹ già ráng làm lụng vất vả nuôi bầy con bệnh hoạn cầm cự qua ngày.

Sau khi 3 anh chị lập gia đình ở riêng cũng nghèo chẳng giúp đỡ gì được cho mẹ già, đến năm 2007 người mẹ suốt đời lam lủ không chống chỏi nổi nữa với cuộc đời đành nhắm mắt buông tay. Để lại mình và người anh kế mắc bệnh thiểu năng trí tuệ giống đứa con nít sống nương tựa vào nhau.

Đến lúc đó căn bệnh bướu quái ác biến chứng phình to che khuất cả con mắt còn sáng khiến không nhìn thấy gì cả, đã vậy còn mọc thêm một số bướu nhỏ khác trên trán trên mũi chảy máu mủ tùm lum. Thân hình lại gầy gò lưng còm bước đi không vững nên hình dạng trông chẳng khác gì nhân vật thằng gù nổi tiếng của văn hào Pháp Victor Hugo trong tác phẩm tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức bà Paris”.

Đi bệnh viện khám cần giải phẫu thì không có tiền bởi bị bệnh không đi làm thuê làm mướn gì được để kiếm ít tiền. Khoản trợ cấp Nhà nước chẳng đủ để mua thuốc mỗi lần cũng đã trên cả triệu đồng rồi.

Chỉ còn cách ngồi cầu Trời khấn Phật mong sao có “phép lạ” nào giúp mình chữa hết bệnh bướu mắt để còn thấy đường đi làm có tiền còn chăm sóc cho người anh tội nghiệp cả đời cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng biết gì. Nhưng cả Chúa cũng không cứu được cuộc đời khốn nạn của Quasimodo kia mà!
1.084 - Phạm Văn Đính
KẺ PHẢN BỘI HAY NGƯỜI GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG?
Cán bộ về hưu sinh tại Huế năm 1937. Đã mất sau năm 2004 ở Huế (khoảng 70 tuổi).

Sĩ quan bộ binh VNCH từ năm 1961.

Từng giữ chức đại đội trưởng Đại đội Hắc Báo, đơn vị đặc nhiệm thiện chiến trực thuộc Sư đoàn 1 đóng tại Huế. Sau đó chuyển qua Trung đoàn 54 của Sư đoàn 1.

Trong cuộc tái chiếm TP Huế xuân Mậu Thân 1968, chỉ huy một đơn vị của Trung đoàn 54 đánh chiếm lại kỳ đài Huế, được tôn vinh như một anh hùng. Qua năm 1969 tiếp tục lập chiến công trong trận đánh cùng Thủy quân lục chiến Mỹ tiến chiếm địa điểm chiến lược “Đồi Thịt băm” do 2 tiểu đoàn quân cộng sản nắm giữ nằm gần biên giới Lào.

Nhờ đó được đề bạt thăng trung tá làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 mới thành lập trú đóng tại trại Carroll ở huyện Cam Lộ có nhiệm vụ trấn giữ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị.

Nhưng đến đầu tháng 4.1972 trong chiến dịch tấn công của cộng sản – thời điểm còn gọi là “Mùa hè đỏ lửa” - vào Quảng Trị, tướng Vũ Văn Giai Tư lệnh Sư đoàn 3 do không còn được không quân Mỹ yểm trợ nên chưa đánh đã vội rút quân về hậu cứ Quảng Trị. Lấy lý do nhằm bảo toàn lực lượng nhưng như thế đã bỏ rơi quân Trung đoàn 56 cố thủ trong trại Caroll đang bị quân Bắc Việt bao vây dày đặc, đánh điện yêu cầu sư đoàn cứu viện thì được trả lời cấp chỉ huy tại chỗ “tùy nghi quyết định”!

Trong tình thế nguy cấp quân số thua xa đối phương mà lại không được cấp trên hứa tiếp viện, bản thân là trung đoàn trưởng cùng trung đoàn phó đã họp toàn bộ quân số còn lại khoảng 600 người đi đến quyết định nhất trí toàn bộ đầu hàng! Vì biết không có lực lượng ứng cứu, không đường thoát phá vỡ vòng vây nên cố chống cự cũng không nổi mà còn đổ máu binh sĩ vô ích.

Sau cuộc đầu hàng vô tiền khoáng hậu lớn nhất lịch sử chiến tranh VN, vẫn được phía bên kia giữ nguyên quân hàm giao cho nhiệm vụ… quân quản đám tàn quân của mình! Sau đó tiếp tục mang lon trung tá bộ đội kiểu “không quân” ngồi chơi xơi nước cho đến ngày Giải phóng.

Sau 1975 xuất ngũ chuyển qua Sở Thể dục – Thể thao TP Huế, được phân công cho làm quản lý… sân vận động Tự Do đến năm 2003 về hưu.

Lịch sử sẽ phán xét công hay tội, từ người hùng trở thành kẻ phản bội VNCH nhục nhã hay là người thức thời sáng suốt biết “bỏ tối ra sáng” lại có trách nhiệm và lòng nhân đạo quý trọng mạng sống đồng đội dưới quyền. Một trường hợp như Tổng thống Dương Văn Minh sau này.

1.085 - Phạm Văn Hướng
TRỜI NGÓ LẠI
Thương binh sinh tại Hải Dương. Sống ở Đồng Nai (2011).

Sau 1975 là bộ đội xuất ngũ trở về quê nhà Hải Dương làm nông.

Lấy vợ cùng quê sinh được một gái một trai, gia đình êm ấm. Nào ngờ 2 đứa con khi lớn lên mới có dấu hiệu bị di chứng CĐDC khiến đứa con gái đầu óc chậm phát triển cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, còn đứa con trai thì mắc chứng bại liệt nằm một chỗ.

Bị hàng xóm dị nghị nói ra nói vào mà cuộc sống thời bao cấp ngoài Bắc ngày càng khó khăn nên mới quyết định dắt díu vợ con vào Đồng Nai tìm đường lập nghiệp mong tương lai đỡ hơn.

Nhưng đến lúc này thì bản thân mình mới phát bệnh suy nhược cả người mất sức lao động đẩy cả nhà vốn đã có sẵn 2 con bệnh tật vào chỗ lao đao sắp chết đói tới nơi. Cả người vợ chịu cảnh khổ cũng không nổi nữa nên năm 1996 đành đoạn bỏ nhà bỏ chồng con đi biệt tăm!

Trong cảnh 3 cha con dở sống dở chết như vậy bỗng nhiên trên trời rơi xuống một… nữ thiên thần ra tay cứu vớt gia đình đại bất hạnh này. Ấy là một phụ nữ đã hơi luống tuổi (trên 30) cũng từ Hải Dương vào Đồng Nai thăm bà con qua đó nhân cùng là đồng hương nên mới biết tình cảnh 3 cha con. Thế rồi tự nhiên sinh lòng thương cảm tình nguyện về… làm vợ thương binh, làm mẹ 2 con bệnh hoạn mà không cần phải làm đám cưới gì cả!

Từ đó một mình chị vừa chăm sóc 3 cha con bệnh đủ thứ vừa đi làm thuê kiếm tiền về nuôi tất cả, bao nhiêu vất vả cực nhọc đều gánh vác hết với ước mơ giản dị chân chất “chỉ mong có một mái ấm để vun vén, tối về đỏ lửa thổi cơm, sáng dậy quét tước cửa nhà vậy là vui lắm rồi.”

1.086 - Phạm Văn Sơn
SỬ GIA ĐI CẢI TẠO MẮC BỆNH HỦI
Đại tá VNCH sinh 1915 tại Hà Đông – Mất 1978 ở Vĩnh Phú (64 tuổi).

Học trường Bưởi ở Hà Nội, theo đạo Công giáo. Năm 1949 đi lính Pháp.

Từ thời trẻ đã có xu hướng theo nghề sử học, từng in 2 cuốn sử năm 1949 – 1951 tại Hà Nội trong đó có cuốn “Việt Nam cách mạng sử”.

Sau 1954 di cư vào Nam chuyển qua quân đội VNCH, làm chỉ huy trưởng trường quân báo và trường chiến tranh chính trị. Rồi được cất nhắc chuyển qua làm công việc phù hợp chuyên môn là Trưởng khối quân sử Bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH hàm đại tá.

Từ đó có điều kiện thuận lợi để soạn và in nhiều bộ sử VN từ thời cổ đại đến hiện đại (còn lấy bút danh Dương Châu) nổi bật có “Việt sử toàn thư” 1960, “Quân sử” của VNCH 1967 (5 cuốn), “Việt sử tân biên” 1972 (7 cuốn). Ngoài ra còn quan tâm lấy tư liệu tại chỗ để viết về những trận chiến lớn trong cuộc xung đột Quốc – Cộng như “Vĩ tuyến 17” năm 1959, cuộc chiến Mậu Thân 1968, trận “tử thủ” An Lộc cũng như trận Thành cổ Quảng Trị 1972…

Sau 1975 đương nhiên đi cải tạo miền Bắc rồi mắc bệnh nan y tình nghi bệnh phong cùi (người lở loét, rụng lông mi, ngón tay co quắp…). Không có thuốc men, phương tiện chữa trị nên bị cách ly cộng thêm nhiều chứng bệnh khác cả tim, phổi lẫn suyễn. Chỉ còn biết chờ chết với thái độ bình thản chấp nhận của một người viết sử quá hiểu cái giá phải trả trước bánh xe lịch sư cán qua không thương tiếc không chừa một ai.

Năm 1978 chết tàn mạt trong trại cải tạo Vĩnh Phú, chôn ở vừng rừng núi gần đó.

Năm 1983 cuốn “Việt sử tân biên” được in lại tại Nhật Bản.

1.087 - Phạm Văn Tần
GÀ TRỐNG NUÔI CON CĐDC
Lao động nghèo sinh 1940 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2009).

Vào bộ đội chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và vùng Thượng Lào từ năm 1962.

Năm 1972 bị thương nặng nên được cho xuất ngũ về quê.

Lấy vợ sinh con đầu lòng năm 1974 nhưng được một tuổi thì bệnh mất. Sinh tiếp bé trai thứ hai lớn lên lại mắc chứng tâm thần. Đến đứa con trai thứ ba sinh ra đã bị bại liệt cầm cự sống đến năm sáu tuổi rồi cũng qua đời. Đứa con gái thứ tư sau đó cũng không thoát khỏi hậu quả CĐDC mà người cha lây nhiễm thời chiến tranh nên mắc bệnh chân tay co rút, đầu óc thiểu trí năng.

Cũng may 2 đứa con gái út tương đối lành lặn bình thường. Nhưng đứa em út mới được hai tuổi thì đến lượt người mẹ bị suy tim – hẳn cũng do quá đau buồn thương các con mất sớm - ra đi vĩnh viễn để lại cho chồng gánh nặng nuôi 4 con trong đó 2 đứa – một trai một gái – tâm thần bất ổn cả ngày ở nhà hoặc bỏ đi lang thang không làm được việc gì.

Thế là dù bản thân còn mang vết thương chiến tranh nơi bả vai lẫn trong đầu nhưng vẫn gắng gượng đi làm thuê làm mướn đủ việc nặng nhọc nuôi con được ngày nào hay ngày đó chứ không dám nghĩ đến chuyện lâu dài: “Con mất, vợ mất, những đứa còn sống với mình cũng mắc bệnh không chữa được khiến nhiều lần nghĩ quẩn muốn tìm đến cái chết cho hết chuyện. Nhưng nghĩ lại thương 2 đứa con gái lành lặn đang tuổi học hành mà phải cố sống làm lụng lo cho chúng đến trường…”

Với niềm hy vọng duy nhất là 2 đứa con gái đó học hành khả quan sau này có thể ra đời làm việc để còn thay mình nuôi 2 anh chị bệnh tật.

1.088 - Phạm Văn Thịnh
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 34
Thương binh sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).

Sau khi chiến tranh chấm dứt bị báo tin về quê nhà đã hy sinh mất tích nên đương nhiên được phong liệt sĩ cho thân nhân hưởng chế độ.

Thực sự chưa chết mà chỉ bị thương nặng mất liên lạc với đơn vị cũ rồi trải qua nhiều bệnh viện chữa trị từ nơi nơi này qua nơi khác khiến tưởng lầm đã tử trận. Vì thế mãi đến năm 1989 được cho ra viện mới tìm được đường trở về quê nhà.

Trở về với căn bệnh sốt rét kinh niên dai dẳng trong người mà giấy tờ qua bao năm lưu lạc đã mất hết nên không làm được chế độ thương binh trong khi chế độ “liệt sĩ” tất nhiên phải bị cắt! Đành sống nhờ vào vợ làm mảnh ruộng nhỏ nuôi một chồng 2 con.

Nuôi ăn đã cực rồi huống gì nuôi con học hành, chỉ mong làm được chế độ song thủ tục quá phiền hà chỉ còn biết than thở “Số tôi khổ”!

1.089 - Phan Hoàng Oanh
NHỚ LỜI THỀ CÔN ĐẢO
Cán bộ về hưu sinh tại miền Nam. Sống ở Côn Đảo (2010).

Hoạt động cộng sản nên mới cưới vợ được 5 tháng thì bị bắt giam khám Chí Hòa ở Sài Gòn. Năm 1975 chuyển ra nhà tù Côn Đảo, trở thành một trong những người tù “chuồng cọp” thường xuyên.

Sau ngày giải phóng 30.4.75 thay vì như các bạn tù khác nóng lòng trở về đất liền đoàn tụ gia đình thì bản thân chấp nhận tiếp tục ở lại với Côn Đảo dù ở quê nhà còn mẹ già và người vợ trẻ mong ngóng, thay vào đó chỉ nhờ bạn bè đem thư và kỷ vật về.

Tất cả chỉ vì lời hứa với các đồng chí cũ cùng chung cảnh tù đày nơi đây rằng sau này “người còn sống chăm lo cho người đã chết”, vì vậy tình nguyện ở lại lo chăm sóc phần mộ các liệt sĩ đồng đội.

Sau khi cuộc sống và công việc ở Côn Đảo ổn định rồi mới xin phép về thăm nhà và thuyết phục vợ đem con theo mình… ra Côn Đảo ở luôn!

1.090 - Phan Huy Quát
CỰU THỦ TƯỚNG TRỐN KHÔNG THOÁT
Bác sĩ sinh 1908 tại Hà Tĩnh – Mất 1979 ở TPHCM (72 tuổi).

Tham gia Đảng Đại Việt chống Cộng sản từ thời Pháp nên 1954 di cư vào Nam.

Hành nghề bác sĩ tại Sài Gòn song song hoạt động chính trị gây dựng được uy tín là người trí thức “quốc gia”. Từ đó năm 1964 được mời tham chánh lần lượt giữ chức tổng trưởng giáo dục rồi ngoại giao và cuối cùng qua năm 1965 làm thủ tướng chính phủ thời Hậu – Dương Văn Minh đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm.

Nhưng chính phủ dân sự cuối cùng này (có tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng) chỉ tồn tại được 3 tháng, sau đó phải nhường chỗ cho giới quân sự “tướng trẻ” Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ lên nắm quyền theo Mỹ chủ chiến đến tận ngày miền Nam giải phóng 30.4.75.

Đến thời điểm đó bản thân còn làm bác sĩ bị kẹt lại không di tản kịp do gia dình quá đông người. Vì thế sau đó được các con dẫn đi trốn loanh quanh trong thành phố chờ cơ hội tìm đường vượt biên. Không ngờ bị công an chế độ mới “cài” nội gián gài bẫy bắt giữ cùng người con trai út tại Biên Hòa vào tháng 8.1975. Cùng lúc vợ con bị giăng bẫy bắt vượt biên ở Cần Thơ.

Bị đưa về giam tại khám Chí Hòa – TPHCM. Tuổi già sức yếu cộng thêm bệnh gan nên bốn năm sau qua đời trong tù. Nhờ cha chết mà đến cuối năm đó người con trai đi cùng mới được trả tự do.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét