Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

GẶP LẠI BÙI GIÁNG QUA " ĐƯỜI ƯƠI CHÂN KINH"



Tối 20.12 vừa qua, những người yêu thích thơ Bùi Giáng một lần nữa lại có cơ hội gặp mặt và trò chuyện về thơ ông trong buổi tọa đàm thơ Bùi Giáng diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24, Tràng Tiền, Hà Nội).
Buổi tọa đàm được tổ chức nhân sự kiện cuốn thơ văn tinh tuyển mới nhất của cố thi sĩ mang tên “Đười ươi chân kinh” được xuất bản.

Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa
Đó là cảm nhận của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, cũng là một thành viên trong đại gia đình thi sĩ Bùi Giáng, về nhân vật được coi là “hiện tượng” của thi ca Việt Nam hiện đại này. Chỉ cần điểm qua một cách ngẫu nhiên nhan đề của một số trong rất nhiều bài viết về Bùi Giáng, ta cũng có thể hình dung phần nào về chiếc kính vạn hoa ấy: “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn”, “Bùi Giáng, một tâm hồn mênh mông ảo diệu”, “Bùi Giáng, giang san một gánh dị thường”, “Cuộc hòa giải vô tận: trường hợp thơ Bùi Giáng”… Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, tất cả những ai đến với Bùi thi sĩ đều được ông trao tặng cho chiếc kính vạn hoa ấy, để thấy mình như vui hơn, đẹp hơn, sâu hơn, “vô ngần trong bóng nguyệt”.

Và cũng trong chiếc kính vạn hoa ấy, Bùi Giáng hiện lên với những hình ảnh khác nhau, thiên tài hay kẻ điên cũng chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng. Thơ văn Bùi Giáng không phải ai cũng tiếp cận được, cũng như con người ông, bạn bè thân quen hiểu thì xem ông như một “lão ngoan đồng” lúc nào cũng hồn nhiên, thơ trẻ. Người lạ không biết thì nghĩ ông điên loạn, “dở hơi”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại lần đầu tiên gặp mặt Bùi Giáng ở Sài Gòn: “Đó là ấn tượng khó quên với hình ảnh một ông già tóc bạc ngồi sau chiếc xe thồ, nhưng không ngồi theo kiểu thông thường, mà là ngồi quay lưng lại với anh lái xe, hai tay giơ lên trời như đang đàm đạo với trời xanh. Tôi vẫn băn khoăn về cái dáng ngồi ấy của Bùi Giáng, như là quay lưng lại với tương lai để nói chuyện quá khứ, hay là quay lưng với tất cả những gì xuôi chiều để nói những điều “ngược”: ngược thời gian, ngược với tư duy thông thường…?”
Còn nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn thì kể, hầu như chưa bao giờ thấy Bùi Giáng làm việc, chỉ thấy ông suốt ngày như thế, rong chơi, đùa giỡn với cuộc đời. “Có lần ông vào nhà tôi, thấy mấy chậu hoa lan đẹp liền tròng vào cổ rồi chạy ra đường chơi, ông bảo “Hoa đẹp thế sao lại để một mình chú thưởng, phải mang ra cho thiên hạ cùng ngắm!”; rồi lại có lần ông rượt theo cô dâu ở đám cưới vì thấy cô dâu đẹp quá, kết quả là bị người nhà cô dâu đánh cho “thừa sống thiếu chết”…” – ông Sơn kể lại.

Thế nhưng cũng chính Bùi Giáng ấy, lại có thể ngồi đọc thơ vanh vách cho người khác chép lại, đọc liền một mạch, đọc không ngừng nghỉ. Thơ nói mà hay như thơ viết, có logic, có hệ thống, có triết học hẳn hoi. Cũng chính Bùi Giáng ấy trong một ngày có thể viết tới năm, bảy trăm trang sách. Không chì làm thơ, ông còn dịch thuật, phê bình văn học. Người ta bảo ông đọc nhiều quá nên chữ nghĩa đã ngấm cả vào người, nên lúc cần thì cứ thế mà “tuôn” ra, không cần thời gian suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc.

“Đười ươi chân kinh” – một Bùi Giáng thuần khiết
Có mặt trong buổi tọa đàm, dịch giả Nguyễn Nhật Anh, người biên soạn cuốn “Đười ươi chân kinh” của Bùi Giáng chia sẻ: “Hiện tại có một nghịch lý đang tồn tại khi nói về văn thơ Bùi Giáng. Là một tác gia lớn, với khối lượng tác phẩm đồ sộ hàng trăm đầu sách, nhưng giờ đây, việc đọc và tiếp thu Bùi Giáng lại có tác dụng ngược. Di sản khổng lồ ông để lại trở nên khó tiếp cận với quá nhiều tạp nham, lặp lại, không rõ ràng… Xuất bản miền Nam trước 1975 thường in tác phẩm của Bùi Giáng theo kiểu viết gì in nấy, để lại một Bùi Giáng mênh mông hỗn tạp, thượng vàng hạ cám, và hẳn là “tẩu hỏa nhập ma” trong những thời kỳ “điên rực rỡ”. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những quan điểm trái ngược nhau về con người và thơ ca Bùi Giáng”.

Bởi vậy, “Đười ươi chân kinh” xuất bản lần này đã làm nhiệm vụ gạn lọc, bỏ đi những thứ tạp nham, trôi nổi và giữ lại một Bùi Giáng thuần khiết, một Bùi Giáng rất vui, nhưng cũng rất triết, rất sâu. Tuyển tập dành phần ưu tiên cho những thi phẩm của Bùi Giáng xuất bản trước 1975, thời kỳ Bùi Giáng vẫn còn là một “trung niên thi sĩ” đích thực. Ngoài ra, cuốn sách cũng dành một chương cho những câu thơ lẻ xuất thần được nhiều người yêu thích của Bùi Giáng, những câu thơ như: “Yêu cầu cô bán cho tôi/ Một bó rau muống chịu chơi quê nhà” hay “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”…

Bên cạnh thơ là phần dành cho đoản văn và tiểu luận, cùng với một tập truyện chưởng “Kim kiếm điêu linh” của tác giả Ngọa Long Sinh do Bùi Giáng dịch. Tất cả nhằm tạo nên một bức họa đầy đủ nhất về con người và sự nghiệp của “đười ươi thi sĩ”, một huyền thoại sống đúng nghĩa, một gương mặt văn học đa tạp thuộc loại kỳ lạ nhất, người được nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ví như một thiên tài – “thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại”.

Theo Thu Thủy - LĐO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét