Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011
CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 96)
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
961 - Nguyễn Nhật Ánh
VƯỢT QUA LÝ LỊCH ĐI LÊN
Nhà văn sinh 1955 tại Quảng Nam. Sống ở TPHCM (2011).
Học ở Đà Nẵng, từ năm 13 tuổi đã có thơ đăng báo. Năm 1973 vào Sài Gòn học ngành sư phạm.
Biến cố 30.4 đến vào lúc sắp tốt nghiệp sư phạm thì vướng vào vấn đề lý lịch thuộc loại “đen” do cha làm quan chức chống Cộng ở quê nhà phải đi cải tạo dài ngày.
Biết khó vươn lên nổi trong tình cảnh bị chính quyền mới nghi kỵ nên tình nguyện không chờ bổ nhiệm đi dạy học mà gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đợt đầu tiên (cùng nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Lã Văn Cường) lên đường đi khai hoang ở Tây Nguyên.
Chính trong môi trường này đã có cơ hội được tự do phát triển tài năng, nhiệt huyết đặc biệt về phương diện sáng tác văn chương. Từ đó nổi lên là một nhà thơ TNXP hàng đầu với bài thơ ấn tượng “Đầu xuân ra sông giặt áo” được đồng đội phổ nhạc.
Nhờ đó cùng Đỗ Trung Quân được rút về làm Bộ Chỉ huy TNXP tại TPHCM, tham gia làm tập san Tuyến đầu của TNXP TPHCM. Bắt đầu cộng tác với các báo, gặp được “thầy” Hoàng Ngọc Biên dìu dắt, giúp đỡ.
Trong thời gian này đã có một cuộc tình từng gây xôn xao nội bộ cơ quan: Con quan chức Ngụy “gộc” mà dám yêu và định kết hôn với nữ thủ trưởng đảng viên nòng cốt dân thành phố đi lên từng được xem là gương điển hình tiên tiến của thanh niên TPHCM! Tất nhiên tổ chức đảng không đồng ý song đôi lứa dũng cảm tranh đấu cuối cùng lấy được nhau đến nay vẫn hạnh phúc đầm ấm.
Năm 1986 được báo Sài Gòn Giải Phóng nhận vào làm phóng viên viết văn hóa văn nghệ và cả bóng đá nữa. Cũng năm này in tập thơ riêng đầu tiên “Đầu xuân ra sông giặt áo”.
Nhưng cũng từ đó, rất nhạy bén thị trường nên ít làm thơ nữa mà quay qua viết truyện đặc biệt tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên – tuổi teen, tuổi mới lớn bây giờ - dần dà trở thành nhà văn số 1 ăn khách nhất của lớp tuổi này.
Nổi bật là bộ truyện “Kính vạn hoa” gồm đến 51 tập viết từ năm 1995 – 2002 (và còn viết tiếp) đạt nhiều kỷ lục “Bộ truyện phát hành nhiều nhất” (2 triệu bản), “Bộ truyện nhiều nhân vật nhất” (khoảng 200 nhân vật), “Tác giả nhận thư độc giả phản hồi nhiều nhất” (hơn 10.000 bức thư)… Năm 2009 có cuốn truyện pha hồi ký “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đoạt giải Văn học ASEAN 2010.
Đến nay đã in gần 100 tác phẩm trong đó thơ chỉ có 1 tập in chung 3 tập in riêng, tập cuối tận năm 1994.
962 - Nguyễn Quý Đức
NẠN NHÂN MẬU THÂN QUÊN HẬN THÙ
Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh 1959 tại Huế. Sống ở Hà Nội (2011).
Trong biến cố Mậu Thân 1968 tại Huế, cha là quan chức cao cấp chính quyền VNCH nên bị cộng sản xem là tù nhân chính trị bắt đem ra Bắc. Mẹ là nhà giáo (dòng họ Nguyễn khoa nổi tiếng) may mắn đem các con trốn thoát vào Đà Nẵng rồi Sài Gòn làm nghề bán mì sợi vỉa hè nuôi các con.
Đến 30.4.1975 bản thân được mẹ gửi cho gia đình ông cậu di tản qua Mỹ sống với người anh đi du học bên đó từ trước.
Lớn lên vào đại học theo ngành phát thanh truyền hình.
Ra trường 1979 ban đầu làm công tác xã hội, sau chuyển hẳn qua làm đài phát thanh vừa viết báo, viết văn (thơ, truyện ngắn, kịch, tiểu luận…), dịch thuật.
Trong lúc đó mẹ và anh chị em vẫn còn ở Sài Gòn. Năm 1980 cha mới được thả ra sau 12 năm cầm tù. Năm 1984 cả gia đình mới được cho qua Mỹ đoàn tụ gia đình, chỉ có một em gái mắc bệnh từ nhỏ chết chôn trong nước.
Năm 1989 quyết định trở về VN bất chấp cha phản đối, ban đầu với mục đích đem tro cốt người em gái qua thờ. Nhân đó về lại Huế quê nhà thơ ấu không còn gặp ai quen biết ngày xưa nữa tuy vẫn còn căn nhà cũ của ông nội nay một ông chú – bộ đội miền Bắc vào! -- đang ở.
Từ đó bắt đầu quá trình làm quen lại với quê hương dù gặp không ít khó khăn, bị chính quyền nghi kỵ là nhà báo từ Mỹ nên theo dõi, hạn chế việc đi lại đây đó để tìm đề tài viết. Nhưng vẫn kiên trì đi thăm thú khắp nơi, ra tận Hà Nội gặp gỡ giới văn nghệ sĩ tiến bộ.
Cứ thế về VN liên tục 5 lần, có lần ở đến 6 tháng. Qua đó lấy cảm hứng viết một loạt bài về “quê hương tìm thấy lại” đăng báo Mỹ (cả tờ nổi tiếng như New York Times) được tặng giải thưởng báo chí Mỹ về đề tài nước ngoài, tuyên dương là một trong 30 nhà báo Mỹ gốc Châu Á xuất sắc. Đồng thời còn dịch một số tác phẩm của các nhà văn nhà thơ VN hiện đại – Hữu Thỉnh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê… -- ra tiếng Anh.
Năm 2006 quyết định về Hà Nội… ở hẳn, còn đưa bà mẹ 82 tuổi về theo.
Một năm sau bỏ tiền ra mua đất trên đỉnh núi Tam Đảo xây căn nhà kiểu rất Tây toàn bằng đá và kính thủy tinh. Dùng làm nơi làm việc của một người “không bị ràng buộc bởi những ân oán xưa cũ của chiến tranh” tiếp tục viết về các đề tài văn hóa, văn học, nghệ thuật, xã hội VN hôm nay gửi đăng báo Mỹ.
963 - Nguyễn Quỳnh Lộc
NHẬT KÝ CỦA NGƯỜI SỢ MẤT TRÍ NHỚ
Nông dân sinh 1954 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2011).
Năm 1972 đi bộ đội vào chiến trường Buôn Ma Thuột, sau 1975 còn qua chiến đấu ở Campuchia.
Năm 1985 giải ngũ về quê, lấy vợ năm 1987 sinh được 4 con.
Bản thân mang nhiều thương tích trên chiến trường miền Nam với thân thể chi chít vết sẹo đạn bom, một chân không co lại được làm đi đứng rất khó khăn, tai trái bị điếc đặc vì sức ép của bom. Nặng nhất là vết thương ở đầu gây chứng đau đầu kinh niên khiến những lúc đó gần như mất trí nhớ luôn.
Vì vậy thường xuyên viết nhật ký công việc hàng ngày đề phòng sau cơn đau đầu nếu lỡ quên mất ký ức chuyện cũ thì đọc lại để nhớ mình – và gia đình – là ai, ở đâu, làm gì!
Cuốn nhật ký đó cũng là cuốn “lịch sử” CĐDC của đời mình và đời con. Bởi từ CĐDC bản thân nhiễm phải đã sinh ra 3 trong 4 đứa con đều chịu di chứng, trầm trọng nhất là dứa con trai thứ ba sinh năm 1993 có hình hài nhỏ xíu dị dạng, cụt cả 2 tay từ khi mới lọt lòng mẹ, đầu to, mắt thụt sâu vào. Đến 4 tuổi vẫn chưa biết nói biết đi nằm liệt một chỗ phải nuôi bằng nước cơm.
Dù vậy người cha đã làm tất cả để cho con được sống. Không chỉ thế, dần lớn lên còn giúp con tự học mẫu giáo ở nhà bằng cách lấy chân tập viết mất 3 năm, 9 tuổi mới đượïc nhận vào lớp 1. Tốt nghiệp THPT rồi thi đậu vào ĐH Công nghệ thông tin TPHCM. Thế là bây giờ lại một tay cha đưa con vào trường, thuê nhà ở thành phố để chăm lo cho con ăn học.
Tất cả hành trình cuộc đời vất vả rướm máu ấy (ngón chân con kẹp bút tập viết đến trầy da tươm máu) đều được ghi chép lại trong cuốn vở học trò mà người cha luôn mang theo trên từng dặm đường đưa con hòa nhập với xã hội, cuộc sống: Nhật ký Cha – Con Chất độc da cam.
964 - Nguyễn Rường
NGƯỜI NGÂM NƯỚC
Thương binh sinh tại Ninh Bình. Sống ở Ninh Bình (2005).
Bộ đội trên chiến trường miền Nam bị thương nặng với 3 mảnh đạn xuyên vào đầu không lấy ra được khiến liệt nửa người (thương tật 81%) được đưa về trại an dưỡng Hà Nam.
Vết thương chí mạng để lại nhiều di chứng nói ngọng, đau đầu, lên cơn co giật, mê sảng (hô xung phong, tấn công như đang còn ở trong trận chiến). Những lúc đó trong người nóng như thiêu đốt, như có lửa cháy toàn thân khiến cứ bắt đi tắm mãi cho người đỡ nóng.
Thấy mình đã tàn tật rồi nên có ý muốn chia tay với mối tình thời trẻ cùng cô thôn nữ hàng xóm ngày xưa, cố giấu biệt tin tức về mình không cho cô biết .
Không ngờ người yêu vẫn một lòng chung thủy không chịu, cô đã đi khắp các bệnh viện, trại an dưỡng đến đâu cũng chìa bức ảnh anh ra hỏi tìm. Cuối cùng cũng tìm được song anh một mực cự tuyệt, không muốn làm gánh nặng cho cô. Nhưng cô kiên quyết không từ bỏ, quyết định tiến tới làm đám cưới đàng hoàng năm 1971.
Từ đó một mình người vợ đảm vừa làm ruộng thay chồng vừa lo chăm sóc chồng thường xuyên tái phát bệnh cũ. Khi chồng tỉnh trí còn tập nói tập đi dần dần cho chồng.
Sợ nhất là khi trời nắng chồng phát cơn nóng trong người đến nổi cuồng chạy đi lung tung khắp nơi kiếm chỗ nào có ao làng nhảy ùm xuống dầm người cả buổi cho người đỡ nóng. Có khi vì vậy mà suýt… chết đuối! Đến nỗi trẻ con hàng xóm gọi là “Thủy tinh”, “Thủy thần” của làn
Ấy vậy mà cả 2 vợ chồng lại… sinh đến 6 đứa con.
Chị vợ vẫn nuôi được mới quá giỏi, nuôi cả chồng bệnh thập tử nhất sinh lẫn đàn con nheo nhóc nơi quê nghèo, cả 30 năm nay rồi. Bây giờ đã có cháu!
965 - Nguyễn Tấn Đời
“THẦN TÀI” MỘT THỜI
Doanh nhân sinh tại Châu Đốc - Mất ở Mỹ (70 tuổi).
Xuất thân gia đình nông dân nghèo. Lớn lên làm nghề buôn trâu bò qua biên giới VN – Campuchia kiếm được nhiều tiền nhờ năng khiếu bẩm sinh rất nhạy bén chuyện kinh doanh tuy không được học hành đàng hoàng.
Có số vốn kha khá rồi năm 1954 lên Sài Gòn tìm cách “đổi đời”.
Và ông Đời quả là đã “đổi đời” thật với bí quyết kinh doanh giữ chữ tín, biết nhìn xa trông rộng và chớp thời cơ nhanh.
Bắt đầu từ được nhận vào làm nhân viên Ngân hàng Việt Nam Thương Tín dần leo tới chức trưởng phòng. Đến đó đã học nghề buôn tiền giỏi rồi mới xin nghỉ việc năm 1966 để ra ngoài một tay dựng nên cơ đồ Tín Nghĩa Ngân Hàng năm 1967 thành công rực rỡ với logo trứ danh “Ông Thần Tài” tay cầm xâu tiền cực kỳ đắt khách. Ngân hàng có vốn ký thác tới 30 tỉ đồng thời đó trong khi các ngân hàng tư nhân khác gộp lại cũng chỉ cỡ 18 tỉ đã tấn phong danh hiệu “Vua ngân hàng”.
Bên cạnh đó còn lập hãng sản xuất gạch bông đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng thời Mỹ đổ quân vào miền Nam. Kiêm thêm kinh doanh địa ốc, xây bệnh viện tư, khách sạn, cao ốc cho thuê hà rầm với thêm biệt danh “Vua building”.
Cứ thế tiếp tục phất lên gặt hái thành công lớn trở thành một trong những đại gia giàu nhất lúc đó với tổng gia sản ước tính trị giá 22 tỉ đồng.
Chưa hết, lại nhảy vào chính trị ứng cử và đắc cử dân biểu Hạ viện.
Đang lên như diều thì đùng một cái giữa năm 1974 bị chế độ Nguyễn Văn Thiệu bắt bỏ tù vì tội kinh doanh phạm pháp (?). Có dư luận cho tại vì việc kinh doanh kể trên cạnh tranh với việc làm ăn mờ ám của phe Tổng thống Thiệu vốn cũng có một ngân hàng riêng là Kỹ Thương Ngân Hàng. Cũng có giả thuyết đương sự có ý ra… ứng cử tổng thống nên TT Thiệu ngại phải “cắt cầu” trước.
Biến cố 30.4.75 giải phóng miền Nam vô tình giúp “giải phóng” luôn ông chủ ngân hàng cũ ra khỏi tù chạy về vùng quê Rạch Giá để… vuợt biên qua Canada!
Nhưng trên đất Canada nay đã trắng tay theo nghề ngân hàng coi bộ không xong nên đành xoay qua mở nhà hàng bán món ăn Nhật Bản. Được một thời gian thì chuyển qua Mỹ định cư tiếp tục sự nghiệp mới làm chủ nhà hàng tại Florida.
966 - Nguyễn Thanh Liêm
“BẢO TÀNG HOLLYWOOD” Ở VN
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1950 tại Huế. Sống ở TPHCM (2011).
Xuất thân gia đình nghèo (mẹ chằm nón nuôi 9 con) nên năm 1975 di tản qua Mỹ hướng tới sự nghiệp “đổi đời”.
Hành trình thay đổi kiếp nghèo đó không đơn giản mà rất gian nan vất vả. Bắt đầu từ làm lao động rửa bát đĩa nhà hàng, bảo vệ, lái xe cho bãi bán xe cũ… Được một thời gian dành dụm được ít tiền thì lại rơi vào cạm bẫy đỏ đen Las Vegas nướng sạch!
Trở lại tay trắng hoàn trắng tay đành đi làm bồi nhà hàng, dọn dẹp vệ sinh kiếm sống qua ngày… Cuối cùng học nghề làm tóc (kiêm nhuộm tóc, dưỡng da mặt, làm móng) rồi xin vào khách sạn xịn ở Hollywood trung tâm điện ảnh Mỹ và thế giới. Nhờ đó có dịp làm quen với nhiều ngôi sao màn bạc quốc tế lẫn giới thượng lưu Beverly Hill (khu biệt thự nhà giàu, nghệ sĩ tiếng tăm).
Ngẫu nhiên sao cùng lúc lại làm quen với nghề mua bán đồ cổ đâm mê, dần dà mở đến 7 cửa hàng đồ cổ tại đây. Từ đó có sáng kiến kết hợp nghề đồ cổ với giới nghệ sĩ đã quen biết để dần dà trở thành chuyên gia sưu tầm đồ cổ về giới này như tranh ảnh (kèm chữ ký diễn viên, đạo diễn, biên kịch), bích chương quảng cáo phim, các trang phục đóng phim, sách báo nghệ thuật thứ bảy, đạo cụ phim ảnh…
Công việc làm ăn đang phát triển thì đến năm 2002 gặp một sự cố trong gia đình gây buồn phiền mới mua vé về thăm quê mong tìm niềm an ủi cho khuây khỏa tâm sự. Qua đó gặp lại bà con, bạn bè, cây đa cũ bến đò xưa bao kỷ niệm đưa đến xúc cảm suy nghĩ phải làm gì đó để đóng góp cho quê hương.
Thế là nảy sinh ý nghĩ còn gì hơn bằng đóng góp cái mình đã và đang có sẵn trong tay là “gia tài” đồ cổ lưu niệm Hollywood quý hiếm kia?
Nghĩ là làm, bèn lần lượt “tha” bao nhiêu món đồ cổ đó theo từng chuyến bay về nước, đích thân mình mang về hoặc gửi con cái, người quen đưa về. Cả ngàn món như vậy.
Cuối năm 2008, “Bảo tàng Hollywood ở VN” được mở cửa tại một căn nhà 3 tầng lầu ngay trung tâm TPHCM. Đây cũng là địa chỉ định cư luôn của chủ nhân bảo tàng.
967 - Nguyễn Thanh Thủy
NỮ NGỤY QUÂN ĐI CẢI TẠO LÂU NHẤT
Sĩ quan cảnh sát VNCH Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1945 tại Mỹ Tho. Sống ở Mỹ (2011).
Gia đình Thiên Chúa giáo, học ĐH Đà Lạt.
Tốt nghiệp về Sài Gòn gia nhập cảnh sát chế độ cũ năm 1966, được gửi đi Malaysia học nghiệp vụ tình báo đặc biệt, trở về làm chuyên viên cảnh sát cấp phòng ở bộ tư lệnh. Đến năm 1969 được bổ nhiệm thiếu tá làm biệt đội trưởng biệt đội Thiên Nga, lực lượng điệp báo nữ thành lập năm 1968 với nhiệm vụ cài người vào nội bộ Việt Cộng lấy tin tức, gây chia rẽ cộng sản.
Đến biến cố 30.4.75 đã tự tay kịp đốt hết hồ sơ về tổ chức Thiên Nga trước khi đi cải tạo (để lại 3 con từ 4-7 tuổi cho bên ngoại nuôi) đến 13 năm (hơn 70 lần bị xét hỏi điều tra nhằm tìm đầu mối Thiên Nga trong nội bộ cộng sản), lâu nhất đối với một ngụy quân ngụy quyền nữ. Chấp nhận “Mình làm mình chịu. Tôi làm với hết lương tâm và trách nhiệm trong công việc và chấp nhận sự phán xét theo pháp luật của mỗi thời cuộc.”
Chồng là đại úy quân đội cũng đi cải tạo nhưng chỉ 6 năm, năm 1981 ra trại phải lo việc… đi thăm nuôi vợ!
Năm 1988 được trả tự do, về làm nghề bán quán cà phê cóc cơm tấm lề đường Sài Gòn. Song song đó vẫn tự tay ký giấy “chứng nhận công tác” cho đội viên Thiên Nga cũ làm hồ sơ đi H.O.
Phần mình năm 1992 mới đi Mỹ.
Nhưng cuộc sống riêng vẫn không gặp may mắn khi 2 con gái đều bị khuyết tật, con đầu bệnh chết trẻ năm 2002, con út mắc bệnh bẩm sinh. Ngậm ngùi “Nhìn lại thấy đời sao lăn lóc quá” nên tìm quên trong công tác xã hội phụ trách trong Hội Cựu quân nhân VNCH ở Mỹ.
968 - Nguyễn Thị Ba
CÁN BỘ “OAN THỊ KÍNH”
Cán bộ về hưu sinh 1926 tại Trà Vinh. Sống ở Trà Vinh (2011).
Là du kích từ thời chống Pháp. Đến 1954 chồng tập kết ra Bắc, để lại vợ và 6 con (4 trai 2 gái).
Sau đó chồng được đặc phái vượt biển bí mật vào Nam trong kế hoạch “Những chuyến tàu không số” vận chuyển vũ khí vào Nam chi viện cộng sản đánh Mỹ. Trong một chuyến đi năm 1964 (ông chồng 16 lần vào ra như vậy), tổ chức cho phép 2 vợ chồng vào bưng gặp nhau 2 ngày tuyệt đối không cho ai biết.
Sau lần gặp nhau đó, chồng quay lại miền Bắc còn vợ trở về thị xã không ngờ… mang thai! Nhưng phải giữ “bí mật quân sự” không dám hé răng báo là mang thai với chồng nên đành nhận đại là…dan díu với người khác!
Thế là bị khai trừ Đảng vì lý do mất tư cách đạo đức, cả gia đình chồng cũng từ dâu cấm lấy họ chồng đặt tên cho đứa “con hoang” này (con gái).
Phải ngậm đắng nuốt cay làm lụng vất vả chẳng ai giúp đỡ để nuôi con bây giờ thành 7 đứa.
Sau 75 ông chồng trở về mới biết mình… có thêm đứa con gái út nữa!
Bấy giờ nội bộ tổ chức mới biết rõ sự thật song vẫn chưa được phép công khai do đường lối chính sách lúc đó giải thích giải phóng miền Nam là do nhân dân miền Nam nổi dậy chứ miền Bắc không can dự gì, không tiếp tế hay đưa quân vào.
Vì thế trên thực tế vẫn không hề có văn bản hay hành động nào nhằm minh oan khôi phục danh dự cho bà vợ dù ông chồng được phong Anh hùng, cả trước khi ông mất năm 2005. Ngay lịch sử đoàn “tàu không số” mãi đến năm 2010 mới bắt đầu được nói đến
Đến thời Đổi Mới có thể làm được việc giải “oan Thị Kính” cho bà vợ thì nay đã lại…quá lâu rồi, muộn rồi, ai cũng quên hết rồi thì làm chuyện đó làm gì nữa!
969 - Nguyễn Thị Đắp
MẸ LIỆT SĨ 95 TUỔI MỘT MÌNH NUÔI CON BẠI NÃO
Nông dân sinh 1917 tại Hà Nam. Sống ở Hà Nam (2011).
Sinh được 3 con trai thì con đầu mạnh khỏe nhất lên 18 tuổi tình nguyện đi bộ đội vào chiến trườøng Quảng Trị rồi… mất tích luôn!
Hai đứa sau, một mất sớm còn một từ nhỏ đã mắc bệnh bại não nằm liệt một chỗ không làm gì được. Chồng chán nản bỏ nhà đi biệt tích luôn.
Còn lại một mình lủi thủi tự tay chăm sóc con đã 54 năm nay, con bây giờ chừng ấy tuổi mà cơ thể chỉ như đứa trẻ lên năm. Một mình cụ làm tất cả từ bón cơm đến gặt áo quần, dọn vệ sinh...
Đã vậy từ mấy năm nay cụ lại rơi vào cảnh… mù lòa!
970 - Nguyễn Thị Hoàn
“BÀ CÒNG” NUÔI CHÁU NGƯỜI TA
Lao động nghèo sinh 1916 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2006).
Thời đánh Pháp, chồng đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường về đổ bệnh nặng qua đời để lại mình và 3 con nhỏ.
Đến thời đánh Mỹ, nhà bị bom đánh trúng làm chết con gái. Còn lại 2 con trai thì đứa lớn xung phong đi bộ đội vào chiến trường miền Nam. Còn lại 2 mẹ con sống lam lủ qua ngày, đứa con trai út lại lại bị bệnh ngớ ngẩn không học hành gì được đành làm nghề kéo xe chở hàng thuê kiếm được đồng nào hay đồng nấy.
Ngày giải phóng thống nhất đất nước cũng là ngày nhận hung tin con trai đầu đã hy sinh ở trong Nam mà nhà quá nghèo không sao đi thăm mộ được. Cùng lúc bỗng nhiên trên lưng nổi lên một khối u ngày càng lớn bằng quả bí ngô như thể gánh nặng cuộc đời ngày càng đè cả khối đá lên lưng mẹ già nay mang thêm tên “bà Còng” từ đó!
Rồi con trai duy nhất còn lại cũng lấy vợ sinh con đầu lòng đem lại chút nguồn an ủi cho bà nội tuổi già bệnh tật lao đao cả đời. Nhưng đến đứa cháu thứ hai thì lọt lòng mẹ đã không sống nổi vì suy dinh dưỡng.
Thế mà cả gia đình nghèo khốn tận cùng này lại vẫn đa mang nợ đời từ năm 1991 nuôi thêm… 3 đứa con nữa vốn bị bỏ rơi từ lúc sơ sinh. Toàn do anh con trai nhặt được ở nghĩa trang, bãi rác, bệnh viện đưa về giao cho mẹ lo.
Thật là một gia đình lạ lùng với “bà Còng” mẹ liệt sĩ hơn 90 tuổi còn chăm sóc hết lòng cho 4 đứa cháu trong đó hết 3 đứa là con người dưng nước lã, còn người con trai tuy tâm trí không bình thường song lại tốt bụng hơn biết bao người lành mạnh.
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét