Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 97 )



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

971 - Bùi Minh Kiểm
HAI VỢ CHỒNG CÙNG LO CHO LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh 1940 tại Hải Phòng. Sống ở Đà Nẵng (2011).
Năm 18 tuổi tình nguyên đi bộ đội đặc công vào Nam chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà ròng rã gần 12 năm.
Sau 1975 ở lại luôn Đà Nẵng, lấy vợ cũng là đồng đội trong đơn vị pháo binh.

Dù hoàn cảnh gia đình 2 cựu chiến binh còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng theo đuổi việc đi tìm hài cốt đồng đội còn mất tích trong đó có nhiều bạn cũ quê Hải Phòng, có người tự tay mình chôn.

Từ năm 1992 lặn lội về các chiến trường cũ tìm được di hài của khoảng 50 đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ hoặc thông báo cho gia đình vào nhận đem về quê.

Trong trường hợp thân nhân không có điều kiện vào thì bà vợ nhận nhiệm vụ đưa hài cốt về cho thân nhân ngoài Bắc.

Tuy mắc bệnh cao huyết áp và chảy máu dạ dày nhưng vẫn tiếp tục hành trình tìm mộ liệt sĩ: “Bom đạn không giết nổi thì ba cái bệnh này với mưa rừng gió núi bây giờ có sợ gì…”

972 - Đặng Sỹ Ngọc
CHẠY XE ÔM LẤY TIỀN IN NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG
Lao động nghèo sinh 1948 tại Hà Tĩnh. Sống ở Nghệ An (2011).

Dù là con trai duy nhất được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng năm 1966 lúc 18 tuổi vẫn làm đơn tình nguyện đi bộ đội vào chiến trường Quảng Trị năm 1967.

Trên chiến trường này chỉ trong vòng 6 tháng đã 3 lần bị thương nặng, lần cuối vết thương bị nhiễm trùng nên phải đưa về hậu phương miền Bắc chữa trị. Điều trị hơn một năm đến 1969 xin quay lại chiến đấu, được chuyển qua đơn vị pháo cao xạ.

Ở chiến tuyến mới lại trúng bom Mỹ bị thương thêm 4 lần nữa, lần sau cùng năm 1972 lủng bụng lủng ruột nên một lần nữa phải chuyển về Hà Nội qua 8 lần giải phẫu chữa thương. Được xác định thương tật 81% (tai điếc vì sức ép của bom) nên được cho về trại điều dưỡng thương binh Quân khu 4 ở Nghệ An chờ xuất ngũ.

Vốn từ nhỏ đã có năng khiếu và say mê văn chương nên trong suốt thời gian đi chiến đấu hễ có thời gian rảnh là tranh thủ cắm cúi ngồi ghi chép lại “nhật ký chiến trường” của riêng mình, hết tập vở này qua tập vở khác. Tất cả may mắn vẫn còn lưu giữ được qua bao khói lửa đạn bom.

Thế rồi khi nằm trại an dưỡng số mệnh đưa đẩy cho gặp lại cô bạn học ngày xưa nay là y tá, tình cảm được vun đắp lại tiến tới hôn nhân năm 1975. Sau đó giải ngũ cùng vợ ở lại luôn Nghệ An sinh sống cho tiện vợ làm việc.

Cuộc sống sau chiến tranh vô vàn khó khăn nhất là khi phải nuôi 3 con nên bản thân chấp nhận chạy xe ôm để kiếm tiền thêm xoay xở cho gia đình. Ngoài ra rảnh rỗi xem lại, bổ sung “nhật ký chiến trường” ngày xưa nay đã lên tới con số 19 tập với hy vọng sẽ có ngày được in.

Năm 2006 một nhà xuất bản đã biên tập lại 3 cuốn trong số đó in thành cuốn “Trời xanh không biên giới”. Còn lại 16 tập còn để đó chờ dành dụm tiền chạy xe ôm in tiếp.

Cũng chính nhờ những ghi chép trong bộ nhật ký chiến tranh đó đã giúp tìm được 6 ngôi mộ đồng đội cũ mất dấu vết từ lâu. Khi đó tạm nghỉ chạy xe ôm lên đường cùng thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ.

973 - Đỗ Nam Cao
HAI DÒNG THƠ
Nhà thơ tên thật Đỗ Sơn Cao sinh 1948 tại Hà Tây – Mất 2011 ở TPHCM (64 tuổi).

Tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 tình nguyện mang ba lô vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Nhận nhiệm vụ ở Ban VHVN Trung ương Cục miền Nam, thường hoạt động ở vùng Sài Gòn và miền đông Nam bộ.

Bắt đầu làm thơ chủ yếu ca ngợi quê hương, làng quê yêu dấu với phong vị đồng quê trong sáng hồn hậu (thơ “Ngọn gió làng”).

Năm 1973 gặp mối tình đẹp lý tưởng, kết hôn với một nữ tù cộng sản tuổi đôi mươi được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Sau ngày hòa bình, tiếp tục ở lại TPHCM làm đài phát thanh rồi Nxb Văn hóa – Thông tin. Có mối quan hệ giao hảo chân tình giúp đỡ giới văn nghệ sĩ trẻ đô thị miền Nam kể cả thuộc chế độ cũ.

Nhưng nhiều năm sau bỗng nhiên rút vào sống tách biệt, xa cách bạn bè, chuyển qua làm kinh doanh nhà hàng. Vẫn còn làm thơ nhưng ít công bố và đặc biệt bây giờ chuyển hướng qua dòng thơ nội tâm mang màu sắc tâm sự u uất nặng nề khác hẳn trước đây. Như bài “Thơ tôi” (1987):

“… Thơ tôi đè nặng ngọn bút
Nặng đè ngực nhứt buốt tim
Vụt chói lòa mất hút
Ngẩn ngơ em sợ hãi tìm…
Thơ tôi khổ qua mướp đắng
Xù xì gai góc sầu riêng một nỗi
Thơ tôi đọc nổi da gà
Mượt mà mướt mà cỏ gấu
Đắng cay giấu dưới tầng sâu…”

Thơ đổi khác có lẽ từ cảnh đời riêng gặp cú sốc tinh thần khi người vợ cựu nữ tù sau này làm cán bộ khá lớn liên quan một vụ án tham nhũng ở Sở Lương thực TPHCM nổi cộm thời đó khiến phải ra tòa lãnh án tù - tù 2 chế độ!

Tuy sau này người vợ được chiếu cố giảm án đã ra tù nhưng dường như vẫn khiến cho nhà thơ thành “con người luôn cười to để quên những nỗi đau thầm lặng”.

Qua đời lặng lẽ do mắc bệnh nan y.

974 - Lê Thị Hằng
BỆNH XƠ CỨNG BÌ
Học sinh sinh khoảng 1995 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2011).

Cha là bộ đội trên chiến trường miền Nam.
Sau 1975 cha xuất ngũ về quê làm ruộng. Bản thân bị nhiễm CĐDC mà không biết nên vẫn lấy vợ sinh được 4 con thì 2 chết yểu, một bị bệnh tâm thần từ nhỏ.

Đến con gái út ngay từ nhỏ mắc chứng bệnh kỳ lạ hiếm có là bệnh xơ cứng bì cũng do hậu quả CĐDC. Đây là loại bệnh làm da người bệnh dần xơ cứng như vảy nến, càng ngày da càng căng ra rồi chảy máu bong tróc ra.

Vì thế khắp cả mặt em da xù xì sần sùi, da mí mắt cũng xơ cứng lại khiến không khép mắt lại được, không ngủ được mà khóc cũng không được! Làn da đầu căng lên không mọc tóc nổi làm đầu nhẵn thín to bất thường. Đi đâu em cũng phải trùm mũ áo dày cộm, đeo mắt kinh đen to để che mặt.

Không đi học được song ở nhà mê nhạc được cha dạy đàn khuây khỏa đôi chút nhưng rồi làn da tay căng lên làm cả cánh tay, bàn tay cứng đơ không còn đàn được nữa.

Cả 2 cha con phải ra tận Hà Nội cầu cứu bệnh viện chữa trị chưa biết kết quả thế nào.

975 - Nguyễn Thị Huỳnh
“CHỊ TƯ HẬU”
Cán bộ về hưu sinh 1920 tại Khánh Hòa – Mất 2003 ở Nha Trang (83 tuổi).

Học trường Tây ở Nha Trang nhưng đã sớm theo cách mạng đánh Pháp. Lấy chồng có 3 con, chồng là cán bộ lãnh đạo cộng sản khu vực miền Trung này.

Sau 1954 đưa các con tập kết ra miền Bắc, chồng vẫn ở lại bám trụ gây dựng cơ sở chuẩn bị đánh Mỹ.

Tại Hà Nội tái phát bệnh từ thời bị Pháp bắt cầm tù tra tấn nên phải vào bệnh viện giải phẫu 4 tiếng đồng hồ gặp lúc thiếu thốn thuốc men nên mổ mà không có thuốc gây mê khiến mổ xong xỉu luôn.

Trường hợp này được nhà văn trẻ Nam bộ tập kết Bùi Đức Ai (tức Anh Đức sau này) lấy nguyên mẫu làm nhân vật chính “chị Tư Hậu” để viết nên cuốn tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện”. Tác phẩm lập tức đoạt giải văn chương miền Bắc rồi sau đó được chuyển thành phim truyện nhựa “Chị Tư Hậu” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Trà Giang đóng vai chính) cũng được trao giải lớn Liên hoan phim VN lần thứ hai năm 1973. Cả truyện lẫn phim đều được xem như tác phẩm nổi tiếng điển hình cổ vũ miền Nam đánh Mỹ.

Sau 1975 cùng các con trở về Nha Trang gặp chồng bấy giờ làm lãnh đạo cao cấp tỉnh. Vừa giúp việc cho chồng vừa lo nuôi con ăn học thành tài.

Năm 1990 vừa nghỉ hưu, chồng lâm bạo bệnh nằm liệt một chỗ. Thế là hơn 10 năm chỉ một tay mình lo chăm sóc chồng để con cái yên tâm công tác.

Tuổi già sức yếu nên năm 2003 khi chồng vẫn còn nằm trên giườøng bệnh thì bản thân lại suy sụp bị tai biến qua đời.

Trước đó đã xin trả lại khuôn viên căn nhà được cấp rộng hơn 3.000m2 “đất vàng” ở thành phố biển đang nổi lên là trung tâm du lịch phát triển nhất nước để Nhà nước xây ngân hàng, chỉ giữ lại mảnh đất nhỏ 100m2 làm nhà ở. Nhiều người hỏi sao “dại” vậy thì trả lời “Lúc đi làm cách mạng, đất bị mất nhà bị đốt hết, bây giờ có nhà mà ở đã là tốt lắm rồi. Chỉ tiếc vẫn còn nhiều người nghèo mà má không có gì để giúp họ, giá như má còn sức để làm…”.

976 - Nguyễn Thị Loan
CÔ GIÁO VỚI VIÊN “BI” TRONG ĐẦU
Giáo viên về hưu sinh 1949 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2008).


Mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, 18 tuổi vào thanh niên xung phong ở địa phương làm nhiệm vụ mở đường, thông đường bảo vệ đường cho xe bộ đội vào Nam chiến đấu.

Năm 1968 trúng bom bi Mỹ oanh tạc làm liệt một nửa người phải nằm viện cả năm trời. Cố gắng gượng dậy tập đi từng bước dần dần tương đối hồi phục. Nhưng trong đầu còn một viên “bi” bom Mỹ vẫn nằm nguyên mà lúc đó bác sĩ lẫn phương tiện y khoa không đủ để gắp ra.

Ra viện được cho về nhà với thương tật 51%.

Không chấp nhận sống đời thương binh vô dụng mới xin xã cho làm giáo viên mẫu giáo dù chỉ mới học tới lớp 10 mà cũng chưa hề qua trường lớp sư phạm nào.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, vận động mở được lớp mẫu giáo làng lợp tranh tre như vậy là cả một nỗ lực lớn. Chấp nhận dạy không lương, thỉnh thoảng chỉ được phụ huynh trả công góp cho vài “hiện vật” ký gạo, rổ khoai sắn… Dù vậy vẫn mày mò tự tìm tài liệu học hỏi thêm để dạy khá tốt, dạy cả học sinh câm điếc cũng có kết quả không ngờ.

Sau 2 năm dạy tự phát như vậy mới được cử đi học trung cấp sư phạm rồi về chuyển lên dạy cấp 1 luôn được trò thương bạn mến. Chỉ có điều không ít lần trái gió trở trời viên “bi” bom Mỹ trong đầu lại “chớp lửa” làm ngất xỉu ngay tại lớp hoặc ôm đầu đau nhức hàng tiếng đồng hồ.

Không chỉ thế sau đó còn phát hiện bị ung thư vú phải mổ 3 lần cắt phía bên vú đó. Vì thế không dám nghĩ tới chuyện lấy chồng sinh con nữa. Thay vào đó xem vô số học trò – 38 năm dạy cả hàng ngàn học trò tiểu học, học trò đến 2 thế hệ cả cha lẫn con đều từng ngồi lớp 1 của cô – đều là con của mình.

Năm 2008 về hưu trồng vườn rau sân nhà để giữ niềm vui tuổi già đồng thời kiếm thêm ít tiền còn lo nuôi người mẹ kế đã trên 80 tuổi.

977 - Nguyễn Thị Lợi
MẸ CÕNG CON ĐI HỌC TRƯỜNG KỲ 6KM
Nông dân sinh 1947 tại nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).

Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ được ông bà ngoại đem về nuôi.

Năm 1969 đi thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Đường 9 Nam Lào.

Năm 1972 bị thương trong một trận B52 được cho xuất ngũ về quê. Năm 1973 mới lấy chồng cùng quê thì chồng lên đường qua chiến trường Lào.

Sau ngày giải phóng miền Nam chồng vẫn biệt tích. Mãi đến năm 1977 mới sống sót trở về, bấy giờ mới sinh con.

Từ đó 2 chồng bốc vác ở cảng, vợ làm ruộng nuôi con 2 trai 1 gái. Không may đứa con trai thứ hai mới một tuổi bị sốt bại liệt nằm một chỗ.

Tai ương lại tiếp nối với người chồng gian khổ thời chiến tranh cộng thêm công việc bốc vác lao lực ngã bệnh tắt mạch máu não qua đời để lại vợ và 3 con còn bé dại.

Thế là một mình người mẹ đảm làm đủ công việc ruộng nương, dệt chiếu, chạy chợ… để lo cho 3 con. Không chỉ lo cái ăn cái mặc mà còn việc học hành nữa, nhất là với đứa con bị bại liệt lớn lên một chút cũng đòi đi học.

Mẹ thương con phải chiều ý con nhưng đi học nhà xa trường mà chẳng có xe đạp nên hàng ngày đành cõng con trên lưng đến trường cả đi về 6km. Cõng con đến trường rồi tất tả chạy ra đồng chạy ra chợ kiếm việc làm kiếm tiền, chiều đến thì quay về trường cõng con về.

Vậy mà con đến trường trên lưng mẹ học cũng tốt nghiệp THPT loại khá. Rồi thi đậu vào trường Sư phạm Kỹ thuật Vinh làm lớp phó học tập mới là giỏi!

978 - Nguyễn Thị Ngụ
MẸ LIỆT SĨ 102 TUỔI BỖNG DƯNG HẾT MÙ!
Lao động nghèo sinh 1905 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2007).

Lấy chồng sinh được 5 con nhưng chỉ nuôi được 3 gồm 2 gái 1 con trai út.
Năm 1947 chồng mất, còn lại một mình buôn bán lẻ ở chợ nuôi 3 con.
Năm 1964 con trai út dù là con trai duy nhất vẫn tình nguyện đi bộ đội vào miền Nam đánh Mỹ.

Năm 1968 cùng lúc 2 tai họa ập tới: Căn nhà nhỏ ở quê bị bom Mỹ san thành bình địa và con trai hy sinh trên chiến trường miền Nam.

Không có vốn liếng để dựng lại nhà (mà có xây lại cũng sợ còn bị bom Mỹ thả nữa) nên đành theo con gái đầu làm chị nuôi ngành giáo dục tỉnh sống cảnh tạm bợ không nhà nơi này nơi nọ.

Năm 1992 lúc đã 88 tuổi bỗng nhiên sau một đêm ngủ dậy 2 mí mắt của cả 2 mắt tự nhiên dính trít vào nhau không mở ra được khiến rơi vào cảnh không nhìn thấy gì nữa không khác gì bị mù bẩm sinh. Có lẽ do bệnh già song nhà nghèo không có tiền đi bệnh viện chạy chữa thuốc men.

Bấy giờ chỉ còn ngồi một chỗ nhờ cháu chắt (9 cháu ngoại, 16 chắt) lo cho miếng cơm manh áo đỡ đần.

Thế rồi bỗng nhiên năm 2006 cũng sau một đêm ngủ dậy mí mắt của 2 con mắt tự động… giãn ra mở ra cho mắt sáng nhìn lại cuộc đời sau 14 năm bị mù bất đắc dĩ. Như một phép lạ đền bù cuối đời cho người mẹ già cả đời lận đận vất vả gánh chịu biết bao tang thương thời chiến (cũng có thể do tuổi già có sự chuyển hóa sinh lý bão hòa nào đó?).

Từ đó đã 102 tuổi vẫn chống gậy đi đứng bình thường, mỗi sáng đi 6 vòng sân tập thể dục, tối ngồi xem ti vi, còn cả chống gậy đi bầu cử Quốc hội nữa!

979 - Nguyễn Thị Nhi
NỮ ANH HÙNG CHỐNG “GIẶC DỐT” THỜI BÌNH
Nông dân sinh tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2001).

Trong chiến tranh vào năm 1969õ là tổ trưởng tổ du kích nữ lập chiến công vang dội vùng sông nước đánh tan cụm tàu sắt địch, được thưởng Huân chương Chiến công.

Sau ngày giải phóng cùng chồng thương binh cựu huyện đội trưởng vẫn ở lại vùng quê nghèo khó hẻo lánh làm ruộng làm vườn. Sinh 5 con, chồng lại bệnh trầm kha nên cuộc sống quá khổ ngóc đầu không nổi.

Dù vậy vẫn không lúc nào không quên nhắc con phải cố gắng học hành thật tốt mới mong vươn lên được, lấy từ kinh nghiệm bản thân mình: “Trong chiến tranh dốt vẫn còn có thể đánh giặc nhưng hòa bình rồi thì dốt là nghèo đói, bần cùng.”

Vì thế năm 1988 thấy sống trong vùng sâu vùng xa khó cho con học hành gì được nên quyết định ra thị xã Cà Mau muợn một miếng đất nhỏ dựng một… cái chòi cho 3 con ở đó ăn học. Một cái chòi mái tranh vách lá giống hệt thời còn ở chiến khu chống Mỹ với 3 đứa học trò nhỏ chân quê (1 trai 2 gái) rách rưới lê thê lếch thếch không khác gì tích xưa “Trần Minh khố chuối”! Sau đó thêm đứa con trai út cũng từ chân lội sình kênh rạch lên thị xã tham gia nhóm “khố chuối tân thời” này.

Cứ thế mà anh em bảo ban nhau lo học, còn mẹ quay về bưng biền lau lách lo làm vườn làm ruộng vài ba ngày lại chèo xuồng chở cây trái rau ráng ra thị xã bán (đi từ lúc 2 giờ sáng) lấy tiền mua gạo cơm mắm muối cho con tự nấu mà ăn. Kiểm tra việc học của con xong lại tất tả chèo xuồng về, cả đi cả về như thế trên 50km.

“Trường kỳ kháng chiến” lần thứ hai như vậy suốt 13 năm trời cuối cùng cũng đạt thành quả chiến thắng “giặc dốt”. Con trai đầu theo chân cha vào ĐH Quân sự ra sĩ quan, 2 em gái kế vào ĐH Sư phạm ngoại ngữ sắp tốt nghiệp, con trai út cũng là sinh viên ĐH Công nghệ thông tin như ai.

980 - Nguyễn Thị Ni
LỜI HỨA VỚI NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG
Cán bộ về hưu. Sống ở Côn Đảo (2007).

Hoạt động cộng sản nên năm 1972 bị bắt đưa ra giam ở Côn Đảo.

Năm 1973 được trao trả tù binh theo Hiệp định Hòa đàm Paris.

Sau 30.4.75 được bố trí công tác ở TPHCM nhưng cùng chồng cũng là cựu tù cộng sản tình nguyện chuyển ra nhận công tác ở Côn Đảo vì nhớ lời hứa trước đây với bạn tù Côn Đảo rằng sau này hòa bình rồi ai còn sống phải lo chăm sóc mộ phần những đồng đội đã hy sinh tại đây.

Từ đó mỗi tuần đều đặn đến nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương trên đảo thăm viếng thắp hương cho bao nhiêu ngôi mộ của đồng chí một thời gian khổ đấu tranh vì lý tưởng.

Cả đến khi về hưu vẫn vậy, dù con cái đã vào đất liền học hành, sinh sống nhưng mình vẫn ở lại đảo bán quán hàng nhỏ để có điều kiện tiếp tục gần gũi với hương hồn bạn tù cũ năm xưa.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét