Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 37)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

371 - Đức Huy
NHIỀU NHẠC HAY NHẤT TRÊN ĐẤT MỸ
Nhạc sĩ Việt kiều tên thật Đặng Đức Huy sinh 1947 tại Sơn Tây. Sống ở TPHCM (2010).
Trước 75 khi còn là sinh viên ĐH Văn khoa là một trong những nhạc sĩ trẻ thành danh trong phong trào nhạc trẻ Sài Gòn thập niên 60-70 cùng với những tên tuổi Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Trường Kỳ, Jo Marcel, Elvis Phương…
Trong biến cố 30.4 định theo gia đình (theo đạo Thiên Chúa) di tản nhưng lại đi… hụt, đến sân bay trễ nên bị rớt lại! Sau đó không lâu vượt biên đến trại tị nạn Philippines. Tại đây nhờ một nhà báo Mỹ quen biết giới thiệu đã tình nguyện làm… vú em cho 2 em bé con lai Mỹ mới 7 tháng tuổi (dù bản thân chưa có vợ con gì!) mới được theo chuyến bay qua Mỹ.
Đến California với trong tay chỉ vỏn vẹn 30 USD (chưa liên lạc được với gia đình đang ở xa tận miền Đông) bắt đầu xin việc làm phụ bếp nhà hàng rồi chuyển lên làm phục vụ khách.
Dần dần khi đời sống tương đối ổn định mới đi học thêm lớp nhạc chuyên nghiệp cấp đại học rồi tham gia các ban nhạc nghiệp dư ở San Francisco trình diễn ở các quán ba, nhà hàng. Từ đó theo chân một ban nhạc đi trình diễn lưu độïng trên các tàu du lịch đây đó đến tận Hawai, Tahiti, Mexico, Bahamas…
Chính trong thời gian này đã bùng nổ giai đoạn sáng tác thăng hoa với nhiều bài đặc sắc như “Yêu em dài lâu”, “Đừng xa em đêm nay”, “Và con tim đã vui trở lại”, Đường xa ướt mưa”, “Người tình trăm năm”, “Trái tim ngục tù”, “Như một dòng sông”… Có thể xem là nhạc sĩ hải ngoại sáng tác nhiều ca khúc đạt chất lượng cao đồng đều nhất trong giới nhạc sĩ lưu vong sau 75, tất cả nội dung đều “phi chính trị” chỉ thuần về về đề tài tình yêu đôi lứa.
Cũng từ đó gặp và lấy ca sĩ Thảo My. Rồi cùng vợ trở về lại California lập phòng thu âm nhạc song làm ăn không khá mới chuyển sang mở nhà hàng mà mình phải kiêm đủ việc từ nấu nướng đến hầu bàn. Nhưng kết quả làm ăn vẫn trầy trật, gia đình lâm vào cảnh khó khăn khiến dẫn đến vợ chồng ly dị ((có 3 con).
Lúc đó vào cuối năm 2003, lâm vào cảnh khủng hoảng mới bật ra quyết định về lại VN: “Ở Mỹ làm đĩa nhạc như mình mong muốn khó quá nhưng không phải làm nhạc mà ngồi văn phòng chẳng hạn thì lại khó làm được đối với người như tôi… Vậy nên tôi phải làm cái gì đó để vừa cứu mình mà lại lo được cho các con, đó là về VN…”
Bây giờ thời gian ở VN nhiều hơn ở Mỹ (còn 3 con ở đó) vừa sáng tác, làm album vừa trình diễn thường xuyên vẫn được nhiều fan hâm mộ qua hình ảnh người nhạc sĩ kiêm ca sĩ mang bộ đồ trắng giản dị ôm đàn guitar tự biên tự diễn những ca khúc trữ tình đầy nỗi niềm cô đơn sâu lắng qua giọng ca trầm ấm hơi hướng một thời nhạc trẻ đã qua nhưng không bao giờ tàn phai: “Trở về VN, yếu tố cân bằng được cuộc sống của tôi là tình người…”

372 - Lê Lựu
MỞ ĐƯỜNG GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT – MỸ
Nhà văn sinh 1942 tại Hưng Yên. Sống ở Hà Nội (2010).
Một nhà văn đúng nghĩa “vô sản” chân chính của chế độ cộng sản: Xuất thân nông dân đi bộ đội làm phóng viên chiến trường mặt trận Trường Sơn rồi qua Campuchia; sau đó về làm báo Văn nghệ Quân đội, lên tới hàm đại tá. Được đánh giá “viết như bản năng” và bản thân cũng thừa nhận mình là một “lão nhà quê ngờ nghệch”!
Trước 75 đã có 2 tác phẩm truyện ngắn xuất bản viết về đề tài bộ đội nhưng chỉ thực sự nổi tiếng vào giữa thập niên 80 với cuốn truyện “Thời xa vắng” năm 1986 viết về thân phận người nông dân trong xã hội hậu chiến bắt đầu bước vào kinh tế thị trường làm đổ nhào mọi bậc thanh giá trị cũ. Tác phẩm gây tiếng vang lớn dù có bị một số ý kiến bảo thủ phê phán, vẫn đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN, được đạo diễn Việt kiều Pháp chuyển thành phim truyện nhựa.
Cùng nhờ tác phẩm này đã trở thành nhà văn VN đầu tiên được giới nhà văn Mỹ mời qua giao lưu năm 1987 mở đường cho xu hướng “xếp lại quá khứ nhìn về tương lai” từ 2 phía.
Sau khi trở về viết bút ký “Một thời lầm lỗi” lại bị “đánh” về mặt lập trường quan điểm song cuối cùng vẫn trụ vững nhờ được Trung ương “cứu”!
Từ đó được xem là một nhà văn tiên phong “đổi mới” nên các tác phẩm sau tiếp tục bị giới “chống Đổi mới” chĩa mũi dùi “soi” kỹ, thậm chí còn tìm cách… kiện cáo nữa. Đó là trường hợp những cuốn “Trở lại nước Mỹ” 1989, “Đại tá không biết đùa” 1990, “Chuyện làng Cuội” 1993, “Sóng ở đáy sông” 1994…
Đùng một cái năm 2002 làm đơn xuất ngũ ra ngoài thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân do mình làm giám đốc với mục đích hỗ trợ xây dựng một nền tảng văn hóa cho lực lượng doanh nhân đang trỗi lên trong nước. Một mục đích trong sáng, lành mạnh đã bị không ít nghi ngờ là chạy theo phong trào “nhà nhà làm giàu, người người làm giàu” bất kể thịnh hành trong xã hội VN hiện đại từ cuối thế kỷ trước. Một việc làm lạ lùng đối với một con người tự nhận mình gốc nông dân ít học, có thể vì đã chán ngán chốn trường văn trận bút có tiếng không có miếng mà lại hay bị “đánh” tơi tả vô tội vạ?
Thực sự thì không giàu lên nhờ đó mà còn bị tổn thất là không còn thời gian rảnh để sáng tác nữa trong khi tuổi già kéo đến sinh ra vô số bệnh tiềm ẩn từ thời chiến tranh gồm tiểu đường, tiền liệt tuyến, gan, thận, gút, khớp… Mỗi ngày phải uống… 10 nạm thuốc, mỗi nạm khoảng… 20 viên cộng 2 mũi tiêm! Ba lần bị tai biến nằm viện dài dài.
Đã vậy, trong đời riêng còn gặp thảm cảnh vợ bỏ con từ – giống như một phản ánh hiện thực trong tiểu thuyết thời hậu chiến của mình - khiến bây giờ hễ nhắc đến là cứ… khóc ròng!
Do bà vợ sau có lẽ thấy cảnh nhà không khá, nản lòng làm đơn ly dị; 2 con đời vợ sau này được nuôi nấng đàng hoàng lớn lên con gái làm ngành ngoại giao, con trai tốt nghiệp học viện báo chí mà lại chấp nhận bị cha từ để được phép… bán nhà chia tiền! Cả đơn ly dị lẫn thủ tục bán nhà đều được tiến hành ngay trong… bệnh viện nơi mình đang nằm điều trị. Sau đó cả 3 người thân yêu nhất kia đều… biến mất.
Chỉ có cô con gái duy nhất đời vợ trước ở quê lâu nay bị mình bỏ bê nay lại chính là người chịu khó thường xuyên lên chăm nom cho bố. Ra viện không còn nhà để về đành đến ở luôn tại cơ quan, xem như không còn người thân ở gần nên mọi việc chăm sóc phải nhờ nhân viên cơ quan!
Cuối cùng, niềm an ủi vẫn là viết dù phải nằm trên giường bệnh đọc cho đứa cháu đánh máy ghi lại: “Nhưng cũng phải ra được quyển sách thì mới thấy đời vui chứ không thể đau ốm nằm gậm nhấm quá khứ được… Nếu nhìn mình, nhìn ngang so với đồng đội bạn bè đồng nghiệp thì thấy mình sống vô tích sự, sống thừa nhiều quá…”
Tác phẩm mới nhất vừa hoàn thành như vậy đó được đặt tên là “Thời loạn”.

373 - Nguyễn Thiện Tâm
KHÔNG MUỐN LÀM CÁN BỘ, CHỈ MUỐN LÀM NÔNG DÂN
Doanh nhân sinh 1959 tại Cần Thơ. Sống ở Cần Thơ (2009).
Thủa nhỏ cha mẹ đi tham gia kháng chiến chống Mỹ, ở quê với ông bà, nhà nghèo thất học 16 tuổi vẫn còn mù chữ.
Sau 75 mới bắt đầu đi học buổi tối,. Tốt nghiệp cấp 3 thuộc diện gia đình cách mạng nên được đề nghị bố trí làm cán bộ nhưng lại từ chối vì từ hồi còøn ở quê vẫn ấp ủ giấc mơ đi… làm ruộng phát triển lên làm sao giúp đỡ cho dân nghèo nông dân. Bởi vậy mới về xem xét khai khẩn vùng Đồng Tháp Mười ở Long Xuyên.
Năm 1989 bắt tay vào việc, mua 12 hecta ruộng ở An Giang để gieo trồng nhưng trải qua hơn 10 năm đầu làm ăn thất bát liên tục. Đến năm 2000 mang nợ 90 lạng vàng đành lấy lúa thu hoạch được trả nợ rồi quay về Cần Thơ hai bàn tay trắng làm nghề… chạy xe ôm sống qua ngày.
Tuy nhiên vẫn chưa từ bỏ giấc mộng làm lúa nên tranh thủ thời gian tự học qua sách vở, theo các lớp tập huấn nông nghiệp để rèn kiến thức nghề nông cho có bài bản khoa học. Từ đó nảy ra kế hoạch chuyên làm lúa giống để bán cho nông dân.
Thế là năm 2006 ra tay làm nông quy mô lần thứ hai bằng cách lập ra một công ty ban đầu chỉ gồm… một mình mình, tiền đăng ký mở công ty phải đi mượn bạn bè, chỉ có cơ sở duy nhất là 12 hecta ruộng cũ còn nằm chờ ở Long Xuyên. Và may mắn lần này thì thành công, từ 12 hecta tăng lên 30 hécta năm 2008 rồi 500 hecta năm 2009 chuyên trồng lúa giống. Mở thêm công ty bán phân bón kèm cho nông dân…
Một thành công cảm thấy tự hào vì tự công sức mình bỏ ra, biết học hỏi cầu tiến, rút kinh nghiệm từ thực tiễn chứ không dựa dẫm vào cái “mác” lý lịch gia đình. Tuy phải trả giá khá đắt “Nhiều lần thức giấc cứ giật mình tưởng là… nằm mơ”!

374 - Nguyễn Thông Thái
“VƯỢT SÓNG”
Thường dân Việt kiều sinh 1952 tại Châu Đốc. Sống ở Mỹ (2006).
Hạ sĩ quan hải quân VNCH nên sau 75 chỉ đi cải tạo ngắn hạn trong khi bố sĩ quan phải đi cải tạo dài hạn ngoài Bắc.
Năm 1976 lấy vợ đi kinh tế mới ở Xuyên Mộc sống không nổi đành quay về quê Châu Đốc thì gặp nạn Khmer Đỏ phải đưa mẹ, vợ và 2 con chạy qua Cà Mau. Năm 1981 nhờ có nghề lính hải quân cũ nên được tham gia lái tàu vượt biên bỏ lại vợ con khiến gia đình tưởng mất tích hay chết rồi.
Nhưng sau đó lại quay về năm 1985 theo tổ chức phản động “phục quốc” chống phá nhà nước nên bị bắt tù 14 năm. Ở tù 6 năm rồi vợ mới biết tin đi thăm nuôi. Một mình người vợ phải tần tảo nuôi hai người tù cải tạo ở hai đầu đất nước, chồng ở cực Nam và cha chồng ở cực Bắc!
Cha chồng đi cải tạo về trước rồi đi HO qua Mỹ, tiếp đó mới đến con ra tù về lại Cà Mau sinh sống đắp đổi qua ngày. Sau đó bố mới bảo lãnh cho cả gia đình đi theo qua Mỹ năm 2004, chồng làm thợ tiện, vợ bán hàng chợ chờ ngày bảo lãnh cho 2 con gái đầu qua bây giờ mới thật là đoàn tụ gia đình.
Cuộc đời thăng trầm đủ mùi vị đắng cay này đã được dựng thành bộ phim truyện “Vượt sóng” ở Mỹ có mặt nữ diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh.

375 - Nguyễn Thụy Long
THỜI NÀO CŨNG DƯỚI ĐÁY XÃ HỘI
Nhà văn sinh 1938 tại Hà Nội – Mất 2009 ở TPHCM (72 tuổi).
Trước 1975 từng đi lính chế độc cũ bị bỏ tù oan vì tội không đáng. Tù ra làm đủ nghề lao động thấp kém, lăn lộn trong giới bụi đời để kiếm sống.
Rồi ngẫu nhiên được bạn bè giúp đỡ trở thành nhà văn chuyên viết về tầng lớp dân nghèo khốn khó lao động chân tay vất vả mưu sinh mà mình từng trải qua. Có sức viết khoẻ, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Loan mắt nhung” từng được chuyển thành phim truyện nhựa.
Sau 75 với quá trình là nhà văn chuyên viết về “giai cấp” bần cùng trong xã hội – đúng khuynh hướng hiện thực xã hội của chủ nghĩa cộng sản - cũng muốn tham gia, hòa nhập với chế độ mới. Được người quen cũ theo cách mạng giúp đỡ nên có tham gia viết báo nhưng có vẻ khó kiếm sống được do vẫn gặp không ít rào cản thành kiến nghi kị từ chế độ mới (đến những năm 1990 có được hứa hẹn in lại một số tập truyện, kể cả viết kịch bản phim định quay cho truyền hình nhưng hầu hết không đi đến đâu).
Cuối cùng đành lại quay về đời sống thường dân quen thuộc của lớp người lao động nghèo khốn trong xã hội. Được giới thiệu cho trông coi ao cá nằm trong ngỏ hẻm ngóc ngách của một phường nghèo ở Tân Bình mới dựng một căn lều lợp tạm kề đó sống lây lất cùng gia đình bên cạnh đống rác phế liệu. Được một nhà báo thương tình tặng cho chiếc máy chữ mới tinh để đánh bài thì cũng phải đem bán lấy tiền mua sữa cho con rồi quay về viết tay như cũ dù lớn tuổi mắt đã kém.
Rồi không biết sao lại bị bắt ở tù, “tù dưới 2 chế độ”!
Ra tù năm 1981 trong cảnh tứ cố vô thân, không cửa không nhà rốt cuộc phải quay về tá túc nhà mẹ trong xóm dân nghèo “chờ giải tỏa”. Mất vợ, mất con khi 2 vợ cũ đều bỏ đi vượt biên, vợ sau còn ôm con vượt biên thậm chí sau đó còn cấm con không được liên lạc về.
Lấy vợ khác cũng không yên thân, có khi viết văn xong phải đem đi giấu chỗ khác không cho vợ biết sợ vợ tố “báo công an”! Nhưng cũng vì thế mà một số bản thảo bị… thất lạc luôn! Sống 24 năm không có hộ khẩu lẫn giấy CMND.
Trong hoàn cảnh túng quẫn đó vẫn cố gắng duy trì thói quen viết truyện về những điều mắt thấy tai nghe về cảnh sống của lớp người dưới đáy xã hội của chế độ mới cũng không khác mấy chế độ cũ: “Trong đời cầm bút tôi chưa bao giờ viết lên được một nhân vật đẹp đẽ, tôi chỉ chuyên tìm con đường gai góc mà đi, những nhân vật ma chê quỷ hờn đã được thể hiện trên trang giấy…”.
Từ khi có nền “văn chương mạng” bắt đầu kiếm sống được nhờ nhuận bút tác phẩm gửi đăng trên mạng. Càng lúc càng viết nhiều đủ thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn đến hồi ký (“Viết trên gác bút”, “Thuở mơ làm văn sĩ”…).
Văn đàn hải ngoại rất hồ hởi tiếp nhận một nhà văn chế độ cũ hồi sinh viết về những hiện tượng tiêu cực của chế độ mới. Nhưng tác giả lại thường viết với một quan điểm “hiện thực” hơn là chính trị nên có khi lại bị những đồng nghiệp cũ ở nước ngoài quay lại chống đối, cho là “viết theo đơn đặt hàng của chế độ mới” (“Hồi ức 40 năm làm báo”)!
Tất cả cay đắng mùi đời nhân tình thế thái đó đành chấp nhận thôi: “Tôi chấp nhận những cái không may đến với tôi. Tôi không mất gì vì chẳng còn gì mà mất, cứ coi là việc rong chơi qua ngày trong bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương…”

376 - Nguyễn Tiến Công
GIÁM ĐỐC MÙ CHƠI LIỀU
Doanh nhân sinh 1963 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Nội (2003).
Vừa sinh ra đã mất mẹ, ở với mẹ kế bị bắt đi chăn trâu. Thế rồi trong một buổi đi chăn trâu vô tình gặp một toán biệt kích Mỹ ném lựu đạn làm mù 2 mắt.
Sau 75 đui mù sống ở quê khổ cực quá chịu không nổi nữa mới nghe lời khuyên của ngưòi lớn, một mình lần mò lên tàu lửa tìm ra Hà Nội hy vọng kiếm sống dễ hơn. Nhưng tại đây do người ngợm rách nát tang thương quá lại ngu ngơ nên bị tưởng lầm là… điên bị đưa vào trại… tâm thần!
Phải qua một thời gian mới làm cho người ta hiểu mình không phải là người điên nên được chuyển qua trại dành cho nguời khuyết tật. Được nuôi dưỡng và dạy nghề, học chữ nổi, âm nhạc, làm mì sợi, làm đinh gia công…
Năm 1980 khi trại có chủ trương giải tỏa bớt trại viên trả về nguyên quán, sợ bị bắt phải quay về quê không biết lấy gì mà sống nên… trốn khỏi trại đi ăn xin. Sống vất va vất vưởng không lối thoát khiến có lúc định đâm đầu vào tàu hỏa tự tử cho xong đời!
May sao được một bà cụ thương tình cho về nhà ở phụ giúp bà trông cháu. Từ đó nhờ người giới thiệu vào làm ở một công ty cao su của Hội Người mù.
Năm 1987 dành dụm được ít tiền bèn xin nghỉ làm công ty để ra ngoài mở một sạp cho thuê sách lề đường đặt tên là sạp Từ Thiện. Làm ăn tương đối cũng qua ngày được thì lại bị một kẻ xấu phá đang đêm lẻn vào cuỗm hết sách báo!
Người quen, khách thuê sách thấy vậy thương tình tìm cách giúp đỡ mở một quá cóc “lưu động” bán nước vỉa hè gồm một cái bàn gỗ có bánh xe trên đó chất sẵn vài cái ghế rồi buộc dây vào lưng chống gậy kéo đi, các đồ dùng khác như ấm chè, phích nước thì đeo trên 2 vai. Ay vậy mà cũng lây lất kiếm sống được 3 năm và còn được Hội Người khuyết tật vận động Nhà nước cấp cho một căn hộ bé tí tẹo.
Tiếp đó thì gặp chiến dịch chỉnh trang đô thị dẹp lòng lề đường năm 2000, thấy khó tồn tại được bèn “phóng” ra một quyết định làm mọi người bật ngửa: Dẹp quán cóc lưu động để ra mở… công ty! Một công ty đàng hoàng với mục tiêu hướng về người khuyết tật bất hạnh như mình với chủ truơng dùng lợi nhuận để giúp đỡ người khuyết tật, thuê họ vào làm, dạy nghề cho họ…
Bán lại căn hộ “chuồng chim” được cấp lấy tiền lo cho công ty, thuê một địa điểm khác làm trụ sở công ty và cũng là nơi ăn ở của mình lẫn nhân viên khuyết tật… Công ty mang tên Cty Phát triển việc làm Nhân Đạo với công việc chính giới thiệu việc làm và công việc phụ “kinh doanh đủ thứ” như in lụa, may khẩu trang, bán card ĐTDĐ, giới thiệu gia sư dạy kèm…
Công ty đã trụ được cũng 3 năm trong thế chênh vênh bởi giám đốc mù nên đã mấy lần bị… lừa khiến không ít lần suýt giải thể nên tương lai chưa biết bao giờ thì… phá sản!

377 - Nguyễn Trí Đới
“ĐỨA TRẺ 26 TUỔI” VÀ NGƯỜI MẸ NUÔI CÂM ĐIẾC
Người khuyết tật sinh 1982 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Là con út sinh ra trong một gia đình bất hạnh tận cùng vì nhiễm CĐDC qua chiến tranh, 26 năm chỉ nằm liệt trên giường không cử động được chân tay, chẳng nói năng được lời nào.
Trước đó là 5 anh chị thì người anh trai đầu đi chăn bò giẫm phải mìn chết năm 10 tuổi, còn lại 4 người khác cũng đã lần lượt qua đời vì bệnh tật CĐDC vô phương cứu chữa. Chỉ còn lại mỗi mình còn cha mẹ chăm sóc không ngờ đến đầu năm 2008 cả 2 ông bà thay nhau qua đời chỉ trong vòng 10 ngày!
Trời ơi, bây giờ ai lo nuôi nấng người thanh niên 26 tuổi với thể trạng và đầu óc của một đứa bé này tự ăn không được nữa là?
Đến đó thì phép lạ xảy ra: Một người đàn bà hàng xóm hơn 60 tuổi bị câm điếc từ nhỏ không chồng con – tên Nguyễn Thị Cầm quen gọi là “o Câm”– đã tự nguyện qua làm thay nhiệm vụ cha mẹ, tự tay chăm bón miếng ăn giấc ngủ, tắm rửa giặt giũ cho đứa con tàn tật người dưng.
Xã hội, cộng đồng ở đâu rồi khi cả 2 con người này – dù không “viết hoa” – đến lúc đó vẫn chưa hề hưởng được chính sách, chế độ Nhà nước nào?

378 - Nguyễn Trí Phước
TÂN “THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG” hay LIỆT SĨ SỐNG LẠI 15
Bộ đội sinh 1932 tại Nghệ An – Mất 1975 ở Nghệ An (43 tuổi).
Tình nguyện vào Nam chiến đấu thay vì đựợc nhận ở lại dạy trường kỹ thuật, để lại vợ và một con gái ở quê nhà.
Từ chiến trường chỉ gửi 2 lá thư về cho vợ nhưng một viết bằng “mực lá cây” không đọc được. Vợ một mình vừa đi dạy học vừa làm lụng vất vả nuôi con lẫn mẹ chồng đau ốm triền miên cùng 3 em chồng ăn học. Đêm đêm con gái hỏi bố đâu thì mẹ vốn là cô giáo mới bắt chước chuyện “Thiếu phụ Nam Xương” chỉ lên tấm ảnh bố treo trên vách cho con thấy “Cha Phước” thời trai trẻ tươi đẹp thế nào.
Rồi năm 1968 mẹ chồng chết cùng lúc tin báo về “Cha Phước” đã hy sinh! Nhưng vẫn cố giấu con những mong gìn giữ hình ảnh đẹp của tấm ảnh treo tường. Và không chịu lấy chồng khác vì nhớ lời chồng “Con đã thiếu tình cảm của cha rồi, đừng để nó phải thiếu tình cảm của mẹ nữa.”
Thế rồi năm 1973 không ngờ “Cha Phước” trở về trong đợt trao trả tù binh đôi bên Cộng hòa – Cộng sản theo Hiệp định Paris, ban đầu còn sợ chưa dám về nhà vì nghĩ có thể vợ đã chia tay tái hôn rồi. Nhưng bây giờ trở về trong một bộ dạng khác hẳn bức ảnh trên vách: Mặt mày biến dạng khủng khiếp, lưng còm, nát hết hàm răng – như nhân vật thằng gù Quasimodo trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” của văn hào Pháp Victor Hugo - do hậu quả những năm tháng bị địch bắt tra tấn ở nhà tù Phú Quốc.
Vợ thì vẫn một lòng chung thủy nhưng cô con gái bé bỏng duy nhất sau 10 năm mới gặp nhất quyết không… nhận bố vì ”Cha Phước” trên ảnh khác hẳn một trời một vực! Không nói chuyện, không chịu ngồi gần bố, không cho bố ôm, không chịu chụp hình chung với bố: “Cái ý định có một tấm ảnh có anh, em và con để làm kỷ niệm sau những chuỗi ngày đau khổ, sống lại trở về thế là không đạt được!” Thậm chí con còn nói mẹ bị “lừa”, kể cả khi mẹ sắp có thêm em cũng không muốn nhận là em!
Người bố chỉ còn ngậm cay nuốt đắng, đành cầu xin được con gọi là “Chú bộ đội” cũng đỡ thỏa lòng phần nào: “Anh nghĩ rằng nếu như con không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép con gọi anh là chú bộ đội để chú bộ đội được gần gũi bên cháu Tuyết Mai…”.
Những nỗi đau ray rứt thì còn mãi làm vết thương cũ tái phát qua đời khi vợ mới sinh đứa con “hậu chiến” được 3 ngày- hơn 6 tháng sau ngày giải phóng miền Nam. Ra đi với món nợ tình cảm vợ chồng: “Anh nợ em suốt cuộc đời này, nhiều lắm…” Nhưng vĩnh viễn vẫn chưa nghe được hai tiếng “Cha ơi” cho thật ấm lòng.
Một câu chuyện đời có thật giống hệt nội dung thiên truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng mà bây giờ đứa con gái đó đã là một cô giáo dạy văn 46 tuổi mỗi lần soạn giáo án chuẩn bị lên lớp giảng truyện ngắn kinh điển này đều ràn rụa nước mắt ân hận, những giọt nước mắt muộn màng…

379 - Nguyễn Trung Hiếu
NGƯỜI “CỨU” LỬA
Công nhân Việt kiều sinh 1949 tại Sóc Trăng. Sống ở Mỹ (2010).
Chính là người thông dịch viên chế độ cũ đã góp phần gìn giữ bản thảo cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nổi tiếng năm 2005 – 2006 với câu nói bất hủ khi phát hiện ra nó như một chiến lợi phẩm của quân Mỹ trước 1975: “Đừng đốt nó vì bản thân trong nó đã có lửa”.
Sau 75 đi học tập 8 năm, ở nhà vợ mất vì tai nạn để lại 3 con nên ra trại rơi vào trầm uất bế tắc kéo dài khi 4 em gái đã vượt biên còn người em út chán đời say xỉn tối ngày.
Đến 1984 cùng con trai 8 tuổi vượt biên từ Cần Thơ, 85 mới qua Mỹ. Sau đó mẹ dắt 2 con còn lại cùng vượt biên đoàn tụ.
Tạm ổn định cuộc sống với các con, chuẩn bị vốn liếng lấy vợ mới bằng cách chơi cổ phiếu thì… mất sạch 400.000 USD phá sản! May được người vợ mới giúp đỡ trả nợ giùm dù đám cưới bị phản đối do đôi bên khác tôn giáo. Điều trùng hợp khá lạ lùng là người vợ này có quê Quảng Ngãi gần nơi mà Đặng Thùy Trâm đã hy sinh.
Trong 13 năm làm công nhân thất nghiệp 4 lần, mấy lần đi học nghề khác. Sống ở Mỹ hơn 20 năm không có bạn bè một phần vì là người có tâm sự sống thu mình kín đáo (rất sợ chụp ảnh!), phần khác do bị nghi làm nghề… tình báo!
Không ngờ 35 năm sau lại được chị em của Đặng Thùy Trâm qua tận Mỹ cám ơn và tặng bản in cuốn sách mà mình từng đọc bản gốc năm nào và góp công giữ nó lại còn nguyên vẹn (cho người lính Mỹ mang về Mỹ sau đó). Ban đầu chưa dám tiếp xúc sợ bị dân chống Cộng hải ngoại gây khó dễ “chụp mũ”, sau mới có dịp trải hết tâm tư một con người rất có lòng nhưng còn mặc cảm.
Thời đi học tập từng làm thơ trong trại cải tạo:
“Trăng pha nỗi nhớ sao buồn quá
Biết đến bao giờ mới phôi pha?”
Và:
“Hôm qua tôi chết một lần
Hôm nay tôi chết thêm lần nữa…”
Còn bây giờ tâm hồn đã bớt phần nặng nề: “Đã có những người đi qua nhịp cầu ến với tôi. Nỗi đau khổ và đắng cay rớt đi mất, chỉ còn niềm thương yêu giữa con người với con người… Từ lâu tôi đã nghĩ người VN thì dù ở đâu cũng là bà con mình, mong sao xoá bỏ những khổ đau để có được một VN thanh bình thật sự trong lòng người. Chiến tranh ghê gớm quá!”
Chưa về nuớc lần nào song có cho con về thăm, lo chuyện mồ mã thân tộc.

380 - Nguyễn Trung Thành
NHÀ VĂN MÙ
Nhà văn nghiệp dư sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).
Năm mới học tiểu học đã bị bom Mỹ rơi trúng nhà khiến mù cả hai mắt. Lớn lên vẫn lấy vợ qua 10 năm sinh được 4 con, sống nhờ vợ làm lụng việc nông, mò cua bắt ốc.
Nhưng bất ngờ vợ bệnh nặng gia đình lâm vào túng quẫn buộc phải nhờ con gái đầu lòng bỏ học dắt mình đi ăn mày lang thang từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ các tỉnh miền Trung ngược ra tới miền Bắc.
Đến năm 1994 trên đường đi ăn xin nhân được người khác đọc cho nghe một truyện ngắn có ý nghĩa tích cực mới bừng sáng tia hy vọng phấn đấu tự vượt khó: “Tôi không thể mãi là người hành khất. Mất ánh sáng đôi mắt, tôi còn bao người thân thiết, còn đôi bàn tay và khối óc...” Từ đó quay về quê cũ tìm cách làm lại cuộc đời.
Bắt đầu vào Hội Người mù học chữ nổi Braille rồi mon men ý định sáng tác. Để góp nhặt kiến thức cố dành dụm tiền mua sách nhờ vợ đọc cho nghe, nghe đài để rèn luyện năng khiếu viết văn có sẵn, nhờ người thân đưa “đi cơ sở” tìm tư liệu viết…
Rồi bắt tay vào viết bằng cách đọc cho vợ viết, buổi tối cả 2 vợ chồng phải mang đèn dầu ra ngoài sân ngồi bệt xuống đất để sáng tác nhường bàn ghế trong nhà cho con cái học bài. Nội dung, đề tài viết khởi đầu từ kinh nghiệm sống bản thân, xuyên suốt qua đó hướng về những mảnh đời bất hạnh như mình: “Với người bình thường cái chết chỉ đến một lần nhưng người mù phải chịu hai lần chết vì khi không nhìn thấy thế giới chung quanh cũng như đã chết rồi…”
Gửi sáng tác cho các đài báo địa phương và Trung uơng, kết quả nhiều tác phẩm đã được đăng tải, phát sóng vì tính chất “người thật việc thật” gây xúc động. Được độc giả ủng hộ gửi tặng cho một chiếc máy đánh chữ cũ. Để dễ phổ biến, chấp nhận viết đủ thể loại thơ văn, truyện ngắn, kịch truyền thanh.
Từ đó được tặng nhiều giải thưởng kể cả giải quốc tế (Hội Người mù Đông Á – Thái Bình Dương). Và xuất bản 7 tác phẩm gồm cả truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, thơ.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét