Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

TỪ MỘT CON ĐƯỜNG

Đường Đồng Khởi có lẽ là con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn.

Nằm ở quận 1 đường Đồng Khởi có chiều dài gần 1km, bắt đầu từ ngã tư với Nguyễn Du ngay trước mặt Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và kết thúc là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn.Trên con đường này tập trung nhiều khách sạn sang trọng, cửa hàng, tiệm cà phê, hiệu sách… đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc và in đậm dấu ấn trong tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và những người từng đến, từng ở Sài Gòn. Hình ảnh những khách sạn, cửa hàng như thế đã trở thành biểu tượng văn hóa của con đường.

Tại đây khách sạn Continental trong việc trùng tu để có một khách sạn hiện đại đã rất khôn ngoan khi giữ lại kiến trúc cũ, chắc chắn không phải vì nhà đầu tư không đủ nguồn lực xây dựng tòa nhà lên hàng chục tầng để khai thác lợi nhuận từ số diện tích tăng lên rất nhiều.. Nhưng, chắc hẳn chủ đầu tư đã tính đến việc sẽ khai thác nguồn lợi từ “thương hiệu văn hóa” bao gồm vị trí cảnh quan, gíá trị lịch sử - tuổi đời, ký ức của những người từng đến, từng ở khách sạn, giá trị những sự kiện đã diễn ra ở đây, những nhân vật nổi tiếng đã từng lưu trú tại đây. Việc khai thác “lợi nhuận” này ngòai việc tăng kinh phí đóng góp cho thành phố (qua thuế, các dịch vụ khác…) còn mang một ý nghĩa to lớn là đã bảo tồn và khai thác một cách phù hợp và có hiệu quả gía trị di sản văn hóa của thành phố. Đóng góp này tuy “vô hình” nhưng lâu bền vì nó tác động vào tình cảm con người, làm chiếc cầu tiếp nối ký ức của nhiều thế hệ.

Tôi chưa từng lưu trú một ngày nào trong khách sạn Continental nhưng đã có lần dự tiệc, họp hành tại đây. Tất nhiên tôi biết rằng giá cả chi phí dịch vụ ở đây không như nơi khác vì là khách sạn 4*. Không rõ việc xếp lọai khách sạn có tiêu chí nào về giá trị “phi vật thể” của khách sạn đó không? Nếu không thì thật đáng tiếc! Vì giá trị “phi vật thể” có thể “quy đổi” thành “vật thể”: chi phí tại đây cao hơn vì ngòai chi phí cho tiện nghi dịch vụ còn có “phí” từ giá trị lịch sử của khách sạn. Đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng như thế để giới thiệu và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam. Khách nước ngòai và trong nước khi chấp nhận chi phí cao có nghĩa là họ hiểu về gía trị “tiềm ẩn” của khách sạn, thể hiện một “đẳng cấp cao” vì họ không chỉ quan tâm, đòi hỏi tiện nghi sang trọng mà còn có sự hiểu biết trân trọng lịch sử - văn hóa của khách sạn đó nói riêng và Việt Nam nói chung. Ai mà không muốn trở thành người giàu có về tiền bạc và sang trọng về văn hóa?

Có thể người VN chưa quen với cách tính phí cao từ giá trị “vô hình” như vậy, nhưng vì sao không tạo ra một thói quen mới rất văn minh? Cũng như các tour du lịch VN ra nước ngòai đều có việc đưa du khách tham quan bảo tàng của nước sở tại, dù trong nước hầu như người VN chưa có thói quen đến bảo tang tham quan và giải trí.

Nói đến đường Đồng Khởi nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tiệm cà phê Givral nổi tiếng trên con đường này. Cà phê Givral đã từng (và sẽ mãi) nổi tiếng vì giá trị vô hình của nó. Nhưng hiện giờ nó nổi tiếng hơn bởi ca khúc “Vĩnh biệt Givral” – C’est fini Givral. Ca khúc này làm ta nhớ đến bộ phim lãng mạn làm rung động bao nhiêu con tim “Mùa hè cuối cùng ở Capri”, còn bây giờ nó làm nhiều người rưng rưng nước mắt. Một phần quá khứ của mình, một phần quá khứ của Sài Gòn đã không còn nữa. May ra chỉ còn trong ký ức của thế hệ U 50, U 60 trở lên mà nay nhiều người không còn ở Sài Gòn…

Một vùng đất đánh mất ký ức, một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người không có ký ức… chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Mong sao sẽ không có những “Givral khác”, sẽ không phải nghe “C’est fini…” đối với những di sản văn hóa ít ỏi còn lại của Sài Gòn.

NGUYỄN THỊ HẬU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét