Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 28 )


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Tám

281 - Nguyễn Ngọc Lan
MẤT 2 NIỀM TIN
Nhà báo, nhà hoạt động xã hội sinh 1930 tại Thừa Thiên Huế – Mất 2007 ở TPHCM (78 tuổi).
Nguyên là linh mục đạo Thiên Chúa tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Sorbonne ở Pháp. Sau khi về nước dạy đại học và tham gia viết báo, hoạt động xã hội.
Trong các hoạt động giáo dục, báo chí, xã hội cùng người đỡ đầu là linh mục Chân Tín luôn biểu tỏ thái độ tích cực đi đầu trong giới trí thức – đặc biệt trí thức Thiên Chúa giáo - tham gia phong trào chống chế độ Mỹ – Thiệu, với lập trường thiên tả nghiêng về ủng hộ Cách mạng (trong trận chiến Mậu Thân từng gặp đại diện quân Giải phóng ở Sài Gòn và còn vào mật khu tiếp xúc với lãnh đạo Mặt trận Giải phóng). Là một cây bút chính trị phản chiến chống Mỹ sắc bén nổi tiếng trên một số tờ báo tiến bộ và tạp chí Đối Diện do mình lập ra năm 1969 (một số bài tập hợp in trong tác phẩm “Cho cây rừng còn xanh lá” trước 1975), còn mở rộng phạm vi hoạt động ra xã hội gần gũi với tầng lớp công nhân, dân nghèo đô thị.
Từ đó sau 75 được chế độ mới ưu ái, có mặt trong đoàn đại biểu giới trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được mời ra thăm Hà Nội. Được chính quyền cho phép ra tạp chí “”Đứng Dậy” tiếp tục truyền thống của Đối Diện. Quyết định cởi áo linh mục ra đạo lấy vợ là nhà báo (sinh một con gái duy nhất).
Nhưng chỉ được một thời gian thì tan vỡ ảo tưởng não nề về lý tưởng cách mạng nhân đạo và công bằng xã hội hằng mơ ước khi chứng kiến hệ thống chính quyền và cán bộ hiện tại do miền Bắc áp đặt mang tính chất độc đoán, quan liêu bao cấp ngày càng đi vào con đường suy thoái đạo đức xa rời tôn chỉ cách mạng ban đầu. Từ đó… quay ngoắt 180 độ chống đối chế độ quyết liệt trên bình diện tư tưởng chỉ bằng phương tiện báo chí, truyền thông xã hội vì xác quyết không làm chính trị mà chỉ làm bổn phận của người trí thức phải lên tiếng chống đối bất công áp bức mà thôi .
Vì thế tạp chí Đứng Dậy bị đóng cửa năm 1978, bản thân cùng linh mục Chân Tín bị quản chế 3 năm từ 1990 – 93, bị tịch thu hàng ngàn trang tài liệu (bài viết, bản thảo, nhật ký…). Nhưng vẫn kiên quyết không từ bỏ quan điểm “phản biện” từ thời điểm rất sớm này, tuyệt đối không trả lời một câu nào khi bị thẩm vấn. Cuối cùng, do sức ép của dư luận quốc tế, được thả ra song đuơng nhiên luôn được “để ý” theo dõi. Giữa năm 1998 còn thêm một lần bị đặt trong tình trạng “quản thúc tại chỗ”.
Dù vậy vẫn không chấp nhận ra nước ngoài, vẫn ở lại với đất nước và bà con tín hữu, tạm kiếm sống nuôi vợ con bằng nghề trái tay (bán đồ khảm xa cừ) và tiếp tục lao vào công việc chính là viết thể hiện lý tưởng trước sau như một đấu tranh mạnh mẽ cho quyền con người được sống hạnh phúc no ấm nhưng phải có tự do dân chủ. Bây giờ viết chủ yếu đăng báo nước ngoài (báo “Tin Nhà” ở Pháp), bạn bè hải ngoại giúp in tập “Hẹn thắp lên” năm 2000 và 3 tập “nhật ký chính trị”. Bên cạnh đó còn cuốn “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh của tôi” in vi tính phát hành hạn chế trong vòng thân hữu trong đó vẫn bày tỏ sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhà yêu nước và yêu cầu phải rất cẩn trọng khi muốn nghiên cứu phê bình nhân vật lịch sử này.
Do làm việc quá sức cộng với tinh thần căng thẳng và luống tuổi nên mắc phải bệnh “chai phổi” không ăn uống gì được đưa đến suy nhược từ trần. Đám tang cử hành lặng lẽ nhưng ít ra cũng có 2 tờ báo lớn – Sài Gòn Giải Phóng và Thanh Niên – có đăng bài tưởng niệm với nội dung chừng mực, chủ yếu khẳng định sự cống hiến trước 75 của một “người yêu nước dũng cảm, trung thựïc”.
Một người luôn sống với lý tưởng với niềm tin tuyệt đối vào phẩm giá con người và lẽ công bằng xã hội nên khi cần đã can đảm từ bỏ 2 niềm tin tương đối không còn phù hợp với hiện thực hành động nữa. Một là niềm tin vào tôn giáo và một là niềm tin vào chủ nghĩa xã hội bởi cả 2 đã không còn giữ đúng bản chất chân lý, thiên chức cao cả phục vụ con người như mình hướng vọng. Ở đây bỏ là để giữ nguyên vẹn lòng tin nguyên sơ trong sáng của mình, không chấp nhận bất cứ một hình thức thoả hiệp nào – một bí quyết làm chính trị - với bất cứ thế lực hay cơ chế nào, cả trong tư tưởng lẫn hành động.
Nhưng bản thân hẳn không tránh khỏi xót xa cay đắng, thất vọng ê chề khi phải đối diện với những mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn nội tâm (một nhà báo có tài luận chiến sắc sảo, châm biếm cay độc nhưng còn là một ngòi bút chân thành, tha thiết tràn đầy tình người vị tha). Sống ở đời mỗi người thường giỏi lắm cũng chỉ có một niềm tin tối thượng mà nếu mất đã đau đớn biết bao huống gì ở đây cùng lúc mất tới 2 niềm tin! Vậy mà vẫn nỗ lực vượt qua chấp nhận trả giá bản thân chịu thiệt thòi mọi bề kể cả cái chết mà lòng chưa toại nguyện cho thấy được ánh sáng cuối đường hầm như mong ước.
Một con người trung chính “cực đoan trong sáng”, thậm chí quá cực đoan không thực tế. Nhưng cực đoan hay quá cực đoan nằm chung ranh giới với cấp tiến, quá cấp tiến dành cho số phận của những người “thắp đuốc” đi trước thời đại – thường bị xem là kẻ “nổi loạn” - là điều mà xã hội nào, thế hệ nào, lịch sử nào cũng cần phải có.

282 - Nguyễn Ngọc Lạn
CHUYỆN TÌNH CỦA “ĐIỆP VIÊN BẤT ĐẮC DĨ” hay LIỆT SĨ SỐNG LẠI 10
Nông dân sinh 1937 tại Hà Bắc. Sống ở Hà Bắc (2006).
Bộ đội đặc công (theo đạo Thiên Chúa giáo) trong một trận đánh vào Sài Gòn năm 1971 bị thương chạy vào trốn trong một gia đình hai mẹ con mà bà mẹ – má Tám – đóng vai nhà tư sản là một chiến sĩ tình báo Cách mạng mang mật danh O22.
Từ đó được nhận làm con nuôi và được kết nạp vào mạng lưới biệt động thành của bà – mang một lý lịch giả làm sĩ quan công an VNCH - trong khi đơn vị tưởng đã hy sinh nên đã báo tử về quê nhà cho vợ và con trai.
Trong lúc đó ở Sài Gòn dần dần được má Tám tín nhiệm giao cho phụ trách nhiệm vụ của bà kể cả mật danh O22. Nhưng cũng từ đó những hệ lụy tình cảm nảy sinh khi cô em nuôi vốn cũng là một giao liên trong đường dây đem lòng yêu thong song bị mẹ ngăn cản vì lý do bảo vệ đường dây tình báo. Cô đành nhận phần thiệt thòi giới thiệu một người bạn gái con chủ đồn điền cao su làm vợ anh nuôi mà mình cứ ngỡ vẫn còn độc thân. Bị đẩy vào hoàn cảnh éo le song để giữ kín tông tích, chấp nhận lấy vợ mới sinh được 2 con trai.
Đến ngày Giải phóng, cuối năm 1975 mới quay lại quê cũ gặp lại người vợ già lâu nay vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con trong cảnh nghèo nàn khốn khó nơi làng quê miền Bắc bao năm cắn răng bóp bụng chi viện cho miền Nam. Thế là không nỡ lòng nào lại một lần nữa bỏ ra đi về miền Nam nơi chắc chắn mình sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng hơn.
Người “liệt sĩ còn sống” ấy từ đó trở thành một người nông dân chính hiệu trồng ngô sắn, làm vườn, thả cá, thậm chí cả đi buôn trâu buôn bò nữa để nuôi vợ con. Nhưng đau đớn hơn cả là sinh được thêm 2 con gái thi đều chết sớm vì di chứng CĐDC một thời hứng chịu trong rừng già Lộc Ninh. Còn bản thân mình cũng bị bệnh tật hành ha, tay chân một màu đen kịt song hễ xuống nước là bạc nhợt lại như rắn lột da.
Trong thời gian đó do hoàn cảnh thời Hậu chiến nhiều rối rắm phức tạp, lại không có phương tiện, tiền bạc vào thăm nên liên lạc với người vợ thứ hai cùng hai con trai ở Sài Gòn bị đứt hẳn. Má Tám đã mất, cô em nuôi giao liên thì hy sinh rồi, mọi cầu nối đều xem như mất hẳn. “Gia đình thứ hai” của mình vì thế sau nhiều năm mỏi mòn trông ngóng rốt cuộc đến năm 1985 cũng phải đành đoạn dứt áo ra đi nước ngoài mà người chồng người cha sau 10 năm xa cách vẫn chưa hề được nhìn thấy lại.
Thiên tình sử thời chiến hiếm có này từng được một người cháu họ sống ở Anh – Hương Keenleyside – viết thành cuốn tiểu thuyết tựa đề “Điệp viên O22” – xuất bản năm 2006.

283 - Nguyễn Ngọc Phương
ÔNG THẦY “TÍ HON”
Thợ sửa xe máy sinh 1980 tại Quảng Nam. Sống ở Đà Nẵng (2008).
Bố từng là bộ đội trên chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị nên sinh ra bị di chứng CĐDC với thân hình bé bỏng dài chỉ 20cm, lớn lên 20 tuổi cũng chỉ cao 90cm, cân nặng 20kg.
Thủa nhỏ dù rất ham học vẫn chỉ học được tới lớp 3 vì trường ở xa đi bộ không nổi (đi quá chậm do chân quá ngắn) nhưng vẫn ấp ủ mơ ước tìm học việc để làm thêm tự lo bản thân và giúp gia đình. Vì vậy năm 15 tuổi quyết tâm xuống thị xã học làm những nghề lặt vặt kiếm sống qua ngày như bơm hộp quẹt gas, mài tròng kính đeo mắt, sửa đồng hồ…
Chưa bằng lòng với công việc hiện tại mà mong muốn phát triển hơn nữa nên năm 20 tuổi vào Nam tìm đường lập nghiệp. Sau bao khó khăn vất vả, may mắn được một ông chủ tiệm sửa điện xe máy tốt bụng ở TPHCM thu nhận vào làm và truyền nghề cho. Từ đó cần cù làm việc và học hỏi nâng cao tay nghề ngày càng giỏi vừa đủ sống vừa dành dụm tiền gửi về quê giúp cha mẹ và các em.
Năm 2008 sau 8 năm “xuất ngoại” học tập bèn quay về Đà Nẵng mở tiệm riêng cho mình làm ăn độc lập đồng thời ở gần quê đỡ đần thêm cho gia đình, nuôi các em ăn học (có em cũng mắc bệnh CĐDC như mình). Không chỉ vậy, còn nhận các em đồng bệnh vào làm và học nghề, ngoài ra mỗi chiều đi dạy nghề thêm cho số các em khác ở trung tâm của Hội Nạn nhân CĐDC Đà Nẵng.
Một người thợ, một ông thầy “không giống ai” lùn tịt đứng chỉ ngang mặt bàn nhưng lúc nào cũng hăng say, năng động, lạc quan vui vẻ cưỡi xe máy ba bánh tự chế – nom giống chú ếch con ngồi trên lưng con bò! - giong ruỗi khắp các ngả đường (từng một mình chạy xe như vậy từ TPHCM về Đà Nẵng) đầy tự tin như bảng hiệu cửa hàng sửa xe “Phương Tín” do mình tự đặt ra: “Phương Tín là chữ tín của Phương, Phương luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.”

284 - Nguyễn Ngọc Toản
BÀ TƯỚNG NGHIÊN CỨU CĐDC
Nữ bác sĩ quân y về hưu sinh 1928 tại Huế. Sống ở Hà Nội (2010).
Xuất thân dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, nguyên nữ sinh Đồng Khánh đã thoát ly lên đường chống Pháp từ rất sớm, học làm y tá phục vụ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây đã để lại một kỷ niệm dấu ấn lịch sử: Được cấp trên cho tổ chức đám cưới với người yêu sĩ quan bộ đội ngay trong hầm của tướng De Castries Tư lệnh quân Pháp vừa đầu hàng.
Người chồng đó sau là một vị tướng trên chiến trường miền Nam, sau 75 trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN nhưng đã qua đời khá sớm năm 1980 do hậu quả CĐDC. Rồi 20 năm sau người con trai út đã có vợ con cũng mất vì chứng bệnh quái ác đó.
Vì thế về hưu ngoài việc đi khám bệnh từ thiện miễn phí, với kinh nghiệm chuyên môn bác sĩ còn bắt đầu lao vào tìm hiểu, nghiên cứu CĐDC từ khi nó chưa được biết tới cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước như bà Dương Quỳnh Hoa (cựu Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam cũng là nạn nhân bệnh này, đã mất), Lê Cao Đài, Hoàng Đình Cầu, TônThất Lang… Qua đó đã đi thực địa các kho chứa chất độc hóa học của Mỹ để lại tại miền Nam, tham gia ủy ban đầu tiên của Nhà nước VN xem xét vấn đề CĐDC, tham gia thành lập Hội Nạn nhân CĐDC năm 2003…
Tất cả vì tâm nguyện: “Đây không phải là cuộc đấu tranh cho riêng cá nhân tôi. Nỗi đau của nhiều thế hệ đã không tiếc xương máu đến hôm nay vẫn còn quá lớn…”

285 - Nguyễn Ngọc Xem
MUÔN DẶM TÌM CON
Nông dân sinh 1940 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).
Thuộc gia đình cách mạng nên lớn lên cũng tham gia hoạt động bí mật, đến năm 1962 thì cả mẹ lẫn con đều bị bắt. Ba năm sau được thả ra, mất liên lạc nên bỏ lên Pleiku làm thợ, lấy vợ đẻ con. Rồi bị… bắt lính chế độ cũ đeo lon hạ sĩ, may mà chỉ làm công việc hành chính.
Tháng 3.75 xảy ra cuộc tháo chạy tán loạn – chính quyền Sài Gòn mệnh danh là “di tản chiến thuật” - của lính Quân đoàn 3 kéo theo thường dân từ Pleiku theo đường 7 qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Cả gia đình bị cuốn theo dòng người bỏ nhà cửa của cải chạy thoát thân đó, vợ và 3 con đi trước còn mình đi sau. Tuy nhiên khi về đến đích là quê Đức Phổ gặp lại thì mới hay lạc mất đứa con trai thứ hai mới 5 tuổi.
Từ đó đến nay qua hơn 35 năm ròng rã hễ làm lụng vất vả ở quê – kiếm củi, nuôi cỏ cho bò… - dành được chút tiền bạc là một mình lên đường trở lại những nơi chốn cũ trên con đường di tản năm xưa để mong tìm lại dấu vết đứa con thơ. Đi bằng đủ cách đi bộ, xe đò, đạp xe (đến tận Tuy Hoà, Khánh Hòa)… Có gì ăn nấy, đụng đâu ngủ đó kể cả ngoài đồng, trong am miếu cổ… Gặp ai cũng hỏi kể cả những nhà nghe nói có nhận trẻ thất lạc làm con nuôi.
Những mãi đến nay tất cả đều vô vọng. Có thông tin từ nước ngoài đưa về qua chương trình truyền hình tìm thân nhân rốt cuộc cũng không phải đúng là đứa con mất tích trên đường chạy trốn chiến tranh năm xưa…

286 - Nguyễn Phi Sơn
ĐỨA CON NUÔI TỪ BỜ NAM SÔNG HIỀN LƯƠNG
Công nhân sinh 1967 tại Quảng Trị. Sống ở Đắc Lắc (2007).
Mới 8 tháng tuổi cùng cha mẹ sống ở bờ Nam sông Hiền Lương (thuộc VNCH) gặp một trận càn dữ dội của quân đội VNCH nên được bà mẹ bế chạy trốn định qua bờ Bắc (thuộc VN XHCN) nhưng bị máy bay thả bom làm lạc mất con, mẹ thì bị vùi trong đống đất đá xem như chết rồi.
Sau đó bộ đội vượt sông qua gặp đứa trẻ bị hơi bom hất văng ra xa khỏi tay mẹ nhưng chưa chết mới mang về bờ Bắc cứu sống. Được vài tháng đơn vị phải hành quân đi chỗ khác nên giao cháu bé lại cho một bà mẹ quê ở địa phương (Vĩnh Linh) nuôi. Nhưng một năm sau bà mẹ nuôi đầu tiên đó bị bệnh nên cháu lại được chuyển ra một bệnh viện ở Hà Tĩnh lúc đó được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ em thất lạc vì chiến sự. Tại đây may mắn được một nữ bác sĩ nhận làm con nuôi – bà mẹ nuôi thứ hai – đặt tên lấy theo họ mình là Nguyễn Phi Sơn.
Mãi đến năm 17 tuổi mới được mẹ nuôi cho biết sự thật về nguồn gốc của mình nên năm 1984 nhảy xe vào Quảng Trị tìm cha mẹ ruột. Nhưng cũng chẳng biết đâu mà tìm, chắc là mẹ không qua khỏi trận chiến khốc liệt năm xưa. Đành quay về Hà Tĩnh làm công nhân lâm trường rồi năm 1989 lên Tây nguyên lập nghiệp ở Đắc Lắc, tưởng rằng mãi mãi không còn tìm ra nguồn cội của mình.
Không ngờ thực tế bà mẹ ruột vẫn còn sống nhờ năm đó được bới ra từ đống đất đá cứu sống, đưa qua bờ Bắc vào bệnh xá chữa trị (tức là có thời gian ngắn cả mẹ và con cùng ở Vĩnh Linh mà không hề biết). Sau đó suốt hơn 10 năm trời bà mẹ đi lang thang khắp nơi để tìm con trong tâm trạng đau xót đứt ruột, thảng thốt rối bời nhiều khi gần như trở thành một “mẹ điên” vì không sao tìm thấy đâu dấu tích của đứa con bé bỏng.
Đến năm 1980 mới chịu thôi, lập một ngôi mộ gió và am thờ cho con.
Tuy nhiên sự đời lạ lùng mãi đến 26 năm sau một sự tình cờ xui khiến 2 bà mẹ nuôi gặp nhau qua đó bà mẹ nuôi dân quê mới cung cấp thêm thông tin cho bà mẹ nuôi bác sĩ nói lại cho con nuôi biết. Thế là năm 2006 lại hộc tốc chạy về Quảng Trị dò tìm song vẫn không có kết quả.
Gần một năm sau mới tìm gặp được bà mẹ nuôi đầu tiên nhờ chỉ đường dẫn lối qua một số manh mối nữa cuối cùng mới hội ngộ được cha mẹ ruột và các em sau 40 năm mà “trong mơ mẹ cũng không thể ngờ được”.

287 - Nguyễn Phương Anh
NGƯỜI ĐI CẢI TÁNG NẤM MỒ QUÁ KHỨ
Nữ doanh nhân Việt kiều sinh 1974 tại VN. Sống ở Mỹ (2008).
Mới lên 5 đã theo gia đình vượt biên năm 1979 trong một chuyến hải trình khốc liệt bi thảm bị cướp biển Thái Lan tấn công cưỡng hiếp người chị và giết chết người anh khi nhảy vào muốn cứu chị gái. Cuối cùng cập bến trại tị nạn Indonesia, tại đây người chị cũng qua đời vì vết thương cưỡng hiếp để lại.
Sau đó mới qua Mỹ, bà mẹ bị khủng hoảng tinh thần một thời gian mới lành chấn thương tâm lý. Bản thân ăn học thành tài làm một doanh nhân trẻ đẹp thành đạt quen biết rộng với giới thương gia, văn nghệ sĩ tiếng tăm.
Rất “nghiện” đi đây đi đó, đi qua rất nhiều nước – tập hộ chiếu được mô tả “dày cộm như một cuốn tiểu thuyết” - ngoài chuyện làm ăn còn như bị thôi thúc bởi một nhu cầu nội tâm bí ẩn do thấy mình không gắn liền với một gốc gác, quê hương nào.
Có lẽ từ đó mà năm 1991 dù bị cả nhà phản đối vẫn quyết định trở về VN mở một quán ba tầm cỡ quốc tế sang trọng tại TPHCM với lý do thầøm kín từ đáy sâu thẳm tâm hồn là “trở về để đối mặt” với những kẻ đã đẩy mình ra đi ngày nào. Như đó là cách giải quyết một “mối thù”, một món nợ đời cũng là món nợ tâm linh.
Nhưng kết quả lại phải làm quen, làm việc chung với “kẻ thù”qua đó như thú nhận là cơn phẫn nộ dai dẳng tiềm ẩn lâu nay đã ít nhiều vơi đi. Nhưng dấu vếùt hằn sâu nỗi đau lớn quá vẫn còn đó ít nhiều khó bề xóa nhòa nổi. Thêm vào đó là một nỗi đau khác khi quay lại Indonesia tìm mộ chị định cải táng đem đi thì mộ đã bị sóng biển cuốn trôi mất dạng từ hồi nào!
“Chẳng còn gì cả!”, vết thương lòng như thế thật quá khó để hàn gắn dù đã tìm đến liệu pháp của lòng tha thứ bao dung và chấp nhận thực tại. Bởi thế sau 8 năm tìm về và ở lại với nguồn cội đã lại manh nha ý định lên đường ra đi đến những chân trờ xa lạ sống trọn kiếp đời của một kẻ lưu vong thế giới, mất quê hương chưa an tâm với bến đỗ cuối cùng nào.
Bởi ấy phải là một bến đỗ nơi không còn quá khứ, delete quá khứ sạch sẽ chứ không phải là nơi chôn vùi quá khứ với vẫn còn sót lại một vài kẻ đứng khóc bên mồ.

288 - Nguyễn Quang Huy
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 11
Công chức sinh khoảng 1957 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).
Năm 18 tuổi dù đã thi đậu đại học nhưng vẫn xin hoãn nhập học đợi đi chiến đấu miền Nam về mới theo học. Vào Nam tham gia chiến trường Quảng Đà đến cuối năm 1971 rơi vào ổ phục kích bị lính Mỹ bắn trọng thương bất tỉnh.
Lính Mỹ dùng dao cửa cổ tưởng chết nên bỏ xác lại rút quân, nhưng đến hôm sau quay lại thấy… còn sống lấy làm lạ mới đưa về quân y viện ở Đà Nẵng chữa trị. Sau đó mới tra khảo dò tin tức, qua năm 1972 thì chuyển ra nhà tù Phú Quốc. Đến năm 1973 được trao trả tù binh tại Lộc Ninh trở về đơn vị cũ vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu tiếp chứ không về Bắc an dưỡng theo chế độ.
Trong lúc đó ở quê nhà đã nhận giấy báo tử từ năm 1972, đưa vào danh sách liệt sĩ ở địa phương. Tình hình chiến trường ngày càng nóng bỏng nên mọi thông tin liên lạc về gia đình đều không đến được. Có điều chỉ ông bố là tin con mình còn sống nên quyết không chịu nhận chế độ trợ cấp!
Cho đến ngày giải phóng sau 75 mới xuất ngũ về quê hương giữa sự ngỡ ngàng của mọi người. Trả lại danh nghĩa liệt sĩ cho Nhà nước.
Bắt đầu làm lại cuộc đời giữa muôn vàn khó khăn thời Hậu chiến mà gia tài của người lính hầu như là con số không. Người yêu cũ tưởng mình đã chết nên đã bỏ đi lấy chồng, rồi ngay cả trường đại học cũng từ chối tiếp nhận vì lý do “không đủ tiêu chuẩn” sức khoẻ kém và nhất là “mất giọng nói” do vết cắt cổ suýt chết năm xưa nay để lại một vết sẹo chạy ngang cổ họng làm giọng nói lúc nào cũng phát âm nhỏ, khàn khàn phải ngồi sát bên chú mục mới nghe được.
Nhưng bản lĩnh người lính đã vào sinh ra tử giúp giữ vững nghị lực vươn lên trong cuộc sống mới bộn bề bao lo toan mưu sinh vất vả. Xin làm chân chiếu bóng quốc doanh rồi đi học thêm ngành kế toán, dàn dần cuộc sống cũng ổn định qua ngày, lấy vợ có con như bao người bình thường khác…

289 - Nguyễn Quang Sang
GIÁM ĐỐC ĐI TU
Cựu giám đốc công ty sinh tại miền Nam. Sống ở Bạc Liêu (2008).
Tham gia hoạt động Cách mạng ở địa phương, sau 75 đượïc bố trí chuyển qua làm kinh tế nhận chức giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Cimexcol Minh Hải do tỉnh phối hợp với TPHCM lập nên.
Công ty hợp tác làm ăn với nước bạn Lào ngày càng khấm khá, một thời nổi tiếng với việc trao đổi hàng đối lưu xe Honda Cub cũ đem về nước bán giá rẻ. Tuy dịïch vụ này làm theo chủ trưởng Đổi mới kinh tế đươc đề ra năm 1986 nhưng còn mới quá nên vẫn bị một số thế lực bảo thủ theo cơ chế cũ ngấm ngầm chống đối. Vì thế năm 1987 đã nhắm Cimexcol đánh một cú chí tử với lý do lợi dụng danh nghĩa Nhà nước cho tư nhân thu lợi bất chính làm thiệt hại cho Nhà nước (song song đó còn gài tội phản động cho vị phó giám đốc nguyên là một dân biểu chế độ cũ!).
Kết quả 18 cán bộ Cimexcol ra toà năm 1989 lãnh án tù trong đó giám đốc bị quy 2 tội “Cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quảû nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” lãnh án 5 năm tù.
Vụ án bị quần chúng và cả nhiều cán bộ cao cấp phản ứng cho là “oan sai, bất bình thường” (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) nên Trung ương cho điều tra lại với kết quả ngược lại quả đúng là… xử bậy! Vì thế năm 1994 lần lượt trả tự do cho tất cả bị can nhưng không có văn bản nào chính thức minh oan phục hồi danh dự cho họ; không trả lại chức vụ, đảng tịch.
Chán chường thế sự tình đời đen bạc, được ra tù muộn màng (đã thi hành án gần đủ), cựu giám đốc một thời oanh liệt chọn giải pháp… đi tu quên đời! Có ai hỏi han gì chuyện cũ thì chỉ lắc đầu thở dài im lặng.

290 - Nguyễn Quang Tám
Ỏ LẠI TRƯỜNG SƠN LẬP AM THỜ LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh khoảng 1944 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2009).
Năm 1964 vào bộ đội chiến đấu trên biên giới tây Trường Sơn giáp ranh Lào. Hơn 10 năm lăn lộn trong núi rừng đã 5 lần bị thương nặng trong đó 2 lần suýt chết, một cánh tay bị chém gần đứt lìa.
Sau 75 thay vì được điều về tỉnh nhận nhiệm vụ khác với đời sống đầy đủ thoải mái hơn thì lại tình nguyện cùng vợ (một nữ thanh niên xung phong quê Quảng Bình gặp ở trạm xá) xin ở lại vùng rừng núi Trường Sơn (huyện Hướng Hoá) để “làm cái gì đó” đáp lại ơn nghĩa núi rừng và đồng bào dân tộc cứu giúp mình sống sót được đến ngày nay.
Bắt đầu là lập một cái am trang trọng tối ngày nhang khói tưởng nhớ đồng đội đã bỏ mình trong cuộc chiến. Sau đó lặn lội khắp vùng đồi núi rừng già tìm hài cốt liệt sĩ bốc về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, huyện. Sau nữa tự học nghề đông y để đến năm 1989 lập Hội Đông y địa phương vận động bà con tham gia đi hái thuốc nam đem về làm thuốc giúp chữa bệnh cho đồng bào dân tộc…
Ơn nghĩa Trường Sơn như một món nợ trả mãi thấy không bao giờ đủ kể cả việc đặt tên cho con trai đầu lòng là Trường Sơn…
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét