Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 26 )


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Sáu

261 - Dương Thị Diệp
BỨC ẢNH DƯỚI MỘ
Nông dân sinh 1909 tại Hưng Yên. Sống ở Hưng Yên (2003).
Mẹ có một người con đi bộ đội hy sinh ở chiến trường Nam bộ không biết tung tích, mộ chí ở đâu. Thế mà đến năm 2003 khi mẹ đã 94 tuổi mới nhận được tin hài cốt con vừa tìm được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Quảng Bình kèm theo di vật là tấm ảnh của mẹ được chôn theo cùng xác con dưới nấm mồ vô danh đã 33 năm nay.
Tất cả nhờ công lao của một nữ nhân viên Bảo tàng quân đội Quân khu 4 vào đầu năm 2000 dự một cuộc quy tập mộ 82 bộ hài cốt bộ đội vô danh từ Lào đưa về nghĩa trang Quảng Bình. Qua đó chị phát hiện chỉ duy nhất có một bộ hài cốt được nhân dân Lào cho biết tên là “Hương” và đặc biệt kèm theo còn di vật một tấm ảnh nhỏ – kiểu ảnh căn cước 3cm x 4cm - lồng kính hình một bà mẹ khoảng 50 tuổi đầu vấn khăn mỏ quạ quen thuộc của phụ nữ Bắc bộ. Chị xin mang về để truy tầm tin tức liệt sĩ ấy, phải đưa ra Hà Nội hồi đó mới có chuyên viên chụp ảnh kỹ thuật số chụp lại rồi nhờ báo chí đăng tìm người thân.
Kết quả tìm được lai lịch liệt sĩ tên Bùi Danh Hương cùng bà mẹ – người trong ảnh – lúc ấy đã 94 tuổi vẫn còn sống trong nỗi vô vọng chờ tin đứa con trai núm ruột. Nay mới biết con đã tử trận tận năm 1970 mà lúc hy sinh vẫn không xa rời hình ảnh mẹ.
Di vật được trang trọng gửi trả lại cho người mẹ đã theo chân con đi khắp chiến trường, đến cả khi con nằm xuống nơi xa xôi mà mẹ nào có hay. Bây giờ mẹ đã có thể thanh thản ra đi biết đâu sẽ gặp lại con nơi một thế giới khác.

262 - Nguyễn Hà
“QUỐC GIA NGHĨA TỬ” VÌ NGHĨA TỬ NGHĨA TẬN
Việt kiều ở Mỹ sinh 1955. Sống ở Mỹ (2007).
Là một “Quốc gia nghĩa tử” chế độ cũ (con cái binh lính Sài Gòn tử trận được tập trung nuôi dưỡng, dạy dỗ trong những trường bán quân sự đặc biệt) vượt biên qua Mỹ năm 1977.
Đến năm 2006 sau khi trở về thăm lại quê hương đã cùng vài người bạn đồng cảnh ngộ đứng ra vận động làm kiến nghị gửi cho chính quyền VN xin được về trùng tu Nghĩa trang Quân đội Sài Gòn cũ vốn lâu nay bị bỏ bê, quên lãng, hạn chế cho vào thăm viếng nên đang xuống cấp.
Quan điểm đó được nhiều người ở hải ngoại ủng hộ lẫn chống đối nhưng vẫn giữ vững lập trường tin tưởng rằng “Chúng tôi chỉ nhìn thấy trong cuộc chiến chúng tôi là nạn nhân, chúng tôi được quyền có hành động xoa dịu nỗi đau đớn… Chúng ta phải cùng chia xẻ với nhau nỗi đau khổ và hướng về tương lai của đất nước, của dân tộc” cũng như “Cần gác bỏ tất cả những tỵ hiềm để lo cho người chết” (Nguyễn Duy Linh, một QGNT khác cũng ở MỸ).
Năm 2009 chính quyền đã giải tỏa lệnh “quân quản” nghĩa trang này từ phía quân đội để bàn giao lại cho tỉnh Bình Dương quản lý như một nghĩa trang dân sự bình thường để cho bất cứ gia đình thân nhân không phân biệt “phe” nào đều được tự do vào thăm nom, sửa sang phần mộ.

263 - Nguyễn Hữu Ngữ
DÂN CÔNG NHÀ 3 ĐỜI KHIẾM THỊ
Lao động nghèo sinh khoảng 1954 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2005)
Trước 75 dù mù bẩm sinh nhưng 16 tuổi xung phong đi làm dân công hỏa tuyến vẫn được nhận do phục vụ chiến trường lúc nào cũng cần người.
Sau 75 tiếp tục làm dân công đắp đập, đào kênh khắc phục công trinh bị bom đạn Mỹ đánh phá qua đó làm quen rồi cưới vợ cũng là một dân công bị bệnh điếc từ nhỏ với đám cưới tổ chức ngay bên bờ kênh đào làm thủy lợi.
Sau đó vợ chồng dắt díu nhau về quê làm ruộng, làm bốc vác thuê đắp đổi qua ngày, không được trợ cấp gì vì hồi đó dân công được xem như một “nghĩa vụ yêu nước”. Sinh được 2 con trai nhưng đều… mù như bố. Con trai đầu lớn lên lấy vợ sinh cháu lại vẫn… mù tiếp! Cảnh nhà ngày càng khốn khó.
Tuy vậy vẫn cố gắng đỡ đần giúp con ăn học, luôn khuyên con cố gắng học hành mới mong thoát được cảnh bần cùng. May mắn cả 2 con đều học thành tài theo ngành âm nhạc, ra đời dạy nhạc cho trường học sinh khiếm thị.

264 - Nguyễn Hữu Phước
NGƯỜI BẮT TÀU VƯỢT BIÊN
Công chức về hưu sinh 1939 tại An Giang. Sống ở Vũng Tàu (2001).
Từ nhỏ đã theo cha vào vùng mật khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến. Sau khi cha bị bắt đày ra Côn Đảo, mẹ sợ con bị lùng bắt nên gửi lên Sài Gòn ăn học. Năm 1957 ra trường Cao đẳng Hàng hải được đưa ra làm chân gác đèn biển ở Bãi Cạnh thuộc Vũng Tàu.
Sau 75 vẫn vui vẻ tiếp tục nhiệm vụ đó ở một nơi xa xôi hẻo lánh dù có lý lịch tốt nhưng cha đã hy sinh trong nhà tù Côn Đảo. Nhân viên nào cử ra đây phụ việc cuối cùng chịu không nổi cảnh sống cô quạnh đều bỏ trốn hết nên bản thân chấp nhận đem cả vợ và 6 con ra đảo sống đời “Gia đình Robinson”.
Tại đây, cả nhà xúm vào tìm cách kiếm thêm cái ăn như đánh cá, hái cây rừng, trồng rau “cải thiện”… Khoảng 20 ngày mới lắc thuyền thúng vào đất liền lấy đồ nghề, lương thực thực phẩm. Ban đêm 2 vợ chồng thay phiên nhau dạy con học chữ.
Dù khó khăn vậy, những tàu vượt biên bắt buộc phải qua đây đều bị ông bắt giữ báo lại cho công an biên phòng ra áp tải về. Nhiều lần được mua chuộc, hối lộ lấy vàng thả người hoặc cùng vượt biên luôn đều thẳng thắn từ chối vì nhớ gương cha “một lòng theo Cách mạng”!
Nhưng hy sinh như thế chưa được đền bù vẫn phải tiếp tục đời canh đèn biển lưu xứ không ai muốn nhận thì thật đau đớn sau đó phải “trả giá”ù năm 1981 khi dịch bệnh sốt xuất huyết lan ra tận đảo làm cả 6 con đều mắc bệnh nặng mà đường dây điện thoại ra đảo gặp gió bão bị đứt nên phải đốt lửa làm dấu hiệu cầu cứu với đất liền. Tuy nhiên gặp lúc biển động tàu không sao ra được để đưa về đất liền vào bệnh viện chữa trị, đến 3 ngày sau bão tan sóng lặng tàu ra cứu thì 3 con đã chết vừa chôn cất ngay trên đảo hoang vắng, 3 con còn lại chở về điều trị khỏi trong đó vẫn còn một em mang di chứng suốt đời.
Năm 1998 nhận quyết định về hưu sau 43 năm làm “kẻ giữ đền” trung thành của Bãi Cạn qua 2 chế độ. Nhưng đêm đêm vẫn không thôi ngóng trông về ngọn hải đăng “lưu đày” đó chờ sáng đèn, nơi còn 3 đứa con yên nghỉ vĩnh viễn bên bờ biển cả bao la nhắc nhớ một thời vượt biên và chống vượt biên mà nay hầu như đã bị sóng biển xoá nhòa tất cả rồi.

265 - Nguyễn Khắc Kham
LƯU VONG VẪN NHỚ CHUYỆN HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
Học giả sinh 1907 tại Miền Bắc – Mất 2007 ở Mỹ (100 tuổi).
Trước 75 tốt nghiệp cử nhân lụât và văn chương ở Paris rồi về Sài Gòn làm giám đốc Thư viện quốc gia, dạy ngữ học ở ĐH Văn khoa. Có vợ Nhật Bản nên đến 1977 được can thiệp cho 2 vợ chồng qua Mỹ, sống thọ đúng 100 tuổi xưa nay hiếm.
Là học giả uyên bác chuyên về lịch sử – văn hóa VN nên từ năm 1994 đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tranh chấp với Trung Quốc. Lúc 93 tuổi đã một mình lụm khụm lặn lội leo xe bus đến nhiều thư viện đại học ở Mỹ dù ở xa nhà để tra cứu tài liệu viết bài chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền VN. Vì “Nếu không làm gì, lâu ngày người ta quên đi!”
Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa chắc chắn sẽ không quên cụ.

266 - Nguyễn Khoa
VƯỢT BIÊN QUA PHILIPPINES VẪN GẶP VẬN ĐEN QUÁ ĐEN
Thường dân sinh khoảng 1963 tại VN – Mất 2006 ở Philippines (khoảng 43 tuổi).
Sau 75 cha đi cải tạo, cả gia đình gồm mẹ và 10 đứa con phải đi kinh tế mới từ năm 1977. Không còn con đường nào khác phải vượt biên cùng 2 người em đến được Philippines năm 1989.
Nhưng không được cả Mỹ lẫn Úc cho di dân vì trong thời gian ở trại Phillines đã… lấy vợ Philippines! Dù sau đó được cho về tỉnh ở với vợ con (sinh đến 3 con) vẫn quyết ở lại đây 17 năm dài chờ xin được đi nước khác định cư trong khi 2 người em đã chấp nhận hồi hương về VN năm 1996.
Đúng như ý nguyện, năm 2006 được Toà Đại sứ Na Uy thông báo hồ sơ xin nhập cư đã được chấp nhận. Vội vàng lên Thủ đô Manila để làm thủ tục thì lúc đó mới được phía Na Uy trả lời… sorry, cho biết không phải trường hợp anh mà chỉ là một trường hợp… trùng tên thôi! Đành thất vọng thất thểu lê chân trở về tỉnh nhà với vợ con.
Rồi có một người bạn cùng xin đi Na Uy và được chấp nhận nên lại lên Manila đưa tiễn bạn, sau đó bị cảm cúm phải lưu lại vài ngày. Khỏi bệnh sửa soạn lên đường về nhà thì xui xẻo gặp… tai nạn thảm khốc bị xe cán chết tại chỗ không toàn thây, mất đầu và đứt lìa một cánh tay!
Đám tang hỏa thiêu mà vợ con ở tỉnh xa biết tin trễ không kịp về dự được.

267 - Nguyễn Kim Ngân
TAC GIẢ “BÀ MẸ BÀN CỜ” THÀNH “GIÁO VIÊN NÔNG DÂN”
Giáo viên về hưu, nhà thơ sinh năm1946 tại Phú Yên. Sống ở Phú Yên (2010).
Tác giả bài thơ phổ nhạc nổi tiếng “Bà mẹ Bàn Cờ” (nhạc Trần Long An) thời sinh viên Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ đầu những năm 70 đã tham gia phong trào này từ thời chống chế độ Diệm 63, đến 1972 còn bị chế độ Thiệu bắt giam.
Sau 75 tình nguyện trở về quê nhà Sông Cầu dạy học góp phần xây dựng lại quê hương sau chiến tranh với tấm bằng Cử nhân Triết học Tây phuơng ĐH Văn khoa Sài Gòn. Nhưng bị thực tế phũ phàng đẩy đi tới chỗ cùng cực thành một giáo nghèo trường làng do địa phương không công nhận bằng Triết Tây, thậm chí còn nghi kỵ nữa. Lại thêm tính ham “đấu tranh” của một cựu sinh viên tranh đấu Sài Gòn cũ – nay là đấu tranh với thói quan liêu bao cấp trì trệ của cả một hệ thống - nên rốt cuộc bị hạ cấp xuống làm giáo viên cấp 2 (hưởng lương theo bằng… tú tài) cho đến ngày về hưu năm 2006.
Từ đó dù có khi được làm hiệu trưởng một trường nhỏ nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Đến năm hơn 40 tuổi mới lấy được vợ. Sống cùng vợ ba con trong căn nhà lá vách đất chỉ có 3 chiếc ghế gỗ xộc xệch để tiếp khách mà ngay căn nhà này cũng phải tự tay mình gánh đất làm nền, chặt cây làm cột kèo. Vay tiền nuôi tôm thì tôm bị dịch bệnh phá sản. Gương điển hình một dân tranh đấu thời cũ “ngoài Đảng” đầy nhiệt huyết bị lãng quên, một trí thức bị bỏ rơi, một nhà thơ hết thời và cả một nông dân thất bại.
Chỉ còn niềm vui lên núi tự tay tìm hoa lan về nhà chăm sóc làm cây cảnh thú vui qua ngày. Có cây muốn bán lấy tiền đắp đổi cơm áo nhưng không ai mua, còn cây có người mua thì lại… không nỡ bán!
Dù vậy vẫn thản nhiên sống đời “an bần lạc đạo” gần như bất chấp tất cả. Đến sau này căn nhà ọp ẹp vẫn thế là căn nhà vách đất duy nhất trong làng, mà lại làm nhà ở vị trí kỳ cục… quay lưng lại mặt đường! Nói là để đón gió mát từ con rạch nhỏ sau nhà song không khác gì hàm ý muốn quay lưng lại với thế sự nhân gian. Như không cần gì cả vì “Mọi thứ tôi đều đã có trong đầu”!
Riêng về thơ có hơn 100 bài chép tay sáng tác từ thời sinh viên tranh đấu vẫn xếp trong xó tủ mốc meo do không có tiền in. Mãi đến năm 2007 mới được bạn bè chiến hữu cũ biết được giúp in với nhan đề giống hệt cuộc đời mình “Sông chảy bên trời”:
“Về vườn xưa cứ thương nhớ hoa cau
Sau chiến tranh mẹ không trồng lại nữa
Ngôi nhà mình trống dột cả trước sau
Bữa cơm chiều một mình ngồi trên đất…”
Có ai lấy làm ái ngại thì nhà triết gia “lỗi thời”, người viết nên bài thơ phổ nhạc đã đi vào lịch sử – “Đường VN Bàn Cờ/ Tình VN như tơ/ Đồng VN lầy lội/ Giặc đợi chết từng giờ…” -- chỉ trả lời đại ý rằng “Sống được đến giờ đã là quá may mắn lắm rồi”!

268 - Nguyễn Kim Tiến
NGƯỜI ĐÀN BÀ SỢ MA
Nữ bộ đội sinh khoảng 1960 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm vào Nam đi dạy ở Đồng Tháp, Đà Lạt, Nha Trang, vợ chồng con cái đề huề bỗng nhiên đột ngột xin nghỉ dạy để học lại đại học nhưng về ngành bảo tàng.
Ra trường lại gây bất ngờ nữa là tình nguyện vào bộ đội được phân công tác về Bảo tàng Quân khu 4. Từ đó gắn liền đời mình với niềm say mê đi truy tìm hài cốt, di vật của hàng ngàn liệt sĩ vô danh mất tích trong cuộc chiến vừa qua dù rằng thời còn trẻ và cả khi mới lấy chồng nổi tiếng là một cô gái nhát gan hay… sợ ma!
Nhưng bây giờ thì khác trở nên bạo dạn, “lì” hết mực từng bao lần ngồi xe đêm, đi tàu đêm với kè kè bên mình những bộ hài cốt bộ đội vừa tìm được gói kín mang về quê hương quy tập nghĩa trang. Từ đó đã góp công tìm ra tên tuổi trả lại cho 69 liệt sĩ, phát hiện hơn 2.000 di vật để đưa lên bàn thờ, trưng bày trang trọng… Trở thành là một chuyên gia “Hài cốt học”, một đầu mối thông tin cho các đội quy tập cũng như gia đình liệt sĩ. Còn kéo cả chồng và con gái vào cuộc phụ giúp mình nữa.
Phải chăng ấy là nhờ “ma đưa lối quỷ dẫn đường”? Chỉ biết đương sự thường hay nằm mơ ú ớ qua những giấc mơ thấy liệt sĩ hiện về “báo mộng” mà chỉ có bản thân mình chiêm nghiệm, tin tưởng chứ người ngoài thật chẳng biết thực hư thế nào.
Nhiều nguời lo việc gần gũi với “cõi âm” như thế có thể gây ra những hậu quả về tâm lý lẫn sức khoẻ không tốt (đã có một lần phải vào viện điều trị may mà mới chỉ là do làm việc nhiều bị suy nhược). Nhưng vẫn thản nhiên cười khoả lấp rằng “Không can chi mô, em nghĩ các liệt sĩ thương em sẽ phù hộ em nhiều mà…”
Thực tế thì có khoảng 3.000 lá thư thân nhân liệt sĩ từ khắp các miền đất nước đã gửi đến cám ơn người phụ nữ gan cùng mình này.

269 - Nguyễn Luân
TUYỆT TỰ!
Thường dân sinh 1922 tại Quảng Nam – Mất 2007 ở Quảng Nam (85 tuổi).
Chỉ có một con trai duy nhất và người con trai này sinh được 4 cháu thì hết 3 cháu bị nhiễm CĐDC nằm một chỗ không làm gì được, chỉ riêng còn sót lại một cháu là bình thường nên xem như là người nối dõi gia tộc.
Cháu này học hành tốt đã bắt đầu ra làm việc (chưa lập gia đình) song mới được một tháng thì… tử nạn trong một vụ chìm ghe trên hồ Phú Ninh vào giữa tháng 7.2007.
Quá tuyệt vọng vì đứa cháu lành lặn duy nhất được đặt tất cả hy vọng giữ lại dòng dống gia đình lại sớm bỏ ra đi khiến nay không hy vọng còn con cháu nào nữa, mươi ngày sau ông nội sinh ra quẫn trí đã treo cổ tự tử chết theo!

270 - Nguyễn Lương Cảnh
NGƯỜI KHẮC BIA MỘ ĐỒNG ĐỘI
Doanh nhân sinh 1946 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2010).
Trong chiến tranh chống Mỹ vào thanh niên xung phong năm 1965. Có lần khi đồng đội hy sinh thương bạn nên tự tay đục đẻo làm nên tấm bia đá cho bạn. Từ đó “chết nghề” luôn do khéo tay được giao cho nhiệm vụ chuyên khắc bia mộ bộ đội và đồng đội tử trận. Ngoài ra còn nhận nhiệm vụ vẽ bản đồ đường Trường Sơn cho Bộ Tổng Tư lệnh đường Trường Sơn.
Sau 75 nhờ đó mới nhớ lại các địa điểm đặt mộ bia đã giúp nhiều gia đình đi tìm ra mộ thân nhân do chính tay mình làm và dựng bia. Đến 1984 ra quân về quê làm đủ nghề vẫn không sống được mới suy nghĩ quyết định nhảy ra làm nghề nhôm kính chưa hề có ai làm khiến bị kêu là “hâm” là “gàn”, ai ngờ cuối cùng lại thành công mở công ty. Thâm tâm vẫn cho rằng ấy là nhờ hương hồn đồng đội phù hộ.
Từ đó song song mở lớp dạy nghề miễn phí cho con em thương binh và trẻ mồ côi với tâm nguyện không quên một thời từng gắn bó với cái chết của đồng đội.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét