Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 27 )


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Bảy

271 - Nguyễn Lưu
MẮC BỆNH “NHIỄM CỐT”
Nông dân sinh khoảng 1925 Bình Định – Mất 2005 tại Bình Định(81 tuổi).
Trong chiến tranh chỉ là dân thường nhưng vẫn bám trụ ở làng quê dù nhiều lần nơi đây xảy ra chiến trận khốc liệt.
Nhờ đó sau 75 biết nhiều về các địa điểm chôn cất liệt sĩ nên hàng chục năm trời chuyên làm chuyện “ăn cơm nhà vác ngà voi” là tự nguyện đi theo chỉ dẫn cho chính quyền truy tìm mộ liệt sĩ. Thậm chí khi tìm được rồi thì tự tay mình đào bới hốt cốt liệt sĩ bỏ vào tiễu sành cho cán bộ mang về đưa vào nghĩa trang.
Trong thời gian đó việc nhà nuôi 5 đứa con đều do một tay bà vợ cáng đáng trong cảnh nheo nhóc bần cùng vì ông làm việc nghĩa thời đó chưa hề có chế độ bồi dưỡng gì.
Đến năm 2000 thì phát bệnh nặng nằm liệt giường suốt 5 năm trời rồi qua đời trong cảnh nghèo khó. Người ta nói là vì bệnh “nhiễm cốt” do ảnh hưởng vệ sinh môi trường từ hài cốt chôn lâu năm nay tự tay mình lấy lên mà lại không quan tâm đến các điều kiện vệ sinh môi trường. Có lẽ đó là bệnh ung thư song ở vùng quê hẻo lánh mà gia cảnh lại quá nghèo nên khó bề chạy chữa nổi.
Chỉ tội người vợ còn lại sống một thân một mình không chỗ nương tựạ khi cả 5 con đều đã lập gia đình riêng chẳng giúp đỡ được gì đến nỗi bà đã 83 tuổi mà phải lê la ra ngôi chợ đầu làng… ăn xin. Chẳng những thế, khi có ai thương tình giúp đỡ được món tiền nhỏ thì lại bị một đứa con ở gần nhà qua đòi lấy hết, không chịu đưa thì… đánh cả mẹ!

272 - Nguyễn Mậu Tấn
HỌA SĨ CỤT 2 CHÂN 2 TAY
Thường dân sinh 1957 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên - Huế (2007)
Năm 1977 vừa tốt nghiệp phổ thông lên đồi cuốc đất trồng sắn thì trúng phải mìn làm cụt 2 chân đến đùi, một tay cụt sát bả vai và tay còn lại cụt ngang khuỷu tay.
Nằm viện 3 tháng trở về nhà thành người tàn tật thậm tệ như “một cục thịt vuông vức” nằm một chỗ cho cha mẹ lo hết mọi việc chăm sóc từ ăn uống đến vệ sinh. Tuyệt vọng tự tử 3 lần không chết.
Phải trải qua 3 năm như thế mới phấn đấu hồi sinh với ý chí quyết sống còn vươn lên mạnh mẽ: “Tôi đã tự thề đã không chết được thì phải cố sống cho đàng hoàng.” Thế là bắt đầu tập viết bằng cách ngậm bút đẩy đi tới mức nát cả môi chảy máu, sau đó cột bút vào khuỷu tay hẩy qua hẩy lại. Viết được rồi thì chuyển qua tập vẽ. Mất hơn 3 năm trời mới vẽ viết thành thục như người bình thường.
May mắn nhờ có năng khiếu sẵn và được bạn bè, bà con động viên nên vẽ tranh cổ động cho xã, vẽ tranh thờ cho dân làng (được trả bằng lúa gạo, khoai sắn), vẽ tranh minh họa cho thầy cô dạy học trò cũng kiếm sống được qua ngày và nhất là tìm được niềm tin yêu cuộc đời chưa tuyệt tình với mình. Tiếng lành đồn xa tới mức còn được giúp đỡ tổ chức một triển lãm ở Hà Nội năm 1981.
Có tiền mới mua chân giả lắp vào đi làm thêm viết tin bài cho đài huyện. Lại học thêm chữ Nôm tập dịch văn bia, viết thư pháp. Tiếp đến học cả tiếng Anh để dạy cho học sinh trường làng.
Ngoạn mục nhất là được một cô giáo nhờ vẽ tranh minh họa cho tiết học rồi dần dần… yêu luôn chấp nhận về làm vợ mặc gia đình mình phản đối quyết liệt.
Sinh được 4 con, cáng đáng thêm nhiệm vụ trông con khi vợ đi dạy, khi vợ về phụ giúp thêm công việc, cuộc sống và gia đình ngày càng ổn định, xây được cả căn nhà to. “Sống đàng hoàng” như lời thề ngày nào, còn hơn biết bao người lành lặn.

273 - Nguyễn Miên Thảo
PHIÊU LƯU CÁCH MẠNG 2
Nhà thơ tên thật Nguyễn Văn Tụng sinh 1946 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TP.HCM (2010).
Làm thơ tình từ thời còn học trung học ở Huế, đăng báo Văn uy tín ở Sài Gòn. Vì thế tốt nghiệp Quốc học ở Huế liền tìm đường vào Sài Gòn lập sự nghiệp.
Tại đây gia nhập làng văn làng báo rồi được người thân móc nối hoạt động nằm vùng cho Cách mạng. Từ đó làm phóng viên cho cả báo tiến bộ (tạp chí Trình Bày) lẫn báo chống Cộng (nhật báo Sóng Thần) với ý đồ vận động cho Cách mạng.
Một thời gian thì bị lộ nên năm 1973 phải chạy vào chiến khu Bến Tre.
Sau 75 làm Phòng Văn hóa – Thông tin rồi chuyển về Văn phòng huyện ủy Châu thành. Lấy vợ chính gốc gái xứ dừa sinh được một đàn con rặt chất Nam bộ.
Nhưng bản tính vốn nghệ sĩ thích “giỡn chơi” với mọi sự trên đời không quen lắm với chuyện chính trị đứng đắn nghiêm túc mà quá mệt mỏi nên năm 1992 chia tay với nghiệp quan chức bỏ hết tất cả đem vợ con lên TP.HCM tìm đường sống khác.
Tuy nhiên thời thế đã đổi thay, bạn bè đồng chí cũng thay đổi theo, nơi xưa chốn cũ (thời hoạt động nằm vùng) không còn nữa, “đường dây” cũ cũng giải thể từ lâu rồi, không giúp đỡ được gì nên rốt cuộc lâm vào thế kiếm sống gian nan khốn khó.Ở nhà thuê nay đây mai đó cùng vợ làm nhiều nghề tạm bợ như bán cà phê, bán sạp báo, lắp ráp hàng gia công và cả làm báo vặt vãnh nữa để nuôi con. Lại thêm mắc bệnh tim phải một lần giải phẫu thật muốn hết hơi!
Bù lại, thời gian này đã tìm được nguồn an ủi là quay lại với thơ ca từng vàng son một thời tuổi trẻ gắn liền với tình yêu thời hoa mộng và quê hương Huế ruột rà (chính trong một lần về thăm Huế đã bị sốc tim phải mổ ngay tại Huế). Đã góp tay cùng bạn bè làm nên 3 tập “1.000 nhà thơ Huế đương thời” in 2006 – 2010 để gọi là trả ơn đời, trả nghĩa cho Huế.
Thơ như đã trả lại “con người thật” cho một đời người không kém phần ba chìm bảy nổi bây giờ mới ngộ ra chân lý:
“Buổi sáng ra ngồi dinh Độc lập
Mộng bá đồ vương một chút chơi
Tối về nằm mơ thấy Di Lặc
Nghe suốt trần gian một tiếng cười”
(Buổi sáng uống cà phê ở dinh Độc Lập)
Thơ giúp trở về “hồi xuân” với tình yêu người, yêu đời dẫu chỉ là… chút chút:
“Em cười xoá cả vô minh
Anh trong kinh kệ giật mình bước ra
Mõ chuông gửi lại trăng tà
Anh xin phiêu hốt bên tà áo em.”
(Quy y em)

274 - Nguyễn Minh
NGƯỜI ĐIÊN LỊCH SỰ
Thường dân tên cũ Nguyễn Con sinh khoảng 1944 tại Huế. Sống ở TPHCM (2010).
Hoạt động cách mạng từ Huế vào Sài Gòn những năm 60-70 trong phòng trào sinh viên học sinh đô thị. Năm 1972 bị chế độ cũ bắt, đến 1973 trao trả tù binh được đưa về Hà Nội chữa bệnh.
Sau 75 quay trở lại Sài Gòn nhưng đã có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần do hậu quả bị tra tấn thời gian ở tù. Ban ngày vẫn tương đối tỉnh táo, không làm gì quậy phá nhưng về đêm nằm ngủ thường xuyên thức dậy nửa chừng la hoảng thảng thốt như bị động kinh, suốt cả đêm như vậy.
Đồng chí cũ vẫn lo cái ăn cái mặc nhưng không nhà nào chứa nổi kể cả bạn bè, người thân, được cấp căn hộ thì bị người khác lợi dụng sang đoạt mất.
Thế nên mỗi ngày cứ đi bộ lang thang khắp các nẻo đường thành phố trong bộ dạng rất nghiêm chỉnh: Ao sơ mi trắng bỏ vô quần, gài nút tay áo đàng hoàng, tay luôn xách cặp hoặc ôm một mớ sách giống như thời còn là sinh viên tranh đấu chống chế độ Thiệu - Kỳ! Thỉnh thoảng nói chuyện vẫn có vẻ tỉnh táo bình thường, khuyên nhủ đàn em này nọ nhưng toàn về nội dung… một thời đã qua.
Đến đêm thì tìm công viên ngủ vạ vật làm nạn nhân cho bọn cướp giật bụi đời. Không sao, sáng tỉnh dậy lại bình thản sửa soạn đồ lề nghiêm túc bắt đầu hành trình một ngày lội bộ khắp thành phố như đang làm nhiệm vụ liên lạc, móc nối cơ sở thời chống Mỹ!

275 - Nguyễn Minh Khai
LÍNH ĐẶC CÔNG LÀM NGHỀ BỐC MỘ
Bộ đội về hưu sinh 1933 tại Nam Định. Sống ở Hà Nội (2003).
Từ năm mới 13 tuổi ở quê nhà đã tập làm nghề bốc mộ do thanh niên trai tráng đi lính gần hết. Vì thế lớn lên vào bộ đội được chuyển ngay qua ngành đặc công do đã “quá quen” với… người chết, cái chết!
Sau 75 cũng thế, được giao nhiệm vụ đi tìm hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên rặng Trường Sơn. Tìm được khoảng 3.000 hài cốt thì được điều động ra Bắc tham gia cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, vừa chiến đấu vừa huấn luyện tân binh kiêm luôn công tác lo hậu sự cho đồng đội hy sinh, vẫn là một công việc quen thuộc.
Khi về hưu đưa vợ con ra Hà Nội sống chen chúc trong căn hộ nhỏ chung cư, vợ bán bún ở chân cầu thang. Để đỡ đần cho vợ chẳng còn việc gì làm kiếm sống ngoài quay về nghề cũ lâu năm… bốc mộ nghĩa trang dù có người không bằng lòng cho là việc thấp hèn đối với một đại úy cựu chiến binh: “Cái số tôi nó thế rồi. Vả lại nếu ai cũng làm việc lớn hết thì lấy ai làm chuyện nhỏ này?”
Làm một cách đương nhiên rất chuyên nghiệp, tận tụy cả khi đêm tối mưa gió chập chùng dù mới ra viện cắt một nửa bao tử. Gặp thân nhân khó khăn sẵn sàng giảm tiền công thậm chí có khi còn miễn phí vì một ý thức nghề nghiệp cực kỳ nghiêm túc: “Tôi không nghĩ mình làm thế để lấy phúc mà đơn giản chỉ là mình phải làm thật tốt các công việc mình đã tự nhân vào thân thôi.” Có ai hỏi có nhớ “sự nghiệp” bốc mộ đã bao nhiêu lần thì chỉ trả lời bằng câu hỏi ngược “Nhớ để làm gì? Cũng con người với nhau mà!” Từ đó chết tên lão “Khai mộ” người ta không ai sợ mà lại còn kính nể nữa.
Với điệp khúc muôn đời “Cũng là con người với nhau mà!” đã hình thành một triết lý cuộc đời nơi con người gày gò từng xông phá lửa trận chiến trường có gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu nhuốm vẻ u uẩn mà nguyện vọng cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay là… đừng chôn mình xuống đất mà cho thiêu xác đi vì “Tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề này nhưng thật lòng lại không muốn sau này lại có những nguời phải tiếp bước tôi.”

276 - Nguyễn Minh Long
TƯỚNG ĐI TÌM MỘ LÍNH
Thiếu tướng bộ đội về hưu sinh 1927 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).
Từng trải qua chinh chiến dạn dày từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến thành cổ Quảng Trị, đường 9 Nam Lào…
Sau khi về hưu đã đến tuổi thất thập cổ lai hy vẫn tiếp tục tự bỏ lương hưu ra tổ chức bạn bè đi tìm mộ đồng đội dưới quyền mình hy sinh trên chiến trường Quảng Trị ngày nào ròng rã 13 năm trời qua.
Dù có chuyến đi không tìm được dấu vết nào nhưng cũng đã quy tập được gần 1.000 bộ hài cốt thông tin cho gia đình biết, liệt sĩ vô danh thì quy tập vào nghĩa trang.
Và chiến dịch “Hậu chiến” này vẫn còn tiếp tục với ông dù đã 81 tuổi: “Mình sống để trở về, có gia đình vợ con thế này còn đồng đội mình thì lạnh lẽo nằm lại trên các chiến trường không một nén hương, thử hỏi làm sao có thể yên lòng? Có sống thêm bao nhiêu năm cuộc đời nữa cũng đâu đủ trả hết món nợ ấy?... Có nhiều bà mẹ khi tìm thấy mộ con đã sống thêm được 5-7 năm. Và còn đó rất nhiều bà mẹ, người vợ và những đứa con vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân mình. Đó là nỗi niềm day dứt trong mỗi người lính chúng tôi dù tuổi đã cao. Khi nào còn đồng đội chưa trở về được quê mẹ thì hành trình của chúng tôi vẫn tiếp tục…”

277 - Nguyễn Minh Lý
“LÀNG S.O.S GÀNH HÀO”
Lương y sinh 1947 tại Bạc Liêu. Sống ở Bạc Liêu (2010).
Theo Cách mạng từ năm 18 tuổi phục vụ ngành quân y công an với nghề y học dân tộc gia truyền. Nhưng sau chiến tranh đến năm 1979 lại bị “soi” vấn đề lý lịch nên cho ra khỏi ngành – đang mang hàm trung úy - chuyển về làm việc ở trạm xá thị trấn Gành Hào quê hương mình.
Rời khỏi ngành với 2 bàn tay trắng nuôi một vợ 4 con (con gái út bị mù) gia cảnh túng thiếu mà lại mất lý tưởng cống hiến nên có lúc từng lâm vào cảnh trầm cảm buồn tình thế sự. May sao cuối cùng vẫn tìm lại được niềm tin giúp ích cho đời qua việc sẵn lòng cứu vớt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa gặp đâu cũng đem về nhà nuôi nấng lớn lên thành tài, tất cả đến 20 em. Được bà con gọi là “Làng S.O.S Gành Hào” từ thời chưa có tổ chức từ thiện quốc tế này.
Để làm được việc đó phải bán căn nhà nhỏ được nhà hảo tâm giúp cho lấy tiền lo cho đám con học hành nên 14 lần đổi chỗ ở thuê ở nhờ, suốt hơn 20 năm bỏ thói quen uống cà phê, bỏ ra tiệm hớt tóc (vợ hớt cho tại nhà), không hề mua một bộ áo quần mới. Ngày làm trạm xá, đêm về đi giăng câu soi ốc kiếm thêm miếng ăn cho đàn con đùm đề, có lúc “phấn đấu” muợn nợ thuê đất nuôi tôm thì gặp vụ mùa thất bát phá sản. Vợ làm nghề may mùng phụ giúp làm bà mẹ phải cho bú cùng lúc… 2-3 đứa rồi do ngồi một chỗ đạp máy hoài sinh ra bệnh teo cơ chân kèm tiểu đường không tiền thuốc thang.
Nhưng 20 đứa con - 14 là con người dưng – vẫn được học hành đến nơi đến chốn dù đôi lúc 2 chị em chỉ có một chiếc áo dài phải chia nhau sáng chị mặc, chiều em mặc rồi cùng giặt chung. Tất cả đều được đặt họ Nguyễn tên Thảo, chỉ khác tên lót theo ý nguyện của người cha nuôi: “Tôi đặt tên Thảo là mong anh chị em chúng thuận thảo với nhau dù không chung dòng máu”.
Và ý nguyện đó đã được thực hiện tốt đẹp với đàn con đông đúc nay phần lớn đã trưởng thành ra đời làm việc, có đứa được cha mẹ nuôi lo dựng vợ gả chồng đàng hoàng. Còn lại 5 đứa nữa - một con ruột và 4 con nuôi – vẫn được lo cho học đại học và cao đẳng ở Cần Thơ.

278 - Nguyễn Mộng Giác
VIẾT TRONG THỜI CẤM VIẾT
Nhà văn Việt kiều sinh 1940 tại Bình Định. Sống ở Mỹ (2010).
Nhà văn xuất thân nhà giáo mới bắt đầu nổi lên cuối thập niên 60 ở miền Nam với phong cách phân tích tâm lý hiện đại sâu sắc, tiềm tàng tinh thần dân tộc, được trao Giải thưởng quốc gia của chế độ cũ. Nguyên giám đốc Sở Giáo dục Bình Định đã xin chuyển về Bộ GD ở Sài Gòn làm chuyên viên cao cấp với mục đích muốn theo đuổi lâu dài con đường sáng tác.
Nhưng xảy ra biến cố 30.4. 75 nên bị cho nghỉ việc tuy thâm tâm vẫn muốn hoà nhập, đóng góp với chế độ mới. Đành chấp nhận trở thành thợ… làm mì sợi – món ăn phổ biến thời bao cấp thiếu đói – vừa làm vừa chở đi bỏ mối.
Tuy nhiên vẫn không buông bút, không bỏ cuộc văn chương với niềm tin sâu sắc “ngày mai trời lại sáng”. Vì thế vẫn tiếp tục viết trong giờ nghỉ trưa và tối về cặm cụi ở nhà khu ngoại ô Sài Gòn trong tình cảnh nhà văn “Ngụy” đuơng nhiên không được viết không được in, thậm chí còn có thể bị bắt vì điều đó!.
Từ đó bắt đầu thai nghén bộ tiểu thuyết trường thiên lịch sử “Sông Côn mùa lũ” viết trên những cuốn tập học trò. Tác phẩm viết về đề tài cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra nơi quê nhà Bình Định xa xưa, khởi thảo 1978 và hoàn thành 1981.
Nhưng đến đó thấy chờ “trời lại sáng” có vẻ… lâu quá, xin vào làm báo Tin Sáng cũng không đuợc chấp nhận nên đành… vượt biên một mình qua Mỹ (sau mới bảo lãnh vợ con qua sau). Chính trên đất Mỹ, “Sông Côn mùa lũ” 4 tập dày 2.000 trang mới có cơ hội ra mắt bạn đọc năm 1991 cùng vài tập truyện ngắn khác. Cùng lúc trở lại góp mặt trên văn đàn hải ngọai, tham gia tạp chí điện tử “Hợp lưu” theo xu hướng ôn hòa kêu gọi “hoà hợp dân tộc”…
Cuối cùng rồi cũng đến thời “trời lại sáng” - Đổi mới - lại quay về nước tìm kiếm sự đồng cảm đến muộn. Nhờ đó “Sông Côn mùa lũ” ra mắt đồng bào trong nước năm 1998, còn được hãng phim trong nước định chuyển thành phim…
Trong lúc còn bao nhiêu dự án ấp ủ đang hy vọng thực hiện trên quê mẹ thì trong một chuyến về nước làm việc kết hợp thăm bà con nhân ngày Tết 2009 mới được vài ngày thì bị đột quỵ ngã bệnh nặng phải lập tức được đưa về lại Mỹ chữa trị…

279 - Nguyễn Ngân Dậm
NGƯỜI MẤT TRÍ NHỚ Ở BELARUS
Cựu chiến binh sinh khoảng 1934 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2009).
Là con dân Củ Chi “Đất thép thành đồng”, 18 tuổi đã trở thành chỉ huy bộ đội đánh Pháp rồi không may bị thương nặng được chuyển ra Bắc điều trị. Từ đó tiếp tục được đưa qua Liên Xô chạy chữa.
Nhưng cũng từ đó qua một thời gian dài giữa nhiều biến động lịch sử, số phận ông… biệt tích luôn trên đất khách quê người, bệnh hoạn không còn ai thân quen biết tới hay để ý đến nữa!
Mãi đến năm 2009 nhờ sự hợp tác của các nhà báo Nga và Belarus với chương trình tìm người mất tích “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới phát hiện ra ông hiện đang ở trong một Trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần tận… Belarus! Con cháu ông đã nhận ra ông và qua tận nơi đưa về lại quê hương Củ Chi sau 55 năm xa cách. Lúc đó ông không còn nhớ được gì hết, quên cả tiếng Việt mà chỉ nói toàn… tiếng Nga giống như một cựu chiến binh Hồng quân chống phát xít Đức!
Nay thì trên quê cũ thân thương, giữa vòng tay con cháu, quá trình hồi phục đang dần trở lại. Qua đó có thể đoán thấy rằng có lẽ vết thương chí mạng ngày xưa đã làm mất trí nhớ phải nằm trong viện tâm thần ở Belarus gần như suốt đời (kéo dài đã 24 năm) trong tình trạng không người thân thích, không ai còn biết được lai lịch. Vì Belarus ở xa Nga trung tâm Liên Xô thời đó và nhất là sau này càng xa vời hơn kể từ khi Belarus tách khỏi Liên bang Xô viết.

280 - Nguyễn Ngọc Khang
NẠN NHÂN VIỆT DUY NHẤT VỤ KHỦNG BỐ 11.9
Kỹ sư Việt kiều sinh 1960 tại miền Nam VN – Mất tại Mỹ 2002 (43 tuổi).
Trong cuộc di tản hỗn loạn qua Mỹ ngày 29.4.1975 đã lạc mất mẹ và 8 anh chị em, chỉ mình và bố đi được. May là năm 1981 cả gia đình được đoàn tụ trên đất Mỹ.
Học đại học tốt nghiệp kỹ sư điện xuất sắc nên năm 1988 được tuyển vào làm nhân viên Bộ Quốc phòng ngành hải quân. Được đánh giá là nhân viên ưu tú nên đến tháng 3.2001 được gọi về làm việc ngay Ngũ giác đài trụ sở Bộ Quốc phòng ở Thủ đô Washington.
Cuộc đời đến đây như thế xem như song suốt gặp nhiều may mắn với triển vọng đường công danh đang lên. Nào ai ngờ chỉ 7 tháng sau xảy ra vụ khủng bố 11.9 chấn động lịch sử biến mình thành nạn nhân gốc Việt duy nhất trong hơn 2.000 người chết tại chỗ và mất tích.
Trong 2 điểm lãnh đòn khủng bố đánh bất ngờ máy bay đâm vào thì Ngũ giác đài đầu não của bộ máy quân sự Mỹ ít bị thiệt hại nhất chỉ 125 người chết so với 2.016 người thiệt mạng tại toà Tháp đôi ở Trung tâm Thương mại tại New York. Vậy mà xui xẻo thay ở Ngũ giác đài lại có một tử sĩ Việt kiều trong khi nơi kia không có. Ban đầu báo là mất tích, thật ra là chết cháy chưa kịp nhận diện.
Ra đi khá sớm để lại một vợ một con trai vừa ăn sinh nhật 4 tuổi trước đó 2 ngày. Và căn nhà mới đúng ngày hôm sau sẽ nhận chìa khóa nhà.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét