Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

MIẾU THỜ THẦN CÂU TẠI LÀNG BAO LA, THỪA THIÊN HUẾ - NGÔ THIÊN THU




 
            Dọc theo quốc lộ 1 từ Huế ra đến trung tâm thị xã Tứ Hạ rẽ phải qua cầu Tứ Phú là địa phận xã Quảng Phú. Từ đây ta đi thẳng khoảng chừng vài trăm mét là đến làng nghề đan lát Bao La nổi tiếng. Phía trước làng hiện nay có một miếu thờ chó đá được dân làng thờ cúng từ thời  xưa và gọi tên một cách kính cẩn là ông Thần cẩu. Miếu thờ Thần Cẩu tọa làng giữa làng thuộc xóm Hóp, cao khoảng 1,5 m trên có khắc ba chữ Hán “Thiên Cẩu Thần”. Tượng chó được  tạo hình bằng chất liệu đá khá tinh xảo, to bằng chó thật, ngồi khoan thai, hai chân trước thẳng đứng, hai chân sau đang ở tư thế ngồi  và có thể nhổm dậy nhanh chóng  hành động bảo vệ sự an lành dân làng. Trước tượng có bát nhang hương khói quanh năm.
          
          Đền thờ hướng ra sông Bồ và dãy núi trùng điệp xa xa. Cổ của tượng chó có đeo một tấm bài mà chúng ta có hình dung nó như là một tín vật của một vị thần được thiên giới  phái xuống trần gian để hoàn thành sứ mệnh. Tượng chó đá này làm ta liên tưởng đến bài viết của tác giả Võ Văn Trung có đề cập đến câu đối về đôi chó bằng gỗ tại chùa Cầu, Hội An như sau:“Thiên cẩu song tinh an cấn thổ/ Tử vi lưỡng tướng định khôn thân” Tạm dịch: Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn/ Hai tướng tử vi định giữ cung khôn. Theo Kinh dịch thì Cấn thổ ( đất Cấn) chỉ hướng Đông Bắc, khôn thân ( cung Khôn) chỉ hướng Tây Nam. Qua câu đối trên, cho ta thấy tín ngưỡng của người xưa thì cặp tượng Linh Cẩu chính là hai vị thần được cử xuống từ trên Trời để canh giữ sự bình yên cho xứ đất này.”
       
         Trong kinh Phật cũng có nói đến địa vị con chó như là một vị thần. Phật nói với vua Đế Thích: “Thần thiên cẩu, thần thổ công, thần quan thái tuế, thần núi, thần cây, thần sông bể, thần nước, thần lửa, thần đói khát, thần mả, thần rắn, thần chú trớ, thần bệnh, thần đường, thần nhà bếp, v.v... Những quỷ thần này nếu được nghe kinh và danh hiệu Bồ Tát thì nhả tà khí, tự ngộ bản không, sớm chứng Bồ Đề.”
         
        Qua nhiều bài viết và tư liệu cổ có liên quan việc thờ chó trong văn hóa Việt Nam chúng ta có thể kết luận rằng: “Chẳng những trước đây mà cả hiện nay, người Việt vẫn có tục thờ chó, vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó.Theo đó thì tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là hình thức chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là hình thức đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam xưa.” (theo Nguyễn Thanh Lợi).
          Như vậy dân làng Bao La thờ chó vừa là vị thần linh bảo vệ dân làng, của cải vừa thờ để trừ tà cầu phúc. Trước đây  trong làng người nào đau yếu lâu ngày không lành, mang tâm bệnh, hoặc trong gia đình, bản thân gặp chuyện rủi ro thường đến cúng vái trước đền thờ thần cẩu.

         Truyền thuyết kể rằng có dạo khắp vùng xảy ra nạn dịch trâu bò. Đêm đêm có một con chó trắng xuất hiện chạy quanh làng Bao La để bảo vệ đàn gia súc. Nó vừa chạy vừa sủa, hai chân trước vờn lên như đang đối diện kẻ thù. Năm đó làng Bao La là không bị dịch bệnh hoành hành. Một câu chuyện khác được ông Võ Văn Thuật, sống gần đền thờ là chứng nhân kể lại rằng vào năm 1952 một người lính Pháp đến ngôi đền nhạo báng Thần Cẩu, xong dùng súng bắn vào tượng  chó đá không ngờ súng toác nòng làm ông này bị thương.
            Thập niên 1980 miếu thờ thần cẩu bị đập phá, tượng chó đá bị trầy xước và gãy làm đôi. Sau một thời gian dân làng  xây miếu mới ở đình làng và rước thần về thờ ở đây. Một điều lưu ý ở đây là mặc dù chúng ta có tin hay không, nhưng người dân Bao La vẫn cho rằng  cái chết của một người dân họ Hoàng khác làng có liên quan đến việc trực tiếp đập phá Thần Cẩu.
          Mãi cho đến mấy năm sau một trí thức ở làng là tiến sĩ ngôn ngữ học Võ Xuân Trang cùng người cháu là Võ Văn Văn đã đứng ra xây lại miếu tu sửa tượng chó đá rồi dời về địa điểm cũ xưa kia (cũng như hiện nay).
          Giai thoại khác không kém phần thú vị về ông Thần Cẩu là câu chuyện về những căn nhà bị cháy ở làng Hạ Lang. Người ta cho rằng những căn nhà này bị cháy do chắn tầm nhìn của ông Thần Cẩu, trong đó có ngôi nhà bị cháy  đến hai lần. Sau này dân làng Hạ Lang phải xây một ngôi đền (trên phần đất Hạ Lang) đối diện với miếu Thần cẩu cách một cánh đồng khoảng chừng ba trăm mét.  Phía trước đền này có một bình phong lớn có chạm hình con hổ trông rất hung dữ để đối lại với “tia mắt lửa” của Thần Cẩu. Miếu con cọp này hiện nay vẫn còn, dân làng quen gọi là miếu bà Vại. Câu chuyện này làm ta liên tưởng đến con chó đá ở làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Dân làng ở đây thờ thần cẩu rất kính cẩn và gọi là quan lớn Hoàng Thạch. “Dân làng vẫn thường kháo nhau rằng, tất cả những nhà nằm chắn hoặc che khuất tầm mắt của ngài đều sẽ gặp vận rủi. Vì vậy, ai có phần đất nằm ngang lối ấy khi xây nhà đều gắng xây tránh ra.“Nhà thờ ở Trại Tụt, xã Thọ An, xây bao nhiêu năm nay không được. Cứ xây lên, có hình có khối, có khi sắp hoàn thành lại… tự nhiên bốc cháy, giờ vẫn bỏ dở dang. Người ta bảo, ấy là do nhà thờ đã chắn tầm nhìn của quan lớn Hoàng Thạch.”(theo KTNN)
         Nhìn chung ở Việt Nam có rất nhiều nơi có tục thờ chó và những con chó này được xem như là một vị thần. Chúng ta có thể thấy được tượng chó đá ở đền Hai Bà Trưng (Hà Tây),  điện Lam Kinh (Thanh Hóa), Hồ Tây (Hà Nội) và ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên ở Thừa Thiên Huế không có nơi nào mà người ta thờ cúng Thần Cẩu trang nghiêm như ở làng Bao La. Đền thờ luôn quyét dọn sạch sẽ; ngày rằm, ba mươi, mùng một, ông từ xóm Hóp đem hoa quả bày cúng (hiện nay ông Thái Văn A đang giữ công việc thờ cúng này). Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên lên danh sách những di tích cần bảo tồn và phát huy hiệu quả  nhằm nhiều mục đích trong đó có thể phát triển theo hướng du lịch vì làng Bao La là làng nghề nổi tiếng.
                                                           
                                                             NGÔ THIEN THU

                                    
                                                                            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét