Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( Kỳ 118)

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
1.181 - Brian Cleaver
CỰU BINH ÚC ĐI TÌM HÀI CỐT BỘ ĐỘI
Cựu binh Úc về hưu. Sống ở Uc (2012).

Năm 1968 là lính viễn chinh Úc đóng quân ở Bình Dương sau một trận đụng độ với bộ đội VN đã tận mắt chứng kiến 42 thi hài quân địch để lại sau đó được đơn vị Úc chôn dưới một hố bom trong địa phận xã Bình Mỹ.
Sau đó theo quân Úc rút về nước.

Đến năm 2002 cùng đồng đội John Bryant trở lại địa điểm cũ với mục đích truy tìm ngôi mộ bộ đội tập thể đó để tìm cách báo lại cho thân nhân của họ biết. Tự bỏ tiền túi trang trải mọi chi phí, có được các đồng đội cũ hỗ trợ chút ít.

Nhưng dù mang theo các tư liệu ghi chép còn lại (có cả ảnh chụp hồi đó nữa) nhưng qua 10 năm đã 8 lần đến Bình Dương vẫn chưa tìm được tung tích nấm mồ đó do thời gian qua khung cảnh nơi đây thay đổi quá nhiều. Đã tiến hành đào xới 5 hecta trong khu vực song ngẫu nhiên chỉ khai quật được một nấm mộ bộ đội thì lại không thuôc số 42 người kia.

Thay vào đó nhờ sự hợp tác của địa phương và đơn vị quân đội phụ trách công tác liệt sĩ đã tìm ra được thân nhân của 33 bộ đội trong số người tử trận.

Công việc tìm kiếm đến nay vẫn còn tiếp tục với 2 cựu binh nước ngoài vì “Nếu tôi là một trong những người lính mất tích đó thì tôi cũng hy vọng có ai đó sẽ tìm kiếm hài cốt mình. Việc tôi làm sẽ giúp những người đã hy sinh có thể sống một đời sống khác ở đó họ được sống trong hòa bình chứ không phải sống với súng đạn và mồ chôn tập thể.”

1.182 - Hạ Đình Nguyên
TÙ 2 CHẾ ĐỘ
Doanh nhân sinh khoảng 1948. Sống ở TPHCM (2012).


Thời chống Mỹ là sinh viên ĐH Văn khoa Sài Gòn khoa Triết tham gia phong trào sinh viên học sinh xuống đường biểu tình phản đối chế độ Thiệu – Kỳ theo Mỹ, được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tranh đấu của sinh viên Sài Gòn. Vì vậy nhiều lần bị cảnh sát bắt giam.

Từ đó sau 1975 làm việc trong Thành đoàn TPHCM rồi được chuyển công tác qua làm phó giám đốc một công ty đầu tư thương mại khi Miền Nam bắt đầu chuyển đổi cơ chế kinh tế đổi mới làm ăn thoáng hơn.
Nhưng không hiểu vì lý do gì một thời gian sau lại… bị bắt đưa ra tòa lãnh án tù vì tội kinh doanh phạm luật bất hợp pháp! Có dư luận cho đó là vì cung cách làm ăn “xé rào” kiểu mới của Miền Nam chưa được Miền Bắc chấp nhận hoàn toàn nên dựa vào cơ chế cũ để kết án! Đồng thời cũng có ý kiến do mâu thuẫn nội bộ trong cơ quan đấu đá lẫn nhau (?).

Sau khi ở tù về vẫn được Thành đoàn chiếu cố đưa đi làm giám đốc một trung tâm cai nghiện thanh thiếu niên. Từ đó có kinh nghiệm tách ra lập công ty tư nhân chuyên làm việc này gặp thời sống khỏe.
Song song đó rất hăng hái cổ vũ việc xuống đường phản đối Trung Quốc âm mưu xâm lấn VN giống như thời Mỹ – Ngụy đi biểu tình chống Mỹ. Nhưng bây giờ thời thế đã đổi khác rồi, chuyện đó lại bị chính quyền hiện hành… không cho phép!

1.183 - Mã Tuyên
TỘI CHÍNH TRỊ HỌA VÔ ĐƠN CHÍ KÉO DÀI
Doanh nhân gốc Hoa sống ở Sài Gòn – Mất 1994 tại TPHCM.

Đây chính là ân nhân của anh em cố Tổng thống Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chính năm 1963 dẫn đến cái chết thảm của 2 anh em nhà họ Ngô.
Nguyên là một cộng tác viên đắc lực của Cố vấn Ngô Đình Nhu em tổng thống. Có thông tin nói nhà đương sự là nơi đuợc NĐ Nhu đặt làm trung tâm liên lạc với Mặt trận Giải phóng Miền Nam chuẩn bị cho giải pháp khi cần có thể “bắt tay” hợp tác nhằm thoát khỏi ảnh hưởng khống chế của Mỹ.
Trong biến cố tướng Dương văn Minh cầm đầu phe đảo chính lật đổ NĐ Diệm năm 1963, anh em tổng thống đã bí mật theo đường hầm thoát ra khỏi dinh Độc Lập đến tá túc tại nhà Mã Tuyên một đêm để sáng hôm sau được đương sự cho tài xế lái xe đưa đến điểm thương lượng với nhóm đảo chính (nhưng kết quả cả 2 anh em bị giết chết tại chỗ kiểu “nhổ cỏ nhổ tận gốc” một cách dã man).
Từ đó đương sự liên lụy bị phe đảo chính bắt giam 3 năm và tịch thu tài sản. Mãn hạn tù trở về làm ăn bình thường như xưa.
Nhưng đến khi Cách mạng vào lại bị bắt giữ 4 tháng rồi thả ra. Tuy nhiên tiếp đó bị… bắt lại, lần này giam đến 4 năm ở nhà tù Chí Hòa, nhà cửa bị tịch thu hết.
Sau khi được thả ra, năm 1983 cùng gia đình (3 vợ 13 con) được phép xuất cảnh trở về quê quán định cư ở Đài Loan.
Dù vậy, năm 1992 lại quay lại Chợ Lớn sống nốt quảng đời còn lại với bạn bè cũ. Trước khi mất còn căn dặn kỹ phải chôn trong khu nghĩa trang “Nhị tì Triều Châu” của người Hoa ở Biên Hòa dể vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương thứ hai dù nơi đây đã mấy lần đày đọa mình quá oan!

1.184 - Trần Thái Đỉnh
LÝ THUYẾT GIA TRIẾT HỌC HIỆN SINH
Giáo sư đại học sinh 1922 tại Hưng Yên – Mất 2005 ở TPHCM (84 tuổi).
Xuất thân tu sĩ Thiên Chúa giáo được Giáo hội cử đi du học Pháp từ năm 1953 về thần học và triết học.
Nhưng khi làm luận án tiến sĩ lại chọn đề tài về Phật giáo. Và tốt nghiệp tiến sĩ 1958 về nước đi dạy triết học ở ĐH Đà Lạt, Huế và Sài Gòn lại trở thành người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa hiện sinh vào VN. Còn viết báo phổ biến tư tưởng này trên tạp chí Bách Khoa ký Trần Hương Tử.

Từ giáo trình dạy đại học in thành nhiều sách giáo khoa lẫn chuyên luận triết học phương Tây có giá trị tiên phong thời đó như các cuốn về triết học hiện sinh, Descartes, Kant, cơ cấu luận…
Sau 1975 vẫn được giữ lại dạy đại học nhưng chuyển qua môn Pháp văn.
Cởi áo dòng lấy vợ bán hàng tạp hóa, sinh được 3 con trai (có con thứ ba đi tu). Còn làm thêm tham gia đánh đàn phong cầm ở nhà thờ và dịch tài liệu đạo Thiên Chúa.
Mắc bệnh ung thư kéo dài 5 năm mới mất.
Một số tác phẩm đã được chế độ mới in lại từ năm 2006 như “Triết học Descartes”, “Triết học Kant”…

1.185 - Trần Thành Trai
CHUYÊN GIA MỔ TÁCH ĐÔI TRẺ SONG SINH
Bác sĩ sinh 1938 tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2012).


Thiếu tá bác sĩ quân y VNCH sau Giải phóng đương nhiên đi cải tạo 3 năm.
Ra trại cuối năm 1078 về lại TPHCM được nhận ngay vào làm bác sĩ khoa ngoại ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Từ đó gắn bó với bệnh viện, bệnh nhi dù trong thời điểm đó đang rộ lên phong trào vượt biên trong đó bác sĩ chiếm số lượng đông trong giới trí thức.

Đã có nhiều thành tựu chuyên môn đáng kể trong việc điều trị bệnh nhi như về phương pháp phẫu thuật chỉnh hình hở hàm ếch cho các em, đặc biệt về các ca mổ tách trẻ sinh đôi qua các ca Song – Pha, Đào – Điệp, Việt – Đức (cùng mổ với bác sĩ Trần Đông A cũng cựu sĩ quan quân y VNCH).
Được bầu vào Quốc hội khóa 11.
Dù ở bất cứ cương vị nào vẫn làm việc với tinh thần cống hiến khiêm tốn: “Tôi chỉ như một ngôi sao vụt sáng trên bầu trời y học rồi chìm vào cái mênh mông của vũ trụ. Tôi thấy thật thanh thản với chặng đường đã qua.”

1.186 - Trần Thị Bé
“ĐỜI CÁT”
Lao động nghèo khuyết tật sinh 1969 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2012).
Năm 1972 chạy nạn chiến tranh vào trại tạm cư.
Một hôm cả gia đình đang ngồi ăn cơm bị một trái lựu đạn ném vào nổ tung làm mẹ và 5 anh chị em chết tại chỗ, cha bị thương nặng. Còn mình mới 3 tuổi bị cụt 2 chân.

Sau chiến tranh cùng cha trở về nhà cũ ở thị trấn Đông Hà dựng lại mái nhà tranh rách nát tá túc qua ngày giữa vùng đồi cát chập chùng xứ gió Lào nắng rát.

Học tiểu học được cha cõng đến trường, lớn lên nghỉ học ở nhà tìm cách kiếm sống quá vất vả do làm gì hay đi đâu cũng chỉ nhờ 2 tay lết đi. Nhiều khi quá chán nản muốn tự tử chết cho xong song lại thương cha già nên thôi không đành: “Tôi tuổi con gà. Gà chỉ nhờ 2 chân để kiếm ăn, vậy mà con gà tôi mất cả 2 chân!”
Năm 1990 lúc 18 tuổi được giúp đỡ lắp cho chân giả nhưng đi không quen mà còn dễ gây đau nhức (do một số mảnh đạn vẫn còn nằm sâu trong vết thương) nên vẫn thường lết đi như cũ nhanh và thuận tiện hơn.
Năm 1992 bố đi lấy vợ khác nên chỉ còn lại một mình tự lo liệu mọi việc.

Đến năm 1994 được một nhà từ thiện người Bỉ đưa đi mổ, gắp hết các mảnh đạn ra rồi lắp cho chân giả khác loại tốt hơn. Tuy vậy vẫn đi đứng nặng nề, chậm chạp.
Sống bằng nghề khập khiễng đi bán gia vị ở chợ ngày no ngày đói thất thường,
Ngẫu nhiên năm 1999 đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từ Hà Nội về nơi đây quay bộ phim truyện nhựa “Đời cát” (kịch bản Hữu Phương – Nguyễn Quang Lập, diễn viên Công Ninh, Mai Hoa) về đề tài thời hậu chiến xảy ra trên vùng đất này trong đó có một nữ nhân vật… giống hệt đương sự cũng cụt 2 chân sống đời nghèo khổ cô đơn giữa trũng cát bao la mịt mù. Gặp được nhân vật đó ngoài đời quá tốt, thế là bản thân trở thành… diễn viên điện ảnh bất đắc dĩ, được mời vào đóng vai y như cuộc đời thực của mình!
Chỉ năm sau phim đoạt Giải thưởng Điện ảnh VN 2001.

Nhờ đó được nhiều người biết đến, cảm thương số phận bất hạnh hẩm hiu nên góp sức giúp đỡ cho cuộc sống dễ thở hơn. Còn được tổ chức từ thiện quốc tế hỗ trợ người khuyết tật cho đi một chuyến tham quan nước ngoài đến Luxembourg.
Nhưng qua “kinh nghiệm” đóng phim rút ra bài học quý báu nhất từ đó đã nảy ra ao ước như nhân vật nữ trong phim là có… một đứa con để an ủi tuổi già. Thế là quyết tâm xin một đưa con nuôi: “Cần nhất là một đứa con để trông cậy lúc tuổi già và đó cũng là nghị lực giúp tôi sống”.
Đứa con gái đặt tên là Phong An nghĩa là cầu cho “ngọn gió an bình” thổi đến đời con thay vì bao phong ba bão táp đã quất vào đời mẹ.
Rồi xin thêm một đứa con trai nữa cho “đủ nếp đủ tẻ” với niềm hy vọng: “Đời con sẽ không là đời cát, lăn lóc qua gió bụi trần ai như mẹ.”
Để nuôi con, mở quán bán nước. Từ đó niềm vui sống được nâng lên, còn tích cực tham gia thi đấu thể thao người khuyết tật giành được nhiều huy chương đua xe lăn, ném lao, ném đĩa, đẩy tạ…

1.187 - Trần Thị Cẩm Giang
MÁI ẤM THIỆN DUYÊN
Cán bộ về hưu sinh 1938 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2012).

Sinh ra trên đất Củ Chi vách thép thành đồng nên từ năm 14 tuổi đã tham gia họat động Cộng sản, làm giao liên, thanh vận rồi Hoa vận. Đã mấy lần bị địch bắt giam tra tấn vẫn giữ được ý chí kiên cường không khai báo.

Sau ngày Giải phóng, được cho đi học rồi về làm cán bộ phường.

Thời gian này có dịp chứng kiến thảm cảnh nhiều em bé mồ côi chịu di chứng CĐDC quá tội nghiệp nên mới nhận vài em về nhà nuôi. Không ngờ nuôi trẻ rất “mát tay” nên được nhiều gia đình quen biết có con mắc bệnh tương tự tỏ ý muốn nhờ nuôi giùm.

Nhưng phải chờ đến lúc về hưu mới có thì giờ làm chuyện này. Khi đó liền quyết đinh bán căn nhà được cấp ở thành phố lấy tiền về quê Củ Chi xây một khu nhà trên đất hương hỏa biến nó thành một cơ sở chuyên nuôi trẻ em nhiễm CĐDC, khuyết tật, bại não, tâm thần đặt tên là “Mái ấm Thiện Duyên”. Bà con đều kính phục gọi là “Má Mười”.

Đến năm 2007 nơi đây đã có hơn 120 em như vậy được Má Mười nuôi dưỡng. Để có tiền lo cho các cháu, má phải làm thêm tương hột, muối tiêu đem đi bỏ mối đồng thời còn nuôi heo gà, trồng nấm bào ngư đem ra chợ bán.

Được cái là nhiều mạnh thường quân khắp nơi nghe tiếng đã tìm đến ủng hộ, giúp đỡ một tay…

1.188 - Trần Thị Hiền
“HIỀN 58”
Lao động nghèo sinh tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2011).

Lúc 15 tuổi đã đi du kích đánh Mỹ rồi chuyển qua bộ đội trên chiến trường Bình Trị Thiên.

Năm 1973 trong khi làm công tác vận chuyển lương thực đã bị trúng bom bi máy bay Mỹ thả. Bị vùi xuống hố đất, đồng đội tưởng chết rồi may mà còn nòng súng nhô lên khỏi mặt đất có người nhìn thấy mới đào đất lên cứu sống kịp thời.

Nhưng đưa vào bệnh viện chỉ cứu chữa tạm chứ không có đủ phương tiện để mổ lấy hết vô số mảnh bom còn nằm sâu trong cơ thể. Tính ra còn đến… 58 mảnh bom như vậy, nguy hiểm nhất là 2 mảnh ghim trong phổi, 2 mảnh chui vào tâm mạc tim và 11 mảnh khác rải rác trong đầu.

Sau chiến tranh, xuất ngũ thương binh nặng về làng (thị xã Hương Trà) lấy chồng là bộ đội trinh sát mất sức sinh được 6 con. Cả nhà sống bám vào một sào ruộng mà tiền trợ cấp chẳng bao nhiêu không kham nổi cơn lốc đời sống thời hậu chiến bao cấp nên con cái đều mù chữ, nhà cửa rách nát xập xệ.
Đã vậy, bản thân còn bị 58 mảnh bom “lưu tồn” hễ gặp trái gió trở trời là gây đau đớn toàn thân, đầu óc nhức như búa bổ, muốn đi bệnh viện mổ gắp ra thì biết lấy đâu ra tiền nộp viện phí? Bởi vậy đành chấp nhận sống chung với… mảnh bom Mỹ, từ đó nổi danh là bà “Hiền 58”!
Chưa hết, năm 2011 đứa con trai út bị phát hiện bệnh suy thận cấp, chở vào Huế chữa trị chỉ còn cách đi chạy thận mỗi tuần 3 lần, mỗi lần tốn hơn 3 triệu đồng. Muốn giải phẫu thì phải 300 triệu.

Chỉ lo tiền chạy thận cho con còn không nổi, chạy đôn chạy đáo mượn nợ khắp nơi riết rồi không ai dám cho vay nữa bởi biết lấy gì mà trả nổi. Đó là món nợ kéo dài lây lất từ thời chiến tranh qua đến thời hậu chiến mà ít ai có thể trả nổi.

1.189 - Trần Thị Thuấn
30 NĂM GẶP LẠI CHỒNG SỐNG CŨNG NHƯ CHẾT
Cán bộ về hưu sinh 1931 tại Quảng Ngãi. Sống ở TPHCM (2007).
Tham gia Cách mạng từ thời chống Pháp.
Năm 1947 lập gia đình với một bộ đội cùng quê. Đến đầu năm 1948 chồng nhận nhiệm vụ qua chiến trường Lào rồi từ đó mất liên lạc luôn.
Sau 1954 vẫn còn ở quê Quảng Ngãi tiếp tục hoạt động quân báo cho Cộng sản, nuôi giấu cán bộ trong vùng địch. Đến 1965 được lệnh mở rộng mạng lưới hoạt động nằm vùng, làm giao liên qua tỉnh Quảng Nam.
Sau ngày Giải phóng tiếp tục nhận nhiệm vụ mới ở quê nhà, hết lòng trông ngóng tin chồng song vẫn không một tăm hơi.
Bất ngờ tháng 6.1976 mới được người báo tin cho biết chồng đang bị thương nặng nằm viện quân y tại TPHCM. Bấy giờ mới hay sau 1954 chồng được điều từ Lào về hoạt động trên Tây Nguyên rồi cuối năm 1968 về lại Hà Nội, sau đó đưa lên Việt Bắc. Qua tháng 3.1975 được bổ sung vào chiến trường Miền Nam nhưng trên đường tiến vào Sài Gòn xe gặp tai nạn khiến bị thương trầm trọng đã đưa vào bệnh viện quân y.
Bản thân nghe tin như sét đánh ngang tai vội vào TPHCM gặp lại chồng đang nằm viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh do bị chấn thương sọ não quá nặng. Liền xin cơ quan cho chuyển công tác vào bệnh viện trong này để tiện việc chăm sóc cho chồng.
Nhưng cả một năm dài chăm bệnh cho chồng mà chồng vẫn không lai tỉnh, chỉ nằm liệt một chỗ nhìn vợ lặng lẽ mà không nói năng được tiếng nào! Đúng một năm sau thì ra đi, không lời trăn trối từ giã.
Đã vậy không hiểu sao chồng không được làm thủ tục chứng nhận liệt sĩ, không được hưởng bất cứ chính sách, chế độ nào qua hơn 31 năm nay. Có lẽ vào thời điểm giờ chót cuộc chiến tranh, ông đã bị “bỏ quên” bên lề lịch sử (đồng đội chỉ kịp đưa vào viện rồi phải nhanh chân theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn)!
Nỗi buồn mất chồng còn cộng thêm nỗi buồn thế sự càng chất nặng trên đôi vai còm cõi của người vợ già đã bỏ cả gần hết cuộc đời cống hiến cho lý tưởng.

1.190 - Trần Tôn Trung Sơn
NGƯỜI KHÔNG TAY HỌC HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ MIT
Sinh viên sinh 1991 tại Quảng Trị. Du học Mỹ (2009).
Sinh ra bên dòng Bến Hải, được cha đặt tên Trung Sơn để ghi nhớ tên xã quê hương thuộc huyện Gio Linh.
Cha là bộ đội trên chiến trường Lào bị nhiễm CĐDC nên khi con mới ra đời đã chịu cảnh khuyết tật nặng gần như không có 2 cánh tay: Cánh tay trái chỉ có mỗi… bàn tay lại… mọc sát nách, còn cánh tay phải chỉ ngắn đến khuỷu tay với bàn tay chỉ có 2 ngón tay.
Vì thế năm 1992 cha mẹ phải xin đưa vào Làng Từ Dũ ở TPHCM chuyên nuôi dưỡng trẻ em nạn nhân CĐDC. Còn cha mẹ ra ngoài đi làm thuê, tối ngủ công viên để còn có điều kiện thỉnh thoảng đi thăm con.
Dù vậy vẫn nỗ lực học hành rất giỏi. Lớp 5 là học sinh giỏi toàn thành môn toán và tiếng Việt, thi vào trường THPT ở quận Tân Bình đậu thủ khoa, lên cấp trung học là học sinh giỏi toán, văn, Anh văn. Còn học cả võ taekwondo đạt đai nhất đẳng.
Vào đại học ngành công nghệ thông tin TPHCM vừa đi học vừa làm công ty phần mềm.
Năm 2009 được học bổng đi học Học viện Công nghệ MIT nổi tiếng ở Mỹ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo là ngành tiên tiến hiện đại nhất mà VN còn hiếm chuyên viên. Hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ thay cho 2 cánh tay mất mát.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét