Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

CÂY CỎ VÔ ƯU ( Kỳ 2 ) - VÕ CHÂN CỬU

Tiếng thác non xa

Tôi vào ngồi bên một nhánh suối tạo nên từ con thác Da M’Rông. Quán nhậu nổi tiếng với món gỏi cá nuôi từ những hồ nhân tạo. Con suối đầy rác nhưng nước mưa cọng thêm nước từ đập xả lũ, làm tiếng gào thét vẫn ồn ào ở các bậc gềnh cũ y4…
Thị trấn Blao trước và sau 1970 là nơi cư ngụ của khá nhiều người làm văn nghệ Sài Gòn. Có thể kể: Nhất Hạnh, Trần Đức Uyển, Sao Trên Rừng, Trần Xuân Kiêm, Ngụy Ngữ, Lê Miên Tường, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Sa Mạc, Thái Ngọc San, Hồ Ngạc Ngữ…Hay lên xuống chơi có tôi, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Lương Vỵ..Sương mù và những tiếng thác non xa bay về hồ mơ mộng. Nhiều người đến nay vẫn thích gọi đây là xứ B’Lao hơn danh xưng của một cấp đô thị: thành phố Bảo Lộc.

Trên thác rừng Đam Rông

Đến đây trời đứng bóng
Anh cũng đứng như rừng
Mây một khung trời rộng
Xin giấu dưới hai chân
Em chờ bên thác đổ
Em nghe tiếng thác gầm
Ôi tiếng hành muôn thuở
Bắt anh phải lặng câm

Em chờ bên nước chảy
Soi kiếm bóng linh hài
Em đi không trở lại
Anh ôm dòng nước phai
Hay đâu từ muôn trước
Thân mang lạnh tự nguồn
Dẫu đổ cao nghìn thước,
Vẫn chìm như vầng dương

Ôi vầng dương âm u
Nghìn năm còn nghe rợn
Khi dáng anh lù đù
Đứng bên rừng Đam Rông
Chờ nghe trời chênh chếnh
Anh phải nhếch như rừng
Khi nghe trời gục chết
Anh phải lết qua rừng
Anh phải nhảy lung tung
Anh phải nhào xuống thác
(Võ Chân Cửu, Tập san Văn 1972)

Bài thơ tôi đã làm chỉ là cảm xúc tự nhiên của một chàng trai có nhiều hoang mang về thiên địa, không ngờ lại là một cảm ứng khó diễn tả. Khoảng giữa năm đó, sau khi bài thơ đã in, bỗng có một người lạ đến căn gác trọ của tôi Sài Gòn báo tin bất ngờ: một người làm thơ B’Lao, bà con của anh tên Tống Châu Ân đã chết. Anh Ân là môt trong những người tốt bụng mà tôi được quen ở thị trấn sương mù. Nhà ở Đà Nẵng, anh đi lính, mới đeo lon thượng sĩ, và đóng quân ở vùng sườn đồi ven rìa suối Đại Nga, một trong những nguồn lớn cùng Da M’Rông xuống triền cao nguyên hợp thành sông La Ngà. Là nhà thơ chưa thành danh, đang là lính thú nhưng anh là người lãng mạn. Mới quen được một thiều nữ hái trà, buổi chiều, anh rời đồn men ra bờ suối. Bất ngờ gặp một nụ hoa rừng khá đẹp, nên anh liền len qua vòng kẽm gai để gỡ một vỏ lon nước ngọt làm bình hoa, để về tặng người con gái mới quen. Bất ngờ vỏ lon có gài lựu đạn, nổ tung…


Sau chiền tranh…
Cuộc chiến tranh vừa qua đã rất tàn nhẫn. Cái chết lãng xẹt như thân phận con người. Nhưng có những cái chết thơ mộng và nhiều ấn tượng, như của người làm thơ Tống Châu Ân.
Người bạn Nguyễn Miên Thảo cùng tôi uống bữa cà phê cuối cùng trước ngày anh bỏ chốn văn nghệ Sài Gòn để “ra Khu”. Muời năm sau hòa Bình, tôi gặp lại Thảo với những băn khoăn :
Khi những người chiến thắng hân hoan đi khắp phố phường nói những điều tốt đẹp
Đó là những điều chính đáng đổi bằng máu xương của những người đã chết
Cũng là lúc mà những người vô tội khác
Bắt đầu cuộc sống lầm than
Ông giáo sư thất nghiệp
Suốt ngày đi ngoài đường, dáo dát tìm trong vô vọng
Một chiếc bóp hay đồng tiền đánh rơi của ai đó…
……..
Sau chiến tranh
Chưa hẳn là hoà bình.

Bài thơ tự sự không tên này nay mới được Nguyễn Miên Thảo đưa lên trong chính Blogspot của mình nhân dịp 37 năm ngày 30-4. Một số bạn hữu của tôi nói rằng đó là những lời than vãn, kể lể, chưa phải thơ !

Thế nào mới thực là thơ ? Câu trả lời khá rộng nhưng tôi vẫn cho rằng mỗi người đều có thể tự tìm ra.
Cuộc sống lý thú là như vậy ! Tại Việt Nam đang có cuộc bút chiến khá thú vị về vấn đề này-thơ hay và thơ dở-của những người có quyền được “ăn nói”, nên khó hiểu là tranh cãi thật hay giả. Đại khái, một nhà thơ đã có nhiều bài nhận định xác đáng về nền văn học minh họa nay đã thẳng thắn cho rằng làm thơ hiện đại kiểu ráp chữ tân hình thức, thì một ngày ai cũng có thể ngoáy được vài chục bài. “Sự dễ dãi không làm nên giá trị thơ ca”.
Về lại B’Lao tôi lại gặp những người làm thơ “chưa có danh” nhưng suốt hơn 30 năm nay đã chọn cho mình một cuộc sống nhiều “thơ mộng”. Anh Phan Lạc Dân là một người như vậy. Làm thơ từ khi còn ở quê hương Bình Định, lên học trường sư phạm Đà lạt nhưng 3 năm sau 1975 anh đã tự nguyện xin được …mất dạy để ở nhà cuốc đất làm rẫy, nuôi các con thơ. Tôi an ủi anh: nếu ở Sài Gòn, trong những ngày bế tắc, họ chỉ còn biết đi uống bia. Uống bia lắm, có khi lại thành kẻ “ngồi đồng”, hoặc như cảnh mà Bùi Chí Vinh đã vịnh :“làm thơ sao kiếm được dĩa mồi”.
May mà con người có được nền văn minh tin học, thơ của người làm vươ`n xứ B’Lao được các bạn cũ đưa lên mạng Cựu học sinh trường Trinh Vương Quy Nhơn.

EM Ở ĐÂU RỒI SAU CHIẾN TRANH

Cỏ biếc tha ma mờ chiến trận
U ơ hàng xóm tiếng sơ sinh
Bạn em về đó! - Em thì vẫn...
Em ở đâu rồi sau chiến tranh?!

Em ở đâu rồi sau chiến tranh
Tết nào chị cũng ém dưa hành
Ra giêng chắc lại đem nài biếu
Em có về mau, chị để dành

Em ở đâu rồi sau chiến tranh
Bờ tre bom xới đã lên xanh
Chiều nào Mẹ cũng lần gậy trúc
Ánh mắt phương trời xa lặng thinh

Em, ai đã cướp rồi em chị
Em chị xưa nay vốn rất hiền
Chị đợi mãi mong hoài một sớm
Bước chân em về tới hàng hiên

Con, ai đã giết rồi con Mẹ
Ruột đứt lòng đau Mẹ cũng đành
Khói lửa con đi theo nguyện ước
Ngày về hoan hỷ nắng thanh bình

Buốt thấm hai vai chiều cuối chạp
Chị pha lệ nóng tưới vườn xanh
Sững sờ chị thả rơi thùng nước
Bóng Mẹ chiều ơi...đêm xuống nhanh!
BL, 2002

Còn trong bản thảo
Có người nói giọng thơ của Phan Lạc Dân như bài trên vẫn cũ và “hiền” quá. Tôi lại cho rằng mặc dù ý và lời có “cũ” nhưng nó lại thực là một bài thơ, theo nghĩa có cách nói riêng của mình, không trùng lập với những khẩu khí dễ dãi, hay nhại lại của một ai, dù là ca dao. Thường vào những ngày bắt đầu mùa thu như hôm nay, ở các quán bông giấy vỉ hè Sài Gòn, người lưu tâm đến văn chương hay bìnhloạn về những tập thơ mới trình làng. Nhiều tập in khá tốn kém, có cả phẩn dịch sang tiếng Anh hoặc Pháp (để ai đọc ?). Có lần tôi phải thẳng tính khi phát ngôn: đó kgông phải là văn chương, theo nghĩa sáng tạo. Sự dễ dãi không làm nên tác phẩm.
Với nền văn minh tin học, có những bản thảo thơ hoặc truyện được in ra, mỗi lần chỉ vài chục bản, vẫn có bìa 4 màu và phụ bản khá đẹp, để gửi tặng những người thích đọc thơ. Tập thơ Lục bát của Chu Ngạn Thư từ cuối 2011 đến nay đã in rồi “tái bản” tất cả 3 lần, tổng cọng được 100 quyển. Tôi thích bài thơ “Mặn” ở trang 14, dù tứ và lời vẫn trong men cũ:

Làm dòng sông mặn biển khơi
Non cao mặn với mây trời lãng du
Cánh chim mặn khoảng tuyệt mù
Vàng-tươi-cúc mặn chút thu muộn màng

Bếp khuya mặn lửa đêm tàn
Vòng tay mặn nỗi siết ngang ngực đời
Ta-mặn-nhau-cả-cuộc-người
Mặc cho trời, đất rụng rời xa nhau.

Cùng với tập Thơ lục bát, cuối 2011 Chu Ngạn Thư cũng cho ra mắt dạng bản thảo tập thơ Haiku Việt. Có những bài khá ý nhị :

30
Bão tràn màn ti-vi
Lội nước vượt ngược lồi thiên đàng
Đọt tràm chim sẻ đậu

31
Cỏ buông màu thiếu phụ
Chuông rụng đỉnh tháp giáo đường đêm
Ngôi sao vừa xanh cỏ

Chu Ngạn Thư là người tự mình sưu tập và lưu giữ những bài thơ cùng từng tác giả văn học Miền Nam trước 1975. Anh có chụp và gửi tặng tôi mấy bài thơ tôi không kiếm ra. Giữa thời buổi danh xưng nhà thơ chỉ dành cho những người có thế lực thì tấm lòng của anh với thơ quả là vô hạn. Thật đau lòng khi có những tập đáng là thơ lại cứ in lẻ mẻ. nên tôi đã thực bụng nói với Thư: Ông chịu khó đi liên kết, có giấy phép xuất bản để sách in đưa ra hiệu sách, cho dù có thể nhịp thơ Haiku khó đọng lâu trong lòng người Việt Nam. Thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, nhưng vẫn còn nhiều người muốn tìm thơ hay.
Niềm an ủi của tôi khi tìm về những ngọn thác. Khi tản mạn “Chắp tay dòng đời” được một Blog tải lại, lại có những comment của một số độc giả thế hệ 8 X: Đọc những bài thơ được trích của các nhà thơ thế hệ trước vẫn thích hơn các nhà thơ hiện nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét