Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1051 - Đặng Hoàng Anh
“QUẬN CHÚA BIỆT ĐỘNG”
Nông dân sinh 1928 tại Huế. Sống ở Lâm Đồng (2012).

Tên cũ Phạm Ngọc Diệp thuộc dòng dõi hoàng gia Huế (dòng quận chúa triều Nguyễn) nhưng đã sớm rời nhà đi kháng chiến chống Pháp.

Sau 1954 được đi Pháp học ngành y. Sau đó trở về Sài Gòn làm bệnh viện, lấy chồng bác sĩ lớn tuổi rồi được chế độ Ngô Đình Diệm tin dùng (nhờ họ hàng bên mẹ có quen biết nhà Ngô ở Huế) cất nhắc làm tới chức giám dốc bệnh viện Tuyên Đức (thuộc Lâm Đồng ngày nay).

Nhưng trong thời gian này vẫn hoạt động ngầm cho cộng sản tham gia một số hoạt động đánh phá chế độ VNCH. Sau biến cố đánh bom Tòa Đại sự Mỹ ở Sài Gòn, hành tung bại lộ nên phải bỏ trốn về miền Tây. Đến năm 1972 tìm đường quay lại chốn cũ Tuyên Đức thì bị bắt ở Đà Lạt.

Ở tù mắc bệnh (thời hoạt động có bị trúng đạn vào đầu) và nhờ quan hệ quen biết nhiều giới quan chức chính quyền thời đó nên một thời gian sau được giảm nhẹ tội thả ra. Được cộng sản tìm cách đưa ra Bắc an dưỡng.

Nhưng bệnh vẫn không hết để lại di chứng mất trí nhớ nên sau 1975 vào lại Sài Gòn phải đi mổ não thêm lần nữa mà rốt cuộc vẫn khi nhớ khi quên không tìm lại được đường dây hoạt động ngày xưa cùng các đồng chí cũ. Rồi lại bị mất hết giấy tờ không biết xoay xở thế nào dành sống tạm bợ được ngày nào hay ngày đó.

Mãi đến năm 1984 mới được làm lại giấy tờ lấy tên mới ngẫu nhiên Đặng Hoàng Anh. Sau đó lên lại Đà Lạt nơi còn một miếng đất đã mua sẵn từ thời làm giám đốc bệnh viện trên này. Từ đó sống bám vào mảnh đất, làm vườn sống qua ngày.

Năm 2008 có nhà văn biết chuyện mới viết lại tiểu sử cuộc đời bà, cuộc đời một “Quận chúa biệt động” thời cũ ba chìm bảy nổi mà thời mới cũng bảy nổi ba chìm!

1052 - Doan Hoang
LÀM PHIM HẬU – CHIẾN TRANH VỀ GIA ĐÌNH MÌNH
Đạo diễn phim tài liệu Việt kiều Mỹ tên cũ Hoàng Niên Thục Đoan sinh 1972 tại Nha Trang. Sống ở Mỹ (2012).

Cùng cha mẹ di tản qua Mỹ trên chuyến bay trực thăng dân sự cuối cùng vào sáng 30.4.1975, để lại 2 cha con người chị (đời chồng trước của mẹ, cả ông dượng này và cha ruột mình đều là sĩ quan chế độ cũ). Sau đó người chị cùng bà dì vượt biên bị hải tặc Thái Lan cưỡng hiếp trên biển rồi mới tha cho đi.

Tại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học đã theo đuổi nghề báo rồi làm phim, tất đều xoáy vào chủ đề cuộc chiến tranh VN đã qua nay vẫn còn để lại nhiều dư chấn trong đời sống người VN kể cả ở hải ngoại. Ngay từ năm 9 tuổi đã viết cuốn sách đầu tiên và năm 12 tuổi làm bộ phim tài liệu đầu tay đều về đề tài này: “Chúng ta đều bị ảnh hưởng chiến tranh nhưng chọn những cách khác nhau để xử lý mối ám ảnh này… Đã là ám ảnh thì khó quên.”

Từ đó năm 2000 quay lại quê hương lần đầu tiên dù bị cha phản đối. Tận mắt nhìn thấy những đổi mới trên quê hương, những con người và tư duy cũng thay đổi. Gặp lại ông chồng trước của mẹ và đặc biệt ấn tượng về 2 người anh em của ông, ông anh cán bộ từ Bắc trở vào vẫn ủng hộ cộng sản nhưng cực lực chống tham nhũng (nay ông đã mất), còn ông em nguyên phi công VNCH phản chiến từng đào ngũ vì có vợ theo cộng sản nhưng nay không quan tâm gì đến chính trị nữa!

Từ bao nhiêu nguồn thông tin, tư liệu sống ngồn ngộn đó, quay về Mỹ mới bắt tay làm bộ phim tài liệu dài đầu tiên “Oh Saigon” (Ôi Sài Gòn) lấy hoàn cảnh gia đình hải ngoại của mình làm nhân vật chính (bản thân lấy chồng nước ngoài). Mục đích là tìm cách tháo gỡ, hòa giải tâm lý mặc cảm của hầu hết người Việt di tản vì chạy trốn cộng sản nên phải đành đoạn chia tay đất nước.

Năm 2006 phim hoàn thành đoạt một số giải thưởng quốc tế ở Liên hoan Phim Châu Á – Thái Bình Dương, Liên hoan Phim quốc tế Brooklyn (Mỹ)… Phim được trình chiếu tại 15 nước, được dịch ra 5 thứ tiếng.

Phần nào nhờ bộ phim mà cha mình bấy giờ mới hết “sợ” cộng sản, chịu quay về thăm quê nhà (quê gốc Phan Thiết), bà con bạn bè cũ.

Sau thành công của “Oh Saigon”, tiếp tục khai triển mạch phim này qua một bộ phim tài liệu khác nói về thân phận người phụ nữ VN sau chiến tranh chính là mẹ, dì, chị và cả bản thân mình: “Tôi không quên được chiến tranh vì tôi đã sống và chịu ảnh hưởng nó, tôi không thể quên được. Nếu không có chiến tranh thì tôi đâu phải là người Mỹ gốc Việt mà sẽ là người VN thôi.”

Cũng vì thế mà đặt tên hãng phim tư nhân nhỏ của mình là Hãng phim Nước – Nuoc Pictures với ý nghĩa “Nước” đây là “Đất Nước”, là “Nước VN”.

Còn tham gia hoạt động đóng góp từ thiện cho Quỹ Vietnam Relief Effort ở Mỹ.

1053 - Lê Hữu Mục
LÝ THUYẾT GIA CHỦ NGHĨA NHÂN VỊ
Giáo sư đại học Việt kiều Canada sinh 1925 tại Ninh Bình. Sống ở Canada (2012).

Xuất thân từ nhà dòng nhưng chuyên tâm nghiên cứu Hán – Nôm trở thành một chuyên gia chữ Nôm tầm cỡ. Còn rất tài hoa chơi nhạc, viết nhạc từ sáng tác ca khúc trữ tình (nổi tiếng bài “Hẹn một ngày về” do Hà Thanh hát) lẫn loại âm nhạc giao hưởng bác học.

Dạy ĐH Học Huế và trong thời gian này đã được chế độ Ngô Đình Diệm sử dụng (cùng Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê đều trí thức Công giáo) như lý thuyết gia với tham vọng lập thuyết chống chủ nghĩa cộng sản, đó là chủ nghĩa nhân vị phát triển từ triết thuyết cùng tên Personnalisme của triết gia Công giáo Pháp E. Mounier. Từ đó in 2 cuốn “Văn hóa và nhân vị” và “Thảm trạng của một nền dân chủ vô thần” đều 1958.

Tuy nhiên chủ thuyết đó sớm chết yểu theo chế độ nhà Ngô nên sau đó chuyển vào Sài Gòn dạy ĐH Sư phạm chỉ chuyên tâm nghiên cứu văn học Hán - Nôm. Khảo cứu và dịch thuật nhiều tác phẩm Hán – Nôm cổ điển như “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện u linh tập”, thơ Trần Thái Tôn (giải thưởng dịch thuật 1970), thơ Nguyễn Trãi…

Sau 1975 vẫn còn ở lại được tiếp tục dạy Hán – Nôm nhưng được thời gian ngắn đương nhiên xảy ra vấn đề bất đồng quan điểm cả trên phương diện học thuật thuần túy nên… vượt biên… bị bắt! Sau đó mới được bảo lãnh đi Canada.

Trên xứ người, tiếp tục được mời dạy Hán – Nôm ở đại học. Và in thêm sách nghiên cứu Hán – Nôm “Truyện Kiều và tuổi trẻ” năm 1998, “Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc” năm 2000… Lập Trung tâm Việt Nam học – Vietnamotologie, ra tạp chí Việt học Vietnamologica.

1054 - Lê Tất Điều
BỎ VĂN QUA THƠ
Nhà văn sinh 1942 tại Hà Đông. Sống ở Mỹ (2012).

Trước 1975 được tạp chí Bách Khoa giới thiệu ban đầu, dần trở thành một nhà văn có khuynh hướng xã hội hướng về giới lao động nghèo chịu nhiều bất công qua một số tập truyện ngắn và truyện dài như “Kẻ tình nguyện”, “Quay trong gió lốc”, “Đêm dài một đời”. Có một tập về đề tài thiếu nhi “Những giọt mực”.

Song song đó còn viết báo chuyên mục “phim” tức loại tiểu phẩm châm biếm cay độc các thói hư tật xấu ngoài đời được người đọc thích thú với bút danh khá nổi Kiều Phong (một nhân vật anh hùng của truyện chưởng Kim Dung).

Ngoài đời là sĩ quan VNCH nên tháng 4.1975 di tản qua Mỹ.

Năm 1980 có tham gia hoạt động trong Uy ban Cứu nạn vượt biên vận động tổ chức đưa tàu ra biển Đông vớt dân vượt biển VN.

Nhưng về sự nghiệp viết lách thì từ bỏ viết truyện với lý do “không còn hứng nữa” để chuyển qua… làm thơ, ra tập “Thơ Cao Tần” với bút danh này xuất hiện lần đầu năm 1978. Gọi là thơ chứ vẫn còn phảng phất phong vị châm biếm chua xót của Kiều Phong qua chủ đề tự trào về dân di tản VN bây giờ lưu vong thất chí sống nhạt nhòa hoang tưởng:

Ta Làm Gì Cho Hết Nửa Đời Sau?

(trích)

“… dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
gánh sơn hà toan chất thử lên vai
chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai.

một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
nay đất khách kéo đời rất nản
ta tính sẽ về vượt suối trèo non...

một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
thần tự do giờ đứng ở nơi nào ?
ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
tự đốt mình cho lửa sáng xem sao ...

bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
thấy chiến trường la liệt xác anh em
năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm.

sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
những hào hùng uất hận gối lên nhau
kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
ta làm gì cho hết nửa đời sau?”

Đây là nhà văn có 2 phong cách viết trái ngược nhau lạ lùng vừa viết cho tuổi thiếu nhi hồn hậu, trong sáng mà lại vừa có giọng thơ trào phúng sâu cay. Như Duyên Anh một tay đỡ đầu cho nhóm “Tuổi Ngọc” một thời còn một tay Thương Sinh nổi tiếng phóng bút đả kích trên mục biếm báo ngày Sài Gòn.

1055 - Ngọc Đức
VỞ KỊCH CUỐI ĐỜI
Diễn viên kịch nói sinh tại VN. Sống ở TPHCM (2012).

Trước 75 khá nổi tiếng là “kép đẹp” đóng kịch trên sân khấu Sài Gòn với đoàn Kim Cương. Lấy vợ ca sĩ Phương Hồng Ngọc sinh được 2 con.

Đến năm 1982 cùng vợ và 2 con qua Pháp theo diện đoàn tụ phía gia đình nhà vợ.

Tại Pháp vợ còn đi hát thường xuyên được còn mình khó sống nổi vì diễn kịch hải ngoại hiếm lắm.

Có lẽ vì vậy mà sinh mâu thuẫn gia đình đưa đến 4 năm sau vợ chồng ly dị. Vợ lấy chồng Việt kiều khác chuyển qua Mỹ ở luôn, còn mình quay về lại TPHCM.

Dù sao thì bây giờ cũng lập lại được cuộc sống gia đình tạm ổn, lấy vợ mới mở tiệm ăn đề huề. Vợ cũ cùng chồng mới về nước còn ghé lại thăm vui vẻ!

1056 - Nguyễn Hà Phan
ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ BỊ KHAI TRỪ
Nguyên cán bộ cộng sản cao cấp sinh 1933 tại Bến Tre. Sống ở Cần Thơ (2012).

Hoạt động cộng sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thời chống Pháp đến chống Mỹ.

Sau 1975 lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng gồm Bí thư tỉnh Hậu Giang (cũ), Phó Chủ tịch Quốc hội 1992, vào Bộ Chính trị làm Thường trực Ban Bí thư 1993.

Năm 1996 tại Đại hội Đảng bỗng nhiên bị tố tội “phản bội” vì trong kháng chiến chống Mỹ có hành vi “đầu hàng địch” khi bị bắt 1958 rồi được thả ra 1964 về Châu Đốc hành nghề bán nước mía. Vì vậy bị kỷ luật nặng nhất khai trừ Đảng về lại Cần Thơ làm dân thường dưỡng già.

Đây có thể là hậu quả của tham vọng cá nhân muốn “trèo cao” hơn nữa nên té nặng quá nặng!

1057 - Nguyễn Hữu Xương
LẬP ỦY BAN CỨU NẠN VƯỢT BIÊN
Giáo sư đại học Việt kiều Mỹ sinh 1933 tại VN. Sống ở Mỹ (2012).

Từ miền Nam đi du học Pháp tốt nghiệp kỹ sư 1955, sau đó qua Mỹ học tiếp đậu bằng tiến sĩ ngành vật lý 1962 và ở lại California dạy đại học. Nổi tiếng là nhà phát minh ra phương pháp đo nhiễu xạ quang tuyến gọi là máy “Quang tuyến Xương”.

Năm 1980 trước thảm cảnh dân vượt biên VN trên biển bị chìm tàu mất mạng hoặc bị hải tặc Thái Lan cướp bóc sát hại, đã cũng một số Việt kiều cùng ý hướng (Phan Lạc Tiếp, Lê Tất Điều…) thành lập Uy ban Cứu nạn vượt biên VN kêu gọi cứu vớt, giúp đỡ người vượt biên và chống hải tặc Thái Lan. Năm 1985 phối hợp với Hội Y sĩ Thế giới của Pháp tổ chức đưa 5 chuyến tàu ra biển Đông vớt được 3.103 thuyền nhân VN. Vận động các nước nhận họ nhập cư, giúp họ làm thủ tục giấy tờ chiếu khán nhập cảnh. Đồng thời yêu cầu Liên Hợp Quốc, Thái Lan diệt nạn cướp biển…

Đến 1990 Uy ban kết thúc nhiệm vụ sau khi Mỹ và VN thỏa thuận các chương trình xuất cảng hợp pháp diện H.O (cho sĩ quan, công chức cao cấp chế độ cũ) và O.D.P (cho diện bảo lãnh người thân qua đoàn tụ gia đình).

Năm 2009 về VN theo lời mời của trường đại học mở lớp tập huấn chuyên ngành vật lý và phương pháp “Quang tuyến Xương” cho sinh viên VN.

1058 - Nguyễn Tú
BÀI BÁO CUỐI CÙNG
Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh 1924 tại Hà Nội – Mất 2010 ở Mỹ (86 tuổi).

Trước 75 là phóng viên chiến trường chuyên viết phóng sự chiến trường trên nhật báo Chính Luận.

Trong những ngày cuối cùng tháng 4.1975 đã viết bài phóng sự “Ngày chủ nhật buồn” mô tả về cuộc di tản hỗn loạn của quân dân VNCH từ Pleiku về Tuy Hòa mở đầu cuộc sụp đổ của chế độ này gây ấn tượng xúc động mạnh cho mọi người.

Sau đó thì bộ đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, báo đóng cửa.

Bản thân nhờ mối quan hệ rộng đã có thể dễ dàng lên máy bay di tản song do đã lỡ hứa với một số đông nghiệp, bạn bè sẽ giúp họ cùng đi nên phải nán lại lo chạy đường dây. Nhưng rốt cuộc trong cảnh rối bời giờ thứ 25… không giúp ai đi được cả nên mình cũng không đi: “Đi lúc anh em họ ở lại thì hèn quá.”

Đành ở lại đi cải tạo hơn 10 năm.

Sau khi được thả ra, năm 1988 ra Đồ Sơn (Hải Phòng) tìm đường vượt biên qua Hong Kong rồi được Mỹ tiếp nhận.

Nhưng trên đất Mỹ từ giã nghề báo luôn, hầu như không viết gì nữa vì “Bài “Chủ nhật buồn” vẫn là bài báo cuối cùng của tôi. Tất cả các bài khác nếu có chỉ là dạng “Út thêm” mà thôi”!

Đến khi qua đời vẫn cô đơn một bóng.

1059 - Nguyễn Võ Nghiêm Minh
LÀM PHIM TỪ KỶ NIỆM “TRỐN CHIẾN TRANH” THỦA NHỎ
Đạo diễn phim truyện Việt kiều Mỹ sinh tại Vũng Tàu. Sống ở Mỹ (2012).

Đó là kỷ niệm được hồi tưởng "...Tôi thường tìm cách trốn thoát cái chết chóc, đau khổ của chiến tranh bên ngoài bằng cách ráng đi vô coi phim. Vì ba tôi là quản lý rạp phim nên những người gác cửa rạp họ biết và để tôi vào xem không có gì khó khăn lắm. Xem phim, ngoài việc là phương tiện để tôi trốn thoát cái đau khổ của cuộc chiến tranh bên ngoài kia, nó còn là cửa sổ để tôi nhìn ra thế giới bên ngoài… Trong cái nhìn của một đứa trẻ tám, chín tuổi thì ấn tượng đó rất là sâu đậm…. Nhưng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Âu châu, ngay cả ở Mỹ cũng vậy, sống bằng nghề làm phim không là chuyện vô cùng khó khăn nên tôi đành tạm gác cái đam mê của mình lại”.

Phải gác lại khi di tản qua Mỹ sau 1975 học tốt nghiệp tiến sĩ vật lý ra đi làm phòng thí nghiệm suốt 16 năm.

Rồi một ngày nọ “Tôi chợt nghĩ, một là mình làm phim bây giờ, hai là mình chắc phải lãng quên giấc mơ này. Và tôi phải quyết định, không hẳn là bỏ hẳn ngành vật lý của mình, nhưng tôi phải giảm bớt vai trò của công việc vật lý để bắt đầu đi học làm phim”.

Năm 1998 học xong nghề làm phim rồi mới bắt đầu viết kịch bản phim “Mùa len trâu”…” phỏng theo một truyện ngắn của Sơn Nam trong tập “Hương rừng Cà Mau”. Sau đó về nước bắt tay vào làm đạo diễn bộ phim truyện nhựa đầu tay này hoàn thành năm 2004 đoạt giải Liên hoan Phim VN và đưa ra nước ngoài giành 8 giải liên hoan phim quốc tế.

Năm 2009 làm tiếp bộ phim tình cảm lãng mạn “Khi người yêu đừng quay đầu lại” thuộc dòng phim giải trí khác hẳn phim nghệ thuật “Mùa len trâu” nên không thành công bằng.

Có lẽ phải chờ bộ phim sẽ làm trở lại với dòng phim nghệ thuật “có thể là về đề tài chiến tranh”.

1060 - Phạm Hoàng Hộ
TƯỞNG NIỆM MỘT “THỜI ẢO VỌNG”
Nhà khoa học, giáo sư đại học Việt kiều Canada sinh 1931 tại Cần Thơ. Sống ở Canada (2012).

Tốt nghiệp tiến sĩ ngành thực vật học ở nước ngoài trở về Sài Gòn dạy đại học, làm khoa trưởng ĐH Sư phạm Sài Gòn, sáng lập viên ĐH Cần Thơ. Từng nhậm chức Tổng trưởng Giáo dục một thời gian ngắn rồi thôi khi nhận ra mình chỉ thích hợp với công tác chuyên môn chứ chính trị chả biết gì!

Từ đó tập trung đi sâu nghiên cứu các loại thực vật VN, trở thành nhà thực vật học hàng đầu trong nước. Một số thành tựu của các công trình đó được in trong một số sách trong đó quan trọng nhất là cuốn “Cây cỏ miền Nam”.

Là nhà khoa học có tư tưởng tiến bộ nên sau 30.4.1975 vẫn ở lại, tin rằng mình là nhà khoa học thuần túy nên sẽ không bị làm “khó dễ”. Thực tế đã được chế độ mới trọng dụng tạo điều kiện cho ra miền Bắc nghiên cứu các loại cây cỏ giúp bổ sung thêm khoảng 2.500 giống nữa vào danh sách cây cỏ miền Nam.

Nhưng vài năm sau qua làm việc chung thấy khó thể hòa đồng với chế độ mới, gặp nhiều bất đồng kể cả về quan điểm khoa học, khó thể ở lại tiếp tục làm việc có hiệu quả như mong muốn. Vì thế có nguyện vọng qua Pháp nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các công trình khoa học cấp cao hơn về công trình quy mô “lịch sử dư địa chí thực vật VN”. Nhờ sự ủng hộ của Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó là ông Võ Văn Kiệt nên được chấp thuận (bản thân ông VV Kiệt nhân chuyến đi thăm Pháp 1984 đã có tìm đến thăm “cố nhân”).
Ở Pháp một thời gian rồi chuyển qua Canada. Tại đây trên cơ sở cuốn “Cây cỏ miền Nam” trước đây và phần bổ sung sau này đã bắt tay vào hoàn thành công trình lớn đầy đủ đó đặt tên xứng danh “Cây cỏ VN” với khoảng 12.000 loại gồm 6 tập tổng cộng 3.599 trang (không kể phần phụ lục) xuất bản năm 1991 – 93 (Nxb Trẻ in lại năm 2010 ở TPHCM).

Đặc biệt công trình được trang trọng đề tặng “những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng 4.75, vì đã quyết định ở lại để tiếp tục đóng góp cho đất nước… Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào.” Trong số đó có nêu danh người bạn thân TS Nguyễn Duy Xuân nguyên viện trưởng Viện ĐH Cần Thơ đã bị bắt đi cải tạo rồi chết trong trại Hà Nam Ninh năm 1986.

Những lời đề tặng cũng là một cách “tự kiểm” một “thời ảo vọng” của chính mình đã qua rồi!

Năm 2006 còn in thêm cuốn “Cây cỏ có vị thuốc ở VN”.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét