CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 -2012 ( KỲ 101)
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
1011 - Cung Tiến
PHỔ NHẠC THƠ TÙ CẢI TẠO
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Cung Thúc Tiến sinh 1938 tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2012).
Một con người tài hoa đa năng được xem là một thần đồng âm nhạc với 2 ca khúc nổi tiếng “Thu vàng” và “Hoài cảm” sáng tác từ năm mới 15 tuổi ở Hà Nội.
1954 di cư vào Nam đi du học Uùc và Anh về ngành kinh tế nhân đó tranh thủ học thêm nhạc lý ở nước ngoài. Từ đó các sáng tác nhạc tiếp theo tuy ít song đều là những tác phẩm đạt trình độ chuyên môn cao nội dung trí thức như “Lệ đá xanh”, “Mắt biếc”, “Nguyệt cầm”…
Ngoài ra còn viết lý luận phê bình văn học, dịch tác phẩm văn học kinh điển Nga của Dostoievski và Solzhenitsyn (bút danh Thạch Chương).
Sau 1975 định cư tại Mỹ tiếp tục sự nghiệp âm nhạc với bước ngoặt bắt đầu đưa tác phẩm của mình trầm mình trong không khí thời sự từ biến cố 30.4 bằng cách phổ nhạc 12 bài thơ làm từ trại cải tạo của Thanh Tâm Tuyền trong tập “Vang vang trời vào xuân” 1981 (trước kia từng phổ thơ TT Tuyền bài “Đêm” và “Lệ đá xanh”):
“… Chống cuốc đứng vững chân
Trên mảnh đất khốn khổ
Thở hít đến vô cùng
Mãi mê ngắm hồng rợ
Vang vang trời vào xuân
Ta bật kêu mừng rỡ
Ơi bè bạn xa xăm
Tim ta cũng cháy đỏ
Rực tựa bóng trăng rằm.”
Tiếp đó năm 1992 phổ nhạc bài thơ trường thiên “Ta về” của Tô Thùy Yên cũng làm từ trại cải tạo:
“… Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.
Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ.
…..
Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao.
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh…”.Cả 2 tác giả đều là bạn thân thời làm tạp chí Sáng Tạo và 2 tác phẩm đều được sáng tác theo phong cách nhạc giao hưởng kết hợp hát, nói, ngâm và hòa nhạc thính phòng. Riêng “Vang vang trời vào xuân” được công diễn hát đệm dương cầm năm 1985 tại Thủ đô Washington.
Ngoài ra còn làm đồng dịch giả ra tiếng Anh cuốn hồi ký chính trị “Hồ sơ mật dinh Độc Lập” của TS Nguyễn Tiến Hưng nguyên Cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau đó quay về với dòng âm nhạc dân tộc, viết tấu khúc “Chinh phụ ngâm” 1987, tập trung nghiên cứu làn điệu quan họ Bắc Ninh đưa vào nhạc giao hưởng đồng thời lấy cảm hứng từ đó để viết tác phẩm âm nhạc đương đại “Lơ thơ tơ liễu buông mành” 2003…
1012 - Ngô Thị Thắt
NỮ PHÁO BINH ANH HÙNG ĐI ĂN MÀY
Nông dân sinh 1951 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2011).
Mới 16 tuổi đã xung phong gia nhập đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đội nữ pháo binh duy nhất miền Bắc được thành lập năm 1967 nổi tiếng anh hùng bắn rơi máy bay Mỹ.
Là em út của đội (từ 85 – 91 chiến sĩ gái) lại nhỏ con nên được phân công làm trợ thủ tiếp đạn từng được đưa vào bài vè truyền thống của đội: “O Thắt 16 tuổi/ Viên đạn nặng 16 cân/ Dù đạn cao ngang người/ Thắt càng thêm vững chí.”
Sau chiến tranh, đội giải thể năm 1977, tất cả trở về làm dân thường không được hưởng bất cứ chế độ nào kể cả bị thương tích trong chiến trận.
Bản thân thiếu học, không nghề nghiệp nên phải bám theo ruộng đất làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn. Rồi sinh 2 con ngoại hôn mà 2 con đều bị tâm thần càng đẩy cả nhà vào cảnh khốn cùng. Cuối cùng chỉ còn con đường… đi ăn mày nuôi con: “Không nghề nghiệp, không chồng con, nghèo quá khổ quá không có chi ăn thì đi ăn mày có chi xấu có chi sai?”
Không chỉ mình mình mà còn một số đồng đội cũ cũng đành làm như vậy.
Đầu những năm 2000 sau khi vụ việc được đưa lên báo Lao Động, cả nước mới bị đánh động tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ tiền bạc, xây cho nhà tình nghĩa, xây tượng đài Nữ pháo binh Ngư Thủy… mới chấm dứt thảm cảnh “bôi đen anh hùng” này!
1013 - Nguyễn Văn Hải
CHUYÊN GIA GỠ BOM MÌN SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP
Thường dân sinh tại An Giang – Mất 2009 ở Đồng Tháp.
Sau chiến tranh nổi tiếng là một “thợ gỡ mìn” khắp Nam Bộ, không chỉ gỡ bom mình ở quê nhà huyện Tri Tôn mà còn đi đến các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre làm việc tháo gỡ vô vàn quả bom mình còn nằm yên dưới lòng đất. Nhờ chịu khó nghiên cứu kỹ các loại bom mìn, lực nổ, sức công phá, cách chế tạo, nguyên lý nổ, độ nguy hiểm, độ rủi ro để từ đó tìm ra phương pháp, kinh nghiệm chống nổ, vô hiệu hóa nó.
Ngay cả các đội gỡ bom mình của bộ đội công binh biết tiếng cũng phải mời tham gia công tác này.
Nhưng trong một chuyến đi như vậy với bộ đội năm 2009 ở Đồng Tháp gỡ 4 quả bom, đến quả thứ tư đang tháo ngòi nổ thì gặp loại ngòi nổ tự động ít gặp phát nổ chết ngay tại chỗ!
Trước đó có một đệ tử ruột gỡ quả đạn cối 81 ly bị đạn phát nổ ngay trên tay chết không toàn thây. Bà vợ đang ở gần đó cũng thiệt mạng luôn.
Còn người em trai từng có thời gian theo anh học nghề sau đó chỉ đi gỡ thêm 9-10 quả bom nữa ở Sóc Trăng và Bến Tre rồi thôi, giải nghệ về nhà đánh cá, nuôi gà sống qua ngày chứ không dám làm nghề giỡn mặt tử thần nữa.
1014 - Nguyễn Văn Hoàng
2 VỢ CHỒNG CHỈ… 1 CÁNH TAY!
Nông dân sinh 1950 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2007).
Năm 1966 đi bộ đội đánh Mỹ.
Năm 1972 bị thương nặng phải giải phẫu cắt cụt 2 tay.
Sau ngày hòa bình là thương binh về quê cũng phải sống bám vào ruộng vườn làm được gì thì làm. Dù vậy vẫn được một cô thôn nữ cảm phục đem lòng thương yêu nhận làm chồng.
Nhờ có vợ đỡ đần nên việc làm ruộng vất vả cũng qua ngày đoạn tháng.
Không ngờ tai ương lại đến nữa khi ngườøi vợ đi chặt tre không may bị tai nạn… đứt mất một cánh tay!
Thế là từ đó 2 vợ chồng chỉ còn 1 tay lành lặn coi như phải “bao tiêu” hết mọi việc khó khăn từ làm đất, cấy lúa đến đào hố trồng cây ươm cành...
Thế mà vẫn chung sức làm được bao việc lao động khó nhọc để sống còn kể cả những việc mỗi người có đủ 2 tay làm cũng không xuể như tước xơ dừa, san lấp hố bom làm nhà, khai hoang lập vườn cây ăn trái… Vợ tận dụng một tay còn lại làm xoăn xoắt, còn chồng thì làm bằng.. 2 cùi tay tới mức chai sần rắn như đá!
1015 - Nguyễn Văn Hồng
LỌN TÓC KỶ VẬT 40 NĂM
Cựu chiến binh sinh khoảng 1943 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2008).
Năm 1964 trướùc khi lên đường vào chiến trường miền Nam đã thề nguyền hứa hẹn với người yêu cùng quê ngày chiến thắng trở về cả 2 sẽ làm lễ kết hôn. Người yêu trao tặng kỷ vật mang theo là một lọn tóc nhỏ xén ra từ mái tóc mình được kết lại thành hình số 8 dễ thương.
Từ đó mang theo kỷ vật bất ly thân trong bao trận địa trên bao chiến trường khốc liệt, ấp ủ nằm gọn sát trái tim người chiến sĩ luôn kề cận cái chết trong gang tấc.
May mắn cuối cùng cả người lẫn kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh để chàng trai vội vã mang về tìm người yêu chuẩn bị làm lễ cưới.
Nhưng đâu ai ngờ người yêu đã hy sinh trước đó 7 năm rồi, chính là tiểu đội trưởng Võ Thị Tần của tiểu đội 10 cô gái liệt sĩ bị bom Mỹ vùi dập tại ngã ba Đồng Lộc huyền thoại năm 1968. Nhưng ở quê nhà không ai dám báo cho anh biết!
Thế là “người chồng không bao giờ cưới” đành nghẹn ngào mang kỷ vật về nhà đặt lên bàn thờ thay cho quà cưới mà từ đó anh cũng thề là không sẽ không có lần thứ hai cho mình .
Món kỷ vật vẫn ở đó suốt 30 năm nữa mãi đến năm 2005 mới được chuyển cho Nhà lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc trưng bày cho mọi người thắp hương khấn nguyện. Nhưng với chủ nhân của nó còn sống thì lọn tóc theo mình 40 năm ấy những sợi tóc của nó vĩnh viễn không bao giờ bạc.
1016 - Nguyễn Văn Hùng
MỐI TÌNH PHÁP - VIỆT KHÔNG NƠI NÀO CÓ ĐƯỢC
Nhà hoạt động xã hội sinh 1956 tại Sài Gòn – Mất 2007 ở TPHCM (52 tuổi).
Trước 1975 là con nhà giàu nhưng bị rơi vào tệ nạn nghiện ngập ma túy nên sau ngày giải phóng thường xuyên bị bắt vào trại cai nghiện.
Sau nhiều lần đi cai nghiện như vậy rồi được tham gia các khóa học đả thông tư tuởng, huấn nghiệp đã từ bỏ được ma túy để chuyển sang tham gia công tác xã hội giúp đỡ trẻ em đường phố, nạn nhân ma túy trở về với cuộc sống bình thường. Năm 1992 được sự giúp đỡ của tổ chức nước ngoài đã lập ra Nhà mở Thảo Đàn làm cơ sở nuôi dạy trẻ em đường phố gom nhặt từ các nơi về.
Đến năm 2004 rời Thảo Đàn chuyển qua lập nhóm tình nguyện viên Nụ Cười hướùng đến hỗ trợ đối tượng nạn nhân HIV – AIDS.
Công việc đang dang dở thì giữa năm 2007 bùng phát bệnh ung thư gan giai đoạn cuối nằm chờ chết. Thật ra bị phát hiện bệnh từ lâu song cố giấu mọi người vì sợ ảnh hưởng công việc trong khi bản thân nghèo mạt lại không vợ con nên không có điều kiện tối thiểu để chữa bệnh.
Trong giai đoạn cuối đời đó may mắn cũng có được một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ngắn ngủi nhưng vô cùng lạ lùng đã đem lại cho người sắp chết những nụ cười cuối cùng – một tình yêu kỳ diệu. Từ nữ đạo diễn Pháp Leslie Wiener 56 tuổi (lớn hơn 5 tuổi) vốn đã quen nhau 13 năm nay.
Nữ đạo diễn này từng đến VN làm một số bộ phim tài liệu về nạn nhân CĐDC, trẻ em đường phố… qua đó đã quen biết với anh. Từ quan hệ hoạt động cùng chí hướng phục vụ cộng đồng hướng tới các đối tượng bất hạnh, tình cảm đồng điệu, mến phục tấm lòng thiện nguyện dần dần chuyển qua tình yêu thầm lặng (bà đã góa chồng).
Nhưng tình yêu đó chỉ chính thức bùng nổ khi được tin người yêu mắc bệnh nặng khó qua được, bà đã lập tức bay qua TPHCM tự nguyện làm người chăm sóc người yêu tận tình như một người vợ lo cho chồng. Chẳng những thế còn dự định tiến hành lễ cưới vào ngày 4.1 sang năm 2008 cũng chính là ngày sinh của cả hai người (định mệnh khéo sắp đặt!).
Tuy nhiên cả hai không thể chờ đến ngày đó được bởi bệnh ngày càng trầm kha nên ngày 2.10.2007 hai người quyết định tổ chức lễ đính hôn ngay trong bệnh viện nơi chú rể phải trải qua những giờ phút hấp hối cuối cùng.
Chỉ hơn một tháng sau thì cuộc tình kết thúc ở nghĩa trang với đoàn người đưa tang đa số toàn trẻ em đường phố đi chào vĩnh biệt một người anh, người cha, người thầy thân thương.
1017 - Nguyễn Văn Lý
BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN VÀO TÙ RA KHÁM NHIỀU NHẤT
Linh mục sinh 1946 tại Quảng Trị. Bị giam ở Hà Nam (2012).
Cuộc đời học đạo và phụng vụ gắn liền với giáo phận TP Huế. Sau 1975 được xem là đệ tử thân cận của cố Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, sau 75 từng làm thư ký cho cố tổng giám mục.
Sau khi TGM Nguyễn Kim Điền qua đời năm 1988, bản thân bắt đầu có những hoạt động chống chính quyền cộng sản đòi quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo. Liên tục hô hào giáo dân phản đối chính quyền, tham gia lập nhóm, lập đảng chống Cộng… Vì vậy đã bao lần bị bắt ra tòa vào tù rồi được các tổ chức nhân quyền vận động cho giảm án thả ra vẫn tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh hăng say không mệt mỏi, cụ thể:
+ 1977 – 1978 ở tù hơn một năm.
+ 1983 – 1992 ở tù hơn 8 năm tại Thanh Hóa và Nam Hà.
+ 2001 – 2004 lại lãnh án 15 năm tù sau được ân xá với điều kiện quản thúc tại địa phương.
+ 2007 thêm án 8 năm đưa ra Hà Nam giam giữ. Năm 2010 do mấy lần bị sốc tim nên được tạm tha cho về ở Tòa Tổng Giám mục Huế để chữa bệnh song vẫn tranh thủ đi ra ngoài hoạt động chống chế độ nên giữa năm 2011 bị bắt đưa trở lại nhà giam Hà Nam.
Đặc biệt trong phiên tòa năm 2007 đã xảy ra sự cố “bịt mồm” trước tòa hết sức hi hữu do bản thân lớn tiếng “đả đảo” khiến viên cảnh sát đi kèm sợ quá bèn tự phát thò tay ra trước bịt miệng bị can! Cảnh này bị chụp ảnh lan truyền khắp thế giới xem như một biểu tượng cho tình trạng cấm tự do ngôn luận tại VN.
Đã được 2 tổ chức nhân quyền ở Czech và Đức trao giải (khiếm diện) đấu tranh cho tự do dân chủ.
1018 - Nguyễn Văn Nam (1)
LẬP QUỸ KHUYẾN HỌC ĐẦU TIÊN
Bộ đội về hưu sinh 1927 tại Long An. Sống ở Long An (2010).
Trải qua 9 năm đi bộ đội kháng chiến chống Pháp ở huyện Cần Đước quê nhà.
Đến 1954 không đi tập kết ra Bắc mà được lệnh ở lại nằm vùng chống chế độ Ngô Đình Diệm. Cuối năm 1955 bị bắt giam ở nhà tù Tân Hiệp (Biên Hòa) được một thời gian ngắn tham gia tổ chức cuộc phá nhà lao vượt ngục quy mô giải thoát cho khoảng hơn 400 tù cộng sản.
Bản thân quay về quê nhà Cần Đước chỉ huy đại đội rồi tiểu đoàn đánh Mỹ, 6 lần bị thương trong đó có lần bị trúng đạn ngay miệng khiến có thêm biệt danh “Sáu Méo” ngoài bí danh “Sáu Nam”.
Sau ngày thống nhất đất nước, làm huyện đội trưởng Cần Đước.
Năm 1985 về hưu vẫn còn ham hoạt động bằng cách xoay qua làm công tác khuyến học, từ năm 1991 đã bỏ tiền túi dành dụm ra lập Quỹ Khuyến học cho học trò nghèo ở Cần Đướùc trong khi Hội Khuyến học VN năm 1996 mới ra đời, sau đó mới đến Hội Khuyến học Long An 1998.
Không chỉ thế, còn gây bất ngờ cho mọi người khi vào đúng dịp Tết 2006 đã viết sẵn một bản di chúc đưa ra trước bàn thờ tổ tiên cho vợ con đọc và ký tên vào đồng ý cho mình sau khi qua đời được… hiến xác! Với lý do giản dị chân chất của dân miệt vườn: “Sống được đến giờ là quá đạt yêu cầu, ráng làm thêm việc gì có ích coi như lời thêm việc đó”!
1019 - Nguyễn Văn Nam (2)
“CỌP SÀI GÒN”
Việt kiều Uùc sinh tại Sài Gòn. Sống ở Uùc (2005).
Là dân giang hồ thứ thiệt ở TPHCM nên sau 1975 bị công an truy lùng tệ nạn xã hội khiến phải tìm đường vượt biên qua Thái Lan, sau đó chuyển qua định cư Uùc năm 1980.
Trên vùng đất mới lập tức bắt tay vào khai thác “thế mạnh” xã hội đen sẵn có của mình để gây dựng cơ đồ mới, mở rộng mạng lưới buôn lậu ma túy, ăn cướp, bắt cóc và cả giết người. Được tôn xưng là đại ca “Cọp Sài Gòn” lừng danh vùng Nam Úc.
Vì thế bị cảnh sát Uùc mở chiến dịch tấn công bắt giữ. Khi bị bắt vào tù cũng nhanh chóng nổi tiếng là tù nhân nguy hiểm nhất khiến phải chuyển qua nhiều trại giam kiên cố canh phòng cẩn mật hơn. Dù vậy cũng đã 2 lần có âm mưu tổ chức trốn ngục song bị phát giác kịp thời.
Mãn hạn tù vào giữa năm 2006.
1020 - Nguyễn Văn Phương
5 CON GÁI ĐIÊN
Nông dân sinh 1940 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2008).
Năm 1968 theo cộng sản đánh Mỹ, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí ra chiến trường.
Một năm sau lấy vợ trong chiến khu sinh con gái đầu lòng cùng lúc bản thân bị địch bắn gãy chân bắt làm tù binh giam ở Hội An.
Năm 1970 được phóng thích trở về quê gặp lại vợ con mới thấy con gái đầu lòng có biểu hiện tâm thần bất ổn, tâm trí khờ khạo nói năng lảm nhảm không đầu không đuôi.
Từ đó đến cả sau ngày kết thúc chiến tranh lần lượt sinh thêm 4 con gái nữa đều mắc chứng điên điên khùng khùng như vậy. Suốt ngày cả 5 chị em không làm được việc gì mà chỉ phá phách nhà cửa tanh bành, đánh lộn lẫn nhau và đánh cả cha mẹ nữa. Cha mẹ chỉ biết cắn răng chịu đựng. Riêng người cha thương binh 3/4 còn phải lo làm ruộng nuôi bầy con điên.
Năm 2003 mới được biết các con mình đều chịu ảnh hưởng CĐDC, bấy giờ mới được chứng nhận cho hưởng trợ cấp nạn nhân CĐDC.
May sao đến đứa con út thứ sáu vẫn là gái song lớn lên học hành bình thường như mọi người. Ra trường làm cô giáo tiểu học rồi lấy chồng ở riêng.
Tuy nhiên đến đó thì vợ mất để lại một mình mình tiếp tục chịu đựng 5 đứa con thay phiên nhau hành hạ người cha già. Đã vậy, cô con gái út lấy chồng bị đổ vỡ hạnh phúc phải quay về tá túc nhà cha mẹ chấp nhận sống chung đụng với 5 người chị mất trí biến căn nhà nhiều khi thành như một địa ngục!
Dù vậy vẫn không chịu đưa 5 con vào trại tâm thần như lời hứa với người vợ quá cố là không bao giờ bỏ rơi con mình: “Tôi vốn chịu khổ quen rồi… Hơn nữa, tôi không thể sống xa tụi nó được.”
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét