Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

NHÀ VƯỜN HUẾ TRƯỚC NGUY CƠ TRỞ THÀNH PHẾ TÍCH - ĐÔNG HƯNG

Một ngôi nhà vườn Huế gần trăm năm tuổi đang bị xuống cắp nghiêm trọng

Nhà vườn Huế, tiêu biểu nhất ở phường Kim Long (Thừa Thiên - Huế) đang sở hữu nhiều ngôi nhà vườn quý giá, trong đó có nhiều ngôi nhà hơn trăm năm tuổi được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trải qua thời gian, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chủ nhân của nhiều nhà vườn không có khả năng trùng tu, sửa chữa ngôi nhà.
Tháng 11/2009, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định về “Quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế”, song đã hơn một năm thực hiện, quy định này đang rơi vào bế tắc.

Mòn mỏi chờ tiền bảo vệ nhà vườn Huế
Ông Nguyễn Ngọc Trinh, chủ nhân của ngôi nhà vườn hơn trăm năm tuổi ở 46 Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế sau nhiều lần lên UBND phường, rồi đến TP Huế nộp hồ sơ xin hỗ trợ tiền để trùng tu, bảo vệ ngôi nhà vườn của mình đang bị xuống cấp bất thành.
Ông Trinh nói: “Nhà vườn của tôi đã bị xuống cấp, nghe bảo tỉnh hỗ trợ tiền để trùng tu, tui mừng lắm, nhưng rồi đã gần 4 tháng nộp hồ sơ xin hỗ trợ tiền mà chẳng thấy chi cả”.
Tương tự những chủ nhân của nhiều ngôi nhà vườn khác, như hộ ông Nguyễn Văn Trọng (28 Phú Mộng)… có gần trăm năm tuổi hoặc hơn trăm năm cũng đang trông ngóng khoản tiền xin hỗ trợ từ chương trình bảo vệ nhà vườn của tỉnh.
Nhà vườn Huế, tiêu biểu nhất ở phường Kim Long đang sở hữu nhiều ngôi nhà vườn quý giá, trong đó có nhiều ngôi nhà hơn trăm năm tuổi được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trải qua thời gian, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chủ nhân của nhiều nhà vườn không có khả năng trùng tu, sửa chữa ngôi nhà, trong khi đó giới săn lùng sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng để mua nhà vườn Huế đưa đi nơi khác. Điều này đã làm cho nhà vườn Huế đang “chảy máu”.
Theo UBND phường Kim Long, hơn 5 năm trở lại đây đã có hơn 100 ngôi nhà vườn ở phường này đã bị xóa sổ, bởi nạn thu mua nhà rường cổ và hư hỏng không có khả năng tu sửa.

Bao giờ thực hiện?
Nhằm cứu nguy những giá trị nhà vườn Huế đang dần mai một, năm 2006 UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định về phê duyệt Đề án bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn năm 2006 – 2010, theo đó tập trung hỗ trợ cho khoảng 150 nhà vườn nằm trong danh sách được phê duyệt.
Tháng 11/2009, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định về “Quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế”, cụ thể: Khi trùng tu, tôn tạo nhà được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu; được hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/nhà. Đối với những hộ gia đình muốn tạo lập vườn sẽ được trợ giúp tiền mua cây giống, nhưng không quá 5 triệu đồng/vườn… Tỉnh này còn thành lập “Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế” để chính sách trên thực hiện được thuận lợi hơn. UBND TP Huế đã triển khai kế hoạch thực hiện chính sách bảo vệ nhà vườn Huế, song đến nay, nhiều hộ có nhà vườn đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí để trùng tu bảo vệ nhà vườn vẫn bị im lặng từ cơ quan chức năng.
Ông Trần Thanh, Phó trưởng Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế cho biết: “Do một số bộ phận chức năng, như: Hội đồng đánh giá, thẩm định nhà vườn Huế; bộ phận quản lý Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế chưa thành lập nên chúng tôi không thể triển khai thực hiện chính sách bảo vệ nhà vườn Huế của tỉnh trong năm 2010”.
Điều đáng nói là chủ nhân của những ngôi nhà vườn nộp hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí lại rơi vào các nhà vườn nằm trong tuyến nhà vườn Phú Mộng, phường Kim Long. Trong khi đó, những ngôi nhà vườn ở nơi khác đang bị xuống cấp nhưng không thể làm hồ sơ xin hỗ trợ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đánh giá: Huế đang lưu giữ hàng trăm nhà vườn, trong đó có hơn 50 ngôi nhà được xem là di sản có một không hai của nhân loại. Kiến trúc nhà vườn phản ánh cho văn minh văn hoá cố đô Huế thế kỷ thứ XIX. Nếu không sớm lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận và hỗ trợ trùng tu, tôn tạo thì kiến trúc độc đáo này có thể bị mất trắng trước sự săn mua nhà cổ đang diễn ra nhộn nhịp.
“Nhà vườn Huế là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế, có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình đô thị hóa của Huế. Bởi vậy, gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo nhà vườn Huế là một trong những nội dung quan trọng của việc gìn giữ di sản văn hóa Huế, đây là trách nhiệm, nghĩa vụ không chỉ của chủ nhân các nhà vườn Huế mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và chính quyền các cấp” - Nghị Quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

ĐÔNG HƯNG (CAND ONLINE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét