Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KÌ 69)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

691 - Trần Thị Lệ Hà
34 NĂM GIỮ HỒ SƠ QUÂN VỤ CỦA CHỒNG TỬ SĨ
Thường dân Việt kiều Mỹ sinh 1950 tại Cần Thơ. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 làm công chức ở Sài Gòn, chồng trung úy nhảy dù, mới có con 7 tháng tuổi.
Đêm 29.4.1975 chồng ứng trực tại Bộ Chỉ huy nhảy dù trong trại Hoàng Hoa Thám ở Sài Gòn không may bị địch pháo kích chết ngay trước ngày kết thúc chiến tranh.
Còn lại một mình ôm con thu xếp thuê xe đưa quan tài chồng về quê chồng Rạch Giá làm đám ma tròn bổn phận. Sau đó tránh để bị chính quyền cộng sản mới soi mói nên về quê ngoại Cần Thơ buôn bán lặt vặt sống qua ngày.
Đến năm 1979 cùng mẹ mang con vượt biên. Tàu đến Malaysia không được vào phải tiếp tục lênh đênh qua Indonesia, sau đó một thời gian mới được nhập cư vào Mỹ.
Lấy chồng khác sinh được thêm 2 con, chồng mới gặp trên cùng chuyến tàu vượt biên có sự trùng hợp là cũng quê Rạch Giá và xuất thân từ trường Võ bị Đà Lạt như người chồng quá cố.
Dù đã làm lại cuộc đời ổn định hạnh phúc song qua hàng chục năm cho đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn “hồ sơ quân vụ” của chồng cũ gồm thẻ quân nhân, thẻ bài, chứng chỉ tại ngũ, bằng nhảy dù, thẻ căn cước, tờ khai gia đình trong trại gia binh, thậm chí cả… giấy nghỉ phép của chồng! Là những kỷ vật quý báu vẫn đặt lên bàn thờ khấn vái lễ kỵ giỗ hàng năm.
Một số kỷ vật đó đã được đưa vào Bảo tàng Thuyền nhân VN ở Mỹ mở cửa năm 2009.

692 - Trần Thị Miêng
HƠN 70 TUỔI TÓC ĐEN LẠI
Nông dân sinh 1930 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2004).
Có 2 con trai đi bộ đội vào chiến trường miền Nam.
Sau chiến tranh chỉ một con là thương binh trở về, còn con trai út mất tích trên đường Trường Sơn. Suốt 27 năm trời không tin tức không dấu tích nào giúp tìm con khiến mẹ bạc nhanh mái đầu.
May mắn tình cờ đến năm 2001 một lá thư từ khách đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) gửi về ghi lại danh sách mộ liệt sĩ Thanh Hóa tại đây trong đó có tên con. Mẹ mừng quá tới mức sau một đêm tóc mẹ như…. đen lại!

Dù vậy mãi đến 3 năm sau mẹ mới dành dụm được chút tiền để vào nghĩa trang thăm mộ con.

693 - Trần Thị Thanh Lịch
MỘT NĂM NẰM VIỆN 11 THÁNG
Cựu chiến binh sinh 1949 tại Bình Định. Sống ở Bình Định (2010).
Vào du kích tham gia đánh Mỹ, chống chế độ Ngụy, mấy lần bị địch bắt giam và được tổ chức cho vượt ngục. Có lần bị giam cầm năm 1969 bị tra tấn hành hạ dữ dằn nhất, 3 lần bị cưa cụt chân tới khớp gối.
Sau 75 xuấùt ngũ thương binh nặng, lấy chồng cũng cựu bộ đội.
Nhưng vết thương chiến tranh trên thân thể không bao giờ lành với đủ thứ bệnh động kinh, ngộp thở, suy mạch vành, suy tim, huyết áp cao… Mỗi lần động kinh bất thần kéo dài đến 5 phút mà nếu không quen tưởng như sắp chết đến nơi.
Trở thành khách quen của bệnh viện, gần như suốt năm ra vào như đi chợ, cả Tết cũng ăn tết trong bệnh viện, khi nào nhớ nhà trốn về thăm nhà giống như “đi phép” vậy!
May mà còn có người chồng già chung thủy hết lòng săn sóc, trở thành chuyên gia “chống động kinh” cho vợ mới giúp tránh được nguy hiểm tính mạng.

694 - Trần Thị Vũ
ĐIÊN BỊ MẸ NHỐT 20 NĂM
Cựu thanh niên xung phong sinh tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2010).
Thời trẻ tham gia thanh niên xung phong bị thương rồi mắc bệnh nặng nên được cho trở về quê.
Sau chiến tranh, vết thương ở đầu biến chứng phát điên suốt ngày đêm cứ lảm nhảm kêu “Có bom”, “Bà con chạy đi” rồi giả tiếng súng nổ “pằng phằng, chíu chíu”!
Trong thời kỳ hậu chiến mới bắt đầu quá nhiều khó khăn, thiếu thốn nên địa phương, bệnh viện không có phương tiện, điều kiện chữa trị đều bó tay không cứu chữa gì được.
Bà mẹ già còn lại một mình nuôi con không còn cách nào khác phải nhốt con gái vào một cái buồng kín, ăn uống lẫn đi vệ sinh tại chỗ. Thậm chí sợ con phá phách trốn ra ngoài nên phải làm thêm hàng rào cắm mảnh ve chai và chêm các bụi tre gai ngăn lại!
Kéo dài 20 năm như thế mãi đến năm 2008 có tờ báo phát hiện đăng bài, lúc đó tỉnh mới ra lệnh bệnh viện đến đưa vào viện tâm thần chăm sóc nuôi nấng.

695 - Trần Thiện Hiệp
CUỐI ĐỜI VỀ NƯỚC LÀM THƠ
Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1940 tại Quảng Bình. Sống ở VN (2010).
Sĩ quan hải quân VNCH 15 năm, đóng quân tại Biên Hòa.
Tháng 4.1975 chỉ huy tàu di tản có mặt nhiều tướng tá chế độ cũ cùng gia đình, riêng mình lại bị thất lạc vợ con. Tàu trôi giạt nhiều ngày trên biển, sau mới được chiến hạm VNCH vớt đưa đến Mỹ. Một thời gian dài sau đó mới được đoàn tụ với vợ và 5 con.
Trên xứ người chuyên tâm vào làm ngành nghề xã hội nuôi con, không quan tâm gì nữa đến chuyện thời cuộc chính trị. Thay vào đó lại bắt đầu tìm đến làm quen với thơ, làm khá nhiều như để cởi mở tấc lòng, trút niềm tâm sự tha hương. Năm 1987 xuất bản tập thơ đầu tiên ở Mỹ, tập tiếp theo in tại Canada…
Đến khi con cái trưởng thành ra đời làm việc có cuộc sống ổn định rồi mới quyết định hồi hương ở luôn từ năm 2000.
Từ đó tiếp tục làm thơ dài dài liên tiếp cho ra mắt nhiều tập in trong nước. Song song đó còn kết hợp đi thăm thú các miền đất nước và làm từ thiện đến các miền làng quê xa xôi từ trong Nam ra tới ngoài Bắc.
Càng về sau thơ càng mang phong vị tình cảm nhẹ nhàng phóng khoáng đượm đôi chút chất vị thiền của người đạt đạo thấu tình:
“Mõ chông vẳng tiếng vô thường
Hồng trần nghiệt ngã mà thương mãi đời.
Thơ gieo chén ấm rượu mời
Trăng còn đó cuộc chơi chia người…”

(Nhịp phách phù vân, 2002).

696 - Trần Tiễn Khanh
“TIẾN SĨ BÃO LỤT”
Nhà khoa học Việt kiều Mỹ sinh tại Huế. Sống ở Mỹ (2011).
Học trung học toàn trường Pháp lần lượt ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, đến năm 1970 được học bổng du học Mỹ.
Năm 1978 tốt nghiệp tiến sĩ khí tượng và môi trường, ra trường thành lập công ty chuyên ngành này. Năm 1982 là ngườøi đầu tiên có sáng kiến đưa mô hình dự báo thời tiết lên máy vi tính quảng bá rộng rãi.
Ở nước ngoài nhưng lòng luôn đau đáu nhớ về quê hương miền Trung luôn gặp nạn bão lụt nên từ năm 2001 tận dụng chuyên môn của mình – cùng sự hợp lực của vợcũng là đồng hương Huế từng dạy trường Hàm Nghi – đã lập nên trang web www.baolut.com tập hợp các thông tin thời tiết quốc tế từ nhiều nguồn giá trị để từ đó đưa ra dự báo thời thiết cho đủ 63 tỉnh thành VN mỗi ngày 4 lần cập nhật theo tình hình thay đổi liên tục.
Kèm theo đó viết nhiều bài liên quan chủ đề bão lụt VN trong đó có nhấn mạnh đếùn vấn đề Trung Quốc làm thủy điện gây tác động lên dòng Mekong gây hậu quả xấu cho vùng hạ lưu sông ảnh hưởng đến các nước Đông Dương.
Cung cấp các thông tin trên tất cả đều miễn phí vì xem đây là nhiệm vụ “góp phần bảo vệ sự an toàn cho đồng bào ở quê nhà”.
Song song đó đã vận động bạn bè góp tiền gửi về nước giúp đỡ nạn nhân bão lụt, tổ chức các nhóm bác sĩ thiện nguyện cùng vợ chồng mình trở về tham gia các đợt cứu trợ miền Trung. Còn ấp ủ một số dự án trang bị điện thoại vệ tinh giá rẻ cho dân làm nghề đánh cá đi biển xa, xây dựng mẫu nhà có kết cấu chống bão lụt…
Không chỉ thế, năm 2006 còn công bố phần mềm vi tính có khả năng dịch thuật Hán – Việt cực nhanh – nhanh nhất thế giới – có thể phiên âm và chuyển dịch được hơn 70 triệu từ của 2.372 bộ kinh Phật chỉ trong vòng… 28 tiếng đồng hồ!

697 - Trần Văn Bá
THÙ NHÀ NỢ NƯỚC
Giảng viên đại học Việt kiều Pháp sinh 1945 tại Sa Đéc – Mất 1985 ở TPHCM (41 tuổi).
Thân phụ là Trần Văn Văn nhà hoạt động chính trị Nam bộ kỳ cựu từng tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật rồi chính phủ Nam kỳ thân Pháp sau đó, sau 1954 làm dân biểu ở miền Nam chủ trương chống Cộng. Vì thế bị cộng sản ám sát chết năm 1966 tại Sài Gòn.
Bởi vậy người con năm 1967 đi du học Pháp với chí hướng tiếp tục con đường tranh đấu của cha. Năm 1971 ra trường làm trợ giảng ĐH Nantes đồng thời tham gia hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên trí thức VN ở Pháp theo đường hướng chống Cộng. Từ năm 1973-1980 làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên VN ở Pháp, bộ phận theo khuynh hướng này.
Không chỉ dừng ở đó, từ 1980 bắt đầu dấn thân vào hành động chống Cộng theo con đường bạo lực nhắm tổ chức đưa quân và vũ khí xâm nhập VN chống phá chính qiuyền cộng sản. Hợp tác với nhóm Việt kiều Pháp của Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy hai lần đưa lực lượng và trang bị vào VN từ đường biển theo ngõ Hà Tiên và Cà Mau với ý đồ kết hợp với nhóm giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài chống đối chế độ gây bạo loạn. Nhưng âm mưu bị dập tắt từ trứng nước, bị chính quyền cộng sản bao vây bắt trọn.
Bị bắt cùng Mai Văn Hạnh cuối năm 1984 ở Cà Mau, ra tòa 1985 lãnh án tử hình. Không chấp nhận ký biên bản tòa nhận tội “phản quốc” và cũng từ chối làm đơn xin ân xá nên bị thi hành án cùng năm (riêng Mai Văn Hạnh làm đơn xin ân xá nên được giảm án rồi nhờ mang quốc tịch Pháp nên sau được chính phủ Pháp can thiệp trả tự do sớm trục xuất qua Pháp).
Bản thân được cộng đồng hải ngoại xem như một tấm gương chiến sĩ trí thức tranh đấu cho quyền tự do dân chủ, được một tổ chức nhân quyền Mỹ truy tặng Huân chương Tự do Truman – Reagan năm 2007, được dựng bia tưởng niệm tại Bỉ, được đặt tên cho một con đường nhỏ ở bang Virginia – Mỹ.

698 - Trần Văn Ca
GIÚP THƯƠNG PHẾ BINH VNCH SỐNG CÒN
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1952 tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2011).
Trước 1975 làm thông dịch viên cho đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ, vợ làm y tá.
Đến biến cố 30.4.75 cùng vợ chạy di tản theo tàu qua Mỹ, để lại một con trai mới 2 tuổi gửi nhờ bà chị nuôi giùm.
Trên đất Mỹ, chồng đi làm việc quét dọn trung tâm thương mại về đêm (2 USD/giờ, ăn ngủ tại chỗ) rồi “tiến lên” làm bồi cho nhà hàng ăn Mexico, vợ hành nghề giữ trẻ tại gia. Dần dà nhờ có chí làm ăn vươn lên đã tự học nghề nhà hàng rồi dành dụm tiền bạc đến năm 1981 mua lại nhà hàng mình làm chủ khai thác bán món ăn VN. Sau đó phát triển mua thêm 4 nhà hàng khác nữa kinh doanh đắt khách.
Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người tuy lòng vẫn nhớ quê – trong đó còn đứa con bé bỏng ngày nào - song khi ra đi đã thề “còn cộng sản, không về!” nên quyết ngoảnh mặt quay lưng. Tuy nhiên năm 1990 được tin cha bệnh nặng nên đành phải quay về, lần đầu tiên gặp lại đứa con trai nay đã trưởng thành.
Nhưng cũng từ chuyến đi này mới có dịp trực tiếp đối diện với một thực tế xã hội đau lòng là thảm cảnh người tàn tật, khuyết tập vì hậu quả chiến tranh trên đất nước quá nhiều (khoảng hơn 7 triệu người) quá khổ quá thiếu thốn đủ thứ. Từ đó động lòng trắc ẩn thấy mình cần phải làm một cái gì đó để chung tay giúp đỡ đồng bào.
Thế là quay về Mỹ lo thủ tục bảo lãnh con qua đồng thời bắt tay vào việc thành lập Hội Bạn người tàn tật năm 1991 với mục tiêu cung cấp trang thiết bị, phương tiện sinh hoạt cho người tàn tật – khuyết tật như các loại xe lăn, chân tay giả… Đặc biệt đối tượng được chú ý quan tâm là giới thương phế binh chế độ cũ lâu nay không được ai giúp đỡ (riêng giới thương binh chế độ mới đã có chính quyền hiện tại chăm sóc đủ rồi).
Ban đầu phải mua đồ ngoại đưa về nước, sau chuyển qua tự xây dựng cơ sở, xưởng sản xuất các loại phương tiện đó ngay trong nước qua nhiều điểm ở Hà Nội, TPHCM, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn… vừa đỡ tốn tiền vừa phù hợp kích cỡ với người VN hơn. Ngoài ra còn lập trung tâm dạy nghề cho họ. Đã tổ chức đưa 2 đại diện người tàn tật đi Mỹ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vận động hỗ trợ cho nạn nhân chiến tranh VN.
Năm 1993 còn lập thêm Hội Thiện nguyện y tế – giáo dục nhằm giúp đỡ VN.
Làm được những việc này không hề đơn giản vì phải tự vận động tài chính, phải bán bớt nhà hàng lấy tiền trang trải công việc chung chỉ giữ lại một điểm giao cho vợ phụ trách. Nhưng gay go, đau đầu nhất là đương đầu, đối phó với cả 2 phía -- về chính quyền VN thì nghi ngại “có ý đồ gì?” (có lần còn bị địa phương bắt giam 4 ngày tra vấn!), còn các thế lực chống Cộng hải ngoại thì lên án “phản bội”, “tiếp tay cộng sản”!
Chấp nhận “đi giữa 2 lằn đạn”, đáp lại sòng phẳng: “Tôi không quan tâm đến chính trị, tôi chỉ quan tâm đến đồng bào tôi. Họ cần được giúp đỡ… Không chỉ để hàn gắn vết thương trên cơ thể mà còn giúp họ phục hồi niềm hy vọng sống…”

699 - Trần Văn On
TỪ HÀNG BINH THÀNH ANH HÙNG
Nông dân sinh 1948 tại Tiền Giang. Sống ở Tiền Giang (2011).
Năm 1968 nhập ngũ ở Sài Gòn, được gửi đi Mỹ đào tạo phi công lái máy bay phản lực 18 tháng rồi về phần công ra đơn vị không quân chiến đấu ở Đà Nẵng.
Tháng 3.1975 Đà Nẵng giải phóng, mang lon trung úy đành chấp nhận đầu hàng.
Vào thời điểm này quân cộng sản có chiếm được 6 máy bay phản lực A37 của địch tháo chạy bỏ lại trong sân bay Đà Nẵng và Phan Rang nên muốn tận dụng bay vào không kích Sài Gòn. Nhưng lúc đó chỉ có một mình NguyễnThành Trung sĩ quan phi công VNCH nhưng là “Việt cộng nằm vùng” đã bỏ ra vùng giải phóng là biết điều khiển loại chiến đấu cơ này, phi công miền Bắc hoàn toàn không biết gì.

Sau khi được vận động, bản thân đã chấp nhận tham gia hợp sức cùng NT Trung sửa chữa máy bay hoàn chỉnh rồi bỏ công huấn luyện cho một số phi công miền Bắc được điều vào chuẩn bị cho chiến dịch đánh bom Sài Gòn. Tất cả lập thành “Phi đội Quyết thắng” gồm 5 phi công – 2 Nam kiêm thầy hướng dẫn và 3 Bắc mới huấn luyện cấp tốc – ngày 28.4 bay vào thả bom sân bay Tân Sơn Nhất, chính mình được bố trí bay vị trí quan trọng thứ hai là chót đội bay (NT Trung bay dẫn đầu, vị trí quan trọng nhất). Kết quả chiến dịch thành công trở về an toàn, gây tiếng vang lớn tạo áp lực thêm căng thẳng lên tâm lý chính quyền và quân đội VNCH đưa đến tan rã sau này.
Sau 1975 còn tiếp tục được “trưng dụng” đi đánh Khmer Đỏ trên chiến trường biên giới Tây Nam. Một thời gian sau xin ra quân, dắt vợ con về quê An Giang làm ruộng.
Trở thành nông dân lam lủ nuôi 6 con đời sống rất khó khăn. Vợ phải nghỉ dạy về phụ chồng lo việc đồng áng. Làm ruộng không đủ ăn nên xoay qua nuôi gà thì không may gặp mấy đợt dịch cúm phá sản trắng tay. Sau chuyển qua nuôi heo đỡ hơn chút đỉnh.
Sau chiến công sân bay Tân Sơn Nhất đã được trao tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất nhưng không được hưởng chế độ gì bởi trong quy định thủ tục làm hồ sơ cựu chiến binh không hề có khoản nào đề cập đến trường hợp “anh hùng chiêu hồi”, “anh hùng ngắn ngủi” ngàn năm có một này!

700 - Trần Văn Trà
TƯ LỆNH QUÂN GIẢI PHÓNG THẤT SỦNG
Thượng tướng QĐNDVN tên thật Nguyễn Chấn sinh 1918 tại Quảng Ngãi – Mất 1996 ở Singapore (79 tuổi).
Nguyên Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam, sau 30.4.75 là Chủ tịch UB Quân quản TPHCM trong 7 tháng.
Sau khi thống nhất 2 miền và giải tán Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ 1978-1982.
Tuy nhiên sự kiện thống nhất 2 miền kể trên có lẽ không ít thì nhiều đã không được sự đồng thuận nhất trí cao của một số nhân vật thành viên chính phủ và Mặt trận Giải phóng miền Nam -- trong đó có thể có vị nguyên tư lệnh -- đối với chủ trương của cấp Trung ương miền Bắc,
Có thể vì vậy năm 1982 nổ ra scandal cho in bộ hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” gồm 5 tập trong đó có nêu một số luận điểm trái ngược với quan điểm chính thống lâu nay của Trung ương ở miền Bắc như ai là chủ soái thực sự chiến thắng 30.4 (tướng Võ Nguyên Giáp chứ không phải tướng Văn Tiến Dũng), sai lầm của Bộ Chính trị trong cuộc tổng công kích nổi dậy Mậu Thân 1968…
Lập tức bộ sách bị thu hồi và cấm in tiếp. Riêng bản thân tác giả xem như “hạ tầng công tác” cho về hưu non.
Năm 1986 tham gia thành lập CLB Những người kháng chiến cũ ở TPHCM – cùng Nguyễn Hộ – có xu hướng đấu tranh yêu cầu Đảng thực thi mở rộng tự do dân chủ. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì bị chính quyền trấn áp, giải tán CLB, bắt giam Nguyễn Hộ.
Năm 1992 nhận chức “danh dự” Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN ngồi chơi xơi nước đến ngày mắc bệnh đưa qua Singapore chữa tưởng đã đỡ không ngờ đi thang máy xuống lầu bệnh viện chuẩn bị về nước thì bị sốc tim không cứu kịp.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét