Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KÌ 64)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

641 - Trần Văn Dược
“VUA RẮN” CỨU NGƯỜI
Quân y sĩ bộ đội sinh 1929 tại Long An – Mất 1988 ở Long An (60 tuổi).
Vốn có nghề gia truyền chữa trị người bị rắn cắn bằng cây thuốc Nam ở vùng Đồng Tháp Mười nên những năm tháng đánh Mỹ càng giúp ông làm giàu thêm kinh nghiệm tay không bắt rắn, tay không lấy nọc rắn để chế tác thuốc chữa bệnh rắn cắn cứu người.

Vì vậy sau 75 đứng ra nhận cải tạo trại lính chế độ cũ thành Trại rắn Đồng Tâm ở Long An nổi tiếng về quy mô nuôi rắn lấy nọc chữa bệnh rắn cắn cho hàng chục ngàn bệnh nhân tứ xứ được tặng cho biệt danh “Thầy Tư Dược”.

Nổi tiếng tới mức có nhiều huyền thoại thêu dệt quanh cuộc đời ông như đúng trưa ngày 30.4.75 cha ông còn gắng gượng chờ gặp ông sau 21 năm xa cách rồi mới nhắm mắt qua đời. Và đến khi ông mất do bệnh nhồi máu cơ tim lại đúng vào năm tuổi Kỷ Tỵ trùng chẵn 60 năm sinh cũng Kỷ Tỵ đều cầm tinh… con rắn, từ đó dân gian đã đồn đại truyền miệng rằng ông sinh nghề tử nghiệp… bị rắn chúa cắn chết!

642 - Trần Văn Hương
VỊ TỔNG THỐNG “Ở LẠI”
Nguyên tổng thống chế độ cũ sinh 1902 tại Vĩnh Long – Mất 1982 ở TPHCM (81 tuổi).
Nguyên là Phó Tổng thống kế nhiệm Nguyễn Văn Thiệu từ chức trong thời gian một tuần lễ trước khi chuyển quyền lại cho Dương Văn Minh ngày 28.4.1975 để vị tổng thống cuối cùng này của chế độ Sài Gòn sau đó quyết định ra lệnh cho quân đội Sài Gòn “hạ vũ khí” đầu hàng cộng sản ngày 30.4.

Khác với ông NV Thiệu lặng lẽ bỏ trốn qua Đài Loan (rồi đến Anh, sau cùng cuối đời ở Mỹ) dù trước đó khi tuyên bố từ chức đã thề rằng sẽ tiếp tục ở lại “chiến đấu phục vụ đất nước” (còn hàm trung tướng bộ binh) hoặc ông DV Minh phải ở lại để làm công việc “bàn giao” với lực lượng cộng sản, ông Trần Văn Hương lúc đó đã 71 tuổi không còn nhiệm vụ gì có thể dễ dàng theo chân người tiền nhiệm để nhanh chân lánh ra nước ngoài. Cả Đại sứ Mỹ lẫn Đại sứ Pháp ở Sài Gòn lúc đó vào ngày 29.4 đều đã đích thân đến gặp ông để mời lên máy bay qua nước nào tùy thích nhưng ông đều cám ơn và… từ chối. Lý do là tuy “biết tình trạng rất nguy hiểm” nhưng ông “đã suy nghĩ và quyết định ở lại với nước tôi… Tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với dân chúng miền Nam…” Quyết định đó hẳn đã làm Đại sứ Mỹ Martin ngạc nhiên tới mức khi từ giã đã quên cả… bắt tay ông cựu tổng thống!

Cả đến sáng 30.4 Đại sứ Martin một lần nữa còn điện thoại đến báo đã dành riêng cho ông TV Hương một máy bay trực thăng sẵn sàng di tản song ông vẫn một mực lắc đầu. Khoảng vài năm sau khi người con trai út vượt biên ra nước ngoài nhắn về đã tổ chức chuẩn bị cho ông vượt biên, ông đã đem chuyện cũ Đại sứ Martin ra kể thay cho câu trả lời với con.

Giữ đúng lời hứa, ông đã ở lại với quê hương một cách nghiêm túc, chấp nhận mỗi ngày đạp xe đạp từ nhà riêng ở trong hẻm đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) đến dinh Thống Nhất tham gia lớp “học tập cấp cao”, sau đó được về nhà tiếp tục cuộc sống bình thường (được cấp phiếu E mua hàng mậu dịch).

Đến năm 1977 được trao trả quyền công dân và nhân dịp này ông đã viết một lá thư đề đạt nguyện vọng lên cấp lãnh đạo chính quyền mới đề nghị cứu xét cho những người đi học tập cải tạo được sớm trở về vì “họ chỉ thừa hành lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả”, mong họ được tha về “để sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước.”

Vốn xuất thân là nhà giáo thấm nhuần lễ nghĩa đạo Nho cổ điển, ông TV Hương từng từ quê Vĩnh Long ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm thời Pháp thuộc, có quen biết một số bạn học sau này là những nhân sĩ, nhà văn hóa văn nghệ nổi tiếng đi theo cộng sản như Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông. Từ đó qua 2 lần làm thủ tuớng, ông được dân miền Nam biết tiếng qua một số giai thoại kiểu “trà dư tửu hậu” thể hiện đạo đức khí tiết nhà giáo mẫu mực.

Như ông thường thích làm thơ Đường trong đó có một câu được nhiều người tâm đắc do ông sáng tác trong thời gian bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam 3 tháng vì tội chống đối chính quyền ủng hộ nhóm đảo chính Nguyễn Chánh Thi, đó là câu “Ngồi buồn gãi háng, giái lăn tăn…” (được in đàng hoàng trong tập thơ “Lao trung lãnh vận” nghĩa là “Những vần thơ lạnh lẽo trong nhà tù”). Đến thời làm thủ tướng cho NV Thiệu (trước khi làm Phó Tổng thống), ông chủ trương chống tham nhũng ban đầu tuyên bố quyết liệt “Đánh rắn phải đập đầu rắn” nhưng càng về sau càng… đuối đành chịu bất lực với thêm một câu tuyên bố để đời nữa là “Diệt hết tham nhũng thì lấy ai… làm việc”!

Trong những ngày cuối đời, ông còn không ngờ có được một niềm hạnh phúc an ủi không ai tin nổi là gặp lại người con trai đầu vốn là một… cựu đại úy bộ đội công binh chiến trường Điện Biên Phủ và nay là kỹ sư đảng viên trở về từ Hà Nội!

Người con tên thật là Trần Văn Dõi vào bộ đội đánh Pháp từ năm 1945 tại Tây Ninh chính là nơi thời đó ông TV Hương đang giữ chức đốc học tỉnh rồi được đưa lên làm Chủ tịch UB Hành chính kháng chiến Tây Ninh khi bắt đầu nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp (nhưng sau đó từ nhiệm bỏ về quê do thấy tình hình lộn xộn quá không quản nổi). Sau đó được đưa ra Bắc cho đi học sĩ quan, vào Đảng rồi tham gia trận Điện Biên Phủ, khi hòa bình lập lại xuất ngũ đi học Đại học Bách khoa tốt nghiệp ra làm ở ngành công nghiệp. Nhưng ít ai biết anh chính là con đầu lòng của ông TV Hương do đã đổi tên lấy họ mẹ là Lưu Vĩnh Châu. Riêng ông TV Hương ở miền Nam thì cứ đinh ninh anh đã chết rồi.

Đến năm 1978 hai cha con mới chính thức gặp mặt và anh con trai đầu này đã đưa vợ con về ở chung nhà để phụng dưỡng cha già lâu nay sống trong cảnh đơn côi (bà vợ đã mất năm 1974).

Ở lại với quê hương, ngoài niềm vui tuổi già sum họp với con cháu đã xa cách 30 năm trời tưởng không còn nữa, ông TV Hương còn niềm an ủi là lúc qua đời vào đúng dịp Tết Nhâm Tuất 1982 thọ 81 tuổi được hỏa táng theo nguyện vọng. Còn được nhiều bà con học trò bạn bè thân hữu cố cựu từ cả hai phía Nam – Bắc đưa tiễn mà người chủ lễ chính là bạn cũ cố GS Nguyễn Văn Chì lúc đó là Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TPHCM.

643 - Trần Văn Quy
“NGƯỜI CHA ANH HÙNG”
Thường dân sinh 1892 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2001)
Người con duy nhất là du kích đã hy sinh, vợ được phong Bà mẹ VN Anh hùng sau khi qua đời nên chính mình phải đứng ra nhận bằng truy tặng.
Chỉ còn lại một mình vẫn sống mạnh mẽ, 80 tuổi còn đi gánh đất đắp cả nền nhà, hơn 90 tuổi có thể đi bộ 10 – 20km không cần chống gậy, hơn 100 tuổi còn ngồi đan lá dừa nước lợp nhà...
Cuối đời vào sống trong khu nuôi dưỡng người già neo đơn của tỉnh được mọi người tự phong cho là “Người cha Anh hùng”. Tính đến năm 2001 đã 109 tuổi.
644 - Trần Văn Sửu
NHÀ HÀNG NAM BỘ 5 SAO Ở LONDON
Doanh nhân sinh tại Nam bộ. Sống ở Anh (2011).
Cùng vợ vượt biên đến Anh năm 1980.
Hai vợ chồng trải qua nghề làm bếp – từ rửa chén lên phụ bếp đến đầu bếp - 28 năm ở nhiều nhà hàng Châu Á – Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản… - tại thủ đô London.
Năm 2008 hai vợ chồng dành dụm được vốn liếng quyết tâm ra lập nhà hàng riêng chỉ chuyên bán món ăn Nam bộ đặt tên là nhà hàng Miền Tây. Nơi đây có thực đơn 185 món ăn Nam bộ đặc sắc như cá kho tộ, vịt nấu chao, rau muống xào tỏi, canh chua cá lóc, bánh xèo, bún cá…. Cả nước giải khác cũng kiểu Nam rặt như nước rau má, nước mía, trà đá… Là nhà hàng hải ngoại có nhiều món ăn đặc sản Nam bộ nhất. Nguyên liệu chế biến thức ăn đều đặt hàng chỉ 2 ngày sau từ VN máy bay chở qua. Tất cả đều giữ nguyên hương vị, màu sắc Nam bộ 100% chứ không “lai” món ăn Tàu hay Thái như một số nhà hàng Việt hải ngoại khác. Nhân viên phục vụ cũng như làm bếp đều người Việt nhập cư.
kết quả thành công trên cả mong đợi với 95% khách đều nước ngoài, được báo chí Anh cho điểm đạt mức nhà hàng 5 sao.
Từ đó đã khuếch trương thêm một nhà hàng Miền Tây 2. Và dự định giữa năm 2011 thêm một Miền Tây 3 – đều ở London – mà lợi nhuận nơi đây sẽ được dùng vào công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo, tất nhiên ưu tiên cho đồng bào mình ở quê nhà.

645 - Trần Văn Tảo
NGƯỜI QUẢN TRANG NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI CHẾ ĐỘ CŨ
Thường dân – Mất 2006 ở TPHCM.
Chỉ là một hạ sĩ quan chế độ cũ nhưng đầu những năm 80 đã tình nguyện tự đứng ra tổ chức một nhóm bạn bè lo cáng đáng công việc chăm lo tảo mộ ở Nghĩa trang Quân đội chế độ cũ ở Biên Hòa suốt một thời gian dài. Dù nghĩa trang này được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của đơn vị bộ đội trực thuộc Bộ Quốc phòng chế độ mới.
Còn chụp hình, quay video hình ảnh mộ qua Mỹ cho gia đình thân nhân tử sĩ. Và còn gửi cả tấm bia lớn Chiến sĩ vô danh qua Mỹ (theo đường bộ) lưu giữ.
Tình nguyện làm việc không công như một hội trưởng Hội Thương phế binh VNCH đầu tiên ở trong nước sau 75. Làm vì tâm nguyện “Bây giờ các tướng lãnh, sĩ quan, H.O, học tập cải tạo, con lai, làm sở Mỹ, O.D.P, thuyền nhân ai cũng đi Mỹ hết, chỉ còn lại là các cô nhi quả phụ, các thương phế binh và tử sĩ ở lại có ai lo…”
Đến năm 2009 nghĩa trang trên mới được lệnh bàn giao từ quân đội qua cho tỉnh Bình Dương quản lý, trở thành một nghĩa trang dân sự bình thường cho tất cả mọi người được tự do vào thăm viếng, chăm sóc, tu bổ không phân biệt gì nữa.

646 - Trần Văn Ty
NỐI NHỊP CẦU VIỆT - HÀN
Doanh nhân sinh 1972 tại Khánh Hòa. Sống ở TPHCM (2011).
Năm 1967 mẹ sống chung với một hạ sĩ quan Hàn Quốc trong sư đoàn Bạch Mã đóng quân ở Khánh Hòa, lần lượt sinh được 3 con gồm 2 gái
và một trai đặt tên Trần Văn Tiến lấy theo họ mẹ.
Năm 1973 Hàn Quốc rút quân, người chồng Hàn Quốc cũng về nước để lại một mình mẹ nuôi 3 con.
Sau 75 người mẹ sợ bị liên lụy lấy chồng “Hàn Quốc xâm lược” nên đốt hết giấy tờ liên quan đến người chồng (thay vào đó khai là chồng
chết), đổi tên con Trần Văn Tiến thành Trần Văn Ty rồi đưa các con ra Phú Yên sinh sống để tránh bị nhòm ngó dị nghị.
Lớn lên nuôi hy vọng đi tìm cha theo diện con lai Hàn Quốc nhưng năm 1991 không qua được thủ tục phỏng vấn do không còn hồ sơ giấy tờ
nào để chứng minh cha Hàn Quốc.
Vẫn không mất hy vọng nên vào Sài Gòn đạp xích lô sống qua ngày rồi chuyển qua làm nghề phụ hồ, lượm ve chai. Song song đó tìm cách
liên hệ với các tổ chức từ thiện Hàn Quốc để nhờ trợ giúp học tiếng Hàn, học vi tính, ngoại ngữ. Nhờ đó làm quen được với giới người Hàn Quốc đến làm ăn ở VN để hỏi thăm, truy tìm tông tích người cha song đều không kết quả mà sau này mới biết lý do là vì cả mẹ cũng nhớ… nhầm tên cha viết
không đúng!
Đến năm 1993ù được một doanh nhân Hàn Quốc nhận làm con nuôi chu cấp cho đi học đại học. Năm 1997 tốt nghiệp ĐH Khoa học xã
hội & Nhân văn TPHCM được ông chủ này nhận vào làm công ty.
Năm 2000 khi đã “đủ lông đủ cánh” mới quyết định xin nghỉ việc để một mình bay qua Seoul kiếm việc làm vừa để thuận tiện tiếp tục hành
trình tìm cha. Và may mắn đến năm 2001 thì tìm được cha, một cổ đông trong công ty mình đang làm việc.
Nhưng cuộc gặp gỡ diễn ra trong bao nỗi oái oăm đoạn trường bởi người cha nay đã có vợ con Hàn Quốc khác rồi, lại bệnh tật già yếu do bị
nhiễm CĐDC thời chiến tranh VN nên không thể bảo bọc, hứa hẹn gì với vợ con VN, chỉ biết cúi đầu chảy nước mắt ngậm ngùi nhận lỗi với con trai.
Người con trai cũng không biết làm gì hơn đành quay về quê hương hai bàn tay trắng với niềm an ủi dù sao bây giờ cũng đã một lần được biết mặt
cha.
Nhưng từ đó trong thâm tâm nảy ra một ước vọng là làm sao giúp những người đồng cảnh ngộ như mình tìm được thân nhân Hàn Quốc. Cho
nên về lại VN liền lập một công ty du lịch ở TPHCM chú trọng tập trung vào đối tượng giới du khách Hàn Quốc để bắt liên lạc, đặt mối liên hệ trao
đổi thông tin, giúp đỡ…
Qua đó đã lập được danh sách khoảng 500 trường hợp gia đình Việt – Hàn thất tán, mất liên lạc sau chiến tranh trong đó đã giúp được hơn
40 trường hợp gặp lại nhau. Ngoài ra còn vận động các mạnh thường quân Hàn Quốc cấp học bổng cho con cháu thế hệ con lai Hàn Quốc.
Không chỉ thế, còn viết tập truyện ngắn “Những mảnh đời luân lạc” và tập thơ “Những đứa con lạc loài” (có thể làm thơ bằng cả tiếng Hàn,
bút danh Trần Đại Nhật) giãi bày tâm sự muốn nói lên tiếng nói bảo vệ cho một thế hệ con lai Hàn Quốc “Chúng tôi là con người chứ không phải là
phế liệu chi?n tranh mà người ta dùng xong thì vứt bỏ đi”.

647 - Trần Vũ Mai
CUỘC TÌNH GIỮA HAI CHẾ ĐỘ
Nhà thơ tên thật Vũ Xuân Mai sinh khoảng 1945 tại Thanh Hóa – Mất 1991 ở Hà Nội (47 tuổi).
Tốt nghiệp đại học làm nhà xuất bản ở Hà Nội, năm 1971 tình nguyện đi bộ đội vào Nam chiến đấu ở vùng Khánh Hòa – Phú Yên.
Sau 75 ở lại làm việc tại Hội Văn nghệ Phú Khánh cũ. Là một trong những người mở đầu phong trào làm thơ trường ca thời này.
Trong một chuyến vào TPHCM tình cờ gặp trên xe bus và yêu một cô gái Sài Gòn nhưng không được gia đình cô (gốc Bắc di cư 54) chấp nhận. Vậy nhưng cô vẫn từ bỏ tất cả ra đi theo người tình về Nha Trang rồi chuyển ra Hà Nội.
Tuy nhiên sau đó hạnh phúc đôi lứa không được suông sẻ có lẽ do thời này còn quá nhiều định kiến phân biệt giữa hai hai chế độ đã có quá nhiều món nợ ân oán trong quá khứ. Có lẽ vì thế người chồng rơi vào mặc cảm chán đời xa lánh bạn bè chỉ suốt ngày uống rượu. Trở thành người nát rượu khi mới hơn 40 tuổi tuy vốn không phải là dân nghiện rượu, chỉ mới vài chén đã say:
“ Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ
Hỡi anh chàng ra vẻ phớt buồn đau
Biết tìm giữa mắt ai màu tri kỷ
Ta lại buồn như thể sắp vào say…”
Tất cả đưa đến một cái chết bi thương: Trên đường về nhà say rượu thấy đầm sen tưởng là đất bằng cứ thản nhiên bước xuống, chết chìm hai ngày sau người dân chung quanh mới phát hiện. Đám tang còn thê thảm hơn do một em bé kéo xe tang và khách đưa phụ đẩy qua những bờ ruộng.
Chỉ còn niềm an ủi trong quan tài khi chôn xuống “thi thể đầu đặt hướng về phương Nam” – nơi để lại nhiều tác phẩm gắn bó với vùng đất Khu 5, Nha Trang, Cam Ranh - như để kỷ niệm một cuộc tình hiếm có trong buổi giao thời nhiều xung đột phức tạp những năm sau Giải phóng. Một cuộc tình độc đáo nhưng lại không gìn giữ được tới cùng bởi bao mối mâu thuẫn nội tại – và nội tâm - trước thực tế đối kháng đôi miền vẫn còn rất nghiệt ngã.

648 - Trần Xuân Giảng
CỰU BỘ ĐỘI CHỐNG AIDS
Thợ mỏ sinh tại Quảng Ninh. Sống ở Quảng Ninh (2005).
Bộ đội sau 75 xuất ngũ về quê làm thợ mỏ.
Đời sống tạm ổn định lấy vợ sinh con. Nhưng đến khi con khôn lớn thì gặp đại họa 2 con trai và 1 con rể nghiện ma túy dính bệnh AIDS thay nhau chết trong vòng 2 năm.
Khi phát hiện thảm họa đã cố ngăn cản con nhưng không chận đứng nổi. Đến khi con phát bệnh, với nghị lực và bản lĩnh người lính năm xưa đã kiên trì tự tìm tài liệu học về căn bệnh thế kỷ này để tự tay chăm sóc con không ngại lây nhiễm, theo đúng phương pháp tiến bộ qua sự hiểu biết thông cảm, an ủi động viên tránh để con mặc cảm.
Lo cho con yên nghỉ xong xuôi lại quay về tất bật lo nuôi nấng 3 cháu mồ côi…

649 - Trần Xuân Lộc
TÊN TRƯỜNG SƠN, TÊN CHẤT ĐỘC DA CAM
Thường dân sinh 1945 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2004).
Bộ đội vào Nam chiến đấu ở Quảng Trị năm 1966. Sau khi xuất ngũ năm 1974 lớn tuổi không học nghề được nên đành phải làm nghề bốc vác.
Lấy vợ muộn năm 1986 nên sinh con muộn đặt tên con trai duy nhất là Trường Sơn để kỷ niệm thời chiến tranh gian khổ. Ai ngờ cái tên đó gắn liền với căn bệnh CĐDC từ mình truyền qua con nay biến thành bệnh động kinh đã hơn 20 tuổi mà đêm nào cũng thức giấc mê muội co giật cứng người nếu không biết cách cứu chữa kịp thời sẽ biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Vì thế dù đã gần 60 tuổi suốt đêm phải nằm bên cạnh canh chừng để thức dậy theo mà lo cho con.

650 - Trí Hải
CHẾT TRÊN ĐƯỜNG ĐI LÀM TỪ THIỆN
Nữ tu Phật giáo pháp danh Thích nữ Trí Hải tên thật Công tằng Tôn nữ Phùng Khánh sinh 1938 ở Huế - Mất 2003 tại TPHCM (65 tuổi).
Một con người thông tuệ, tài hoa dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn từng tham gia phong trào sinh viên Phật tử đấu tranh chống chế độ Diệm những năm 60.
Sau đó du học Pháp trở về quy y đạo Phật làm quản thủ thư viện ĐH Vạn Hạnh – chính là thần tượng “mẫu thân Phùng Khánh” của cố đại thi sĩ Bùi Giáng. Dịch giả 2 cuốn truyện nổi tiếng “Câu chuyện của dòng sông” (tác giả H. Hesse, Đức) và “Bắt trẻ đồng xanh” (J.D.Salinger, Mỹ), đã xuất bản gần 30 tác phẩm viết và dịch đều về chủ đề đạo Phật.
Năm 1984 bị bắt vì liên quan đến hoạt động của một nhóm trí thức Phật giáo chống đối chính quyền mới, ra tòa 1988 bị kết án tù 4 năm rưỡi (nặng nhất là Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu tức Lê Mạnh Thát tử hình sau do quốc tế vận động được giảm xuống còn 20 năm tù).
Sau khi ra tù chuyển hẳn qua hoạt động từ thiện và nghiên cứu, dịch thuật Phật học. Tựa như đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm cứu rỗi với lý tưởng sống hy sinh bản thân an hòa với chúng sinh: “Đau răng mới biết ý nghĩa của vô ngã… Khi răng không đau thì mình không để ý tới hắn, coi như không có. Khi hắn lên tiếng là có chuyện. Cũng thế, nếu mình vô ngã thì môi trường chung quanh mình sẽ rất dễ chịu. Còn mình lên tiếng “Có tôi đây” thì có chuyện ngay. Bởi vậy muốn lành mạnh thì vô ngã, vô ngã là lành mạnh.”
Thế mà đau thương thay, chính trên con đường từ thiện đó (đi cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Trung từ Bình Thuận trở về TPHCM) đã gặp tai nạn giao thông ở Đồng Nai tử nạn bi thương. Trước đó vài tháng cũng đi cứu trợ bị té ngã chấn thương cột sống, vậy mà mới đỡ được một chút đã vội vã bôn ba lên đường đi cứu nạn cứu người.
Hết lòng đi làm từ thiện mà cũng chết thảm như thế thì ai còn dám làm nữa? Phật ở đâu, Trời ở đâu? Câu trả lời hẳn là – với nụ cười mỉm độ lượng thanh thoát - đã là cái “nghiệp” của mình thì vẫn làm và làm được, hãy cứ làm đi bất chấp tất cả.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét