Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

PHỤC DỰNG,TRÙNG TU LỄ HỘI,DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ : NHỮNG DỰ ÁN LÃNG PHÍ BẠC TỶ - BÙI NGỌC LONG

Chiếc thuyền cung đình hàng tỉ đồng, 2 năm qua chủ yếu vẫn phơi mưa nắng - Ảnh: M.P

Công tác phục dựng, trùng tu lễ hội, di tích ở cố đô Huế nhìn chung khá chuẩn mực, tôn trọng và tuân thủ các giá trị nguyên gốc. Tuy nhiên, cũng có không ít dự án đã tiêu tốn bạc tỉ mà hiệu quả vẫn không phát huy.

Voi mua 4 chết 2
Ngày 17.2.2004, người dân cố đô Huế háo hức rủ nhau đi xem đàn voi được đưa từ buôn Đôn về Huế. Đàn voi 4 con, có tên là: Y Then, Y Trang, Thông Rang và Y Khun, sau hai ngày đi đường xuất phát từ Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã có mặt tại Đàn Nam Giao - TP Huế. Đây là 4 con voi nhà, đã thuần dưỡng của đồng bào dân tộc sinh sống ở Buôn Đôn và Era Súk (Đắk Lắk) được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (TTBTDTCĐ) Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mua về để phục vụ lễ Tế giao sẽ khôi phục trong Festiavl Huế 2004. Được biết, 4 con voi trên được mua với tổng số tiền 362 triệu đồng, trong đó, có 2 con giá 98 triệu đồng , 1 con giá 95 triệu đồng và con nhỏ nhất giá 73 triệu đồng.
Để nuôi dưỡng và chăm sóc đàn voi này, TTBTDTCĐ Huế đã mời 7 quản tượng, để chuyển giao huấn luyện chăm sóc thuần dưỡng voi, lập một khu chăn nuôi tại khu vực Gia Tằm, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) và tuyển dụng một số thanh niên dân tộc tại A Lưới về để đào tạo làm quản tượng và nuôi dưỡng voi. Thế nhưng, sau khi 4 con voi được đưa về không lâu, một con đã chết do không thích nghi được với địa bàn sinh sống mới. Tiếp đó, ngày 27.1.2007, thêm một con voi có trọng lượng khoảng 4 tấn, 25 năm tuổi chết do bị tắc nghẽn ống thực quản vì mắc phải dị vật là một ống nước polyme dài gần 1,1m. Chú voi trên có triệu chứng ngã bệnh, được sự tư vấn của một chuyên gia về động vật học của Mỹ, cùng với Trung tâm Nuôi dưỡng voi tại Chiangmai (Thái Lan), các bác sĩ thú y thuộc Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành truyền dịch, đạm và cho uống thuốc nên chú voi đã ói ra được một đoạn ống nước dài khoảng 30 cm, nhưng vẫn còn một đoạn ống nước khác mắc kẹt trong thực quản khiến voi không ăn uống được dẫn đến suy kiệt và chết.
Tại các kỳ Festival 2004 và 2006, những chú voi đã được sử dụng trong các lễ tế Nam Giao, Xã Tắc. Nhưng đến các kỳ Festival 2008 và 2010, các lễ tế này cũng được chắt lọc lại không còn đám rước của các đoàn Ngự đạo dềnh dàng, nên đến nay hầu như hai chú voi còn lại của TTBTDTCĐ Huế không phát huy hiệu quả trong việc khai thác dịch vụ.

Thuyền cung đình phơi mưa nắng
Dự án phục hồi chiếc thuyền cung đình trên được TTBTDTCĐ Huế thực hiện tổng kinh phí đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng (chưa tính trượt giá sau đó). Chiếc thuyền được thiết kế theo mẫu chiếc thuyền Yến Như của triều Nguyễn, có tên gọi là thuyền Long Quang, dài 27m, rộng 7,2m, phần nổi trên nước cao 4,2m, thiết kế mũi có hình đầu rồng và phía sau trang trí rồng, hổ phù, hệ thống lan can, cửa võng, tất cả đều sơn son thếp vàng... gồm một tầng và phần mái có lan can với sức chở trên 100 người. Thuyền được đóng mới tại Xí nghiệp đóng tàu Hải Châu (Bến Thủy, Nghệ An) theo thiết kế của TTBTDTCĐ Huế, phần trang trí nội thất do Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện.
Nằm trong nỗ lực khai thác hiệu quả chiếc thuyền, từ ngày 7.4.2009, TTBTDTCĐ Huế có mở dịch vụ du thuyền trên sông Hương. Theo đó, Chương trình du ngoạn trên sông Hương bằng thuyền Cung đình được quảng bá sẽ tổ chức thường xuyên hằng đêm, theo hai hình thức tour hằng đêm và chương trình tour theo đơn đặt hàng. Thế nhưng, các tour sau khi được khởi động vẫn không tạo ra được sự hấp dẫn đối với du khách. Ngoài những lần phục vụ chương trình Huyền thoại sông Hương, ở 2 kỳ Festival Huế 2008 và Festival Huế 2010, một vài lần có hợp đồng phục vụ cho các đoàn làm phim... thì chiếc thuyền chủ yếu vẫn neo đậu phơi nắng, phơi mưa trước bến Nghinh Lương Đình từ đó đến nay.

Tu bổ lăng Gia Long: chưa hoàn thành đã hư hỏng
Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lăng Gia Long (tọa lạc tại thôn Định Môn, xã Hương Thọ, H.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phê duyệt năm 2002 giao TTBTDTCĐ Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2006. Dự án có tổng mức đầu tư 59,8 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay một số hạng mục của giai đoạn I (một số hạng mục khác vì nhiều lý do chưa thể hoàn thành) gồm nạo vét suối Kim Ngọc, xây bến lăng ở sông Hương, hệ thống đường vào quần thể lăng Gia Long... đầu tư hơn 14 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng.
Theo thiết kế, suối Kim Ngọc có chiều dài 1.670m, rộng khoảng 15m, sâu 7m nhằm mục đích khơi thông đường thủy, thoát lũ. Đến nay đã có hơn 11 điểm đã sạt lở, sụt lún. Đặc biệt là, bến thuyền được thiết kế kết cấu bê tông cốt thép do không khảo sát hết địa tầng trước khi xây dựng đã bị dòng nước xé toạc, cuốn trôi, kè chắn hai bên bến thuyền cũng cuốn trôi chỉ còn trơ trọi từng tảng đất đá ngổn ngang. Hệ thống đèn chiếu sáng bị hư hỏng nặng. Các hạng mục thiệt hại được xác định hơn 14 tỉ đồng. Công trình hư hỏng còn kéo theo ngập úng hơn 5 ha lúa hai vụ của dân ở xã lân cận khi mùa mưa đến.
Bùi Ngọc Long
(TNO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét