Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 51)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

511 - Đào Văn Cường
VẬN ĐỘNG VIÊN ĐIỀN KINH KHIẾM THỊ ĐẦU TIÊN
Ngưòi khuyết tật sinh 1980 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2010).
Nhà nghèo 6 anh em nên từ nhỏ phải đi chăn trâu phụ giúp bố mẹ. Không may năm lên 10 tuổi trong một lần dắt trâu đi ăn cỏ trên cánh đồng gặp một quả lựu đạn cũ phát nổ làm mù vĩnh viễn cả 2 mắt.
Vào học trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Lớn lên làm nghề mát-xa sống đắp đổi qua ngày. Lấy vợ sinh được 2 con.
Để tìm quên nỗi buồn số kiếp hẩm hiu đã tham gia chơi thể thao. Rồi năm 2002 được giới thiệu tập môn chạy cư ly ngắn dành cho người khiếm thị (chạy có người chạy kèm cột dây vào tay dẫn đường) ở CLB Khúc Hạo, trở thành VĐV điền kinh khiếm thị đầu tiên môn chạy đua. Thi đấu kết quả tốt, từ đó Hà Nội mới bắt đầu lập môn điền kinh khiếm thị.
Liên tiếp đạt nhiều thành tích cao, đoạt nhiều huy chương các giải thể thao cho người khuyết tật ở trong nước lẫn quốc tế. Năm 2007 phá kỷ lục ParaGames Châu Á chạy 400m nên được bầu là VĐV Người khuyết tật xuất sắc nhất nước. Năm 2008 dự ParaOlympic Bắc Kinh ở Trung Quốc vào bán kết. Năm 2010 tiếp tục dự ParaGames Asiad Quảng Châu.
Ngoài đời còn phát triển điểm mát-xa của mình kiếm thêm việc làm cho 4 người bạn khiếm thị khác.

512 - Nguyễn Mạnh Huy
CẤM VÀO ĐẠI HỌC
Công nhân sinh khoảng 1965 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2010).
Sau 75 sống ở Quy Nhơn, học sinh giỏi 4 lần thi đỗ vào các trường đại học ở TPHCM nhưng đều bị địa phương cấm không cho lên đường đi nhập học vì lý do thuộc diện gia đình Ngụy “có vấn đề”!
Đây là tình hình phổ biến ở miền Nam sau Giải phóng khi chính quyền các tỉnh thành ngay từ cấp xã cũng có quyền không chứng thực sơ yếu lý lịch và cấp giấy chuyển hộ khẩu hay tạm trú cho các đối thượng thuộc gia đình Ngụy kể trên nên họ không thể rời địa phương đi cư trú – kể cả tạm trú - ở nơi khác được. Hoặc thậm chí có trường hợp phê duyệt rất ác ý, cho đuơng sự thuộc lọai đối tượng cần “giám sát” không cho đi đâu hết! Trong lúc cả Bộ Giáo dục lẫn các trường đại học đều hoàn toàn không có chủ trương đó song cũng đành chịu “phép vua thua lệ làng” thôi.
May mắn đến năm 1987 được báo Thanh Niên biết chuyện đã ra sức tranh đấu đòi quyền lợi – một quyền đi học! - đánh động dư luận cả nước buộc cuối cùng tỉnh Bình Định phải chấp nhận ký giấy “giải phóng” cho tân sinh viên này. Từ đó mở đường cho các địa phương khác chính thức giải tỏa lệnh “ngăn sông cấm chợ” miền Nam đối với con đường đến trường đại học.
Sau khi ra trường đã ở lại TPHCM làm việc luôn (trưởng phân xưởng một nhà in lớn), lập gia đình, cuộc sống ổn định.

513 - Nguyễn Sáng
ĐẠI DANH HỌA KHỐN CÙNG
Họa sĩ sinh 1923 tại Mỹ Tho – Mất 1988 ở TPHCM (66 tuổi).
Thuộc thế hệ tiên phong của hội họa VN, học trường Mỹ thuật Gia Định rồi ra Hà Nội học trường Mỹ thuật Đông Dương.
Khi bùng nổ chiến tranh chống Pháp đã lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Từ đó bắt đầu vẽ với một phong cách, bản sắc độc đáo riêng vừa mang tính dân tộc chuyên về đề tài đánh Pháp vừa có nét sáng tạo tạo hình mạnh mẽ ảnh hưởng chất hiện đại Picasso.
Cho ra đời những họa phẩm bất hủ “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” (bức sau năm 2008 khi đem đi triển lãm ở nước ngoài được đóng bảo hiểm 2 triệu USD). Bên cạnh đó còn là người thiết kế mẫu tiền giấy, mẫu tem đầu tiên của VN.
Sau 54 trở về Hà Nội tiếp tục làm nên những tác phẩm – không nhiều, chuyên sơn mài - mang dấu ấn riêng đầy giá trị như “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thổi sáo”, “Hai con mèo”, Thánh Gióng”… Được liệt vào hàng “tứ trụ” của làng hội họa VN thủa ban đầu gồm “Liên, Nghiêm, Sáng, Phái” (thêm Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái).
Là một công thần của chế độ miền Bắc như vậy – cả về chuyên môn lẫn tham gia kháng chiến - nhưng sau đó do có liên quan đến vụ Nhân văn Giai phẩm nên rốt cuộc bị lãng quên cộng với bản tính vừa nghệ sĩ bất cần đời vừa ngang ngạnh, thẳng thắn không chìu lụy ai nên phải sống một đời thiếu thốn, khốn khổ. Luôn mắc nợ áo cơm – và rượu – phải vẽ để trừ nợ, lang thang đây đó lôi thôi lếch thếch như dân bụi đời: “Tôi chẳng còn gì ngoài một tấm lòng và 2 bàn tay trắng”.
Nhưng vẫn kiên trì quan điểm sống và vẽ “vị nghệ thuật” triệt để, quyết liệt: “Nếu không vì nghệ thuật, rải tiền đầy đường tôi cũng dẫm lên mà đi. Nếu vì nghệ thuật, tôi sẵn sàng kiếm từng đồng xu để sống.”
Tính tình khó chịu nhiều khi thô lỗ, dữ dằn, nóng nảy nên phụ nữ khó gần khiến đời sống riêng cô đơn một thân một mình lủi thủi trên căn gác nhỏ 10m2 (hồi còn học ở Hà Nội có sống chung với một cô gái lai Pháp nhưng rồi chia tay, người tình bỏ về Pháp lâu rồi).
Mãi đến sau chiến tranh, năm 1978 vào TPHCM quen một cô gái Nam bộ kém đến 32 tuổi lấy làm vợ song không may cô này mắc bệnh tim kinh niên, ngay hôm đám cưới phải đưa vào viện cấp cứu! Chỉ một năm sau thì qua đời lúc mới 24 tuổi.
Thêm một vết thương lòng quá sâu không chịu nổi liền quay về Hà Nội nơi có nhiều bạn bè thân quen lâu ngày có thể giúp an ủi nỗi lòng. Cũng không muốn về quê (còn bà mẹ già) vì còn nỗi đau thân thế, sự nghiệp nữa: “Bây giờ nếu tôi về thăm họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực chẳng có cái mề-đay nào không biết tôi nên trả lời sao? Tôi buồn lắm!”
Từ đó lại sống lây lất nốt quảng đời còn lại tìm quên trong men rượu, hễ có ai gợi lại nỗi đau đời thì chỉ còn biết khóc oà như trẻ con!
Năm 1987 sau lần triển lãm đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội (1984), có lẽ như thấy trước sức tàn lực tận rồi muốn quay đầu về với quê nhà nên vào lại TPHCM ở một thời gian. Đến năm sau thì ra đi vĩnh viễn, cùng năm với hai trụ cột Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái (còn lại Nguyễn Tư Nghiêm nay đã 89 tuổi).

514 - Phan Thị Cúc
LÀNG KHÔNG CÓ ĐÀN ÔNG
Thường dân sinh tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2007).
Đó là làng Gia Hội ở Quảng Ngãi gồm chỉ 51 hộ mà có đến 52 liệt sĩ thời chống Mỹ khiến sau 75 chỉ có 5 người đàn ông trở về từ chiến trường. Hiện làng chỉ có vài người đàn ông cũng đã già rồi, vì thế toàn làng có 66 phụ nữ không chồng.
Trường hợp nhân vật này thì có chồng đi tập kết để lại 3 con, một mình nuôi con trưởng thành rồi một đi du kích hy sinh, một chết bịnh, còn một con gái đi lấy chồng xa. Vì thế nay về già sống lủi thủi một mình một bóng vì chồng cũ đi tập kết đã… lấy vợ khác ở luôn ngoài Bắc rồi!

515 - Phan Thị Phong
“NGƯỜI ĐI DÉP MỘT CHÂN”
Thường dân sinh tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2007).
Là nhân vật trong bài thơ mang tựa đề kể trên nổi tiếng thời chống Mỹ của nhà thơ Bùi Minh Quốc khi cô còn làm chiến sĩ giao bưu.
Dứt chiến tranh trở về thì chồng chờ đợi không được đã bỏ đi lấy vợ khác, cũng dễ hiểu thôi vì đây là người chồng chưa hề… gặp mặt bởi đám cưới do bố mẹ tự chọn giùm ở quê nhà mà cô dâu khi đó bận công tác cũng không về kịp dư lễ!. Vì thế nay đã lỡ thì đành ở vậy luôn, chỉ còn hoài niệm thời đẹp nhất con gái qua hình ảnh phôi pha trong một bài thơ.

516 - Phan Thị Quyên
“VỢ ANH TRỖI”
Cán bộ về hưu sinh 1944 tại Quảng Nam. Sống ở TPHCM (2010).
Nhân vật lịch sử vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi từng được tiểu thuyết hoá thành thần tượng trong thiên truyện “Sống như anh”.
Nhưng sau khi anh Trỗi bị chế độ cũ xử bắn năm 1964, được đưa vào chiến khu rồi… lấy chồng lại tại đây năm 1973! Người chồng mới cũng là một chiến sĩ đặc công từng dưới quyền cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham gia trận đánh Mậu Thân ở Sài Gòn. Chính ông Kiệt là người mai mối cho đôi bên và có mặt dự lễ cuới trong chiến khu.
Ngày nay vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong ngày giỗ anh Trỗi. Người chồng sau được mô tả luôn xem anh Trỗi như là “anh trai” và 2 con của họ cũng được dạy gọi anh Trỗi là “ba Trỗi”.

517 - Phan Thị Thu Hiền
BIẾT TRƯỚC CHỈ SỐNG 35 NĂM!
Sinh viên sinh 1984 tại Nghệ An. Sống ở Đà Nẵng (2010).
Nạn nhân CĐDC được bác sĩ đánh giá chịu nhiều tổn thương nội tạng nặng ở tim, phổi, dạ dày chỉ còn 13% cơ thể còn hoạt động được, từ đó khả năng không sống… quá tuổi 35! Đã vậy mới được 9 tháng tuổi thì cha mẹ lại ly hôn.
Biết được số kiếp mình như vậy nên khi lớn lên dù rất ham học song do nhà nghèo mẹ một mình phải nuôi con – lại lo tiền thuốc men chạy chữa cho con - nên sau khi tốt nghiệp trung học đã tình nguyện xin với mẹ nhường cho chị vào đại học trước vì “Con không biết mình có đủ sức khoẻ không để đi học đại học mà con chỉ có thể sống đến 35 tuổi thôi nên mẹ để chị đi học trước để sau này còn lo cho con cho mẹ.”
Vì thế mãi đến năm 2008 khi đã 25 tuổi mới thi đậu vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Và dù bệnh tật đầy người vẫn cố học giỏi luôn nằm trong Top 3 nhất lớp, hoàn thành cử nhân chỉ 3 năm thay vì 4 năm.
Vậy mà mãi đến năm 2008 mới nhận được tiền hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Và tính từ nay – 2010 – thì nếu như bác sĩ nói đúng, cái chết như lưỡi đao treo lơ lửng trên đầu sẵn sàng chém xuống, cuộc sống của mình trên thế gian này chỉ còn… 9 năm nữa!

518 - Phan Thị Vân
NI CÔ HOÀN TỤC GIÚP ĐỜI
Doanh nhân sinh 1957 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2007).
Mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi, đến năm 8 tuổi thì cha gửi 3 con lại cho người dì nuôi giùm ở Tiền Giang để mình theo quân giải phóng lên đường đánh Mỹ.
Bốn năm sau nghe tin cha hy sinh, người anh trai vội đi tìm đơn vị để hỏi thăm cũng mất tích luôn.
Còn lại mình và đứa em trai sống với dì bị bắt làm đủ thứ việc đồng áng lao lực đầu tắt mặt tối. Sống trong cảnh ghẻ lạnh của nhà dì dượng, đứa em chịu không nổi bỏ nhà ra đi bụi đời không tin tức từ đó. Riêng mình phận gái không biết bám víu vào đâu đành chấp nhận ở lại sống như kiếp tôi đòi.
Đến năm 17 tuổi, dì duợng mới tìm cách tống khứ đi bằng cách bắt gã lấy chồng sớm. Nhưng ở nhà chồng không được bao lâu cũng bị hất hủi rồi kiếm cớ đuổi đi! Không biết đi đâu mà cũng không muốn quay về nhà dì dượng nữa nên cuối cùng chọn… vào chùa đi tu.
Sau 75 một thời gian thấy cánh cửa xã hội rộng mở hơn đối với những người như mình nên xin phép trả lại áo ni cô để quay về quê Bến Tre hòa mình vào cuộc sống trần tục. Bắt đầu tự mưu sinh nhờ vào bài học từ cửa thiền: Nấu cơm chay gánh đi bán dạo. Dần dà phát triển lên thuê sạp chợ bán đồ chay rồi mở luôn tiệm bán đồ chay đàng hoàng, làm ăn ngày càng khấm khá.
Từ đó còn tiến thêm một bước nữa vào năm 2002 mua đất làm trang trại nuôi cá lóc, cá rô phi, ba ba và cả cá sấâu nữa. Thành công lớn nổi tiếng “Vân cá sấu”.
Khá giả rồi vẫn không quên một thời thơ dại bất hạnh mất cha mất anh lạc em nên thường xuyên góp tiền quỹ từ thiện giúp đỡ những mảnh đời không may như mình trước kia: “Đời mình nghèo nên thích giúp nguời khổ. Ngày trước cha, chú mình hy sinh thì nay mình có dư chút ít giúp người nghèo khổ như mình ngày xưa là thấy vui rồi.”

519 - Philip Roesler
BỘ TRƯỞNG ĐỨC
Bác sĩ người Đức gốc Việt sinh 1973 tại Sóc Trăng. Sống ở Đức (2010).
Vừa ra đời đã bị mẹ đem gửi cho một cơ sở trẻ mồ côi ở Sóc Trăng, sau đó được chuyển lên một cơ sở nuôi trẻ mồ côi do các bà xơ Thiên Chúa giáo phụ trách ở Sài Gòn. Đến lúc được 9 tháng tuổi được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi đưa về Đức (vợ chồng này trước đó đã có 2 con nhưng đều qua thụ tinh nhân tạo).
Năm lên 4 tuổi cha mẹ nuôi ly dị, riêng mình sống với cha nuôi vốn là một sĩ quan quân đội ở TP Hamburg. Lớn lên học ĐH Y tốt nghiệp bác sĩ.
Ra trường hành nghề song song với tham gia hoạt động chính trị từ năm 1992. Năm 2000 được bầu vàp Nghị viện bang Hạ Saxon, sau đó làm Bộ trưởng Kinh tế bang này. Và cuối năm 2009 được nữ Thủ tướng A. Merkel chọn làm Bộ trưởng Bộ Y tế để trở thành không chỉ là người gốc VN đầu tiên mà còn là người gốc Châu Á đầu tiên đảm nhiệm chức vụ chính quyền Đức cao cấp nhất. Được đánh giá là một “bác sĩ có tầm nhìn xa và thấu đáo.”
Năm 2003 lấy vợ người Đức cũng là một bác sĩ, năm 2008 có 2 con gái sinh đôi.
Chính ngươì vợ này vào năm 2006 đã nhắc chồng hãy cũng mình trở về thăm lại quê hương VN để lỡ sau này con cái có hỏi quê cha ở đâu thì biết mà trả lời. Nhưng do quá bận rộn công việc nên dự định đó chưa thực hiện được.

520 - Phùng Lệ Lý
MỘT CUỘC ĐỜI “TRỜI ĐẤT LỘN TÙNG PHÈO”
Nhà văn, nhà hoạt động xã hội Việt kiều Mỹ sinh 1949 tại Đà Nẵng. Sống ở Mỹ (2010).
Sinh ra ở quê nghèo sống đời lam lủ rồi gia đình do có dính líu đến cộng sản nên năm 15 tuổi bị bắt hành hạ (thậm chí có thể cả bị cưỡng hiếp nữa). Nhưng khi được thả ra lại bị cộng sản cho là kẻ phản bội chiêu hồi đầu hàng địch!
Hết đường sống mới theo mẹ bỏ vào Sài Gòn ở đợ cho một gia đình giàu có. Tuy nhiên cũng không được yên thân, chỉ một năm sau thì bị ông chủ làm cho mang bầu rồi thẳng cánh đuổi ra khỏi nhà.
Thế là đành cùng mẹ khăn gói trở về quê cũ Đà Nẵng. Lần này không dám về làng mà ở lại thành phố và dù bụng mang dạ chửa vẫn cố bám vào nghề chợ trời kiếm sống qua ngày, kể cả đôi khi phải bán cả ma túy thời đó bắt đầu theo chân lính Mỹ vào thị trường VN mà Đà Nẵng là một địa bàn tập trung quân Mỹ.
Sau khi sinh con, thấy không thể tiếp tục nghề cũ quá nguy hiểm (dễ bị bắt hoặc trở thành gái bán hoa luôn) nên bồng con tìm đường vào lại Sài Gòn, may mắn xin được làm chân y công tại một bệânh viện. Trong môi trường này có dịp gặp làm quen với nhiều người Mỹ làm công tác dân sự hỗ trợ y tế cho miền Nam. Từ đó năm 1969 kết hôn với một nhân viên Mỹ lớn gấp đôi tuổi sinh thêm một con nữa rồi năm 1970 theo chồng về Mỹ (mang theo con riêng).
Qua Mỹ được vài năm thì chồng bệnh qua đời năm 1973 khi mình mới 24 tuổi.
Một năm sau tái hôn sinh thêm đứa con thứ ba song gia đình không được hạnh phúc vì người chồng sau nghiện rượu có tâm thần bất ổn. Đôi bên đồng ý tiến hành thủ tục ly dị nhưng chưa xong thì ông chồng này được phát hiện… ngồi chết trong xe ô tô đậu ngoài sân một trường học!
Chồng chết có để lại một số tiền (nên nhớ vẫn chưa ly dị) nên dùng để kinh doanh bất động sản, chứng khoán cùng một số dịch vụ nhỏ khác. Đều thành công giúp mình trở nên khá giả.
Cuộc sống thoải mái rồi mới nhớ quê hương nên năm 1986 quay về thăm lại bà mẹ còn sống ở quê, lúc đó Mỹ vẫn chưa bỏ cấm vận VN nên phải nhờ người quen ở Liên Hợp Quốc giúp đỡ mới về được. Đến khi về mới tận mắt chứng kiến một VN thời hậu chiến còn quá nghèo nàn lạc hậu, người dân đói khổ cam chịu không biết kêu vào đâu.
Từ đó về lại Mỹ bỏ mọi công việc cũ để lao vào vận động, hoạt động giúp đỡ dân mình thoát nghèo: “Tất cả bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì với tôi nữa. Làm sao còn tha thiết để lo cho cá nhân mình trong khi đất nước và người dân mình còn quá khốn khó? Lương tâm tôi thúc đẩy bằng mọi cách phải trở về giúp đồng bào.”
Bắt đầu bằng việc bán hết tài sản lấy tiền làm quỹ thành lập tổ chức từ thiện phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ nhằm hỗ trợ VN về mặt xã hội như xây trạm xá, làng trẻ mồ côi, giúp vốn cho dân nghèo…. Bản thân cũng nuôi 17 đứa con nuôi từ các trại tị nạn chiến tranh trên khắp thế giới.
Sau khi tổ chức này phát triển tốt rồi (với hơn 6.000 hội viên khắp thế giới), năm 1999 mới giao lại cho người khác điều hành để chuyển sang lập tổ chức từ thiện khác mang tên “Làng Toàn Cầu” tập trung vào hỗ trợ ngành giáo dục như xây trường học, lập tủ sách lưu động, dạy nghề, mổ tim cho học sinh nghèo, nạn nhân CĐDC…
Trong thời gian đó khi rảnh rỗi còn bắt tay vào viết lại hồi ký đời mình từ VN qua Mỹ – một “cuộc đời giong ruỗi đầy bi kịch” như tự nhận - mang tựa đề “Đất trời đảo lộn: Hành trình của một phụ nữ VN đi từ chiến tranh đến hòa bình” (When Heaven and Earth Changed Places: A Vietnamese Journey from War to Peace) in năm 1989 với bút danh Le Ly Hayslip lấy theo họ chồng sau. Dù mới học đến lớp 3 trường làng nhưng nhờ tự học từ lâu – từng bỏ 5 năm theo học một lớp triết học - nên vẫn viết được song suốt, thậm chí viết dễ nữa bởi bao kỷ niệm, tâm sự về cuộc đời truân chuyên máu thịt cứ đổ ra ào ạt lai láng dưới ngòi bút: “Suốt mấy mươi năm ở Mỹ tôi vẫn sống trong tâm trạng trời đất đảo lộn vì không thể nào quên được nơi mình chôn nhau cắt rốn… Khi sang Mỹ tôi sống như một cái xác không hồn, cảm thấy đời sống quá vô nghĩa…”
Tác phẩm gắn liền với cuộc chiến chưa phai mờ trong tâm trí người Mỹ cộng với văn phong “muốn gìn giữ cái chất quê mộc mạc của mình, một người nhà quê” nên nhanh chóng được chào đón, bán chạy nổi tiếng. Được dịch ra 17 thứ tiếng. Được đạo diễn nổi tiếng Mỹ O. Stone – chuyên gia làm phim truyện đề tài chiến tranh VN đoạt giải Oscar như “Đồi thịt băm”, “Sinh ngày 14.7” – chuyển thành bộ phim “Trời và Đất”. Cũng nhờ đó hai người trở thành bạn thân thiết.
Năm 1993 viết và xuất bản tiếp tập hồi ký thứ hai “Trẻ thơ thời chiến, phụ nữ thời bình” (Child of War, Woman of Peace) kể lại chặng đường đời từ Mỹ trở lại VN. Còn tham gia viết kịch bản và sản xuất phim tài liệu truyền hình từng đoạt giải Emmy cao quý nhất của truyền hình Mỹ.
Năm 2008 được O. Stone mời làm cố vấn trong dự án thực hiện một bộ phim về chiến tranh VN khác đề cập đến vụ thảm sát Mỹ Lai ở Quảng Ngãi năm 1966 đặt tên là “Làng Hồng” (Pinkville). Đã đưa Stone về tận Quảng Ngãi đi thực địa chọn cảnh song sau đó dự án này bị đình hoãn có lẽ do đề tài – dính líu đến một tội ác chiến tranh - vẫn còn quá “nhạy cảm” đối với dư luận Mỹ.
Đến nay đã về quê khoảng 100 lần với niềm hạnh phúc được “Go home” – “về nhà” - thực sự, nơi con trai út ảnh hưởng mẹ đã chọn làm quê hương thứ hai.
Con đường tìm lại quê hương nguồn cội đã giúp vượt qua nỗi ám ảnh đau buốt về một số phận đảo điên như “không còn trời đất gì nữa” bên cạnh niềm tin vào đạo Phật của truyền thống tâm linh người dân quê VN (từng trải qua 3 năm theo học ở thiền viện của thiền sư Nhất Hạnh tại Mỹ, đã xây một ngôi chùa ở San Diego để thờ cha mẹ, chồng...): “Những khi gặp khó khăn tôi đều luôn niệm Phật”.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét