Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

THƠ THÁI NGỌC SAN


phố chợ chiều

tôi về thăm em động cánh chiều tà
khu phố chợ cổ xưa rêu phong buồn bã
lòng tôi đã rộng mối ưu phiền
nầy bến giang đầu hiu quạnh quá

bầy sáo nhỏ bay qua giòng sông
bên trời xa xăm mây tím nhạt
người đã về sau một buổi chợ tan
chuyến đò thầm chèo khua mạn nước

có giọt sương rơi mông bờ hiu quạnh
đã tiêu sơ khắp mọi lối tình cờ
nhà em có mái hiên màu rêu sẫm
có chậu hoa tình tàn úa hôm qua

em không đón tôi bên cầu cổ tích
gió đã bay từ một thuở hoàng hôn
trên lá cành cây thu mời gọi
phố chợ chiểu đã ngủ với hư không

(Văn, 1969)

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - BÁC SĨ CÔNG,BÁC SĨ TƯ

Mới đây, đang giờ làm việc, cô giáo của con trai tôi (cháu 5 tuổi) gọi điện yêu cầu tôi đến trường đón cháu về vì cháu đang sốt. Vợ chồng tôi lật đật đến trường đón con và rất lo lắng khi thấy cháu sốt, nôn ói và than đau bụng...

Vì sốt ruột nên chúng tôi đưa cháu đến một cơ sở y tế gần trường học của cháu (ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ở đây, sau khi mua sổ khám bệnh, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng khám trẻ em. Vào phòng khám, con trai tôi có vẻ rất mệt mỏi. Vợ chồng tôi tiếp tục ngồi chờ trong khi một bác sĩ, một y tá ở đây đang ngồi nói chuyện. Vị bác sĩ vừa thờ ơ hỏi nhát gừng con tôi đau gì, đau ở đâu vừa nói chuyện với cô y tá. Hai người lấy điện thoại di động ra hỏi nhau: “Em đọc tin nhắn này thử xem, chị không biết nó viết gì”. Rồi cả hai ngồi... giải mã tin nhắn và cùng cười. Chưa hết, họ tiếp tục bàn về việc đã làm bài dự thi tìm hiểu Công đoàn VN - 80 năm một chặng đường chưa? Hai người bình luận về đề tài dự thi trong khi con tôi đau đớn nhăn nhó cả mặt mày.
Mãi một lúc sau, vị bác sĩ mới quay hẳn sang phía con tôi để khám. Cô ấy hỏi cháu: “Đau ở đâu, nói!”. Thằng bé đáp lí nhí, tôi tranh thủ... kể bệnh (theo triệu chứng cô giáo báo lại) nhưng dường như bác sĩ không thèm nghe. Bác sĩ lại la thằng bé: “Nói đi chứ, sao không nói gì, đau làm sao?”. Khám bụng, cặp nhiệt độ xong bác sĩ bảo con tôi nằm dài ra (nhưng trong phòng khám không có giường, chỉ có bàn ghế!) và thằng bé phải nửa nằm trên ghế nửa nằm trên người ba. Khám một lát, bác sĩ bảo: “Thằng bé xanh quá. Chuyển lên bệnh viện tỉnh, đi thử máu, vào thẳng phòng cấp cứu ấy”. Từ đầu đến cuối, gương mặt bác sĩ khó đăm đăm, không có lấy một nụ cười...
Quá sợ cái cảnh thờ ơ với bệnh nhân này nên chúng tôi đưa con đến một bệnh viện tư ở thị xã Thủ Dầu Một để khám. Ở đây, thái độ của bác sĩ rất ân cần. Một bác sĩ nam còn trẻ tươi cười vừa khám vừa chuyện trò với con trai tôi. Bác sĩ này hỏi con tôi đã ăn gì ở trường, cảm giác đau ra sao... và cả câu hỏi ngoài lề: “Ở lớp con thích chơi với bạn nào?”. Con tôi vui vẻ trả lời mà không sợ sệt nữa. Bác sĩ bảo con tôi nhảy cao lên, co chân vào, nhảy ba cái... Cuối cùng, bác sĩ kết luận con tôi không bị đau ruột thừa, cháu chỉ bị nhu động ruột. Bác sĩ viết toa thuốc và dặn tôi cho cháu uống thuốc rất kỹ càng. Tôi hỏi có cần đưa cháu đi thử máu không thì bác sĩ cười nói: “Khỏi. Không nghiêm trọng thế đâu”...
Tiếp xúc với bác sĩ ở hai cơ sở y tế nói trên, tôi cứ tự hỏi tại sao cũng là bác sĩ nhưng người thì ân cần với bệnh nhân, người lạnh lùng quá vậy?

(TheoBạn đọc viết,Tuổi Trẻ Online)
HOÀNG MAI (Bình Dương)

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

THƠ HOÀNG NHƯ THỦY AN

từ biệt

từ biệt mây trắng
từ biệt con chim hót vọng đồi chim
từ biệt cọng rơm con trâu cày
từ biệt dòng sông chảy qua giọt mắt em
từ biệt ánh trăng vắng lặng cõi người
từ biệt - tôi từ biệt
gió ru trăn trối trên đồi

từ biệt
có ly rượu thơm tôi từ biệt
có ly rượu đắng chạm cốc
có ly rượu buồn hai cánh tay mỏi
có bông hoa quì ngã gục
tôi từ biệt
mùa đông

tôi từ biệt người đi qua trăm ngã
từ biệt người con gái
tôi mơ thấy em áo trắng
bước đi trong nắng võ vàng

từ biệt
tôi ngoắc tay chào núi đồi tĩnh lặng
từ biệt một ngày hình thù khó hiểu
từ biệt một đêm tôi nhảy múa quanh tôi
lời từ biệt mình tôi lặng lẽ
một mình tôi như đã qua đời

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

THƠ HOÀNG LỘC

rượu Huế
uống ở Hội An

ngươi đưa cả Huế vào trong này
(gió bấc đã vào mấy bữa nay !)
lại bảo lâu hung mới gặp bạn
vài ly - phải cạn vài ly đầy

thiệt đã lâu hung mới thấy bạn
vài ly - cứ rót vài ly tràn
mừng ta : chính cống rượu Đá Bạc
mà cũng theo người đãi Hội An

hỏi ngươi thử Huế hư hao mấy
ngươi chỉ cười – che hướng gió trời
chẳng lẽ mây chiều trên đỉnh Ngự
lắm lần thương cẩu chẳng buồn trôi ?

muốn hỏi trăng còn soi đại nội
hồ Tịnh Tâm – tâm dễ lặng tờ ?
để lòng ghé viếng lăng Tự Đức
đọc ngàn lần mới mãi câu thơ

ngươi có từng qua Đồng Khánh cũ
nhắn giùm ta thuở Huế mù sương
những tiểu thơ Nguyễn khoa, Hồ đắc…
áo còn ngát nõn một dòng Hương ?

ôi Huế trăm điều ta muốn hỏi
từ khi nắng sớm trở mưa mùa
ngươi bảo Huế chìm trong cốc rượu
uống tràn sẽ thấm nỗi niềm xưa

ngươi rót Huế vào chiều Hội An
giọng trong cao ra giọng đục khàn
quá đỗi cố đô chiều phố cổ
tóc trắng Thừa Thiên bạc Quảng Nam…


----------------------------------------------------------------
*******************************************

ĐÊM NHẠC
LỜI TÌNH ĐÊM NAY

20 giờ 30 ngày 16.5.2009 tại Phòng trà A.T.B,197/4 Nguyễn Văn Trỗi,Phú Nhuận,Tp HCM




Tác phẩm mới TINH CA KHÊ KINH KHA .Chịu trách nhiệm xuất bản: Mai Thời Chính. Biên tập: Ngô Thị Hạnh. Bìa và phụ bản: Võ Công Liêm.Trình bày: Nguyễn Duy Đông.Sửa bản in: Mai Ánh Duyên.Nhà xuất bản Thanh Niên 2009

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 23


Nhà thơ
Nguyễn Nho Nhượn

Nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn sinh năm 1946 tại Vĩnh Điện,Điện Bàn,Quảng Nam.Bắt đầu làm thơ năm 1960,có thơ đăng trên Ngàn Khơi,Tiểu Thuyết tuần san,Văn Học,Bách Khoa,Thời Nay,Phổ Thông,Nghệ Thuật,Văn...Ông đã hoàn thành 6 tập thơ: Những lời sương khói, Lời buồn trong tim, Hơi thở miền nhiệt đới, Nỗi buồn mọc cánh, Những khúc ca hoang và Tiếng nói giữa hư vô.Ông mất ngày 25.5.1969,ở tuổi 24.
Dưới đây là những bài thơ viết trước khi ông qua đời đăng trên Văn , trích trong tuyển tập "Thơ Miền Nam trong thời chiến" do Thư Ấn Quán xuất bản 2006 và báo Đà Nẵng .

KHI TRỞ VỀ VĨNH ĐIỆN

khi trở lại thấy tường xiêu ngói đổ
nền bơ vơ đứng đợi bước chân về
dáng ai đó ngập ngừng bên khung cửa
nhặt từng hòn gạch vụn với tái tê

khi trở lại con đường cây lá rụng
quán ngày xưa ôi bè bạn đâu rồi
nghe hong vắng nỗi kinh hoàng thất thủ
hồn đa sầu giữa lòng phố âm u

tìm đâu nữa bóng em cùng sách vở
ngôi trường xưa còn mũi súng lăm le
anh bỡ ngỡ tìm về thôn xóm cũ
dấu điêu tàn xơ xác những luỹ tre

mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ
đàn em cười - còn may lắm anh ơi!
bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng
dáng yêu đời còn đọng lại trên môi

buổi chiều xuống đầy vọng âm tiếng súng
thấy hắt hiu cánh đồng trống bao la
căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng
mong mặt trời xoá dịu nỗi xót xa

khi trở về thấy ngại ngần cuộc sống
nỗi ưu tư cửa đóng với then gài
thương số phận con phố buồn ngủ gục
ánh đèn nào soi thấu được ngày mai?


ĐÁM TANG QUA THÀNH PHỐ

đám tang qua thành phố
lạnh lùng như gió mây
nhà hai bên đổ nát
còn trơ dáng xương gầy

cây gục đầu cúi lạy
bụi mờ làm khói hương
mưa phùn làm nước mắt
khóc cho người tha phương

đám tang qua thành phố
cỗ quan tài rung rinh
chiếc xe kéo cọc cạch
cô đơn và cô đơn

đám tang qua thành phố
có ai cười như điên
không ai là thân thích
thương linh hồn vô danh

đám tang qua thành phố
tất cả đều im lìm
gã kéo xe mệt lả
cỗ quan tài rung rinh...

chiếc quan tài lặng thinh
người chiến sĩ vô danh
xin mặt trời soi sáng
cho linh hồn Việt Nam


MÙA XUÂN SẮP ĐẾN

ôi mùa xuân sắp đến
nghe gót giày than van
xòe bàn tay nhìn mãi
chỉ khói thuốc hoe vàng

ôi mùa xuân sắp đến
sao ta còn đứng đây
âm thanh mòn chủ nghĩa
bụi bay mù chí trai ...

ôi mùa xuân sắp đến
quê hương có biết không
nhà cửa đành cỏ mọc
hỏa châu như pháo bông

ôi mùa xuân sắp đến
hưu chiến cánh đồng hoang
hòa bình chia ranh giới
tay súng ghì lăm lăm

ôi mùa xuân sắp đến
vui chơi nầy - súng gươm !
trẻ thơ nầy - mất mẹ !
nước mắt lẫn với cơm ...

ôi mùa xuân sắp đến
biết chúc mừng gì đây
quả lựu đạn còn đó
làm quà cho tương lai


MỘT LẦN ĐÓ


Một lần đó anh ngập ngừng ngại nói
như ngày xưa cơn gió thoảng qua thôi
chắc em nhớ nhưng xin đừng vội hỏi
bàn tay không anh khép chặt lại rồi


một lần đó anh còn xao xuyến quá
dáng ai đi anh cứ tưởng em về
mắt mỏi mòn trong từng hơi thở lạ
mặt trời lên thêm ý đẹp miền quê


một lần đó anh viết vào trang giấy
bài thơ tình thứ nhất có trăng sao
có mùa xuân có mùa thu có mùa đông bão dậy
trên đỉnh trời có áo lụa bay cao


một lần đó có giận hờn thương nhớ
mùa hạ về thôi là gió heo may
anh dù nói nhưng em còn nức nở
chim vội vàng cất tiếng hót rồi bay


một lần đó thôi trở thành quá khứ
như ngày xưa cơn gió thoảng qua thôi
chắc em nhớ nhưng không còn lời nói
bàn tay không anh khép chặt lại rồi



Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THÀO


ta làm ngọn gió ...

Em là cô gái...rất xưa
Từ trong cổ tích mới vừa bước ra
Anh là cậu bé mười ba
Hai ta theo bóng trăng tà dạo chơi

Mai sau trời đất tan rồi
Ta làm ngọn gió bay ngoài hư không

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

THƠ NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

HẠNH PHÚC TINH KHÔI

Em cầm hạnh phúc trên tay
Thả dọc triền sông trôi về lòng biển cả
Dáng ai gầy trong chiều hoang thành cổ
Lời tiên tri theo gió cuốn về trời.
Em đan mùa thu thành sợ tơ hồng
Thả vào mắt anh những lời buồn như khói
Sợi hạnh phúc tuột khỏi nhành tầm gửi
Vàng chi quánh đặc một tâm hồn.
Đôi mắt màu tiên sa của anh
Ru cả hồn nhiên em trong làn khói thuốc
Hạnh phúc như một lời đánh cược
Sẽ không còn tình yêu níu giữ chút linh hồn.
Hạnh phúc tinh khôi như một nụ cười
Em ném vào tim anh, chàng trai chưa yêu ai bao giờ
Và chưa một lần biết nhớ
Trên gối trắng đêm nay đẫm nước mắt người lữ hành
Đi về phía hoàng hôn...

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

THƠ TRẦM KHA

Tình yêu khổ hạnh

Mùa xuân này,bỏ hoang đành sao anh?
Tình yêu đã heo khô
Vàng vọt như mùa đông
Em muốn đi xin,
Những đam mê về vun xới,
Những mảnh kỷ niệm sót thừa
Như tên hành khất,van nài bi thảm
Nhưng,tình yêu mỗi ngày mỗi già nua
Tàn tạ như vóc dáng lạc đà
Em muốn níu chặt trong hai tay
Chút hạnh phúc nhỏ mọn trên môi
Chàng,đắng ngắt mùi thuốc lá và
hơi thở cỗi cằn lên men như rượu
Em muốn níu lại bước chân xanh của thời con gái
Để được đắm mê tong chiếc nôi cổ tích
Công chúa và rừng xanh

Bây giờ
Như trâu già mệt nhọc
Em kéo chiếc cày tình yêu
Mỗi luống một mùa đông

(Văn,số 56,15.4.1966)

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - VĂN HOÁ BÀI TIẾT


Những con số đáng lo

Mới chỉ qua một đợt kiểm tra của Bộ GD-ĐT vừa tiến hành ở 14 tỉnh thành đã cho thấy những con số đáng lo ngại: ở những địa phương này có tới hơn 3.000 trường học không có nhà vệ sinh (NVS) hoặc NVS không đảm bảo chất lượng, chiếm gần 30% trong tổng số trường học được kiểm tra. 3.000 ngôi trường nghĩa là có cả triệu HS phải khổ sở vì chuyện “NVS có cũng như không”.

Nhưng kết quả kiểm tra của Bộ GD-ĐT có lẽ cũng mới chỉ là kết quả khảo sát đo đếm tình trạng cơ sở vật chất bên ngoài.
Còn chất lượng môi trường thật sự của những NVS trong trường học có lẽ khó có con số nào phản ánh nổi nếu chúng ta áp dụng những thước đo cụ thể, thiết thực hơn như: hiện nay bình quân bao nhiêu HS dùng chung một NVS, mức độ sạch sẽ đến đâu, có nước sạch cho HS rửa tay sau khi đi vệ sinh hay không? Trên thực tế, ngay cả ở Hà Nội, TP.HCM... - những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất để tìm được một ngôi trường bình thường có NVS không bốc mùi nồng nặc cũng đã hiếm.
Nhưng không biết có phải vì đây là chuyện tế nhị hay chỉ là chuyện nhỏ so với chuyện học hành, tiếp thu kiến thức của trẻ ở trường mà câu chuyện NVS chưa bao giờ được giải quyết đúng mức từ mọi phía. Ngành giáo dục có lẽ lâu nay còn phải lo đến những chuyện to tát hơn như chương trình, sách giáo khoa, chất lượng giáo viên... mà chuyện NVS chưa được các cấp quản lý giáo dục quan tâm thích đáng.
Trước đây còn khó khăn, trường sở tạm bợ đã đành. Nay khắp nơi trường lớp được kiên cố hóa, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng nhưng chất lượng NVS trong trường học thì chưa chuyển biến mấy, thậm chí nhiều trường còn xuống cấp hơn do quá tải vì đông HS hơn, HS học bán trú cả ngày... Thậm chí ở nhiều ngôi trường mới xây, khi thiết kế, phê duyệt thiết kế và kinh phí xây dựng, người ta cũng có thể... quên xây NVS cho HS.
Rồi đến nhiều trường học có thể nhận thấy thường có hai khu NVS riêng biệt: khu dành riêng cho giáo viên và khu dành cho HS. Khu của giáo viên, HS không được dùng chung, bao giờ cũng sạch sẽ và thậm chí còn có khóa. Có phải vì không phải chia sẻ nỗi khổ với HS nên bản thân những cán bộ, giáo viên trực tiếp làm việc trong trường cũng không thật sự quan tâm giải quyết vấn đề này?
Cuối cùng, không thể chỉ nói đến trách nhiệm của nhà trường, của ngành giáo dục mà còn phải nói đến trách nhiệm của chính các bậc phụ huynh. Có lẽ phần lớn phụ huynh chỉ quan niệm trường là nơi con em mình đến học kiến thức mà chưa thật sự ý thức được rằng đó cũng là một môi trường sống, nhất là đối với trẻ mầm non và tiểu học bán trú ở trường từ sáng đến chiều, một khoảng thời gian nhiều không kém ở nhà với những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Đi học, con em chúng ta cần một môi trường trong sạch không chỉ theo nghĩa bóng mà cả về nghĩa đen. Nếu các bậc phụ huynh, hội phụ huynh lớp và trường thật sự quan tâm, thường xuyên kiến nghị, giám sát và chung tay cùng nhà trường, chất lượng NVS cho HS chắc chắn sẽ không thể tồi tệ đến vậy.
NVS không phải chỉ là chuyện mỹ quan, đó còn là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý của HS. Đến trường để học nhưng con em chúng ta sẽ không thể thoải mái tiếp thu kiến thức, trọn vẹn niềm vui học hành nếu vẫn phải thường xuyên đương đầu với nỗi sợ mang tên “NVS”. Bộ GD-ĐT đang tiến hành cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện. Có lẽ trong rất nhiều việc đề ra với mong muốn làm ngôi trường trở nên thân thiện hơn với HS, ngành giáo dục đừng xem đó là chuyện nhỏ nữa mà nên ưu tiên giải quyết vấn đề rất thiết thực này.
THANH HÀ

Nguồn : Tuổi Trẻ Online

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ PHẠM PHÚ HẢI

Vĩnh biệt nhà thơ
Phạm Phú Hải

Sau cơn tai biến vào giữa tháng 4.2009, nhà thơ Phạm Phú Hải vừa qua đời lúc 1 giờ 50 phút sáng ngày 6.5.2009
Ông sinh năm 1950 tại Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam, làm thơ từ năm 14 tuổi
Dù bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 1972 ông đã sáng tác hơn 1.000 bài thơ, tác phẩm của ông cũng được đưa lên mạng không ít và được biết đến nhiều với 3 tập thơ Tiếng Hú Đầu, Thâm Lâm Ngâm, Gánh Nước Tưới Sông, nhưng ông chưa xuất bản tập thơ nào.
Linh cữu của ông được quàn tại 242/4 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, sau đó sẽ đưa về an táng tại quê nhà Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam vào ngày hôm nay 10.5.2009.
Tiễn biệt nhà thơ tài hoa đất Quảng Phạm Phú Hải,xin giới thiệu một số bài thơ của ông.


RẤT HIỂN NHIÊN

Có một điều tôi biết rất hiển nhiên: những chữ mà anh đang đọc là những chữ này: “Có một điều tôi biết rất hiển nhiên: những chữ mà anh đang đọc là những chữ này”.

TỰ NHIÊN

CỏĐá
Cá đỏ
Cả đó

GỬI MỘT CON CÁ CHẾT SÁNG NAY
Tặng Trương Vương Thạch

Tôi đang viết bài thơ trăm câu để tặng con cá chết
Câu này là câu thứ hai
Bài thơ không ngắn không dài
Lòng tôi không dài không ngắn
Cá nhập dòng một ngày có nắng hay không có nắng
Tôi viết lung tung để tôi nói bập bùng
Bằng những ngọn âm thanh những ngành âm thánh
Vậy nếu nghe tôi phải nghe bằng tai sóng đánh
Phải nghe bằng tai gió quất bằng tai mưa đâm
Phải nghe bằng tai sấm tát bằng tai sét bằm bão chẻ
Im im im im im im im đi nghe lẹ
Nhìn xuống gót chân đi
Nhìn lên giữa trán đi
Và nhìn quanh sau ót
Khóc
Khóc như tôi đi
Hỏi
Hỏi như tôi đi
Nếu có hiểu được gì
Nếu không hiểu được gì
Cũng đừng nhìn vào tôi nữa

Tôi đã viết được hăm ba câu rồi đó cá
Tôi viết đủ trăm câu như đã hứa
Chắc cá nghe rõ ràng rồi, đọc riêng cho cá nghe thôi

ĐÃ ĐẾN

Tôi ngồi nuốt bóng tối
Tôi ngồi nuốt hết bóng tôi

Khuya nay có những âm thanh bị thương
Lê vào thân tôi trú ẩn

Tôi ngồi nuốt bóng tối
Tôi ngồi nuốt hết bóng tối
Khi chẳng còn gì
Tôi nuốt luôn tôi

Tôi nâng hết tất cả
Trên hai bàn tay tôi
gởi về cho thanh âm A bất tận

Có những tiếng kêu tiếng hú
khổ đau
Một mai kia sẽ nở thành những đoá âm thanh trắng

Môi cười hồn nhiên
Không hỏi không hỏi
Họng lưỡi trả về

Lưu ly lưu ly
Lưu ly lưu ly

HỒI DƯƠNG TÀ DƯƠNG

Khi tất cả những lá khô rùng rùng nhỏm dậy
Bay lên cây và đậu lại trên cành
Khi những nhành mục rụng đã lâu năm
Vươn thân thẳng với trùng trùng nhựa mạch
Khi những bộ xương chim đã vùi sâu trong đất
Cùng đứng lên rồi cùng kết nối nhạc âm xưa
Khi vô cùng lượng lượng giọt mưa
Tung từ đất ngút trùng trời kết vàn vàn mây trắng

Đó là lúc ta hoá thân từ nắng
Lướt nhẹ nhàng xuống tận cửa rừng xưa
Bước nhẹ nhàng vào tận giữa rừng xưa
Tìm Bạn Cũ kiếp kiếp nào xa cách
Ta nghe rõ đất trời đang chuyển mạch
Ta nghe rõ cả những làn tinh dịch
Quyện vòng theo những vòng khói trầm hương
Giữa bừng bừng thanh khí tiên thiên
Ta kiên nhẫn đợi chờ nghe tiếng hú
Hỡi rừng hỡi chỉ cho ta Bạn Cũ
Chốn năm xưa đêm trăng ấy rừng ơi
Kể từ khi xương trắng một đôi nơi
Tựu bóng nắng hôm nay ta trở lại
Hỡi lá rừng hỡi ngàn ngàn tiếng nói
Hãy chỉ giùm ta chừ Bạn Cũ ở đâu
Đâu đâu đâu đâu đâu đâu đâu đâu đâu
Ta nghe chưa tỏ hỡi ngàn ngàn lưỡi lá

Nắng đã quá trưa rồi, Ta sắp tà đi Rừng ạ
Nhắn lại cho ta, với Bạn Cũ, à mà thôi
Rừng đã hồi dương, ngàn hài nhi lá nghít tươi
Lông lá cũ, Bạn ơi, sao không gởi về cho nhật nguyệt

XIN XANH GIỌT MÁU

Bìa rừng lão câm
Đêm đêm ngồi đợi trăng rằm mở môi
Giữa rừng tôi
Đêm đêm ngồi đợi tiếng cười dã nhân
Trăng rừng lão mọc tri âm
Tiếng run đầu lưỡi hồ cầm bứt dây
Tôi ngồi đây chờ lá cây
Rụng khuya khoắt xuống lòng này đớn đau
Nghìn năm sau
Tiếng cười bựt rụng hết màu trăng khuya
Cười với chia lìa
Lão câm ơi cười với chia lìa đó chăng
Tôi hãi một màu trăng
Đứng trân trân gục đầu sầu giữa trăng
Lão nghe tôi chăng
Lão nhìn chi lão nhìn chi giữa vừng trăng rụng vừng
Một mai có lịm giữa rừng
Xin xanh giọt máu trên vừng trăng xưa.

TÔI

Tôi đứng nhìn mây bay dưới dòng nước chảy
Tôi thấy một người đang nhìn mây bay

TIẾNG KHÓC

Một mai kia khi mạch đời đã cạn
Âm u ơi xin hãy rước tôi về
Hãy dắt tôi bằng đôi tay mềm dịu
Tôi sẽ cười sẽ hát giữa hôn mê

Tiếng hát tôi tà huy sẽ hóa xanh
Sẽ dễ thương như ngọc quý an lành
Tôi sẽ lịm dần đi cùng tiếng hát
Như mây cao dần mỏng giữa bình minh

Hãy dìu tôi lên khoang thuyền lạ ấy
Cho tôi được ngồi dựa thẳng sống lưng
Cho tôi nói với những hồn đồng hội
Rằng hãy nhìn tôi với ánh mắt êm đềm

Hãy đưa tôi đi về một hướng nào
Có mây trắng hiền từ trên cao
Có hoa trắng rọi hồn tôi trắng trắng
Để nhớ thương về một hôm nao...

Âm u ơi xin đừng cất tiếng
Gọi tên tôi mà buồn cả Thời gian
Sẽ dò dẫm, tôi đi tìm tiếng khóc
Tiếng trẻ thơ nào tai đã rất quen

Âm u ơi tôi xin thâm tạ
Tôi đã tìm ra tiếng nói của thiên thu
Tiếng khóc sơ sinh hơn một lần tôi đã
Và ngày mai tôi lại sẽ bắt đầu

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

HUẾ TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

Đại lễ Phật đản tại Huế

Sáng nay, ngày 9.5.2009 (nhằm ngàyRằm tháng Tư Âm lich) , tại chùa Từ Đàm - thành phố Huế, đông đảo tăng ni cùng hàng ngàn tín đồ phật tử đã tham dự đại lễ Phật đản Phật lịch 2553.
Tại buổi lễ đã diễn ra các nghi thức dâng hương, hoa đăng cúng dường lên Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong ngày đản sanh, đọc thông điệp Phật đản Phật lịch 2553 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Diễn văn Phật đản của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tối cùng ngày, khoảng một trăm thuyền hoa lộng lẫy của phật tử các huyện, thành phố Huế và các tự viện, phật học viện, niệm phật đường trong tỉnh sẽ diễu hành trên sông Hương để cúng dường, phóng sanh, thả hoa đăng, nguyện cầu thế giới hòa bình, đất nước phồn vinh, chúng sanh an lạc, hạnh phúc.

Hòa thượng Thích Đức Phương - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự tỉnh Giáo hội, Trưởng Ban Tổ chức đại lễ Phật đản chủ lễ - Ảnh B.N.L
Bùi Ngọc Long

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 22

Nhà thơ
Chu Sơn
Không chốn dung thân

Nhà thơ Chu Sơn tên thật Trần Huệ,sinh năm 1943 ,quê quán Mỹ Lợi,Phú Lộc,Thừa Thiên - Huế ,hiện sinh sống tại thành phố HCM .Ông xuất hiện rất sớm trên văn đàn miền Nam từ đầu thập niên 1960 thế kỷ trước.Thời gian này ông đã cho ra mắt Tập thơ Quê Nhà như một lời tiên tri về cuộc dấn thân vô định của ông. Một xã hội hoàn hảo mà ông hằng mơ tưởng đã biến ông trở thành một người cô độc,không chốn dung thân..


LÊN HẢI VÂN SƠN

Xe men theo dốc lên cao
Trước sau khói phủ tưởng vào non tiên
Thôi em rủ hết ưu phiền
Thôi anh quên hết những miền cát bay
Từ đây trái đất ngừng quay
Thiên thai đã ở trong tay ta rồi

TỪ HẢI VÂN SƠN ĐI XUỐNG

Ngở rằng quê quán là đây
Dè đâu xe điện liền dây kéo còi
Thiên thai đã mất đây rồi
Rưng rưng xóm lá bên đồi khói xe
Trông ra mặt nước đỏ khè
Trường sơn máu đổ biển nghe rầu rầu
Xe men triền dốc chẳng lâu
Xuống miền sỏi đá thấy đầu lóc lăn
Em dù che mắt bằng khăn
Ngày kia anh chết xác quăng trên đồi
Đêm nghe tiếng cú tuyệt vời
Thì anh đã bước lên trời hư vô

CHIỀU KHOẢ THÂN

Em nằm vắt vẻo trong mơ
Suối như ánh mắt lửng lờ khói bay
Tóc xanh ôm chiếc vai gầy
Lưng thon cành huệ vú xây nên đồi
Nguồn nước ẩn chảy không thôi
Ngàn năm trinh tiết sáng ngời trăng sao
Chiều hôm đuổi nắng lên cao
Bâng khuâng em ngắm bóng vào u minh

ÂM VỌNG

Mấy năm lưu lạc chốn này
Dưới dòng nước chảy mây bay qua cầu
Đêm đêm nằm nhớ Khổng Khâu
Bừng con mắt dậy mù đầu cát bay
Giấc nam kha vẫn còn đây
Tuổi đời đã bén nửa giây oan tình
Chùa xa nghe vọng tiếng kinh
Ô hay khúc hát thanh bình đây chăng

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

NGUYỆT CA - HÀNG ĐÀU RỒI BIẾT ĐI ĐÂU


"Hàng đầu" rồi biết đi đâu?

Cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu của những cuộc thi âm nhạc bác học với quy mô toàn quốc, tính chuyên nghiệp đòi hỏi cao như Concours mùa thu hay Thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch toàn quốc 2009 (24 đến 28-4-2009) đã diễn ra và khép lại âm thầm.

Hát thính phòng - nhạc kịch vốn là một loại hình âm nhạc bác học kén người nghe, dù ai cũng thừa hiểu một nghệ sĩ hát được và hát hay thể loại này có thể được đánh giá là đạt đến nấc thang cuối cùng của tài năng, bên cạnh sự dày công khổ luyện tối thiểu cũng 5-10 năm. Có phải vì thế mà dù đã tổ chức đến lần thứ tư, lại là quy mô quốc gia với sự tham gia của 41 thí sinh đến từ tám đơn vị đào tạo chuyên nghiệp trên toàn quốc, nhưng tầm ảnh hưởng của nó đối với công chúng có lẽ không hơn một buổi thi báo cáo tốt nghiệp của một học viện âm nhạc.
Một khán phòng bé nhỏ chưa đầy 500 chỗ lọt thỏm trong Học viện Âm nhạc quốc gia VN mà chưa buổi thi nào kín ghế. Đơn vị tổ chức cuộc thi - Cục Nghệ thuật biểu diễn (kết hợp với Bộ VH-TT&DL, Hội Nhạc sĩ VN và Học viện Âm nhạc quốc gia VN), chỉ tổ chức họp báo hai ngày trước khai mạc, không quảng bá, không apphich treo đầy đường như nhiều cuộc thi âm nhạc khác, thậm chí lịch thi cũng bị dồn sát sao để tiết kiệm thời gian khiến một vài thí sinh căng thẳng ngã bệnh, ngất xỉu ngay tại cánh gà.
Phần trao giải của cuộc thi cũng mờ nhạt và số tiền giải thưởng công bố (cao nhất 13 triệu, thấp nhất 3 triệu) khiến khán giả ngậm ngùi thay cho họ. Dẫu biết rằng động lực chính để tham gia một cuộc thi hát không phải tiền thưởng, mà là để khẳng định mình cho công chúng “biết mặt, biết tên”. Nhưng nghịch lý là những cái tên đã chiến thắng trong cuộc thi này, dù được dân trong nghề kính nể như Đăng Dương, Lan Anh (nhất lần I - 1996), Trọng Tấn (nhì lần II - 2000)... nhưng công chúng lại chỉ biết họ qua những cuộc thi đại chúng hơn như Tiếng hát truyền hình.
Nhiều thí sinh tâm sự giải thưởng trong Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch chỉ như là một kỷ niệm đáng tự hào với bạn bè cùng giới, chứ cũng không khiến cátsê tăng vọt hay sự nghiệp của họ sáng láng hơn bao nhiêu.
Vài năm gần đây khi đời sống kinh tế của người dân VN được nâng cao, những món ăn tinh thần cũng được chú trọng. Đã thấy những cảnh khán giả bỏ tiền mua những tấm vé hàng triệu đồng, ăn mặc sang trọng nườm nượp kéo vào nhà hát xem ca nhạc.
Những thương hiệu lớn tại VN cũng bắt đầu chú trọng làm PR bằng cách bảo trợ cho nghệ thuật, khi sau Hennessy Concert, Toyota Classics, bắt đầu có những Vietnam Airlines Concert, BIDV Concert... với nhiều dàn nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài hoặc nghệ sĩ VN thành danh ở nước ngoài được mời biểu diễn tại VN với những chiến dịch quảng bá rầm rộ, tốn kém hàng tỉ đồng.
Trong khi một cuộc thi chất lượng như Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch toàn quốc, là nguồn khích lệ cho chính những tài năng đang âm thầm khổ luyện học, giảng dạy và làm nghề trong nước thì lại diễn ra âm thầm như thế ngay cả khi khán giả vào cửa tự do.
Những người còn tâm huyết với nền âm nhạc thính phòng - nhạc kịch VN có quyền hoài nghi về những lần tổ chức thứ 5, thứ 10 tiếp tục rơi vào im lặng. Và họ - những người hát thính phòng - nhạc kịch lại tiếp tục ngồi mơ một giấc mơ xa vời về cái ngày được “cháy” cho một nền thính phòng - nhạc kịch chuyên nghiệp của VN

NGUYỆT CA
Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009


thơ
nguyễn miên thảo
tình yêu từ đó sinh thành

em đưa anh đến đồng xa
lúa nhe An Cựu đang mùa trổ bông
ngày mai lúa chín đầy đồng
có em bưng bát cơm lòng rưng rưng
từ trong hạt gạo trắng ngần
vết bầm vai mẹ chai sần tay cha
em ơi nguồn cội quê nhà
ở nơi chốn ấy có ta có mình

tình yêu từ đó sinh thành...

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

BIỂN CHIỀU - HOÀNG THỊ THIỀU ANH



Biển dậy sóng một chiều ta về lại
Muộn phiền dâng kín ngập trong lòng
Mong manh khói, vỡ tan bờ cát mỏi
Mảnh đời xanh, im lặng kết mơ màng.

Chiều lặng lẽ nắng tàn hoang vách đá.
Chân trời xanh biền biệt tít xa.
Một mình ngồi hái bóng chiều cô lẻ,
Sóng ôm bờ-Âm ỉ, cháy tái tê.

Sương mờ mịt, cuối chiều hoa khói sóng.
Cát rã rời mê mãi bờ chân mưa.
Ta cúi gục chờ đêm tàn lạnh.
Quặn thắt lòng nhớ mảnh tình…đã xưa.

Về với biển một chiều trời trở gió.
Thấy lòng ta chông chênh quá nỗi niềm
Mềm môi đắng tháng ngày qua vật vã
Biển chiều trôi- câm lặng chỉ mình ta.


HTTA

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - DỊCH CÚM HEO,ĐẠI NẠN CỦA NHÂN LOẠI!?


Những điều cần biết về cúm heo

Cúm heo đang gây hoảng loạn trên toàn cầu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo nó có nguy cơ gây ra một đại dịch nguy hiểm. Nhiều ca tử vong vì nghi nhiễm cúm heo đã xảy ra ở Mexico. Đến nay,căn bệnh này đã lây lan ra 18 quốc gia . Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh cúm heo.

Một dòng cúm chưa bao giờ xuất hiện đã trở thành "kẻ sát nhân" hàng loạt ở Mexico và gây nên dịch bệnh ở hàng loạt quốc gia khác. Cả thế giới đang lo lắng vì chủng virus mang tên H1N1 gây ra bệnh cúm heo.
Hãng tin AP tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia về những điều mỗi cá nhân cần biết về căn bệnh mới lạ này:

Cúm heo là gì?

Loài heo đã sản sinh ra một chủng virus cúm của riêng chúng và con người cũng có thể nhiễm nó, thường là sau khi tiếp xúc với heo bệnh. Nhưng không giống như virus cúm heo điển hình, loại virus mới này lây lan từ người sang người. Nó là sự kết hợp giữa virus cúm heo, một số virus cúm ở người và cúm gia cầm.

Cần làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình?

Cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa tổng thể. Khi ho và hắt hơi, nên dùng khăn giấy để bịt miệng, bịt mũi lại và chỉ sử dụng khăn giấy một lần. Nếu không có khăn giấy, hãy dùng khuỷu tay để che miệng hơn là bàn tay. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Trong những lúc không thể, hãy dùng gel rửa tay để thay thế. Nếu đã bị cúm, hãy ở nhà. Nếu trẻ con bệnh, đừng cho chúng đi học.

Virus gây bệnh cúm heo có dễ lây nhiễm hay không?

Cho tới nay, giới chuyên môn vẫn chưa xác định được virus cúm heo chỉ lây nhiễm qua sự tiếp xúc lâu với người bệnh hay rất dễ lay lan. Tuy nhiên, virus cúm nói chung lây khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che kín hoặc khi tay của bạn tiếp xúc với virus rồi vô tình quẹt lên miệng, lên mũi.
Virus cúm có thể sống trên các bề mặt trong nhiều giờ, chẳng hạn như sống trên tay nắm cửa sau khi một người bệnh nào đó hắt hơi vào tay rồi mở cửa.
Giới chuyên môn cho rằng H1N1 có lẽ xuất phát từ heo, nhưng nguy cơ nhiễm bệnh từ việc ăn thịt heo đã được WHO loại trừ.


Có cần đeo khẩu trang y tế không?

Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Mỹ đã khuyên rằng thật ra đeo khẩu trang cũng không có tác dụng gì mấy. Biện pháp phòng ngừa tốt hơn là tránh tiếp xúc gần với người bệnh và tránh các đám đông ở những khu vực đã có dịch cúm. Nhưng khi bạn không thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa này thì cũng có thể dùng khẩu trang.

Bệnh cúm heo có chữa được hay không?

Được, bằng thuốc Tamiflu hoặc Relenza.

Có nên uống Tamiflu để phòng bệnh hay không?

Hoàn toàn không nên. Việc lạm dụng thuốc có thể làm cho virus học được cách kháng lại thuốc.

Khả năng mắc bệnh của mỗi người có lớn hay không?

Với công chúng nói chung, nguy cơ đó là thấp, trừ phi bạn sống ở Mexico. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh trên thế giới đều đã đến Mexico.
Nguồn: Thanh Niên Online

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009

Mừng Đại lễ Phật đản 2009

Cùng với cả nước,sáng nay 2.5 ( ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch), Đại lễ Phật đản 2009 đã bắt đầu với hàng ngàn Phật tử đổ về các ngôi chùa ở TP.HCM để dâng hương tưởng nhớ ngày Đức Phật đản sinh, đồng thời cầu sức khỏe, hạnh phúc, bình an...


Lễ Phật Đản tại chùa Phật Bửu và chùa Khánh Long -quận 4

Nguồn :Thanh niên Online

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 21

nhà thơ
Phan Nhự Thức
thơ với người xưa đi biền biệt

Nhà thơ Phan Nhự Thức tên thật Nguyễn Văn Minh,sinh năm 1943 tại Đà Nẵng,quê nội Quảng Ngãi,ông còn có bút danh Mê Kung.Thơ ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam giữa thập niên 1960 thế kỷ trước.Thân phận ,cuộc sống ,quê hương,chiến tranh,tình yêu,bạn bè là đề tài sinh động trong thơ ông .Sau năm 1975,cũng như nhiều văn nghệ sĩ bạn bè đồng trang lứa,cuộc sống ông vô cùng khốn khó,lại thêm chứng bệnh nan y hành hạ,ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1995 tại Sài Gòn .
Đã xuất bản : Đốt Tuổi,thơ,Ngưỡng Cửa,1969

CÕI TÌNH XUÂN

nhân danh thơ phục hồi ta và bạn
người bạn tình rong ruổi cõng trên lưng
theo vạt nắng đầu ngày vừa nguyên đán
em cựa mình da thịt bỗng vang lừng

bởi khắc khổ ta một đời khép kín
em co ro gió tạt cuối hiên buồn
những nhát cuốc, ngờ đâu, tay bịn rịn
đất bật lên từng đóa lệ trào tuôn

thôi hãy xếp khối tình sầu hữu hạn
hãy cùng ta túy lúy trận phong trần
đêm động phòng rượu tràn qua xứ bạn
một đường bay tình vút khỏi tay nâng

núm ngực hồng thở từng hơi thơm phức
buổi quay về hạnh ngộ cuối trời đêm
ta tóc bạc cũng nghe lòng hừng hực
trời còn xuân ta còn lửa tình, em

LÂM CHIẾN

Anh em bằng hữu bây giờ
Chia phe đảng với súng cờ hai tay
Còn riêng ta đứng giữa này
Tránh sao được đạn đang bay vèo vèo
Thôi chừ ta cũng đi theo
Đầu quân đứng gác lưng đèo cho vui
Dù rưng rưng lệ ngậm ngùi
Tay này xin hãy châm ngòi chiến tranh
Dù nhìn rõ mặt anh em
Vì ta ta bắn tan tành cả ta

QUẢNG NGÃI 1964

nắng Quảng Ngãi tôi về không mũ đội
trời tháng năm gió núi hạ Lào bay
thành phố ấy buồn như người xế tuổi
cuộc sống quanh năm khổ luống đất cày

từng kỷ niệm bây giờ lên tiếng gọi
giọng thổi buồn đêm sông Vệ không trăng
cát Trà Khúc theo sầu bồi lấy tuổi
tôi cúi đầu đời sống lạnh như băng

đất mẹ đó đã đau bầm kháng chiến
giờ thân già bão lụt lại hành hung
trong đời sống bấp bênh ngày tháng lụn
tôi nhìn em đau xót nói không cùng

đêm Nghĩa Hưng trời mịt mờ lửa đạn
chiều Ba Gia xác chết chật đường làng
ôi kiếp sống bơi quanh bờ hữu hạn
tìm tương lai trong hiện tại kinh hoàng

quen thanh bạch từ khi còn tấm bé
biết gì đâu lừa đảo bán buôn lường
với tuổi đó chưa đáp đền cha mẹ
nói làm chi đến món nợ quê hương

lũ em nhỏ mỗi lần không học phí
trường đuổi về nằm khóc đợi trông anh
(tôi bỏ học lang thang cùng phố thị
thả đời trôi nên năm tháng lênh đênh)

tôi đánh mất tình yêu từ dạo đó
và lớn khôn từng nỗi xót xa này
bán chữ nghĩa như rau khoai ngoài chợ
vẫn đói nghèo bạn hữu mãi cho say

tôi khôn lớn từ ruộng đồng Quảng Ngãi
lấy đau thương làm sữa mớm thơ mình
thành phố ấy với những gì còn lại
tôi ấp vào lòng đôi mắt lệ lung linh

THƠ TÌNH VIẾT TRONG TRẠI CẢI TẠO

Đã cạn dòng thơ từ buổi đó
Buổi xa rừng chim cất giọng khan
Chiếc lồng nhỏ đời giam bé nhỏ
Cõi ngoài, mơ là dấu chấm than!

Đã hết thuở trăng sao xao xuyến
Nắng bâng khuâng nhớ sáng thương chiều
Mây thôi gọi gió, tình thôi hẹn
Tháng năm qua đời xoá chữ yêu

Chỉ còn lại mẫu đời giản lược
Hòn sỏi kia giạt bãi ngậm ngùi
Phơi lòng khô con kênh khô nước
Mặt mù sương vàng vọt tuổi người

Chỉ còn lại muổi ruồi ve vãn
Nỗi buồn dài buồn tủi thịt da
Mắt sâu thâm giữa đời chờ sáng
Một người tù tưởng vọng thiết tha

Tưởng như thế cho qua ngày tháng
Bỗng một hôm trở gió bâng khuâng
Nỗi tình cờ vẫy tay lãng mạn
Thơ từ đâu, đậu xuống tim chàng

Tóc người bay lao xao dưới phố
Thoảng hương thơm theo gió bay cao
Gọi nỗi tình cõi ngoài sương gió
Về nâng niu đời đã tiêu hao

Xưa làm thơ yêu em nắng dịu
Mưa bay chưa ướt vở học trò
Giờ làm thơ yêu em nắng gắt
Mưa tạt lòng lệ xuống co ro

Dù có thế nào thơ vẫn thế
Xin nâng ly mời rượu ân cần
Tình chếnh choáng bước lên cuộc sống
Bồng em qua tay vẫy mùa Xuân


TIN MỪNG MỘT MÙA XUÂN

Ngồi bó gối, Ta mời Ta hút thuốc
Đón giao thừa đốt cháy lụn ưu tư
Cuộc đời buồn có thói buồn quen thuộc
Búng tàn hoài, sợ để ngón tay dư.

Khi cô quạnh muốn vuốt ve nỗi nhớ
Ngón tình khô buồn thẹn bàn tay khô
Tàn thuốc hết, búng sầu đi không hết
Ta gõ lòng Ta lạnh đến hư vô.

Khi khổ quá muốn trở thành tàn thuốc
Nhờ tay ai thả xuống cõi vô cùng
Khi hờn tủi muốn được làm ngọn lửa
Đốt bài thơ cho cháy núi cháy rừng.

Khi thất chí muốn làm tên du thủ
Xách tình sầu xuống núi hát nghêu ngao
Cả thành quách bềnh bồng say tuý luý
Say cho tàn cho mạt kiếp phù du.

Khi kết cuộc muốn chạy tìm tráng sĩ
Ai mài gươm nghe nghiêng ngửa bệ rồng
Bởi thiên hạ thèm moi gan bạo chúa
Nên thơ Ta máu cuồn cuộn từng giòng

Khi bút cạn, gươm cùn, chim sa lưới
Dẫu văn chương cũng chỉ để ba hoa
Ta vẫn phải làm thơ cho phỉ chí
Dựng tửu lầu nghinh đón khách Kinh Kha.

Khi chiếc củ mì cần hơn lý tưởng
Thì hào hùng cũng chỉ tựa bóng ma
Ta vẫn phải làm thơ nuôi cuộc sống
Cuộc sống khô dần trong mỗi chúng ta.

Khi giao thừa đã khởi đầu năm mới
Loài hoa kia vừa nở nụ mùa xuân
Ngồi bó gối thêm tủi thân thêm tội
Bởi vì Ta thơ thân tặng mùa xuân

NGỒI LẠI BÊN VƯỜN

Thơ với người xưa đi biền biệt
Vẹt gió du hành xóa dấu chim
Lưởi kiếm phong trần ai tuẩn tiết
Tràn cười ràng rụa xé trăng im

Người xưa từ dạo mơ bất tử
Mượn thuốc trường sinh bón xác phàm
Đành đứng ôm chân bờ lưởng lự
Tóc rụng đầy hồn trắng túi tham

Người xưa từ buổi khoe xiêm áo
Kiếm hiển vinh đâm xuống tim sầu
Khanh tướng nửa chừng rơi giáp mão
Chống cuốc nhìn lên mây biển dâu

Người xưa từ độ ôm trăng chết
Rượu ngập nhân gian túy lúy sầu
Thơ thét lên rạng ngời sông nước
Cơn say còn chếnh choáng ngàn sau

BÀI TÌNH BUỒN

Người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận
Nón che nghiêng nên chẳng thấy tôi buồn
Ngày bốn bận nhớ thương tôi đúng hẹn
Đứng đợi chờ nón trắng với tay thon

Mười ngón tay thon của người con gái
Mười đắn đo suy tính chuyện ân tình
Tôi nhìn thấy tay người chưa nhẫn cưới
Vẫn ngại ngùng khi trao gởi thư xanh

Tờ thư xanh ấy xanh xanh màu nước biển
Xanh như màu áo ấm của người yêu
Nằm trong sách vẫn thơm mùi ước hẹn
Ngát tình thơ vừa nhớ sáng thương chiều

Người vẫn thế áo học trò vẫn trắng
Guốc thời trang kiêu hãnh bốn mùa cao
Bàn chân thon e dè trên biển cát
Đêm chờn vờn tình ái rộn chiêm bao

Tôi cơm áo bây giờ xa sách vở
Tuổi phiêu bồng rơi rớt một mùa xuân
Thơ tình ái thôi bướm vàng cánh vỗ
Còn tâm hồn: một gốc rạ cô đơn

BÀI THƠ CUỐI CÙNG

Vẫn vạt nắng long lanh cùng gió mới
lá xanh tươi vươn đón buổi khai mùa
cây mai già trỗ hoa vàng phơi phới
giọng con cười thơm phức tìếng chào thưa

ta trằn trọc suốt đêm dài đợi sáng
dấu cơn đau vội vã mở tay choàng
Con lên tám mắt cười tròn khoan rạn
mừng tuổi con ta chúc chóng lớn ngoan

đất dẫu cằn tre nguyện che măng mọc
bỗng vô tình định mệnh chém ngang vai
tre bật gốc rồi gió mưa tới tấp
mẹ dìu con lầm lủi trọn đêm dài

trời đất mãi xoay vần nên chẳng biết
xuân cứ về hoa nắng vẫn long lanh
mai nở vàng cây đâm chồi lá biếc
có ngờ đâu mạch đất nứt tan tành

tre chưa già đành chờ ngày bật gốc
cõi vô thường cõi độ lượng bao dung
biến đất phì nhiêu bón măng mới mọc
đóa tre xanh vươn trọn cuộc vô cùng

thơ ta nguyện rạng từng lời khai bút
con xếp giùm tiền mừng tuổi đầu năm
quấn quít bên ta vẫn cười vẫn hát
dẫu nan y bệnh nghe nhẹ ta nằm

mặt trời lên chiếu măng đời ngà ngọc
chim tập truyền vừa thả một tin vui
con hãy ra vườn, cao tay hái lộc
cắm vào thơ ta xuân đỡ ngậm ngùi