Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - VĂN HOÁ BÀI TIẾT


Những con số đáng lo

Mới chỉ qua một đợt kiểm tra của Bộ GD-ĐT vừa tiến hành ở 14 tỉnh thành đã cho thấy những con số đáng lo ngại: ở những địa phương này có tới hơn 3.000 trường học không có nhà vệ sinh (NVS) hoặc NVS không đảm bảo chất lượng, chiếm gần 30% trong tổng số trường học được kiểm tra. 3.000 ngôi trường nghĩa là có cả triệu HS phải khổ sở vì chuyện “NVS có cũng như không”.

Nhưng kết quả kiểm tra của Bộ GD-ĐT có lẽ cũng mới chỉ là kết quả khảo sát đo đếm tình trạng cơ sở vật chất bên ngoài.
Còn chất lượng môi trường thật sự của những NVS trong trường học có lẽ khó có con số nào phản ánh nổi nếu chúng ta áp dụng những thước đo cụ thể, thiết thực hơn như: hiện nay bình quân bao nhiêu HS dùng chung một NVS, mức độ sạch sẽ đến đâu, có nước sạch cho HS rửa tay sau khi đi vệ sinh hay không? Trên thực tế, ngay cả ở Hà Nội, TP.HCM... - những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất để tìm được một ngôi trường bình thường có NVS không bốc mùi nồng nặc cũng đã hiếm.
Nhưng không biết có phải vì đây là chuyện tế nhị hay chỉ là chuyện nhỏ so với chuyện học hành, tiếp thu kiến thức của trẻ ở trường mà câu chuyện NVS chưa bao giờ được giải quyết đúng mức từ mọi phía. Ngành giáo dục có lẽ lâu nay còn phải lo đến những chuyện to tát hơn như chương trình, sách giáo khoa, chất lượng giáo viên... mà chuyện NVS chưa được các cấp quản lý giáo dục quan tâm thích đáng.
Trước đây còn khó khăn, trường sở tạm bợ đã đành. Nay khắp nơi trường lớp được kiên cố hóa, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng nhưng chất lượng NVS trong trường học thì chưa chuyển biến mấy, thậm chí nhiều trường còn xuống cấp hơn do quá tải vì đông HS hơn, HS học bán trú cả ngày... Thậm chí ở nhiều ngôi trường mới xây, khi thiết kế, phê duyệt thiết kế và kinh phí xây dựng, người ta cũng có thể... quên xây NVS cho HS.
Rồi đến nhiều trường học có thể nhận thấy thường có hai khu NVS riêng biệt: khu dành riêng cho giáo viên và khu dành cho HS. Khu của giáo viên, HS không được dùng chung, bao giờ cũng sạch sẽ và thậm chí còn có khóa. Có phải vì không phải chia sẻ nỗi khổ với HS nên bản thân những cán bộ, giáo viên trực tiếp làm việc trong trường cũng không thật sự quan tâm giải quyết vấn đề này?
Cuối cùng, không thể chỉ nói đến trách nhiệm của nhà trường, của ngành giáo dục mà còn phải nói đến trách nhiệm của chính các bậc phụ huynh. Có lẽ phần lớn phụ huynh chỉ quan niệm trường là nơi con em mình đến học kiến thức mà chưa thật sự ý thức được rằng đó cũng là một môi trường sống, nhất là đối với trẻ mầm non và tiểu học bán trú ở trường từ sáng đến chiều, một khoảng thời gian nhiều không kém ở nhà với những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Đi học, con em chúng ta cần một môi trường trong sạch không chỉ theo nghĩa bóng mà cả về nghĩa đen. Nếu các bậc phụ huynh, hội phụ huynh lớp và trường thật sự quan tâm, thường xuyên kiến nghị, giám sát và chung tay cùng nhà trường, chất lượng NVS cho HS chắc chắn sẽ không thể tồi tệ đến vậy.
NVS không phải chỉ là chuyện mỹ quan, đó còn là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý của HS. Đến trường để học nhưng con em chúng ta sẽ không thể thoải mái tiếp thu kiến thức, trọn vẹn niềm vui học hành nếu vẫn phải thường xuyên đương đầu với nỗi sợ mang tên “NVS”. Bộ GD-ĐT đang tiến hành cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện. Có lẽ trong rất nhiều việc đề ra với mong muốn làm ngôi trường trở nên thân thiện hơn với HS, ngành giáo dục đừng xem đó là chuyện nhỏ nữa mà nên ưu tiên giải quyết vấn đề rất thiết thực này.
THANH HÀ

Nguồn : Tuổi Trẻ Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét