Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

BỊP NHƯ VẬY MỚI ĐÁNG BIP - PHIẾM ĐÀM CỦA TRẦN BẢO ĐỊNH


Ông ta người làng Mỹ Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Học xong lớp ba, nghỉ học phụ mạ lo kiếm miếng ăn từng bữa. Hồi ấy, bà con trong làng ai cũng thích ông. Nhất là, cái giọng đọc truyện tàu mang theo biểu cảm như đào kép đang diễn tuồng tích. Mỗi đêm, mấy bà sồn sồn tụ ở nhà mạ ông, nằm nghe ông đọc truyện:Khi thì, Tiết Nhơn Qúy chinh đông; lúc thì Tiết Nhơn Qúy chinh Tây...Cứ vậy, ngày nầy tháng nọ, bất kể những đêm mưa dầm gió bấc. Cả làng ghiền truyện tàu, ông ngày càng có giá. Nghe đọc truyện là, thú tiêu khiển của dân nghèo nhà quê sau một ngày làm lụn vất vả.
Mạ ông khéo đẻ ra ông, thời gian thúc ông nhổ giò trổ mả. Cao một thước bảy mươi tám, vai u thịt bắp, chắc nuội. Trông mà bắt ham. Mắt to, lòng trắng đen rõ ràng, đôi mắt như lúc nào cũng cười luyến lái. Mấy bà bạn mạ thường đùa, cái thằng nhỏ nầy mai sau mần chết gái(?). Nhân trung rộng mở, gò má đầy nhưng thiếu đặn, mũi dài giống dọc dừa, lông mày rậm, giữa hai lông mày được gọi là ấn đường no vung sẽ có quý nhơn giúp đỡ, ước vọng dễ đạt thành. Môi mỏng, cằm hơi dài khiến người đối diện vừa muốn tránh mà chưn thì lui bước chẳng đành.
Tôi phải viết dong dài về ông vì, đúng như người xưa dạy:Nhìn mặt mà bắt hình dong. Những sắc diện bên ngoài của ông, nó ứng gần như giống cuộc đời ông sau nầy. Lâu dần, ông có tiếng trong làng:Người thuộc làu làu truyện tàu và có giọng đọc đầy uy lực ma mị. Ông nhập tâm truyện tàu, điều suy nghĩ trong đầu ông có khác chi điều suy nghĩ của những kẻ nổi danh ''thuyết khách'' Ngô Khởi, Quản Trọng, Trương Nghi, Tô Tân...kể cả Chung Ly Vô Diệm nữ thuyết khách đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa-có thể nói, không sợ sai-cũng là, nữ thuyết khách đầu tiên của thế giới. Ông luôn nghĩ mình là thuyết khách và nuôi tham vọng tước bá, tước vương. Tham vọng lớn dần theo số tuổi đời của ông.
Khi ông bước vào tuổi mười chín, đôi mươi; người ta thấy ông khi ôm cuốn tự điển Larousse, lúc cặp nách quyển La Naussé của Jean-Paul Sartre ...trà trộn ở giảng đường Đại Học Văn Khoa, Huế. Sau nầy, dân Huế mới té ngữa ra rằng, ông mần mật vụ của Cố Cẩn(1)theo dõi phong trào học sinh-sinh viên Huế.
Tháng 3 năm 1963, tình hình chính trị Triều Ngô rối như canh hẹ và có thề, đi vào ngõ cụt. Cố Cẩn muốn giúp anh mình, nên chọn và giới thiệu ông vào Sài Gòn do Nguyễn Tư Thái tự Thái Đen (Trưởng đoàn công tác đặc biệt) dẫn vào trình diện Tổng thống Diệm. Dưới mắt Cố Cẩn, ông là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Tổng Thống Diệm tin Cố Cẩn và vì, xuất thân Nhà Nho am hiểu truyện tàu nên mê miệng lưỡi kiểu ''thuyết khách tàu'' của ông. Cố vấn Nhu thì ngược lại, nửa tin nửa ngờ. Ông đâu biết rằng, ông đụng phải hòn đá tảng Tây học-tốt nghiệp Cử Nhân Cổ Ngữ, loại xuất sắc- sử dụng tiếng Tây giỏi hơn tiếng mạ đẻ. Một tay tham vọng, một lý thuyết gia ''Cần lao nhân vị'', một trụ cột ''bất khả ly'' của nền Đệ nhất Cộng Hòa...Một cuộc đối đầu ''trí khôn'' giữa Đông và Tây vô tình diễn ra. Tàu và Pháp, ai đè bẹp ai?
Cố vấn Nhu giao ông đi kinh lý 22 tỉnh, thời hạn một tháng, tổng kết báo cáo và hiến kế sách ''Chương trình bình định hóa nông thôn''(2). Mặt khác, Cố vấn Nhu cho người giám sát chặt chẽ ông. Hình tướng bề ngoài không lấp liếm nổi cái thực bên trong, bất quá giỏi lắm là lừa được gái tơ hoặc gái góa, chớ không thể che giấu nổi cặp mắt ''trí thức'' của Cố vấn Nhu. Ông đi kinh lý các tỉnh cùng đoàn tùy tùng chưa tới mười ngày, uống chưa được 20 chai Hennessy XO thì, bị Cố vấn Nhu triệu về bắt giam. Đó là, buổi trưa định mệnh 27.5.1963. Qủy kế của các ''thuyết khách tàu'' bị đè bẹp dưới gót giày ''trí thức Tây''(!?)
*
Trời cứu ông hay ông quá may mắn?Có lẽ, chỉ có Phật, có Chúa mới rõ. Anh em Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu bị trói thúc ké, bị bắn và bị đâm nhiều nhát dao hận thù, nằm chết co quắp trong lòng xe Thiết vận xa, máu loang ướt cả mặt sàn.
Ông nhếch mép cười, ung dung bước ra khỏi khám đường Chí Hòa trưa ngày 1.11.1963. Buổi chiều cùng ngày, ông trở thành ''chính khách'' chống triều đại Nhà Ngô; những ngày ngồi tù Chí Hòa do ''bịp'' Cố vấn Nhu, giờ là số má ''thành tích'' đương nhiên không tranh cãi! Sáng ngày 2.11.1963, ông ''gài độ''(xin lỗi, có thù lao không thì chẳng biết) nhà báo N. phỏng vấn ông. Tiếng tăm ''người Phật tử kiên cường chống nhà Ngô bị giam cầm.Nếu đảo chánh trễ, ông bị Nhu thủ tiêu(?)''bay chạm vào màn nhĩ người hùng Dương Văn Minh. Đại tướng Minh nhờ thầy H. tìm giúp người vừa trả lời phỏng vấn trên báo T,C sáng nay. Thầy H gặp ông trao đổi, ông bịp rằng:Sẽ gặp Đại tướng sau, giờ còn bao việc phải làm ''nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!'', kinh điển tàu đã dạy như vậy. Tôi đương đôn đốc anh em giật sập tượng ''Rồng cái và rồng con''(3)đội lớp Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh. Báo chí Phương Tây và trong nước đua nhau chụp ảnh, viết tin ''hào khí Sai Gòn''lật đổ gia điình trị họ Ngô. Chỗ nào, ông cũng tranh thủ đưa ''cái mặt đẹp trai như tài tử xi-nê'' ra trước ống kính.
Thầy H. trình nội dung trao đổi với ông cho Đại tướng Minh nghe. Và, không quên nhấn mạnh câu:''Nhổ cỏ phải nhộ tận gốc!'' Đại tướng Minh nghe thầy H. trình xong cho lui. Một mình trong căn phòng rộng thênh thang ở Bộ Tổng, Đại tướng Minh chấp hai tay sau đít, đi tới đi lui, đầu cúi xuống như người nhà quê thường nói ''lượm bạc cắc'', miệng tủm tỉm cười đắc ý: Sao lòng nó nghĩ giống ta thế? Rồi, Đại tướng lẩm nhẩm:''Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!''.Trời giúp ta gặp hiền nhân!
*
Ông ngồi rung đùi, nhịp giò, tay vuốt mấy sợi ''lông tài''mọc trên cái nốt ruồi càm trái. Đại tướng Minh chính thức nhận ông là con nuôi và, còn sáu ngày nữa, Đại tướng đứng ra làm chủ lễ cưới vợ cho ông. ''Trời ơi, đời tôi sao mà đã quá!'' Vợ ông, Dược sĩ L.M đã ''một thời vang bóng'' hoa khôi trường Dược Sài Gòn. Tội nghiệp Thẩm phán LĐK yêu Dược sĩ L.M gần phát điên, đành ngậm ngùi nhìn người yêu bước lên xe hoa với ''người con nuôi Đại tướng''.
Lễ cưới do Đại tướng chủ hôn, đủ mặt bá quan văn võ của Sài Gòn thời đó. Đúng là, ''tài phấn thổ, số tựa thiên kim''. Số thắng tài, xưa nay đầy rẩy trong sử sách kể cả đời thường. Nhiều đêm ông ngồi uống rượu một mình, chiêm nghiệm theo kiểu Ngô Khởi chiêm nghiệm sau khi cắt đầu vợ tạo niềm tin đối với Chúa công: Đại tướng Minh tin ta vì, thần cốt con người Đại tướng là võ biền, chơn chất chớ, gặp tay trí thức ham đọc sách hơn ham ôm vợ, chắc là ông đã đi bán muối.
Thương cánh hoa tràn hương, đầy sắc lấy phải ''thằng chồng'' vừa dốt, vừa nát học đến lớp ba trường làng thì dứt. Được cái mả, được cái giường chiếu hì hục như trâu...Nỗi chán chường và sự lạnh cảm kéo lê thê trong tâm hồn người nữ trí thức...cho đến khi bà nở nhụy khai hoa, đứa con gái đầu lòng ra đời tên ĐP...thì, người cha nuôi của chồng cũng vừa bị Hội Đồng Quân Nhân đuổi đi làm Đại Sứ lưu vong.
Bà buộc ông ra tòa ly dị, ông ràng bà không được tố cáo đời tư của ông. Cả hai đồng thuận ký giao kèo. Chia tay!
*
Bịp trong truyện tàu chỉ bịp được kẻ nào ''nhắm mắt nhắm mũi, cả tin'' và tâm bệnh mê tín. Công bằng mà nói, chẳng cha nội nào ''nhắm mắt nhắm mũi, cả tin''đâu. Bởi, cùng một lò ra. Có điều, sách tàu truyện tàu đều dạy kẻ đi ''thuyết khách'' phải điêu luyện: đút lót (hối lộ) và gái gú (mỹ nhân kế). Không điêu luyện sử dụng hai món tuyệt chiêu đó thì, ở nhà nấu cơm cho vợ tốt hơn là đi ''thuyết khách''. Nói huỵch toẹt, ''thuyết khách'' chính là Bịp!
Lúc mang danh con nuôi Đại tướng, ông lăn xăn đón chính khách nầy, tôn giáo nọ; giúp thăng quan tiến chức một số '' tướng tá cơ hội''. Kết quả thế nào không biết, nhưng phần đông thấy mình chịu ơn với ông. Trong số nầy, có Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Sư trưởng Sư 5 BB đóng ở Lai Khê.
Nghe tướng tá Sài Gòn xì xào, Đại tá Thiệu chần chờ tới giờ thứ 25 mới gật đầu tham gia mần thịt nền Đệ nhất Cộng hòa! Vì sợ Đại tướng nghi ngờ, Đại tá Thiệu đích thân đến diện kiến ông tại tư gia. Cả hai đều ghiền chuyện tàu, mê đàm luận binh thư Tôn Tử...và giống nhau đa nghi. Chỉ khác nhau, Đại tá Thiệu ''mê tín'' dù bản thân ''đạo theo'', còn ông thì không.
Kể từ lần gặp đó, hai tháng sau Đại tá Thiệu mang lon Thiếu tướng. Mỗi lần chạm mặt nhau, ông cười cười và bắt tay Thiếu tướng Thiệu. Hẳn là nhờ ông, Thiếu tướng Thiệu nghĩ vậy.
Sài Gòn sau 1.11.1963, như cái rọ nhốt ''anh hùng hào kiệt tranh bá đồ vương trên đỉnh núi Quyền lực''. Đã xảy ra 10 cuộc ''thư hùng'', 4 đời Chính phủ dân sự(4) từ khi Tổng Thống Diệm và bào đệ Nhu chết. Đến ngày 14.6.1965, Chính phủ Phan Huy Quát giải tán; Quân đội thành lập Uỷ Ban lãnh đạo Quốc gia do Trung tướng Thiệu (Lúc ấy, đã dược thăng Trung tướng) và Thiếu tướng Kỳ
lãnh đạo đến hết tháng 9.1967 chuyển sang nền Đệ nhị Cộng hòa và chấm dứt ngày 30.4.1975.
Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu muốn dùng ông làm ngọn cờ lôi kéo nhân sĩ, trí thức Miền Nam về phía mình và có lẽ, trong thâm tâm Thiệu muốn trả cái ơn cũ đối với ông(?). Chủ tịch Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đồng ý và chỉ đạo thành lập Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam, giao ông làm Viện Trưởng (lâm thời).
Từ đó, trong giới trí thức, học giả biết tới ông có 2 bằng Tiến sĩ ở nước ngoài (chẳng biết có không, thiệt giả) và mỗi khi có dịp gặp ông, hầu như tất cả đều cung cúc vâng, dạ:Một thưa giáo sư, hai thưa giáo sư đối với ông, kể cả các ngài Viện Trưởng Viện Đại Học:Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Cẩn Thơ...
Với con người trình độ học lực lớp ba, học lóm năm ba miếng võ bịp trong chiêu thức ''mưu ma chước quỷ'' truyện tàu mà, xin lỗi, đã ''hô phong hoán vũ'' khiển một rừng đa đề cổ thụ học từ Âu-Mỹ. Chuyện như đùa, có thật mới đau!
Sau ngày hòa bình, có người hỏi ông mần sao ''lấy vải thưa che mắt thánh'' được?Ông cười ngất, rung rinh cái bụng mỡ: Đâu cần tới vải thưa, bởi đâu có mắt thánh. Chỉ có mắt háo danh, xu nịnh, choáng ngợp ánh hào quang, dù đó là thứ hào quang của đồ nhôm dỏm do ánh sáng mặt trời phản chiếu. Hồi nhỏ ba mạ dặn:Dốt dựa cột mà nghe, mình sử dụng có sáng tạo:Ngậm miệng ăn tiền. Mọi việc, biên bản hội nghị có dàn trợ lý, thư ký lo. Mình chỉ mỗi việc ký tên.
Thì ra là vậy!
*
Sự đời, sông có khúc, người có lúc. Ở người, ''hơn nhau chỉ một chữ thời'' bởi, bôn ba không qua thời vận. Nếu ông biết dừng đúng lúc, ông sẽ là ''thần bịp'' hơn ''thần bài''. Cậu Hai Đạo Dừa nghe ''tiếng tăm lừng lẫy'' về ông, song chưa có dịp diện kiến. Cậu Hai cho người đến thỉnh ông đến Cồn Phụng một chuyến để cỡi mở tấm lòng và bàn chuyện ''Quốc gia đại sự: 7 ngày hòa bình, thống nhất đất nước!?''. Nhiều người nghe lạ tai, hỏi cậu Hai mần sao trong 7 ngày giải quyết được hòa bình, thống nhất đất nước?Cậu Hai khịt khịt mũi, mắt ngó xuống sông Tiền nhìn con nước lớn, rồi nói tỉnh rụi:Cứ việc mời Miền Bắc vô bàn giao là xong, có chi khó?.
Nhiều đêm thao thức, đắn đo. Cuối cùng ông quyết định đi cùng Nguyễn Long Châu xuống gặp cậu Hai. Nói vòng vo Tam quốc suốt ngày, đến gần xế, cậu Hai rũ ông đứng chung liên danh ứng cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 (1971-1976) sẽ diễn ra giữa tháng 9. 1971. Ông nói nửa chơi nửa thiệt, nửa cà tửng nửa nghiêm tức: Thưa cậu, chẳng dám giấu gì cậu, tôi giờ trên răng dưới dái, chỉ có ''khối óc chứa bồ kinh luân'' lấy chi hùn với cậu ra tranh cử?
Cậu Hai phe phẩy phất trần, cười cái miệng móm sọm: Việc ký quỹ 1.000.000 đ (một triệu đồng) tại Tối cao pháp viện(5), việc tìm 40 chữ ký của Dân biểu hoặc Nghị sĩ và 100 chữ ký ủng hộ của các nghị viên Hội đồng tỉnh Cậu lo.
Ông ậm ừ, nhớ câu ''ngậm miệng ăn tiền''. Bởi, ông hiểu tâm địa hơn ai hết, Thiệu ra đòn hư, bày trò chơi dân chủ, chớ đòn thiệt là độc diễn. Dùng những điều kiện ngặt để bắt bí đối thủ. Nguyễn Cao Kỳ còn bỏ chạy, thử hỏi ai ''ba đầu sáu tay'' mà dám đương đầu? Ông rùng mình, khi nghĩ đến cảnh Thiệu thịt ''thằng bạn'' Đại tá hai lần làm Tỉnh trưởng Tỉnh Kiến Hòa, một lần làm Thị Trưởng Đà Nẵng. Có ''Bảo quốc huân chương'' thế mạng và là, Tổng Thư ký Hạ Nghị Viện Trần Ngọc Châu. Ông là cái quái gì, bảo Thiệu nương tay khi theo Đạo Dừa ra tranh cử với Thiệu.
Biết bọn mật vụ Thiệu theo dõi chuyến đi Cồn Phụng, ông chơi bài ''đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn''. Ông xin gặp riêng Thiệu để tường trình, Thiệu im lặng. Sợ quá, ông lặng mất tăm.
*
Dòng đời nghiệt ngã, chỉ có cái chết là bình đẳng nhau. Mạng không giữ được thì, thế gian có cái chi ta giữ được? Tôi viết câu chuyện về ông, bằng những nét chấm phá như tranh thủy mạc của tàu, không nhằm bêu rếu hay có ý thất kính với ông mà, xin thưa ông, nó như là bài học cảnh giác ''Bịp''. Cố nhiên, mỗi thời mỗi khác, chẳng có cái bịp nào giống cái bịp nào. Chuyện cá nhân là vậy, chuyện nhân quần xã hội còn ghê gớm hơn.
Nghe những người cao niên trạc thời ông nói lại, mấy mươi năm nay ông ''ngậm miêng'' không phải để ''ăn tiền''. Ngậm miệng để giấu tông tích, để quên cái thời nông nổi của kẻ bắt chước mưu kế, thủ đoạn của ''thuyết khách tàu''. Ông chơi với chó, rồi bán chó ở miệt Chợ Lớn, như là bán sự trung thành cho thiên hạ, phải không ông?
Tôi không đành viết rõ họ tên ông. Bởi, dẫu gì ông cũng là một con người. Với tôi, bịp như vậy mới đáng bịp!
Thảng như, bạn nào muốn rõ về ông, xin gặp Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo. Hẳn ông, không thể nào quên người ''bạn nhỏ'' đồng hương, Thảo Huế!
TRÀN BẢO ĐỊNH
(1)Ngô Đình Cẩn
(2)Giai đoạn 3(1961-1963) đòn bẩy cho ''Quốc sách Ấp chiến lược''
(3) Bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy.
(4)Chính Phủ dân sự sau cuộc đảo chánh 1.11.1963:
a/ Nguyễn Ngọc Thơ (11.1963-1.1964)
b/ Nguyễn Khánh (1.1964-10.1964)
c/ Trần Văn Hương (10. 1964-1.1965)
d/ Phan Huy Quát (2.1965-6.1965)
(5)Vàng(ròng)thời đểm đó, 7 ngàn đồng 1 lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét