Cuối tháng 3-2015, Công ty
sách Phương Nam vừa phát hành tập tản văn thứ 2 của nhà thơ Võ Chân Cửu: Theo
dấu nhà thơ. Sách dày 270 trang, in đẹp với tranh của họa sĩ Lê Thánh Thư (
bìa1), Lương Trường Thọ (bìa 4).
Cùng “theo dấu nhà thơ”
Sau
“22 Tản mạn” (do NXB Hội Nhà văn & Công ty sách Phương Nam xuất bản, phát
hành tháng 6-2013), tác giả Võ Chân Cửu lại “Theo dấu nhà thơ”-trong đó có bóng
dáng chính mình-để phơi bày nguyên do tạo tác và sự xuất hiện của những bài
thơ trước năm 1975 ở Sài Gòn và các đô
thị miền Nam.
Không chủ trương đi sâu vào khắc họa chân
dung văn học, nhưng ở đây, tính cách các nhà thơ được nhắc đến, ít nhiều cũng
cho thấy nét đặc trưng của dòng chảy thơ ca giai đoạn trên. Đậm nét là những nổ
lực vượt lên những trói buộc của thời thế, thoát khỏi ảnh hưởng người đi trước
để tự làm mới sáng tác của chính mình. Đâu đó, có thể nghe ra sự ngậm ngùi bởi
“được mùa quá ngắn” của lứa cầm bút được định danh vào giai đoạn 1968-1975, trong
đó có tác giả tập sách.
Vẫn với lối viết ẩn dụ, nhiều chỗ mang tính
tự sự, người ta thấy Võ Chân Cửu cố gắng lý giải “thơ chết từ đâu”, và “hoài
niệm xuân xa”. Ở những bài thơ và những nhà thơ được nhắc đến sau cột mốc 1975,
người đọc thấy rõ niềm tin mãnh liệt của tác giả về sức sống mãnh liệt của thơ
ca trong ngôi nhà nghệ thuật chung. Sau Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa,
Hoàng Trúc Ly, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, Trần Tuấn Kiệt, Trần
Xuân Kiêm…phần trích dẫn các bài thơ sau 1975 của các tác giả từng xuất hiện
trước đó như Nguyễn Lương Vỵ, Hồ Ngạc Ngữ, Phù Hư, Nguyễn Miên Thảo...; kể cả
những cây bút đang tiếp tục làm thơ ở nước ngoài như Vương Từ, Trần Vấn Lệ,
Nguyễn Thanh Châu, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh…cho thấy ý kiến về bản
lĩnh tạo nên bản sắc của mỗi người làm thơ. Tác giả cũng có những ghi nhận độc
đáo xung quanh các nhà thơ nữ từ Nhã Ca, Lý Thụy Ý, đến lớp đương thời như Ngô
Thị Hạnh, Vũ Thanh Hoa, Trần Hoàng Vũ Nguyên…Thơ ca cần để “vinh danh nữ tính”…?- như các chị đã
tự trả lời. Một số tác giả vốn nổi danh trong bộ môn nghệ thuật khác, được đưa
vào đây như Đinh Cường (hội họa), Mang Viên Long, Trương Đạm Thủy (văn
xuôi)…góp phần minh định sự bất diệt của cõi thơ (đích thực).
Tác giả có đi vào lý giải về cách hành văn
và sự độc đáo, giàu có của ngôn ngữ Việt Nam…Điều này làm giải tỏa những băn
khoăn trong tình hình thời sự hiện nay. Nhà thơ vẫn làm chức năng và nghĩa vụ
của mình khi khơi gợi ra được cái hay, nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Chính vì
thế, người ta thấy tác giả có phần cực đoan khi đề cập đến các dòng thơ
tự cho là “tân hình thức” hay “hậu hiện đại” gần đây. Vấn đề này hy vọng sẽ còn
được các nhà nghiên cứu lý luận phê bình bàn luận tiếp. Ở đây, người ta thấy rõ
Võ Chân Cửu theo dấu thơ ca với mắt
nhìn của một người nặng nghiệp văn chương.
Chính vì vậy, khi được nhận tập bản thảo
được tác giả ghi thể loại “Tản văn”, tôi và những người từng biết tác giả, rất
hân hoan. Sách viết về thơ các tác giả miền Nam trước và sau cột mốc 1975 hiện
“hơi bị” ít. Viết về thơ mà lôi cuốn được người đọc, thì các nhà thơ có ưu thế
vì bút lực dồi dào, như Võ Chân Cửu đang chứng minh…
Chu Ngạn Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét