Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

LÁ RỤNG VỀ CỘI - CAO THOẠI CHÂU

Hôm nay, khi tôi viết những dòng không phải để tưởng niệm cũng không phải để ôn lại kỷ niệm nào với Phạm Duy  thì năm âm lịch đã cạn kiệt. Tôi nghĩ đến những đĩa đèn dầu lạc không có bóng, chỉ một cái đĩa nông sờ và ngọn bấc lấy từ ruột của một loại cây thân như rau muống để làm thành một vùng sáng màu vàng ệch mà tôi vẫn thấy hàng đêm khi còn nhỏ ở nhà quê. Hồi ấy quê nhà tôi không nghèo xác xơ như “quê nghèo” trong nhạc của Phạm Duy mà vì thời đó người ta chỉ mới tiến tới được mức ấy trong việc tạo ánh sáng về ban đêm. Chỉ những nhà giàu có như gia đình tôi mới có hai loại đèn gọi là đèn bão thắp bằng dầu hỏa để đi ngoài gió và đèn măng xông sáng trưng khi nhà có lễ lạt chi đó. Còn trong các phòng là đèn dầu lạc tỏa ánh sáng kiêm chức năng đồng hồ, một đĩa cạn thì…đi ngủ!

       Hình ảnh và cảm xúc mà tôi còn nhớ về đĩa đèn dầu lạc là nó cạn trông thấy theo thời gian, cạn dần thành leo lét và tắt hẳn. Mười năm trước khi cha tôi ra đi ở tuổi 97 tôi cũng có cảm giác không buồn thương mà chỉ như ngọn đèn đã tới lúc hết dầu. Nhắc lại là vì có một liên tưởng khi nghe tin Phạm Duy tạ thế. Trong ca dao hay trong Kiều có hai câu “Đêm khuya thắp ngọn dầu đầy/ Đĩa dầu vơi nước mắt đầy không vơi”, còn ở đây, hôm nay tôi nghĩ không có “nước mắt” trong cái chết tự nhiên của Phạm Duy. Những gì tôi biết được về người nhạc sĩ hết sức tài hoa này là ông là người  lạc quan và đa tình, một người như thế sẽ không cần đến nước mắt, ông chỉ cần chất liệu cuộc đời để viết nên những bài ca bất tử kia.

       Về mặt tuổi thọ, tôi không tìm đọc Phạm Duy ra đi ở tuổi chính xác là bao nhiêu, tôi chỉ có cảm giác là trời đã qua đêm và đĩa dầu muốn hay không muốn cũng tới lúc cạn. Hôm nay Phạm Duy từ trần, ông không ra đi, cũng không mất mà chỉ từ trần thôi. Một gia tài âm nhạc đồ sộ lấp lánh như thế làm sao khiến con người ấy “mất” như cách nói thông thường khi có ai đó từ trần?

      Vả làm sao lại bi thương tiếc xót khi Phạm Duy mất trong lúc cuộc đời ông và những bản nhạc ông để lại cứ âm vang dìu dặt suốt gần một thế kỷ nay và nó là “cái đĩa” trong ngọn đèn gồm ba thứ là đĩa, dầu, và lửa, những cái bóng hắt lên tường trong đêm nông thôn yên tĩnh và thanh bình? Nhờ “đĩa dầu” nhiều thế hệ đã tìm thấy lối đi lại, thấy bóng mình trên vách! Nhiều thế hệ đã hát và nghe hát nhạc Phạm Duy trong nhiều bối cảnh mang tính lịch sử khác nhau. Đặc biệt có những bài thơ thật sự không hay nhưng khi qua tay Phạm Duy chúng trở thành có sức sống và tuổi thọ. Riêng nhà thơ Phạm Thiên Thư , tôi mạn phép nghĩ anh sẽ mất nhiều thời gian hơn, sẽ khó khăn hơn thậm chí gập ghềnh khúc khuỷu lênh đênh hơn nếu cơ may có Phạm Duy không đến. Phạm Thiên Thư đừng nghĩ nhận thức và cảm thụ thơ của tôi là kém cỏi khi đọc thơ anh. Trái lại tôi hiểu không gian của Thư là thế nào cũng như tôi hiểu sự tài hoa và sâu sắc của Phạm Duy đã làm cho thơ Thư bay bổng bay xa và bay nhanh vào lòng người thưởng thức thành ra một thực phẩm tuyệt kỹ là thơ + nhạc!

         Tôi có một chút tạm gọi là kỷ niệm mỗi khi nghĩ tới Phạm Duy. Là hồi 1965 gì đó tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức khóa 24, đêm ấy trình diễn văn nghệ đón khóa đàn em 25 và khóa tôi đã có lệnh cấm không được vào mà phải ôm súng tỏa ra các vọng gác. Nhưng tôi đã trốn vào và leo lên cột nhà đứng coi cho rõ. Phạm Duy đang ôm đàn hát dung dị tự nhiên và rất đậm đà bài mà tôi cứ gọi là “Tiếng nước tôi”. Định bụng nghe xong bài đó thì trở ra vọng gác nhưng tôi không kịp. Ông thiếu tá Liên đoàn trưởng nắm vào chân tôi ra dấu bảo xuống và phạt tôi 3 ngày nằm trong phòng giam có tên là 301.

      Hình như hơn 40 năm sau tôi lại có một kỷ niêm nữa về Phạm Duy. Đó là khi đọc một bài đăng trên tờ báo có tiếng viết về Phạm Duy, chính xác là viết về sự trở về ca hát tại nước mình của ông. “Thúi quá”, tôi còn nhớ mình đã thốt ra câu không lịch sự mà nóng nảy này khi bài toát lên sự thiển cận và đầy ác ý thậm chí là ghen tức. Người thưởng ngoạn vốn công minh (và bạc bẽo?) họ cần tài năng chứ không cần danh tiếng.
     Tôi không nghiên cứu tư duy chính trị trong nghệ thuật, chỉ nghĩ nghệ thuật là cái còn lại sau khi nhiều thứ phải ra đi, vả lại nghệ thuật là cái gạch nối giữa người với người, giữa nhiều thế hệ với nhau, một thứ gạch nối tài năng mà không phải những thứ khác đếu có được. Phạm Duy, theo cách nghĩ của tôi là một người tài năng và lãng tử, ông đến rồi đi, đi tiếp và có lúc quay về và những bài hát của ông rơi ra khỏi tâm hồn thành quà tặng cho mọi người. Trong những nơi đó có nước ngoài, và lá rụng về cội thì quay về! Khi đêm hết thì đĩa đèn dầu lạc cũng vừa cạn, nó tắt và nhường việc giải quyết nhu cầu ánh sáng lại cho mặt trời

CAO THOẠI CHÂU

http://caothoaichau.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét