Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

NHỚ CÀNH MAI ĐẮNG - LÊ HOÀNG DŨNG


Có lần vào quãng giữa thánh chạp, tôi đạp xe cọc cạch về An Phước thăm anh Chánh. Ngày xưa – những năm chống Mỹ An Phước được mệnh danh “vườn dâu An Phước” đã đi vào thơ ca và đi vào lịch sử. Giờ đây, qua biết bao nhiêu trận bom cày đạn xới, chất khai quang diệt cỏ diệt cây, An Phước chỉ còn lác đác mấy ngọn dừa lão mình đầy thương tích. Bên dưới, quanh những hố bom đìa chỉ trồng toàn là chuối. Đặc biệt trong mỗi lùm bụi đâu đâu cũng thấy những gốc mai vàng.
Anh Chánh đang bứt lá những cây mai có gốc to, có hình thù ngộ nghĩnh. Thậm chí nó còn những vết thương trên mình.
Tôi không sành về mai, chỉ thích mai năm cánh vàng rực rỡ nở đúng mùng một Tết dài dài ra giêng vậy thôi. Anh Chánh “xóa mù hoa” cho tôi bằng những giảng giải rất sành điệu như một nhà “mai học”. Đại khái:
“Bây giờ người ta chơi mai điệu nghệ cầu kỳ lắm. Mai năm cánh thông thường có hồi ế độ. Nhiều cây mai vàng đột biến bảy cánh chín cánh, mười hai mười bốn được nhân giống nhanh chóng và hốt bạc cũng nhanh. Chú mày đã thấy giống mai nở ra hàng trăm cánh chồng chất như bông cúc chưa? Lại có loại cánh trắng muốt, mỏng tang run rẩy trước gió thấy mong manh tội nghiệp. Rồi huỳnh tỉ hai bốn cánh, phước lộc thọ có màu trông cũ kỹ nhưng lạ mắt. Còn bạch mai cổ thụ đầy truyền thuyết thì chỉ đứng ở đình Phú Tự uy nghi, lặng lẽ để suy gẫm để nghĩ tới chứ không phải để chơi. Người ta còn nhập cả mai Miến Điện, Ấn Độ về nữa…”.
Anh Chánh còn nói thêm rằng: Ở cây mai phải khoe đủ năm thứ: khoe gốc, khoe rễ, khoe sắc, khoe bông, khoe dáng, có khi khoe luôn cả thành tích đã từng đoạt giải vàng bạc đồng ở đâu đó cho oai.
Cứ coi đó là bài học đầu tiên của tôi về hoa mai khiến tôi có chút lưu tâm.
Tôi không ngờ chỉ mới mấy năm im tiếng súng mà từ một trinh sát lão luyện anh Chánh lại sành về mai như vậy.
Người chơi mai thường chọn gốc rễ rồi tới dáng cành hoa lá . Tất nhiên màu hoa phải vàng rực rỡ. Gốc mai cũng vô cùng quan trọng. Những phù thủy cây kiểng có thể ghép rễ, ghép cành y như đồ thật, nhưng gốc thì có sao chịu vậy.
Tôi nói về mai theo cách hiểu cạn cợt của mình vậy. Tôi có chơi mai cũng là chiếu lệ, nhà người ta có mình cũng có. Bởi tôi vốn là một kẻ tàn tật nên ngại (chớ không phải ghét ) cưa, cắt, uốn, ràng rịt để rồi ra một dáng vẻ nào đó chỉ có trong sách vở.
Anh Chánh nói dông dài về mai nhưng cuối cùng chốt lại một câu: Nói là nói vậy, làm cây mai theo phong trào, có ai mua thì bán kiếm ít đồng ăn Tết, chớ chẳng có nhánh mai nào bằng mai ký – ninh của tụi mình hồi đó. Nhăc tới đó cả tôi và anh đều nhớ tới một cành mai đầy kỷ niệm của những ngày trong lửa đạn chiến tranh: Đó là một năm vô cùng ác liệt trong đời lính của tôi, sau Mậu Thân sáu tám. Những trận càn liên miên của lính Mỹ và đủ thứ lính có vũ khí hạng nặng, xe tăng băm nát mặt đất, máy bay đầy trời, tưởng quơ tay là đụng. Thiếu gạo, thiếu muối, thiếu thuốc nhất là thuốc sốt rét trong nhiều ngày. Chúng tôi phải uống thứ “ảo dược” được bào chế bằng loại bột gì đó rất đắng. Do ép nén không dẻ nên tan ngay trong miệng gây ra những trận nôn ói cực hình, mật xanh mật vàng đều từng thấy. Thảng hoặc được phát một viên ký ninh vàng chánh hiệu là vô cùng quý giá. Có một lần Huỳnh văn Cấm quê gốc Ba Tri kiếm được một viên thuốc như vậy qua một đồng hương Bến Tre mới đi bệnh viện về cho nhờ “mánh” độn thuốc dưới lưỡi, vì y tá bắt phải uống ngay trước mặt để bảo đảm đúng thuốc đúng người đúng bệnh. Hắn đã chịu đắng tới xương để lấy được một viên thuốc một cách thông minh. Viên thuốc được nghiền nhỏ pha nước, cái thứ nước vàng lơ, đắng nghét được chuyền mỗi đứa hớp một hớp cho đến hết. Phải nói cái chất đắng dễ thương đó không cắt được cơn rét run nhưng sau này tôi và những đồng đội thân thương - kẻ sống người chết cứ nghĩ về nhau mãi.
Nhờ cái mánh độn ký - ninh dứơi lưỡi, chờ y tá sơ ý nhả ra cất mà Tết năm đó tiểu đội tôi có bốn viên thuốc màu vàng đã mòn đi chút ít do tan trong nứoc miếng nhưng đó là một gia tài. Chỉ khi nào tiểu đội có tới vài ba đứa rét run mới xuất kho ngâm một ca chia cho mỗi người làm “liệu pháp ký – ninh” một cách duy ý chí để vượt qua cơn thắt ngặt.
Năm đó sốt rét hòanh hành đến nỗi Tết đến nơi mà không ai nhớ ra suối tuốt nhánh mai cho kịp mừng xuân. Mai rừng trổ rất muộn, phải đến ra giêng trở đi tự trút lá rồi bất ngờ trổ vàng rực một khoảng rừng, soi bóng xuống những con suối mùa khô chảy về ngập ngừng …. thật sự hoành tráng bất chấp đạn bom. Có ai đã nhìn thấy một lần những nhánh mai bị tuốt lá bởi hơi bom B52 mà vẫn ngóc đầu lên trổ những bông hoa kiêu hãnh. Chúng tôi đã nhìn thấy và thầm thán phục vừa tụ hào như chính mình cũng nhập thâm vào nhánh mai bất tử và rực rỡ kia. Hỡi cánh mai rừng kia ơi! Xin cảm ơn mi đã giúp ta nhiều lắm đó. Ta ngẩng cao đầu chỉ với việc đã nhìn thấy mi nở hoa hiên ngang trong khói lửa.
Tôi sẽ nói tiếp về mấy viên ký – ninh báu vật còn lại của tiểu đội. Bàn bạc về chuyện thiếu nhành mai đón xuân vui Tết, Anh Chánh bỗng nói như một định lý: “Có màu vàng là có mai”, Chiến râu cũng chồm lên phát biểu: “Có ký - ninh là có màu vàng”. Thế là kẻ đi tìm nhánh mai đẹp, người thì gom giấy xé từ nhật ký, rìa bằng khen, thư từ, giấy ra viện, chứng nhận huân chương… rồi cắt, xé thành hình những bông mai năm cánh, đem nhúng trong thuốc ký – ninh pha đậm làm thành một nhành mai. Tôi chưa thấy nhánh mai nào đẹp như vậy. Ngồi quây quần bên nhành mai đắng mùi thuốc, quấn lá cò ke làm thuốc hút , uống trà cơm cháy, gạo rang rồi ôm nhau run lập cập để ai cũng thấy rằng sự run rẩy này là của người khác chớ đâu phải bản thân mình. Run rẩy truyền cho nhau một thứ sức mạnh vô hình nào đó mà sống mà chiến đấu.
Rồi Tết đi qua. Mùa khô thường vào chiến dịch Đông - Xuân. Đôi bên đều dễ hành quân tìm diệt nhau bằng những trận đánh lớn. Đói khát, hành quân, giáp trận như cơm bữa. Sốt rét rừng quật ngã từng đứa. Còn ba viên ký - ninh chúng tôi lần lượt hòa tan húp hết. Tiểu đội trưởng Bảy Tâm lý luận rằng thứ gì đắng bằng hoặc hơn ký - ninh đều trị được sốt rét. Và cây thù lù được đưa lên đầu bảng. Bởi trong tiểu đội có đứa đã lỡ dại ăn thử. Cây này có lá giống cây ớt, có trái nhỏ hơn ngón tay út được bọc trong cái lồng đèn mỏng mảnh mà kín đáo. Lạy trời, không có máy đo độ đắng nhưng tôi tin xuyên tâm liên cũng thua xa. Uống xong hình như liếm da mình cũng đắng, mùi nước tiểu bốc lên cũng có vị đắng. Rồi vẫn sốt và vẫn run. Tiểu đội trưởng phán: “Tại tụi bây uống thuốc thiếu niềm tin”. Rồi anh cười một cách rất lạ mà mãi sau này khi anh đã hy sinh rồi, đêm đêm ngẫm lại sự đời tôi mới nhận ra và thương anh vô hạn. Sau cái trận “thù lù dược liệu” bất thành ấy chẳng thấy ai có sáng kiến về dược chất nào nữa. Tiểu đội lại sắp bị xé lẻ chia nhau nhận nhiệm vụ mới. Chẳng lẽ cứ cái kiểu bưng ca nước suối cụng lắc cắc hẹn gặp ngày chiến thắng hoài cũng kỳ. Tôi chợt nhớ tới nhành mai ký - ninh vẫn còn vàng rực giắt trong gốc cây bằng lăng, có lẽ nó cũng có ý chờ đợi năm sau ăn Tết nữa, cùng “Mừng xuân mới thắng lợi mới” với chúng tôi. Nó có thể đợi được nhưng chúng tôi sắp chia tay. Bảy Tâm - tiểu đội trưởng ra lịnh: “Toàn tiểu đội chú ý, theo đề nghị của chiến sĩ Út Dũng, ngâm mai ký - ninh vừa làm thuốc vừa làm rượu chia tay.” Anh móc ca Mỹ rứt nhẹ từng bông mai bỏ vô ca ngâm một hồi cho bảo đảm ra hết chất đắng. Khi thấy những cánh mai giấy đã nhợt nhạt anh sớt ra ca mỗi đứa một miếng rồi hô: Dzô! Mấy cái ca chụm vào nhau khua lốp cốp. Mỗi đứa đều uống cạn và uống cả những giọt nước mắt yêu thương vào lòng. Rồi chúng tôi gõ vào ca vào bình toong mà run rẫy hát những bài hát hào hùng bất tận . Cứ để cho nước mắt tự khô đi để làm như không ai nhận ra mình đang khóc, tiếng hát át cả tiếng B52 đang rền, đất cát rơi đầy trên tóc... khiến lời hát cũng lấm lem.
Năm nay tôi có về An Phước là để thắp nhang cho anh Chánh. Anh đã ra đi vào giữa một mùa mai do vết thương tái phát. Mấy đứa con thương anh lấy vải trắng buộc tang cho từng gốc mai mà anh từng chăm sóc. Đem theo vài viên thuốc đắng hòa vào cái ca Mỹ sứt sẹo của anh, hớp một nửa còn bao nhiêu đem rưới lên ngôi mộ cỏ. Tôi nhắm mắt lại để hình ảnh anh hiện rõ hơn và hình như trong tay anh đang nâng niu một nhánh mai vàng.

LÊ HOÀNG DŨNG
(Báo Xuân Văn Nghệ Bến Tre)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét