“Cho tới bây giờ mầy vẫn chỉ là người chắp tay nhìn dòng đời ! ” Câu kết luận của một người bạn lúc tan tiệc cuối năm không hiểu là lời khen hay chê. Nhưng nếu nhận xét ấy đúng thì cũng là điều hay !
“Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đang biếc
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…
Đó là đoạn mở đầu bài thơ thi sĩ Yến Lan viết thuở còn rất trẻ về quê hương Bình Định của mình. Người sau, dù căn cứ vào hình tượng và nhạc điệu xếp nó vào loại thơ tượng trưng hay siêu thực trong những năm mở đầu của thời “Thơ mới”, thì đó vẫn là những câu thơ hay nhất cho đến bây giờ.
Thời suy tàn
Đầu thế kỷ 20, khi Nho học suy tàn, chữ quốc ngữ lên ngôi thì “giỏi làm thơ” không còn là một trong những điều kiện để tiến thân trên đường khoa bảng, quan lại. Nhưng trong chương trình giáo dục ở Miền Nam sau 1954, môn Việt Văn vẫn được coi trọng hàng đầu. Ở lớp đệ lục (lớp 7 sau này), học sinh đã bắt đầu làm quen với nền văn học cổ. Trong đó có phần phân tích, lý giải khá kỹ về các thể thơ, từ Đường luật đến song thất lục bát, và tất nhiên cả lục bát đặc thù của người khắp mọi miền. Sự mầu nhiệm của ngôn ngữ được thểt hiện qua vần điệu. Học sinh giỏi phải thuộc cách gieo vần. Tôi bắt đầu hiểu rằng nếu biết diễn tả, thì sau các quy luật như “Nhất Tam Ngũ bất định, Nhị Tứ Lục phân minh”, văn vần sẽ tạo được sự kỳ diệu trong ngôn ngữ.
Đô thị Quy Nhơn hình thành tại cửa vịnh hình tam giác, hai cạnh là những dãy núi. Khu trường Cường Đễ cũ nối liền với công viên trung tâm là những nền cát đầy những thực vật dại, nhiều nhất là keo gai và cây tảo nhơn có trái hấp dẫn với tuổi học trò. Học sinh nam nữ tụ tập chơi từng nhóm riêng. Phổ thông là trò đuổi bắt. Tuổi mới lớn, bọn trai nghịch có màn rình, lén chạy đến bịt mắt các bạn gái rồi chạy trốn. Tất cả đều hồn nhiên. Tôi và một số thích môn quốc văn thì ở một góc riêng. Chúng tôi thách đố nhau xem ai có thể gieo vần được thành những bài thơ thất ngôn, ngũ ngôn hay tứ tuyệt, và cả những câu thơ lục bát “bằng bằng, trắc trắc, bằng bằng…” Từ năm đệ Ngũ (lớp 8), thầy giáo bắt đầu cho làm quen với thơ văn chữ nôm với những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…để chuẩn bị cho chương trình văn học chữ quốc ngữ của những Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương để tới các thế hệ của Tảen Đà, Phan Bội Châu và nhóm Thơ mới, Tự lực Văn đoàn sau đó…(Qua chương trình Trung học đệ nhị cấp, các bài học căn bản này sẽ được nâng cao).
Là chốn “nương mây và cậy nguyệt” nên từ chương trình học ấy, nhiều “bút đoàn”, “thi văn đoàn” sơ khai đã ra đời. Thành phố Quy Nhơn từ năm 1965 là đô thị lớn thứ 3 chỉ sau Sài Gòn, Đà Nẵng nên cũng phát triển về văn hóa, giáo dục. Trường Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học, thu nhận giáo sinh giải Miền Trung từ Huế trở vào được lập ra. Thêm hệ rhống trường Kỷ thuật mới mở, nhận học sinh từ lớp đệ ngũ. Năm 1966, Nguyễn Lương Vỵ từ Tam Kỳ vào học Kỷ thuật Quy Nhơn, quen Hồ Ngạc Ngữ ở lớp học nên kết bạn với nhóm Hồn Quê của tôi, Ngữ và Lê Xuân Tiến (lúc này là Lê Phiên Vươn)…Sau vài tháng chép tay, chúng tôi kháo nhau gửi bản thảo vào đăng các báo, tạp chí ở Sài Gòn, rồi gửi thư giao lưu khắp các bút đoàn ở Sài Gòn và các tỉnh. NLV ở nhờ nhà người chú. Ở đó có một cô gái học cùng lứa chúng tôi mà anh gọi là “cô”. Cô này khá xinh xắn, mua hát hay nên cả Ngữ và Tiến đều hay đến để kiếm cớ giao lưu. Những bài thơ tình học trò đầu tiên đã ra đời…Khi lên Trung học đệ nhị cấp, đa phần các “bút đoàn” đều tự giải tán vì ai nấy bắt đầu lớn xồ, và đã có bài đăng ở các báo, tạp chí Sài Gòn.
Các thi sĩ nổi tiếng trước đó ở đất Quy Nhơn và Miền Trung, người thì bị bệnh nan y (Hàn Mặc Tử, Bích Khê), người lãng mạn “quá trớn” hoặc gần như hoang tưởng (Xuân Diệu, Chế Lan Viên..), nên đa phần các bậc cha mẹ lúc này không khuyến khích con mình theo nghiệp văn chương. Nên chúng tôi dù đã sáng tác đầy tập vở, nhưng phải giấu đi để phụ huynh thấy mình chỉ lo học tập, thi đậu lấy mảnh bằng, nếu không sẽ rơi vào cảnh “rớt tú tài, anh đi trung sĩ…”
Chiến sự ngày càng lan rộng, quân đội Hoa kỳ và đồng minh Đại Hàn hiện diện đông hơn. Quê mẹ tôi ở vùng núi sát biển bên kia đầm Thị Nại. Cứ vài ngày nhà lại nhận được tin có một người quen chết vì bị Việt Cộng ám sát, hoặc do “quân đội” đi càn. Rồi, những người dân quê chèo thuyền qua thành phố tham gia biểu tình, chính quyền đưa máy bay trực thăng ra, bắn xối xả, máu loang đỏ mặt đầm. Chiến tranh là một thứ “tai trời”, khó ai tránh được. Thân phận con người như bèo bọt…Nhưng chẳng hay ho gì cái chuyện giết chóc nhau. Tôi tự nhủ mình đừng bao giờ nên dùng ngòi bút để ngợi ca cái ác.
Mùa xuân rồi cuối mùa hè năm Mậu Thân (1968) diễn ra những cảnh rợn người. Xác Việt Cộng được kéo ra bày phơi giữa phố để người dân đến xem. Ở các vùng nông thôn, các viên chức “quốc gia” bị ám sát liền bị du kích cắm cọc cốt xác dựng đứng, hay đeo “bản án” thả trôi ra đầm Thị Nại cho song cuốn. Các học sinh trung học ở nhiều trường sau khi bị lôi kéo xuống đường “hoan hô”, “đả đảo” cũng chia thành nhiều nhóm: phản chiến, thân cộng, hoặc ủng hộ chính quyền. Năm này, vừa lên lớp đệ Nhị ban C, tôi gặp phải một sự cố khó xử. Tại cuộc họp Ban đại diện các lớp toàn trường, chính vị giáo sư hướng dẫn lớp đứng ra cử tôi làm trưởng ban báo chí toàn trường ! Tôi rất biết ơn vị thầy này, vì trong những năm dạy đệ nhất cấp đã hướng dẫn học sinh khá kỹ về chương trình văn học sử và niêm, luật các thể thơ. Nhưng làm trưởng ban báo chí có nghĩa là đứng chân Ban đại diện học sinh, phải biểu lộ thái độ trước các sự kiện chính trị. Nên tôi cương quyết từ chối không nhận chức. Từ đó, vị giáo sư hướng dẫn và một số thầy, bạn nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm, cho rằng tôi tự cao “đã nổi tiếng”.
Hai người thầy
Tuổi sắp vào đời, tâm hồn nhiều ước mơ phiêu lãng. Lấy lý do chuyện “trục trặc” ở nhà trường, tôi thuyết phục được cha mẹ cho tôi vào Sài Gòn để học tiếp. Nhờ sự giới thiệu khá đặc biệt, và có lẽ cũng căn cứ vào học bạ, trường trung học công lập Chu Văn An đồng ý cho tôi vào lớp, trễ 1 tháng sau khai giảng.
Ở trường nào cũng rất ít học sinh theo ban C (văn chương-sinh ngữ). Vào học trễ, tôi chọn chỗ ngồi nơi cuối lớp. Tôi dáng to xương, mặt nông dân chữ điền, cung cách khá “quê mùa tỉnh lẻ”. Vậy mà không hiểu vì sao, chỉ sau mấy ngày, nhân vật trưởng ban báo chí của lớp lại đến làm quen, bảo tôi tham gia viết bài, sáng tác cho tờ nội san của lớp ! Tôi lại phải tìm cách từ chối. Sau đó tôi mới biết anh này là người có cảm tình với phía “bên kia”, các sáng tác đều theo hướng “dấn thân”, tranh đấu. Ham làm chính trị, nên cuộc đời anh về sau trải qua nhiều thăng trầm. Sau năm 75 anh là sáng lập viên, Ủy viên Ban biên tập tờ báo của Thành Đoàn, rồi bị loại bỏ, vỡ mộng dấn thân…
Giảng dạy môn Việt văn cho lớp đệ Nhị C trường Chu Văn An chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thầy đảm nhận công việc này liên tục từ sau 1954 đến 1975 ! Thầy thường mặc bộ đồ veston màu vàng sữa, thắt cà vạt, tay áo cài măng-sét, đầu đội mũ phớt màu nâu, ung dung ngồi trên xích lô đạp đến trường. Vào lớp, khi tất cả học sinh đã đứng dậy, thầy bỏ mũ lên bàn rồi cầm ngay viên phấn, vẫy tay cho phép học sinh ngồi xuống. Thầy chép ngay mấy câu thơ trong chương trình học lên bảng, nét chữ rất bay bướm. Chỉ bấy nhiêu đó, rồi thầy đi lên đi xuống từ đầu đến cuối lớp, ngẩng mặt lên trời và giảng về cái hay của mỗi bài thơ. Cuối giờ, thầy chỉ cách sách cần đọc thêm, học sinh phải tự tìm hiểu để hiểu cái hay cái đẹp của văn chương. Cách giảng dạy ấy rất khác với kiểu từ chương, “học thuộc làu”. Vậy mà kỳ thi tú tài 1 năm ấy, hơn một phần ba lớp, trong đó có tôi, đã đậu với hạng bình thứ, điều rất hiếm đối với học sinh ban C. Cũng năm này, bút hiệu mới tôi chọn (V.CH.C) lần đầu tiên xuất hiện trên tờ Khởi Hành với bài thơ “Chùa cổ bên sông”.
Năm 1969, Vũ Hoàng Chương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản tập “Ta đợi em từ ba mươi năm”. Thi sĩ sinh năm 1916, năm 1940 xuất bản tập thơ đầu tiên và nổi tiếng vang dội ngay. Người ta nhận ra dù sử dụng các thể thơ cổ điển, nhưng Vũ Hoàng Chương có sự cách tân cả về từ và ý. Chương trình lớp đệ nhị có phần giảng về thơ mới, nhưng ít khi thầy giảng về thơ mình. Có đôi lần, có lẽ vào giờ “ngoại khóa”, thầy chép mấy câu thơ của mình lên bảng, rồi lại đi tới đi lui. Sau đó thầy dùng phấn gạch chéo một chữ trong bài rồi thay bằng một từ khác mới nghĩ ra. Thầy nói rằng từng chữ trong câu phải phù hợp với kết cấu của vần điệu từng câu và trọn bài. Có như vậy bài thơ mới hay, khiến người ta nhớ mãi.
Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy, hoài trăng rằm
Heo may chớm đã lên mưa gió
Ngăn ngắt chiêm bao, lạnh chỗ nằmBốn câu trong bài thơ “Chờ đến hoài công” một trong những bài thơ chủ lực trong tập thơ này cũng được thầy hoàn chỉnh trong tình huống như vậy. Có lần trong giờ nghỉ, ở phút trò chuyện về thơ hiện đại, thầy bộc lộ một ý, là hình thức diễn đạt thơ không nên quá khúc mắc. Vì nếu như vậy thì chỉ có một số người trong nghề và giới trí thức hiểu và thích. Tập thơ cuối, xuất bản đầu năm 1975 của Vũ Hoàng Chương như một lời tiên tri : “Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau”). Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, diễn giả chính của buổi mừng sự nghiệp Vũ Hoàng Chương, khi đó đã kết luận :Vũ Hoàng Chương là người sinh ra để làm thơ !
Lời khuyên các phụ huynh thời tôi còn đi học xem vậy mà rất đúng. Biết làm thơ, chẳng đem lại ích lợi gì trên đường tiến thân ! Đến sau này có khi nó còn là cái cớ để bị khắp nơi dò xét !
Sau khi Việt Nam vào thời “đổi mới”, mặc dù suốt thời gian dài sau 1975, tôi không gửi thơ đăng báo, nhưng trong một gặp gỡ tình cờ, một “quan thơ” thời danh nheo mắt dòm tôi:
- Ông là nhà thơ ?
Từ bản năng sinh tồn, tôi trả lời ngay:
- Sách vở đều tổng kết 80 % người dân Việt Nam có tâm hồn thi sĩ !
Nghe câu này, vị “quan thơ” khoái chí gật gù: một trong 80 % !
Khoảng năm 1990, có dịp ra Nha Trang, tôi kể chuyện này với thi sĩ Quách Tấn. Ông không nói gì, chỉ lẳng lặng vào mở cái tráp (hộp đựng đồ quý, thường làm bằng gỗ), lấy ra một tờ bản thảo đưa tôi xem:
Thương mình nặng nghiệp văn chương
Đã tơ khúc ruột còn sương mái đầu
Mênh mông biển nhuộm màu dâu
Trăm năm thế ấy nghìn thu thế nào ?
Tôi trầm ngâm đọc và trả lại, không hề nói câu nào. Người thi sĩ già có sự cảm thông và chia sẻ quá lớn !
Bài thơ có tựa đề Thương mình trong tập thơ lục bát Trăng Hoàng Hôn mà ông mới viết. Quách Tấn sinh năm 1910, là một trong 4 nhà thơ (cùng Yến Lan, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử) trong nhóm “Bàn thành tứ hữu” ở đất Bình Định. Ông chuyên làm thơ Đường luật, từ 1932 đến 1974 chỉ làm một tập thơ lục bát hơn một trăm bài lấy tựa là “Nhánh lục”. Trong thời gian từ 1975-1977 ông lại làm nhiều thơ lục bát, cùng với Trăng hoàng hôn là tập Nhánh lục. Thơ lục bát của Quách Tấn về tứ cũng mang nhiều điển tích của thơ cổ nhưng sử dụng ngôn ngữ rất nôm na, dễ hiểu; độc giả dễ chạnh long trước nỗi cô đơn trước thời đại mà nhà thơ sống.
Tôi vẫn xem Quách Tấn như một người thầy lớn, dù chưa chưa được ông dạy ở lớp học giờ nào. Năm 1970, tôi vào trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhưng vẫn ghi danh thêm trường thứ 2 tại Đại học Vạn Hạnh. Chỉ vì danh sách giảng dạy ở trường Vạn Hạnh có thi sĩ Quách Tấn là Giáo sư thỉnh giảng. Chẳng may khi đó, thi sĩ bị bệnh Glaucome (cườm mắt) trở lại, việc đi giảng bài phải bị cắt.
Sinh viên thời trước có thể lấy Cours về học ở nhà, khỏi đến lớp nghe giảng. Nên tôi vẫn ngược xuôi về 3 đô thị lớn ở Miền Trung là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang để nói chuyện hão với anh em làm văn nghệ. Nếu Đà Nẵng, Quy Nhơn bùng phát nhiều thi sĩ mới, thì Nha Trang lại nổi trội các cây bút văn xuôi. Có lẽ do vậy nên khi tôi đến nhà, thi sĩ rất vui. Ngày đó, đi học là phương thức lãnh giấy hoãn dịch hiệu quả nhất, nên tôi có ý định sẽ tiếp tục trải qua các bậc sau đại học. Tôi ngỏ ý sau này sẽ nhờ thầy hướng dẫn để làm luận văn cao học về thơ của các nhà thơ hình thành nên nền văn học chữ Nôm ở các thời Lý, Trần, Lê…Thi sĩ rất hoan hỉ, và ngay từ đó đã giới thiệu với tôi nhiều tư liệu, đề tài liên quan. Đầu năm 1975 khi tôi ngỏ ý sẽ đứng ra chủ trương một tập san chuyên về Thơ đầu tiên ở Việt Nam, Thi sĩ Quách Tấn trao ngay cho tôi bản thảo “Khóm mận ba nhành” để đăng ngay trong số đầu tiên, và còn góp ý cách làm nội dung để tờ báo có đứng vững.
Sau biến cố 1975 mỗi lần qua miền Trung tôi vẫn ghé thăm thầy, được nghe nhiều lời dạy bổ ích trong đối nhân xử thế, hiểu rõ hơn về tính cách của các thi sĩ bạn thân cũ. Tôi nhớ nhất là lời dặn: hết sức cẩn trọng khi đưa bài vở ra các phương tiện thông tin. Dù một tờ báo nhỏ cũng không được coi thường, vì “tiếng dữ đồn xa” sẽ làm mất thanh danh của mình. Các tư liệu nghiên cứu, sáng tác cũng vậy, chỉ nên trao cho người đáng tin cậy. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, không thiếu những kẻ chỉ lăm lăm “xơi hết của người (XHCN)”. Một vài tư liệu nghiên cứu của thầy, trước đó do đưa không đúng chỗ, đã bị nhiều nơi tước đoạt thành nội dung luận án tiến sĩ !
Năm 1992 thi sĩ Quách Tấn từ giã thế gian để đi vào “Mùa cổ điển”. Tôi viết ngay bài tưởng nhớ, trong đó trích dẫn bài thơ Trước-Sau làm sau biến cố 1975, mà thầy đã đọc và tôi thuộc lòng ( bài thơ này trước đó chưa hề đăng báo) :
Trước Tết mai là hoa
Sau Tết mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bao nhiêu buồn tủi
Nâng niu mai chẳng mừng
Hất hủi mai không tủi
Nghìn trước nối nghìn sau
Khe trong lồng bóng núi.
Nhà văn Cao Huy Khanh khi đó là Thư ký toà soạn tờ Người Lao Động cuối tuần liền cho in ngay bài viết này. Và đến cuối 2011, tôi mượn tựa đề Trước Sau như một sự tưởng nhớ đến thầy Quách Tấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét