Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

LẠI NGHĨ VỀ VIỆC DẠY VÀ HỌC LỊCH SỬ - NGUYỄN THỊ HẬU

Trong một, hai năm gần đây, thực trạng về sự hiểu biết lịch sử dân tộc trong giới trẻ đã được xã hội hết sức quan tâm, qua sự phản ánh của các phương tiện truyền thông. Từ những cuộc tọa đàm, hội thảo và dư luận xã hội, nhiều giải pháp ở tầm vĩ mô cũng như những cách thức cụ thể để xóa bỏ tình trạng kém hiểu biết lịch sử dân tộc cho lớp trẻ nói riêng và xã hội nói chung đã được đề xuất. Trong ba môi trường giáo dục là Nhà trường, Gia đình và Xã hội đều có thể tìm ra các nguyên nhân và giải pháp để cho việc dạy và học lịch sử có thể đạt kết quả tốt hơn.

- Nhà trường: Nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa và chương trình giảng dạy ở trường phổ thông hiện nay không theo kịp sự phát triển của kiến thức, sự thay đổi của xã hội. Sách giáo khoa lịch sử viết khô khan, nặng nề và đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng các sự kiện lịch sử. Có lẽ vì phải bám sát các bộ chính sử - nhất là giai đọan hiện đại nên ngôn ngữ thể hiện, ý nghĩa của các sự kiện, nhân vật lịch sử không nằm ngoài ngôn ngữ, ý nghĩa “chính trị”. Đối với nội dung lịch sử thời cổ - trung đại thì giáo viên còn có thể tham khảo các bộ sử xưa để làm cho bài giảng sinh động, dễ hiểu hơn vì các bộ sử này ghi chép khá cụ thể, sinh động về sự kiện, nhân vật lịch sử. Còn các bộ chính sử ngày nay, nhất là giai đoạn lịch sử cận hiện đại thì quá nhiều từ ngữ chung chung, một chiều đơn giản … Trong khi nguồn/ luồng thông tin ngày nay vô cùng phong phú và dễ dàng truy tìm. Quả là rất khó để giáo viên có thể giảng hay/ thuyết phục – vậy làm sao học sinh thấy hay để mà hiểu và nhớ được? Bên cạnh đó chương trình môn lịch sử còn nặng nề nhưng thật ra không đầy đủ (chưa bao quát toàn bộ lịch sử Việt Nam nhất là lịch sử phía Nam, lịch sử thế giới còn nhiều sự kiện quan trọng thời hiện đại chưa được nhắc đến). Do không phải năm nào cũng là môn thi tốt nghiệp nên thường bị coi là “môn phụ” Vì vậy tâm lý xã hội không coi trọng, người dạy và người học không đầu tư vào bài giảng, tài liệu khoa học phù trợ, không thay đổi phương pháp và phương tiện dạy và học.

Từ nguyên nhân này giải pháp cơ bản là: 1) Giảm bớt cách viết chỉ về các sự kiện lịch sử mà thay đổi phương pháp trình bày SGK theo kiểu “nội dung mở”, để giáo viên và học sinh có thể tự mình “viết phần mềm” cho bài giảng/ bài học của mình. 2) Từ đó giáo viên dùng phương tiện hiện đại để lên lớp: có nội dung thay thế bằng hình ảnh, phim, đường link nguồn tài liệu, có nội dung sử dụng phương pháp truyền thống là giảng giải. Bên cạnh ý nghĩa “lịch sử - chính trị” của các sự kiện, nhân vật lịch sử cần chú ý đến ý nghĩa văn hóa – hay là cần nhìn nhận dưới/ từ góc độ văn hóa, vì “văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả đã trôi qua”. Tức là tiếp cận lịch sử bằng một “con đường” khác, cũng là cho các em một cách, một phương pháp nhận biết và đánh giá lịch sử một cách tòan diện. Để làm được điều đó cần “tận dụng” những kiến thức lịch sử từ những ngành liên quan như bảo tàng, di tích, sách báo chuyên ngành…Việc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực “nhập khẩu” tri thức mới (tài liệu, công trình, phương pháp tiếp cận, phối hợp nghiên cứu) … nhất là những kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, giúp ngành lịch sử không bị lạc hậu với thế giới.

Một điều cần được nhận thấy là hầu hết thầy cô giáo giảng dạy lịch sử yêu nghề, tâm huyết với nghề. Trong những năm khó khăn nhất cũng rất ít người rời bỏ bục giảng mà vẫn kiên trì gắn bó với nghề nghiệp, góp phần đào tạo nhiều thế hệ giáo viên, người nghiên cứu lịch sử và làm nhiều công tác khác. Do đó vai trò của Thầy cô giảng dạy lịch sử cũng vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, khi thầy cô thể hiện tình yêu, lòng trân trọng đối với lịch sử - điều đó mang lại sức thuyết phục rất lớn đối với học sinh. Mang lại cho các em tình yêu – các em sẽ có cách để đến với điều các em yêu thích!

- Gia đình: có thể nói đây là môi trường đầu tiên giúp đỡ và tạo điều kiện cho học sinh phổ thông ý thức học tập đối với môn Lịch sử. Phải thừa nhận là hiện nay không có nhiều gia đình, các bậc cha mẹ khuyến khích con em yêu thích lịch sử và tạo điều kiện cho con em học tốt, học giỏi môn này, vì một tâm lý “thực dụng”: học lịch sử, làm ngành sử để làm gì??? Tìm hiểu từ một số học sinh học khá giỏi và yêu thích môn Lịch sử, được biết các gia đình đều hiểu và tôn trọng sở thích của các em, không ngăn cản mà còn tạo điều kiện giúp các em tìm hiểu thêm từ sách báo, nguồn tư liệu hay đưa các em đến bảo tàng, di tích… mua cho các em những cuốn truyện, bộ phim, nhất là phim tài liệu khoa học nước ngoài mà nhiều Đài truyền hình đã phát, phát hành các bộ phim Video/ VCD/DVD rộng rãi. Có gia đình còn cùng các em truy cập những website về lịch sử, bảo tàng, di tích… trên thế giới. Nhiều gia đình trong những chuyến du lịch trong và ngoài nước còn chú trọng những điểm du lịch lịch sử - văn hóa. Có thể sau khi tốt nghiệp phổ thông các em không học ngành sử ở Đại học, nhưng tình yêu và kiến thức lịch sử giúp các em có thái độ đúng đắn trong việc nhìn nhận và đánh giá xã hội hiện nay. Một thực tế là ngay trong những gia đình có cha mẹ giảng dạy và nghiên cứu lịch sử thì con em cũng ít theo theo ngành này. Hoàn toàn không phải vì cha mẹ không tạo điều kiện, không khuyến khích con em mà bản thân các em cũng bị những tác động từ bạn bè, từ xã hội.

- Xã hội: Ngày nay các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng lớn đến sự hiểu biết và sự lựa chọn lĩnh vực yêu thích của từng cá nhân. Bối cảnh xã hội “kinh tế thị trường” là cơ sở, tiền đề cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế và khoa học ứng dụng phát triển và thu hút nguồn nhân lực theo học. Nhưng ở tầm vĩ mô, việc tuyền truyền giáo dục lịch sử không thể không nói đến vai trò của các thiết chế văn hóa trong việc hỗ trợ, phối hợp với ngành giáo dục đưa kiến thức lịch sử đến với công chúng, bằng nhiều hình thức, nhiều phương thức, lâu dài hay trong những thời điểm thích hợp: tại các bảo tàng, trong phim ảnh, sân khấu, truyền hình, Internet, báo chí, văn học… còn quá ít những tác phẩm về lịch sử có nội dung hấp dẫn khách tham quan, người xem, người đọc… Có lẽ cùng nguyên nhân: do quan niệm tác phẩm văn học nghệ thuật về lịch sử thì phải “đúng lịch sử” – cái lịch sử theo quan niệm “chính trị” của một thời! Mà sự thật lịch sử chính là đời sống, không hề giản đơn, một chiều… Sự đa dạng phong phú của lịch sử chính là mảnh đất màu mỡ, chất liệu quan trọng dành cho văn học nghệ thuật khai thác.

Để phát triển và bảo đảm phát triển bền vững, kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã cho thấy, truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc là nền tảng quan trọng nhất. Mỗi thế hệ đều có thể tìm thấy con đường dẫn đến thành công trong thời đại mình. Nhưng để không đi vào những sai lầm của thế hệ trước thì không dễ dàng nếu như không có sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng sự thật lịch sử.

(viet-studies ngày 8-9-11)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét