Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

NHÂN NGÀY NHÀ BÁO VN ,NHỚ LẠI BÀI BÁO 25 NĂM

THẾ VŨ VÀ CÁI NỢ VĂN CHƯƠNG
Trong một dịp từ Bến Tre về Sài Gòn thăm bạn bè,nhà văn Thế Nguyên bảo Thế Vũ đang bị " đánh" tơi tả ở Nha Trang,anh đưa cho tôi xem một số bài báo chụp mũ Thế Vũ nào là "nhà văn phủ nhận quá khứ,ăn bơ sửa của Mỹ ngụy",kể cả một số ít bài báo phản hồi từ bạn đọc.Anh Thế Nguyên đề nghị tôi viết bài về Thế Vũ để "cứu nó".Bài báo được báo Đảng Khánh Hòa đăng tải.Sau 25 năm nhà thơ Trần Vạn Giã gửi cho tôi bài báo nầy với lời nhắn thật nhẹ nhàng " Không biết người chụp mũ nhà văn Thế Vũ có được một lời xin lỗi hay chưa ?

Trong mục Ban đọc viết trên báo Tuần tin Thanh Niên số 27 ra ngày 25 tháng 6,qua nội dung bài viết của anh Lê Tân:”Tranh luận trong văn học phải trung thực và có tinh thần trách nhiệm cao”,tôi được biết nhà văn Thế Vũ bị ông Trần Nhương nào đó truy chụp một cách hàm hồ về quá khứ của anh.
Là một cộng sự với Thế Vũ,sống với anh ở Nha Trang trên 3 năm và một thời gian dài làm việc ở tạp chí Trình Bầy và nhật báo Làm Dân,tôi thấy cần phải lên tiếng trước công luận một phần đời tư của anh mà tôi được biết.Tôi không có ý đồ làm một việc” xác minh lý lịch” ,vì theo tôi,đối với Thế Vũ là một điều không cần thiết .
Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm của Lê Tân là trong việc tranh luận của những người cầm bút nên tôn trọng sự thật,tôn trọng pháp luật và tôn trọng công chúng văn học.Tôi mong rằng qua bài viết này sẽ góp phần làm sáng tỏ sự thật liên quan đến những hoạt động văn học của Thế Vũ trước năm 1975.
Trước nám 1972,quả thật Thế Vũ là một hạ sĩ quan trong quân đội chế độ cũ.Nhưng cũng trong thời gian này anh đã là tác giả của những truyện ngắn “ Vòng hoa ngụy tín”,”Ngày về” v..v…mà sau này,khi miền Nam giải phóng đã được các nhà phê bình đánh giá rất cao trong dòng văn học yêu nước tại các thành thị miền Nam (1).Chính những truyện ngắn kể trên của Thế Vũ đã là một trong những bằng cớ để nhà cầm quyền Sài Gòn trưng ra trước tòa tiểu hình nhằm buộc tội tạp chí Trình Bầy –một trong những tờ báo chống đối chế độ cũ và xâm lược Mỹ mạnh mẽ nhất tại Sài Gòn lúc bấy giờ-- đã cho đăng tải những truyện ngắn của Thế Vũ là “ đề cao Cộng sản” và “ làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội”,”làm phương hại đến an ninh quốc gia”,vi phạm điều 29 luật Báo chí của chế độ cũ.Kết quả những lời buộc tội đó là những bản án nặng nề.Tuy nhiên bất chấp những bản án nặng nề,những lệnh tịch thu liên tục,báo chí yêu nước tại Sài Gòn luc đó vẫn dõng dạc cất cao tiếng nói .

Năm 1972,nhóm chủ trương tạp chí Trình Bầy chuẩn bị ra thêm tờ nhật báo Làm Dân,hầu phản ánh kịp thời khí thế của các phong trào đấu tranh đô thị đang mỗi lúc một dâng cao.Đây là thời cơ giúp Thế Vũ tháo củi,xổ lồng rời bỏ hàng ngũ mà anh vốn đã chán ghét.Từ miền Trung,anh đã âm thầm rời bỏ hàng ngũ quân đội chế độ cũ,vào Sài Gòn làm việc trong ban biên tập nhật báo Làm Dân và tá túc ngay tại tòa soạn tờ báo này ,cũng là tòa soạn tạp chí Trình Bầy tại số 291 Lý Thái Tổ,nơi đây cũng là nhà in riêng của báo và là nơi trú ngụ của vợ chồng nhà văn Thế Nguyên,Chủ nhiệm kiêm Chủ bút .
Nhà cầm quyền Sài Gòn rất căm ghét tờ Trình Bầy,nay lại thấy nhóm này ra thêm nhật báo Làm Dân,ảnh hưởng sẽ rộng rãi hơn nhiều nên quyết tâm triệt hạ cho bằng được.
Kinh nghiệm đàn áp những tờ báo đối nghịch như Trình Bầy,Đối Diện …trước đây cho chúng thấy nếu chỉ bằng những biện pháp tịch thu,truy tố ra tòa tiểu hình theo luật báo chí thì chưa chắc gì có thể bóp chết ngay được
trong một thời gian ngắn một tờ báo được đọc giả hết lòng ủng hộ.Những thủ tục kháng án ở một tòa án dân sự có thể giúp tờ báo kéo dài thời hạn thi hành bản án thêm nhiều tháng.Biện pháp tịch thu cũng khó có thể tịch thu hết số báo phát hành.Một số lượng lớn báo bị tịch thu vẫn có cách đến tay bạ đọc và tờ báo vẫn sống được nhờ sự ủng hộ của độc giả.Cách tốt nhất để triệt hạ tức khắc tờ báo chính là triệt hạ người cầm đầu tờ báo đó bằng một bản án chung thẩm theo tội danh không phải là tội danh báo chí mà được qui định rõ ràng là án tù.Theo một sắc luật đươc nhà cầm quyền Sài Gòn ban hành thì bất cứ người nào can tội chứa chấp đào binh bất phục tùng sẽ bị truy tố trước tòa án quân sự và bị xử án tù 5 năm.Án ở đây là án chung thẩm,sẽ được thi hành ngay.Và chúng đã đánh hơi được điều đó ở “địa chỉ đen” 291 Lý Thái Tổ.Chính vì vậy vào một buổi sáng ngày thư Ba,khi nhà văn Thế Nguyên và tôi từ tòa án Sài Gòn trở về ( sáng nay,anh phải ra tòa vì một truyện ngắn của Thế Vũ “Ngày về” đăng trên Trình Bầy số 38),anh hơi ngạc nhiên khi thấy lố nhố một đám cảnh sát trước tòa soạn. Vào cửa ,chúng tôi thấy ngay Thế Vũ đang đứng trong một góc phòng,một tay của Thế Vũ bị một tên cảnh sát nắm chặt.Cảnh tượng này khiến anh Thế Nguyên chợt hiểu ra tất cả.Anh tiến lại viên cảnh sát mang lon trung úy và hỏi:
- Cái gì?
Viên cảnh sát chìa ra một lệnh khám xét với vẻ tự đắc.Chỉ vào Thế Vũ ,viên cảnh sát hất hàm:
- Ông biết người này?Thế Nguyên chưa kịp trả lời ,Thế Vũ đã bình tỉnh lên
tiếng:
- Tôi không biết ông này,tôi đến xin nhắn tin về gia đình.
- Im ngay,tao chưa hỏi đến mày!
Sau đó,Thế Vũ bị còng tay đưa lên xe chở về bộ chỉ huy cảnh sát quận 10.Trong suốt thời gian bị giam cầm tra tấn ở cảnh sát quận 10,chúng cố moi cho được mối quan hệ giữa anh Thế Nguyên và Thế Vũ,hòng thực hiện mưu đồ bản án chung thẩm đối với Thế Nguyên,người cầm đầu tờ báo.Nhưng Thế Vũ vẫn khăng khăng một lời khai như ban đầu.Trong thời gian này,nhà văn Nguyễn Nguyên đóng vai người chú họ thăm nuôi Thế Vũ.Sau đó Thế Vũ bị đưa đi lao công đáo binh,lại đào ngũ về Nha Trang cho đến ngày giải phóng. Đó là một quảng đời ngắn tôi biết về Thế Vũ.
Trong tạp chí Trình Bầy số 42 ,số cuối cùng chia tay bạn đọc,trong chuyen mục Nhật ký hàng ngày,tôi có viết một đoạn ngắn nhắc lại cái buổi sang hôm ấy- với một tấm lòng trân trọng và cảm phục về sự trong sáng của Thế Vũ- dù trong cơn hoạn nạn,vẫn hết mực bảo vệ bạn bè,anh em,đồng nghiệp.
Gần 17 năm sau ,tôi được gặp lại Thế Vũ một đêm ở trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Nha Trang trên đường về thăm Huế.Cái khắc khổ,thẳng thắng,chân tình,trong sáng và khẳng khái của con người Thế Vũ vẫn như xưa.Trong câu chuyện hàn huyên,anh rất vui mừng và phấn khởi trước chủ trương đổi mới của Đảng về văn hóa văn nghệ.Tôi vừa mừng vừa lo cho anh-Và sự lo lắng của tôi đã trở thành sự thực…

NGUYỄN MIÊN THẢO
Báo Khánh Hòa cuối tuần
--------
(1) Nguyễn Văn Bỗng,Sóng vẫn vỗ trên bờ biển Nha Trang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét