Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN(KỲ 24)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Bốn

241 Andrew LÂM
GIẢ VIẾT TIẾNG ANH ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU NHẤT
Nhà báo, nhà văn Việt kiều tên thật Lâm Quang Dũng sinh 1964 tại Tiền Giang. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 30.4.75 lúc 11 tuổi theo gia đình (cha là trung tướng Lâm Quang Thi, Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 1 trực tiếp chỉ huy cuộc rút quân hỗn loạn từ Quảng Trị vào Huế rồi vào Đà Nẵng gây nên cuộc tan rã của quân đoàn này) đi tàu di tản qua Mỹ.
Lớn lên tốt nghiệp đại học ngành sinh hóa nhưng lại chuyển qua viết báo, viết văn nổi tiếng. Viết nhiều bài báo, bình luận xã hội, văn hóa, văn học trên nhiều báo lớn của Mỹ đồng thời làm biên tập, bỉnh bút cho đài phát thanh chuyên về lĩnh vực Đông Nam Á và quan hệ Đông - Tây. Đã xuất bản tập truyện ngắn, tạp bút tập hợp lại sau 15 năm vào nghề tựa đề “The Perfumed Dreams: Reflections on Vietnamese Diaspara” (Những giấc mộng ngát hương: Những suy ngẫm về tình trạng di dân của người VN”) năm 2005. Đoạt nhiều giải thưởng báo chí dành cho giới nhà báo trẻ thế giới, nhà báo Châu Á.
Nội dung toàn bộ sự nghiệp sáng tác đến nay đều xoay quanh chủ đề lịch sử VN – tuy không nhận mình là nhà viết sử – qua lăng kính nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua, đời sống người Việt di dân qua Mỹ gặp bao khó khăn trắc trở trong quá trình hoà nhập bắt buộc: “Nếu bạn không biết quá khứ thì không thể nói về tương lai”. Cũng từ đó đặt ra bao vấn nạn với người di dân cả về đời sống lẫn tâm linh, nỗi đau mất gốc hay chấp nhận trở thành một “công dân thế giới” không quê hương?
Khác với cha mình – thề sẽ không quay về nếu còn… cộng sản! – riêng mình đã nhiều lần về nước, lần đầu năm 1992. Sau đó còn đóng vai nhân vật dẫn đường về VN trong một bộ phim tài liệu của Mỹ “My Journey Home” (Hành trình trở về của tôi).
Từ đó có một cái nhìn thoáng hơn về lịch sử khổ nạn của dân tộc VN: “Chuyện của nước tôi là một bi kịch khởi sự khi những chiến hạm Pháp đầu tiên tiến vào 200 năm trước…” Với ước mong dùng văn chương làm phương thuốc trị liệu tinh thần cho người Việt hải ngoại: “Nghệ thuật là đứa em của y khoa, nó nhắm hàn gắn vết thương.

242 - Dương Bá Quy
VỢ CHỒNG “SIÊU” DŨNG SĨ… KHÔNG NHÀ!
Nông dân sinh 1943 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2005).
Trong chiến tranh chống Mỹ 2 vợ chồng đều là du kích: Chồng đánh 67 trận 17 lần được phong Dũng sĩ, được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và 8 Huân chương Chiến công các loại; vợ cũng 5 lần được phong Dũng sĩ.
Sau 75 trở về làng cũ sống nhưng không có nhà nên 2 vợ chồng phải vào đồn lính cũ gỡ mìn, đào cọc sắt về làm nhà ở tạm. Làm chính quyền cấp xã gặp thời buổi khó khăn mà nhà thêm 6 đứa con nên cũng chỉ đủ ăn là may. Đến khi về hưu năm 1991 không có đất sản xuất nên cuộc sống càng túng bấn thêm.
Năm 1996 quyết định đưa cả gia đình đi kinh tế mới lên Đắc Lắc hy vọng “đổi đời”. Nhưng không có vốn liếng đành đi làm thuê làm mướn qua ngày, vợ lại đau ốm hoài do hậu quả thương tích chiến tranh thành ra cũng chẳng kiếm được mảnh đất, căn nhà nào để nương thân. Sau 7 năm tha hương không thể “đổi đời” nổi cuối cùng năm 2003 lại dắt díu vợ con lê thê lếch thếch về lại quê cũ Quảng Trị, tay trắng vẫn hoàn trắng tay!
Nhưng về quê vẫn không có nhà ở, đành xin trú tạm nhà người em, 8 mạng người chỉ có 2 chiếc giường èo ọp để ngủ. Công ăn việc làm thì mượn tiền (lương hưu cả 2 được 1,2 triệu đồng/tháng) mua bò để nuôi và vài sào ruộng cha con lăn lưng ra cày cấy.
Đã làm đơn xin chính quyền cấp đất làm nhà nhưng 2 năm qua chưa hồi âm trong lúc nghe nói cấp trên và đồng đội đang đề nghị Nhà nước … phong cho anh danh hiệu Anh hùng!

243 - Đặng Văn Quang
Trung tướng Đặng Văn Quang.
TIỀN THAM NHŨNG Ở ĐÂU?
Nguyên trung tướng VNCH sinh 1929 tại Sóc Trăng. Sống ở Mỹ (2010).
Từng là nhân vật quyền lực thứ tư trong chế độ cũ, là cố vấn an ninh quốc gia cánh tay mặt đắc lực của Tổng thống Nguyẽn Văn Thiệu. Bị dư luận xem đã lợi dụng vị thế đó để tham nhũng nổi tiếng nhất nước qua các hoạt động buôn bán ma túy, mua quan bán chức, gửi tiền ngân hàng Thụy Sĩ…
Sau 30.4.75 đến Mỹ nhưng bị đẩy vào trại tỵ nạn rồi không được cho nhập cư vì chính quyền Mỹ sợ mang tiếng… bao che tham nhũng VNCH! Vì vậy phải vào Canada kiếm sống rất vất vả, đi làm bồi khách sạn, rửa ly tách cho quán nước…
Mãi đến năm 1989 được sự giúp đỡ của một cựu sĩ quan Mỹ quen biết mới được Mỹ chấp nhận cho vào. Nhưng cũng vẫn phải sống cảnh khốn cùng, cả nhà làm dưa mắm, bánh quai vạc, bánh bao đem đi bỏ mối kiếm tiền qua ngày. Ở Nam California thấy sống không nổi phải chuyển qua Atlanta thuê garage tạm trú không điện nước, không cả nhà vệ sinh.
Đã vậy, đi đâu gặp Việt kiều cũng bị chưởi te tua về cái tội tham nhũng làm VNCH sụp đổ. Còn việc tại sao tham nhũng dữ vậy mà bây giờ nghèo khổ đến thế thì người ta cho là chơi trò đóng kịch “che mắt thế gian”! Hay đã mất hết trong cuộc “tháo chạy tán loạn”? Đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chỉ biết thanh minh – mà không ai chịu nghe! – rằng tội đó do phe cánh Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ thời đó tung ra để “đánh” mình chống lại phe TT Thiệu.
Cuối cùng khi về già con cái đều đi làm xa hết mà cả 2 vợ chồng cùng mắc bệnh tiểu đường nên được một đệ tử cũ thương tình đưa về Viện Dưỡng lão nuôi dưỡng ỏ Sacramento (California).

244 - Đoàn Văn Toại
3 LẦN LÀM “VIỆT GIAN” CẢ 2 PHÍA
Trí thức Việt kiều sinh 1945 tại Vĩnh Long. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 1975 là một lãnh tụ sinh viên phản chiến, từng làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên Sài Gòn chống chế độ Thiệu – Kỳ nên bị bắt giam.
Sau 75 ở lại làm việc cho chế độ mới trong ngành tài chính ở TPHCM nhưng chỉ được một thờì gian ngắn do bất đồng quan điểm sao đó nên lại bị… bắt bỏ tù 28 tháng – tù 2 chế độ! - mà không có tội danh gì rõ ràng vì thành phố đang trong thời kỳ quân quản.
Sau khi được thả ra bèn vượt biên qua Pháp năm 1978. Tại đây bắt đầu viết một loạt sách bằng tiếng Pháp lên án dữ dội chế độ lao tù cộng sản ở VN ví như thời Stalin ở Liên Xô cũ trước đây giống như nhà văn Liên Xô ly khai A. Solzhenitsyn giải Nobel văn chương 1970 (mất 2008) từng làm thập niên 60.
Sau vài năm thì chuyển qua sống ở Mỹ, được Đại học California nhận vào làm việc.
Thế rồi bất ngờ vào cuối thập niên 80 nhảy ra lập Viện Vận động dân chủ cho Đông dương theo xu hướng tiến bộ của thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi… bỏ cấm vận và tái lập bang giao với VN! Lập tức bị các phe phái VN hải ngoại chống đối chụp ngay cái mũ “Việt gian” (mũ chụp lần đầu là sau 75 ở lại làm cán bộ cho chính quyền cộng sản, lần thứ hai ra sách ở Pháp thì cái mũ này lại do… chế độ XHCN VN chụp) với đòn đáp trả chí tử: Tháng 8.1989 bị phục kích ám sát ở TP Fresno (bang California), bắn cho mấy phát đạn vào mặt những may chỉ bị vỡ quai hàm được cứu sống, nay phải mang quai hàm… bằng thiếc!
Từ đó rút vào ẩn dật khá im hơi lặng tiếng. Đến năm 2004 mới ra mặt khá hoành tráng trong đám cưới con trai ở Mỹ lấy vợ đưa qua Mỹ sống luôn là ca sĩ Trần Thu Hà biệt danh “Hà Trần”, con ca sĩ NSND Trần Hiếu, cháu nhạc sĩ NSƯT Trần Tiến!
Và năm 2007 đã về thăm lại quê hương với cô vợ mới chỉ lớn hơn con dâu 6 tuổi, được phỏng vấn đưa lên báo xôm tụ.

245 - Ngô Thị Tần
NỮ PHÁO BINH NGƯ THỦY KHÔNG CHỒNG MÀ CÓ CON
Nông dân sinh 1944 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2000).
Là một trong 37 nữ chiến sĩ của đội pháo binh Ngư Thủy trong chiến tranh chống Mỹ nổi tiếng qua bộ phim tài liệu của đạo diễn Lê Mạnh Thích.
Sau khi kết thúc chiến tranh trở về đời sống thường dân thì phần vì gia cảnh nghèo khó phần lại đã quá lứa lỡ thì không có chồng. Để an ủi tuổi già đã chấp nhận có con gái ngoại hôn với người khác mặc tiếng dị nghị của làng xóm và cố gắng nuôi nấng con nên người.
Nhưng con gái lớn lên đi lấy chồng xa bỏ lại mẹ già lủi thủi một mình trong căn lều thấp lè tè “toàn tranh” với mái, vách và cả cửa đều bằng tranh. Sống gượng được ngày nào hay ngày ấy bằng nghề… “đi nhặt củi”!

246 - Nguyễn Đình Thúc
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 9
Thương binh bộ đội sinh khoảng 1950 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2006).
Vào Nam chiến đấu bị bắt. Do bị trúng đạn ở đầu và ngực nên dù được phía địch cứu sống vẫn mắc bệnh tâm thần.
Đầu năm 1975 được trao trả tù binh đưa về miền Bắc nhưng sau đó do bệnh tâm thần nên bỏ trốn đi lạc xem như mất tích luôn.
Đến giữa năm 1976 ở quê nhà làm lễ truy điệu liệt sĩ có mặt người vợ chưa cưới vẫn một lòng chờ đợi. Không ai ngờ lúc đó người thương binh đang lưu lạc lang thang đi ăn xin ở các khu phố chợ Hà Nội, còn bị bọn xấu giành chỗ đánh đập tàn hại. May thay được một gia đình hảo tâm thương xót đem về nhà nuôi sống qua ngày.
Đến cuối năm 1980 tình cờ một người bà con nhìn thấy giống liệt sĩ mà lại hay gọi tên mẹ nên thông báo cho gia đình lên Hà Nội nhận con. Từ đó nhờ gia đình và người vợ chưa cưới ngày nào tận tình chăm sóc nên dần phục hồi trí nhớ, trở lại làm người bình thường lấy vợ sinh con, tìm được chút hạnh phút muộn màng.
Đặc biệt chuyện tình và hôn nhân của “liệt sĩ chưa chết” này còn kéo theo nhân vật hậu chiến độc đáo nữa là người vợ chưa cưới nêu ở trên Phạm Thị Học (sinh 1946 cũng quê Thái Bình) từ khi chia tay đã luôn qua lại phụng dưỡng bố mẹ chồng chưa cưới như một người con dâu, kể cả lúc sau này được tin báo tử người yêu liệt sĩ.
Nhưng đến khi tái ngộ người xưa thì trong niềm vui trùng phùng còn nỗi đau thân phận ác nghiệt: Năm 1972 cô bị bệnh u nang buồng trứng phải cắt bỏ. Vì vậy không thể có con nên không muốn chính thức kết hôn với người yêu cũ mà muốn “nhường” chỗ cho người khác giúp anh có con nối dõi!
Thế là dù bố mẹ chồng không đồng ý, vẫn tự nguyện đi dọ mối gầy duyên mới cho người thương binh lạc loài là một người bạn gái thân thiết. Rồi tự mình đứng ra lo liệu mọi chuyện làm lễ cưới cho 2 người đàng hoàng.
Còn phần mình chấp nhận sống độc thân, chỉ xin nhận được con cái đôi vợ chồng mới gọi là “Mẹ”. Và tìm khuây khỏa trong công tác tình nguyện phục vụ tại Hội Người mù thị xã với niềm vui khiêm tốn: “Người thân và những người chung quanh được hạnh phúc là tôi thấy đủ ở cuộc sống này rồi.”
Nhà văn Minh Chuyên đã đưa câu chuyện đời bất hủ trên lên kịch trong tác phẩm gây ấn tượng “Người không cô đơn”.

247 - Nguyễn Đức Hồng
NGƯỜI CHỒNG KHÔNG BAO GIỜ CƯỚI
Bộ đội phục viên sinh 1946 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2008).
Năm 1964 trước khi nhập ngũ vào Nam chiến đấu đã hứa hôn với người yêu là một nữ thanh niên xung phong, hẹn khi chiến tranh kết thúc trở về sẽ làm đám cưới. Cô cắt một lọn tóc thề kèm theo tấm ảnh nhỏ trao cho người yêu làm kỷ vật mang theo, còn mình tình nguyện ở lại vừa làm nhiệm vụ thanh niên xung phong vừa làm con dâu “chưa cưới” phụng dưỡng bố mẹ nhà chồng.
Từ đó là 2 vật bất ly thân trên từng bước đường hành quân, chỉ có một lần trước một trận đánh ác liệt ở Quảng Trị bất đắc dĩ phải bỏ vào một ống pháo sáng chôn xuống đất sợ vào trận sẽ bị làm cháy mất. May là sau trận đánh tìm lại vẫn còn nguyên.
Nhưng kỷ vật và anh bộ đội vẫn còn nguyên mà chủ nhân của kỷ vật thì không bao lâu sau không còn nữa bởi đã hy sinh năm 1968 trong một trận bom Mỹ: Chính là một trong 10 cô gái dân quân của “Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc”, tiểu đội trưởng Võ Thị Tần lúc ấy mới 22 tuổi cùng cả tiểu đội đều hy sinh trên cứ điểm bảo vệ trục giao thông vào Nam.
Sau 75 ôm kỷ vật trở về với tấm lòng tan nát trước tấm di ảnh mà bố mẹ mình đã đặt trên bàn thờ nhà mình xem như đã là con dâu rồi. Từ đó nhấùt quyết không lấùy vợ mới mà vẫn qua nhà vợ làm bổn phận con rể, chăm lo cho bố mẹ của ngưòi hôn thê đã khuất.
Mãi đến nhiều năm sau đích thân bố mẹ vợ… đi hỏi cưới vợ mới cho, người con “rể hờ” mới chịu. Với điều kiện đặt ra với người vợ mới là trên bàn thờ phải thờ di ảnh người vợ chưa bao giờ cưới kia vì “Với anh, Tần không bao giờ chết”.

248 - Nguyễn Đức Phúc
LẬP LÀNG FULRO
Doanh nhân sinh 1944 tại Bình Định. Sống ở Lâm Đồng (2008).
Cha đi tập kết, mẹ bị bắt, còn mình bị kêu lính nên bỏ trốn đi du kích rồi được đưa ra Bắc huấn luyện, sau đó vào Nam lại hoạt động ở vùng Bình Thuận – Lâm Đồng. Từ đó đã lăn lộn thời gian dài trên chiến trường vùng rừng núi này, từng 3 lần đồng đội tưởng đã hy sinh làm lễ truy điệu nhưng đều sống sót nhờ núi rừng và đồng bào dân tộc cứu giúp.
Vì thế sau 75 đã xin về hưu non để ra ngoài làm công ty du lịch dã ngoại tư nhân qua đó kết hợp mụïc đích góp phần bảo vệ rừng trước nạn khai thác rừng, bắt thú rừng (nhất là giống voi) bừa bãi còn gây tác động xấu đến đời sống đồng bào dân tộc ngày nào từng cưu mang mình. Dần dà xin đứng ra quản lý hàng vạn héc ta rừng với phương thức dùng người dân tộc địa phương tự cai quản rừng của mình.
Từ đó lập cả một làng người dân tộc từ các nơi chuyển đến để làm nhiệm vụ này, ngôi làng mang tên Darahoa. Ngôi làng có đến 300 nhân khẩu, đặc biệt trong đó có cả những tàn quân Fulro trước đây nghe theo gia đình quay về cùng góp công góp sức dựng xây mái nhà chung là rừng: “Đưa họ về làng sớm ngày nào thì họ càng nhanh thành người lương thiện ngày đó, tránh được những cái chết thương tâm.”
Thỉnh thoảng cùng vợ vẫn khăn gói vào rừng mở những cuộc hành huơng “về nguồn” tìm lại kỷ niệm thời chiến đấu gian khổ cũng như là một cách đền ơn đáp nghĩa với bà mẹ Rừng.

249 - Nguyễn Đức Sơn
BỎ ĐỜI LÊN NÚI
Nhà thơ, nhà văn sinh 1937 tại Ninh Thuận. Sống ở Lâm Đồng (2010).
Trước 75 ở miền Nam nổi tiếng là một nhà thơ, nhà văn thuộc khuynh hướng “nổi loạn” bất cần đời với tư tưởng và cách sống khác người. Có tình cảm thiên Cộng ủng hộ miền Bắc, từng bị bắt vì tội trốn quân dịch. Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn (bút danh Sao Trên Rừng) và 11 tập thơ trong đó nổi bật là một “thiên tài thơ” với cảm xúc phoáng khoáng phá cách đáng xếp vào hàng 3 tài năng sáng tác thơ văn mới mẻ độc đáo kiệt xuất bên cạnh Bùi Giáng và Phạm Công Thiện thời đó.
Nhưng sau 75 đã nhanh chóng tan vỡ ảo tưởng về “Cách mạng lý thuyết” như mơ ước cộng với tư tưởng “vô chính phủ” sẵn có nên trước những biến động lớn về lịch sử và xã hội không chấùp nhận nổi đã đem hết vợ con – 7 trai 2 gái lúc đó – bỏ lên vùng đồi núi Bảo Lộc (nơi được thiền sư Nhất Hạnh trước đó đã xây một thiền thất đặt tên là Phương Bối am) - dựng một căn nhà tranh vách ván sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Sống như một “Robinson thế kỷ 20” tự lao động trồng trọt (khoai sắn, rau, mít, chuối…) để tự cung tự cấp qua ngày. Tránh tiếp xúc với người ngoài, tuyệt đối không cho con cái xuống núi đi học:
“Tháng chạp sầu đời trên núi lạnh
Ta và em hai kẻ cóc cần đời.
Đời mạt pháp, con người mạt hậu
Có một tấm lòng rồi cũng chỉ rong chơi…”
Song song đó còn cùng gia đình trồng và chăm sóc cả một rừng thông hoang vắng ngút ngàn rộng khoảng… 30 hécta! Từ đó có biệt danh “Sơn Núi”.
Trong cảnh sống hoang dã như “người rừng” vẫn tiếp tục làm thơ nhiều, làm nhanh làm dễ mà vẫn hay như thường – ngày càng hay - với nguồn cảm hứng lai láng từ cảnh trí thiên nhiên rừng núi bao bọc mình đã mê mẩn từ lâu (mới sinh ra bút danh Sao Trên Rừng):
“Một đêm sao ở trên rừng
Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian.
Hồn tôi cây cối bên hoa
Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ…”
Từ đó thêm biệt danh “Thi sĩ vạn thông”.
Nhưng cảnh sống đó kéo dài mình và vợ chịu đựng được song con cái khó kéo dài nổi khi một người con chết vì ăn nhầm rau rừng độc không đưa đi bệnh viện kịp. Cả vợ khi sinh thêm con may mà phút chót chịu đưa xuống núi vào viện mới cứu được! Cuối cùng đành gửi một số con vào nương tựa nhà chùa gần đó.
Sau đó các em tìm cách rời chùa ra ngoài đi học hòa nhập với xã hội, một chị gái đưa 4 em trai ra ở riêng nuôi ăn học, ở nhà còn 2 con gái cũng đã “tranh đấu” đòi được quyền đi học. Đăëc biệt một con trai đã phản đối bố bỏ ra sống riêng gần như cắt đứt liên hệ với gia đình cũng là người đi theo con đường sáng tác làm thơ và nhạc cho thiếu nhi.
Cịn lại mình sống ở một căn chòi riêng, vợ và 3 con gái ở riêng căn nhà gỗ khác. Nhiều năm tháng trôi qua, xã hội dần ổn định, cuộc đời đã nhiều thay đổi khiến cả bản thân nữa đôi khi cũng không thể dối lòng tránh khỏi nỗi cô đơn:
“Ta lạnh còn em đâu có ấm
Tiếng tụng kinh là tiếng chim ru.
Để ta tụng bài thơ thiên cổ
Thơ là kinh, thật đó nàng ơi!
Về núi mang theo kinh Kim cương
Dăm cuốn thơ tình đẫm phong sương
Nửa đêm tụng chú mà rơi lệ
Nơi thành lương địa mà sao lòng mình chưa thanh lương…”
Bởi vậy càng về sau trở nên cởi mở hơn, đã mấy bận xuống núi đi đây đó tìm bạn bè cũ (vào tận TPHCM, còn về Huế tìm gốc gác ông bà quê xưa). Năm 2002 còn được biểu dương trên báo chí về công trồng rừng và “tấm gương”… chống lâm tặc! Từ đó chấp nhận gặp nhà báo cho phỏng vấn để viết bài, quay phim, lên báo và lên cả truyền hình.
Có vẻ như bây giờ mới chính thực trở thành nhân vật “Cát bụi mệt mỏi” như tựa đề tập truyện ngắn đầu tay hay nhất in cách đây đã 42 năm.

250 - Nguyễn Gia Thiều
CHỒNG HOA HẬU NỔI TIẾNG
Doanh nhân Việt kiều sinh tại VN. Sống ở Pháp (2010).
Vượt biên qua Pháp nhập quốc tịch Pháp, đến thời Đổi mới nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng ông anh là một doanh nhân ở Hong Kong đã trở về lập công ty lớn kinh doanh ĐTDĐ đầu tiên ở VN ăn nên làm ra.
Từ đó trở thành đại gia lấy cựu Hoa hậu 1992 Hà Kiều Anh kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng (nhưng không tổ chức đám cưới). Giao cho vợ ở TPHCM cùng mẹ vợ ở Hà Nội làm giám đốc công ty con kinh doanh phát đạt.
Nhưng đến năm 2003 thì… bị bắt về tội buôn lậu và trốn thuế lĩnh án tù 20 năm trong khi bà chị dâu đã trốn qua Hong Kong. Cô vợ hoa hậu cũng bị kêu ra tòa song thoát tội, chỉ bị mất vốn dính líu trong vụ án.
Thời gian đầu vợ là người duy nhất còn đi thăm nuôi nhưng một thời gian sau đôi bên chấp nhận ly dị. Nàng cựu hoa hậu xem chồng cũ “chỉ còn là bạn bè” và… đi lấy chồng khác năm 2007 cũng là một đại gia bất động sản!
Năm 2009 nhờ Pháp vận động được đặc xá ra tù sớm về Pháp.
(Còn tiếp)

1 nhận xét: